Thượng Tọa Thích Nhất Chân
---o0o---
Trong các chùa viện của đại thừa Bắc tông, ngoài tượng Phật bổn sư Thích Ca ra, chúng ta còn thấy tượng các chư Phật khác, và luôn luôn sẽ thấy có các tượng của Bồ Tát được thờ phụng rất trang nghiêm. Tại sao không chỉ thờ riêng Phật Thích Ca là đủ rồi như trong các chùa chiền của Nam tông Phật giáo, mà là phải thờ thêm nhiều Phật khác, nhất là tại sao lại phải thờ Bồ Tát, các vị hữu tình chưa hề phải là Phật vậy ?
Ðể trả lời câu hỏi này, chúng ta cần phải có một ý thức rõ ràng về các xu hướng tin tưởng khác nhau trong Phật giáo, bởi do từ các tín ngưỡng này mới phát sinh ra các sự thờ phụng khác nhau như thế. Ðặc biệt là trong đại thừa Phật giáo, sự thờ phụng chư Phật và chư Bồ Tát rất là phức tạp và phong phú, khác hẳn với hình thức thờ phụng trong Phật giáo Nam tông.
Tuy đức Phật là nền tảng duy nhất của đạo Phật, song trong sự thực hành vẫn luôn luôn có hai xu hướng tin tưởng khác biệt nhau là Thanh Văn và Bồ Tát. Nói đến Thanh Văn là nói đến hình ảnh của A La Hán (cùng với Bích Chi Phật), các bậc thánh trong sạch, đã hoàn toàn thoát ly khỏi vòng ô nhiễm luân hồi, đã chấm dứt sinh tử, đã thành tựu Niết Bàn, không còn dính dáng gì đến thế gian đau khổ này nữa. Còn nói đến Bồ Tát là nói đến các bậc thánh cứu độ muôn loài, hiện thân của Ðại Bi, của Trí Huệ phương tiện, của Công Ðức vô lượng và của Ðại Nguyện vô cùng. Chính do lòng tin tưởng vào xu hướng và sự thực hành của các bậc Bồ Tát này mà người Phật tử đại thừa mới quy thuận về mà thành ra sự tôn thờ các Bồ Tát trong đại thừa Phật giáo vậy.
Việc tôn thờ các chư Phật khác và các Bồ Tát này của người Phật tử đại thừa vốn bao gồm rất nhiều ý nghĩa phức tạp và thâm sâu. Song nền tảng và động cơ của sự tôn thờ dĩ nhiên bao giờ cũng không ngoài lòng tin tưởng thâm thiết và dứt khoát. Vậy do tin những gì mà người Phật tử đại thừa lại tôn thờ các Phật khác và các Bồ Tát như vậy ? Ðại khái chúng ta có thể trình bày như sau :
1 - Niềm tin đầu tiên là tin vào con đường Bồ Tát đạo. Người Phật tử đại thừa tin rằng đức Phật khởi thủy cũng chỉ là một người phàm như mọi người chúng ta, nhưng sở dĩ Ngài thành Phật được là do Ngài đi theo con đường Bồ Tát. Nói khác là Ngài thực hành các sự thực hành vị tha lợi người, tức sự thực hành các Ba La Mật Ða. Do nhờ Ngài thực hành các công việc vị tha lợi người ấy đến mức độ viên mãn, thế nên Ngài thành Phật. Khi các việc lợi tha thành quả viên mãn thì Ngài được gọi là Phật, song trong suốt quá trình thực hành các sự thực hành lợi tha này, thì Ngài được gọi là Bồ Tát. Do đó, cái quá trình thực hành lợi tha này được gọi là con đường Bồ Tát hay Bồ Tát Ðạo, hoặc Bồ Tát Hành.
Do vì tin tưởng vào Bồ Tát Ðạo này, thế nên người Phật tử đại thừa không phải chỉ thờ tượng Phật Thích Ca riêng lẻ, mà đôi khi còn khắc, chạm hay vẽ nên các mẩu chuyện mà vẫn thường được gọi là Túc Sinh Truyện hay Bổn Sinh, tức các sự thực hành Bồ Tát Ðạo của Phật Thích Ca trong các thuở quá khứ khi Ngài còn là Bồ Tát, để mà tưởng niệm và tôn thờ nữa. Ðó là lý do tại sao trong các động đá thời xưa từ Ấn Ðộ sang đến Trung Hoa khi tạc hình Phật, xung quanh người ta thường hay tạc thêm các truyền tích thực hành Bồ Tát Ðạo này của Phật Thích Ca nữa là vậy.
2 - Kế đến, người Phật tử đại thừa tin rằng có vô lượng vô biên thế giới, hữu tình theo đó cũng vô lượng vô biên ; thời gian cũng vô thủy vô chung. Thế nên, trên mặt không gian, đã có vô lượng thế giới thì cũng có vô lượng chư Phật ; trên mặt thời gian, quá khứ vô thủy vị lai vô chung, nên cũng có vô lượng bất tận chư Phật trong quá khứ lẫn vị lai. Thế nên đã nói đến Phật thì không phải duy nhất chỉ có một mình Phật Thích Ca mà thôi.
Lại nữa, người Phật tử đại thừa tin rằng tất cả chư Phật đồng cùng một bản thể từ bi và trí huệ như nhau, đồng cùng một thực hành hoạt động cứu độ chúng sinh như nhau. Năng lực cứu độ của mỗi một vị Phật đều phổ biến và ảnh hưởng đến khắp tất cả mọi chúng sinh một cách bình đẳng. Nghĩa là tâm từ bi cứu độ của tất cả các chư Phật khác đối với chúng ta cũng bình đẳng y như tâm của Phật Thích Ca đối với chúng ta, các Ngài quan tâm đến chúng ta cũng bình đẳng y như các Ngài quan tâm đến các chúng sinh ở cõi và thời của các Ngài.
Lại nữa, người Phật tử đại thừa tin rằng bản thể hữu tình của mình vốn vô ngã, tức không có một định tướng dứt khoát nào thuộc bất cứ thời gian, không gian hay bất cứ ý nghĩa cố định nào. Nghĩa là "tôi" không phải dứt khoát chỉ là thân tâm hiện đang có đây, thuộc về thời gian hiện tại này, trong thế giới con người này, và chỉ có ý nghĩa là con người mà thôi. Trái lại bản thể hữu tình của tôi cũng biến khắp ba đời mười phương, cũng cưu mang tất cả mọi khả tính để thành tựu mọi loài. Nghĩa là tôi cũng đã từng và có thể sẽ là bất cứ loại chúng sinh nào thuộc sáu cõi luân hồi của bất cứ thế giới nào trong khắp mười phương ba đời, chứ không phải chỉ là chúng sinh trong cõi con người hiện tại thuộc thế giới Sa Bà này mà thôi.
Do đó chư Phật khắp mười phương ba đời đều chắc chắn đã từng và sẽ là bậc Thế Tôn của tôi trong đời sống luân hồi vô thủy vô chung này của tôi. Thế nên, người Phật tử đại thừa khi thờ Phật, không phải chỉ thờ một mình Thích Ca Mâu Ni Phật, mà tùy theo còn thờ cả các Phật khác nữa, và chính yếu hơn hết là thờ trọn cả mười phương ba đời chư Phật.
3 - Kế đến người Phật tử đại thừa tin rằng sự hoạt động cứu độ chúng ta của chư Phật tích cực và cụ thể nhất là trong suốt giai đoạn các Ngài còn đang thực hành Bồ Tát Ðạo. Khi đã thành Phật rồi các Ngài là các bậc Thế Tôn, các đấng siêu đẳng, siêu việt, độc tôn, các Ngài không thuộc về bất cứ cõi luân hồi nào, không là con cái, anh em, bà con bạn bè của bất cứ ai, không là con dân của bất cứ xứ sở hay của bất cứ vị vua chúa nào, mà các Ngài là các bậc thầy vô thượng bình đẳng cho tất cả mọi loài. Chúng ta chỉ có được một liên hệ duy nhất với các Ngài, đó là trở thành đệ tử của các Ngài mà thôi.
Trong khi ở giai đoạn Bồ Tát, các Ngài có thể làm con cái, anh em, cha mẹ, bạn bè của chúng ta hay của bất cứ chúng sinh nào ; các Ngài có thể ở bất cứ địa vị nào trong xã hội loài người như vua chúa, vương giả cho đến bần cùng tiện dân.. để tiếp xúc làm việc ích lợi cho chúng ta ; các Ngài có thể làm vua cõi trời cho đến là tội nhân trong địa ngục, ngạ quỷ.. để chia xẻ khổ đau, để giáo hóa tích cực cho chúng ta. Thế nên, hình ảnh hóa hiện muôn mặt của chư Phật để cứu độ chúng ta trong giai đọan các Ngài hành Bồ Tát Ðạo, luôn được in dấu qua hình tướng chư Phật của các Ngài, và được người Phật tử đại thừa thầm tin tưởng hướng về tôn thờ trong khi tôn thờ các hình tướng Phật.
Lại nữa, người Phật tử đại thừa tin rằng sự thực hành Bồ Tát Ðạo không hề có lúc nào bị đứt quãng, bởi chư Bồ Tát cũng vô lượng bô biên, nối tiếp nhau hành Bồ Tát Ðạo không bao giờ dứt, hết vị này thành Phật rồi sẽ đến vị khác tiếp nối thành Phật. Nghĩa là trong hiện tại này đang có biết bao nhiêu là hoạt động tích cực và cụ thể của chư đại Bồ Tát cứu độ chúng ta bằng liên hệ này hay liên hệ khác, bằng hình tướng này hay hình tướng khác. Người Phật tử đại thừa do tin như thế, nên ngoài chư Phật ra, còn tôn thờ cả các đại Bồ Tát hiện đang thực hành con đường Bồ Tát Ðạo tích cực cứu độ chúng sinh ấy nữa.
4 - Lại nữa, với người Phật tử đại thừa, hình ảnh Bồ Tát là nhân, là sự thực hành cụ thể và tích cực cứu độ chúng ta ; hình ảnh chư Phật là quả, là sự hoàn thành viên mãn công cuộc cứu độ ấy. Chư Phật đã thành quả, nên dù các Ngài có ở yên trong thiền định, không có chút hoạt động gì hết với chúng sinh, thì các Ngài vẫn cứ là Phật. Song nếu các Bồ Tát mà trụ yên trong thiền định, không có hành động tích cực lợi sinh nào hết, thì sẽ không bao giờ thành Phật được. Thế nên, để thành Phật, các Bồ Tát phát đại nguyện không bao giờ lìa bỏ chúng sinh, mà phải tìm phương tiện cứu độ cho đến cùng. Do đó, công việc trực tiếp làm lợi ích cho chúng sinh, trực tiếp liên hệ cứu độ chúng ta, chính là tâm nguyện nền tảng, là hoạt động duy nhất của các vị Bồ Tát. Do tin tưởng như thế, nên trên phương diện thực tế sống động, người Phật tử đại thừa thờ phượng các vị Bồ Tát còn gần gũi, trực tiếp và thâm thiết hơn cả các chư Phật nữa là vậy.
5 - Lại nữa, người Phật tử đại thừa tin rằng mỗi một vị Phật đều có đến ba thân là Pháp Thân, Báo Thân và Hóa Thân. Ba thân đều dùng để độ sinh : nhờ Pháp Thân nên chư Phật có mặt tiềm tàng sẵn khắp mọi nơi mọi thời, mọi cảnh giới của mọi loài chúng sinh, để chờ nhân duyên là ứng hiện ra mà hóa độ chúng sinh. Nhờ Hóa Thân mà chúng sinh có thể trực tiếp gặp gỡ chư Phật sống động như một hữu tình đồng loại qua các căn mắt tai mũi lưỡi thân ý của họ, để rồi qua Hóa Thân đó họ được gần gũi cúng dường, nghe Pháp mà đắc độ. Nhờ Báo Thân mà các bậc đại Bồ Tát mà công đức và trí huệ đã vượt ngoài các cõi luân hồi, tức các Bồ Tát thuộc mười Ðịa, được tiếp tục hướng dẫn cho đến khi chứng nhập trọn vẹn vào Pháp thân để thành tựu Phật quả.
Như trường hợp của Phật Thích Ca, thì khi gọi Ngài là Thích Ca đó chỉ là nói cho Hóa Thân của Ngài mà thôi, Hóa Thân này chúng ta có thể thấy biết được qua các căn của chúng ta như một người đồng loại với chúng ta, sinh ra làm thái tử, lớn lên đi xuất gia, thành Ðạo, và thuyết Pháp lại để giáo hóa cứu độ chúng ta, sau đó Ngài đã nhập Niết Bàn không còn đâu nữa. Khi nói đến Pháp Thân Ngài, chúng ta sẽ gọi Ngài là Tỳ Lô Già Na Phật, thời Ngài chưa từng sinh chưa từng diệt, song luôn thường hằng và tiềm tại sẵn trong tất cả các pháp, tất cả mọi cảnh giới của hữu tình. Khi nói đến Báo Thân Ngài thời chúng ta gọi Ngài là Lô Xá Na Phật, thời Ngài luôn đang trụ nơi báo độ của Ngài để thuyết pháp cho các hàng thập địa Bồ Tát.
Nếu không có Pháp Thân biến cùng khắp pháp giới, thì không thể nào tùy duyên theo pháp giới chúng sinh mà hóa thân khắp mọi nơi mọi thời để cứu độ chúng sinh được, tức sẽ không có Hóa Thân nữa. Lại nếu không có Pháp Thân thời sẽ không có cảnh giới cứu cánh cho sự giác ngộ thành Phật, như thế mọi công trình tu tập Bồ Tát Ðạo sẽ không có kết quả, mà nếu quả báo không có thì Báo Thân cũng sẽ không có. Ngược lại, nếu không có Hóa Thân và Báo Thân, thì sẽ không có được phương tiện độ sinh, không có được thành quả chính thức, Pháp Thân như thế sẽ trở thành vô tác dụng và không sao hiển lộ ra được rõ ràng, nên coi như là không có vậy. Do đó ba thân phải cùng có với nhau, thì sự có mặt của một vị Phật mới có được. Do tin tưởng như thế, nên người Phật tử đại thừa không phải chỉ tôn thờ riêng Hóa Thân Thích Ca Mâu Ni Phật, mà còn tôn thờ một lúc cả ba thân Phật nữa.
6 - Lại nữa, người Phật tử đại thừa tin rằng có nhiều bậc đại Bồ Tát do thực hành Ðại Bi, nên tuy đã chứng Pháp Thân, song không chịu chứng lấy Phật quả, mà dùng Nguyện lực đại bi thể nhập vào Pháp Thân, biến cùng khắp pháp giới chúng sinh, để tùy theo căn tính và nhân duyên của chúng sinh mà ứng ra vô lượng vô biên thân, theo chúng sinh không cùng mà bất tận cứu độ. Ðó là các đại Bồ Tát như Văn Thù, Phổ Hiền, Quan Âm, Ðịa Tạng, Di Lặc v.v..
Lại nữa, người Phật tử đại thừa còn tin rằng có biết bao Bồ Tát đã thành Phật từ lâu lắm rồi, song chưa từng thật sự nhập Niết Bàn, trái lại các Ngài vẫn trụ nơi Pháp Thân và bằng lực Bi Nguyện bất tận, tiếp tục hành Bồ Tát Ðạo, tùy thuận chúng sinh hóa thân vô lượng hình tướng để mà cứu độ. Ðó là các bậc cổ Phật như Duy Ma Cật Bồ Tát chẳng hạn, hay ngay như các Bồ Tát Văn Thù và Quan Âm cũng thật sự đều là các cổ Phật.
Chính nhờ các Bồ Tát "cổ Phật" và các đại Bồ Tát này hoạt động cứu độ chúng sinh không cùng như thế, nên chúng ta chắc chắn được độ. Vì tin tưởng như thế, nên người Phật tử đại thừa tôn kính thờ phượng các đại Bồ Tát này y như là thờ chư Phật, mà còn thắm thiết gần gũi hơn nhiều.
7 - Lại nữa, người Phật tử đại thừa tin rằng nhờ chứng được Pháp Thân, và nhờ công đức tu tập Trí Huệ thực hành Ðại Bi trong vô lượng vô số kiếp lợi ích chúng sinh, mà chư Phật và chư đại Bồ Tát có được năng lực vi diệu bất khả tư nghị, tự tại đối với tất cả pháp giới chúng sinh. Các Ngài tự tại thâm nhập ra vào mọi cảnh giới của chúng sinh, các Ngài tự tại hóa hiện vô lượng thân, các Ngài hoàn toàn bất tử, không khổ đau, không bệnh lão, không suy hoại mà vẫn thị hiện ra các cảnh giới ấy một cách tự tại không sợ hãi. Các Ngài có thể vo tròn vô lượng vô biến thế giới lại mà nhét trọn vào một lỗ chân lông của mình, các Ngài có thể một lúc hiện thân khắp cùng mọi thế giới từ địa ngục lên đến các Phật độ. Các Ngài hoàn toàn tự tại với tất cả các pháp sắc thanh hương vị xúc pháp, nhãn nhĩ tỉ thiệt thân ý, cho đến tất cả mọi tâm ý thức. Các Ngài là một với bản thể của tất cả các pháp, các Ngài hòa nhập không cùng vào tác dụng của tất cả các pháp không chút chướng ngại cách biệt. Và tất cả mọi thần thông diệu dụng ấy chỉ dành để cứu độ chúng sinh.
Do tin tưởng như thế, nên người Phật tử đại thừa không hề chỉ tôn thờ các Ngài như các nhà đạo đức, các thánh nhân đồng loại với mình, hay như các thần thánh cõi khác có oai lực lớn hơn mình, hay như các Thượng Ðế sáng tạo ra thế giới này thế giới kia. Song các Phật tử đại thừa tôn thờ chư Phật và chư đại Bồ Tát như các bậc đại Thánh, đại Thần Linh, đại Thượng Ðế tối thượng của vô tận hữu tình và vô tận thế giới, bởi các Ngài là hiện thân của toàn thể chân lý viên mãn của tất cả các pháp, của tất cả mọi nguyên lý hiện hữu hoạt động của tất cả mọi loài hữu tình trong tất cả vô lượng vô biên các thế giới.
8 - Lại nữa, người Phật tử đại thừa tin rằng tất cả mọi thành tựu đều theo nguyên tắc nhân quả. Thế nên, sự thành tựu siêu thánh tối thượng của chư Phật và chư đại Bồ Tát đều không ra ngoài nguyên tắc nhân quả. Thánh tính vô thượng bao la bất tận của các Ngài chỉ là kết quả của con đường Bồ Tát Ðạo, con đường vị tha cứu độ muôn loài bình đẳng không phân biệt. Do đó bất cứ hữu tình nào cũng có thể thành tựu các kết quả vô thượng bất khả tư nghị như thế được nếu họ biết gieo nhân đúng.
Thế nên người Phật tử đại thừa tôn thờ chư Phật và chư đại Bồ Tát như là các "Thượng Ðế" tối cao tối tôn của bất tận các loài hữu tình, thì đó chính là một cách gieo nhân đúng, ở chỗ không coi các Ngài như thuộc về một giai cấp siêu tuyệt mà mình tuyệt đối không sao và không có quyền đạt đến được, không mù quáng cuồng tín trong sự tôn thờ ấy, mà coi các Ngài như các bậc Thầy, các "Bạn Tốt" (thiện tri thức) để dẫn dắt và chỉ dạy cho mình đi theo con đường mà chính mình sẽ thành tựu trọn vẹn các Thánh tính vô thượng ấy vậy.
Lại nữa, người Phật tử đại thừa còn tin rằng tất cả mọi hiện hữu đều theo lý nhân duyên hay duyên khởi. Do đó, bất cứ một thành tựu nào, một kết quả nào, dù thuộc về phàm hay thuộc về thánh, tuy đã có nhân rồi, nhưng khi muốn khởi lên hay hiện thành thì cần phải hội đủ thời tiết và nhân duyên. Thế nên, tuy chư Phật và chư đại Bồ Tát có đủ năng lực công đức và phương tiện thiện xảo để cứu độ chúng sinh một cách hoàn toàn dễ dàng không chút khó khăn, song các Ngài chỉ là nhân của sự cứu độ mà thôi. Muốn cho sự cứu độ ấy được thành tựu hay thành quả, cần phải có nhân duyên của chúng sinh phối hợp với các Ngài bằng cách đáp ứng lại sự cứu độ của các Ngài qua lòng tin nương tựa và tôn thờ của chúng ta vào các Ngài. Thế nên sự tôn thờ chư Phật và chư đại Bồ Tát của người Phật tử đại thừa chỉ là một trong những nhân duyên chính yếu để giúp cho hoạt động cứu độ của các Ngài được hiển hiện ra, được thành quả.
9 - Lại nữa, người Phật tử đại thừa tin rằng lòng tin và sự tôn thờ không phải là những hành động sai lầm và mê muội. Mà trái lại, như trên vừa trình bày, lòng tin và sự tôn thờ là nhân duyên cho các hoạt động cứu độ của chư Phật và chư đại Bồ Tát được thành quả viên mãn. Thành quả này có tác dụng hai chiều, một mặt bản nguyện độ sinh của chư Phật và chư đại Bồ Tát được thành tựu, mặt khác người tin tưởng tôn thờ được độ thoát.
Ðiều này thường vẫn bị hiểu lầm lớn ngay đối với các Phật tử Bắc tông nữa kìa ! Người ta vẫn ngỡ đâu là đạo Phật chỉ biết tôn trọng lý trí và bác bỏ lòng tin. Người ta vẫn tưởng đâu rằng đạo Phật chỉ là con đường thành tựu sự thanh tịnh cho cá nhân riêng lẻ, một con đường thanh cao toàn hảo siêu thoát bên ngoài ranh giới thế tục, một lãnh vực tràn đầy nhàm chán và lỗi lầm. Người ta vẫn cho rằng các hành động tách rời an trú trong cô liêu, riêng mình gửi thân trong rừng thẳm, một mình mình chịu đựng nỗi cô đơn bị tước đoạt tất cả mọi liên hệ với loài người, đó mới là sự tu hành chân chính của đạo Phật. Người ta dứt khoát cho rằng đạo Phật chỉ có "tu" chứ không có "thờ", chỉ có "hành" chứ không có "xin", chỉ có "lẽ phải" chứ không có "tình cảm"..
Người Phật tử đại thừa không nghĩ như vậy, mà tin tưởng rằng "lẽ phải" của Phật giáo Ðại thừa chính là nguyên tắc tối thượng (để nhất nghĩa đế) làm cho vô lượng vô biên thế giới đầy "tình cảm" của hữu tình được hiện thành. Thế nên tất cả mọi hoạt động "tình cảm" của hữu tình đều chỉ là các biểu hiệu (tức các dấu Ấn) sai khác của cùng một nguyên lý tối thượng kia thôi. Do đó bất cứ một hoạt động "tình cảm" nào của hữu tình cũng đều trở thành một hiện thân của chân lý tuyệt đối, khi hoạt động này được đặt để vào đúng "nhân duyên", tức đúng nguyên tắc của chân lý.
Thí dụ như hoạt động tình cảm "cầu xin" sự gia hộ của chư Phật hay các đại Bồ Tát. Sự cầu xin này chính là một biểu lộ ra của nguyên lý tối thượng, nguyên lý này nhìn theo đại thừa chính là tính KHÔNG vậy. Tức sự cầu xin ấy chính là tính KHÔNG, song sự cầu xin ấy muốn là đại biểu đích thực của tính KHÔNG, nói cách khác là, muốn tương ưng hoàn toàn với tính KHÔNG, thời bắt buộc phải có được các nhân duyên, tức các điều kiện, khác hòa hợp thêm vào như : phải quy y Tam Bảo, phải phát đại Bồ Ðề tâm thành Phật độ sinh, phải tôn thờ đảnh lễ mười phương chư Phật và chư đại Bồ Tát, phải cúng dường Tam Bảo, phải tùy thuận phụng sự Thiện Tri Thức v.v.. Tóm lại là tất cả mọi công đức đối với Tam Bảo đều cần phải có đủ thì sự cầu xin kia sẽ là một hoạt động tương ưng với chân lý tính KHÔNG, nghĩa là hành động cầu xin ấy sẽ có thể cho làm cho người cầu xin "tình cảm" kia đạt đến sự giác ngộ ra chân lý, mà không cần phải vật lộn với thiền định để xiềng trói "tình cảm" lại mà tìm cách "giết" sạch đi. Nếu không đúng các điều kiện như thế, thì mọi sự cầu xin đều thuộc về phiền não và thế tục, nghĩa là chúng đều không tương ưng được với chân lý tính KHÔNG, và có cầu xin làm sao đi nữa thì vẫn không thể đưa đến sự giác ngộ chân lý được.
Do tin tưởng như thế, nên người Phật tử đại thừa không lìa bỏ "tình cảm" thế gian mà vẫn ở ngay trong lòng "lẽ phải" ; vẫn luôn luôn giữ vững vị trí phàm phu của mình mà "cầu xin" lên với Tam Bảo song vẫn "thực hành" đầy đủ con đường Thánh Ðạo ; chỉ một lòng tha thiết "thờ phụng" Tam Bảo mà ngay trong đó vẫn đầy đủ vô lượng pháp môn "tu tập". Do đó nên người Phật tử đại thừa buông thả tình cảm của mình ra mà tha thiết chân thành tôn thờ chư Phật và chư đại Bồ Tát một cách vô cùng an nhiên tự tại.
10 - Lại nữa, người Phật tử đại thừa tin rằng cứu cánh chân thật nhất mà con đường đạo Phật đưa đến là cảnh giới "Viên Giác" của chư Phật. Cảnh giới này là một cảnh giới thâu nhiếp viên dung tất cả mọi cảnh giới của bất tận hữu tình. Tại sao vậy ? Bởi đối tượng của sự giác ngộ của chư Phật chính là tất cả mọi cảnh giới của hữu tình không sót bất cứ loại nào. Bởi môi trường hoạt động để thể hiện giải thoát của chư Phật cũng chính là tất cả mọi cảnh giới của hữu tình. Bởi đối tượng để cứu độ, môi trường để thể hiện đại Từ Bi của chư Phật cũng chỉ chính là đó, là tất cả các cảnh giới bất tận của không cùng các loài hữu tình.
Do đó trong một niệm giác của chư Phật vô lượng cảnh giới của hữu tình trọn đều hiển hiện, vô lượng hoạt động Ðại Bi cứu độ thuộc Bồ Tát Ðạo trọn đều hiển hiện. Tất cả đều hiển hiện ra trong cùng một thời gian và không gian của một "niệm giác", thế nên tất cả chỉ là một "chất" giác, và tự tại "viên dung" với nhau không hề chướng ngại. Nếu "Giác" là "nhận thức" duy nhất chân thật của tâm thức thì cảnh giới của Giác cũng là cảnh giới cứu cánh duy nhất chân thật trong tất cả mọi cảnh giới.
Lại cảnh giới này không phải chỉ là một cảnh giới thuần lý, chỉ để hiểu theo suy luận, hay chỉ để trực giác trực nhận ra một nguyên lý đang vận hành ngay trong thực tại này. Trái lại cảnh giới này là một cảnh giới "thấu thị" bao gồm hết tất cả mọi hiện tướng của mọi thế giới với mọi hoạt động cứu độ chúng sinh của Bồ Tát Hành, mà các Kinh điển đại thừa thường gọi là cảnh giới "Thánh Trí Tự Chứng". Người được khai mở ra cho thấy cảnh giới này được gọi là "nhập Tam Muội". Ðó là một cảnh giới "lý sự viên dung" hoàn toàn viên mãn bất khả tử nghị.
Người Phật tử đại thừa tin rằng cảnh giới viên giác cứu cánh ấy hoàn toàn thuộc về duyên khởi, nên cảnh giới ấy hoàn toàn vô ngã, trong ấy không thể nói là có một định tướng dứt khoát nào để gọi là có "người giác", có "đối tượng giác", có "người cứu độ", có "người được cứu độ". Ðể thâm nhập vào cảnh giới này, có nghĩa là để chuyển tâm phàm thành tâm giác, người thực hành không thể dựa trên tâm cá nhân, tức tâm "ngã" của mình mà chuyển được, cũng không thể dựa vào các sự thực hành có tính chất cá nhân kiểu như "tôi tu", "tôi chứng", "tự tu", "tự chứng" v.v... Bởi cảnh giới viên giác cứu cánh kia là cảnh giới hoàn toàn "duyên khởi", trong khi các tâm thức tôi tu, tôi chứng, tự tu, tự chứng... lại hoàn toàn quy định trước một cái tôi, một cái "tự" tướng cố định dứt khoát ; định tướng dứt khoát này mâu thuẫn với nguyên lý "duyên khởi" nên các tâm thức chấp ngã, các tâm thức dựa vào tự ngã để tu để chứng của phàm phu đều không thể nào thâm nhập vào cảnh giới viên giác cứu cánh này được.
Do đó người Phật tử phải chuyển hết thân tâm và đời sống này đây của mình thành một thành phần "nhân duyên" trong toàn khối duyên khởi bất tận của cảnh giới viên giác cứu cánh. Chuyển bằng cách nào ? Chuyển bằng cách hạ thấp bản ngã mình xuống cho đến tận cùng để đón nhận trọn hết mọi hoạt động từ bi khai ngộ và cứu độ mình của chư Phật và chư Bồ Tát. Trong khi đón nhận như thế, chúng ta chuyển mình thành một nhân duyên thuộc khối duyên khởi bất tận của cảnh giới cứu cánh viên giác. Nếu sự hạ thấp bản ngã và đón nhận sự cứu độ đúng mức, chúng ta sẽ thâm nhập vào được cảnh giới cứu cánh này, thường gọi là nhập Tam Muội, để thấy ra tất cả mọi hoạt động từ bi cứu độ của chư Phật và chư Bồ Tát.
Sự quy y Tam Bảo, sự thờ phượng, cúng dường và đảnh lễ các tôn tượng chư Phật và Bồ Tát, chính là sự thực hành hạ thấp bản ngã của mình và hướng tâm về đón nhận sự cứu độ của chư Phật và chư đại Bồ Tát vậy. Phát đại Bồ Tát tâm và cầu nguyện được sự gia hộ bảo bọc của chư Phật và chư đại Bồ Tát, chính là sự thực hành đón nhận sự cứu độ của các Ngài, để chuyển mình thành một nhân duyên làm cho toàn khối duyên khởi của cảnh giới viên giác cứu cánh của chư Phật và chư đại Bồ Tát được hiển lộ ra toàn thân cho chính mình tự chứng lấy. Do tin tưởng như thế, nên người Phật tử đại thừa thâm thiết tôn thờ chư Phật và chư đại Bồ Tát như những bậc cứu độ tối thượng.
11- Lại nữa, người Phật tử đại thừa tin rằng dù cảnh giới cứu cánh kia có thâm sâu vi diệu, bất khả thuyết, bất khả tư nghị đến đâu đi nữa, thì sự thâm nhập vào cảnh giới ấy vẫn không ra khỏi ba nghiệp thân, khẩu và ý, và các phương tiện để thâm nhập vào cảnh giới ấy cũng không ngoài các pháp sắc thanh hương vị xúc, nhãn nhĩ tỉ thiệt thân, cũng như ý, pháp và các tâm thức bình thường hàng ngày của hữu tình. Bởi chính các pháp phàm thường này cũng đều bị nhiếp vào trong cảnh giới duyên khởi viên giác cứu cánh của chư Phật vậy.
Thế nên người Phật tử đại thừa dùng "sắc thanh hương vị xúc" tạo thành hình tượng Phật và đại Bồ Tát, thành bàn thờ, thành chùa chiền, tháp miếu, tự viện. Dùng "nhãn nhĩ tỉ thiệt thân" để gặp gỡ tiếp xúc với các hình tượng của chư Phật và chư đại Bồ Tát. Dùng ý, thức và pháp để khơi dậy các năng lực của tâm thức "Ðạo" qua các quán tưởng các tượng Phật và Bồ Tát đều sống động như thật sự vậy. Rồi thôi thúc ba nghiệp thân khẩu ý quán sát, ca ngợi, đảnh lễ các hình tượng chư Phật và chư đại Bồ Tát để vận chuyển năng lực đạo của tâm thức hướng theo con đường Bồ Tát Ðạo. Nhờ vậy mà biến tất cả các pháp ấy trở thành các nhân duyên chính để "nhập" Ðạo. Như thế gọi là tu ngay tại thế gian, tu bằng pháp thế gian, không lìa khỏi thế gian pháp mà thâm nhập vào cảnh giới cứu cánh bất khả tư nghị vậy. Do tin tưởng như thế nên người Phật tử đại thừa tôn thờ hình tượng chư Phật và chư Bồ Tát như Phật, như Bồ Tát sống thật vậy.
12 - Cuối cùng, người Phật tử đại thừa tin rằng tuy tất cả các pháp đều là Phật pháp, tất cả các cảnh giới hữu tình, mọi hoạt động thân khẩu ý của hữu tình đều bị nhiếp trong duyên khởi của cảnh giới cứu cánh viên giác, song nếu chúng ta không có Tam Bảo làm đại phương tiện thì các hoạt động của chúng ta sẽ chẳng có kết quả gì của Ðạo. Như chúng ta có bỏ ra bao nhiêu kiếp đi đứng nằm ngồi để kiếm sống, để tìm danh vọng tiền tài, để theo đạo này đạo kia, thì chúng ta vẫn chỉ là một hữu tình vô minh thuộc phiền não của luân hồi mà thôi. Nhưng nếu chúng ta đi là để đi đến chùa lễ Phật cúng dường, đứng là để đứng chiêm ngưỡng, sùng mộ các tôn tượng Phật, nằm là để nhiếp tâm niệm Phật, ngồi là để chuyên tâm quán tưởng đến công đức tướng hảo của chư Phật, thời các hoạt động đi đứng nằm ngồi của chúng ta sẽ do đó mà trở thành các nhân duyên, các hoạt động để đưa đến Ðạo quả. Do tin như thế mà người Phật tử đại thừa tôn thờ tôn tượng của chư Phật và chư Bồ Tát như là cội nguồn chân chính cho tinh thần Ðạo của mình, coi các tôn tượng ấy như là cứ điểm, như là nền tảng làm cho mọi hoạt động bình phàm của mình đều chuyển hướng và trở thành Ðạo tính.
Ðại khái qua các ý nghĩa như trên, chúng ta phần nào sẽ ý thức được ý nghĩa tại sao trong đại thừa Phật giáo vấn đề thờ Phật, thờ Bồ Tát qua hình tượng lại phổ biến và mạnh mẽ như vậy. Việc thờ phượng này còn đưa Phật giáo thâm nhập vào tận hạ tầng cơ cấu của các văn hóa sai khác, làm cho mọi khả năng căn tính của con người đều được chuyển hóa. Không những thế, việc thờ phượng còn làm phát triển các nghệ thuật đúc, khắc, chạm, vẽ nơi kim loại, trên đá, trên gỗ, trên vách, trên giấy... đến mức độ tuyệt luân.
Ý nghĩa thờ lại cúng bái xưa nay vẫn bị hạn khuôn trong ranh giới mê tín sợ sệt cố chấp, đã được Phật giáo đại thừa chuyển hóa thành ra một hoạt động tâm linh căn bản nhất, trong đó chứa trọn tràn đầy mọi ý nghĩa chân chính của chân lý vô thượng. Người Phật tử đại thừa do đó tận tình lễ bái thờ phượng đến mức không phải ngoài chư Phật ra chỉ thờ Bồ Tát không thôi mà còn thờ cả A La Hán nữa, như các truyền thống thờ 16 La Hán, 18 La Hán, hay 500 La Hán... trong Phật giáo Ðại Thừa Bắc Tông. Trong khi ngay tại các xứ Nam Tông chưa chắc đã có hẳn một truyền thống thờ La Hán như thế.
Do vậy, điều thiết yếu nhất đối với người Phật tử nói chung và người Phật tử đại thừa nói riêng là đừng nên tiếp tục hiểu lầm "quá lớn" về việc thờ phượng trong truyền thống Phật giáo đại thừa Bắc tông nữa. Quả thật không còn gì đáng tiếc hơn đối với người Phật tử cho bằng một sự hiểu lầm tai hại như vậy !