PHẬT PHÁP CĂN BẢN
CHÍN ĐIỀU KIỆN GIÚP THỨC PHÁT SINH (cửu duyên sinh thức)
Vạn pháp do thức mà biểu hiện, nhưng thức cũng phải nương vào các điều kiện (duyên) mới phát sinh được.
Thức gồm có 8 tác dụng: thấy (nhãn thức), nghe (nhĩ thức), ngửi (tị thức), nếm (thiệt thức), xúc chạm (thân thức), phân biệt (ý thức), suy nghĩ tính toán (mạt-na thức), chứa đựng tất cả chủng tử vạn pháp (a-lại-da thức). Các thức này muốn phát sinh, cần nương vào 9 điều kiện sau đây:
1. Ánh sáng (minh duyên). Đây là ánh sáng của mặt trời, mặt trăng, đèn, hay bất cứ vật gì có thể phát sinh ra ánh sáng. Có ánh sáng thì mọi vật mới lộ rõ hình tướng, màu sắc, và nhờ đó mà con mắt mớithấyđược. Không có ánh sáng thì mắt không thấy được gì cả, cho nên, ánh sáng là điều kiện giúp cho nhãn thức phát sinh.
2. Khoảng không gian (không duyên).Không gian không có gì chướng ngại, nhờ đó mà sắc tướng của mọi vật mới hiện rõ ra, giúp cho mắt thấy được đối tượng; nếu một vật được áp sát vào mắt (tức không có một khoảng cách cần thiết nào), thì mắt không thế thấy vật ấy được. Âm thanh cũng nhờ không gian mà chuyển động từ nơi này đến nơi khác, nhờ đó mà tai nghe được tiếng; tức là, tai cũng cần một khoảng không gian cần thiết thì mới nghe được tiếng, nếu một tiếng phát ra sát màng nhĩ, thì tai đã không nghe được mà màng nhĩ còn có thể bị hư hại. Vì vậy, không gian là điều kiện giúp cho nhãn thức và nhĩ thức phát sinh.
3. Giác quan (căn duyên). Thân thể con người có 5 căn (giác quan): nhãn (mắt), nhĩ (tai), tị (mũi), thiệt (lưỡi), và thân (thân thể nói chung). Nhãn thức nương nơi nhãn căn mới có thể thấy biết, nhĩ thức nương nơi nhĩ căn mới có thể nghe biết, tị thứcnương nơi tị căn mới có thể ngửi biết, thiệt thức nương nơi thiệt căn mới có thể nếm biết, thân thức nương nơi thân căn mới có thể xúc biết. Bởi vậy, 5 thức phải nương vào 5 căn mới có thể sinh khởi tác dụng, nếu không có 5 căn thì 5 thức không thể phát sinh; cho nên,5 căn là điều kiện giúp cho 5 thức phát sinh.
4. Cảnh (cảnh duyên). Cảnh, hay trần cảnh, là chỉ cho 5 đối tượng của 5 giác quan, là sắc, thanh, hương, vị, và xúc. 5 căn nhãn, nhĩ, tị, thiệt, và thân, tuy có cái biết (thức) thấy, nghe, ngửi, nếm, và xúc biết, nhưng nếu không tiếp xúc với đối tượng của chúng là 5 cảnh, thì thức không thể phát sinh được; cho nên, 5 cảnh là điều kiện giúp cho 5 thức phát sinh.
5. Tâm sở tác ý (tác ý duyên). Tác ý là một loại tâm sở, là một hiện tượng tâm lí có tác dụng kích thích, làm cho 5 thức (nhãn, nhĩ, tị, thiệt, thân) chú ý, nhận biết lập tức đối tượng và dẫn tới ý thức khởi niệm phân biệt đối tượng ấy. Khi mắt (nhãn căn) vừa đối trước một vật (sắc cảnh) thì tâm sở tác ý này làm cho mắt nhận biết (nhãn thức) ngay, và mách bảo cho ý thức (thức thứ sáu) biết để khởi niệm phân biệt tốt xấu, lành dữ v.v... Khi các căn nhĩ, tị, thiệt và thân vừa đối trước đối tượng của chúng cũng vậy, đều nhờ có tâm sở tác ý mà nhận biết, rồi ý thức cũng nương nơi đó mà khởi niệm phân biệt. Cả 6 thức (nhãn, nhĩ, tị, thiệt, thân, và ý) đều nương nơi tâm sở tác ý mới có thể khởi sinh tác dụng, cho nên, tâm sở tác ý là điều kiện giúp cho 6 thức phát sinh.
6. Căn bản y (căn bản y duyên). Chữ "căn bản”ở đây là chỉ cho thức a-lại-da (tức thức thứ tám); chữ "y” nghĩa là nương dựa. A-lại-da là thức căn bản của tất cả các thức. 6 thức nhãn, nhĩ, tị, thiệt, thân, ýnương nơi tướng phần của thức a-lại-da (tức là sum la vạn tượng) mà phát sinh; trong khi đó, tướng phần của thức a-lại-da cũng nương nơi 6 thứcnày mà hiện khởi; cho nên, căn bản y là điều kiện giúp 6 thức và thức thứ tám sinh khởi.
7. Nhiễm tịnh y (nhiễm tịnh y duyên). "Nhiễm tịnh y” là chỉ cho thức mạt-na (tức thức thứ bảy). Tất cả các pháp nhiễm hay tịnh đều nhờ thức mạt na mà chuyển. 6 thức nhãn, nhĩ, tị, thiệt, thân, ý, đối trước 6 trần cảnh sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp, khởi sinh các phiền não hoặc nghiệp; đó gọi là pháp "nhiễm”. Các pháp ô nhiễm này được mạt-na thức chuyển vào a-lại-da thức thành các chủng tử hữu lậu. Nếu 6 thức tu tập các đạo phẩm thanh tịnh, đó gọi là pháp "tịnh”. Các pháp thanh tịnh này được mạt-na thức chuyển vào a-lại-da thức thành các chủng tử vô lậu. Vì gồm đủ cả nhiễm cả tịnh, nên gọi là "nhiễm tịnh y”. Lại nữa, thức mạt-na cũng y vào thức a-lại-da mới có thể chuyển; còn thức a-lại-da thì lại y nơi thức mạt-na mà tùy duyên; cả hai cùng nương nhau, dựa nhau, bởi vậy, nhiễm tịnh y là điều kiện giúp cho cả 8 thức, (từ nhãn thức cho đến a-lại-da thức) sinh khởi tác dụng.
8. Phân biệt y (phân biệt y duyên). "Phân biệt y” là chỉ cho ý thức (tức thức thứ sáu). Ý thức là thức có khả năng phân biệt để biết rõ sự khác nhau của vạn pháp trong vũ trụ, nào pháp thuộc về sắc, pháp thuộc về tâm; nào pháp thiện, pháp ác; nào cái hay, cái dở, cái dơ, cái sạch; v.v... Năm căn nhãn, nhĩ, v.v... tiếp xúc với 5 cảnh mà sinh khởi 5 cái biết (thức), nhưng phải nhờ ý thức phân biệt mới biết rõ các hình sắc xấu đẹp, các âm thanh hay dở, v.v... Sự nhiễm, tịnh của mạt-na thức cũng phải nhờ ý thức phân biệt mới biết rõ. Tướng phần của a-lại-da thức (sum la vạn tượng) cũng phải nhờ sức phân biệt của ý thức mới hiển lộ rõ ràng. Thậm chí, ý thức cũng phải nhờ sức phân biệt ấy mà biết rõ những ý tượng, những ảnh tượng ở trong chính bản thân nó. Cho nên, phân biệt y là điều kiện giúp cho cả 8 thức sinh khởi tác dụng.
9. Chủng tử (chủng tử duyên). Thức a-lại-da hàm chứa chủng tử của vạn pháp, hay nói cách khác, tất cả các căn, cảnh và thức đều do từ chủng tử hàm chứa trong thức a-lại-da mà phát hiện ra. Nhãn thức nương nơi chủng tử của nhãn căn mà có thể thấy sắc; nhĩ thức nương nơi chủng tử của nhĩ căn mà có thể nghe tiếng; tị thức nương nơi chủng tử của tị căn mà có thể ngửi mùi;thiệt thức nương nơi chủng tử của thiệt căn mà có thể nếm vị; thân thức nương nơi chủng tử của thân căn mà có thể xúc biết; ý thức nương nơi chủng tử của ý căn mà có thể phân biệt; mạt-na thức nương nơi chủng tử nhiễm tịnh mà được tương tục không gián đoạn; a-lại-da thức nương nơi chủng tử hàm chứa trong chính nó mà biểu hiện ra vạn pháp; tất cả các thức đều nương nơi chủng tử mà sinh khởi tác dụng, cho nên, chủng tử là điều kiện giúp cho 8 thức sinh khởi.