CÁCH NHẬN BIẾT NGƯỜI TU HÀNH CHỨNG NGỘ ĐẮC ĐẠO CẢNH GIỚI THIỀN
HT. Thích Giác Quang
Phật tử tu thiền, trước nhất phải tìm hiểu ý nghĩa của Thiền như thế nào, cảnh giới Thiền ra sao và kết quả của tu Thiền. Tu Thiền cũng không khác tu Tịnh, Phật tử cũng phải siêng năng công phu tu tập, nương theo Thầy chỉ dạy, kết khóa tu thật chuẩn mực, không nhàm trễ thời khóa.
Tìm sự cân bằng trong Thiền
Hỏi: Con chỉ vừa biết tập thiền và có đến một số đạo tràng cùng ngồi thiền với đại chúng. Chúng con thường thiền theo hơi thở, đôi khi cũng được dạy quán vô thường để buông bỏ và thực hiện theo Tứ Niệm Xứ. Con nghe khá nhiều danh từ nào là Nhất Thiền, Nhị Thiền, Tam Thiền, Tứ Thiền nhưng không hiểu nghĩa là gì? Con nghe bảo dù có được đến Tứ Thiền vẫn là trong lục đạo luân hồi như vậy có đúng không? Làm thế nào mới chứng được cảnh giới thiền này và ai mới có khả năng nhận biết rằng một người nào đó đã chứng quả thiền vì hiện giờ quá nhiều người tự nhận mình là tu đắc đạo, là A La Hán chứng ngộ loạn cả lên? Xin Sư khai mở cho con được rõ.
Đáp: Phật tử tu thiền, trước nhất phải tìm hiểu ý nghĩa của Thiền như thế nào, cảnh giới Thiền ra sao và kết quả của tu Thiền. Tu Thiền cũng không khác tu Tịnh, Phật tử cũng phải siêng năng công phu tu tập, nương theo Thầy chỉ dạy, kết khóa tu thật chuẩn mực, không nhàm trễ thời khóa. Cũng có khi người Phật tử đến chùa học tập Thiền rồi trở về nhà đơn phương ngồi Thiền. Cũng có khi Phật tử rỗi rảnh thời gian nhập chúng thực tập hoặc ngày hoặc đêm, mỗi thời khóa cũng trung bình từ 20 phút đến 30 phút, rất tiện lợi cho người phát tâm tu học.
Ý nghĩa của Thiền:
Thiền theo từ Phật học cũng gọi Thiền na, Thiền định, Tham thiền, Tư duy. Thiền là sự suy xét thẩm nghĩa về đạo lý. Vào tu pháp Thiền cao viễn kêu là nhập định, kết quả gọi là đại định. Thiền là một cõi đạo lý vô biên, là pháp môn tu giải thoát cực tắc. Những người tu chân chánh giữ giới, lúc nào cũng phải thực tập thiền định mới đắc trí tuệ, giải thóat những phiền não tham sân si, mạn nghi (tự điển Phật học Đoàn Trung Còn, trang 1255XB năm 1968).
Ngoài việc tu thiền của các Thiền sư, các học giả thiền còn phải nghiêm cứu về giáo pháp Phật, như tứ diệu đế, thập nhị nhơn duyên, bát chánh đạo. Những bậc tu thiền dõng mãnh thường nghiên cứu qua các pháp chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định một cách rốt ráo để tiến dẫn các thiền sinh tu học, thực tập đạt hiệu quả..
Ngoài ý nghĩa của Thiền, còn có từ ngữ Định là tam muội, thân khẩu ý vong bặt, tâm chuyên chú vào một cảnh, xa lìa các sự tán loạn, để tâm nghiên cứu sự lý của các pháp, tập trung vào một cảnh vắng lăng cho đến khi thuần thục gọi là chành định, đại định.
Thiền chỉ quán
Tam ma đia, xa ma tha, dịch là định huệ, tịch chiếu, minh tịnh, chỉ có nghĩa là ngừng đậu (đình chỉ), ngừng đậu vào cái đế lý, chẳng loạn động, ngừng tắt những cái quấy của cõi tâm, đình chỉ những vọng niệm, tán lọan của thức tâm. Quán là quán chiếu soi xét, thông suốt lãnh hội lẽ chơn như, dùng trí tuệ mà bẻ gãy những phiền não tham sân si. Quán chiếu là soi xét lẽ vô thường khổ không và vô ngã mà vượt qua những chướng ngại tiến đến đạo lý giải thoàt.
Chỉ thuộc về chân như môn hướng về nội tại làm cho trống vắng, các pháp vốn không tự tánh, không sanh tức không diệt.
Quán thuộc về hữu môn nhận thức các pháp vốn là huyễn hóa, không thật, thọat có không không. Thấu đạt chân lý thực tướng của các pháp vốn hư huyễn, không tự tánh không thật thể, do duyên hợp mà có, không đủ duyên thì tan họai.
Phật tử mới tập tu thiền nên đến tại thiền viện, tu viện nhập chúng, nương vào sự chỉ dẫn của Bổn sư, Thiền sư chỉ giáo cách thức ngồi thiền, đến giờ thực tập do vị giám thiền hướng dẫn thực hiện. Tu thiền chủ yếu ở chỗ siêng năng tinh tấn, thường là thích sống trong cảnh giới yên bình hơn là ồn ào, hạn chế sử dụng những vật chất không cần thiết trong đời sống đạo, hạn chế những ăn uống những thức ăn, thức uống có tính chất kích thích, xa rời những cuộc sống phồn hoa, giảm căng thẳng, không đấu tranh, sống đời sống nhàn hạ.
Quán vô thường
Là "không chắc chắn", "thay đổi", "không trường tồn". Vô thường là một trong ba tính chất (tam pháp ấn) của tất cả sự vật. Vô thường là đặc tính chung của mọi sự sinh ra có điều kiện, tức là thành, trụ, hoại không (sinh, trụ, dị, diệt). Có thể nói, Vô thường là phép quán chiếu, hay nói một cách khác, vô thường là một đối tượng trong tu tập quán chiếu. Từ đó, Vô Thường là một phép thực tập Định trên Vô Thường. Rất sâu sắc và lớn rộng về nghĩa và về tính diệu dụng của định vô thường.
Như quán thân vô thường, thọat thấy đó rồi mất đó, vừa nhìn thấy rặng cây, tiếp đến thấy cả bầu trời, tai đang nghe thuyết pháp, nhưng cùng lúc nghe tiếng nhạc nhà bên cạnh, mũi vừa ngửi mùi thơm, cùng lúc cũng cảm mùi hôi thối. Tâm vừa nghĩ đến sự vui và đang vui, chuyển sang não sầu khi nghe người thân qua đời, nhìn người đẹp mê sắc, quán tưởng chuyển sanh già mắt lờ tai điếc, lưng mõi gối chồn sanh nhàm chán...cái thấy, cái nghe, cái ngửi, sự nhàm chán, sự chuyển biến của thức tâm như thế gọi là vô thường, Bậc Thanh văn do quán vũ trụ nhân sanh vô thường như vậy người tu tầm sát hiểu một cách rõ ràng như vậy, thời gian quán chiếu thuần thục sẽ phát sanh trí tuệ, không còn nhiễm ô ái dục, tiến đến giải thoát niết bàn.
Sống thiện lành, chết bình an
Thiền tứ niệm xứ
Phương pháp quán chiếu này được nói rõ trong kinh Tứ niệm xứ. Phật từng nói rằng, pháp này có thể đưa đến Niết-bàn. Ngày nay pháp quán tứ niệm xứ được phổ biến rộng, trong đó hành giả ngồi (Toạ thiền) hay áp dụng phép quán này trong các sinh hoạt hàng ngày, nhất là làm Bác sĩ nếu là tu Phật sẽ có nhiều phương tiện tu pháp quán tứ niệm xứ. Phật tử tùy duyên tu pháp quán, có khi chỉ có nhơn duyên, tâm tán lọan thì tu pháp “quán tâm vô thường”, có người nặng ái dục tu pháp “quán thân bất tịnh”. Người nghiệp nặng về cố chấp thì tu pháp quán vô ngã....
Quán Thân bao gồm sự kiểm soát, tầm sát trong hơi thở, thở ra, thở vào, cũng như tỉnh thức trong bốn hành vi (đi, đứng, nằm, ngồi). Tỉnh thức trong mọi hoạt động của thân thể, quán sát 32 phần thân thể, quán sát yếu tố máu, thịt, gân, xương, tạo thành thân cũng như quán tử thi sình thối, màu xanh nhạt, màu trắng, màu đen, sanh vòi tửa, tan rã, tồn tại hài cốt...
Quán Thọ là nhận biết rõ những cảm giác, cảm xúc dấy lên trong tâm, biết chúng là dễ chịu, khó chịu hay trung tính, vui hay buồn, khổ hay sướng, nhận biết chúng là thế gian hay xuất thế, biết tính vô thường của chúng.
Quán Tâm là kiểm soát các pháp đang vận hành, là tham hay vô tham, sân hay vô sân, si hay vô si, tâm đang giải thoát hay đang bị ràng buộc
Quán Pháp là quán chiếu mọi pháp đều phụ thuộc lẫn nhau, các pháp là vô ngã tự nó vốn không có mà phải nương vào nhau để hình thành, con người chỉ là do tập hợp của sắc thọ tưởng hành thức đang hoạt động vận hành trong vòng sanh diệt
Thực tập pháp Thiền
Sư vốn tu Tịnh, tuy nhiên cũng không xa rời thiện tâm với Thiền. Trong quá trình tu Tịnh, ngồi niệm Phật cũng có đọc tụng những bài ngồi thiền, xả thiền, điều thân, điều tức, điều tâm niệm Phật, nên trong Tịnh lúc nào cũng có bóng dáng Thiền. Cũng như theo lời của Ấn Quang đại sự thì niệm Phật rốt ráo thanh tịnh, vọng niệm không vong bặt, lúc bấy giờ chính đó là Thiền. Đồng thời trong những năm học tại Phật học đường Tây Phương Bồng Đảo khóa 1961-1964, Sư và các bạn đồng tu cũng được học vế pháp môn thiền “ngũ đình tâm quán” là 5 phép quán tưởng để dừng vọng tâm. Nay đem ra giảng lại cho quý Phật tử tu Thiền cùng học tập.
Đứng về gốc độ tu Phật, việc đầu tiên là ngăn ngừa vọng tâm; vọng tâm là căn bệnh chính làm cho con người sinh ra phiền não, khổ đau. Nó thúc đẩy người ta chạy theo ngũ dục, nó che mờ lương tri, làm cho cái tâm vốn sáng suốt, trở nên tối tăm, không biết đâu là thật, đâu là giả, đâu là chính, đâu là tà, đâu là hay, đâu là dở. Muốn sự nhận định được sáng suốt, muốn cho tâm ta đừng đuổi theo ngũ dục mà bị phiền não khổ đau, ta phải tìm phương pháp chận đứng vọng tâm. Một trong những phương pháp chận dứng vọng tâm là quán tưởng. Pháp thiền là dùng trí huệ quán sát, phân tích hay suy nghiệm để tìm ra sự thật, gọi đó là chơn lý
Ngũ đình tâm quán
Trong Phật học Phổ thông khóa thứ VI, do Ban Hoằng pháp Phật Học đường Nam Việt xuất bản năm 1962, ngài Hòa Thượng Thích Thiện Hoa biên sọan về Ngũ Đình Tâm Quán, tức là 5 phép Thiền đầu tiên của các nhà học Phật, phát tâm tu Thiền. Trong đó có: Quán Sổ tức - Quán Bất tịnh - Quán Từ bi - Quán Nhơn duyên - Quán giới phân biệt.
Quán sổ tức, để đối trị bệnh tán loạn của tâm trí. Quán bất tịnh, để đối trị lòng tham sắc dục. Quán từ bi, để đối trị lòng sân hận. Quán nhân duyên, để đối trị lòng si mê. Quán giới phân biệt, để đối trị chấp ngã.
Nay ở bài nầy Sư chỉ giới thiệu cho Phật tử về pháp Quán sổ tức; quán lá quán chiếu phương pháp tu, sổ là số, tức là hơi thở, quán Sổ tức là đếm hơi thở. Quán là tập trung tư tưởng để quan sát, phân tích hay suy nghiệm đến một vấn đề. Sổ tức quán là tập trung tâm trí để hơi thở ra vào của mình, mà mục đích là để đình chỉ tâm tán loạn.
Pháp tu Quán sổ tức:
1. Điều thân
Những điều cần tư lương trước khi vào thiền quán sổ tức: có 9 việc mà người tu Thiền phải chuẩn bị chu đáo, như - Thức ăn đơn giản - Áo mặc rộng rãi – chỗ ở thoáng mát vắng vẻ - tự ấn định thời giờ tu - nơi tắm rửa cho phù hợp - học cách thức ngồi bán già, kiết già - tư thế lưng thẳng - tư thế hai tay kiết ấn tam muội - cổ thẳng và đầu hơi cúi, tư thế ngồi thật vững vàng như đảnh đồng ba chân không ngã bất cứ hướng nào.
Khi ngồi thiền, niệm bài tọa thiền (ngồi thiền):
Chánh thân đoan tọa
Đương nguyện chúng sanh
Tọa bồ đề tòa
Tâm vô sở trước
Án phạ, tác ra a ni, bát ra ni, áp đa da, tá ha (niệm 3 lần)
Hai tay kiết ấn tam muội (án tín), bàn tay phải đặt lên bàn tay trái, hoặc ngược lại. Ngồi thẳng lưng, đôi mắt ngó xuống theo chớp mũi, cổ thẳng, đầu hơi cúi xuống không quá cúi.
2. Điều tức
Hành giả đếm hơi thở, trước khi đếm, phải thở ra hít vào chín mười hơi thật dài, để cho hơi thở điều hòa và những nặng nề trong người đều tuôn ra cả, và thay thế vào bằng những thanh khí của thiên nhiên.
Khi thở ra, hành giả phải tưởng: "Những điều phiền não: tham, sân, si, các chất bẩn trược trong người đều bị hơi thở tống ra sạch hết, không còn một mảy may nào". Khi hít vào, hành giả nên tưởng: "Những chất nhẹ nhàng trong sạch sáng suốt của vũ trụ đều theo hời thở thấm vào bủa khắp thân tâm".
Khi đủ mười hơi rồi, hành giả bắt đầu thở đều đều, nhẹ nhàng. Nếu thở mau và dài thì tâm sanh loạn động, còn thở chậm và ngắn, thì tâm sanh hôn trầm, giải đãi, rồi tâm dong ruổi duyên theo ngoại cảnh. Nên phải thở cho nhẹ nhàng và đều đặn, không mau không chậm, thì trong người mới được thanh thản.
Ðếm lẻ: Thở ra đếm một, hít vô đếm hai, thở ra đếm ba, đếm cho đến mười, không thêm không bớt, rồi bắt đầu đếm từ một cho đến mười lại. Cứ đếm đi đếm lại từ một đến mười, trong khoảng nửa giờ.
Ðếm chẵn: Thở vào rồi thở ra đếm một, thở vào rồi thở ra lần nữa đếm hai, cứ tuần tự như thế cho đến mười lại, mãi như thế cho đến nghỉ.
Ðếm thuận: Đếm theo hai cách trên, cách nào cũng được.
Ðếm nghịch: Cũng dùng hai cách trên, nhưng đếm ngược từ mười đến một.
Bốn phương pháp này, tùy ý hành giả muốn dùng một phương pháp hay cả bốn phương pháp thay đổi cho nhau cũng được. Miễn sao thuận tiện cho mình và khỏi lộn, là thành công; nghĩa là đối trị được tâm tán loạn.
3. Điều tâm:
Trước khi tọa thiền, hành giả có phát tâm trước, hoặc sổ tức, hoặc quán bất tịnh. Điều tâm là pháp môn tu chủ chánh, tâm trí chuyên hướng về một chỗ, không phóng túng theo ngọai cảnh, dù đó là Phật sự, kiểm soát những hành vi tế nhị của thân khẩu ý. Tu pháp quán Sổ tức này làm cho tâm hết tán loạn, trí huệ phát sanh và trở lại với bản tâm thanh tịnh.
4. Xả thiền
Phát nguyện ngồi thiền từ 20 đến 30 phút, theo tiêu chuẩn của Cư sĩ thực tâp.
Khi xả Thiền, đọc bài:
Xả già phu tọa
Đương nguyện chúng sanh
Quán chư hạnh pháp
Tất quy tán diệt
Án phệ lô chỉ đế tá ha (3 lần)
(Tam Bảo tôn kinh-NXB Thạnh Mậu)
Tiếp đến làm một số động tác:
- Một là xả tâm: nguyện hồi hướng công đức
- Hai là xả tức: mở miệng thở ra vài hơi thật dài để cho khí nóng trong người giảm bớt, hồi phục lại trạng thái bình thường như trước khi tĩnh tọa
- Ba là xả thân: giao động nơi lưng và cổ, từ từ duỗi hai tay ra, lấy hai bàn tay xoa nhè nhẹ với nhau, rồi xoa lên mắt. Sau đó uốn lưỡi một vài lần và nuốt chút nước miếng.
Đến lượt hai chân, trước hết phải lấy tay xoa hai bắp vế, rồi tháo lần hai chân ra, thoa hai bắp chuối và hai bàn chân. Khi nghe hai chân nóng hết rồi, hành giả chuyển động nhè nhẹ toàn thân trước khi đứng dậy, đọc bài:
Nguyện đem công đức này
Hướng về khắp tất cả
Đệ tử và chúng sanh
Đều trọn thành Phật đạo
(xong rồi lui ra, đi tới đi lui)
Các cảnh giới thiền
Trong giới tu Thiền cũng như giới học Phật, thường nghe các từ ngữ Thiền, các cảnh giới Thiền, như Sơ Thiền, Nhị Thiền, Tam Thiền, Tứ Thiền
Sơ Thiền: thuộc Sắc giới, không gọi là nhất thiền, là pháp thiền định, phải trải qua dày công tu tập. Bậc đầu tiên, là Sơ thiền tu chứng được cảnh sơ thiền, trong lòng vui vẻ hoan hỷ vô cùng, không có cảnh vui thế gian nào bì kịp. Chứng được sơ thiền rồi, nếu tu hành tiến tới thì sẽ tuần tự chứng cảnh Nhị thiền, rồi đến Tam thiền, và Tứ thiền. Muốn chứng sơ thiền, trước hết phải lìa bỏ mọi dục vọng và các pháp bất thiện. Kinh Phật giáo Nguyên thủy, thường có câu: “Ly dục, ly bất thiện pháp, chứng và trú Sơ thiền.”.
Người tu pháp Sơ Thiền phải có đủ 2 tâm: một là “Tầm” hai là “Tứ”, tức là hành giả đang tìm kiếm, dò xét. Còn với cảnh thì cảm lấy sự “hỷ, lạc” tu tập để cho buồn khổ không sanh khởi, gọi là “ly sanh hỷ lạc địa” xa rời vui ở cõi dục ái nhưng vẫn còn tìêm ẩn trong sắc giới..
Người Phật tử tu ở bậc sơ thiền, tâm lúc nào cũng hoan hỷ, xa rời ân ái theo thế gian, dù trải qua bao trở ngại, lúc nào cũng xả bỏ những ưu phiền tìm kiếm những pháp thiện mà làm, từ đó các pháp thiện sanh, nên không có sự buồn khổ.
Nhị Thiền: Pháp Thiền định thứ hai trong Tứ Thiền, cảnh Thiền nầy rất là vi diệu, tế nhị của những bậc tu sĩ dày công tu tập. Nhập định vào pháp thiền nầy không còn 2 tâm “Tầm” và “Tứ” vì hành giả đã thuần thục, không còn tìm kiếm dò xét. Hành giả có trí tuệ thật tỉnh táo trước những pháp bất thiện, còn lại những pháp thiện luôn sanh khởi. Về cảnh giới thọ cảm “định sanh hỷ lạc địa”, hoàn toàn không còn buồn khổ, xa rời tham sân, không thấy có tướng nam tướng nữ nên không sanh dục ái theo thế gian, vui sống trong cõi vui thiền định.
Thưởng lãm các bức thư pháp "thiền định" của Thiền sư Thích Nhất Hạnh
Khi vào Thiền, hành giả có thể cho thần thức đến cảnh Trời Nhị Thiền, lúc thác sẽ sanh về đó.
Tam Thiền: Pháp Thiền định thứ ba trong Tứ Thiền, là pháp Thiền thâm diệu mà hành giả luôn nhập định không phóng xả, không còn tán lọan tâm tư. Hành giả tu đạt đến tam thiền không còn trở lại thế gian, không đắm nhiễm sắc dục theo dục giới. Khi thác sanh vào cảnh Trời Tam Thiền.
Hành giả nhập định ở cảnh Thiền nầy vui trong Thiền định, xa rời tham, sân, xả bỏ dục ái thế gian. Hành giả ngồi thiền nhập định, không còn nghe thấy mọi cảnh vật, tiếng động bên ngoài, gọi là “ly hỷ diệu lạc địa”. Hoàn toàn an trú đại định vững chắc trong thế giới nội tâm, sáng suốt vi diệu thanh tịnh.
Tứ Thiền: là cảnh Thiền thứ tư, cảnh trời cao vút, vượt khỏi dục giới, sắp vượt qua khỏi sắc giới, chỉ còn thấp hơn cõi Tịnh phạm địa. Người tu đạt đến cảnh giới Tứ Thiền, có sức vào đại định, siêu thoát dục giới, không cón có dục nhiễm chung đụng như ở thế gian, không ô nhiễm trong cõi xú uế. Người chứng bậc Thiền định thứ tư gọi là “xả niệm thanh tịnh địa”, tham, sân còn tìm ẩn, xa lìa các niệm dục ái thế gian sống trong sự thanh tĩnh độc cư, các pháp bất thiện không còn sanh khởi tại cõi nầy (tự điển Phật học Đoàn Trung Còn)
Quả vị tu chứng
Như chúng ta sẽ thấy miền Sắc giới là chỗ ở của các chúng sanh hữu tình tuy đã ly dục, không có trải lòng ham muốn như chúng sanh ở dục giới, nhưng còn có tâm tạp phiền não và các uẩn sai biệt, như tướng tham sân, các tướng khổ thọ, các tướng tùy phiền não thuộc vi tế tuy không thấy, nhưng không phải không còn
Các bậc tu hành trên từ Sơ thiền đến Tứ thiền mới chỉ vượt khỏi Dục giới, đang còn ở trong Sắc giới, chưa qua khỏi Tịnh phạm địa và Vô sắc giới. So với Phật và đệ tử Đức Phật thì các vị nầy vẫn còn ở trong tam giới, tuy không có cảnh sống như thế gian Dục giới nữa, nhưng tham, sân còn tiềm ẩn, phẩm vị nầy mới chỉ tương đương với quả vị Tư đà hàm (Nhất Lai), chưa đạt đến quả vị A na hàm (Bất Lai), quả vị thứ ba của đệ tử Phật. Phải diệt trừ năm kiết sử từ Thân kiến, Giới cấm thủ, Nghi, Tham và Sân thì đạt được đệ Tam Thánh quả... Các vị tu đến quả vị nầy lúc nào cũng phải xa rời thế gian, xa rời ngũ dục lạc, họ rất sợ gần gũi ngũ dục lạc, vì gần sẽ bị lậu nhiễm.
Kinh Niết Bàn (quyển 37) Phật dạy: Ví như có kẻ đui bị người ta dắt bỏ trong rừng gai, kẻ ấy khó mà ra khỏi. Dầu cho ra khỏi thì thân thể cũng bị hư hoại hết. Những kẻ phàm phu ở thế gian cũng như thế, họ đâu có thấy biết rằng Tam lậu (tham,sân,si) là tội lỗi là tai hại, cho nên họ cứ theo đó mà đi, còn ai biết mới có thể rời xa.
Ở cõi Sắc giới dù chư Tiên tu cao đến đâu, so với Phật và đệ tử Phật vẫn còn những “hữu lậu” của thế gian. “Hữu lậu” là một trong ba lậu hoặc của tam giới, thuộc Sắc giới.
Trong quá trình tìm đạo, Bồ Tát Sĩ Đạt Ta cũng có kết Bạn và tôn đạo sĩ Uất Đầu Lam Phất làm Thầy. Chỉ trong một ngày đêm Bồ Tát Sĩ Đạt Ta chứng liền Phi thương phi phi tưởng xứ định, tầng Thiền cao nhất của vô sắc giới. Nhận thấy không rốt ráo, pháp nầy không giúp chúng sanh giải thoát sanh tử luân hồi, nên ngài tìm nơi khác. Phi tưởng phi phi tưởng xứ định là tầng thiền định, sau khi chứng đắc nhìn cảnh vật thế gian trong suốt như lưu ly, không có tâm địa ái dục như thế gian, mến trìu vật chất. Khi đi có thể bay được, nhưng ở tầng thiền định nầy vẫn còn tìm ẩn tham (vô minh đầu), sân (vô minh cuối) phiền não thật tế nhị trong tam giới. Một ngày nọ đạo sĩ phi thân đến thành Vương Xá, xứ Ma Kiệt Đà thăm vua Tần Bà Sa La, Vua rất quý đạo sĩ. Vua phán với Hoàng Hậu Vi Đề Hy khi nào không có Vua thì Hoàng Hậu thay Vua tiếp đạo sĩ. Ngày khác đạo sĩ dùng thần túc bay đến thăm hoàng cung, Vua vắng mặt, Hoàng Hậu tiếp Uất Đầu Lam Phất, đạo sĩ nhìn Hoàng Hậu sanh lòng nghĩ quấy, nên mất thần túc thông. Khi trở về núi đạo sĩ không bay được, mà phải đi bộ.
Đạo sĩ nhập định, chim đến đóng ổ trên đầu và đẻ, đạo sĩ vẫn nhẫn nhục không phản ứng. Đến khi nở, chim con ngày càng lớn, chim dành ăn, chim hót, chim đá lộn la inh ỏi, Ông khởi niệm “sân”, thầm nghĩ: “lũ chim quấy rấy ta, kiếp sau ta sẽ làm con “chồn bay” ăn thịt hết các loài chim. Thế là chấm dứt cuộc đời làm đạo sĩ của Uất Đầu Lam Phất.
Tu như Uất Đầu Lam Phất, tuy là ngọai đạo (nhưng là bậc Thầy của Bồ Tát Sĩ Đạt Ta), tu chứng phi tưởng phi phi tưởng xứ mà còn sa đọa vào loài “vừa thượng cầm vừa hạ thú”. Ngày nay chúng ta là chúng sanh phàm phu tu Phật, không biết tu Phật có trọn vẹn chưa? Còn sống trong mớ vật chất, mến trìu bả lợi danh, không buông bỏ tiền vàng, xem vật chất cao hơn trình tự tu chứng, gần như cả chúng ta làm mất dòng mất giống nhà Phật, đến nổi không kiểm soát được mình là ai? Cả một vùng Phật giáo Đông Bắc Á hiện nay tu hành ra sao? Tín đồ Phật tử ngày càng xa rời giáo lý nhà Phật theo đạo khác. Tu chưa qua khỏi Dục giới, chưa nhập vào được “tầm và tứ”, chưa qua ngưỡng cữa “ly sanh hỷ lạc địa”’ nếu có vượt qua, lên cao thì chỉ là hình thức “vào thiền” bằng sách vở, học Phật học trong Trường Phật học, làm gì nói đến việc chứng quả “A na hàm” hay “A lan hán” còn biệt tâm!
Khả năng nhận biết sự chứng đắc?
Thiền là sự sống của con người
Người tu chưa chứng đắc mà xưng hô chứng đắc là quá tự cao; cực kỳ kiêu ngạo, quá ngạo mạn. Tuyên bố dối trá rằng mình đã chứng được chân lý tối hậu và có thần thông. Tự cho rằng mình có đức hạnh lớn trong khi thực không có. Đây là loại thứ 5 trong thất mạn. Trong đại luật gọi là “tăng thượng mạng”, phạm giới trọng thứ tư, đại vọng ngữ trong giới của Tỳ Kheo..
Chỉ có Phật là bậc đại đạo sự mới thọ ký, cho các vị Phật trong tương lai, bổ xứ cho các vị Bồ Tát đẳng giác, những bậc tu hành có đẳng cấp đi hành đạo khắp muôn phương, nơi nào thuộc thế giới uế độ của Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật giáo hóa.
Thứ hai chỉ có Thầy Tổ của môn phong pháp phái mới biết được sự tu chứng của đệ tử, trình độ tu hành của đệ tử đến mức độ “siêu đọa” thế nào mà đặc cách.
Thứ ba, bậc có trí tuệ cao viễn mới xuyên suốt pháp giới, biết việc tu hành của mọi người con Phật tu chứng đắc đến đâu?
Thứ tư, cuối cùng là tự tri tự kỷ, “rắn có chân rắn biết, ngọc ẩn đá ngọc hay” phải tự xem mình có tinh tấn tu hành hay không? Hay tu hành lơ lơ, tu trên giấy tờ, tu trên sách vở, xưng hô mình tu thâm niên, tu lâu xem bá gia không hiểu gì, vì lợi dưỡng, vì sự cúng dường rồi tự xưng hiền xưng thánh, chưa chứng quả thánh mà nói mình chứng quả thánh.
Thiền lự là pháp cao xa
Đốn ngộ, tĩnh lặng, thiền na “tứ, tầm”
Phiền não điều phục tại tâm
Chúng sanh, triền cái chứng phần tự ta
Khó khăn tự quản “trần sa”
Đam mê vật chất khó mà “điều tâm”
Thời mạt pháp quá xa xăm
Thích Ca điều ngự khó tầm đạo sư
Đang hàn huyên chốn thảo lư
Phát tâm thiền định trầm tư đếm thời
Tu “quán sổ tức” thảnh thơi
Sau khi thuần thục định thời gian tu
Phát tâm thêm hạnh đức từ
Sau đó lên đại định thời vững tâm
Vô thường là pháp quán thiền
Thấy đó mất đó về miền cõi xa
Chỉ quán cao viễn như là
Định tứ niệm xứ vào nhà Phật nhe
Tứ thiền bát định hai xe
Sơ, nhi, tam, tứ lắng nghe nội tình
Sơ thiền “tầm tứ” định sanh
“Ly sanh hỷ lạc” vào nhà đại thiên
Nhị thiền chưa phải Na Hàm
“Định sanh hỷ lạc” dễ dàng chứng đâu?
Tam thiền còn chút tham sân
“Ly hỷ diệu lạc” thoát lần tử sanh
Tứ Thiền phải rõ ngọn ngành
“Xả niệm thanh tịnh” chỗ gần thế gian
Tứ thiền định chẳng có rành
Mà xưng chứng đắc, chắc thành “thiên ma”
Tu cao như Uất Đầu Lam
Nhiễm nặng ái dục, tâm tham khởi tà
Tu cao quỵ ngã đó đa,
“Đi” thì mây gió, lúc “về” chân không?
Đạo sĩ đứt thần túc thông
Phi tưởng mà chẳng tâm không chút nào?