Khi thuyết pháp, đức Phật đã thường phóng hào quang. Vì sao vậy? Bởi Ngài muốn cho chúng sanh mau giác ngộ.
Khi đức Phật thuyết giảng kinh Niết Bàn vào lúc cuối, Ngài phóng hào quang từ nơi mặt, rồi thâu hồi lại vào trong miệng. Đó là sự biểu thị đi cũng là như như, đến cũng là như như. Đi cũng là đi đến kho tàng trí tuệ quang minh, trở về cũng vẫn là trở về kho tàng trí tuệ quang minh. Nhưng chúng sanh chỉ biết đi mà không biết trở lại, gọi là: “Năng phóng bất năng thâu.” Đó cũng tức là chỉ về cái vọng tưởng của chúng ta mà nói. Quý vị phóng ra được thì sau đó phải biết thâu hồi lại. Nếu quý vị chỉ có thể phóng quang ra, mà không thể thâu quang lại thì sẽ không thể nào đi lại tự tại như như được. Đó gọi là học mà không biết dùng. Chúng ta nên có thể phóng thì có thể thâu, có thể lớn thì có thể nhỏ, có thể có thì có thể không, chẳng gì mà không làm được, tùy tâm như ý, tự tại vô ngại.
Phật phóng quang cốt để cho người ta thấy, phải không? Không phải! Vậy Ngài phóng hào quang cho người xem để làm gì? Ngài có giống như người phàm chúng ta là muốn làm quảng cáo phải không? Hoăëc vì Ngài muốn khoe sở trường đặc biệt của mình để cho người ta biết? Không có chuyện đó đâu. Phật phóng quang vì muốn phá trừ vô minh của chúng sanh. Hào quang Phật chiếu qua mỗi vị chúng sanh trong pháp hội, gọi là: “Phật quang phổ chiếu, vũ lộ quân triêm,” là Phật chiếu hào quang đến khắp nơi như mưa cam lồ tưới thấm đều hết thảy. Lúc bấy giờ tất cả chúng sanh đều được hào quang Phật gia hộ, đó là họ đang gieo hạt giống thành Phật và tương lai nhất định sẽ thành Phật. Phật phóng quang chỉ vì muốn cho chúng sanh thành Phật, muốn chúng sanh nghiệp tận tình không, khiến chúng sanh sanh tâm giác ngộ, được đầy đủ trí tuệ để không phải cả ngày từ sáng đến tối ngu si mê muội, không có trí tuệ, rồi cứ ở trong biển khổ chuyển tới chuyển lui. Bởi vậy vào lúc cuối đời, đức Phật đã chiếu hào quang đến tất cả chúng sanh đang tham gia Pháp hội, khiến trong tương lai họ sẽ có duyên phần thành Phật.
Sau đó đức Phật lại thâu hồi hào quang, là thâu hồi trở về bản thể của Ngài. Điều đó cũng muốn dạy người ta chớ có khoe khoang mà phải biết ẩn quang dấu tích, đừng để lộ hào quang ra ngoài một cách thái quá. Nếu người nào để lộ tài năng mình ra một cách rõ rệt như thế, đó chính là hành vi ngu si. Thế thì cố ý tàng dấu đi cái hào quang của mình là có trí huệ hay sao? Cũng không phải thế. Đây có ý là lúc nào nên dùng thì chúng ta mới dùng, lúc nào không nên dùng thì không dùng. Ví như quý vị tiêu xài tiền bạc một cách hoang phí thì dù quý vị có bao nhiêu tiền đi nữa rồi cũng sẽ hết cạn. Còn tuy có hơi nghèo nàn, nhưng quý vị chỉ tiêu dùng chút ít thôi thì quý vị vẫn sẽ còn tiền xài.
Vì sao con người phải ẩn quang dấu tích? Điều nầy có thể dùng đèn dầu để làm thí dụ. Đèn dầu thì phát ra ánh sáng, nhưng nếu chúng ta dùng thường thì dầu sẽ khô cạn, và tim đèn cũng tàn lụn thôi. Nhưng nếu khi cần chúng ta mới đốt lên, còn lúc không cần thì không đốt, như vậy chúng ta sẽ dùng nó được rất lâu. Trí huệ quang minh của con người cũng là như vậy. Đức Phật có thể ngày ngày phóng quang. Vì sao Ngài phóng ra rồi lại thâu hồi trở vào? Đó là dạy con người biết tiến biết thối, biết động biết tĩnh, biết theo biết dừng. Ai có thể biết đủ thời thường đủ. Cho nên nói: “Tri túc bất nhục, tri chỉ bất đãi,” biết đủ khỏi bị nhục, biết dừng không bị nguy hiểm. Nếu mình biết là không nên làm thì đừng làm, đó là biết dừng. Nếu người nào làm được như thế thì mới có thể nói là hiểu được Phật Quang. Còn như mình không làm được như thế, tức giống như con kiến muốn ăn dưa hấu mà nó cứ bò ngoài vỏ, tuy cảm thấy ngọt đó, nhưng rốt cuộc có ăn được đâu. Quý vị hãy suy nghĩ về đạo lý nầy thì sẽ rõ.