Trong bài trước, bạn đọc được biết đó đây chuyện đuổi quỷ trục tà theo tín ngưỡng dân gian của mỗi dân tộc khác nhau. Mỗi nền văn hóa mang sắc thái quỷ sự riêng, nhưng những quan niệm ấy chưa thể hiện Chánh kiến Phật giáo; và do đó không thể đạt được tính khả thi.
Trong bài đề cập đến cách “bỏ trống cửa quỷ” ở nước Nhật, người Nhật lại cho rằng quỷ đi theo hướng Đông Bắc, cho nên những gì họ tìm cách chống lại đều liên quan đến hướng này. Điều này quả là phi lý bởi lẽ loài quỷ có được “thần túc thông” nên nghĩ đâu là đến đó, và đi đến và đi về bằng mọi hướng. Họ còn dùng lá bùa viết bằng chữ Phạn dán ở góc nhà hướng Đông Bắc, một cách đuổi tà ảnh hưởng từ những pháp sư Trung Quốc, những vị từng tu Mật tông Trung Quốc rồi truyền bá qua xứ sở này vào thế kỷ 11, gọi là Đông Mật.
Người Philippin xây “lối thoát cho quỷ” lại càng phi lý vì quỷ ta vốn siêu hình, ra vào không ngăn ngại bởi chướng ngại vật chất, thì xây để làm gì? Còn việc xây cầu thang theo cách đếm “oro, plata, mata”, giống như quan niệm đếm theo “sanh, lão, bệnh, tử, sinh..” hiện đang phổ biến ở Việt Nam, vẫn là sự mê tín dị đoan, không có căn cứ khoa học tâm linh.
Người Thái Lan xây “nhà hồn” cho quỷ trú ngụ để khỏi quậy phá vì không có chỗ ở, là một quan niệm dân gian không đáng tin cậy.Nghiệp ác của loài quỷ là phá hoại, xâm hại, gây hại và chúng ngạ quỷ không ở tại nhà do người dân xây tươm tất, chỉ trú ngụ tạm thời trên đồng vắng, nhà hoang, nghĩa địa tiêu điều, ao sình, nước đục. Do căn bản trí của loài quỷ bất định, chúng thường hiện thân đó đây vô định, bất thường, thì chuyện “xây nhà” cho họ là phi thực tế. Riêng loại quỷ oai đức thường trú ngụ trong đền đài của mình được xây trên không trung, đương nhiên là họ không ở trong nhà xây của loài người, vốn nhỏ hẹp và thiếu nhiều tiện nghi so với “quỷ phước” của họ.
Người Trung Quốc xây nhà, chùa, đền mạo bằng kiến trúc mái cong để chống lại loài quỷ xâm nhập. Nên biết, đây không phải là quan niệm của Phật giáo, mà là tín ngưỡng dân gian. Kinh điển chưa bao giờ xác quyết loài quỷ bay theo đường thẳng và sợ đường con như người Tàu bịa đặt. Một khi có được “thần túc thông” đương nhiên là phi hành tự tại bằng ý niệm, không phải bằng thân thể mà phụ thuộc theo chiều thẳng, đường cong.
Người phương Tây, Nam Mỹ quan niệm sơn cửa nhà màu xanh dương sẽ được giống màu nước, lừa được ma quỷ vì chúng không thể đi qua nước (!). Điều này quả thật phi lý vì kinh Phật khẳng định loài quỷ không có nghiệp thấy nước, họ nhìn vào sẽ thấy đó là máu mủ. Còn loài trời thấy nước là pha lê, loài rồng, cá, nhìn nước giống nhà ở, loài người mới nhìn nước là thức uống. Xuất phát điểm sai, nên mọi sự kéo theo đều sai.
Treo sáo trúc trước cửa nhà thay thế thanh kiếm để đuổi tà ma lại càng sai vì loài quỷ vốn siêu hình, làm sao bị chướng ngại và xâm hại bởi vật thể hữu hình?
Quan niệm đặt tượng Hộ pháp, chẳng hạn như Mahakala của người Tây Tạng và hình ảnh của hai vị thần Trung Quốc là Thân Đồ và Dư Lợi có tác dụng chống tà ma quỷ quái, chưa thể nói đây là chính xác, nhất là khi họ bảo rằng đặt ở điện thờ. Nếu đã là nơi thờ Phật, Bồ tát, Thánh tăng thì không cần phải ai canh giữ. Còn người không thờ Phật, Bồ tát, Thánh tăng nếu đặt tượng, treo ảnh cũng không thể nói có tác dụng chống quỷ, vì tượng và ảnh cũng chỉ là vật thể bình thường, bất động.
Ngoài ra, những vật dụng, cỏ cây như cây nguyệt quế, thước tiền xu Lục đế, tỏi… đều là tín ngưỡng dân gian. Đây chỉ là liệu pháp tâm lý không phải là biện pháp tâm linh. Ở nhiều chùa dùng liệu pháp tâm lý để trấn an, ủy lạo đồ chúng, nếu không trên nền tảng Bồ đề tâm, hành vi đó là tà pháp.
Theo luận điển Phật môn, tất cả những tập tục, thói quen, tập quán lâu đời lưu truyền lại trong mỗi dân tộc, ở mỗi quốc độ khác nhau, không phải là như lý tác ý, mà là phi lý tác ý, còn gọi là vô minh truyền thống.
Người tu theo đạo Phật, lấy trí tuệ làm đầu, cho nên những gì liên quan đến vô minh, không nên tuân hành. Nếu không, chúng ta sẽ rơi vào tà kiến. Không ngẫu nhiên Đức Phật dạy con đường giải thoát ngang qua Bát chánh đạo, Ngài đặt chánh kiến lên vị trí hàng đầu. Trong 18 Giới nguyện chính thuộc 64 Giới nguyện Bồ đề tâm, ghi rõ, giới số 9 là “tà kiến”, nếu hành giả Mật tông phạm vào lỗi này, và giới số 18 “thoái chuyền Bồ đề tâm”, thuộc giới nguyện chính, khó lòng sám hối mà xem như đang phá hoại công trình tu tập Kim cang thừa của mình.
Đức Phật dạy chúng ta duy trì vững chắc chánh kiến giác ngộ, tránh những vô minh truyền thống gây nhiễu niềm tin chánh pháp
Để kết luận bài này, tôi trích dẫn giáo huấn của Đức Phật dạy chúng ta duy trì vững chắc chánh kiến giác ngộ, tránh những vô minh truyền thống gây nhiễu niềm tin chánh pháp:
“Đừng vội tin tưởng một điều gì dù điều đó thường nghe nhắc nhở đến luôn. Đừng tin tưởng điều gì mà điều đó là một tập tục đã qua cả ngàn xưa để lại. Đừng tin tưởng những điều sáo ngữ hay bất cứ một điều gì mà người ta thường nói đến nhiều quá. Đừng tin tưởng bất cứ điều gì, dù cho điều đó là bút tích của thánh nhân xưa để lại bảo ta phải tin. Đừng tin một điều gì dù điều đó ở dưới mãnh lực của ông thầy hay nhà truyền giáo. Tất cả những sự thật, theo suy nghiệm riêng của mình và sau khi xác nhận rõ ràng, phù hợp với lẽ phải, tạo thành hạnh phúc riêng cho mình và hạnh phúc cho tất cả mọi người thì chính đó là sự thật và ta cố gắng sống theo sự thật ấy” (trích Kinh Kalama). Vậy theo chánh kiến Phật gia chúng ta trừ tà đuổi quỷ như thế nào?