CHỮ TU TRONG ĐẠO PHẬT
Nguồn : Hòa Thượng Thích Thiện Siêu
Thế nào là nghĩa chữ "Tu" trong đạo Phật ? Định nghĩa một cách tóm tắt thì tu nghĩa là sửa. Xấu xa sửa lại cho tốt đẹp, tà vạy sửa lại cho chính đáng, độc ác sửa lại cho hiền lành, mê mờ sửa lại cho sáng suốt... Như người ta thường nói ngọc có dũa mài mới thành đồ hữu dụng, người có học tập mới trở nên người hay, ấy đều là cắt nghĩa chữ "Tu" vậy. Có nhiều người hay nói: "Phật tức tâm, tâm tức Phật, tôi chỉ tu cái tâm cũng đủ". Mới nghe qua tưởng như hợp lý, song xét kỹ thì đó chỉ là câu nói bướng bỉnh để từ chối việc tu hành mà thôi. Nếu thử hỏi lại tâm vì sao phải tu và tu bằng cách nào, thì ít ai trả lời được. Thậm chí có người khi đã biết đạo cũng như khi chưa biết đạo, cứ giữ nguyên tánh xấu xa cố cựu, không chút gì đổi mới hay lo.
Đã đành rằng "Tâm tức Phật", nhưng hiện ngày nào còn làm chúng sinh thì quyết chắc tâm của ta còn mê lầm, vọng tưởng ích kỷ, biếng lười, chưa được như tâm Phật: sáng suốt, chân thật, rộng rãi, từ bi. Đứng về phương diện sự tướng sai biệt thì ta và Phật hai đàng mê ngộ, khổ vui khác nhau như trời và vực, không thể nói suông mà mong được giải thoát. Trái lại cần phải thành thật cố gắng kiểm điểm lại mình, nghiệm xét nơi mình để thấy rõ cái gì xấu xa, cái gì tà vạy, cái gì độc ác, cái gì mê lầm mà lần lần sửa đổi tu hành cho đến khi hoàn toàn viên mãn. Trong lúc tu hành ấy, hễ sửa được bao nhiêu điều hư quấy, tức là diệt được bấy nhiêu nguyên nhân thống khổ, sự khổ sẽ tách dần ra mà sự an vui lần hồi phát hiện, bao giờ hoàn toàn thanh tịnh ấy là chứng đủ bốn đức Thường, lạc, ngã, tịnh, không bị điều chi làm hệ lụy. Cho nên Kinh có câu: "Nhược năng chuyển vật, tức đồng Như Lai". Như Lai hay Phật là vị đã chuyển được mọi vật, bên trong không bị tánh tình ô nhiễm làm mờ tối, và bên ngoài không bị hoàn cảnh sắc, thanh, danh, lợi quyến rủ chi phối. Tự mình làm chủ mình, làm chủ hoàn cảnh.