TỐI THƯỢNG THIỀN (THIỀN TÔNG TRUNG HOA)
VÀ NHƯ LAI THIỀN (THIỀN CỦA ĐỨC PHẬT)
Lê Sỹ Minh Tùng
Ngày xưa khi Đức phật ngồi dưới cội Bồ đề thì Ngài đắc Tứ thiền , chứng tam minh rồi thành Phật và sau khi thành Phật, Ngài đã chỉ rõ con đường đó cho những ai muốn đi trên con đường giải thoát giác ngộ. Thiền mà Đức Phật khám phá là Thiền Tứ Niệm Xứ (Thiền Chánh Niệm) và Thiền Trí Tuệ hay còn gọi là Thiền Minh Sát.
Khi Đức Phật đã lớn tuổi và đau yếu, một hôm người đệ tử thân cận luôn ở bên cạnh Ngài là A-nan-đà hỏi Ngài như sau: “Sau khi Như Lai tịch diệt thì Tăng Đoàn sẽ phải bước theo con đường nào? Xin Như Lai cho biết quyết định của Như Lai ra sao đối với Tăng Đoàn?" Ý của Ngài A Nan là sau khi Đức Phật nhập diệt thì ai sẽ thay thế Đức Phật lãnh đạo Tăng đoàn?
Đức Phật trả lời như sau:
"Này A-nan-đà, Như Lai không còn sống lâu nữa. Vừa lớn tuổi lại đau yếu, Như Lai đã đi đến cuối con đường của mình. Như Lai nay chỉ là một người già... Này A-nan-đà, hãy nương tựa vào chính mình, xem mình là ngọn đuốc soi đường cho mình và cũng là nơi an trú cho chính mình, không nên tìm một nơi nào khác cả [...] Đạo Pháp là ngọn đuốc soi sáng và cũng là nơi an trú cho mình [...] Này A-nan-đà, những ai ngay từ hôm nay và cả về sau này, tức là sau khi Như Lai đã hòa nhập vào niết-bàn, biết xem Đạo Pháp là ngọn đuốc soi đường cho mình và là nơi an trú cho mình, không tìm một nơi an trú nào khác cả, sẽ là những đệ tử xứng đáng của ta, là những ngườì biết giữ một cung cách hành xử đúng đắn". (Đại-bát Niết-bàn Kinh, Mahaparinibbana, DN.16, theo bản dịch của André Migot,1892-1967, trong quyển Le Bouddha, ấn bản Club français du Livre, 1957, 302 tr., đoạn trích dẫn tr.150).
Đức Phật đã khẳng định rằng sau khi Ngài nhập diệt thì các đệ tử đời sau hãy lấy Giới làm thầy nghĩa là Giới bây giờ là thầy, là Đức Phật .Cho nên thấy Giới là thấy Đức Phật bởi vì Giới là nền tảng giúp hành giả sống đời đạo hạnh, ly dục ly bất thiện pháp và nhờ đó hành giả có thể tiến xa thêm một bước nữa trên con đường giải thoát. Sau cùng, Đức Phật dạy rằng hãy lấy đạo Pháp của Ngài như là ngọn đuốc tuệ giúp chúng sinh soi sáng trên con đường tìm về bến giác. Thế thì Đức Phật không hề truyền y bát cho Ngài Ca Diếp và dĩ nhiên câu chuyện truyền y bát của Tổ Bồ Đề Đạt Ma là không có thật. Dựa theo Phật giáo thiền tông Trung Hoa, Tổ Bồ Đề Đạt Ma là sơ tổ rồi truyền y bát cho Nhị tổ Huệ Khả, đến Tam tổ Tăng Xán, Tứ tổ Đạo Tín, Ngũ tổ Hoằng Nhẫn và sau cùng là Lục tổ Huệ Năng. Đến đây thì việc truyền thừa y bát chấm dứt và thay vì truyền y bát thì Lục tổ Huệ Năng chỉ truyền cho đệ tử bằng phương thức khác là Khai tâm ngộ đạo tức là “truyền Tâm Ấn”. Đây là sáng chế riêng (đặc thù) (duy nhất) của Phật giáo Trung Hoa bởi vì đối với Phật giáo, ngộ đạo là vẫn còn đứng bên kia bờ cho tới khi nào tu chứng trở thành Thánh giả tức là chứng đạo thì mới có giải thoát giác ngộ. Do đó trong chiều dài của lịch sử Phật giáo Trung Hoa, có rất nhiều người ngộ đạo, nhưng trong họ tranh chấp vẫn còn, danh lợi quyền thế chưa buông, mong muốn trở thành quốc sư này quốc sư nọ giống như Đề Bà Đạt Đa ngày xưa, chia phe xẻ nhánh nghĩa là hình bóng tham sân si chưa dứt bỏ được.
Khi nói về Thiền tông Trung Hoa có câu chuyện “Niêm Hoa Vi Tiếu” như sau:
“Trong cuộc hội ở núi Linh Sơn, Đức Thế Tôn giơ cành hoa ra hiệu cho đại chúng. Mọi người đều im lặng không hiểu ý gì, chỉ có một mình ông Ma Ha Ca Diếp rạng rỡ mỉm cười. Đức Thế Tôn nói:
- Ta có Chánh pháp Nhãn tạng, Niết Bàn Diệu Tâm, Thực tướng Vô tướng, Vi diệu Pháp môn, bất lập văn tự, giáo ngoại biệt truyền, trao phó cho Ma Ha Ca Diếp.
Xưa nay Thiền tông đều xem câu nói này mà họ tự đề xướng đó là lời nói của Đức Thế Tôn, là quan trọng nhất bởi vì tông này lấy Tâm truyền làm chỗ dựa để khai ngộ. Thiền tông giải thích rằng khi Đức Phật đưa cành bông sen lên thì trong pháp hội ai cũng nhìn vào cành bông nghĩa là mọi người chỉ thấy cành bông tức là chỉ thấy tướng mà không thấy Tâm. Chỉ riêng Ngài Ca Diếp thì chúm chím mĩm cười vì Ngài hiểu được nổi ẩn tàng sâu kín của Phật là có tướng mà không có tướng. Cành bông là biểu hiệu của Tâm, sự im lặng là biểu hiệu của Pháp. Tâm với Pháp tuy có mà không, tuy không mà có tức là vô chấp vậy.
Câu chuyện “Niêm Hoa Vi Tiếu” chỉ có duy nhất trong Phật giáo Thiền tông Trung Hoa mà không tìm thấy trong Đại Tạng của Phật giáo Ấn Độ và dĩ nhiên không bao giờ có trong giáo lý nguyên thủy.
Khi Tổ Bồ Đề Đạt Ma xuất hiện ở Trung Hoa, Ngài đưa ra tuyên ngôn đanh thép rằng: “Bất lập văn tự, giáo ngoại biệt truyền, trực chỉ nhân tâm, kiến tánh thành Phật”. Do đó Thiền tông ở Trung Hoa không cần kinh điển, chỉ cần Tâm ấn Tâm và sau đó chỉ thẳng Tâm người nếu thấy được Tánh thì thành Phật. Đơn giản chỉ có thế thôi mà chẳng ai làm được. Nhắc lại, Thiền tông chỉ có duy nhất ở Trung Hoa vì nó hoàn toàn khác hẳn với thiền định và thiền trí tuệ của Đức Phật lúc Ngài còn sinh tiền mà người Trung Hoa gọi là Như Lai thanh tịnh thiền.
Người Trung Hoa phát minh ra Thiền tông và gọi nó là Tối thượng thừa thiền, như thế thì Thiền tông của Trung Hoa còn cao siêu hơn cả thiền do Đức Phật khám phá ra hay sao?
1)Thiền của Đức Phật Khám phá dựa theo tiến trình giải thoát Giới-Định-Tuệ nghĩa là hành giả phải phải thực tập sống đời đạo đức xa lìa những căn bản bất thiện rồi thực tập bài kinh Quán Niệm Hơi Thở để vào định. Từ đó đắc Tứ thiền. Sau đó hành giả tu theo thiền quán (thiền trí tuệ) dựa theo 16 đề mục để loại cho hết mười kiết sử: thân kiến, hoài nghi, giới cấm thủ, tham đắm vào cõi dục, sân hận, tham đắm vào cõi vô sắc, mạn, trạo cử vi-tế, si vi-tế. Tiến trình giải thoát để trở thành Thánh giả đi từ Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hoàn, Thánh giả A-na-hàm và sau cùng có giải thoát hoàn toàn trở thành Thánh giả A la hán tức là thành Phật.
2)Thiền tông hay tối thượng thừa thiền của Trung quốc: Người Trung quốc cho rằng thiền của Đức Phật khám phá ra vẫn còn thấp kém cho nên họ đưa ra một trường phái thiền mới mà họ gọi là Thiền tông hay tối thượng thừa thiền. Thay vì đi theo con đường giải thoát của Đức Phật dựa theo tiến trình Giới-Định-Tuệ để có giải thoát thì họ dựa vào Công án, Thoại đầu mà các tông phái như Vân Môn, Quy Ngưỡng, Lâm tế, Tào động… thực tập. Các Tổ đưa ra những công án để các thiền sinh suy nghĩ mà tìm câu giải đáp để có ngộ. Nếu biết ít thì có tiểu ngộ còn hiểu nhiều thì có đại ngộ…Cái khác biệt to lớn ở đây là Đức Phật muốn chúng sinh loại dần tham-sân-si thì tâm mới có an tịnh và từ đó hành giả mới có thể vào định. Ngược lại, Thiền tông đưa ra những đề mục để họ suy nghĩ cho nát cái óc, nhưng bản chất tham-sân-si tranh chấp không giảm thì ngộ để làm gì?
Từ khi khai sáng ra đạo Phật cho đến nay, chưa có một ai trên thế gian này dám cả gan nói rằng khả năng về thiền hay về giải thoát của họ cao hơn Đức Phật. Thế mà người Trung Hoa dám mạo nhận cho rằng thiền của họ tức là Thiền tông còn cao siêu hơn cả thiền mà chính Đức Phật khám phá ra cho nên họ mới mạo xưng là tối thượng thừa thiền. Từ ngày Tổ Bồ-đề Đạt Ma vào đất Trung Hoa cho đến ngày nay với phương pháp tối thượng thiền thì đã có ai thành Phật chưa? Thay vì dạy học trò sống trong khuôn khổ của đạo đức nhân bản, loại trừ dần tham sân si và chấp trước của cuộc sống thì hằng ngày các thiền sinh phải suy nghĩ nát cái đầu cho những công án không đâu ra đâu. Đại ngộ thì được cái gì? Có bớt được tham sân si không? Có biết sống đời đạo hạnh không hay vẫn còn tranh chấp như các Tổ Trung Hoa? Thiền của Đức Phật là thả lỏng tâm và đưa dần tâm đến chỗ an tịch để vào định mà có an lạc. Ngược lại, Tổ Sư thiền là thiền áp chế tâm khiến cho càng ngồi thiền thì càng khó chịu, không tự tại cho nên ngày xưa Lục Tổ và các đệ tử của Ngài đâu có ngồi thiền và Ngài không cho đệ tử ngồi.
Một thí dụ điển hình là Thiền sư Nhất Hạnh. Ngài tu theo đại thừa nhưng Ngài đã từ bỏ Công án và Thoại đầu mà vốn là sở trường của Ngài ở Việt Nam qua tác phẩm “Nẻo về Thiền học” và” Nẻo về của ý”. Từ năm 1966, sau khi đọc tác phẩm An-ban-thủ-ý, tức Kinh 16 pháp quán niệm hơi thở, bản dịch của Khương Tăng Hội, Ngài đã quay lưng 100% với Thiền Công án và Thoại đầu và chỉ truyền bá Thiền Chánh niệm của Đức Phật Thích-Ca lịch sử. Từ đó Ngài có một chỗ đứng ở phương Tây mà chúng ta ai cũng biết. Còn hai thầy trò Thiền sư Suzuki truyền Thiền tông ở phương Tây vào thập niên của thế kỷ XX, Sau khi họ qua đời, chẳng có mấy ai bận tâm đến Công án và Thoại đầu ở phương Tây nữa. Ở Việt Nam có Thiền sư Duy Lực cũng xiễn dương thiền Công án Thoại đầu, nhưng Ngài đã thất bại khi truyền bá dòng thiền này ở Hoa Kỳ. Trong khi đó Cư sĩ Thiền sư S. N. Goenka, người Miến Điện hoằng pháp tại Ấn Độ đã lập được hai trung tâm Thiền trên khắp thế giới nhờ truyền bá Thiền Minh Sát Tuệ và Tứ Niệm Xứ. Là một cư sĩ mà còn làm được vĩ đại như thế. Không phải do cư sĩ này giỏi mà do Thiền Tứ Niệm Xứ và Minh Sát Tuệ của Đức Phật có khả năng trị liệu quá sâu sắc. Cho nên, ai truyền bá đúng thì trở nên nổi tiếng thôi.
Thiền là tĩnh lự, tâm an định vì thế khắp mọi nơi trên thế giới ai cũng có thể thực tập và đưa nó vào cuộc sống ứng dụng để thư giản cuộc sống và dĩ nhiên giảm bớt căng thẳng của cuộc đời.