Không ít người nhầm lẫn về quỷ sự. Họ cho là ma nhập, vong theo và ông bà quá cố ứng mộng…Gần đây những tờ báo phía Bắc viết về những hiện tượng nầy. Thực hư như thế nào không thể bình luận vô căn cứ. Riêng ở Mật gia Song Nguyễn, trò Mật Thủy và nhiều trò khác đã thấy bằng chính mắt mình và viết ra bài “Quỷ nhập”, còn trò Mật Kiên cũng kể lại hiện tượng người thợ phụ biến sắc sợ hãi, phải lên lạy Phật rồi ngã bật ra sàn qua comment trong bài “Quỷ nhập”. Mật Hải, Mật Kiên, Mật Thủy cũng như nhiều trò khác đều thỉnh nguyện Thầy luận giải hiện tượng siêu nhiên nầy. Do vậy, Thầy nương theo oai thần của Đạo sư, Bổn tôn, Dakini, sẽ viết đôi điều về hiện tượng đó để tránh hiểu nhầm…
MA QUỶ LÀ AI?
Nhiều người thường nói mình thấy ma, sợ ma mà thực tế không phải vậy. Theo lý giải của đạo Phật, ma ở tầng trời cao nhất của cõi Dục giới, gọi là Tha hóa tự tại thiên. Bản chất của thiên ma được Đức Phật khẳng định nguyên nhân tái sinh như sau: “Không có tâm thế gian, chỉ đồng với thế gian mà làm việc ngũ dục; trong lúc làm việc ấy, rõ ràng là siêu thoát, thì sau khi mệnh chung, vượt trên tất cả những cảnh biến hóa và không biến hóa; một loài như thế gọi là Tha hóa Tự tại thiên” ( trích kinh Thủ lăng nghiêm Mục VI “Các cõi trời sai khác”). Vậy, ma là loài trời, gọi là thiên ma, thuộc loài Trời. Thiên ma thọ dụng tự tại, hoan lạc cả đời, ngụ ở lâu đài, điện ngọc thất bảo. Thức ăn của Thiên ma gọi là niệm thực. Có nghĩa là nghĩ đến món gì là hưởng được món đó. Đức Phật định nghĩa chung cho loài trời là hình thức bên ngoài tuy khỏi động nhưng tâm tính còn dính dấp, do vậy gọi là cõi trời Dục giới;(trích kinh Thủ lăng nghiêm) trong đó Thiên ma ở tầng trời cao nhất.
Nói như vậy để biết Ma ám chỉ là Thiên ma, một đối tượng có trình độ tâm linh cao. Tuy nhiên, bản chất của ma là “tha hóa” “kiêu mạn” thể hiện qua chuyên cướp đi những thành quả của kẻ khác để hưởng lạc bất chánh. Tuổi thọ của thiên mà từ hằng trăm triệu năm trở lên (tính theo lịch thời gian của loài người).
Ở loại Ma này có thiện và ác. Loại ma ác thường quấy nhiễu người tu hành có trình độ tâm linh cao bằng cách hóa hiện những ảnh tượng ghê sợ hoặc đáng ưa, khiến hành giả sợ hãi hoặc ham thích mà sa đọa. Riêng thiên ma là thiên chủ cõi Tha hóa tự tại thiên chỉ hiện ra phá hoại công trình tâm linh của người tu chuẩn bị đắc thánh quả đạo Phật. Đêm cuối trước khi thành đạo, Ma vương nầy hóa hiện đủ mọi thứ nhằm tấn công Đức Phật. Song, Ma vương thất bại. Như vậy, có thể kết luận rằng ma không phải tầm thường như nhiều người ngộ nhận. Họ nhầm lẫn ma là quỷ.
Quỷ là một trong 6 loài của cõi luân hồi (địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, người, A tu la, Trời). Nguyên nhân tái sinh làm Quỷ được Đức Phật phân tích chi tiết trong kinh “Thủ lăng nghiêm”: “Lại nữa, A Nan, các chúng sinh đó (chỉ loài địa ngục) nếu không gây tội chê phá luật nghi, phạm Bồ tát giới, hủy báng Niết Bàn của Phật, mà chỉ phạm những nghiệp phức tạp khác, thì sau khi bị đốt cháy nhiều kiếp, đền tội hết rồi, thì chịu những hình quỷ”.
Quỷ chia là 2 hạng: ngạ quỷ và quỷ oai đức còn gọi là quỷ thần. Ngạ quỷ gồm 36 loại quỷ được mô tả rõ trong kinh điển Phật giáo. Đặc điểm của ngạ quỷ luôn luôn bị đói khát hành hạ, nên còn gọi là quỷ đói. Thức ăn của quỷ đói là máu, mủ, đờm dãi. Hình tướng quỷ đói xấu xí như cổ họng bé, bụng lớn, chân lêu khêu. Có những loại quỷ thân người mà mặt heo, bò, trâu, rắn…Có những con quỷ lõa thể, xù lông, hôi hám. Tuổi thọ của quỷ ít nhất là 5000 năm cho đến 10.000 năm (tính theo lịch thời gian của loài người).
Loại quỷ đói ở đâu? Chúng ở trong xứ sở của loài quỷ đói, nhưng lại ngay trong cõi dương thế loài người. Chúng thường ẩn mình trong đồng hoang, nghĩa địa, nhà hoang, đầm lầy, ao hồ. Do bản chất của loài quỷ là chuyên gây hại kẻ khác, nên giữa các loài quỷ đói đã thường xuyên chơi xấu nhau, trong nhân gian lầm lẫn gọi hiện tượng này là “ma cũ hiếp ma mới”.
Song, quỷ đói thường sợ hãi vì bản chất đói khát của mình. Chúng cũng như những loài súc sanh, thường không dám xâm hại loài người, trừ một ít trường hợp bất khả kháng. Quỷ đói sống một cách khổ sở, có khi cả vài chục năm mới kiếm được một miếng ăn. Trong kinh điển Phật giáo có ghi lại rằng tôn giả Mục Kiền Liên gặp một con quỷ được nó tâm sự, rằng may mắn nhất của nó trong 11 năm qua mới kiếm được một ít thức ăn là cứt mủi của một vị tăng vừa chú nguyện.
Khác với loài ngạ quỷ, hạng quỷ oai đức còn gọi là Quỷ thần. Loài nầy có được chổ ở đường hoàng, càng có oai đức quỷ thần càng sung túc về phương diện cảm thọ và sinh hoạt. Những vị Quỷ vương trú ngụ trong lâu đài tráng lệ, có nhiều thê thiếp và người hầu, ăn uống tự do, thoải mái. Theo kinh điển Phật giáo loại nầy gồm (1) long (2) kim xí điểu (3) dạ xoa (4) mãng ma hầu la dà tức là “rắn thần” (5) a tu la tức là “thiên thần” (6) khẩn na la (7) càn thát bàÔng địa, thần tài là loại quỷ thần có oai đức, nhưng là loại quỷ thần bình thường không vai vế gì so với hạng Quỷ vương và hoàng tộc của họ. Loại quỷ thần có oai đức đồng cư với loài người trên dương gian, họ không phải là loài ở âm gian như loài địa ngục. Tuy nhiên, dù số lượng loài quỷ nhiều vô số nhưng họ và người không bị ngăn ngại lẫn nhau bởi họ là thân thể vía. Khi cần họ dùng quỷ nhãn để thấy con người, nhưng con người không thể thấy được loài quỷ.
Ngoài ra, chúng cũng thỉnh thoảng can thiệp vào sinh hoạt của loài người, bằng cách trà trộn vào thể xác con người thông qua những thói quen bị nghiện của họ. Loại Quỷ thần đôi khi thấy ai nhẹ vía, có nghĩa là người nào hợp tầng số tâm linh (trường sinh học) như những người đồng bóng, chúng sẽ nhập vào chiếm lĩnh linh hồn, sai khiến người ấy nói năng, hành xử cuồng loạn như kẻ khùng, người điên, hoặc nói theo ý bọn chúng.Chính vì vậy khi bọn quỷ thần oai đức ngao du trên cõi trần gian, thỉnh thoảng nhập vào người nầy, người nọ để đùa giỡn, thỏa mãn ý thích của mình. Có con quỷ tự xưng là ông thánh nầy, bà chúa nọ để ra oai, kêu gọi người dân cúng tế cho mình. Vì loài quỷ ăn bằng hương thực nên những gì có mùi là quỷ rất thích. Do vậy, khi cúng đình người dân thường cúng mặn bằng cách giết mổ heo, bò, gà, vịt. Quỷ thần oai đức được hưởng mùi vị nầy và nhờ đó họ sống thoải mái!
Ngoài cúng tế, người đời thường làm gà, vịt, bò trâu và biết bao nhiêu thức ăn mặn, đủ mùi vị nên quỷ thần tha hồ được hưởng thụ sung túc. Mà ở thế gian, nhất là Đông Phương, ngày nào mà không có cúng tế?
HÀNH VI CỦA LOÀI QUỶ
Trong loại quỷ dù là quỷ đói hay quỷ oai đức đều có hai thành phần: thiện và ác. Bản chất của quỷ là ác nên đa số thường gây nhiễu nhân gian, khi đó chúng bị gọi là ác quỷ. Điều nầy được một vị Quỷ vương khẳng định mà kinh Địa tạng Bổn nguyện đã viết trong Phẩm thứ 12. Một khi loài quỷ ý thức được điều lành và giúp đỡ loài người được gọi là quỷ thần.
Loài quỷ đói ngay cả bản thân họ cũng không lo nỗi, suốt ngày vật vã với cái đói, sự khát nên không thể có cơ hội hại người. Riêng loài ác thần oai đức thỉnh thoảng tìm cách gây hại loài người như một cách thỏa mãn “oai danh” của mình, thỏa mãn ác tính của mình, mượn xác chiếm hồn của con người thỏa mãn nhục dục. Do vậy, những kẻ bị nghiện rượu, nghiện cờ bạc, lô đề, nghiện ma túy, nghiện hút thuốc, nghiện tình dục…sẽ là duyên cớ cho bọn quỷ đói mượn xác hưởng dục. Đây là nguyên nhân lý giải tại sao một anh kia hiền lành như cục đất, nhưng sau khi uống rượu vào thì trở nên hung bạo. Hoặc như giới trẻ hiện nay, khi dùng thuốc lắc, ma túy tổng hộp bỗng dưng rối loạn hành vi mà trở nên buông thả, ngông cuồng. Có loại quỷ ác gây tai họa trực tiếp như phá hoại mùa màng, hiện hình nhát ma, gây đau ốm cho con người, làm súc vật tự chết hoặc bị bệnh dại…Sau đó, bọn quỷ mượn tay bọn đồng cốt hù dọa dân lành, người yếu vía sợ hãi liền tổ chức cúng tế để chúng thọ dụng bằng mùi.
Loại Quỷ thần đa số được Đức Phật giáo hóa, trở thành hộ pháp ở Phật môn. Do được vân tập về Pháp hội nhờ nương theo oai thần của Phật và Thánh chúng về nghe Phật thuyết pháp; Quỷ thần oai đức một phần nào đó hiểu được giáo lý Phật đà cao siêu, thanh tịnh nên họ thỉnh thoảng du ngoạn dương gian, cao hứng nhập đồng, tự xưng “thánh đế”, “thánh quân”, “chân tiên”, “Phật bà”, “Bồ tát”, “hộ pháp”…, giáng cơ, lên đồng khuyên làm lành tránh ác. Do có “thiên nhỉ thông”, họ nghe đầy đủ những gì Phật nói, song họ không nắm vững hết những yếu lý cao diệu của Phật gia, hoặc giả chỉ hiểu một phần nào đó, nhưng khi “nhập đồng” nói lại, nhiều người trong chúng ta cũng phải bái lễ trước sự thao thao bất tuyệt. Dễ dàng nhận ra những loại Quỷ thần “tung hứng” này là họ chỉ thuyết giảng mang tính chất “nhai lại”, không phải là “tiêu hóa” giáo điển. Mặt khác, một khi là Quỷ thần mượn xác phát ngôn thì họ không dám thuyết giảng về giới luật Phật gia, bởi vì họ rất sợ giới luật nhà Phật. Có nói rằng chỉ cần tuyên xưng 5 giới cấm Phật gia của người Cư sĩ thì bọn Quỷ thiện hay ác đều sợ hãi vì lúc ấy Kim cang Hộ pháp xuất hiện. Ngoài ra, Quỷ thần nhập cốt xong khiến người hầu đồng rất mệt, và họ thường ăn uống rất nhiều, và lén lút tà dâm với nữ sắc, nam sắc. Thêm một đặc điểm nữa cần lưu ý là Quỷ thần thường chuộng hình thức bên ngoài, háo danh và tham lam vô độ. Vậy, những ai tu hành, mang danh hành giả, mặc áo cà sa mà thường thể hiện những tính chất như thế, thì gọi là có nhiều “chất quỷ” trong người, Phật tử chúng ta cần phải xem xét lại để khỏi lầm lẫn!
Chuyện kể rằng có một kẻ chăn cừu bình thường, anh ta thường để rơi ít thức ăn vụn trên tảng đá mà anh hay ngồi trầm ngâm về thân phận. Có 3 con quỷ thiện thường hưởng thừa đồ ăn ấy trong nhiều năm, cho nên chúng quyết định bàn nhau giúp đở kẻ chăn cừu trở thành người sung túc. Thế là một con rồng đen xung phong nhập xác anh ta. Thế là sau đó anh chân cừu của chúng ta không về nhà như mọi lần, mà vào thẳng một đền thờ thuyết giảng Phật pháp. Dân làng ngạc nhiên bởi anh diễn đạt lưu loát, những ý tưởng cao siêu giải thoát của Phật môn. Họ thật sự bất ngờ rồi sau đó chuyển sang tâm phục khẩu phục, bởi anh tự xưng là hóa thân của vị Bồ tát. Dân làng vui mừng quá đỗi, liền xây lên một ngôi chùa nhỏ để anh hoạt động pháp sự. Từ đó, anh trở thành một “bậc thánh”, được người dân tung hô, cúng dường đầy đủ đồ ăn, thức uống tuyệt hảo. Ba con quỷ nhờ “phần xác” của anh mà cũng được sung túc bội phần.
Chuyện đổ bể ra khi một lạt ma chứng đắc vân du đến đây tìm đến, thấy được rồng đen ở trong người kẻ chăn cừu, đang giảng pháp cho mọi người. Ngài sai thị giả đốt hương trầm gần ghế ngồi của “pháp sư”, liền lập tức rồng đen bay mất. Lúc bấy giờ kẻ chăn cừu nửa mê nửa tỉnh thốt lên sau khi dụi mắt: “Ủa, đàn cừu của tôi đâu rồi? Sao đông người quá vậy?”. Kết cuộc của câu chuyện này ra sao, chắc các trò Mật gia đã hiểu. Đây là sự thật mà thánh tăng Tây Tạng Pabongka kể lại trong lần giảng pháp ở trước hàng ngàn đồ chúng. (xem tác phẩm “Giải thoát trong lòng tay” ).