Mẫu Cửu Trùng (Mẫu thượng thiên - Mẫu Đệ Nhất)
Đây là Mẫu ở ngôi cao nhất trong bốn bà Thánh Mẫu, vì bà là mẹ của cõi Trời, Bà sáng tạo ra bầu trời, là vị có quyền năng, tạo ra mây mưa, sấm chớp. Bà là vị:
Ngự cung trung cửu tiêu chính vị
Ở trên trời sức trị bốn phương
(Cửu trùng Thánh Mẫu văn)
Nhưng bà chỉ có ân uy chung, chứ không trực tiếp coi sóc về các việc trần gian. Trường hợp có lễ bái cung nghênh Bà, người trần tưởng tượng là bà mặc áo sắc vàng (màu áo của vua). Ngồi cao nhất. Bà là Mẫu đệ nhất. Bà được ở vào vị trí của Mẫu cửu trùng, nên cũng gọi là Mẫu Thượng Thiên. Bà được thờ ở vị trí chính trung tâm, mặc trang phục màu đỏ (màu vàng đã giành cho Mẫu Cửu Trùng).
Vị trí của Bà, đã chuyển cho bà Mẫu Đệ Nhị (tức là bà Mẫu Liễu).
Mẫu Đệ Nhị
Còn Mẫu đệ nhị có nhiệm vụ coi sóc cõi Đất. Cho đến khi có bà Mẫu Liễu Hạnh thì Mẫu Đệ Nhị được coi là Địa Cung Thánh Mẫu.
Bà Mẫu Liễu đã được giới thiệu đầy đủ ở nhiều sách. Ở đây chỉ giới thiệu thêm vài chi tiết. Ở một số trường hợp, các bà Mẫu Thượng Ngàn, Mẫu Thoải (sẽ nói dưới) cũng là do bà Mẫu đệ nhị hóa thân.
- Ở miền Nam, cũng có khuynh hướng đồng nhất bà với các vị thần ở địa phương, hoặc nữ thần của các dân tộc. Bà chúa Ngọc là Thiên tiên Thánh Mẫu (Huế) bà Thiên Yana (Nha Trang) cũng được xem như là bà Mẫu (Chúa Liễu) này hóa thân.
Thực ra, phải hiểu Mẫu Thượng Ngàn là mẹ của các núi non. Bà đẻ ra các núi đồi (hay bà chăm sóc các núi như con), cũng như các Mẫu đẻ ra trời, đẻ ra đất. Nhưng nhân dân không muốn xem đây là một nhân vật siêu trần, một thần linh nào xa xôi cả. Bà là thánh và là thánh từ cõi trần gian mà lên ngôi (đây là quan niệm Đạo Thánh ở Việt Nam). Dân gian đã xây dựng cho bà một lý lịch cụ thể:
Truyền thuyết thứ nhất
Vua Hùng Định vương có một bà hoàng hậu mang thai mãi không đẻ. Bụng mang dạ chửa đến ba năm thì vào một hôm đi trong rừng, bà thấy cơn đau ập đến. Cung phi thị nữ loay hoay không biết làm sao, bà chỉ còn biết ôm chặt cây Quế mà quằn quại. Cuối cùng đứa bé ra đời mà mẹ thì không còn nữa. Vua Hùng Định Vương đặt cho cái tên là Mỹ nương Quế Hoa. Lớn lên Quế Hoa rất xinh đẹp, song không nghĩ đến chuyện lấy chồng, mà thường ngày đêm ưu tư, thương nhớ mẹ. Nàng nhất quyết rời bỏ cung điện, đi vào rừng mong tìm hơi hướng của mẹ mình, luôn luôn lẩm bẩm tiếng gọi: mẹ ơi. Một ông tiên đã hiện ra ban cho nàng phép trường sinh và những thuật thần thông để có thể cứu trợ được người nghèo. Từ đó cô cùng 12 thị nữ đi khắp nơi cứu trợ dân nghèo, làm cho xóm làng được yên lành, trù phú. Bất ngờ có đám mây ngũ sắc hạ xuống đón nàng và các thị nữ về trời. Nhân dân lập đền thờ tôn Mỵ Nương là bà Chúa Thượng Ngàn, đến thờ bà ở Suối Mơ (Bắc Giang). Ngày hội là mồng 1 tháng 4 âm lịch.
Truyền thuyết thứ hai
Sau khi được kết hôn với nàng công chúa con vua Hùng Vương và đánh đuổi được Thủy Tinh, thần Tản Viên (Sơn Tinh) sống với Mỵ Nương một cuộc đời êm đềm hạnh phúc. Hai vợ chồng sinh được một con trai lấy tên là Mai và một con gái lấy tên là La Bình. La Bình là một người con gái tuyệt sắc có nhiều tài nghệ. Nàng thường theo cha là Tản Viên đi khắp các núi non hang động. Đi đến đâu nàng cũng quyến luyến với phong cảnh, làm bạn với hươu nai, cây cỏ. Các vị sơn thần đều quý mến nàng và thường được nàng bảo ban giúp đỡ. Thượng đế hay tin như vậy rất khen ngợi Tản Viên và Mỵ Nương, rồi phong cho La Bình làm Thượng Ngàn công chúa, cai quản tất cả 81 cửa rừng cõi Nam Giao.
Trở thành bà chúa của rừng xanh, thần nữ La Bình luôn chăm chỉ, làm tròn trách nhiệm của mình. Nữ thần bày vẽ cho các loài muông thú chim chóc cách sinh sống, leo trèo, múa hát, phạt những loài ác thú gây hại cho các sinh vật, thưởng cho những giống vật có công. Nữ thần cũng rất chú ý đến giang sơn nước Việt. Bà đã hai lần hiển linh âm phù cho tướng sĩ nhà Lý đánh thắng giặc Tống, tướng sĩ nhà Trần đánh thắng giặc Nguyên Mông. Các triều đại này đều có sắc phong tặng để tạ ơn thần.
Có lần, vào giai đoạn khởi nghĩa Lam Sơn, quân ta mới nhóm lên, lực lượng đang yếu, Bình định vương Lê Lợi đem thủ hạ về đóng đồn ở sách Phản Ấn. Mẫu Thượng Ngàn đã tới báo mộng, khuyên là phải rút lui ngay vì ở đó địa hình bất lợi. Bình định vương đang dùng dằng chưa kịp quyết định thì quả nhiên giặc Minh đã biết, chúng đón đường và đánh úp quân ta. Nghĩa quân không chống cự nổi, tan tác mỗi người một nơi, Lê Lợi và Nguyễn Trãi phải lần mò trong đêm tối để thoát nanh vuốt giặc. Công chúa Thượng Ngàn đã hóa phép thành bó đuốc soi đường, dẫn cho vua tôi Lê Lợi vào được đến đất Mường Yên, không bị rơi vào tay giặc.
Đêm ấy, vị tham mưu nghĩa quân là Nguyễn Trãi còn được nữ thần này bày vẽ cho kế sách giữ gìn cơ sở ở núi Chí Linh. Nguyễn Trãi cứ thế tâu trình lại với chúa Lam Sơn. Quả nhiên dù bị quân Minh dẹp ba bốn lần quân ta vẫn rút về Chí Linh bảo toàn được lực lượng.
Công Chúa Thượng Ngàn còn rất thương yêu dân chúng. Những người phải vượt khe suối, rừng núi, thường được công chúa phù hộ, che chở cho được chân cứng đá mềm. Vì vậy dân chúng không chỉ gọi là thần, là chúa mà còn tôn là mẹ. Sắc phong các triều đại đều tôn là công chúa nhưng nhân dân cứ tôn là bà Mẫu và gọi một cách cung kính là đức Mẫu Thượng Ngàn. Họ thờ bà ở khắp hang động núi non và ở cả các điện thờ tại gia đình. Một trong những ngôi đền lớn nhất thờ Mẫu Thượng Ngàn là đền Bắc Lệ nằm trên đường xe lửa từ Bắc Giang đi Lạng Sơn.
Mẫu Đệ Tam (Mẫu Thoải - Bà mẹ của sông biển)
Thoải là chữ thủy đọc trại đi. Mẫu Thoải tức là Mẫu Thủy, là mẹ nước (Thủy cung Thánh Mẫu). Bà được mang một lý lịch trần gian theo hai truyền thuyết sau đây:
Truyền thuyết kể ở Thái Bình và Nghệ Tĩnh
Thuở trời đất mới mở mang, đất đai đang chờ khai phá, vua Kinh Dương Vương (viễn tổ của dân Việt) thường đi chu du các nơi. Một ngày tới vùng kia, được gặp người con gái nhan sắc tuyệt trần. Vua lấy nàng làm vợ, sau sinh ra Sùng Lãm chính là Lạc Long Quân, Bố Rồng của chúng ta. Bà mẹ này là con gái Long vương ở Động Đình hồ, nên được làm nhiệm vụ cai quản tất cả sông biển, ao hồ. Vì vậy mới gọi là mẫu Thoải.
Ở Nghệ Tĩnh cũng lưu truyền thuyết này, lại nói cuộc gặp gỡ giữa hai người ở trên dòng sông Lam (trước có tên là sông Thanh Long).
Truyền thuyết ở Tuyên Quang
Truyện kể rằng: Kinh Xuyên là một hoàng tử con Vua Đất, lấy vợ là con gái Long Vương ở Động đình Hồ (Trung Quốc). Bà rất yêu chồng nhưng Kinh Xuyên lấy hai vợ. Bà vợ kia tên là Thảo Mai, có tính ghen ghét, vu khống cho bà, nên bà bị nhốt vào rừng sâu, nhưng thú dữ không dám làm hại bà, còn mang hoa quả đến nuôi cho bà được sống. Một hôm, một người nho sĩ gặp bà, bà nhờ chuyển một cái thư cho cha là Long Vương, nhờ thế mà bà được cứu thoát. Vua gả bà cho nho sĩ nhưng người này từ chối. Người đời tôn bà là Mẫu Thoải, lập đền thờ ở Tuyên Quang, gọi là đền Giùm.
Sự tích bà Mẫu Thoải còn được hiểu theo nhiều cách: Bà có tên là Nhữ Nương, sau được kết hôn với vị vua dưới nước là Thủy tề. Thượng đế phong cho bà làm Nhữ Vương Nam Nữ Nam Hải Đại Vương. Nơi chính được thờ bà làm Thành hoàng là làng Viêm Xá, huyện Yên Phong, tỉnh Hà Bắc.
Có thuyết lại nói Mẫu Thoải không phải là một bà mà chính là nhiều bà. Các bà đều là con của Lạc Long Quân. Trong số con cái sinh ra, Lạc Long Quân đã chọn ba người giao cho việc quản lĩnh sông biển nước Nam, đóng dinh cơ ở Nguyệt Đức. Một bà có hiệu là Thủy tịnh Động đình Ngọc nữ công chúa. Bà thứ hai có hiệu là Hoàng Bà đoan khiết phu nhân, và bà thứ ba là Tam Giang công chúa.
Công việc của các bà là coi sóc các sông biển, làm mưa và chống lụt giúp dân. Những năm hạn hán, nhân dân cầu đảo là viện đến sự phù hộ của các bà. Các bà lại có nhiều bộ hạ, giao cho mỗi người trấn thủ một nơi. Như ở Thăng Long, tướng tá của các nữ thần đều chia nhau ở các làng Nhật Chiêu, Quảng Bố, Tây Hồ, Yên Phụ. Đời Lê Vinh Thọ, có lần Thủy quái gây loạn, dâng cao nước sông Nhị, đã tràn vào Yên Phụ, sau phải cầu đến các mẫu Thoải mới khỏi được nạn lụt.
Các bà cũng thường giúp những cuộc chiến đấu bảo vệ quê hương. Đời Lê Thánh Tông, quân nhà vua đi đánh phương Nam, đến vùng thuộc địa phận các huyện Phú Xuyên, Kim Bảng thì gặp một trận cuồng phong rất lớn phải cầu khẩn đến các bậc thần linh, các mẫu Thủy đã cho một tướng đến dẹp yên gió. Vì thế vua phong tặng cho tướng ấy là thượng đẳng thần, lấy hiệu là Nguyệt Nga công chúa. Nguyệt Nga cũng được xem là một thần của thủy cung.
***
Trong truyền thuyết ở vùng Tây Nguyên, người dân đã đồng nhất Mẫu Thượng Ngàn với bà Âu Cơ. Nhân dân kể rằng: bà Âu Cơ sau khi chia tay với Lạc Long Quân, đưa 50 người con lên núi. Các con bà đã cai quản vùng núi phía Bắc, một số đã vào vùng Tây Nguyên, phát triển các dân tộc thiểu số và các buôn làng…, Sau đó, bà cũng được coi là bà Chúa Thượng Ngàn ở vùng đất này.
TIÊU HUYỀN TREE SƯU TẦM_________________
Đêm qua sân trước một nhành mai