A DI ĐÀ PHẬT là Pháp Giới Tạng Thân, vì thế niệm một là niệm hết thảy, niệm một vị Phật chính là niệm hết thảy Phật. Cực Lạc là pháp giới tạng độ, vì thế sanh về một là sanh hết thảy, sanh về một cõi Cực Lạc chính là sanh về cõi nước của hết thảy chư Phật. Vì sao phải niệm A Di Đà Phật? Vì sao phải sanh về thế giới Cực Lạc? Mười phương chư Phật rất nhiều, vì sao chỉ niệm mình A Di Đà Phật? Mười phương Tịnh Độ cũng rất nhiều, sao lại chỉ riêng sanh về Cực Lạc Tịnh Độ? Lời giải đáp của Ngẫu Ích đại sư rất hay: “Di Đà là Pháp Giới Tạng Thân”. Trong kinh Đại Thừa thường nói đến Pháp Tánh Thân, Pháp Tánh Độ; Pháp Giới Tạng Thân chính là Pháp Tánh Thân, đấy chính tên gốc của Pháp Thân Phật!
A Di Đà Phật dịch là Vô Lượng Giác, Vô Lượng Quang, Vô Lượng Thọ, hết thảy đều vô lượng: Vô lượng trí huệ, vô lượng đức năng. Con người hiện tại cầu vô lượng của cải, vô lượng tướng hảo, vô lượng phước báo, cái gì cũng đều là vô lượng, sự vô lượng ấy trọn khắp hết thảy mọi chỗ! Bởi thế, A Di Đà Phật là đức hiệu của Pháp Giới Tạng Thân; niệm một Phật hiệu này là niệm tất cả hết thảy Phật hiệu, nhất định phải biết điều này! Nội dung của chữ A Di Đà Phật rất phong phú, đã phô bày rõ những ý nghĩa ấy. Những danh hiệu chư Phật khác chỉ là Báo Thân hay Ứng Hóa Thân của Pháp Giới Tạng Thân. Mười phương cõi nước khác đều là Báo độ, là Phương Tiện độ, là Đồng Cư độ. Tạng Thân là Pháp Tánh Thân, Tạng độ là Pháp Tánh Độ, tức Thường Tịch Quang Độ. Do vậy, niệm một danh hiệu Phật này là niệm tất cả hết thảy Phật!
Như vậy, nói đến thế giới Cực Lạc giống như nói về toàn thể, A Di Đà Phật là tên gốc của hết thảy chư Phật, không vị Phật nào lại chẳng vô lượng thọ, vô lượng giác ngộ, vô lượng đức năng, vô lượng trí huệ, vô lượng tướng hảo, mọi đức Phật đều là như vậy. Vì thế, đức Thế Tôn dạy chúng ta niệm A Di Đà Phật, dạy chúng ta nhất định phải sanh về Cực Lạc Tịnh Độ. Đạo lý là ở chỗ này, đúng là “nhất niệm, nhất thiết niệm; nhất sanh, nhất thiết sanh” (niệm một là niệm hết thảy, sanh về một là sanh về hết thảy). Sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới là sanh về hết thảy các cõi Phật. Phải là người đại thiện căn, đại phước đức mới hòng làm được!
Thế nào là đại thiện căn, đại phước đức? Đối với pháp môn này, nếu ai có thể tin tưởng, có thể nhận hiểu, thực sự chịu thực hành thì người như vậy chính là đại thiện căn, đại phước đức. Gặp được Thích Ca Mâu Ni Phật giới thiệu [pháp môn này] cho chúng ta, lại gặp được rất nhiều thiện tri thức đem pháp môn này giới thiệu cho mình, đấy chính là đại nhân duyên mà trong một đời này chúng ta được gặp gỡ! Gặp gỡ rồi lại có thể tin tưởng, hiểu biết, có thể thực hành, thực sự chẳng dễ dàng! Đây chính là kinh nghiệm của bản thân tôi. Tôi học Phật từ phương diện triết học, chứ không phải từ mặt tôn giáo, theo đuổi Phật giáo trên phương diện học thuật. Sau khi theo đuổi, mới dần dần nhận ra rất nhiều cái hay của Phật pháp, Phật pháp rộng lớn mênh mông, tinh túy, sâu thẳm, sanh khởi lòng ngưỡng mộ vô hạn; do vậy, mới nghiêm túc học tập!
Tu học Phật pháp, ta nay phải hết sức quan sát, thọ mạng rất quan trọng! Phải trường thọ thì quý vị mới có thể học được. Nếu thọ mạng ngắn ngủi, chưa nhận biết thì đã chết mất rồi, hoặc là vừa mới nhận ra, chưa kịp tu hành thì thọ mạng đã hết, thật đáng tiếc! Do chỗ này, chúng tôi cũng đặc biệt đề cao Tây Phương Cực Lạc thế giới; cổ nhân nói cái đức thứ nhất (tức là chuyện tốt thứ nhất) chính là vô lượng thọ! Sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới, thọ mạng vĩnh viễn! Thực sự vô lượng, chẳng phải là vô lượng hữu hạn, mà thực sự vô lượng! Sanh về bất cứ đâu cũng là vô lượng hữu hạn, nhưng nhất định phải thành Phật, thành Phật rồi thì sẽ vô lượng một cách vô lượng.
Do vậy, chúng ta có thể nói: Sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới thì vô lượng thọ là thật chứ không phải giả, quả thật là vô lượng một cách vô lượng. Trong một đời này, chúng ta gặp được cơ hội như thế này, có thể nói là rất nhiều may mắn! Chỉ những người hiểu biết rõ ràng mới chịu triệt để buông xuống hết thảy pháp thế gian và xuất thế gian, chuyên học pháp môn này, chuyên tu pháp môn này! Quyết định phải thành tựu ngay nơi một môn này thì cái đời này mới có ý nghĩa, có giá trị, không uổng phí!
HÒA THƯỢNG TỊNH KHÔNG
NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT