BẢY ĐOẠN PHẬT HỎI VỀ TÂM
Nói về con người, chúng ta có sáu căn là mắt, tai, mũi, lưởi, thân và ý. Đây là sáu cánh cửa để giao tiếp với sáu trần bên ngoài là sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp mà phát sinh ra sáu thức là nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức và sau cùng là ý thức. Trong sáu căn thì mắt và tai là hai căn sắc bén nhất vì nó tiếp xúc với ngoại trần nhiều hơn những căn khác. Tuy nhiên giữa tai và mắt thì tai nghe âm thanh vẫn là nhạy bén hơn. Thí dụ như chúng ta đang ở trong một căn phòng kín thì đâu có thấy gì bên ngoài, nhưng tai vẫn nghe âm thanh rồi từ đó phát sinh ra vọng tưởng. Vì thế muốn nghiêm trì sáu căn thì chúng sinh tùy theo căn cơ, sở nguyện mà chọn căn nào thích hợp với mình để tu chớ không thể tu một lần sáu căn được. Tuy có sáu căn, nhưng chúng sinh chỉ cần chọn một căn để tu là đủ bởi vì nếu một căn đã viên thông tức là có sự thanh tịnh thì năm căn còn lại cũng từ đó mà thông suốt tức là hoàn toàn thanh tịnh. Trong tâm của chúng sinh có tám mươi bốn ngàn phiền não chướng cho nên Đức Phật mới có tám mươi bốn ngàn pháp môn để giải trừ.
Tuy nhiên, trong kinh Lăng Nghiêm này, Đức Phật Thích Ca chỉ yêu cầu Ngài Văn Thù Sư Lợi chọn một pháp môn để giúp cho ông A Nan và đặc biệt là cho tất cả chúng sinh căn cơ còn yếu dựa theo đó mà tu hành. Chính Ngài Văn Thù đã chọn pháp môn nhĩ căn viên thông. Tại sao? Bởi vì nhĩ căn có tới một ngàn hai trăm công đức và thông đạt nhiều nhất so với năm căn còn lại. Do đó, nếu nhĩ căn trở về với thanh tịnh thì năm căn còn lại lập tức cũng trở về với thanh tịnh. Đây chính là nhất hạnh pháp môn tức là chỉ chọn một pháp môn duy nhất để tu. Vì thế nếu chúng sinh dựa theo nhĩ căn viên thông mà đạt được đại định tức là có được Thủ Lăng Nghiêm tam muội nghĩa là trở về với bản lai diện mục, với Phật tánh, với chơn tâm, với tự tánh thanh tịnh bản nhiên của chính mình thì trong bốn oai nghi là đi, đứng, nằm, ngồi lúc nào họ cũng sống trong Pháp thân đó. Khác với định của Tiểu thừa là phải ngồi thiền nên còn lệ thuộc xuất, nhập và trụ, vì thế còn ngồi thiền tâm còn định nhưng khi xả thiền thì vọng tâm trở lại. Còn định của Đại thừa là thể hiện ngay trong cuộc sống hằng ngày, từng giây, từng phút. Đi, đứng, nằm, ngồi lúc nào cũng định. Do đó khi đã thấy được chơn tâm thường trú của mình thì người đó suốt cuộc đời luôn sống với đại định, với Phật tánh, với Pháp thân hằng thanh tịnh của chính mình.
Vậy tâm ở đâu?
Cái tâm của con người thật là quan trọng, nó là trung tâm của sự sống, của vũ trụ và chứa nhóm tất cả muôn pháp. Nó là hào lũy ẩn náu của mọi tật xấu, nhưng cũng là mảnh đất phì nhiêu nẩy sanh mầm giống giác ngộ. Vì thế, chính tâm tạo nên hạnh phúc và cũng chính tâm tạo biết bao nỗi khổ đau. Vậy cái tâm của nó nằm ở đâu?
Để trả lời câu hỏi nầy, Đức Phật lần thứ nhất đã gạn hỏi ông A Nan bảy lần về nơi thường trụ của tâm để có cái nhìn rõ ràng về sự khác nhau giữa vọng tâm sinh diệt thay đổi từng giây từng phút, từng cảnh giới, chạy theo lục dục thất tình, tham đắm sắc tài danh lợi và sự thanh tịnh không thay đổi, lúc nào cũng an vui tự tại và luôn ở trong ta, là chơn tâm. Trên con đường giải thoát Bồ-đề, văn hay chữ tốt không quan trọng, kiến thức thế gian không cần thiết mà một điều tối quan trọng là khả năng dập tắt mọi vô minh phiền não, pháp giới của trần gian để phát triển trí tuệ mà có được giải thoát giác ngộ. Do đó một người không liễu ngộ được bản tâm, cho dù có tu hành suốt kiếp cũng không ích lợi gì vì vẫn là phàm phu.
Còn nếu đã ngộ được bản tâm và dùng bản tâm này đi vào bản giác viên dung thì người này cho dù có tu một ngày còn hơn là tu một kiếp tức là họ đã chứng đạo. Ngày xưa, Lục Tổ Huệ Năng xuất thân là người quê mùa, dốt nát. Nhưng chỉ qua một thời gian ngắn tu tập với Tổ Hoằng Nhẫn đã liễu ngộ được chơn tâm của mình trong khi đó đệ tử của ngũ Tổ có biết bao người văn hay chữ tốt mà người nổi tiếng nhất là Thiền Sư Thần Tú mà vẫn không đạt được đạo. Càng học giỏi, càng thông minh, càng trí thức cao, càng hiểu biết nhiều thì càng dễ rơi vào thế trí biện thông nghĩa là có càng nhiều tự cao, ngã mạn để chôn họ vào nấm mồ sinh tử luân hồi.
--