CHUYỂN HÓA
Minh Mẫn
Trong thuật ngữ nhà Phật, không có từ tiêu diệt, triệt tiêu, loạt trừ, khống chế, áp đặt, cấm đoán…
Trước những tập khí, bản chất xấu, nhân xấu, người học Phật cần nhận thức rõ những tính chất tiêu cực làm cản trở bước thăng tiến tâm linh, có nhiều hình thức và pháp môn để chuyển hóa những hạt giống đó mà không sử dụng những ngôn từ hoặc hình thức mang tính bạo lực.
Từng cá thể tự thân có thể hoán chuyển nếu ý thức tầm quan trọng của năng lượng tiêu cực đưa chúng ta vào môi trường xấu, tất cả những hạt giống xấu trong tâm thức đều mang năng lượng âm, bản chất trì trệ,bạo động,hủy diệt, lười biếng, tham dục, sát hại, sân si, kiêu ngạo, ganh tỵ, buồn phiền, tiêu cực…đều là những chướng duyên cho người cầu tiến tâm linh. Một hành giả tâm linh luôn buông xả những trạng thái tâm bất định.
Mỗi pháp hành đều có một số nguyên tắc xả tâm, bởi vì tâm là một tổ hợp của những vọng tưởng. Cái tưởng còn mang thân phàm, ý phàm đều là vọng, do vọng tưởng mà thân hành, khẩu hành, ý hành biến chúng thành vòng tròn trôi lăn miên viễn trong sáu cõi ba đường.
Nói một cách thực tiễn, thiền sinh sau khi rời xa nghi thức tôn giáo, tiến lên một nấc để vào lãnh vực tâm linh hướng đến chân lý giải thoát, thì mọi sự ràng buộc nghi thức đều được rũ bỏ.Cho dù tham muốn tu tập, tâm hướng thiện, tâm mong cầu lợi tha thuộc hành thiện trong Tôn giáo, cũng là một chướng duyên, một rào cản trên bước đường giải thoát tâm linh và tâm linh giải thoát. Giới luật là phương tiện ngăn ác tác thiện để thanh tẩy thân tâm trên bước đường hướng thiện, nhưng là một trong những nhân tố cản trở khi bước vào không gian chân lý; chân lý không còn tôn giáo dù tôn giáo là phương tiện bước đầu giúp chúng ta tiến đến chân lý giải thoát.Một khi hành giả thuần thiện thì không cần có giới tướng, vì giới luật dung để đối trọng việc thất thoát đạo hạnh, phạm điều phi pháp do Tôn giáo quy định, hay quy ước của xã hội. Khi bản thân thuần thiện thì giới tánh đã là luật nghi tự thân.
Những pháp hành đi vào chân lý cũng còn tùy thuộc mỗi cung bậc cá biệt. Có vô số pháp hành, từ Trường sinh học nhân điện của yoga, đến pháp Thủy Hỏa ký tế của Tiên đạo, Pháp luân đại pháp của thầy Lý Hồng Chí, pháp ức chế tâm của thoại đầu, công án …cho đến pháp xả tâm của một bộ môn thuộc nhánh Vipassana, Tứ niệm xứ, pháp quán tưởng 12 nhân duyên, tứ diệu đế…Có pháp dùng âm lực chữ “OM” (aum) để tạo chấn động lực vũ trụ tác động khai mở luân xa; có pháp dùng ánh sáng tác động vào thần nhãn (con mắt thứ ba) xuyên qua tuyến yên (Vị trí củaTuyến yên hay còn gọi là tuyến não thùy là một tuyến nội tiết có kích thước bằng hạt đậu và khối lượng 0.5g (0.018 oz) nằm ở sàn não thất ba, trong hố yên của thân xương bướm. Đây là một tuyến quan trọng giữ vai trò chỉ đạo hoạt động của hầu hết các tuyến nội tiết khác. (Vinmec).
Ngoài nhiệm vụ tiết ra nhiều loại hormon khác nhau, tác động đến các bộ phận khác nhau của cơ thể.Tuyến yên còn được chuyển hóa bởi năng lượng tâm linh, tác động khai mở con mắt thứ ba khi công năng tu tập của hành giả đạt đến mức thượng thừa.
Đành rằng Tuyến yên và tuyến tùng liên kết hỗ tương để quyết định hoạt động và chuyển hóa cơ chế vật lý trong nhân thể, nhưng một khi tâm thức chủ động hướng thượng và hướng thiện thì tuyến yên và tuyến tùng vẫn bị tác động ngược, nghĩa là vẫn bị chi phối bởi ý lực để tâm thức được thăng hoa.
Mọi vật thể kể cả con người đều là dạng năng lượng quang hợp; năng lượng quang hợp qua hai dạng thức : âm thanh và ánh sáng. Con người lúc cận tử, nghiệp nhẹ thường xuất hiện ánh sáng; những người chết lâm sàng khi tỉnh lại thường kể về ánh sáng lúc thần thức xuất ra khỏi xác.
“Pam kể, cô thấy mình bị cuốn về một con đường đầy ánh sáng, nơi cô nhìn thấy người thân đã khuất của mình. Trường hợp “thoát xác” của Pam Reynolds là một ví dụ điển hình cho hàng nghìn mô tả về hiện tượng bí hiểm này “ (https://khoahocdoisong.vn/)
Nó xảy ra trong thời gian ngắn, thường bắt đầu với cảm giác đi vào đường hầm tối đen với ánh sáng rực rỡ phía cuối, giống trạng thái cận kề cái chết.
“Bà Sương,ngày 2/7, vào khoảng 8 giờ tối, đột nhiên trong người cảm thấy khó chịu, bà vội vào giường nằm, bỗng thấy chân tay lạnh dần. Lúc đó bà có cảm tưởng máu trong người đặc lại, tim đập loạn, hơi thở nặng nhọc, đầu tê dần, lưỡi cứng lại không còn cử động được nữa.
Trong lúc đau đớn, hấp hối ấy, bà bỗng thấy một vầng sáng tròn đường kính khoảng 2 thước hiện ra trên đầu như chong chóng, có một sợi dây nhỏ màu xám, nối liền vầng sáng đến đỉnh đầu bà, vầng sáng càng quay nhanh, bà càng mệt, hơi thở gần như đứt đoạn, rồi vầng sáng và sợi dây bỗng biến mất. Lúc ấy, bà thấy tự nhiên khỏe lại, liền đứng dậy nhẹ nhàng, ngó thấy xác mình đang nằm bất động. Bấy giờ, bà mới biết mình là một chơn linh đã xuất khỏi xác.” (doanh nghiệp việt nam).
Nghĩa là, mỗi cá nhân đều thủ đắc một quang lực, người bình thường là một vầng sáng không rõ ràng, tâm thức, sức khỏe tác động hệ năng lượng sinh học tỏa nhiệt quanh cơ thể. Bậc minh sư, hành giả chứng đắc, thường tỏa ánh sáng quanh cơ thể; thiền sinh trong quá trình hành trì miên mật cũng có một năng lượng tương tự nhưng nhạt hơn, đôi khi quang năng ngắn hơn do tâm thức hành trì gián đoạn hoặc nghị lực yếu kém.
Một khi quang năng sinh học tỏa sáng thì năng lượng âm bị giảm thiểu, đến khi năng lượng sinh học tiến đến năng lượng sinh thức thì quang năng đã chủ động phần lớn ý tưởng, thân hành, mọi hành động, lời nói, ý tưởng đều thanh tịnh, hạt giống bất thiện sẽ không còn hoặc tối thiểu như bóng dáng của ảo ảnh bất chợt.
Một hành giả nhập vào đại định, lúc bấy giờ hành giả thủ đắc một năng lượng siêu thức, thân hành, khẩu hành và ý hành thoát khỏi quy luật nhân quả; làm mà không làm, nói mà không nói…vượt mọi ý niệm pháp chấp, ngã chấp. Năng lượng siêu thức là một quang năng tự thân, là ánh sáng tuệ giác, là năng lực từ bi, trí tuệ và từ bi là một.
Mọi pháp hành dù thấp hay cao, mục tiêu đều tiến đến giải thoát; do trình độ bất đồng, hành trì bất đồng đưa đến kết quả bất đồng, quả vị bất đồng. Hạt giống nghiệp thức tiềm ẩn trong tạng thức vẫn phải được chuyển hóa do năng lực hành trì.
Trình độ sơ cơ, dùng pháp sám hối, chuyên trì danh hiệu, mật niệm thần chú, bố thí trì giới, đúc chuông tạc tượng, xây chùa…để tăng trưởng thiện nghiệp, hóa giải chướng duyên, tránh phạm nghiệp xấu.
Trình độ hành giả chuyên sâu, nội quán thiền định, phát triển năng lượng dương, tức năng lượng tich cực, năng lượng khẳng định sẽ chiêu nạp năng lượng thanh khiết từ vùng ngoại biên, hệ thần kinh được nguồn sinh lực nội thân dồi dào hỗ trợ, ánh sáng trí giác càng phát triển dần đưa đến tuệ giác, tự tánh vô lượng quang là nguồn trí tuệ vô biên, là minh sư nội tâm,là nguồn sáng nội tại sẽ chuyển hóa mọi nghiệp lực vô thủy.
Bản chất tự tánh là một quang năng hiệu ứng hai dạng âm thanh và ánh sáng. Tâm giao động hướng đến năng lượng âm thường bị kích động, đau buồn, phiền muộn, bất mãn, tiêu cực, chiêu cảm nhiều bất trắc; người có hệ thần kinh yếu , thường bị ám ảnh những âm lưu tạp loạn, phát ra những âm lực tà khí sai khiến xúi dục hành động, lời nói, ý nghĩ tiêu cực làm hại bản thân hoặc bạo lực với người chung quanh, họ bị ám ảnh ai đó hại họ hoặc; họ cũng thấy xuất hiện ánh sáng thuộc diện ảo ảnh ma quái.
Người có năng lực Thiền định chuyên sâu, âm lưu nội tại là suối nguồn thanh tẩy nghiệp thức; những hạt giống lưu trữ trong tạng thức đều do ảo tưởng kết thành trong thế giới nhân quả. Hành giả chứng đắc Tứ thánh quả vượt khỏi sự chi phối nhân quả, xem hạt giống trong tàng thức là những ảo ảnh của tưởng thức; âm lưu tác động vào hệ thần kinh siêu thức xóa tan các chủng tử ảo ảnh, chuyển hóa mọi cảm thức vào trạng thái thanh tịnh tuyệt đối.
Hành giả thủ đắc trí tuệ phát sinh thì lòng từ cũng là tuệ giác. Từ bi và tuệ giác không hai. Những hạt giống tiêu cực hay gọi là năng lượng âm cũng dần được chuyển hóa sang trạng thái tích cực. Tính tham, cho dù tham dưới mọi dạng thức, mệnh danh tham thiện hay tham ác,tham ái cũng sẽ được chuyển hóa sang trạng thái buông bỏ, xả ly; cũng thế, sân hận cũng nguội dần chuyển sang trạng thái từ bi, thương xót, các kiết sử cũng thế, đều được chuyển hóa sang trạng thái tâm trong sáng, thoát khỏi nhị nguyên nhân quả mà không nhọc công quán xét từng trạng thái tâm để trừ diệt. Dùng tâm để diệt vọng tâm cũng đều rơi vào vọng tưởng.
Như vậy, nghiệp lực dẫn dắt chúng sanh trôi lăn vô số kiếp được cắt đứt bằng nhiều cách, dù cách nào cũng đều chuyển hóa chứ không áp đặt,ức chế, trốn tránh hay phủ nhận.
Trong cuộc sống thực tế đến phạm trù tâm linh, mọi ách tắc đều phải giải quyết bằng phương pháp chuyển hóa để đưa đến thành công. Bởi trấn áp, trốn chạy, áp đặt biến chúng thành đối tượng phản ứng, chủ thể và đối tượng đều xoắn vào nhau thành bánh xe trôi lăn mãi khó dừng.
Tâm vô thường, cho dù sơ tâm xuất gia là một động lực cực mạnh, nhưng thời gian do giao tiếp, lợi dưỡng, cung phụng nhiều thuận lợi dẫn tâm lệch hướng, thiếu kiểm soát đôi khi đi ngược lại mục đích ban đầu. Người xuất gia là người: “xuất thế tục gia – xuất phiền não gia – xuất tam giới gia”, sau thòi gian, có vị về sống chung với nhà Phật tử; có vị pháp sự đa đoan chiếm hết thời gian tu tập, sanh lắm phiền não giữa lúc bận tâm làm tiền, lo kinh doanh để xây dựng Tam bảo, thì việc xuất tam giới gia là việc không thể. Chư Tổ từng nói: “nhất niên Phật tại tiền, nhị niên Phật trung thiên, tam niên Phật xuất thiên”, nghĩa là năm đầu vào chùa đi đứng nằm ngồi lúc nào cũng thấy Phật trước mặt,năm thứ hai thấy Phật lững lờ giữa trời lúc nhớ lúc quên, năm thứ ba thì Phật không còn thấy nữa. Người phát tâm cầu đạo luôn giữ tâm kiên cố đòi hỏi phải lánh xa mọi nhu cầu lợi dưỡng tham ái mới khỏi chệch hướng.Xã hội ngày nay cũng thế, cuộc sống đảo lộn do tâm bất thường, từ nếp sống hưởng thụ, trang phục đôi khi không nhận ra con trai hay con gái. Phật tử thay chư Tăng đắp y lên pháp tòa giảng đạo trong khi chư Tăng bận rộn toan tính thay tín đồ làm kinh tế, chẳng những thế, còn có nữ hộ pháp phía sau quản lý tài chánh, khuynh loát Tăng chúng trong chùa.
Chuyển hóa là pháp hành giúp xóa tan mọi kiết sử nếu hành giả chuyên tâm hành trì miên mật, ngược lại, tâm lơ đễnh thì chuyển hóa cuộc sống “Thiên nhân chi đạo sư” biến thành “thiên nhân chi tà sư” mà mình không hề biết.
MINH MẪN