Đạo sư Wanko Yeshe Norbu truyền khẩu Giáo pháp về sự tu tập
Một bài pháp thoại cho các rinpoche và các đệ tử khác
Ngày hôm nay con, là một rinpoche, đã trân trọng thỉnh cầu một bài giảng pháp liên quan đến câu hỏi “Thế nào là tu tập?” Đây là một bài học rất cơ bản, thực chất là bài học đầu tiên. Tuy vậy, đây là một vấn đề quan trọng mà nhiều người tu tập, trong đó có những người đã tu tập nhiều năm, thường không hiểu và nhầm lẫn về nó. Thật khó khi được sinh ra là một con người. Còn khó hơn nữa nếu sinh ra là một con người với cơ hội được gặp Phật pháp đích thực. Vì vậy hôm nay ta sẽ làm sáng tỏ cho các con về giáo pháp liên quan đến câu hỏi “Thế nào là tu tập?”
Điều cốt lõi của học hỏi Phật giáo nằm ở việc thực hiện những gì ta học được trong quá trình tu tập. Chúng ta sử dụng nhân duyên tốt và xấu như là các đối tượng của nhận thức. Vì vậy trước hết ta phải hiểu thế nào là tu tập. Tu tập nghĩa là trau dồi sự tăng trưởng những nghiệp tốt và trau dồi sự xa lánh những nghiệp xấu. Tu tập là trau dồi việc làm tăng lên những duyên nghiệp tốt, trồng những nhân tốt và gặt những quả tốt. Nó có nghĩa là tránh làm tăng lên của những duyên nghiệp xấu, không trồng những nhân xấu và tránh việc gặt hái những quả xấu. Nhưng chữ tu tập còn có ý nghĩa rộng hơn. Trước tiên, chúng ta phải hiểu thế nào là tu tập.
Phải có điều gì đó mà người tu tập có thể dựa vào. Nếu không có cái để dựa vào, việc tu tập của các con rất dễ trở thành lối tu tập lầm lạc, ngoài Phật giáo, ví như việc tu tập các tín ngưỡng ma quỉ sẽ trau dồi hành vi của ma quỉ. Sự tu tập các tín ngưỡng Phật giáo sẽ trau dồi hành vi của các vị Phật. Vì vậy, phải có điều gì đó để người tu tập trông cậy vào. Phải có các khuôn mẫu để người tu tập có thể dùng để chiêm nghiệm và dựa vào.
Mọi tôn giáo khác đều tán thành việc tiêu trừ những điều xấu, phát triển điều tốt, hạn chế ích kỷ và làm lợi ích cho những người khác. Người tu tập không thể chỉ dựa vào những điều này trong quá trình tu tập của mình mà không hiểu mục đích của Phật giáo. Chỉ những điều đó thì không phải sự thực hành của đạo Phật thực sự. Bởi vì, trong sự tu tập của chúng ta, điều chúng ta dựa vào chính là Đức Phật. Sự giác ngộ hoàn hảo của Đức Phật là hình mẫu cho sự tu tập của chúng ta. Chúng ta sử dụng ba nghiệp của thân, khẩu, ý để làm theo tất cả mọi điều giống như Đức Phật. Vì vậy chúng ta giữ mình tránh xa những nghiệp không trong sạch dựa trên ảo tưởng và những hành vi xấu ác. Vì vậy chúng ta liên tục giữ mình tránh xa những gì xấu ác. Nhờ việc không can dự vào những gì xấu ác, ba nghiệp của chúng ta không tạo thêm những nhân xấu. Thêm vào đó, chúng ta phải thực hiện tất cả những nghiệp tốt. Ngay cả một suy nghĩ tử tế cũng là một thứ chúng ta cần làm tăng lên và không bao giờ để giảm đi. Chúng ta cần làm tăng trưởng những mối liên hệ nghiệp tốt, những nhân tốt, và hành động tốt hàng ngày. Nói đơn giản, chúng ta phải luôn luôn tránh xa những gì xấu ác và tích lũy những gì tốt đẹp.
Tại sao có thể nói chúng ta phải tránh xa những nghiệp xấu ác mà không thể nói chúng ta phải tiêu trừ những nghiệp xấu ác? Trong chân lý của Phật giáo, có nói rằng luật nhân quả không bao giờ có thể chối từ được. Nhân và quả không thể tiêu diệt được. Nếu nói rằng có thể tiêu diệt được thì đó là một cái nhìn hạn hẹp. Vì vậy chúng ta chỉ có thể xây dựng một bức tường của nghiệp tốt, giống như xây dựng một bức tường bảo vệ. Bức tường của nghiệp tốt này có khả năng ngăn chặn chúng ta khỏi những nghiệp xấu.
Vì vậy, chỉ bằng việc học hỏi từ Đức Phật, trau dồi cách hành xử của Đức Phật và cuối cùng trở thành một vị Phật chúng ta mới có thể thực sự được giải phóng khỏi nghiệp (nhân và quả) đã trói chúng ta vào vòng luân hồi. Nhân quả vẫn tồn tại khi một người trở thành một vị Phật. Tuy nhiên, nhân quả không ảnh hưởng tới một vị Phật. Ví dụ, khi vị Phật thấy những dãy núi gươm và biển lửa ở cõi địa ngục. Núi gươm và biển lửa vẫn tiếp tục tồn tại như một phương tiện tột cùng đau đớn cho những chúng sinh chịu sự trừng phạt của nghiệp báo. Khi vị Phật bỗng nhiên nhảy vào những núi gươm biển lửa này để chịu khổ thay cho những chúng sinh khác, núi gươm và biển lửa ngay lập tức biến thành ao sen đầy nước cam lồ. Chúng chuyển hóa sang một trạng thái tuyệt vời. Đối với một vị Phật, tất cả những duyên nghiệp xấu ác trở thành sự biểu hiện của nghiệp tốt. Không chỉ không còn khổ đau, thay vào đó là một sự biểu hiện của hạnh phúc lớn lao.
Tu tập là để thoát khỏi vòng luân hồi, giải phóng các con khỏi tất cả những đau khổ, trở thành một bậc thánh và kiên trì cho đến khi các con trở thành một vị Phật. Để thoát khỏi vòng luân hồi, chúng ta cần tạo ra một tâm từ bỏ (một tâm quyết định rời vòng luân hồi), một tâm xác tín, một tâm với những lời nguyện không thể lay chuyển, một tâm tinh tấn và một tâm bồ đề của Đại thừa. Tất cả những trạng thái thực sự xuất phát ra từ những tâm này dựa vào và đặt nền tảng trên chính kiến. Không có chính kiến, tất cả những trạng thái của tâm sẽ bị đảo ngược và bối rối. Nói cách khác, các con sẽ không kinh nghiệm được bất kỳ hiệu quả ích lợi nào từ việc tu tập nếu thiếu chính kiến.
Ví dụ nếu các con muốn thực hành bồ đề tâm trước, các con sẽ không thành công. Nó sẽ dẫn đến một bồ đề tâm trống rỗng và ảo tưởng, một trạng thái bị lừa dối và sai lầm của tâm. Bởi vì tâm bồ đề phải được đặt nền tảng dựa trên tâm từ bỏ. Nghĩa là các con phải có một tâm thực sự quyết tâm đạt được sự giải thoát, đạt được sự thành tựu về pháp và thoát khỏi mọi đau khổ của luân hồi. Các con phải hiểu sâu sắc rằng vòng luân hồi thực sự đau đớn không thể nào miêu tả hết. Không chỉ các con chịu khổ đau mà tất cả chúng sinh trong sáu cõi luân hồi, mỗi chúng sinh mà chúng ta coi là cha và mẹ, đều chịu khổ đau như vậy trong trạng thái đau đớn của vô thường. Chỉ khi các con muốn giải thoát chính mình ra khỏi đau khổ các con mới thực sự tu tập cho chính các con. Chỉ khi đó các con mới thực hiện những hạnh Bồ tát để làm lợi lạc cho các con và người khác. Chỉ khi đó bồ đề tâm mới được phát khởi.
Tuy nhiên, sẽ là một lỗi lầm nếu các con bắt đầu từ một tâm từ bỏ. Điều đó không tuân theo trình tự đúng đắn của việc tu tập. Nó sẽ tạo ra một dạng mong muốn lý thuyết, không thiết thực để thoát khỏi vòng luân hồi và một trạng thái tự lừa dối, tự bối rối của tâm. Trong trường hợp này, các con không thể tạo nên một trạng thái đích thực của tâm quyết định thoát khỏi vòng luân hồi.
Vì vậy, nếu các con muốn trạng thái thực này của tâm quyết định rời luân hồi, đầu tiên các con phải hiểu về vô thường. Bước tiếp theo là có một tâm xác tín. Các con cần tin chắc vào sự đau khổ của luân hồi, vì nó có nguồn gốc từ vô thường. Chỉ khi có một tâm xác tín các con mới sợ sự đau khổ gây ra bởi vô thường và đạt đến một trạng thái tâm thực sự sợ vô thường. Khi đã đạt được trạng thái tâm thực sự sợ vô thường, tâm xác quyết muốn thoát khỏi vòng luân hồi sinh tử sẽ phát triển ngày một mạnh mẽ. Một cách tự nhiên, trạng thái tâm quyết rời bỏ vòng luân hổi sinh tử sẽ đi vào trạng thái thực sự sợ vô thường. Nếu những chúng sinh không hiểu mọi pháp có tính điều kiện trong vũ trụ đều vô thường, nếu họ không hiểu sự đau khổ của vô thường và luân hồi, họ không thể tạo ra một tâm xác quyết để hình thành những suy nghĩ muốn thoát khỏi vòng luân hồi. Nếu như các con không bao giờ nghĩ về việc rời khỏi vòng luân hồi, các con sẽ không trau dồi gì cả, các con cũng không muốn học đạo Phật. Những người không học đạo Phật không hề có mong muốn thoát khỏi luân hồi. Làm sao một người không học đạo Phật có được tâm xác quyết rời luân hồi? Vì vậy, các con không thể trau dồi một tâm xác quyết rời khỏi luân hồi. Cũng như ngay từ bước đầu tiên, các con sẽ không đi vào đạo Phật nếu không có tâm hiểu vô thường (Thực sự khởi lên cảm giác sợ vô thường và thực sự khởi lên trạng thái sợ vô thường). Ngay cả nếu các con trở thành Phật tử, các con sẽ không có được mức độ sâu sắc của việc tu hành đúng đắn.
*
Để hiểu được thế nào là tu tập, các con phải hiểu tám cái nhìn đúng đắn cơ bản liên quan đến học đạo Phật và tu tập.
Đầu tiên là ý thức về vô thường.
Thứ hai là tâm xác tín.
Thứ ba là tâm từ bỏ (tâm quyết định rời khỏi vòng luân hồi).
Thứ tư là tâm với những lời nguyện đúng đắn.
Thứ năm là tâm tinh tấn.
Thứ sáu là giới luật.
Thứ bảy là thiền định.
Thứ tám là bồ đề tâm.
Nhận ra tám pháp này và thực hiện chúng với chính kiến là thực tập Phật pháp đúng đắn. Tám cái nhìn đúng đắn cơ bản này, là điều không thể thiếu được với người tu tập, và không được làm sai trình tự.
Tất cả quả có được từ tâm ý thức về vô thường là nhân của tu tập.
Tất cả quả có được từ tâm xác tín là nhân của sự kiên định không thay đổi.
Tất cả quả của tâm từ bỏ là nhân của việc giải thoát.
Tất cả quả từ tâm của những lời nguyện đúng đắn là nhân của các hành động.
Tất cả quả từ tâm tinh tấn là nhân của sự tiến bộ bền vững liên tục.
Tất cả quả có được từ việc tuân theo giới luật là nhân của việc tu tập đúng hướng.
Tất cả quả có từ thiền và chính định là nhân của trí huệ.
Tất cả quả của bồ đề tâm là nhân dẫn đến việc trở thành một vị Bồ tát.
Tám cái nhìn đúng đắn căn bản này là nền tảng của tu tập, giải thoát và thành tựu trong pháp. Nếu như gốc rễ không đúng, tu tập không thể được thành lập. Vì vậy, tu tập không thể sai trình tự. Do đó tham gia vào tám bước căn bản của tu tập phải được hướng dẫn bởi các chính kiến. Nghĩa là được hướng dẫn bởi cách hiểu đúng và cách nhìn đúng, các con phát triển sự tu tập đúng đắn bằng việc đi qua tám bước cơ bản này theo đúng thứ tự của nó. Đó chính là tu tập. Trong sự tu tập của các con, các con phải liên tục đưa bồ đề tâm vào thực hành. Bởi bồ đề tâm là nền tảng để trở thành một vị Bồ tát.
Theo như sự diễn giảng của đức Phật về pháp, ý nghĩa thực sự của bồ đề tâm là: đó là nguyên nhân tất yếu dẫn đến việc ta trở thành một vị bồ tát. Bất cứ ai đi trên các con đường giác ngộ cuối cùng sẽ gặt quả giác ngộ. Ý nghĩa rộng của bồ đề tâm bao gồm tất cả pháp đại thừa liên quan đến việc giải cứu chúng sinh bằng tâm từ bi vĩ đại và nguyên nhân dẫn đến các mức độ giác ngộ của một Bồ tát.
Tuy nhiên, bởi sự không đủ phước đức của chúng sinh, một số ý nghĩa đầy đủ vốn có của Phật pháp đã bị thất lạc trong quá trình truyền lại giữa các thế hệ. Đặc biệt trong thời Mạt Pháp này, nghiệp của chúng sinh trong ba cõi của vũ trụ giống như một đại dương đầy sóng gió, thật khó cho chúng linh để có thể gặp được Phật pháp đích thực. Điều này cũng giống như một các con rùa mù bơi trong biển nổi lên và tra cổ đúng vào một cái vòng trên một tấm gỗ đang trôi nổi. Thực vậy, hiện giờ cực khó để có thể gặp được Phật pháp hoàn hảo. Kết quả là, ý nghĩa của bồ đề đã bị giảm bớt. Nó đã bị giảm liên tục từ nghĩa rộng xuống nghĩa hẹp của pháp bồ đề tâm.
Có hai dạng của tâm bồ đề. Bồ đề tâm với nghĩa cao quý và bồ đề tâm với nghĩa thế tục. Bồ đề tâm với nghĩa thông thường có thể được chia thành “bồ đề tâm nguyện (lời thề)” và “bồ đề tâm hạnh (hành động).” Cho dù đó là bồ đề tâm cao quý hay bồ đề tâm thông thường, nếu như các con được hướng dẫn bởi ‘hai tập hợp’ của bảy nhánh của bồ đề tâm, đó chính là bồ đề tâm cao nhất, tuyệt vời nhất và đầy đủ nhất.
Mỗi chúng sinh trong sáu cõi của luân hồi sống trong tam giới của hiện hữu đều có quyền tu dưỡng bồ đề tâm. Tuy nhiên, phần lớn chúng sinh không có đủ các điều kiện về nghiệp, do đó họ thực hành một phần nhỏ, rất hạn chế của pháp bồ đề tâm. Và kết quả là, họ thường dung dưỡng những cách hiểu sai lầm, chẳng hạn như chỉ những ai có tâm giác ngộ mới có thể thực hành bồ đề tâm và bồ đề tâm chính là trạng thái pháp thân của giác ngộ. Tất nhiên, chúng ta không từ chối những phần đã tồn tại này của bồ đề tâm. Tuy nhiên, những nhận thức này hạn chế việc thực hành pháp bồ đề tâm với những người chưa có tâm giác ngộ. Quan trọng hơn, bồ đề tâm không phụ thuộc vào tâm giác ngộ hay chưa giác ngộ. Bồ đề tâm là sức mạnh của những thề nguyện từ lòng đại bi bởi chúng sinh học đạo Phật ở bất cứ cõi nào trong sáu cõi luân hồi trong tam giới của vũ trụ, cũng như từ sức mạnh của những lời nguyện từ lòng đại bi của những bậc thánh trong cõi pháp giới. Bồ đề tâm là các hoạt động thực sự dựa trên lòng đại bi muốn giúp đỡ chúng sinh để trở thành Phật hoặc Bồ tát. Đó là tâm của tình thương theo nghĩa thiêng liêng mà cả những sinh linh chưa giác ngộ, đã giác ngộ hoặc những vị thánh hay người thường đều có.
Với bồ đề tâm, những bậc đã giác ngộ sử dụng trạng thái giác ngộ của phẩm hạnh và thực chứng, của những thực hành đúng đắn và sự truyền bá chính pháp để dạy và giác ngộ chúng sinh để họ trở thành các vị Phật. Với bồ đề tâm, những người chưa giác ngộ thề nguyện với lòng đại bi rằng chúng sinh và chính họ sẽ cùng nhau thành tựu trong pháp và đạt được giải thoát. Họ giúp những người khác đi vào các con đường chính pháp của Phật. Với những người như vậy, pháp bồ đề tâm là đức hạnh của việc giúp đỡ những người khác thành tựu trong pháp. Bởi vì họ làm lợi cho người khác, họ sẽ nhận được lợi ích. Vì vậy họ tăng cường những nhân để dẫn dắt họ trở thành Bồ tát.
Sự biểu hiện của bồ đề tâm được thể hiện qua những thực hành thực tế liên quan đến ba nghiệp, mà sự thực hành là phản chiếu của lòng đại bi. Bất cứ người tu tập thực sự nào, không kể họ là người thường hay bậc thánh, đều có quyền phát khởi bồ đề tâm và nên phát khởi bồ đề tâm. Bởi vì bồ đề tâm không phải là tâm giác ngộ mà chỉ những bậc thánh mới sở hữu. Thực tế đó chính là những hành động dựa trên lòng đại bi. Đó là sự gieo những nhân dựa trên lời thề nguyện rằng họ và những người khác trở nên giác ngộ. Bồ đề tâm không chỉ bao gồm mười phẩm tính tốt, bốn trạng thái tâm vô lượng, sáu ba la mật (hạnh hoàn hảo), và tứ nhiếp pháp của Bồ tát (bốn phương pháp mà bồ tát sử dụng để tiếp cận và cứu giúp chúng sinh). Hơn thế, nó bao gồm toàn bộ tam tạng kinh điển, toàn bộ giáo huấn bí mật, tất cả các pháp truyền khẩu, qua tai hoặc qua tâm để đem đến các hành vi từ bi rộng lớn, phù hợp với pháp, đem lại lợi ích và cứu giúp chúng sinh.
Vì vậy, bồ đề tâm chính là chân lý tối thượng theo nghĩa rộng. Với một vị Phật, bồ đề tâm là ba thân, là trí tuệ hoàn hảo được tổng kết trong tứ diệu đế, là tâm của Vô thượng chánh đẳng chánh giác. Với một vị Bồ tát, bồ đề tâm là lan truyền pháp và làm lợi cũng như cứu giúp chúng sinh bằng lòng đại bi. Với một người đã giác ngộ, bồ đề tâm là không bám chấp vào những thuộc tính hay đặc tính của sự vật và không lạc vào sự phù phiếm của trí óc hay sự tạo dựng các khái niệm. Đây là bản tính nguyên thủy của họ. Tính Không đích thực của bản tính nguyên thủy chính là sự hiện hữu tuyệt vời. Đó là chân lý tuyệt đối của mọi pháp có tính điều kiện. Chân lý này không sinh ra hay mất đi. Với một người bình thường, bồ đề tâm là sự từ bi giúp đỡ những người khác và thề nguyện rằng họ sẽ học đạo Phật và đạt được giải thoát.
Các con phải có cái nhìn về vô thường trước khi các con có thể phát khởi bồ đề tâm. Các con phải hiểu về sự vô thường và đau khổ liên quan tới chính các con và những chúng sinh khác đang trong vòng luân hồi và vì vậy tạo ra một cách nhìn của sự tỉnh thức, một tâm ý thức về vô thường. Sau đó các con sẽ thề để thoát khỏi luân hồi. Kết quả là các con sẽ tạo ra một tâm xác quyết rời khỏi vòng luân hồi. Các con sẽ nói “Tôi quyết tâm rời bỏ”. Các con cũng sẽ muốn chúng sinh trong sáu cõi, những người như cha mẹ các con, rời bỏ nó. Các con hiểu rằng vòng luân hồi như một biển đắng, rất khó để tồn tại, và cực kỳ đau đớn. Bởi cái nhìn xác quyết này, các con sẽ tạo ra một nỗi sợ hãi mạnh mẽ và cấp bách. Các con sẽ tìm cách để giải thoát ngay lúc này.
Nhưng các con hiểu rằng thực hành những hành động của Bồ tát là cách duy nhất để các con có thể nhanh chóng đạt được giải thoát khỏi vòng luân hồi. Do đó các con sẽ nguyện trở thành các vị Bồ tát. Các con sẽ tìm cách để nhanh chóng giác ngộ chính các con và người khác. Một cách tự nhiên, các con sẽ tạo ra một tâm bi mẫn lớn lao. Kết quả là, hạt giống của giác ngộ đã được gieo. Sự khởi phát của tâm bồ đề dựa trên một tâm bi mẫn lớn lao. Như đức Phật nói ”Nước của đại bi tưới hạt giống bồ đề. Kết quả là cây bồ đề sẽ có cành lá sum suê và sẽ ra rất nhiều quả.” Vì vậy, bồ đề tâm sẽ tự nhiên được hình thành. Bồ đề tâm là nhân dẫn đến việc trở thành một vị Bồ tát đại thừa. Các con sẽ có những cái nhìn trong sáng và đúng đắn và hiểu biết về việc tu tập. Các con sẽ tự nhiên nhận ra tính không như lai tạng, trạng thái của pháp thân. Với bồ đề tâm, các con tu dưỡng các hành vi của giác ngộ và đi vào các địa (giai đoạn) của một vị Bồ tát.
Tu dưỡng bồ đề tâm yêu cầu sự thực hành. Tu tập bồ đề tâm không phải là chỉ tụng niệm nghi lễ, thề nguyện sáo rỗng, hoặc thực tập quán tưởng. Trong sự tu tập bồ đề tâm, phần quan trọng nhất là tự mình tra xét sâu sắc điều sau: “Thân thể tôi là vô thường, là thay đổi từng sát na, và sức lực ngày càng giảm sút, già đi và chết. Tôi so sánh tại sao mặt tôi đã già đi sau hơn mười năm, sau hơn bốn mươi năm, và sau hơn bảy mươi năm. Mức độ già lão của tôi đã thay đổi. Tôi sẽ sớm vào tuổi già, ốm yếu và chết rồi lại tiếp tục lăn lộn trong vòng luân hồi nơi tôi sẽ trải nghiệm khổ đau. Tôi cũng quán sát niềm vui ngây thơ, mới sinh, tươi tắn và cái hình thức sống động khi tôi là một đứa trẻ. Tôi quán sát tôi không còn bề ngoài trẻ trung đó nữa. Mặt và da tôi đã già. Sức lực tôi đã giảm. Tôi hay ốm. Đặc tính của tuổi trẻ đã biến mất. Sức mạnh của vô thường sẽ kết liễu cuộc đời tôi. Tất cả bà con họ hàng và bằng hữu của tôi sẽ lần lượt ra đi. Giống như một giấc mơ, nó sẽ sớm kết thúc. Tâm tôi tràn đầy sợ hãi. Với một tâm dứt khoát, tôi hành động theo các giới luật, thực hành theo pháp và thâm nhập bồ đề tâm bởi hai tập hợp của bảy nhánh pháp bồ đề tâm: Pháp Bồ đề tâm Đại bi cho tất cả chúng sinh như mẹ mình và Pháp Bồ đề tâm Bồ tát hạnh.”
Khi thực hành Bồ đề tâm Đại bi cho mẹ mình, các con phải khởi lên lòng bi mẫn lớn lao và tu tập như sau: (1) tri mẫu, (2) tri ân, (3) báo ân, (4) từ ái, (5) từ bi, (6) xả tham, (7) đoạn chấp. Khi thực hành sự tu tập này, tất cả nên nhớ thực hành những điều sau cho chính mình:
1. Tri mẫu (hiểu ai là mẹ mình): Tôi hiểu sâu sắc rằng tất cả mọi chúng sinh trong sáu cõi của luân hồi trong tam giới của vũ trụ đều là cha và mẹ của tôi từ vô thủy trôi lăn trong vòng luân hồi sinh tử.
2. Tri ân: Tôi nên giữ một cách sâu sắc trong tâm rằng tất cả cha mẹ tôi (tất cả chúng sinh) đang trong vòng sinh tử đã từ vô thủy đã sinh tôi ra, nuôi dưỡng, yêu thương và già yếu đi vì tôi. Sự tử tế này của họ dành cho tôi sâu nặng như núi sông. Tôi nên giữ trong tâm sự tử tế của họ. Tôi sẽ xem những đau khổ của cha mẹ tôi (chúng sinh) là đau khổ của tôi.
3. Báo ân: Tôi hiểu rằng cha mẹ tôi (chúng sinh) đã dành cho tôi mọi thứ. Hiện giờ họ đang trôi lăn và lạc lõng trong sáu cõi của luân hồi và chịu đựng vô số khổ đau. Tôi quyết tâm hành động để giác ngộ chính mình và người khác, cứu giúp và giải phóng cho cha mẹ tôi để báo đáp lại sự tử tế của họ dành cho tôi.
4. Từ ái: Trong mọi lúc, bằng hành động của ba nghiệp, tôi yêu thương và tử tế với tất cả chúng sinh, những người đã từng là cha mẹ của tôi. Tôi cầu cho họ có một cuộc sống dài lâu không bệnh tật, giàu có, phước đức và hạnh phúc.
5. Từ bi: Cả ngày lẫn đêm, tôi liên tục cầu xin tất cả chư Phật và Bồ tát ban phước cho những cha mẹ tôi để họ có thể giải thoát chính họ khỏi các loại khổ đau, gặp gỡ và thực hành Phật pháp, tự giải thoát họ khỏi sự đau khổ của vòng luân hồi.
6. Xả tham (từ bỏ lòng tham): Tôi không giữ một bám luyến nào trong tâm về mọi thứ tôi làm để lợi ích cho chúng sinh, những người đã từng là cha mẹ tôi. Tôi tu tập sự không bám chấp vào tất cả những hành động tốt về thân, khẩu, ý của mình. Vì vậy, tất cả hành động tốt của tôi trở nên tự nhiên và tự phát, vì bản tính tự nhiên của tôi vốn là tốt đẹp. Tôi không làm điều tốt một cách có chủ ý. Tôi làm điều tốt và sau đó liền quên chúng đi.
7. Đoạn chấp (Cắt đứt bám chấp): Trong sự thực hành của mình, khi tôi trau dồi mọi loại thiện hạnh (hành vi tốt đẹp) và làm lợi lạc cho những cha mẹ của tôi (tất cả chúng sinh), tôi không nên bám chấp vào bất cứ pháp nào. Tôi cần cắt đứt mọi bám chấp vào tự ngã. Nhận ra trạng thái của tính Không, tôi nhận thức và trải nghiệm niềm hạnh phúc tuyệt vời đến từ chính định. Dù thực hành pháp, tôi không bám chấp vào pháp. Tôi không chủ định thoát khỏi những suy nghĩ lầm lạc. Tôi không chủ định đi tìm sự thật. Không đến và không đi, hân hoan, sáng tỏ, và không suy nghĩ, tôi bình an như nước lặng. Tất cả mọi thứ, kể cả chính tôi, đều vốn trống rỗng, không có thực.
Các điều kiện hỗ trợ để đem bồ đề tâm vào thực hành phải dựa trên chính kiến. Chúng ta hỗ trợ cho chúng sinh khi họ thực hiện những việc làm tốt, nhưng chúng ta không hỗ trợ hoặc giúp chúng sinh trong việc làm xấu của họ. Chúng ta chỉnh sửa hành vi của họ để họ có thể làm những việc tốt. Như thế, chúng ta làm tất cả những việc tốt để lợi ích cho chúng sinh. Chúng ta gieo những hạt giống tốt dẫn đến lợi lạc cho chúng sinh. Theo đó, chúng ta thực hiện bảy nhánh của Pháp Bồ tát hạnh. Chúng ta giúp chúng sinh thực hiện những việc tốt và giúp tăng những nhân lành của họ. Chúng ta giúp chúng sinh giảm việc tích tập những nghiệp xấu và giúp họ tránh xa những nhân dữ. Bảy nhánh của Pháp Bồ tát hạnh như sau:
Nhánh thứ nhất là bồ đề tâm “Tôi và người khác bình đẳng”.
Nhánh thứ hai là bồ đề tâm “Hoán đổi giữa tôi và người khác”.
Nhánh thứ ba là bồ đề tâm “Làm lợi lạc cho người khác trước khi làm lợi cho tôi”.
Nhánh thứ tư là bồ đề tâm “Hồi hướng công đức”.
Nhánh thứ năm là bồ đề tâm “Bảo vệ pháp không sợ hãi”.
Nhánh thứ sáu là bồ đề tâm “Dẫn dắt hiệu quả mọi người thực hành đúng đắn”.
Nhánh thứ bảy là bồ đề tâm “Từ bỏ bản thân để giúp người khác tạo nghiệp tốt”.
Khi thực hành sự tu tập này, mọi người nên thực hiện những điều sau:
1. Bồ đề tâm “Tôi và người khác bình đẳng”: Khi có sự mâu thuẫn về quyền lợi giữa tôi và người khác, tôi sẽ tránh không mắc vào thái độ thù ghét, áp bức, tham lam, kiêu ngạo, chê bai. Tôi không được nhấn mạnh vào lợi ích của chính mình. Tôi cần đối xử bình đẳng với mình và mọi người.
2. Bồ đề tâm “Hoán đổi giữa tôi và người khác”: Tôi muốn gánh chịu những đau khổ của mọi chúng sinh. Tôi cho người khác tất cả niềm vui và phước đức của tôi để họ thoát khỏi đau khổ và có được hạnh phúc.
3. Bồ đề tâm “Làm lợi cho người khác trước khi làm lợi cho tôi”: Khi những chúng sinh khác và tôi chịu đau khổ, tôi muốn giúp họ thoát khổ trước khi tôi thoát. Khi những chúng sinh khác và tôi được hạnh phúc. Tôi muốn mọi người hạnh phúc hơn tôi.
4. Bồ đề tâm “Hồi hướng công đức”: Tôi hồi hướng tới tất cả chúng sinh mọi công đức và thành tựu tôi tu tập được với hi vọng họ sẽ thoát khỏi khổ đau và đạt được giải thoát.
5. Bồ đề tâm “Bảo vệ pháp không sợ hãi”: Khi những tinh linh ma quỷ muốn hại Phật pháp, dẫn chúng sinh phá giới và làm hại những chúng sinh dẫn đến sự đau khổ của chúng sinh, tôi sẽ giữ chính kiến, không sợ hãi sức mạnh ma quỉ của những tinh linh này, và sẽ tiến lên phía trước để bảo vệ Phật pháp và trí tuệ mà từ đó chúng sinh sẽ đạt được giải thoát.
6. Bồ đề tâm “Dẫn dắt hiệu quả mọi người thực hành đúng đắn”: Bởi chúng sinh mang nặng những nghiệp chướng từ vô thủy, bởi họ vô minh và tạo ra nhiều nghiệp tiêu cực, sẽ có lúc họ không ăn năn hoặc thay đổi cách hành xử cho dù tôi đã động viên họ tích cực. Trong trường hợp này, tôi sẽ sử dụng những pháp đối trị uy lực để dẫn dắt những người này đến các con đường đúng đắn của pháp và những hành động tốt đẹp, lợi ích.
7. Bồ đề tâm “Từ bỏ bản thân để giúp người khác tạo nghiệp tốt”: Khi sự chứng ngộ của người khác cao hơn của tôi hoặc khả năng cứu giúp chúng sinh tốt hơn tôi, tôi sẽ nhường cho họ để những chúng sinh có thể có lợi nhiều hơn. Khi đó, không một chút lưỡng lự, tôi nhường cho họ. Điều này làm tăng cường cho những điều tốt xảy ra.
Bồ đề tâm, một phần của sự tu tập, là nguồn gốc của sự thành tựu trong thực hành pháp và vô cùng quan trọng. Ta sẽ đưa một ví dụ liên quan đến một vị rinpoche và một vị thầy giảng pháp. Vị rinpoche này đã tu tập hơn 30 năm. Ông đã nhận hơn một nghìn lễ quán đảnh bí mật. Ông ta chủ yếu thực hành pháp Đại Toàn Thiện (Dzogchen) của dòng Ninh Mã (Nyingma). Ông có thể giảng Phật pháp trong tam tạng kinh điển rất giỏi. Tuy nhiên, ông ta không có một pháp lực thực sự nào. Một người khác, một vị thầy giảng pháp,đã là một tu sĩ trong hơn 20 năm. Ông ta tuân thủ nghiêm ngặt các giới luật. Ông ta có thể giảng giải giỏi theo kinh (những bài thuyết pháp của đức Phật), luật (các giới luật) và luận (những lời luận giảng về lời dạy của đức Phật). Ông ta thực hành những pháp quan trọng và to lớn của mật tông Phật giáo Tây Tạng và là tu viện trưởng của một tu viện nổi tiếng. Giống như vị rinpoche, ông nổi tiếng trong việc giảng giải pháp. Tuy nhiên, ông ta cũng không có khả năng thể hiện một sự chứng ngộ thực sự nào.
Ta nói với họ rằng cho dù họ thực hành bất cứ một pháp môn to lớn nào của mật tông thì vẫn giống như xây lâu đài trên cát. Một lâu đài như vậy không thể xây lên được. Ta nói với họ rằng cho dù họ có được một vài thành công tạm thời trong thực hành, nhưng nó sẽ nhanh chóng biến mất. Ta yêu cầu họ thực hành xả bỏ những kiến thức và cách hiểu biết theo thói quen bởi đó là những chướng ngại. Ta yêu cầu họ thực hành “Thế nào là tu tập?”
Sau khi họ thực hành pháp này trong tám tháng, ta yêu cầu họ thêm vào thực hành pháp Đại Toàn Thiện (Dzogchen) và những pháp khác. Một điều kỳ diệu đã xảy ra sau đó. Trong cuộc kiểm nghiệm sự tiến bộ, vị rinpoche đã sử dụng Ấn Kim Cương Mãnh Lôi Thủ Chân Pháp và thể hiện năng lực vĩ đại. Sự thực chứng thực sự đã được thể hiện. Tuy nhiên, vị thầy giảng pháp vẫn chưa thể hiện được bất kỳ năng lực nào. Ông ta tiếp tục pháp tu tập này. Dưới sự chỉ dẫn cẩn thận của ta về những điểm còn yếu kém, cuối cùng ông ta đã hiểu ra tầm quan trọng của việc tu tập đích thực và bằng cách nào việc tu tập đích thực đòi hỏi sự cống hiến thời gian và sức lực trong việc thực hành ba nghiệp. Cuối cùng ông ta hiểu rằng không có chỗ cho sự trượt lui và thỏa hiệp. Ông ta tiếp tục thực hành ba tháng. Trong một lần thử để đo khả năng thể hiện sự thực chứng, năng lực của ông ta đã thể hiện một cách rõ rệt.
Như vậy, bất kỳ ai cũng có thể tu tập theo cách này và thực hiện những thực hành theo đúng pháp sẽ có khả năng có được Phật pháp đúng đắn. Một cách tự nhiên, họ sẽ phát triển trí tuệ. Họ sẽ không tham gia vào những lý thuyết trống rỗng về Ngũ Minh. Thay vào đó, họ sẽ thể hiện trạng thái thực sự của kết quả trong Ngũ Minh. Một người như vậy sẽ thực chứng “sự thể hiện của hiện thực hoàn hảo (năng lực siêu nhiên)”, sẽ đạt quả bồ đề và đi vào địa của một vị Bồ tát.
Những hành giả của mọi trường phái Phật giáo nên tuân thủ các quy tắc này của tu tập và nên thực hành bồ đề tâm. Nếu các con không tuân theo pháp của sự tu tập này theo đúng trình tự, các con sẽ dễ dàng bị bối rối và lạc đường. Một pháp như vậy là chìa khóa cho những cách thực hành tu tập.
Học hỏi những phương pháp thực hành pháp là một vấn đề khác. Tất cả những kết quả ích lợi có được từ học pháp đều dựa trên tu tập. Khi các con thực hiện nghiêm ngặt y theo đúng pháp, các con sẽ tự nhiên thực chứng những phẩm hạnh và sẽ đạt đến trạng thái đích thực. Nếu các con không có những quy tắc đúng để tu tập, pháp mà các con học sẽ trở thành pháp dựa trên cái thấy sai lầm hoặc thậm chí pháp xấu xa của ma quỷ. Nếu các con thực hiện đúng với pháp của sự tu tập như đã nói trong bài này, pháp các con học sẽ là pháp tốt, các con đang tham gia thực hành Phật pháp. Tu tập cũng liên quan đến mười phẩm tính tốt, bốn trạng thái không giới hạn của tâm (tứ vô lượng tâm), sáu ba la mật (hạnh hoàn hảo), tứ nhiếp pháp của bồ tát (bốn cách các bậc Bồ tát sử dụng để tiếp cận và cứu giúp chúng sinh), v.v…
Một vài đệ tử nghĩ rằng họ biết tất cả những pháp quan trọng ta đã giảng giải hôm nay về tu tập. Họ sẽ không nghiên cứu cẩn thận và thấm nhuần trọn vẹn vào cách nghĩ của họ sự tu tập mà ta đã nói. Thế mà, cái mong ước họ chứa chấp trong tâm vẫn là học được pháp vĩ đại để họ trở thành Phật trong chính đời này!
Với những ai có cách nghĩ như vậy sẽ chỉ có những kiến thức hời hợt, sẽ rơi vào bối rối và sẽ lạc đường. Một người như vậy sẽ không học được Phật pháp đích thực. Cho dù học thực hành pháp vĩ đại, ví dụ như Đại Toàn Thiện (Dzogchen) của dòng Ninh Mã (Nyingma), Tâm trong Tâm của dòng Cát Cử (Kagyu), Đại Hoàn Hảo của Trí tuệ Tuyệt Diệu của dòng Tát Ca (Sakya), Thời Luân Kim Cương của dòng Cách Lỗ (Geluk), tham thiền của dòng Tổ sư thiền Phật giáo hiển thừa, tụng hồng danh đức Phật của dòng Tịnh độ, pháp của dòng Duy thức, hoặc thiền chỉ và thiền quán của Phật giáo nguyên thủy, họ sẽ không có được kết quả từ thực hành và sẽ không thể chuyển hóa nhận thức của họ thành trí tuệ. Như thế, họ sẽ chỉ đi loanh quanh trong trạng thái của một người bình thường. Họ sẽ không thể thể hiện một sự thực chứng nào, mà nguồn gốc của nó là trí huệ của Mật thừa hay Hiển thừa Phật giáo. Họ sẽ không thể thể hiện bất kỳ sự thành tựu nào trong Ngũ Minh. Họ sẽ chỉ có thể thể hiện như một người bình thường thể hiện. Thậm chí họ có thể ngu ngốc tới mức chỉ nhớ được những lý thuyết trong sách và nói về những lý thuyết trống rỗng, không có khả năng đem những lý thuyết này vào thực hành. Một người như vậy không thể thực sự làm được một điều gì. Cho dù họ có thể làm được một ít việc gì đó, họ cũng không thể vượt qua những người là chuyên gia về những việc đó trong thế giới này
Hãy nghĩ về điều đó. Một người như vậy có là hiện thân của Phật pháp? Lẽ nào trí huệ đến từ Phật pháp lại thấp kém như vậy? Làm thế nào một người chưa phát triển trí huệ cao quý và vẫn còn nhận thức của một người bình thường có thể sở hữu pháp thực sự để giác ngộ người đó và những người khác? Tuy nhiên, nếu các con tham gia thực hành pháp theo đúng những quy tắc của sự tu tập, các con sẽ nhận được Phật pháp đích thực, sẽ trở nên thực sự giỏi giang trong hiển thừa và mật thừa Phật giáo, và có thể thể hiện sự hoàn hảo trong Ngũ Minh. Như vậy chúng ta phải hiểu việc tu dưỡng chính là nền tảng để học pháp, là nhân của giải thoát, là nguồn gốc của việc thực chứng trạng thái linh thánh.
Hôm nay ta nói một cách ngắn gọn về chủ đề thế nào là tu tập. Ta đã giảng giải về chủ đề thực hành đúng đắn của bồ đề tâm, là một phần của tu tập. Ta không nói về những pháp khác. Có rất nhiều điều khác để ta dạy các con. Tuy nhiên nếu ta nói về những giáo lý khác trong cuốn sách này, nó sẽ không theo đúng giới luật và có thể dễ dàng tạo ra những nghiệp xấu do hành động thiếu tôn trọng giới luật này. Vì vậy, ta hy vọng tất cả những người học Phật giáo sẽ miệt mài nghiên cứu Tam tạng kinh điển và các giáo lý mật thừa hoặc nghe những bài giảng đã được ghi lại của ta về pháp. Nếu như các con chăm chú lắng nghe những bài giảng pháp này bằng cả trái tim, trong vòng mười ngày các con sẽ đạt được một mức độ an lạc hoặc sự an lạc tuyệt diệu của giác ngộ vĩ đại. Nếu các nhân duyên đã đầy đủ, các con sẽ trải nghiệm những kết quả ích lợi trong toàn bộ đời sống hoặc thậm chí đạt được thành tựu lớn, giải thoát, và Phật quả.
Bây giờ khi các con đã học về pháp của sự tu tập này, các con có muốn thực hành nó? Bất kỳ ai khi tham gia vào tu tập thực sự đều có thể trở nên hoàn hảo trong pháp và đạt được sự giải thoát khỏi vòng luân hồi sinh tử. Tuy nhiên, chúng ta phải hiểu một cách rõ ràng điều này. Cho dù các con đã đọc “Thế nào là tu tập?” và cho dù các con đã đọc tám điều cơ bản của tu tập và hai tập hợp của bảy nhánh dựa trên cái thấy đúng đắn, đó gọi là “đọc những sách vở liên quan đến thực hành”. Đó không phải là tu tập. Nếu các con hiểu những nguyên tắc liên quan đến tu tập, đó gọi là “hiểu lý thuyết về thực hành”. Đó cũng không phải là tu tập. Nếu các con bắt đầu thực hiện pháp tu tập này theo như đúng nội dung của nó, đó vẫn chưa phải là tu tập. Đó gọi là “bước vào quá trình của tu tập”. Nếu các con cố gắng hết khả năng để áp dụng lòng bi mẫn lớn lao tương ứng với pháp tu tập này, đó gọi là “tu tập thô”. Nó vẫn chưa phải là tu tập đúng cách và đúng đắn. Nếu như các con không cần phải cố gắng hết sức trong việc áp dụng lòng bi mẫn lớn lao, nếu như các con thực hiện hoàn hảo một cách tự nhiên, không cố gắng tám điều căn bản của tu tập và hai tập hợp của bảy nhánh theo như đúng pháp, thì đó gọi là “tu tập”.
Tại sao ngay cả khi đã cố gắng hết sức để tu tập vẫn không gọi là “tu tập” mà chỉ được gọi là “tu tập thô”? Bởi vì từ vô thủy tới nay, sức mạnh của nghiệp và những chướng ngại của vô minh (thiếu hiểu biết) đã cản trở người tu tập. Vì vậy, họ không thể từ bỏ được lòng tham (mong muốn ích kỷ), sân (tức giận hay ác cảm), và si (bị đánh lừa). Họ không thể từ bỏ sự bám chấp vào bản ngã. Điều này tạo ra sự chướng ngại dựa trên các phiền não. Điều này cũng tạo ra sự chướng ngại bắt nguồn từ chính kiến thức và thói quen hiểu biết của họ. Những chướng ngại về nghiệp này trùm lên hết tất cả các chính niệm (suy nghĩ đúng đắn) của những hành giả này. Kết quả là, quá trình áp dụng mỗi một điều trong những luật lệ tu tập này thật khó khăn cho những hành giả này. Chính bởi vì những khó khăn này, họ chọn phương pháp sử dụng sự cố gắng cao nhất để thực hiện việc tu tập. Sử dụng sự cố gắng hết sức theo cách này giống như một hòn sỏi thô ráp từ trong ra ngoài chứ không phải một viên đá quý đã được mài giũa và đánh bóng. Thực hiện một phần trong tám điều cơ bản của sự tu tập và hai tập hợp của bảy nhánh mà không thực hiện những phần khác cũng không được gọi là tu tập đúng đắn. Đó là lý do tại sao nó được gọi là “tu tập thô” hay “tu tập không đầy đủ”.
Hiểu cặn kẽ các qui luật của tu tập, không thực hiện chúng một cách ép buộc, và thực hiện tự nhiên tám điều cơ bản của tu tập và hai tập hợp của bảy nhánh theo đúng như pháp chính là tu tập đúng đắn, nó không bị bám chấp vào cái tôi và nó vượt qua các chướng ngại. Đó là con đường Bồ đề (giác ngộ). Như vậy, mỗi ngày hành giả nên tự xem xét Bồ đề tâm Lòng bi mẫn lớn lao cho tất cả chúng sinh như mẹ của tôi và Bồ đề tâm Bồ tát hạnh. Họ nên chiêm nghiệm dựa trên hai tập hợp của bảy nhánh, tự hỏi mình liệu họ đã thực hiện đúng với pháp hay chưa? Nếu như các con không thể thực hiện những quy định theo đúng với pháp được giảng ở đây, nó thể hiện các con đã đi vào trạng thái “tu tập thô”. Nếu như các con không thực hiện đầy đủ các quy định này thì sự tu tập của các con là tu tập không đầy đủ. Các con sẽ không thể thành tựu trong pháp và được giải thoát khỏi vòng luân hồi với sự tu tập không đầy đủ như vậy. Cho dù các con có được một số thành tựu nhỏ, các con cũng không thể có được phước đức và trí tuệ lớn, sức mạnh siêu nhiên và thực chứng Ngũ Minh.
Nếu như các con tự xem xét mỗi ngày về hai tập hợp của bảy nhánh, và không thực hiện chúng một cách ép buộc, có một lòng bi mẫn lớn lao, theo những điều tốt một cách tự nhiên, và thực hiện hai tập hợp của bảy nhánh một cách tự nhiên và đúng với pháp, thì đó chính là tu tập thực sự và thực hành đầy đủ. Các con sẽ dễ dàng có được sự giải thoát, trở thành một bậc thánh và có được phước đức và trí tuệ. Theo đó các con sẽ có thể thực chứng Ngũ Minh. Các con sẽ chắc chắn đến địa của một vị Bồ tát. Thêm nữa, các con nên biết “đọc những sách vở liên quan đến thực hành”, “hiểu lý thuyết của thực hành”, “bắt đầu thực hành” và “thực hành thô” thì dễ. Thực hành hai tập hợp của bảy nhánh một cách hoàn hảo và không bám chấp thì khó. Thực ra, khi các con bỏ được sự bám chấp vào cái tôi, các con ngay lập tức đi vào sự tu tập đúng đắn đích thực. Làm sao điều đó có thể khó được? Mọi người đều có thể làm được nó!
Khi các con tự xem xét hàng ngày, các con có thể sử dụng những bạn đồng tu mà các con quen biết, những người các con chơi cùng, những người không tốt với các con, những duyên nghiệp tiêu cực, bất cứ duyên hay người nào làm các con không hạnh phúc, hoặc những người các con thấy khó có thể chơi cùng, những người không nói chuyện với các con hoặc các con không nói chuyện cùng… như là đối tượng để tự xem xét. Các con phải dùng họ như những đối tượng của sự thực hành, tự hỏi mình: ”Ngày hôm nay tôi đã hành xử theo đúng với hai tập hợp của bảy nhánh và trong việc tôi chủ động thể hiện thiện ý của tôi với những người này? Khi tôi chủ động đến gần người đó và họ tấn công tôi bằng những lời gây phiền lòng, tôi có kiên nhẫn chịu đựng những sự xúc phạm này và tấp tục tiếp cận họ để thể hiện thiện ý hay không?” Các con không được giữ bất kỳ mối ác cảm nào do những lời nói và hành động gây phiền lòng, xúc phạm gây ra. Nếu mỗi ngày các con thực hiện bồ đề tâm mà không nhụt chí, thực hiện hai tập hợp của bảy nhánh qua ba nghiệp về hành động, lời nói, và suy nghĩ, và thực sự tu dưỡng chính các con theo đúng như pháp theo một cách thực sự và cụ thể, thì các con sẽ rất dễ học Phật pháp tối cao. Trong trường hợp như vậy, bồ đề tâm và địa của một vị Bồ tát tự nhiên sẽ trở thành của các con. Đó chính là tu tập.
*
Ta đã kết thúc bài thuyết pháp về sự tu tập để lợi lạc cho mọi chúng sinh. Tuy nhiên, có một loại vấn đề sẽ gây hại cho chúng sinh thường hay xảy ra. Ta đang nói đến vấn đề sử dụng danh của ta để làm hại đến quyền lợi của chúng sinh. Ta muốn kêu gọi sự chú ý một lần nữa tới vấn đề đặc biệt quan trọng này mà mọi người phải xem xét nghiêm túc.
Trên thế giới này, hiện có một số vị pháp vương, những tôn giả, những rinpoche, những thầy giảng pháp và ngay cả những cư sĩ đã tuyên bố họ là những người đi theo ta và được ta tin tưởng. Họ có thể tuyên bố họ đại diện cho ta để xử lý một vấn đề nào đó. Họ có thể tuyên bố họ mang theo một thông điệp nào đó từ ta. Hoặc họ có thể tuyên bố họ nói lại lời ta. Trên thực tế, ta có những đệ tử trong cả hiển thừa và mật thừa Phật giáo ở trong mỗi một dòng chính yếu. Cho dù địa vị của người tuyên bố những điều này có cao quý và phẩm hạnh của họ có lớn lao thế nào đi nữa, không ai có thể đại diện cho ta. Điều này áp dụng cho cả những vấn đề nhỏ nhặt!
Chỉ khi một người có một tài liệu có mục đích cụ thể mà ta đưa cho họ trong đó nói rõ rằng họ đại diện cho ta để xử lý một vấn đề nào đó, tài liệu đó có chữ ký và dấu vân tay của ta, và tài liệu đó đi kèm với một băng video thì họ mới có thể đại diện cho ta trong việc giải quyết vấn đề cụ thể ghi trong tài liệu đó. Nếu không như vậy, cho dù địa vị của một pháp vương, tôn giả, rinpoche hoặc thầy giảng pháp có cao thế nào đi nữa, sự giảng giải về pháp của họ không đại diện cho cái nhìn của ta và không được coi như là tiêu chuẩn của cái hiểu đúng và nhìn đúng. Ta biết một cách không định kiến rằng những bài giảng hoặc bài viết của ta là pháp đích thực. Bởi vì những bài giảng và bài viết của ta thực sự đem lợi ích và giải thoát cho chúng sinh. Thêm nữa, bất kỳ ai cũng không được sử dụng bất kỳ phương pháp nào để thêm, bớt hoặc chỉnh sửa bài viết hoặc bài giảng của ta. Bất kỳ ai vi phạm điều được nói trên đây chắc chắn là người với cái thấy sai lạc và là người đã rơi vào các con đường xấu, cho dù địa vị người đó cao thế nào đi nữa.
Vì vậy, một người có thể đại diện ta chỉ khi tất cả mọi người tự nhìn thấy một tài liệu có dấu tay và có những bằng chứng rõ ràng dưới dạng một bản ghi âm hay băng video có ghi lời của ta liên quan tới tài liệu đó. Nếu không, cho dù người đệ tử đó là ai, kể cả những đệ tử có phẩm hạnh cao quý đã ở bên ta một thời gian dài, tất cả mọi điều họ nghĩ, nói, làm, hoặc viết thì chỉ là hành động riêng của họ và hoàn toàn không đại diện cho ta!