Đế Thích Thiên là vị thần đứng đầu chư thiên của một trong các tầng trời, gọi là trời Đế Thiên (hay Đao Lợi/Tavatimsa/S:Traiyastrimsas). Kinh thành Amaravati tráng lệ của Đế Thích thuộc tầng trời này, tọa lạc trên núi Meru - ngọn núi trung tâm theo vũ trụ luận Hindu Ấn Độ. Đế Thích Thiên gốc là thần Sakra thời Vệ Đà và là thần Indra trong Ấn giáo (1) . Sau đó, theo sự lan tỏa của văn hóa Hindu và Phật giáo, Indra được thờ tự ở nhiều cộng đồng thuộc các quốc gia châu Á với những tôn danh khác nhau: Thagyanin (Miến Điện), Phra In (Thái Lan), Preah Intraa (Tamil), Đế Thích Thiên (Trung Quốc), Taishakuten (Nhật Bản)… Ở xứ ta, Đế Thích Thiên - thường gọi tắt là Đế Thích - được thờ tự ở một số tự quán ở miền Bắc và xuất hiện trong truyện cổ tích như một kỳ thủ vô địch… Bài viết này có mục đích truy cứu về lai lịch, đặc điểm và công năng của vị thần vua cõi trời này.
Đế Thích Thiên Indra trong tín niệm Hindu
Indra là người chỉ huy/thủ lĩnh của các chư thiên (Devas) hay các á thần. Thần ngự ở kinh thành Amaravati lộng lẫy và vị chúa tể của cõi trời Svargaloka, thiên đường của Hindu giáo. Indra là vị thần của mưa bão và sấm sét. Là một người chiến binh vĩ đại, một biểu tượng của sự can đảm và sức mạnh, thần dẫn dắt các Deva (chư thiên) và các nhiên thần như Agni (lửa), Varuna (nước) và Surya (mặt trời); đồng thời thần luôn lãnh đạo các cuộc chiến chống lại những kẻ đối lập với các thần, những yêu ma như asura. Bên cạnh việc là một vị thần chiến tranh, thần cũng được đề cập như là người bảo hộ phương hướng, biểu trưng cho phương đông.
Trong Rig-Veda, thần được gọi là Sakra, chiếm vị trí thứ nhất trong hàng ngũ 33 vị thần. Indra là một vị thần “quốc gia” của người dân Ấn Độ thời Veda và có đến 250 bài tụng ca dành riêng cho thần được ghi chép trong Rigveda (2) .
1- Mối liên hệ với những vị thần khác
Thần Indra là vị thần tối cao, người anh em sinh đôi của thần Agni. Và thần cũng được đề cập như là một Aditya, người con trai của Aditi. Thần cư ngụ trên núi Meru nơi cõi trời. Dữ liệu khác lại cho rằng thần Indra là người anh em với Surya.
Thần được tôn vinh như là đấng tạo hóa, người nâng bầu trời, như một vị thần của khí quyển, chi phối thời tiết và phân phối mưa. Một truyện thần thoại cho rằng thần đã tìm kiếm và giải thoát cho những con bò cái (được nhận biết với Ushas-bình minh/rạng đông), chúng đã bị trộm bởi một Asura có tên là Pani/Panis, bằng cách phá tan hang động Vala, bị chắn bởi một hòn đá. Asura Pani/Panis đã bị chính thần giết chết, do đó mà thần còn có tên gọi khác là Vala-bhid (3) .
Và Indra cũng đã giết chết Vritra hay Ahi để giải thoát cho những dòng sông, thần tung ra những tia chớp, sấm sét, và liên tiếp chiến đấu với nó, con quỷ của hạn hán và thời tiết khắc nghiệt, để buộc nó phải trút mưa xuống. Nhưng khi thần giết chết con quỷ Vritra - một Bà La Môn, Indra đã cố che đậy điều này và tiến hành các cuộc cúng tế cho đến khi tội lỗi được gột sạch. Bhagavata Purana biểu thị thần như kẻ đã phạm tội giết một vị Bà-la-môn, bị ám ảnh bởi tội ác đó, nhân cách hóa là Chandali.
Câu chuyện này được kể chi tiết trong thần thoại tiền Veda như sau: Vritra, một asura, đã đánh cắp nước trên toàn thế giới và Indra đã uống rất nhiều rượu Soma để “lấy sức” chuẩn bị chiến đấu với con rắn khổng lồ này. Thần đã vượt qua 99 pháo đài của Vritra, … vặn con rắn yêu quái và mang nước trở lại trái đất. Trong một dị bản khác, Vritra được Tvastar tạo nên để trả thù thần Indra vì tội đã giết chết người con trai của mình là Trisiras, một người Bà La Môn sùng đạo và càng ngày càng sở đắc được nhiều quyền năng khiến cho thần Indra rất lo lắng. Vritra đã chiến thắng và nuốt lấy Indra, nhưng những vị thần khác đã buộc nó phải nôn thần Indra ra.
Cuộc chiến tiếp diễn và thần Indra đã biến đi mất. Thần Vishnu và các Rishis đã thỏa thuận tạm ngừng chiến, và Indra đã thề rằng thần sẽ không tấn công Vritra với bất cứ cái gì được làm bằng kim loại, gỗ, đá, cũng như bất cứ cái gì khô hay ướt, cả ban ngày lẫn ban đêm. Cuối cùng, Indra đã sử dụng bọt từ sóng nước đại dương để giết Vritra vào lúc chạng vạng.
Dị bản khác, được thuật lại trong Mahabharata thì Vritra là một người Bà-la-môn nắm giữ quyền năng siêu nhiên, trở nên đểu giả và là mối nguy hiểm cho các vị thần. Indra can thiệp và đã xoay/vặn hắn sau một cuộc chiến đầy cam go. Một nữ thần yêu ma xấu xa tên là Brahmannahatya (hiện thân tội lỗi của kẻ giết người Bà La Môn) lưu xuất từ xác chết của Vritra, đã truy kích Indra, khiến thần phải lẩn trốn trong một hoa sen. Indra đã đến cầu xin thần Brahma tha thứ cho tội lỗi giết người Bà La Môn.
Thần cũng thường được biểu trưng như là sự hủy diệt “những pháo đài đá bảo vệ thành đô” của các Asura hay những yêu ma của khí quyển và của Dasyus hoặc những người Ấn bản địa. Trong chiến tranh, thần đôi khi được những đội quân Maruts hộ tống, cùng sự tham dự của người bạn - thần Vishnu. Thần được chăm sóc và phục vụ bởi các Maruts (và Vasus), những đứa con của Diti (người mẹ của những yêu ma).
Thần Indra đã giết chết những đứa con độc ác của Diti trước, vì vậy Diti luôn ước mong các con trai của mình sẽ hùng mạnh hơn Indra, do đó Diti đã mang thai trong một thế kỷ, thực hành ma thuật để hỗ trợ cho những đứa con đang được hình thành trong bào thai. Khi thần Indra phát hiện ra điều này, thần đã ném lưỡi tầm sét vào Diti và làm bào thai vỡ ra làm 7 hay 49 phần; mỗi phần tái sinh thành một cá thể hoàn chỉnh, và phát triển thành những Maruts, một nhóm các vị thần giông tố, kẻ có sức mạnh thua kém hơn Indra. Câu chuyện này và câu chuyện thần đã cắt đứt đôi cánh của những ngọn núi bằng tia sét của mình do tội bất trị và gây rối của chúng được ghi lại trong các tập cổ tích thần kỳ Puranas.
Ngoài ra, thần đã hứng chịu sự phẫn nộ của nhà hiền triết nóng tính Dur-vasas bởi thần đã khinh thường chiếc vòng hoa mà nhà hiền triết trao tặng và bị nguyền rủa là toàn bộ quyền lực thống trị của thần sẽ bị chế ngự và tiêu tan. Thần đã bị những Daityas đánh bại hoàn toàn. Đúng hơn là thần bị những liên minh giữa người con trai của Ayus và cháu trai của Pururavas đánh bại: thần bị yếu đi trong một tình cảnh đáng thương khi bị buộc phải khẩn cầu ít bơ hiến tế trong một trăm cuộc tế lễ của các vị thần. Vui mừng bởi sự chiến thắng, những kẻ chinh phục đã xao lãng nhiệm vụ của mình và vì vậy họ dễ dàng trở thành con mồi cho thần Indra khi thần đã lấy lại quyền lực của mình (4) .
Rig-Veda thường ám chỉ thần là Sakra: một người hùng mạnh. Trong thời kỳ Veda, số lượng các vị thần được xác định là 33 và thần Indra là vị chúa tể của họ. (Một vài văn bản sớm tiền Rigveda như Khilas và Veda và sau đó là Brihad-Aranyaka Upanishad liệt kê các vị thần là 8 Vasus, 11 Rudras, 12 Adityas, Indra và Prajapaty). Do là vị chúa tể của Vasus, Indra cũng được gọi là Vasava.
Trong thời Vedanta, Indra trở thành nguyên mẫu của tất cả các chúa tể và là một vị vua được gọi là Manavendra (Indra hay chúa tể của loài người) và Rama, người anh hùng của sử thi Ramayana, được biểu thị như là Raghavendra (Indra của thị tộc Raghu). Do đó nguồn gốc của Indra cũng được thể hiện như Devendra (Indra của chư thiên/Devas). Tuy nhiên, Sakra và Vasava cũng được dùng riêng cho nguồn gốc Indra. Dù cho những văn bản ngày nay thường tán thành tên gọi Indra, các văn bản truyền thống Hindu (Veda, sử thi và chuyện cổ tích thần kỳ Ấn Độ) sử dụng Indra, Sakra và Vasava thay thế cho nhau và thường coi các tôn danh ấy là một.
Số lượng các bài tụng ca đã đề cập đến thần Indra nhiều hơn hẳn những vị thần khác của Veda, ngoại trừ thần Agni. Thần được sùng kính bởi đặc tính ban phúc như làm mưa, nguyên do của sự phì nhiêu, và thần được kính sợ vì là người tạo ra những trận bão khủng khiếp và chi phối sấm sét.
Nhiều đoạn của Rig-veda cho thấy chức năng và thuộc tính thần thánh cao nhất được gán cho thần. Bộ ba các vị thần - Agni, Vayu và Surya - giữ địa vị cao trong các vị thần và thần Indra thường nắm giữ vị trí của thần Gió Vayu. Trong các tập cổ tích thần kỳ Ấn Độ (Purana) và một vài phần của Veda, như những nhận xét của Dr. Muir, ý niệm về thần Indra được thể hiện là rất vĩ đại và cao quý - thần Indra được ban cho tính chất anh hùng, phần lớn thường có đặc điểm ngang tàng, đa tình; tại một vài lần khác, thần cư xử suồng sã, và các chi tiết dông dài kể về việc Indra nghiện rượu soma đã không chỉ hạ thấp địa vị vốn có của thần mà còn gây ra những khoái lạc nhục dục rất dung tục.
Thậm chí danh tiếng và vai trò của thần không được thừa nhận trong Hindu giáo vào thời kỳ sau với sự nổi lên của tam vị nhất thể (Trimurti).Trong những thần thoại sau này, thần Indra rơi xuống hàng thứ hai. Thần là thuộc cấp của bộ ba tam vị nhất thể, nhưng lại là thủ lãnh của tất cả các thần.
2- Mối quan hệ gia đình
Thần Indra có một người vợ tên là Indrani (5) được viện dẫn trong số các nữ thần. Trong Satapatha Brahmana, Indrani được coi là người vợ yêu quý của thần Indra và cũng là mẹ của Jayanta và Jayanti. Cô còn được gọi là Sachi/Shachi. Indrani được đề cập một vài lần trong Rig-veda, và được cho rằng là người phụ nữ may mắn nhất “vì người chồng sẽ không bao giờ chết vì tuổi già”. Trong Taittiriya Brahmana kể rằng thần Indra đã chọn người vợ cho mình từ cuộc cạnh tranh giữa các nữ thần, và Indrani đã vượt lên trên tất cả nhờ sự khiêu gợi của mình. Trong sử thi Ramayana và tập truyện cổ tích thần kỳ Puranas, Indrani là con gái của Daitya Puloman và cô được đặt tên theo cha mình là Paulomi/Pulomaja. Indrani bị thần Indra cưỡng đoạt, thần đã giết cha cô để giải thoát khỏi lời nguyền. Theo sử thi Mahabharata, nhà vua Nahusha đã trở nên phải lòng Indrani, và cô đã rất khó khăn để thoát khỏi hắn. Indrani không bao giờ nhận được sự tôn kính như một nữ thần.
Ngoài ra thần Indra còn là cha của Arjuna (với Kunti), Jayanta, Midhusa, Nilambara, Khamla, Ribhus, Rsabha. Thần cũng được cho là cha của Devasena (vợ của thần chiến tranh Skanda/Kartikeya; sau Skanda trở thành Hộ pháp Vi Đà của Phật giáo).
3- Trú xứ
Thần sống ở cõi trời Svarga/Swarga trong những đám mây xung quanh núi Meru, thủ phủ là Amaravati: cung điện của thần “Vaijayanta” và các khu vườn của thần là Nandana, Kandasara hay Parushya. Những chiến binh thường được ngự ở cung điện của thần sau khi chết, nơi đó họ sống cuộc đời hoan lạc, không hề mảy may gặp phải việc buồn bã, đau đớn hay sợ hãi. Họ có thể nhìn ngắm những vũ nữ Apsara và nhạc công thiên đình Gandharva nhảy múa và vui đùa. Các nhiên thần, những nhà hiền triết cõi trời, những vị vua vĩ đại và các chiến binh đều trú ngụ nơi cung điện của thần.
4- Hình tướng
Thần thường được miêu tả với một màu hung đỏ hay vàng kim và có cánh tay dài khổng lồ; “nhưng hình thức là bất tận, và thần có thể mang rất nhiều hình dáng”. Một thể thơ trong Atharva Vedic cho thấy “Indra có thể thay đổi nhanh chóng trong tất cả các hình thức của sắc vàng kim” (6) . Thần cưỡi trên cỗ xe bằng vàng sáng chói được kéo bởi đôi ngựa hung hay hung đỏ với chiếc bờm và lông đuôi mềm mượt. Trong RV 1.65, “Sakra, người thanh lọc (của tín đồ), và có tài sử dụng ngựa, là một người phi thường và có thân thể sắc vàng kim” (7). Rigveda cũng cho rằng Indra “nhảy múa cùng các vị thần, mặc quần áo thơm, má vàng kim cưỡi trên cỗ xe bằng vàng” (8) . Một đoạn văn nói rằng thần mang màu nâu và vàng (9) . “Thần với mớ tóc xù, sạch tinh tươm, có sắc nâu và vàng kim, được yêu quý bởi tất thảy, người đặc biệt thích rượu soma hơn tất cả các thần linh”.
Vào thời kỳ tiền Veda, thần cưỡi trên con voi trắng, lớn, có 4 ngà được gọi là Airavata (con voi trắng có bốn ngà, bảy vòi). Thần có 4 tay, hai tay cầm giáo/thương và hai tay cầm móc nhọn để thúc voi. Cũng có lúc thần cưỡi ngựa Uchchaihsravas/ Uchchaih-shravas (con ngựa bay bảy đầu, lông trắng) và cỗ xe của thần Vimana, người đánh xe Matali.
Vũ khí của thần là lưỡi tầm sét/vajra mang nơi tay phải, lưỡi tầm sét “Vajrayudha” được tin rằng được làm từ xương sống của nhà hiền triết Dadhichi để giết những asuras. Thần còn sử dụng tên, một chiếc móc lớn, và một cái lưới, nó được cho rằng sẽ mắc vào chân của kẻ thù. Trong thần thoại Hindu, cầu vồng Sakra-dhanus/Indradhanus được gọi là cây cung của thần Indra, và thanh gươm Paran-ja.
5- Soma
Soma là loại rượu thiêng, thức uống mà thần đặc biệt ưa thích; uống một hơi soma, bị kích thích bởi sự phấn khích, thần tiến về phía trước chiến đấu với kẻ thù và hoàn thành sứ mạng.
Việc yêu thích soma được thể hiện trong sử thi Maha-bharata. Truyện kể rằng thần bị nhà hiền triết Chyavana buộc phải chia sẻ rượu lễ soma cho Aswins và niềm khoái lạc của thần được phát triển thành tính cực kỳ dâm đãng.
Thần Indra đã dụ dỗ Ahalya, người vợ của Gautama Maharishi. Hiền triết Gautama đã thốt ra lời nguyền rủa trừng phạt Indra. Lời nguyền này đã khiến cho thần Indra mất đi sự mạnh mẽ của mình, còn vợ nhà hiền triết Ahalya cũng trở nên vô hình trong mắt mọi người. Còn theo Maha-bharata thì thần đã quyến rũ Ahalya và nhà hiền triết Gautama đã nguyền rủa bằng cách đóng dấu một ngàn bộ phận sinh dục của nữ giới trên người thần, vì vậy thần được gọi là Sa-yoni; nhưng về sau những con dấu này biến thành những con mắt, và do đó thần có tên gọi là Netra-yoni và Sahasraksha “một ngàn con mắt”.
Trong sử thi Ramayana, nó lại liên quan đến Ravana, vị vua của đám La sát Rakshasa ở Lanka (Sri Lanka), đã gây chiến chống lại thần Indra nơi cõi trời của thần. Thần Indra đã bị đánh bại và người con trai của Ravana là Megha-nada đã chiếm lại xứ Lanka. Nhờ hành động dũng cảm này mà Megha-nada có được danh hiệu Indra-jit, có nghĩa: “người đánh bại Indra”. Thần Brahma và các vị thần đã hòa giải nhằm giải thoát cho thần Indra bằng cách ban đặc ân bất diệt cho kẻ chiến thắng. Thần Brahma sau đó nói với thần Indra rằng thất bại này là sự trừng phạt tội đã quyến rũ Ahalya.
Đặc tính phóng đãng của thần cũng được thể hiện bởi việc thần thường gửi những tiên nữ cõi trời đến quyến rũ các nam thần để làm họ xao lãng việc thiền định sám hối - một công phu tu tập khiến họ có thêm được những đặc ân to lớn có thể thách thức đối với quyền năng của thần (10) .
DƯƠNG HOÀNG HẢI SƯU TẦM