Dưới hàng Chầu Bà là các ông Hoàng. Theo lời truyền ngôn, các ông đều là con trai của Bát Hải Đại vương ở Hồ Động Đình (gắn với văn hóa biển). Các ông được xem là những vị thần trong hệ thống tứ phủ, đứng dưới hàng Quan, hàng Chầu, cùng dưới trướng Thánh Mẫu.
Kho văn chầu của Tứ phủ có bài Thập vị hoàng tử văn giới thiệu theo thứ tự:
Ông Hoàng Cả vua sinh ra đầu
Ông Hoàng Đôi vua sinh ra sau
Ông Hoàng ba giữ việc đế vương (?)
Ông Hoàng Tư làm chức thủy cung
Ông Hoàng Năm giữ ở đền rồng
Ông Hoàng Sáu trấn ở hải hà
Ông Hoàng Bảy làm nên gió, giật mưa sa
Ông Hoàng Tám cứu dân
Ông Hoàng Chín trấn ở đền Cờn
Ông Hoàng Mười làm quan Phủ Giày
Nhưng theo khuynh hướng địa phương hóa thì phần lớn các ông Hoàng đều gắn với một nhân vật lịch sử nào đó, tầm cỡ cả nước hoặc tầm cỡ địa phương; tuy nhiều ông cũng không rõ lý lịch nhưng vẫn được nhân dân tôn thờ. Đôi khi cũng có ông được tách ra, thờ tự riêng trong một ngôi đền độc lập, hoặc được đặt bàn thờ riêng.
***
Ông hoàng Cả (Hoàng đệ Nhất, Hoàng Quận)
Ông là người anh trưởng của tất cả các ông Hoàng. Không thấy ghi lại một sự tích cụ thể nào, cũng không được gán ghép vào một nhân vật lịch sử địa phương nào, chỉ biết là ông:
Động Đình Hồ Bát Hải long vương
Có ông Hoàng Quận phi phương
Khi thăng thượng giới đẹp duyên cưỡi rồng
Chầu vua Đế Thích chính cung
Bốn châu tám cõi tăng long đề huề
Ngôi ở trên trời, quyền trấn bốn phương
Văn chầu cũng miêu tả đời sống của ông rất hoành tráng. Ông đôn đốc việc làm cung điện, báo cho dân chúng chuyển gỗ về, xây các tòa, các điện rất nguy nga. Trong chỗ ông ở có nhiều cung nga, mỹ nữ. Ông cũng là người "tài kiêm văn võ, đáng trai anh hùng".
Có một vài ý ca ngợi ghép ông vào thành một danh tướng của khởi nghĩa Lam Sơn, rồi làm quan đời vua Lê Thái Tổ, nhưng không rõ đó là vị tướng nào.
Ông Hoàng Đôi (Hoàng Hai)
Ông là hoàng tử thứ hai của Vua cha Bát Hải, nhưng sự tích không được rõ ràng. Thiện nam tín nữ thường có quan niệm khác nhau: Ông là người dân tộc Mán. (Không nên lầm với ông Bảy sẽ nói dưới). Ông có công giúp nhà vua chống giặc, bảo vệ dân lành (nhưng không rõ triều đại nào), nên được đưa vào thờ ở hệ thống tứ phủ.
Những người ở Thanh Hóa thì lại nói ông chính là quan Hoàng Triệu. Nếu đích là Hoàng Triệu thì ông được gắn với Nguyễn Hoàng, sự tích như sau:
Khi nhà Lê Sơ đến thời suy thoái, các ông vua Túc Tông, Tương Dực, Uy Mục đều thoái hóa, nhiều vị trung thần đã cố gắng để khôi phục lại (sau thành nhà Lê Trung hưng). Ông Nguyễn Kim quê ở Triệu Tường, huyện Tống Sơn (nay là Hà Trung, Thanh Hóa) đã hết sức vãn hồi đại nghiệp, phải đi tìm con cháu nhà Lê, cuối cùng mới tìm được Lê Anh Tông đưa lên ngai vàng. Ông Kim có hai con. Nguyễn Uông đã bị giết, Nguyễn Hoàng được làm quan với chúa Trịnh Kiểm và xin được vào trấn đất Thuận Hóa. Con cháu ông xây dựng được vương triều, lập nên đế nghiệp của nhà Nguyễn từ Gia Long đến Bảo Đại. Họ rất nhớ quê nhà, gọi Triệu Tường là quí hương. Tổ của họ Nguyễn chính là ở đây.
Vị thần được gọi là Hoàng Đôi, Hoàng Hai, chính là Nguyễn Hoàng. Gọi ông là Hoàng Hai, cũng có lẽ muốn liên hệ đến thực tế: Nguyễn Hoàng là con thứ hai, em Nguyễn Uông.
Văn chầu ông hoàng Triệu có nhắc đến công lao của ông đã giúp nhà Lê đánh đuổi quân Giặc.
Ông Hoàng Ba (Hoàng Bơ Thoải)
Nhân dân vẫn tôn vinh ông là Hoàng Bơ Thoải, có lẽ là muốn xem ông là ở dưới trướng của Mẫu Thoải. Truyện kể rằng ông ở dưới nước lên, với võ phục đường hoàng, cưỡi ngựa trắng, đeo cung tên, cầm khiên vàng. Ông được vua cha sai đi giúp nhà vua diệt giặc, phần lớn là ở vùng miền núi như Đông Cuông, Tuần Quán. Thắng lợi rồi ông còn được chu du trên các triền sông như sông Thao, sông Cả, sông Lạc Đầu, sông Cầu, sông Mã. Tiếp đó ông về ở Hà Nam. Đền thờ ông ở xã Lảnh Giang, tục gọi là đền Lảnh.
Hoàng Bơ Thoải đường đường dung mạo
Mặt nhường gương tiết tháo oai phong
Thanh xuân một đấng anh hùng
Toàn tài văn võ lầu thông mọi đường…
Khăn thêu áo trắng đai vàng
Võ hài chân dặm vai mang đôi hèo…
Ông Hoàng Tư, Ông Hoàng Năm
Hai ông này ở lại cõi Nước, không hiện lên chốn trần gian.
Ông Hoàng Lục (Ông Hoàng Sáu)
Ông là con thứ sáu của vua cha Bát Hải. Không thấy truyền lại gì về sự tích của ông. Nhưng ở Thanh Hóa, người dân đã gắn ông vào với một danh tướng trong cuộc kháng chiến chống quân Minh, dưới sự lãnh đạo của Bình Định Vương. Một bài văn tụng (sưu tầm ở huyện Thiệu Hóa) tôn ông là đức Thánh Võ (Nguyễn Trãi được tôn là đức Thánh Văn, song không đưa vào hệ thống Tứ phủ). Chính tên ông là Trần Lựu. Trần Lựu đã chiến thắng Liễu Thăng ở ải Bắc, dụ quân địch vào trận địa Chi Lăng. Ông có chiến công lớn ở vùng đó.
Cũng có người lại nói: thật ra Hoàng Lục là ông Hoàng Sáu đã được ghép với Trần Nhật Duật. Đền thờ ở làng Văn Trinh (huyện Quảng Xương) cũng tôn vinh ông và xem ông là một tổ của ngành ca xướng (sau khi đã là một vị tướng trí dũng toàn tài dưới thời Trần).
Ông Hoàng Bảy (Hoàng Bảo Hà)
Ông là con thứ bảy của vua cha Bát Hải được thờ trong hệ thống Tứ phủ, được ghép cho một vị quan ở triều đình (chưa rõ là triều Lê hay triều Nguyễn). Ông tài kiêm văn võ, đã đánh thắng giặc ở vùng Lạng Sơn, Thất Khê, quen thuộc với vùng rừng núi. Do đó cũng có thuyết nói ông là người miền núi. Ông được làm quan trấn giữ miền Lao Cai, Yên Bái. Đền của ông ở Bảo Hà, nên cũng gọi là Hoàng Bảo Hà. Văn chầu viết về ông có những câu:
Bao phen chiến lược tung hoành
Định an xã tắc, đề binh cõi ngoài
Đất Lào Cai là nơi dụng võ
Quyết ra tài đội ngũ tiến công
Biên cương súng nổ đùng đùng
Sa trường xương núi, máu sông chẳng nề
Ông Hoàng Tám
Ông còn được gọi là ông Bát Nùng, đền thờ ở Mai Siu, Biển Động, Bắc Giang. Ông được xem là một vị thần có nhiều phép lạ, chủ yếu là ở cõi Nước, giúp vua cha yên định thiên hạ. Ông đã từng dẹp bọn thủy quái, trị được hai con mãng xà. Có khi ông hiện lên chốn trần gian, làm thuốc giúp dân, trừ các tai nạn. Không thấy ông được gắn với một nhân vật lịch sử hay nhân vật địa phương nào.
Ông Hoàng Chín
Ông còn được gọi là ông Chín Cờn Môn. Đền thờ ông ở cửa biển Quỳnh Phương, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Bài văn hầu đồng, hát thờ vào những ngày tiệc đản là Thập vị hoàng tử, cũng chỉ nói sơ lược:
Hoàng Chín yểu điệu thanh tân
Vua sai ông trấn ở trong đền Cờn
Bài văn chầu ông Hoàng Chín cho biết ông được giao việc coi sóc mười hai cửa biển:
Gặp cơn sóng gió ba đào
Mười hai cửa biển sớm chiều xông pha
Cửa Cờn môn dựng cờ soái lĩnh
Lệnh quan truyền nghiêm chỉnh ba quân
Quyết lòng vì nước vì dân
Trấn an cửa biển, dẹp quân bạo cường
Cửa Cờn tức là Cản Hải, thuộc huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An), ở đây thờ tứ vị Thánh nương mà vị thần tối cao là bà Đại Càn nương nương. Những ngày lễ hội Tứ vị thánh nương, ông Hoàng Chín cũng được hương khói. Nhân dân vẫn tôn kính ông:
Nhớ ngày quan Chín ra đời cứu dân
Ông Hoàng mà không gọi là quan, có lẽ vì người ta không quan tâm đến chức danh của ông mà luôn ghi nhớ rằng: nhờ ngài mà muôn dân hưởng phú an lành. Không thấy ông được ghép với một nhân vật lịch sử hay một nhân vật địa phương nào cả.
Ông Hoàng Mười
Trong tất cả các ông hoàng thì ông Hoàng Mười được tôn vinh hơn cả. Nhiều phủ, điện thờ Đức Mẫu Liễu đều có tượng hoặc bàn thờ Hoàng Mười riêng (các ông hoàng khác hầu như không có).
• Ở phủ Vân Cát, có bàn thờ ở một lầu bên phải. Lễ tiệc tiễn dâng vào ngày 10 tháng 10 âm lịch.
• Ở phủ Tây Hồ có tượng Hoàng Mười mặc áo màu vàng ở tòa tiền tế.
• Ở Chùa Tiên (Lạng Sơn), Hoàng Mười mặc áo vàng, ngồi bên phải Liễu Hạnh.
• Ở Bắc Lệ Hoàng Mười ở cung đệ nhị, mặc áo vàng, cầm quạt.
• Trong các buổi hầu đồng, ông Hoàng Mười thường giáng hạ với các đệ tử, cũng như các vị quan lớn, các chầu, các cô.
Một bài văn chầu viết:
Ông Hoàng Mười trấn thủ Nghệ An
Ra huyện Thiên Bản làm quan Phủ Giày
Vì như vậy mà ở vùng Nghệ Tĩnh, sự tích Hoàng Mười có phần phong phú, cụ thể. Vẫn cái khuynh hướng lịch sử hóa, địa phương hóa các thần thánh là rất đậm đà. Tại đây, dân ta đã xem Hoàng Mười là một nhân vật xứ Nghệ. Quanh vùng Chợ Củi, người dân cho rằng chính ông Hoàng Mười đã dẹp giặc Minh rồi đi đánh Chiêm Thành, bắt sống được vua nước ấy, ông mất ở núi Nam Giới, được thờ là Chiêu Trưng đại vương, lập đền ở đó, sau dời về Triều Mẫu ở Hưng Nguyên. Đền của ông là đền lớn ở Nghệ An, gọi là đền Chiêu Trưng. Lại có điều truyền văn cho Hoàng Mười chính là Lý Nhật Quang, hiệu Uy Minh vương. Ông đã làm tri châu Nghệ An đời Lý Thánh Tông, mang quân vào Nam, giúp vua Chiêm dẹp loạn. Dân trong ấy thờ ông dưới chân núi Tam tòa. Sau ông về mất ở núi Quả Sơn (Đô Lương). Đền thờ ông cũng là đền lớn. Thành ngữ ở Nghệ An có câu:
Đền Cờn, đền Quả, Bạch Mã, Chiêu Trưng.
Ghép Lý Nhật Quang thành ông Hoàng Mười, còn vì ông là một trong số các hoàng tử của vua Lý Thái Tổ nên gọi là ông hoàng là hợp lý.
Khuynh hướng địa phương hóa các vị thần linh đã diễn ra như vậy, còn theo tín ngưỡng Tứ phủ, tất cả mười ông hoàng đều là con một vị vua cha là Bát Hải Động Đình. Vua đã phân công cho các con, mỗi người một địa phương và một nhiệm vụ khác nhau.
TIÊU HUYỀN TREE