Ông được phong tước vương, nên được tôn là Hưng Đạo Vương. Chính tên thật của ông là Trần Quốc Tuấn, sinh năm 1126, mất năm 1300.
Ông là con trai An Sinh Vương Trần Liễu, là cháu gọi Trần Thái Tông bằng chú ruột, được cử làm Quốc Công tiết chế, tổng chi huy quân đội, chống giặc Nguyên xâm lược những năm 1285-1288. Ông đã chỉ đạo cuộc kháng chiến này đi đến thắng lợi vẻ vang, đem lại thái bình cho đất nước. Tiếp đó, ông làm quan đến đời Trần Anh Tông. Vua thường xem ông như cha, gọi là thượng phụ và phong ông là Thái sư, thường gọi là Hưng Đạo Vương.
Trần Quốc Tuấn là linh hồn của cuộc kháng chiến bảo vệ đất nước. Khi vua Trần lo ngại thế giặc mạnh, muốn "tạm hàng để cứu muôn dân", ông đã nói câu bất hủ: "Nếu bệ hạ muốn hàng, xin hãy chém đầu tôi trước đã". Ông là người dùng binh rất giỏi, chỉ đạo các tướng tá đánh thắng giặc nhiều nơi. Bọn tướng giặc như Toa Đô phải chết, bọn Ô Mã Nhi... đều bị bắt sống, tổng chi huy giặc là Thoát Hoan phải chui vào ống đồng để trốn về nước, nhà Nguyên phải chịu hòa với nước ta. Trình độ quân sự của ông rất cao, và ông cũng có đường lối chiến đấu rất mầu nhiệm. Trước khi mất, ông còn để lại lời dặn dò nhà vua cách thức vận dụng trường trận thay đoản binh để đối phó với âm mưu của giặc nếu chúng lại sang xâm lược. Ông cũng đặc biệt chú ý đến việc phải khoan sức dân để làm kế gốc sâu, rễ bền, việc đoàn kết dân tộc cha con anh em cả nước đồng lòng thì không sức mạnh nào có thể đàn áp nổi.
Trần Quốc Tuấn cũng có tài văn chương. Khi đất nước nguy nan, ông đã viết bài Hịch Tướng Sĩ để động viên quân lính hăng hái chiến đấu. Tác phẩm này trở thành một kiệt tác trong văn học nước nhà. Ông lại đúc kết những lý luận và kinh nghiệm dùng binh trong bộ sách Binh thư yếu lược. Ngoài ra, cuốn Vạn kiếp bí truyền thư cũng được cho là của ông. Trần Quốc Tuấn còn bộc lộ những đức tính cao đẹp của con người trung chính luôn luôn gạt bỏ những chuyện riêng tư để bảo vệ quyền lợi của dân tộc. Cha ông là Trần Liễu có mối hiềm với Trần Thái Tông, đã dặn ông phải cướp lấy ngôi để trả thù, nhưng ông không cho là phải. Giữa ông và thượng tướng Trần Quang Khải có sự bất hòa, ông đã chủ động thắt chặt mối thân tình, để cùng hợp tác lo việc nước. Các tướng văn, tướng võ giỏi trong triều như Trương Hán Siêu, Phạm Ngũ Lão, Yết Kiêu, Dã Tượng… đều được ông chăm sóc, bồi dưỡng phát triển tài năng. Họ hết mực trung thành với ông và thương yêu kính trọng ông như người cha.
Trong tâm thức dân gian, Trần Quốc Tuấn đã trở thành một vị Thánh, được thờ ở nhiều nơi, tôn vinh là Đức Thánh Trần. Điều đặc biệt là: các con gái, con trai, con rể và tướng tả hữu của ông cũng đều được tôn vinh là thần thánh.
Hai con gái của ông là Quyền Thạch công chúa (lấy Trần Nhân Tông) và Đại Hoàng quận chúa (lấy Phạm Ngũ Lão) được thờ là Nhị vị Vương cô.
Bốn con trai là:
- Hưng Vũ Vương Trần Quốc Hiến
- Hưng Quốc vương Trần Quốc Nghiễn
- Hưng Nhượng vương Trần Quốc Tảng
- Hưng Hiến Vương Trần Quốc Hưng
Họ đều được tôn là các Đức Ông.
Con rể của ông là Phạm Ngũ Lão cũng được tôn là Đức Thánh Phạm. Hai tùy tướng thân cận là Yết Kiêu, Dã Tượng đều được tôn là Đức ông Tả - Hữu.
Các tư liệu dân gian (như Cung lục linh tích hành trạng trong Ngọc phả nhà Trần, Trần Hưng Đạo Vương sự tích, Trần Đại Vương bình Nguyên thực lục…) về Đức Thánh Trần đều có chung một chi tiết là mẹ Trần Hưng Đạo là Thiện Đạo quốc Mẫu nằm mơ thấy có "Thanh tiên đồng tử" (một số sách chép là "em bé áo xanh") đầu thai xin được làm con. Về việc giáng trần này, có sách chép thêm: Lúc bấy giờ có một người tên là Nguyễn Sĩ Thành đã chết, tự nhiên sống lại, kể chuyện ở trên trời là ở huyện Đông Triều có người con gái họ Nguyễn, vợ của một thương khách ở Phúc Kiến, mơ thấy giao hoan với Giao Long, về sau đẻ ra con - chính là kẻ sau này gây loạn cho đất nước. Thượng đế nghe tin, bèn cho Thanh tiên đồng tử có Kim đồng Ngọc nữ hộ vệ đi xe mây đi xuống phương Nam trừ họa giúp dân lành (Đại Việt sử ký tiền biên). Sách: Sự tích Trần Hưng Đạo thì chép rằng: thượng đế cho "thằng bé áo xanh" giáng thế để dẹp loạn.
Trùng hợp với chi tiết này, theo "Ngọc phả nhà Trần" thì sách Việt điện u linh chép: "Thời kỳ đầu của nhà Trần, ở địa phận sao Dực, sao Chẩn có một giải khí bốc lên đến trời. Thần Tản Viên thấy thế biết tới đây sẽ có nạn ngoại xâm, bèn tâu lên Thượng đế. Thượng đế hỏi: Ai có thể vì trẫm quét sạch giải khí trắng đó, sẽ cho mang theo phi thần kiếm, cờ ấn, tam bảo của Lão Tử, Ngũ tài của Thái công giáng hạ vào nhà thân vương làm một vị danh tướng, khi mất trở thành phúc thần không? Bấy giờ có Thanh tiên đồng tử xin đi". Sự tích này cũng được tái hiện trong bản văn chầu:
Vương phụ là đức An Sinh
Cùng đức Thánh Mẫu cầm lành hợp duyên
Điềm lành vốn tự thiên nhiên
Thanh tiên đồng tử phút liền đầu thai
Chí kỳ đặng sanh con trai
Tài kiêm văn võ ít ai sánh bằng…
(Văn chầu Trần Triều hiển thánh)
Các tài liệu cũng ghi khi Trần Hưng Đạo sinh ra, trong nhà tràn ngập hương thơm và ánh sáng. Hôm sau, có một vị đạo sĩ coi thiên văn thấy có một vị tướng tinh rơi xuống, liền đến xem mặt Trần Quốc Tuấn. Khi nhìn thấy, vị đạo sĩ vội lui xuống, vái lạy nói: "Người này tốt lắm, về sau cứu nước giúp đời làm sáng sủa cho non sông đó". Vương đầy một tuổi đã biết nói, 5-6 tuổi đã biết làm thơ ngụ ngôn, bày chơi đồ bát trận, thông minh xuất chúng. (Trần Triều Hưng Đạo Vương truyện, Cung lục linh tích hàng trạng, Nam Hải dị nhân).
Điều đó chứng tỏ, trong tâm thức dân gian, Trần Hưng Đạo có nguồn gốc trên thượng giới. Dân gian đã lắp ghép thêm vào tiểu sử của ông câu chuyện đầu thai - một mô típ khá phổ biến trong các câu chuyện dân gian, cũng là để lý giải cho sự siêu phàm của ông trong tâm thức.
Theo tâm thức dân gian, Hưng Đạo Vương vốn không phải là người thường mà do Thanh tiên đồng tử đầu thai, và cái chết của ông cũng là một sự lạ. Trước khi ông mất, xem thiên văn thấy một vị tướng tinh cực to từ Đông Bắc bay thẳng sang Tây Nam rồi sa xuống đất, sáng lóe ra mười trượng. Trong Trần thị gia huấn, việc mất của Hưng Đạo Vương được miêu tả: "Vào ngày 18/8 năm Hưng Long thứ 8 (1300), Vương đang tụng kinh ở trên núi, nghe nói chị mình mắc bệnh, bèn xuống hỏi thăm. Bà chị nói ngày tới sẽ về tiên tổ, Vương đáp: "Em còn chút việc bận, chị hãy đợi em đến sáng 20 cùng đi một thể". Đến ngày đó, Vương không có bệnh gì mà mất. Trước khi mất, Vương dặn dò các con rằng: "Khi ta sống, ba lần đánh tan quân Nguyên, giết chết chúng rất nhiều, nên sau khi ta mất, họ sẽ tìm mộ ta. Trong tháng này, bí mật chôn ta ở vườn An Lạc, giả nói rằng an táng chị ta, táng xong nên để đá lên trên nhưng đá cũng để rất sâu rồi trồng cây lên. Sang tháng, về Tức Mặc phao tin ta mất ở đó rồi làm nghi thức an táng, hài cốt phải dùng của viên quan sang trọng, chớ dùng của người thường dân, khó che mắt chúng. Ta đã dâng biểu tâu vua cho khu Bảo Lộc làm dân tạo lệ, lúc sống chưa từng đặt chân tới đó, không biết nay như thế nào. Vậy phải cho quan coi nơi nào đẹp đẽ hãy làm mộ giả và đốc việc chôn cất cho trang trọng mới che được con mắt ngờ vực của người ngoài". Vì thế, nay tại Bảo Lộc có một lăng ghi mộ Hưng Đạo Vương, có quan tài bằng đồng tương truyền là của một viên Bộ tướng).
Trong nhiều bản kinh như Trần Triều hiển thánh chính kinh, Đại hữu chấn kinh, Hưng Đạo chính kinh bảo lục… đều có chép danh xưng Cửu thiên vũ đế của Đức Thánh Trần. Bản chính kinh Phạm Ngũ Lão được mở đầu bằng đoạn "Thánh phụ dòng dõi võ tiên, núi non chung đúc, vũ trụ tạo linh. Thần dựa vào Nam Nhạc, ký thác Đông A, Vân La Cố trạch, sinh vào mùa đông, Thanh đồng xuất thế, Ngọc Đế khâm sai, sau cho Cửa thiên nắm quyền vũ đế". Như vậy trong thâm thức dân gian, sau khi mất (hóa) Đức Thánh đã trở về Thiên đình nhận lệnh chỉ của Ngọc Hoàng phong là Cửu Thiên Vũ Đế với xứ mệnh diệt trừ yêu ma, tà đạo ở cả ba cõi thượng giới (Thiên đình), Trung giới (trần gian) và Hạ giới (âm phủ). Với chức danh Cửu Thiên Vũ Đế, Đức Thánh Trần của người dân Việt còn có quyền năng lớn hơn nhiều so với các Đế khác như Bạch Đế (coi vùng trời phía Tây), Xích đế (coi vùng trời phía Nam); Quan Đế coi Nam thiên môn. Như vậy, theo chuỗi suy tưởng của dân gian thì vị Thánh là Tiên giáng trần cứu dân lành, sau khi hoàn thành sứ mệnh dẹp yên bờ cõi, trừ bọn yêu ma, quay trở về cõi Tiên và được phong Đế để tiếp tục hiển hóa và giúp dân giúp nước.
Chi tiết được chú ý nhất cũng cho rằng Trần Hưng Đạo có một vị trí đặc biệt trong tâm thức dân gian. Đó là câu chuyện liên quan đến Phạm Nhan. Chuyện Phạm Nhan được tất cả các tài liệu sách Hán Nôm đề cập, như trong Công dư tiệp ký, Tang thương ngẫu lục, Trần Triều Hưng Đạo Vương truyện, và cả trong Việt Điện u linh tập lục toàn biên… Tác phẩm có nhiều chi tiết và kỹ nhất, theo chúng tôi biết là cuốn sách Nôm theo lối tiểu thuyết diễn nghĩa Trần Triều Hưng Đạo đại vương truyện, không rõ tên tác giả, viết năm Giáp Dân 1914, do cụ Trần Văn Giáp dịch. Chuyện kể rằng:
Nguyễn Nhan tên chữ là Bá Linh (Ta thường gọi là Phạm Nhan) cha người Quảng Đông, sang buôn bán bên nước Nam, lấy vợ làng An Bài, huyện Đông Triều, sinh được Bá Linh. Bá Linh lớn lên theo cha về Tàu học hành giỏi, đỗ tiến sĩ triều nhà Nguyên, lại cao tay phù thủy, có phép tàng hình biến hóa thường vào cung chữa bệnh cho cung nữ, rồi thường biến thành con gái vào cung tư thân với cung nhân. Về sau lộ chuyện, chúa Nguyên dùng phép bắt được định án trảm quyết. Để lập công chuộc tội, Bá Linh tình nguyện xin đi làm hướng đạo sang đánh Nam quốc.
Khi đi đánh trận, Bá Linh thường đi đầu. Bá Linh mắt nhỏ, mặt dài, cưỡi ngựa ra cửa trận, tay cầm thanh bảo kiếm, xòa đầu, rũ tóc, trong mồm niệm chú lẩm bẩm mấy câu… trời bỗng nổi cơn giông, cát sỏi bay vù vù, mây kéo tới mù mịt, quân sĩ giáp mặt không trông thấy nhau. Rồi lại nghe thấy trên không tiếng reo ầm ầm tự hồ có thiên binh vạn mã đổ xuống khiến quân ta kinh hãi bỏ chạy. Nhờ tà thuật của Bá Linh mà quân giặc đã phá được nhiều trại của ta. Phạm Ngũ Lão và Nguyễn Chế Nghĩa bẩm lại với Hưng Đạo Vương về việc Bá Linh dùng phép tà thuật. Khi Hưng Đạo Vương hỏi ai có kế gì để diệt giặc có yêu thuật không thì Yết Kiêu thưa: "Tôi nghe khi xưa công chúa có gặp Tiên mẫu cho thanh thần kiếm trao cho đại vương, hẹn đến khi nào gặp giặc có yêu thuật, hễ chỉ thanh gươm ấy, niệm thần chú thì tự khắc phá được. Đại vương sao không dùng kiếm ấy?".
Hưng Đạo Vương cười nói: "Thuật ấy chẳng qua là ảo thuật, xưa nay dùng phép phù thủy hay có đồ ấy, chỉ dùng dơ bẩn thì trừ được, can chi phải mượn đến phép thần tiên". Bèn gọi Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Chế Nghĩa hẹn rằng: "Hai người cho quân sĩ trữ sẵn đồ dơ bẩn, phục hai bên trái núi, ngày mai ta đánh giặc… Khi nào giặc dùng đến yêu thuật, có âm binh trên không kéo xuống thì cho quân sĩ từ trên đầu núi phóng uế xuống, tất phá được".
Hai tướng phụng mệnh chứa sẵn máu chó, máu dê vẩy ra, tức thì khí mù tan hết, giông gió liền tạnh, rồi thấy người ngựa khí giới tinh bằng cỏ gà và giấy nứa lả lơi rơi xuống đất.
Thua trận đó, Bá Linh phải dùng phép thuật khác để cướp trại Vạn Kiếp. Nửa đêm âm binh, thần tướng kéo ra bạt ngàn, nhô nhố quân đầu trâu mặt ngựa, mặt mũi dữ tợn như hung thần. Cung nỏ bắn cũng không ngăn được âm binh. Trận đó, Hưng Đạo Vương và quân sĩ phải rút lui về Thăng Long. Để diệt Phạm Nhan, Hưng Đạo Vương nói: "Ta thuở xưa thường có học được vị thuật, ta lập thành đồ trận gọi là Cửu cung bát quái, lại may có một thanh thần kiếm, vậy để ngày mai ta dẫn quân và dàn thành trận, đánh nhau với quân Nguyên, kỳ cho bắt được yêu nhân mới thôi".
Hưng Đạo Vương bày thành đồ thế, chia quân dàn ra tám cửa, mỗi cửa một sắc cờ: mặt chính đông cờ xanh, mặt chính Tây cờ trắng, mặt chính Nam cờ đỏ, mặt chính Bắc cờ đen, góc đông nam cờ dán sắc đỏ trắng, góc tây bắc cờ dán sắc xanh đen, góc tây nam cờ dán sắc đỏ trắng, góc tây bắc cờ dán sắc trắng đen. Mỗi mặt 300 quân, 50 tên kỵ mã cầm cờ, 250 tên bộ tốt cầm đồ khí giới, ở chính giữa có một toán quân cầm cờ vàng. Bá Linh xem xét thế trận, cho là "có sát khí bốc lên, chắc là có quỷ thần chi đây". Khi Bá Linh dẫn 500 quân đánh ở mặt chính Đông vào, Hưng Đạo Vương cầm thanh thần kiếm, niệm chú mấy câu, rồi cầm lá cờ vàng phất lên. Bá Linh phải dùng đến phép độn giáp tàng hình để biến mất. Còn 500 quân thì bị chết và bắt sống hết. Quân Nguyên phải chạy lui về Vạn Kiếp.
Hưng Đạo Vương sai Yết Kiêu đi đục thuyền bắt Bá Linh nhưng cứ bắt được thì nó lại biến mất, Hưng Đạo Vương dặn: "Định bắt Bá Linh, trữ sẵn chỉ ngũ sắc, chờ khi bắt tình cờ, dùng dây ấy quấn vào mình thì nó không biến hình được". Quả nhiên như vậy.
Sau khi bị bắt, Bá Linh xin được về quê mẹ ở làng An Bài chịu chết. Hưng Đạo Vương sai con là Hưng Quốc Vương Quốc Nghiễn điệu Bá Linh về An Bài hành hình, nhưng cứ chém đầu này lại mọc đầu khác, đâm lao búa cũng không đứt thịt. Hưng Quốc Vương không biết làm thế nào để giết được, liền sai người về tâu với Hưng Đạo Vương. Vương nổi giận, cầm thanh thần kiếm xuống tận làng An Bài. Bá Linh trông thấy Hưng Đạo Vương và thần kiếm mới chịu phép. Khi điệu ra chém, Bá Linh ngoảnh cổ hỏi: "Đại Vương ra tay thì tôi xin chịu, nhưng xong, khi tôi nhắm mắt, Đại vương cho tôi ăn đồ chi". Dã Tượng được Vương đưa thần kiếm sai khai đao, thấy thế phát cáu mà thét lên: "Cho mày ăn sản huyết thiên hạ", rồi ném đầu xuống sông Thanh Lương, cạnh làng ấy.
Cách hai hôm sau, có hai người dân chài đánh lưới lần nào cũng được mỗi đầu lâu Bá Linh, lấy làm kỳ dị, khấn nếu phù hộ đánh được nhiều cá thì sẽ mai táng cho. Quả nhiên như vậy, họ mới đem chôn tạm trên bờ. Từ đấy đi qua chỗ mả thường khấn Bá Linh đi chơi. Dần dần, Bá Linh cũng hiện hình đi chơi với họ. Vì khi Bá Linh còn sống có tính dâm nên họ thường nói đùa, đố hồn Bá Linh ra trêu con gái, và hễ trông thấy người con gái nào mà đố y trêu thì người ấy quả nhiên về nhà mắc bệnh. Người trong làng thấy linh dị, lập miếu bên sông để thờ.
Viết về câu chuyện Phạm Nhan, sách Việt điện u linh tập lục toàn biên chép khi Phạm Nhan sắp bị hành hình có xin Hưng Đạo Vương: "Phải cho tôi ăn giống gì chứ", Vương giận liền bảo: "Cho mi ăn máu đẻ của đàn bà" (Hưng Đạo Vương nói chứ không phải Dã Tượng). Bởi vậy sau khi chết, hồn hắn đi đâu gặp sản phụ thì lập tức hớp hồn họ ngay. Những người đàn bà đó sẽ bị ốm liên miên không thuốc gì chữa khỏi khiến họ rất sợ hãi. Những người bệnh thường đến đền thờ Trần Hưng Đạo, lấy chiếu cũ trong đền, bất thần bắt người bệnh nằm lên, rồi đem chân nhang đốt ra tro quậy nước cho uống thì chắc chắn sẽ khỏi. Có người mới chỉ mang chiếu từ đền vương về nhà thì bệnh cũng đã khỏi. Chính vì thế mà người ta thấy sự anh linh kỳ nghiệm của Trần Hưng Đạo. Còn chuyện về chiếc đầu lâu của Phạm Nhan cũng ghi giống chuyện trên, hồn Phạm Nhan thường chỉ dẫn cho hai anh dân chài chọc ghẹo phụ nữ. Sách này chép Phạm Nhan có đền thờ ở làng An Bài, huyện Đông Hồ, dựa sông Lương Giang.
Sách Công dư tiệp ký có bài: "An Bài xã dâm từ khả hủy" (Nên phá hủy đền thờ nhảm nhí ở xã An Bài) về cơ bản cũng kể những chuyện giống như trên, nhưng cũng có thêm những chi tiết khác, chẳng hạn, sau khi thủ cấp Bá Linh được hai người đánh cá an táng, do hai người thường nói bỡn mời hồn Bá Linh đi chơi nên hồn ma ốp vào thành ba người, cho nên người ta gọi bọn chúng là Tam hồn. Hễ khi muốn chòng ghẹo một phụ nữ nào, họ sẽ gọi tên Bá Linh và chỉ tay vào người ấy, người đó sẽ bị ma ám ảnh ngay. Vì thế, họ phải lập miếu thờ. Sách Công dư tiệp ký cũng ghi: "Nếu ai sớm biết là mắc phải bệnh Phạm Nhan thì tới ngay đền Vạn Kiếp làm lễ cầu đảo và đem chiếu mới đổi lấy chiếu cũ đem về, thừa lúc vô ý để trải cho bệnh nhân nằm (nếu để bệnh nhân biết thì không nghiệm); và lại xin một ít chân hương đem về đốt cháy thành than, rồi hòa với nước cho bệnh nhân uống, thì các chứng bệnh đều tiêu tan hết.
Theo sách Thiên nam ngữ lục, vào thế kỷ XIII, ở tỉnh Phúc Kiến (Trung Quốc) có một người lái buôn tên là Nguyễn Bá Quang có vợ rất đẹp, thường bị nhiều người trêu ghẹo, kể cả Long Vương. Do gian díu với vua Thủy Tề mà người đàn bà này có một con trai đặt tên là Nguyễn Bá Linh. Sau khi bị Trần Hưng Đạo chém đầu, linh hồn Bá Linh trở về thủy phủ khóc lóc với cha. Long Vương vì thương con nên dùng phép biến hắn thành ba con quỷ cho quay lại dương gian và được gọi bằng ba cái tên Nguyễn Ngông, Nguyễn Nghênh và Nguyễn Bá Linh. Ba con quỉ này chuyên môn trêu ghẹo đàn bà con gái, luôn vào những chỗ thâm nghiêm, giở trò quỉ quái. Nhân dân gọi chúng là quỉ Phạm Nhan. Từ Thanh Hóa trở vào, bên cạnh Phạm Nhan, thì Nguyễn Ngông, Nguyễn Nghênh còn được gọi là Ngô Văn Ngạo hay Hoàng Văn Trọc.
Câu chuyện về Phạm Nhan được lưu hành rộng rãi trong dân gian với đôi chỗ chi tiết khác nhau. Truyền thuyết vùng Kiếp Bạc còn lưu truyền chuyện Phạm Nhan gắn với công lao của bà hàng cơm mà nay vẫn còn nghè thờ cách đền Kiếp Bạc chừng 100m. Truyền thuyết kể rằng Hưng Đạo Vương đã giao cho bà hàng cơm nhiệm vụ theo dõi các thuyền của giặc và mọi nội tình thông qua những binh lính vào hàng ăn. Một hôm, có người vận đồ xanh, tướng mạo hung dữ vào hàng uống rượu. Được biết đây là tướng giặc Phạm Nhan, nên sau khi chuốc rượu cho hắn say bà liền dò hỏi: "Nghe nói tướng quân tài giỏi có nhiều phép lạ lắm phải không ạ?". Đang say sưa tự mãn, hắn liền khoe khoang: "Ta có năm phép thần thông, người đang to khỏe hóa nhỏ, không dây nào trói được, chém đầu này lại mọc đầu khác". Bà liền khích hắn: "Tướng quân tài giỏi như vậy còn sợ ai chém nữa". Phạm Nhan đáp: "Muốn trói ta phải dùng chỉ ngũ sắc, muốn chém ta phải dùng vôi tôi, phân gà sáp và bồ bếp hóng bếp bôi lên lưỡi kiếm". Nắm được điều bí mật, bà hàng cơm đã báo ngay cho Hưng Đạo Vương, nhờ đó đã bắt sống được Phạm Nhan và dùng chỉ ngũ sắc trói lại. Khi sắp bị chém, Phạm Nhan thấy vôi, phân gà sáp và bồ hóng bếp đã bôi trên lưỡi kiếm, hắn sợ hãi biết chắc là chết, xin Hưng Đạo Vương một ân huệ: chém hắn thành ba đoạn, một đoạn vứt xuống sông, một đoạn vứt lên bờ còn một đoạn vứt lên rừng. Vương sai chém và vứt mỗi đoạn một nơi theo lời khẩn cầu của hắn. Đoạn vứt xuống sông biến thành đỉa, đoạn vứt lên bờ biến thành muỗi, đoạn vứt lên rừng biến thành vắt. Ngày nay nhân dân thường gặp những con vật đó thường gọi là giặc Phạm Nhan.
Sách Việt điện U linh (trong phần Phụ lục của Tam thanh quán đạo nhân) và Công dư tiệp ký đều ghi rằng đền Phạm Nhan ở bên bờ sông Thanh Lương (Lương Giang) huyện Đông Triều. Sách Công dư còn ghi rõ: Đền thờ Phạm Nhan ngày trước trong tự điển được đặt lên hàng thượng đẳng, chỉ vì một hôm xa giá hoàng thượng đi tuần du, khi qua cửa miếu thì thuyền của hậu cung không tiến lên được. Hoàng thượng cả giận ra lệnh cho quan quân hầu đem súng bắn vào trong đền và truất xuống một bậc, ngày nay vẫn còn sắc phong như thế. Nhưng nhiều tài liệu khác nhau đều ghi rằng: đền Phạm Nhan ở bên bờ sông Nam Sách (Sách: Đại Việt sử ký tiền biên của sử quan triều Nguyễn ghi rằng: "Đền thờ Hưng Đạo Vương ở Vạn Kiếp và đền thờ Phạm Nhan ở sông Nam Sách đều còn. Xét phép tế tự nên tôn chính, bỏ tà thì đền Phạm Nhan nên bỏ đi". Sách Sự tích Trần Hưng Đạo còn ghi rõ là đền thờ Phạm Nhan" ở bên bờ sông Nam Sách, đối diện với đền thờ Hưng Đạo Vương. Người phụ nữ qua đền thờ này đều bị bệnh, phải có đồ thờ (bát, chén hoặc chiếu trong đền thờ Hưng Đạo Vương giắt vào người thì ma đi, bệnh khỏi".
Như vậy, truyền thuyết về việc ra đời của Đức Thánh - Thanh tiên đồng tử - cũng có mạch nối với chuyện Phạm Nhan. Thanh tiên đồng giáng trần để trừng trị đứa con của giao long - gây họa cho dân lành, hay có sứ mạng để quét sạch dải khí trắng - điềm báo đất nước bị họa xâm lăng. Chính vì thế, theo logic cảm xúc dân gian, vị tiên áo xanh có được sức mạnh diệu kỳ bởi vì ngay khi sinh đã được "thượng đế" cho mang theo phi thần kiếm, cờ ấn, tấm bào của Lão Tử, ngũ tài của Thái công". Và cũng logic đó đã tạo nên tính thiêng của Đức Thánh Trần và niềm tin tưởng mãnh liệt của các tín đồ.
Trong những truyền thuyết dân gian về Hưng Đạo Vương có biểu tượng thanh kiếm thần được khai thác nhiều. Truyền thuyết của nhân dân vùng Thụ Khê (Hải Phòng) kể rằng sau khi chiến thắng, Hưng Đạo Vương đã quay lại cắm một thanh kiếm lên đỉnh núi Thụ Khê - nơi mà xưa kia Vương đã lập đồn binh - để ghi công lao của nhân dân địa phương. Dân làng đã lập đền thờ ông, và đôi câu đối trong đền đã ghi nhận sự kiện đó:
Lòng trung trùm tâm quang, lưu truyền Vạn Kiếp
Uy danh một kiếm, khiếp đảm bọn yêu ma.
Thanh kiếm dường như là một vật thiêng đã tạo cho Đức Thánh Trần một sức mạnh siêu phàm, bởi mọi câu chuyện dân gian về ông đều gắn liền với kiếm thần. Trong ngôi đền thờ Trần Hưng Đạo ở làng Trung Bản (Hưng Yên), tượng ông được phác họa trong tư thế chống kiếm, búi tóc bị xổ. Cũng nhờ có kiếm thần mà Thánh mới diệt được tên giặc phù thủy Phạm Nhan. Truyền thuyết vùng Kiếp Bạc còn ghi rằng, sau khi đất nước đã thái bình, Hưng Đạo Vương về nghỉ ở Kiếp Bạc. Một hôm, khi đi dạo chơi trên sông Thương, gần núi Dược Sơn. Hưng Đạo Vương cho dừng thuyền lại, rút thanh kiếm ra khỏi bao và nói: "Thanh kiếm này đã gắn bó với ta cả cuộc đời, đã từng dính máu nhiều quân giặc Thát, đã phải bôi phân gà sáp, vôi tôi và bồ hóng bếp để chém đầu tên Phạm Nhan dơ bẩn. Nay nhờ nước sông gột rửa sạch những vết nhơ". Nói rồi Vương thả thanh kiếm xuống dòng sông. Nơi đó hiện nay vẫn nổi lên một bãi bồi chạy dài giống hình lưỡi kiếm mà dân gian vẫn gọi là thanh kiếm thần của Trần Hưng Đạo, trước cửa đền Kiếp Bạc.
Rất nhiều chuyện khác cũng đề cao đức tính nhân nghĩa của vị tướng, vị thánh mà người dân yêu quí như thần tích đền A Sào (Thái Bình): Vương có một con voi rất trung thành, thường theo Vương trong các cuộc chiến đấu. Một lần khi gặp giặc Nguyên, tới bờ sông Hóa Giang thì nước cửa biển Thái Bình xuống cạn lắm, lòng sông bùn lầy, dân phải mang rơm đệm cho voi đi. Nhưng con voi của Vương nặng quá, bị sa lầy, Vương phải bỏ voi đi bộ. Con voi khóc, Hưng Đạo Vương thương quá cũng chảy nước mắt, nhưng sợ binh lính xuống tinh thần nên Vương phải trấn áp: "Ta thương là con voi trung thành với nước và có nghĩa với ta chứ không phải là điềm bất thường. Hễ ai xôn xao thì hãy nhìn thanh thần kiếm của ta". Khi khải hoàn về, Vương sai dựng một con voi gạch bên sông để ghi công.
Cái giếng trước sân đền Kiếp Bạc cũng được dân gian gắn với tình yêu thương của Hưng Đạo Vương dành cho Yết Kiêu, vốn là chàng trai nghèo tên là Côi, bơi lội rất giỏi làm nghề chở đò bên sông. Sau khi đầu quân cho Trần Hưng Đạo, Yết Kiêu đã đóng góp nhiều công sức cho cuộc chiến đấu với giặc, và thường về trình báo với Vương ngay khi người còn đang ướt sũng. Hưng Đạo Vương đã sai người đào giếng cạnh nhà để cho Yết Kiêu tắm rửa cho tiện. Tình cảm ấy của Vương rất cao cả nên giếng ấy nhiều khi nước tràn lên khỏi miệng…
Dân gian cũng lưu truyền những truyền thuyết về mối quan hệ của Vương với nhân dân nhiều vùng mà ông đã đi qua. Tại Yên Hưng (Quảng Ninh) lưu truyền câu chuyện bà cụ già bán nước dưới gốc đa bên bến Đò Rừng đã tận tình chỉ dẫn cho Trần Hưng Đạo biết tình hình con nước triều lên xuống và địa hình tả ngạn sông Bạch Đằng, lại còn đem hết của cải ủng hộ cho quân sĩ. Bà đã được ghi nhớ công lao trong đền thờ Vua Bà.
Truyền thuyết cũng kể rằng, sau khi chiến thắng, Hưng Đạo Vương có trở về Thụ Khê và Trúc Động thăm lại nơi diễn ra cuộc chiến xưa, nhân dân đã làm một bữa cơm "quá lộ" để đón tiếp ông. Về sau, người dân nơi đây đã lập đền thờ và cứ đến ngày giỗ ông lại làm cỗ "quá lộ" bày một mâm cơm rượu, ít đĩa cá, mời người qua đường ăn uống như diễn lại lễ đón chào Trần Quốc Tuấn và đoàn quân chiến thắng năm xưa. Ở làng Phù Ủng (Ân Thi, Hưng Yên) có chuyện kể về một bà mẹ nghèo, chỉ có một đứa con độc nhất là Phạm Ngũ Lão vẫn cho đi theo Vương đánh giặc. Nhân dân xã Quỳnh Thọ, huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình lại lưu truyền câu chuyện về một phú hào tên Trình Quang Minh đã đến phủ đệ A Sào của Hưng Đạo Vương cúng toàn bộ kho quỹ xung quân và giúp Vương lập một kho lương lớn. Đình Đại Lẫm đã được lập để thờ Hưng Đạo Vương và ghi nhớ công lao của người phú hào tốt bụng ấy. Đình Phương Man thuộc xã Thụy Hồng, huyện Thái Thụy, Thái Bình là dấu vết vật chất thể hiện sự biết ơn của những người tù binh Chiêm Thành cũ (được đưa đến vùng đất này lập kho thóc nuôi quân), đã được Hưng Đạo Vương tin tưởng trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên và còn tặng mĩ danh "Phương Man". Người dân nơi đây thờ Đức Thánh Trần coi như người cha tinh thần của cả thôn xã…
Trong tâm thức dân gian, vì Hưng Đạo Vương là người chính trực nên không những được nhân dân giúp đỡ mà còn được thần linh phù trợ. Chẳng hạn như truyền thuyết vùng Kiếp Bạc, kể về việc Phi Bồng, đại tướng quân phù Hưng Đạo Vương: khi Vương đang lo lắng vì thiếu nhiều thuyền chiến cho thủy quân thì nằm mơ thấy có một vị thần linh dung mạo khác thường, mắt sáng như sao, mặc áo bào đỏ, tự xưng: "Ta là Phi Bồng đại tướng quân, biết tướng quân hiện nay không đủ thuyền cấp cho thủy quân bầy trận chống giặc, vậy sáng mai đến bến Lục Đầu ta sẽ cấp cho đủ số thuyền mà tướng quân đang cần". Nói xong vị thần biến mất. Quả nhiên như vậy. Sau khi giành thắng lợi, Hưng Đạo Vương hạ lệnh cho đoàn thuyền đỗ lại bến Lục Đầu, sắm sửa lễ vật và khấn xin trả lại. Đêm đó trời nổi phong ba, đoàn thuyền tự nhiên biến mất.
Hưng Đạo Vương đã được nhận nhiều sắc phong thượng đẳng tối linh thần của các vương triều, được nhà nước chính thức đưa vào thờ phụng trong các đền miếu. Sách Đại nam thống nhất chí hay Nam định dư chí đều chép: "Năm Minh Mạng thứ 4, cho được thờ vào miếu đế vương các đời. Năm Minh Mạng thứ 16, cho được thờ vào Vũ Miếu". Nhưng sắc phong lớn nhất mà người dân Việt trong suốt bảy thế kỷ qua đã phong tặng là ĐỨC THÁNH TRẦN là VUA CHA, là ĐẾ. Cũng vì thế, vị thánh này đã có ảnh hưởng khá lớn trong chiều sâu tâm tưởng và đời sống hàng ngày của những người dân đất Việt.________________
TIÊU HUYỀN TREE SƯU TẦM