TỨ THIỀN VÔ SẮC GIỚI
Sư Thanh Minh
1. KHÔNG VÔ BIÊN XỨ:
Để tu tập thiền không vô biên xứ, trước hết hành giả thiết lập lại tứ thiền biến xứ đất cho đến khi ánh sáng của định đã trở nên rực rỡ và tỏa chiếu. Rồi hành giả xuất khỏi tứ thiền, tác ý đến những bất lợi của sắc thân vật chất này như: Vì ta có sắc thân nên phải chịu đựng nhiều nỗi đau khổ như đói, khát, nóng, lạnh, chiến tranh bệnh tật, thiên tai, tai nạn,… Còn nếu không có sắc thân thì những nỗi thống khổ ấy không do đâu mà sinh khởi.
Với mong muốn vượt qua sắc giới và chứng đạt trạng thái vô sắc giới nơi không còn hiện hữu sắc thân vật chất, hành giả lại nhập vào tứ thiền biến xứ đất, rồi mở rộng ánh sáng vào vũ trụ vô biên, để tâm an trú trên khoảng hư không vô biên ấy và niệm “Hư không vô biên, hư không vô biên…”.
Khi tâm đã vượt qua khỏi thiền sắc giới, một tốc hành ý môn hướng tâm khởi lên lấy hư không vô biên làm đối tượng; tiếp theo sau là các sát na tâm: chuẩn bị, cận hành, thuận thứ, chuyển tộc và an chỉ. Hành giả chứng đắc thiền hư không vô biên xứ, tầng thiền thứ nhất của thiền vô sắc giới. Hành giả cũng tu tập cho thuần thục với tầng thiền này trước khi tiến lên tầng thiền vô sắc giới thứ hai.
2. THỨC VÔ BIÊN XỨ:
Để tu tập thiền thức vô biên xứ, hành giả cũng thiết lập lại thiền biến xứ đất từ sơ thiền đến hư không vô biên xứ. Sau đó xuất khỏi tầng thiền, hành giả tác ý đến những bất lợi của thiền hư không vô biên xứ như sau: Tầng thiền này còn gần với tứ thiền sắc giới, vì vậy nó còn thô, chưa được an tịnh như thức vô biên xứ.
Hành giả nhập lại thiền hư không vô biên xứ, để tâm ở đó và niệm “thức, thức…” hay “thức là vô biên, thức là vô biên…” cho đến khi một ý môn hướng tâm khởi lên lấy tâm của không vô biên xứ làm đối tượng. Sau đó là các sát na tâm: chuẩn bị, cận hành, thuận thứ, chuyển tộc và an chỉ. Hành giả hãy tu tập cho thuần thục với tầng thiền vô sắc giới thứ hai này.
3. VÔ SỞ HỮU XỨ:
Muốn tu tập thiền vô sở hữu xứ, hành giả thiết lập lại các tầng thiền cho đến thức vô biên xứ, sau đó xuất ra khỏi thiền và tác ý đến những bất lợi của thức vô biên xứ: Tầng thiền này còn gần với không vô biên xứ, nên nó còn thô chưa được an tịnh như vô sở hữu xứ.
Với mong muốn vượt qua thức vô biên xứ và chứng đạt vô sở hữu xứ, hành giả lại nhập vào thức vô biên xứ, rồi để tâm ở đó và niệm đến sự vắng mặt của không vô biên xứ: “không có gì, không có gì…” hoặc “vắng mặt, vắng mặt…” cho đến khi một ý môn hướng tâm khởi lên lấy sự vắng mặt của hư không vô biên làm đối tượng. Tiếp theo là các sát na tâm: chuẩn bị, cận hành, thuận thứ, chuyển tộc và an chỉ. Hành giả cũng tu tập cho thuần thục với tầng thiền này.
4. PHI TƯỞNG PHI PHI TƯỞNG XỨ:
Không có tưởng cũng chẳng phải là không có tưởng là tầng thiền vô sắc giới thứ tư. Muốn tu tập tầng thiền này, hành giả cần tác ý đến sự bất lợi của tưởng như lời Đức Phật dạy: Tưởng như là hư ngụy, tưởng như ung nhọt, tưởng như cục bướu, tưởng như mũi tên, tưởng như bệnh hoạn, tưởng như vô dụng, tưởng như rỗng không,…
Với mong muốn được thoát ra khỏi tưởng, hành giả nhập lại thiền vô sở hữu xứ, rồi để tâm ở ánh sáng của vô sở hữu xứ và niệm rằng “An tịnh, an tịnh…” cho đến khi một ý môn hướng tâm khởi lên lấy cái không có tâm cũng chẳng phải không có tâm ấy làm đối tượng. Tiếp theo sau đó là các sát na tâm: chuẩn bị, cận hành, thuận thứ, chuyển tộc và an chỉ. hành giả cũng tu tập cho thuần thục với tầng thiền vô sắc giới thứ tư này.
Trong số 10 biến xứ đã tu tập, chỉ ngoại trừ biến xứ hư không là không cần tu tập tứ thiền vô sắc, còn với 9 biến xứ còn lại từ biến xứ đất đến biến xứ ánh sáng, hành giả hãy tu tập tứ thiền vô sắc với từng biến xứ một.