Một chiếc lá cây khi sống tạo ra một trường sinh học quanh nó, khi mất đi trường sinh học đó vẫn được bảo tồn. Với con người, điều đó có tồn tại không? Nếu có, đằng sau sự sống sẽ không còn là cái chết nữa. Những câu hỏi và logic vấn đề đã đưa GS.TS Đoàn Xuân Mượu, nguyên Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ TƯ nghiên cứu sâu về lĩnh vực này. Sau hơn 30 năm thai nghén, ông vừa cho ra đời 3 tập sách mang tên: Con người và khoa học về tâm linh.
Hiểu sự huyền bí sẽ không còn mê tín dị đoan
Là giáo sư đầu ngành về vi trùng, virus, tại sao ông lại chuyển sang viết sách nghiên cứu "tâm linh"? Ông không sợ người ta cho rằng thế là mê tín dị đoan?
Virus nhỏ lắm. Nó còn nhỏ dưới mức vi khuẩn, mắt không nhìn thấy được. Trong thế giới tự nhiên đã có lúc ta ghi nhận những thứ không nhìn thấy được là vô hình. Trong quá trình nghiên cứu, tôi thấy thế giới vô hình rất sống động, từ đó tôi liên tưởng đến đời sống con người ở những điều ta không nhìn thấy.
Cùng với quá trình nghiên cứu y học tôi cũng bắt tay nghiên cứu những điều về con người mà xưa vẫn cho là "bí ẩn", là mê tín dị đoan... Dưới ánh sáng khoa học, những "bí ẩn" đó không còn chỗ nương thân cho những gì gọi là mê tín, kỳ quặc.
Nói như thế theo tôi hiểu ông công nhận thế giới tâm linh là có thật?
Tôi không dám làm trọng tài trong tất cả những vấn đề mà thế giới đang tranh luận, chưa ngã ngũ. Tôi chỉ là người đọc nhiều, tâm huyết đến lĩnh vực "đời người" và cố gắng đưa những gì chưa biết ra ánh sáng.
Ông có thể nói rõ hơn?
3.000 năm qua, chúng ta tìm hiểu vũ trụ nhiều hơn tìm hiểu chính mình. Do đó, vốn hiểu biết về thế giới tự nhiên lớn hơn hiểu biết chính bản thân, kể cả nguồn gốc chính mình và những khả năng đặc biệt của con người.
Trước đây, khoa học chính thống theo mô thức thực chứng duy lý, dựa trên nền tảng vật lý cổ điển của Newton không giải thích được các hiện tượng đặc biệt này. Nó không công nhận thế giới siêu hình và cho rằng nguyên tử là nguyên tố bé nhất.
Đến đầu thế kỷ XX xuất hiện mầm mống thuyết tương đối của Enstein thuyết này nói rằng, ngoài nguyên tử là phần tử nhỏ nhất còn có sóng và hạt. Thuyết lượng tử từ đó cũng lên ngôi.
Vì vậy, về phương diện xã hội nếu quảng đại quần chúng hiểu biết cơ sở khoa học của sự huyền bí thì sẽ không còn chỗ nương thân cho mê tín dị đoan đang lan tràn rộng rãi như hiện nay. Huyền bí không mâu thuẫn với tự nhiên, chỉ mâu thuẫn với sự hiểu biết của con người về quy luật tự nhiên.
GS.TS Đoàn Xuân Mượu: Con người không phải từ linh trưởng mà phát triển lên.
Sóng và hạt đều là những thứ ta không sờ, nắm, nhìn thấy được, phải chăng ông muốn nói đến bên kia cuộc sống của con người vẫn tồn tại một thế giới mà ta không sờ nắm được?
Tôi cho rằng thế kỷ XXI có nhiều vấn đề tâm linh khiến nhiều người quan tâm. Bộ sách 3 cuốn về con người và thế giới tâm linh của tôi ra đời từ đó, ở đó tôi nhìn nhận con người dưới góc độ khác.
Nguồn gốc loài người bắt nguồn từ năng lượng
Với cách nhìn nhận của ông, thủy tổ của loài người không phải là khỉ?
Dựa vào các thuyết về nguồn gốc con người: thuyết tiến hóa của Darwin, thuyết Mundasep và nhiều học thuyết khác thì thấy, con người không phải từ linh trưởng mà phát triển lên. Con người cũng như động vật, thực vật muôn loài đều do tạo hóa sinh ra, từ cái gọi là chân không vật lý mà theo Phật học thì gọi là "sắc sắc không không".
Mọi sinh vật được tạo hoá sinh ra không phải một cách tình cờ, mà đều có ý định, có mục đích do "Ý thức vũ trụ". Ý thức có trước, kế hoạch sáng thế có sau, tất cả đều bắt nguồn từ năng lượng. Con người phải do năng lượng sinh ra, bắt đầu từ năng lượng lỏng, năng lượng đặc và thành hình hài con người ngày nay.
Thực tế, bằng phương pháp phóng xạ xương người ở Nam Mỹ cách đây hơn 3 triệu năm, phóng xạ xương của loài linh trưởng sau khi tìm kiếm đều không chứng minh được nguồn gốc con người từ linh trưởng. Từ xa xưa xương bàn tay con người đã có hoạt động khôn khéo rồi. Thế giới nhiều nơi đã công nhận con người là sinh vật do vũ trụ sinh ra, con người là hình chiếu của vũ trụ.
Theo logic của ông, con người sẽ được cấu tạo thế nào?
Con người gồm 7 phần gồm thể xác, năng lượng, cảm xúc và 4 cơ thể tâm thần, trong đó chỉ có thể xác là hữu hình, được y học chính thống giảng dạy (đây là năng lượng đặc), 6 phần còn lại có độ đặc khác nhau. Năng lượng càng loãng càng nghiêng dần về phía linh cảm (năng lượng chưa phải tế vi). Khi sống, phần năng lượng đặc vẫn còn nhưng khi mất đi thì phần năng lượng đặc mất, các phần năng lượng khác vẫn tồn tại.
Có phải nhờ những phần năng lượng không mất đi mà một số người có khả năng ngoại cảm không? Tuyến tùng ở những người đó phát triển cao hơn bình thường?
Người bình thường ai cũng có tuyến tùng như là dấu vết của con mắt thứ 3 ở giống người tiền sử (hay còn gọi là giác quan thứ 6). Khả năng ngoại cảm không phải do một mình tuyến tùng mà còn liên quan đến các thân thể tế vi.
Khả năng ngoại cảm do tạo hoá ban cho, không phải do luyện tập mà có, càng không phải do tuyến tùng phì đại. Khả năng chữa bệnh của một số nhà ngoại cảm, về nguyên tắc và lý thuyết, có thể có. Tuy nhiên không phải đã là nhà ngoại cảm thì đều có khả năng chữa bệnh.
Là bác sĩ Tây y sao ông lại tin tưởng vào cách chữa có vẻ phi khoa học của các nhà ngoại cảm?
Các nhà y học chính thống vốn chữa bệnh cho thân thể vật lý. Tuy nhiên, còn có những dạng bệnh do năng lượng sóng đứng gây nên, chúng đòi hỏi phải có cách tiếp cận khác gọi là y học đa chiều, trong chẩn đoán, tự chẩn đoán, điều trị, tự điều trị, khác với y học chính thống.
Trong thực tế chắc có những người mạo danh ngoại cảm cần phải ngăn cản. Bộ sách của tôi là sự cố gắng lý giải những điều chưa biết. Cái biết vốn dĩ hữu hạn, cái chưa biết là cái vô hạn. Tuy nhiên, không phải vì chưa biết mà phủ nhận tất cả một cách hồ đồ.
Xin cảm ơn ông!
GS.TS Đoàn Xuân Mượu là Đảng viên hơn 60 năm tuổi Đảng, cán bộ lão thành cách mạng, là một trong 50 đảng viên đầu tiên được Đảng và Chính phủ chọn cử đi học đại học tại Liên Xô năm 1953. Từ năm 1973 - 1994, ông đã kinh qua các chức vụ Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ, Viện trưởng Viện Pasteur Đà Lạt, Viện trưởng Viện Văcxin Quốc gia, đại diện y tế Việt Nam trong Ban Thư ký Hội đồng Tương trợ kinh tế các nước XHCN (SEV) tại Liên Xô, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Chữ thập đỏ Việt Nam.
Hà Mi (thực hiện)
DƯƠNG HOÀNG HẢI SƯU TẦM