PHÂN BIỆT ĐẠI TIÊU THỪA VÀ KIM CANG THỪA.
THẾ NÀO LÀ ĐẠI THỪA.
Trên thế giới có nhiều tôn giáo, vậy Phật giáo có gì đặc biệt?
Phật nói như này: “Phật đạo, là con đường giải thoát”.
Bằng cách nào?
1. Qui y Tam bảo là quay về nương dựa nơi Tam bảo, nhờ đó có thể thoát được nghiệp chướng phiền não, thành tựu kết quả tối hậu là giải thoát toàn diện mọi khổ đau và nguyên nhân của khổ đau. Về nương dựa Tam bảo để giải thoát khổ đau là động cơ tu hành chính của Phật tử căn cơ thấp.
Khế kinh có nói muốn giải thoát không cần phải rời bỏ nơi này để đến một cõi đặc biệt nào khác. Khổ đau có thể tận diệt ngay trong thân tâm này. Thân tâm chúng ta đây vốn có đủ mọi tiềm năng để thành tựu nguồn an lạc tối thượng, chỉ cần tìm ra đường tu chính xác, phương pháp tu chính xác, rồi nỗ lực tu hành.
Con đường giải thoát không có trong các tôn giáo khác. Tôn giáo khác có thể nói nếu tu như thế này, thiền như thế kia, sẽ được phép thần thông ,sẽ được thành tựu tâm linh thế này hay thế khác. Tôn giáo khác có thể dạy nhiều phương pháp nhập định rất hữu hiệu, nhưng không dạy tu để giải thoát khổ đau.
Phật giáo ngược lại dạy nhiều cách tu để giải thoát khổ đau, thành tựu an lạc tối thượng.
Ðây không chỉ là lời nói suông, thực sự các bạn có thể đạt đến kết quả ấy. Vọng tưởng và phiền não trong tâm các bạn chỉ là những hiện tượng sinh diệt, khi có, khi không. Nếu chịu khó tu, nếu gặp vị đạo sư đủ khả năng hướng dẫn, và nếu chính mình có chí tu học, có căn cơ cao, thì chắc chắn chúng ta sẽ có thể thoát khổ đau đạt nguồn an lạc tối thượng ngay trong thân tâm này, ngay trong kiếp sống hiện tại này.
2. SỰ KHÁC BIỆT GIỮA TIỂU THỪA VÀ ĐẠI THỪA.
Vì sao lại nói rằng Ðại thừa thâm diệu hơn? Muốn hoàn thành trọn vẹn con đường Phật dạy, triệt bỏ toàn diện phiền não ô nhiễm, thành tựu bồ đề, người tu cần theo con đường Ðại thừa, cần hành trì theo phương pháp tu dành cho Bồ tát. Tất cả đều dựa trên căn bản của tâm Bồ đề, vì lợi ích của chúng sinh.
Còn các vị tu Tiểu thừa thành A-la-hán như ngài Xá lợi phất hay Mục kiền liên… Có thể nói là các ngài chỉ mới thành tựu được một phần của tâm buông xả, chưa phải là tâm buông xả trọn vẹn. Các ngài chỉ mới xả bỏ được một phần, nhưng chưa thể xả bỏ toàn bộ chướng ngại áng ngữ trí toàn giác.
Trước tiên phát tâm Bồ đề [là tâm nguyện đạt giác ngộ vì lợi ích chúng sinh], tiếp theo tích lũy hai bồ phước tuệ trong thời gian dài và cuối cùng đạt đến tâm buông xả viên mãn, thành tựu giác ngộ viên mãn. Mục đích cao nhất phải là đạt mọi tánh đức của tâm buông xả rốt ráo và tâm giác ngộ rốt ráo. Ðiều này ai cũng có thể đạt đến nếu noi theo gót chân Phật .Chỉ có con đường Ðại thừa mới dẫn đến quả vị Phật như vậy.
Khi mới bắt đầu thuyết Pháp, Phật dạy về Thanh văn thừa cùng nhiều phương pháp tu Giới Ðịnh Tuệ. Phần giáo pháp này là căn bản của con đường giác ngộ giải thoát.
Rồi Phật lại dạy phương pháp phát khởi lòng từ bi và tâm Bồ đề, là con đường dành cho những vị bồ tát dũng mãnh, lãnh nhận trách nhiệm mang lợi ích về cho toàn thể chúng sinh. Tuần tự đường tu Phật dạy là như vậy, trước tiên tu theo căn bản Giới Ðịnh Tuệ, rồi phát tâm từ bi cùng với tâm Bồ đề.
Ðại thừa không phải là con đường song song riêng biệt với Tiểu thừa. Căn bản của Ðại thừa chính là Tiểu thừa. Giáo pháp Tiểu thừa không ra ngoài Ðại thừa. Chỉ khác là thêm vào đó, Ðại thừa đòi hỏi phải phát tâm đại bi và tâm Bồ đề.
3. Ðặc điểm của Kim cang thừa
Trong Ðại thừa còn có hai cỗ xe chính, một là cỗ xe “tu-nhân”, gọi là Ba-la-mật thừa, hay là Hiển tông, hai là cỗ xe “tu-quả”, gọi là Kim cang thừa, hay là Mật tông.
Mật tông được xem là thâm diệu hơn Hiển tông. Muốn thành tựu đạo quả thì cần song tu Hiển Mật
Vì sao lại nói Mật tông thâm diệu hơn Hiển tông?
Ðiều quan trọng cần phải hiểu, Mật tông là giáo pháp do chính Phật dạy, bao gồm những phương pháp khác thường nhưng cũng chỉ để hành trì hai sắc thái chính của Phật đạo là phương tiện và trí tuệ.
Hiển và Mật đều có chung một nội dung hành trì, đó là phương tiện và trí tuệ. Nội dung tuy giống, nhưng phương pháp hành trì lại khác nhau.
Hiển tông khi nói “song tu phương tiện và trí tuệ”, hay “song tu phước tuệ”, chữ song tu ở đây có nghĩa là tu hành song song, xen kẽ, dùng trí tuệ để tu phương tiện, hay dùng phương tiện để tu trí tuệ, lần lượt tích tụ hai bồ phước và tuệ chứ không phải trong cùng một lúc mà đồng thời tích tụ được cả hai.
Mật tông cũng nói “song tu phương tiện và trí tuệ”, nhưng ở đây lại là một pháp tu duy nhất, không thực hiện xen kẽ mà cùng lúc tích lũy cả hai bồ phước tuệ. Khi quán về sắc tướng của Phật, hay khi quán tưởng thân Phật trước mắt, hành giả đồng thời quán về tánh Không của thân Phật. Quán tưởng sắc thân nhiệm màu của Phật là phương tiện, nhờ vậy tích tụ được phước. Quán tánh Không của thân Phật là trí tuệ, nhờ vậy tích tụ được tuệ. Phương pháp này giúp hành giả cùng một lúc tích lũy được cả hai bồ phước tuệ, nhờ vậy đủ khả năng mong chóng thành tựu thân Phật và trí Phật. Ðây là lý do chính vì sao lại nói Mật tông thâm diệu hơn Hiển tông.
Làm thế nào trong cùng một công phu lại có thể song hành phước tuệ? Trước hết cần hiểu về cốt lõi của phương pháp quán tưởng Pháp chủ du già của mật pháp. Quán tưởng Pháp chủ du già phải phát khởi từ nền tảng tánh Không. Ðầu tiên quán về trí tuệ tánh Không, tiếp theo quán thân sanh diệt của mình từ tánh Không khởi hiện thành tướng Phật. Trí tuệ tánh Không hoạt hiện thành tướng Phật cũng là quả của đường tu. Vì vậy mà nói Mật tông vận dụng quả để tu hành. Lấy kết quả để tu hành sẽ giúp hành giả càng tiến nhanh đến thành tựu.
Dù vậy, tự mình hiện thành đủ loại thân Phật trong quán tưởng không có nghĩa là đã thành Phật. Chỉ quán tưởng thôi, chưa phải thành Phật thật sự. Ðồng thời cũng đừng nói là mình không thể thành Phật, vì mọi chúng sinh đều có khả năng này, mọi chúng sinh đều thuộc dòng giống Phật. Vì vậy quán tưởng thân Phật để mau chóng tích phước, hiểu và quán về tánh Không để mau chóng tích tuệ. Mật tông là phương pháp tu mau chóng như vậy, nên đặc biệt quí giá.
Mật tông gọi là cỗ xe “tu-quả”, là Kim cang thừa. Chữ Kim cang có nghĩa là cứng chắc đến độ không thể phá vỡ hay phân đoạn. Tính chất không thể đoạn vỡ biểu hiện cho sự hợp nhất không thể phân chia giữa trí tuệ và phương tiện. Khi tu hành giả tu trí tuệ và phương tiện không phải xen kẽ mà cùng một lúc. Quán về cảnh Phật, như tịnh độ, mạn đà la, là quán về sắc thân của Phật, về tâm hỉ lạc của Phật, về cảnh giới của Phật, gọi là tam mật tương ưng, nhờ mang quả về ngay trong giây phút hiện tại, hành giả huân tập mọi tính năng của tâm để mau chóng đạt đến thành quả ấy. Kim cang thừa là đường tu phương tiện trí tuệ không hai, mang quả về đường tu. Vì vậy mà gọi là Kim cang thừa, là cỗ xe “tu-quả”.
4. Mật tông tối thượng du già là gì? Ðâu là tinh túy của Mật tông tối thượng du già
Phật pháp đặc biệt chú trọng đến tính bất nhị của phương tiện và trí tuệ, và hai sắc thái này được hành trì hợp nhất trong Mật tông. Pháp tu hợp nhất này không thấy có trong Hiển tông. Hiển tông tuy kết hợp phương tiện và trí tuệ, nhưng hành trì song song, xen kẽ. Còn trong Mật tông thì hoàn toàn chỉ là một.
Mật tông thường nói đến nền tảng cơ , đạo và quả. Ðạo là công phu tu hành, quả là thành tựu sẽ đạt tới. Còn nền tảng trong Mật tông, chính là thân người. Thân người có hệ thống khí mạch, khí, và nhiều loại tinh chất được gọi là tinh khí bồ đề. Những điều này không phải là tưởng tượng mà thật có trong thân và tâm của chúng ta. Con người sinh ra đã có sẵn một hệ thống khí mạch, bên trong có khí và nhiều tinh chất khác cùng luân chuyển, ví dụ như cái gọi là máu đến từ mẹ và tinh khí đến từ cha.
Mật tông nói rằng mỗi loại khí trong cơ thể - tương ứng với một tầng tâm thức. Tâm và khí có nhiều tầng thô lậu và vi tế khác nhau. Mỗi loại khí kết hợp với một tầng tâm thức, phát sinh thành hình ảnh ý tưởng trong tâm. Như khi đi ngủ, chúng ta từ từ chìm sâu vào giấc ngủ, tâm thức càng lúc càng trở nên vi tế, phần tâm và khí thô lậu lúc tỉnh dần dần thu về hội tụ ở vùng tim, làm hiển lộ các tầng tâm và khí càng lúc càng vi tế. Vì vậy dần dần chúng ta mất tri giác, bắt đầu nằm mơ.. vân… vân. Khi thức dậy, các luồng khí lại tán khỏi vùng tim, tâm thức càng lúc càng trở nên thô lậu cho đến khi thức giấc. Chúng ta đã từng nhiều lần trải qua những kinh nghiệm như vậy với các tầng tâm khí thô-tế khác nhau.
Hiển tông và ba bộ mật pháp dưới của Mật tông vận dụng lớp khí và tâm thô lậu để thiền quán tu tập. Chỉ riêng các mật pháp trong Mật tông tối thượng du già là không làm như vậy mà thâu nhiếp các tầng tâm và khí thô lậu để làm hiển lộ tầng tâm và khí vi tế nhất. Rồi vận dụng tầng tâm thức vi tế nhất để thiền quán về tánh Không và về thân Phật, nhờ vậy có thể triệt bỏ mọi phiền não thô-tế, cùng với tất cả mọi tập khí phiền não, đồng loạt thành tựu tam thân Phật. Phương pháp này chỉ có trong Mật tông tối thượng du già, vì vậy mà nói Mật tông tối thượng du già thâm diệu nhất. Ðó là vì ở đây có cả một hệ thống trình bày về khí, khí mạch, cùng những thành phần luân chuyển trong đó. Khi chạm tới điểm tinh túy nhất của thân kim cang, hành giả thu nhiếp hết những tầng tâm khí thô lậu để hiển lộ phần tâm khí vi tế nhất, lấy đó làm nền tảng thiền quán tánh Không và thiền quán thân Phật.
5. Ðặc điểm của mật pháp Kalachakra
Mật pháp Kalachakra là một phương pháp tu cực kỳ thâm diệu .Vì cầu giác ngộ, chúng ta đi theo con đường dẫn đến quả vị Phật.
Quan trọng nhất là đừng quá nuông chiều thân xác cha mẹ sinh ra, mà phải cần sám hối thanh tịnh tâm thức của mình. Tâm vốn trong sáng, tách lìa ô nhiễm, nhờ đó có thể sám hối thanh tịnh tâm thức, dẹp sạch ô nhiễm, thành đạt trí toàn giác. Trí toàn giác này chính là Tâm của Phật.
Còn Thân Phật thì sao? Làm cách nào chúng ta có thể thành tựu được thân Phật?
Xét theo giáo pháp của Mật tông nói chung, chúng ta gọi thân cha mẹ sinh ra là thân của mình, nhưng không thể lấy thân thể thô lậu này để chuyển thành Thân Phật. Phải vận dụng phần tâm và khí vi tế nhất trong cơ thể để thiền quán tánh Không, rồi sám hối thanh tịnh mọi chướng ngại của thân và tâm vi tế để chuyển thành sắc thân trong sáng của Phật Kim cang tát đỏa hay của Phật Kim cang trì, hay nói cách khác, để chuyển thành thân của Phật. Ðây là phần thân và tâm vi tế nhất, khác với hợp uẩn thân tâm do cha mẹ sinh ra. Phần tâm và khí vi tế nhất quán tưởng tánh Không là Trí Phật, Trí Phật hoạt hiện thân Phật, Thân và Trí của Phật trở thành một hiện tượng duy nhất không thể phân chia, đó là cái gọi là thân tâm của Phật. Mật pháp Kalachakra không nói đến thân vi tế và khí vi tế khác với thân ngũ uẩn, mà lại dạy phương pháp tiêu trừ thân ngũ uẩn hiện có, để chuyển thân này thành cái gọi là thân vô sắc của Phật.
Chữ Kalachakra có nghĩa là bánh xe thời gian. Kala là thời gian, còn chakra là bánh xe. Khi giải thích về Kalachakra, cần phải hiểu Kalachakra qua ba điểm chính yếu của pháp tu này, đó là nền tảng, đạo và quả.
Theo mật pháp này, nền tảng là thân vật lý, khởi sinh từ ba nghiệp phiền não là tham sân si, cùng nhiều loại phiền não khác. Thân chúng sinh là nguyên nhân của khổ đau luân hồi, cho chính mình và cho chúng sinh. Những thành phần vật lý có trong đó, hệ thống khí mạch và các tinh chất luân chuyển trong đó, là nền tảng của pháp Kalachakra. Ðó là căn bản hành trì.
Ðạo là phương pháp tu. Ðể triệt bỏ khổ não cho mình và cho chúng sinh, hành giả cần thành tựu tâm đại lạc bất động. Bất động có nghĩa là không lay chuyển trong cả ba thời quá khứ hiện tại và vị lai. Ðại lạc bất động trong mật pháp Kalachakra chính là cái nơi khác thường gọi là Tâm Chân như2. Tâm đại lạc bất động chính là Tâm Chân như cực kỳ vi tế đang quán chiếu tánh Không. Muốn vận dụng Tâm Chân như vi tế này để quán tánh Không, hành giả phải lần lượt thu nhiếp tiêu trừ thân vật lý của chính mình. Ðiều này không đột ngột xảy ra, mà thành tựu từng phần, nhờ công phu kiên trì tu tập.
Lúc đầu, thân vô sắc chỉ là một hiện tượng mơ hồ. Nếu kiên trì, các hợp thể vật lý của xác thân sẽ từ từ thu nhiếp lại. Thân vật lý thu nhiếp đến đâu, thân vô sắc hiển hiện đến đó. Hành giả nhờ trú ở Tâm Chân như, hoạt hiện thành sắc tướng của năm vị Thiền Phật trong năm bộ Phật, cùng mọi thiện thần hung thần trú trong mạn đà la Kalachakra. Ðó là phương cách thành tựu thân vô sắc, thành tựu sắc thân nhiệm màu của Phật.
Thân vô sắc là từ Tâm Chân như hóa hiện mà thành. Còn chính Tâm Chân như lại là nhân tố thành tựu Trí Phật. Nhờ vậy mà có sự hợp nhất giữa thân và tâm của Phật. Hành giả đạt quả vị Phật với thân vô sắc và tâm đại lạc bất động, đồng thời hoạt hiện thành nhiều vị Phật và thần trong mạn đà la, tất cả không ra khỏi chân tánh của đại lạc và chân như.
Mật pháp Kalachakra qua ba yếu tố nền tảng, đạo, và quả, giải thích đại khái là như vậy. Ðặc điểm của Kalachakra là thu nhiếp tất cả mọi thành phần vật lý thô lậu để chuyển thành thân vô sắc của Phật đà.
Trong mật pháp Kalachakra, tâm đại lạc bất động được xem là Tâm của Phật, thành tựu được là nhờ thu nhiếp mọi thành phần vật lý chuyển thành thân vô sắc, và thân vô sắc này chính là Thân của Phật, hoàn toàn bất nhị với Tâm của Phật. Trong các mật pháp khác của Mật tông tối thượng du già, hành giả không làm như vậy mà lại vận dụng phần khí và tâm vi tế nhất để trong cùng một lúc, hoạt hiện thành sắc thân vi tế nhất, là thân của Phật, đồng thời chứng ngộ về tánh Không, là tâm của Phật. Vậy giữa Kalachakra và các mật pháp khác trong Mật tông tối thượng du già có sự khác biệt căn bản.
6, Nghi thức phát tâm Bồ đề;
bao gồm hai tâm Bồ đề, giai đoạn và cứu cánh, quán tưởng thành đài mặt trăng trắng tròn nằm nơi tim, với chày kim cương màu trắng năm chấu, đứng thẳng trên đài mặt trăng. Tưởng tượng hai loại tâm Bồ đề hoạt hiện thành mặt trăng và chày kim cang ở tim. Rồi nhờ sức mạnh gia trì của vị đạo sư, hãy an trú trong quán tưởng. Phát nguyện không rời xa tâm Bồ đề cho đến khi giác ngộ. Có thể nói tâm-Bồ-đề-giai-đoạn và tâm-Bồ-đề-cứu-cánh (là tánh Không), cực kỳ quan trọng trong Mật tông. Ðó là nền tảng của tất cả mọi mật pháp.
Thực hành
Hiển pháp nói về hai loại chướng ngại là phiền não chướng và sở tri chướng, dạy hành giả phải xả bỏ hai loại chướng ngại này. Mật pháp Kalachakra cũng vậy, chỉ khác nhau ở phương pháp dẹp chướng ngại. Các mật pháp khác với Kalachakra thường nói tới tâm vi tế và khí vi tế, thể hiện thân Phật, nằm giữa thân vật lý cha mẹ sinh, quán chiếu về tánh Không. Nói cách khác, khí và tâm vi tế hiện giữa trái tim hành giả với sắc thân của đấng Pháp chủ, và đây chính là cái gọi là sự bất nhị của thân Phật và tâm Phật, trong nghĩa tâm là thân, thân là tâm.
Trong Kalachakra, phương pháp thực hiện thân tâm bất nhị không giống như vừa nói. Hành giả không khởi hiện thân Phật khác với thân vật lý của chính mình, mà thành tựu thân vô sắc, nghĩa là thân không có hình sắc. “Không” ở đây không phải là tánh Không. Thân vô sắc không thuộc cảnh giới Chân đế, mà thuộc Thế tục đế. Gọi là vô sắc, vì thân này hoàn toàn thiếu vắng những thành phần vật lý, thành tựu được nhờ tu theo mật pháp. Các tập hợp vật lý dần dần bị thu nhiếp, tiêu trừ, chuyển thành thân vô sắc. Quá trình chuyển hiện này đòi hỏi phải dẹp bỏ toàn diện sở tri chướng và phiền não chướng, so với Hiển tông hoàn toàn như sau, chỉ có phương pháp thực hiện là khác. Mật tông dẹp hai chướng ngại này bằng cách thanh tịnh hóa bốn giọt tinh chất nằm ở bốn nơi khác nhau trong cơ thể,
Giọt thứ nhất nằm ở luân xa trên trán, liên quan đến thời gian thức giấc. Giọt thứ hai nằm ở trung tâm của luân xa trên cổ, liên quan đến thời gian nằm mơ. Giọt thứ ba nằm ở luân xa nơi tim, liên quan đến thời gian chìm sâu trong giấc ngủ. Giọt thứ tư nằm ở luân xa vùng bụng [4 ngón tay thấp dưới rốn], liên quan đến niềm hỉ lạc lúc giao tình.
Một khi định tâm thanh tịnh được giọt tinh chất nơi trán liên quan đến thời gian thức, hành giả thành tựu thân kim cang. Ðịnh tâm thanh tịnh được giọt tinh chất nơi cổ liên quan đến thời gian mơ, hành giả thành tựu miệng kim cang. Ðịnh tâm thanh tịnh được giọt tinh chất nơi tim liên quan đến thời gian ngủ say, hành giả thành tựu ý kim cang.
Còn thành phần thứ tư trong Kalachakra là trí giác bản lai đại lạc bất động tối thượng. Các mật pháp khác như Guhyasamaja cũng có nhắc đến đại lạc bất động, nhưng trí giác bản lai đại lạc bất động tối thượng trong Kalachakra là thành tựu của quá trình thanh tịnh giọt tinh chất nơi vùng bụng. Thanh tịnh giọt tinh chất này là thành tựu trí giác bản lai kim cang [vajra primordial wisdom]. Vậy ngoài thân, miệng, ý kim cang, hãy còn thành phần thứ tư là trí giác bản lai kim cang. Thành tựu bốn kim cang nói trên là thành tựu pháp tu Kalachakra. Vì vậy, nhìn vào mạn đà la Kalachakra hành giả sẽ thấy bốn cửa Ðông Nam Tây Bắc. Mỗi cửa mang một màu: cửa Ðông màu đen, cửa Nam màu đỏ, cửa Tây màu vàng, cửa Bắc màu trắng. Bốn màu này tương ứng với bốn kim cang. Cửa Bắc màu trắng tượng trưng cho thân kim cang của Kalachakra. Cửa Nam màu đỏ tượng
trưng cho miệng kim cang của Kalachakra. Cửa Ðông màu đen tượng trưng cho ý kim cang của Kalachakra. Cửa Tây màu vàng tượng trưng cho trí giác bản lai kim cang của Kalachakra. Bốn kim cang này thành tựu nhờ thanh tịnh hóa bốn luân xa trong cơ thể như đã nói.
hệ thống Kalachakra có không phải năm mà là sáu hợp thể và sáu yếu tố, hợp thể thứ sáu là thức và yếu tố thứ sáu cũng là thức. Ở đây vì phân riêng ra mà nói, nên có năm hợp thể là sắc, thọ, tưởng, hành và thức, còn hợp thể thứ sáu là trí giác bản lai. hệ thống Kalachakra có không phải năm mà là sáu hợp thể và sáu yếu tố, hợp thể thứ sáu là thức và yếu tố thứ sáu cũng là thức. Ở đây vì phân riêng ra mà nói, nên có năm hợp thể là sắc, thọ, tưởng, hành và thức, còn hợp thể thứ sáu là trí giác bản lai.
Ðiểm quan trọng thứ hai là khi quán tưởng thân Phật, phải khởi từ tánhKhông, dựa trên bốn cửa giải thoát. Bình thường chỉ nói tới ba cửa giải thoát, nhưng trong Kalachakra lại có bốn. Ðó là Không, vô tướng, vô nguyện, vô tác, có nghĩa là sự không có tự tánh của nhân duyên, của bản thể, của kết quả và của hành động. Qua bốn cửa giải thoát này mà quán niệm tánh Không, khởi hiện thân Phật. Hành giả quán tưởng thân Phật hiện lên từ thiền định về tánh Không. Ðây là điều quan trọng nhất. Mật tông là đường tu quí giá chỉ vì trong cùng một niệm hành giả có thể thành tựu phương tiện và trí tuệ hợp nhất, có thể cùng một lúc thành tựu sắc thân và Pháp thân (trong Kalachakra gọi là thân trí giác bản lai). Ðó là đặc điểm của Mật tông, Hiển tông không thấy nói đến. Tu theo mật pháp, các anh chị thiền quán tánh Không, rồi từ tánh Không khởi hiện thân Phật. Trí tuệ tánh Không hoạt hiện thành thân Phật. Vì vậy cả hai đồng loại thành tựu.
Nhìn vào khế kinh trong Hiển tông, thấy có chỉ cách tu phối hợp chỉ quán. Tu chỉ để định tâm, quán để đạt tuệ. Trong khi đó Mật tông chỉ có một phương pháp tu duy nhất là quán tưởng. Hình trong quán tưởng hiện ra trong sáng toàn hảo, đó là định, đồng thời thân Phật khởi hiện từ tánh Không nên mỗi niệm đều nhớ nghĩ tánh Không của thân Phật trong quán tưởng, đó là tuệ. Trong Mật tông, chỉ và quán là một, định và tuệ không tách rời. Thân Phật trong quán tưởng khởi hiện từ tánh Không, hành giả vừa quán niệm tánh Không, vừa từ tánh Không khởi hiện thành thân Phật nên đồng thời quán niệm về diệu dụng chân như của thân Phật. Ðây là điều rất quan trọng trong phương pháp tu Pháp chủ du già. Khi tu hành, cần phải vững vàng về ba công phu qui y, tâm bồ đề và tánh Không trước, được như vậy dù quán tưởng không rõ, tâm không định, ít ra công phu của mình cũng vẫn là Phật Pháp, vẫn là Ðại thừa. Ngược lại nếu thiếu nền tảng này, dù quán tưởng có rõ, cũng không phải là Phật Pháp. Miễn sao nền tảng về qui y, tâm bồ đề và tánh Không vững vàng thì công phu của các anh chị nhất định sẽ là Phật Pháp Ðại thừa.
Muốn quán tánh Không, trước hết phải quán về sự không có tự tánh của cái tôi, rồi từ tánh Không của cái tôi mà khởi hiện thân Phật [quán ngũ luân để nhận rõ sự không có tự tánh của tôi, của thân vật lý] Tánh Không nói ở đây là tánh Không của đối tượng phủ định. Khi dùng chữ “không”, cần phải hiểu cái gì “không”. Ngài Long thọ có nói, con người không thể tìm thấy trong các yếu tố đất, nước, lửa, gió, không gian vân vân. Vậy con người nằm ở đâu? Ở đây phủ nhận đối tượng là phủ nhận các yếu tố vật lý, trước hết nhìn vào con người, rồi phủ nhận bằng các yếu tố đất nước lửa gió không gian.
Chúng sinh trong vô sắc giới không có thân hình vật lý như chúng sinh trong dục giới. Vậy thân vô sắc của Kalachakra so với thân của chúng sinh trong vô sắc giới khác nhau ra sao?
Có những vị bồ tát trú trong vô sắc giới, thiền quán về tâm bồ đề, hay về tánh Không kết hợp với tâm bồ đề, nhưng không thể có ai trong vô sắc giới lại có khả năng vận dụng khí và tâm vi tế để quán tánh Không, thành tựu thân Phật màu nhiệm. Lý do rất đơn giản: phương pháp tu này dựa trên một loại thân thể vật lý mà chỉ loài người trong thế giới hệ này mới có được.
Ðọc khế kinh thấy có những vị bồ tát ở những cõi tịnh độ hay ở ngoài thế giới hệ này, thường phát nguyện được sinh vào loài người để có được thân người như chúng ta đang có đây. Nhìn trên phương diện này, chúng ta có thể thấy thân người vốn mang sẵn một tiềm năng vô giá, đến các vị bồ tát cao trọng cũng nguyện mong có được thân người như vậy, để có thể vận dụng khí tâm vi tế mà quán chiếu tánh Không, thành tựu sắc thân của Phật. Nói như vậy để các anh chị hiểu thân người quí giá ra sao, đừng bao giờ phí phạm.