PHẬT THUYẾT TẠO THÁP CÔNG ĐỨC KINH
Đại Đường trung Thiên trúc Tam tạng Pháp sư
Địa Bà Ha La Đường ngôn nhật chiếu dịch
Việt dịch: KKT- Phạm Đức Luân
Tôi nghe như vầy: Một thời Phật ở tại cung trời Đao Lợi ngự trên tòa bạch ngọc, cùng với các vị đại Tỳ kheo, đại Bồ tát và vô số chư Thiên . Lúc đó trời Đại Phạm vương, trời Na La Diên, trời Đại Tự Tại cùng 5 vị Càn Thát Bà vương và các quyến thuộc cùng đến chỗ Phật, muốn hỏi Như Lai phương cách tạo tháp cũng như công đức của việc tạo tháp .
Trong hội có một Bồ tát tên là Quán Thế Âm biết được ý của chư Thiên nên mới từ chỗ ngồi đứng dậy, trật vai áo phải, quỳ gối phải xuống đất, chắp tay hướng Phật mà thưa rằng: Thế tôn! Nay có chư Thiên và các vị Càn Thát Bà đến đây muốn hỏi Như Lai phương cách tạo tháp cũng như công đức của việc tạo tháp . Nguyện xin Thế tôn vì họ mà thuyết giải để hết thảy vô lượng chúng sinh được lợi ích .
Bấy giờ Thế tôn bảo với Bồ tát Quán Thế Âm rằng: Thiện nam tử! Nếu hiện tại các vị chư Thiên này cũng như hết thảy các chúng sinh trong đời tương lai, ở tại những nơi chưa có tháp thì có thể kiến lập tháp ở đó . Hình dạng của tháp có thể cao diệu vượt quá tam giới chí đến rất nhỏ như quả am la, cây cột tháp có thể lên tới cung trời Phạm thiên chí đến rất nhỏ như cây kim, vòm nắp tháp có thể che phủ đại thiên thế giới chí đến rất nhỏ như lá cây táo . Ở trong tháp hãy cất chứa xá lợi của Như Lai, tóc, răng, râu, móng tay, móng chân hay một phần của những cái đó; hoặc cất chứa pháp tạng của Như Lai là 12 bộ Kinh cho đến chỉ một bài kệ 4 câu . Công đức của người tạo tháp cũng bằng với Phạm thiên . Người này sau khi chết sẽ sinh lên cõi trời Phạm thiên, hưởng hết tuổi thọ ở đó sẽ sinh vào cõi trời Ngũ tịnh cư, cùng với chư Thiên thảy đều không khác . Thiện nam tử! Những điều Ta vừa thuyết là về công đức nhân duyên của việc tạo tháp . Chư Thiên các ông hãy theo đó mà tu học!
Bấy giờ Bồ tát Quán Thế Âm lại bạch Phật tiếp: Thế tôn! Lời dạy về việc cất giữ xá lợi cùng pháp tạng, con xin thọ trì . Còn về ý nghĩa 4 câu kệ của Như Lai, nguyện xin Thế tôn vì con mà diễn nói!
Bấy giờ Thế tôn mới nói kệ rằng:
(Các pháp do nhân duyên sinh
Ta thuyết đó là nhân duyên
Nhân duyên hết thì pháp diệt
Lời ta thuyết là như vậy)
Thiện nam tử! Ý nghĩa kệ như vậy được gọi là pháp thân Phật, ông hãy chép và đặt ở trong tháp . Tại sao vậy ? Là vì tất cả nhân duyên và chỗ sinh của các pháp, tánh vốn không tịch (rỗng không và vắng lặng), cho nên Ta mới thuyết là được gọi là pháp thân . Nếu có chúng sinh nào giải trọn được ý nghĩa của nhân duyên như vậy, phải biết rằng người này cũng giống như đã thấy Phật .
Bấy giờ Bồ tát Quán Thế Âm cùng chư Thiên và tất cả đại chúng, các vị Càn Thát Bà, nghe Phật thuyết như vậy thảy đều rất vui mừng, tin nhận phụng hành .