Làm thế nào để trừ tà đuổi quỷ? Đây câu hỏi lớn của mọi người khi quan tâm đến hiện hữu tâm linh. Trước khi thực hành cần phải xác định ai là người bị trúng tà, quỷ nhập? Nơi đâu cho thấy hoặc biết có sự lộng hành của quỷ? Chúng ta loại trừ đối tượng “ma” vì bài trước cho biết “ma” là loài trời, ở xứ “Tha hóa tự tại thiên”. Họ hiếm khi đến nhân gian gây sự.
nhận biết biểu hiện quỷ nhập từ thô đến tế
Hiện tượng quỷ nhập có lẽ bạn đọc được thấy qua mô tả trong bài “Quỷ nhập” do Mật Thủy viết. Tuy nhiên, tôi cũng nêu lại những điều lưu ý sau đây:
1/ Kinh nghiệm y khoa không chữa trị được bệnh quỷ nhập, nếu kẻ đó đi khám tổng quát sẽ không phát hiện được bệnh lý nào liên quan đến sức khỏe. Bắt đầu từ lúc bị nhập cho đến sau một thời gian dài, “người bệnh” mới bị suy kiệt thể chất và tinh thần.
2/ Người bị quỷ nhập thường nói lảm nhảm, nội dung không liên quan gì đến hiện trạng của họ. Thí dụ: Đang ngồi một mình mà thốt lên: “Đừng đến đây bắt tôi, sao mọi người ác quá vậy!”. Tâm trạng họ luôn lo âu, thỉnh thoảng hốt hoảng.
3/ Họ đi đứng nằm ngồi tùy tiện. Họ đòi ăn những gì mà con quỷ đòi hỏi; thậm chí có kẻ đòi ăn thịt sống, uống máu động vật. Khi ăn thường nhai ngấu nghiến, ngồm ngoàm, thỉnh thoảng liếc mắt xem chừng ai đến giành giựt không? Kẻ bị quỷ nhập ít ngủ, lang thang nhiều, có thể trong nhà, trong xóm, trong làng, khi đi thường có xu hướng đến chỗ hoang tàn, vắng vẻ, miếu hoang, nhà hoang, ao hồ, nghĩa địa.
4/ Ánh mắt lạc thần, tròng trắng nhiều ở đôi mắt, có khi đỏ ngầu những tia máu. Sắc thái lúc thì hoảng sợ, khi thì giận dữ kèm theo những lời nguyền rủa cay độc. Họ luôn cảm giác mình bị người khác đánh, giết, bắt trói.
5/ Tóm lại, người bị quỷ nhập luôn đánh mất kiểm soát bản thân về hành vi thân, khẩu, ý.
6/ Ghét những ai nói về đạo pháp (Thầy, Phật, Pháp, Tăng), sợ hãi khi đi ngang qua chùa, tự viện, tịnh thất, đạo tràng.
Trên đây là hiện tượng bị quỷ nhập, do loại quỷ oai đức hạng bình thường (hạ đẳng quỷ thần) gây ra đối với những kẻ có tần số tâm linh tương đương (tức là sóng lực trường sinh học, trường tâm linh phóng xuất những xung động tiêu cực nặng nề do tích tụ lâu ngày những “chất quỷ”). Tuy nhiên, có những loại người bị quỷ nhập lại được kẻ khác sùng bái. Đây là hiện tượng quỷ nhập vi tế, người bị nhập không hề hay biết mà chỉ nhận ra sau một thời gian dài (có khi hàng vài năm đến vài chục năm trở lên) sau khi quỷ ta xuất đi. Đây là sự chiếm giữ linh hồn con người một cách tinh vi mà chỉ có loại quỷ oai đức bậc trung, bậc cao (trung đẳng quỷ thần, thượng đẳng quỷ thần) có tước quỷ hẳn hoi, mới làm được! Quỷ ta du hí thần thông rồi hứng chí tự tung tự tác qua thân người của kẻ bị nhập. Những biểu trạng sau đây để nhận biết:
1/ Kẻ bị nhập vẫn sống đời sống bình thường của con người, chỉ khác ở chỗ là sau khi quỷ nhập họ có được năng lực siêu nhiên, khả năng phi thường, gọi là “quỷ thông” (thiên nhãn thông, thiên nhĩ thông, tha tâm thông, tức là nhìn xa, nghe xa, đoán bắt hoặc có thể đọc được ý nghĩ của người khác).
2/ Họ có cách nói năng lưu loát (hoạt khẩu, lợi khẩu) nhưng chỉ xảo biện nhằm che đậy mưu đồ bất chính, hoặc vì trục lợi cá nhân. Có kẻ khi bị quỷ nhập xuất khẩu thành thi, dẫn chuyện thật hấp dẫn.
3/ Nội dung diễn đạt của kẻ bị nhập như vậy, thường xoay quanh vấn đề ngũ dục (tài, sắc, danh, thực, thùy), đặc biệt hay nói chuyện phong tình. Họ rất ngại đề cập đến đạo pháp và chánh kiến Phật giáo.
4/ Nếu kẻ bị quỷ thần thiện oai đức nhập vào thì họ thường có khuynh hướng khuyên răn làm lành, tránh dữ nhưng không đề cập đến việc tu tập trí huệ giải thoát. Đặc biệt, họ rất sợ giảng thuyết hay phân tích về giới luật Phật môn, nhất là giới cấm tà dâm (giới biệt giải thoát cá nhân), còn trong Bồ tát giới nguyện họ sợ nói về giới cấm tà kiến, và cấm thoái chuyển Bồ đề tâm. Tựu trung lại họ khuyến tấn tu thiện, làm phước và không dám nêu cao ngọn cờ giải thoát khỏi tam giới. Loại quỷ oai đức bậc trung này thường gá vào những kẻ đã là quyến thuộc đời trước của họ, phần lớn những người đó có linh căn, nhẹ vía.
5/ Họ làm ra vẻ đạo mạo, nghiêm trang nhưng lộ tướng qua biểu hiện trong phục sức cầu kỳ, diêm dúa, đặc biệt họ rất coi trọng hình thức bề ngoài; hoặc cố tình làm cho mình trở nên khắc khổ, tuềnh toàng.
6/ Lời nói và hành vi bất nhất (nói khác, làm khác).
7/ Lén lút gây nghiệp xấu như sát sanh, trộm cắp, tà dâm, vọng ngữ, lạm dụng các chất, các thứ gây nghiện, họ có thể ngụy trang trong hình thức vi tế khó nhận ra cho đến khi bại lộ. Chẳng hạn mới đây người dân Thái Lan phẫn nộ khi biết 3 vị sư dùng tiền của tín chủ để tậu máy bay chuyên cơ làm phương tiện đi lại. Gần hơn nữa, báo Tuổi Trẻ đăng tin những nhà sư tiếp tay cho vị trụ trì một chùa lớn ở tỉnh Chieng Mai, lạm dụng tình dục đồng tính đối với một bé trai tuổi vị thành niên. Khi cha mẹ nạn nhân tố cáo, vị trụ trì bỏ trốn.
Cần nhấn mạnh rằng những kẻ bị quỷ nhập lộ chân tướng ra bên ngoài qua những biểu trạng thô kệch, trong giai đoạn bộc phát ban đầu thì y khoa có thể điều trị được. Bởi lẽ, khi bị quỷ nhập thần kinh não bộ của họ bị lệch chuẩn, song hệ thống kinh mạch chính (gồm kinh mạch bên trái, bên phải, chính giữa, trong tổng số 72.000 kinh mạch) gọi là khí lực, chưa bị phá hỏng, chưa bị kết bế hoàn toàn. Sau khi được điều trị ở bệnh viện tâm thần, họ sẽ được tỉnh táo trở lại.
Tuy nhiên, những kẻ bị quỷ thần trung đẳng hoặc thượng đẳng oai đức nhập vào, người khác khó nhận ra vì họ mang hình tướng phương phi, đạo mạo, kèm theo năng lực quỷ thông khiến cho người khác kính phục vô cùng. Chỉ khi đàm luận đạo pháp, đề cao giới luật, đả phá tà kiến, đặc biệt là giương cao ngọn cờ trí tuệ giải thoát, chúng ta cảm nhận họ không mặn mà với những chủ đề này. Ngọn lửa tham, sân, si về ngũ dục của họ ẩn tàng sôi sục được che đậy bằng bức bình phong “ăn khổ”, “mặc xấu” nhưng tiền tài tích trữ kỹ càng, chỉ muốn thêm không muốn bớt. Họ thường “lấy của làng làm lệnh” trong những chuyến từ thiện đến những vùng sâu, vùng xa, việc mà đạo nào cũng làm được, tập thể thế gian hay trong đạo cũng tổ chức được. Song, họ rất ham việc thiện nguyện ấy vì ai cũng biết đến, chứ ngồi tu trong chùa, trong nhà ai mà biết, mà thấy! Để làm gì? Để đánh bóng bản ngã. Đi đến đâu, nói với ai họ cũng đề cao đạo pháp, tán thán Phật đà, ca ngợi tăng ni. Nhưng nếu bảo họ xây tăng phòng phục vụ người tu, lập giảng đường thuyết pháp cho đạo chúng, xây thư viện phục vụ tiếp thu kiến thức tâm linh Phật giáo, họ lờ đi. Nếu có ai đó nhục mạ họ, hoặc nghe người khác nói xấu, mạ lỵ họ thì họ sẽ phản ứng như thế nào? Ôi thôi, họ căm hận thấu xương, sắc mặt họ tái nhợt, thay đổi như da kỳ đà nhưng họ vẫn cố “nhẫn nhục” bằng một nụ cười gượng gạo, giả lả rằng chuyện đó không sao, vinh-nhục; khen chê mà làm gì! Song, về đến liêu phòng họ ngủ không được, quyết tìm cách triệt hạ kẻ kia bằng mọi cách. Cách tốt nhất của họ là dùng quyền lực của mình mà khống chế. Cách tốt nhì là vu khống và giá họa. Cách tốt thứ ba của họ là mượn chiêu bài “mạt pháp” mà chỉ trích. Cách thứ tư là ai khen người kia, hoặc bảo vệ người kia, họ ghét lây mà không nói ra, chờ dịp là họ ra tay gây hại.
Với loại người bị quỷ nhập trong trường hợp này, chúng ta đành bó tay và chỉ để cho luật NHÂN-QUẢ xử trị. Chỉ khi nào họ tự kiểm bản thân, soi rọi tâm mình, thì họ mới có thể giảm đi cho đến triệt tiêu “chất quỷ” đã thấm sâu vào máu thịt. Nếu không, đến lúc già yếu, hoặc lúc lâm chung quỷ ta ra khỏi thân người, họ trở thành kẻ tầm thường, chắc chắn sẽ không đối đầu được với nghiệp quả. Lúc đó, hối hận cũng đã muộn màng. Tôi kết thúc bài này bằng giáo huấn của thánh giả Thogme Zangpo được nêu ra trong trước tác “37 PHÁP HÀNH BỒ TÁT ĐẠO”: “ Nếu không tự quán xét lỗi lầm, tức là ta chỉ mang danh là hành giả mà không có thực hành. Bởi vậy, hãy luôn luôn quán xét và loại trừ lỗi lầm của mình. Đó là pháp hành Bồ tát đạo.