Trong các triều đại phong kiến ở Việt Nam, Vương triều Trần (1225-1400) đã để lại nhiều dấu ấn đậm nét nhất trong lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm và xây dựng nền độc lập tự chủ dân tộc. Bên cạch các vị vua nổi tiếng như Trần Thái Tông, Trần Nhân Tông, Trần Thánh Tông... là các vị tướng tài năng còn lưu truyền trong sử sách: Trần Thủ Độ, Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật..., đặc biệt là Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn. Ngay khi ông còn sống, vua Trần Nhân Tông đã cho lập sinh từ thờ ông. Đấy là điều rất đặc biệt, vì trong suốt các triều đại phong kiến tồn tại ở Việt Nam, chỉ có Hưng Đạo Đại Vương được triều đình nhà Trần coi như một vị thánh sống và sau khi ông chết nhân dân tôn xưng ông là Đức Thánh.
Từ lâu nay, các nhà nghiên cứu về cuộc đời và sự nghiệp anh hùng của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn đã tìm hiểu, bàn nhiều nhưng chưa khẳng định rõ ràng, chắc chắn về năm sinh, nơi sinh của ông.
Trong dân gian vẫn thường lưu truyền câu ca dao: "Sinh Kiếp Bạc, thác Trần Thương, quê hương Bảo Lộc".
Theo Tiến sĩ Nguyễn Xuân Năm - Giám đốc Sở Văn hóa Nam Định thì: "ở đây "sinh" không phải là nơi sinh mà có nghĩa là sinh sống, tức là thời kỳ Hưng Đạo Vương sống ở Vạn Kiếp, thái ấp của mình".
Một số nguồn sử liệu khác cho rằng "Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn" sinh ở Tức Mặc, Bảo Lộc, Nam Định và Bảo Lộc là quê hương của ông".
Tuy nhiên, theo các sử gia xưa và nay thì Bảo Lộc là nơi phát tích chứ không phải là nơi phát nghiệp của Vương triều Trần. Sử cũ đã ghi rõ: "Năm Kỷ Hợi (Thiên Ứng Chính Bình năm thứ 8, 1239). Mùa xuân, tháng giêng, phong cho Phùng Tá Chu chức Nhập nội Thái phó, sai về Tức Mặc xây nhà cửa, cung điện..."
Các cung điện ở Thiên Trường (nơi dành cho các đời Thượng hoàng) được xây dựng vào năm 1239. Sau đó để tiện cho việc đi lại sinh hoạt của các vương hầu, tôn thất khi về chầu, yết kiến Thượng hoàng, các vua Trần đã cấp đất "thang mộc" cho họ ở những khu vực xung quanh cung điện (từ năm 1262).
Tiến sĩ Phạm Văn Thắm (Viện Nghiên cứu Hán Nôm) cho biết một chi tiết rõ hơn: "...Theo văn bia Nam Trạch miếu bi ký, họ Trần dựng miếu thờ tổ tiên vào năm Thiên Ứng 1239 ở làng Tức Mặc".
Như vậy, miếu thờ "Tiên tổ" họ Trần được lập vào năm 1239.
Sách "Đại Việt sử ký toàn thư" cho biết: "Nhâm Tuất (Thiên Long năm thứ 5 (1262), mùa xuân, tháng hai, Thượng hoàng ngự đến hành cung Tức Mặc ban tiệc lớn, đổi hương Tức Mặc làm phủ Thiên Trường, cung gọi là Trùng Quang, lại xây riêng một cung khác cho vua nối ngôi ngự khi về chầu gọi là cung Trùng Hoa, lại làm chùa ở phía tây cung Trùng Quang gọi là chùa Phổ Minh, từ đó về sau các vua nhường ngôi đều ngự ở cung này..."
Mùa đông (năm thứ 9) 1266, tháng 10 xuống chiếu cho vương hầu, công chúa, phò mã, cung tần chiêu tập dân phiêu tán không có sản nghiệp làm nô tỳ để khai khẩn ruộng hoang, lập thành điền trang. Vương hầu có trang thực bắt đầu từ đấy..."
Thượng Hoàng (Trần Thái Tông nhường ngôi cho thái tử Hoàng năm 1258 thì lui về ở Bắc cung (kinh đô Thăng Long) đến 1262 mới về ở cung Trùng Quang và cung Trùng Hoa cũng được xây dựng vào năm này. Vậy thì không thể có chuyện các thái ấp của Trần Thủ Độ, Trần Quang Khải, Trần Khánh Dư... và kể cả của Trần Quốc Tuấn được cấp trước năm 1262, hay nói rộng ra là trước năm 1239 (năm mà nhà Trần bắt đầu xây miếu Tiên tổ).
Theo ông Hoàng Giáp (Viện Nghiên cứu Hán Nôm): "Sau khi dẹp xong giặc Nguyên, đế (Trần Nhân Tông) về phủ Long Hưng tiến phong Vương (Trần Quốc Tuấn) làm Đại nguyên soái Hưng Đạo Vương, cho Bảo Lộc làm thái ấp..."
Như vậy, phải chăng thái ấp Bảo Lộc chỉ được vua Trần Nhân Tông cấp cho Hưng Đạo Vương vào thời sau này chứ không phải được cấp từ các triều vua khác.
Các tư liệu lịch sử trước đây và những công trình nghiên cứu gần đây của các học giả ở Trung ương và địa phương cho chúng ta biết về đất phát nghiệp của Vương triều Trần là đất Tinh Cương, huyện Ngự Thiên, phủ Long Hưng nay là xã Tiến Đức và làng Lưu Xá, xã canh Tân - huyện Hưng Hà, Thái Bình.
Vấn đề này được nhà sử học Phạm Văn Kính (Viện Sử học) viết: "...Trần Hấp là người đầu tiên đặt nền móng cho sự nghiệp nhà Trần trên đất Đa Cương thời Lý và Long Hưng thời Trần. Vậy là đất Lưu Gia, Đa Cương, Long Hưng cũng như Thiên Trường, Tức Mặc rất xứng đáng với các mỹ từ: đất phát tích sáng nghiệp - dựng nghiệp của họ Trần".
Cùng với các đại gia đình họ Trần, Trần Liễu sống ở đất Ngự Thiên, Thái Bình. Ông là con của Trần Thừa và là anh của Trần Thái Tông tức Trần Cảnh, là cháu gọi Trần Hấp bằng cụ, gọi Trần Lý là ông. Nhưng điều quan trọng nhất là ông tham gia vào chính quyền Vương triều Lý, Trần trong thời gian nào?
Sách "Đại Việt sử ký toàn thư" không chép rõ sự việc này nhưng sách "Việt sử lược" đã ghi:
"Năm Bính Tý, hiệu Kiến Gia năm thứ 6 (1216) mùa đông, tháng Chạp, vua Lý cho Thái Tổ ta (Trần Thừa) tước Liệt Hầu... Con cả đức Thái Tổ (Trần Thừa) là Liễu được tước quan Nội Hầu".
Như vậy chúng ta đã rõ: Trần Liễu chính thức nhận chức quan của triều nhà Lý vào năm 1216. Theo các tư liệu lịch sử thì vua Lý Huệ Tông đã gả công chúa Thuận Thiên (là chị của công chúa Chiêu Hoàng - vợ Trần Cảnh) cho Trần Liễu. Vua Lý đã phong Trần Liễu là Phụng Kiền vương và cấp đất Thang mộc cho vợ chồng công chúa Thuận Thiên. Một điều chắc chắn là Trần Liễu đã cùng vợ dời kinh thành Thăng Long tới thái ấp của mình để sinh sống trước năm 1225. Sách "Đại Việt sử ký toàn thư" viết: "Nhâm Ngọ (Kiến Gia) năm thứ 12, triều Lý Huệ Tông (1222), Tống Gia Định năm thứ 15, mùa xuân, tháng Hai, chia nước làm 24 lộ, lộ chia cho công chúa ở, lấy các hoàng nô thuộc lộ và quan nhân bản lộ chia nhau làm giáp, làm đồ binh khí và ghe thuyền để tuần bắt giặc cướp..."
"...Năm Giáp Thân (Kiến gia), năm thứ 14 (1224), (từ tháng 10 về sau là miếu hiệu của Chiêu Hoàng Thiên Thượng Hữu Đạo năm thứ nhất), (Tống Gia Định năm thứ 17) bệnh vua càng tăng mà không có con trai để nối nghiệp lớn. Các công chúa đều được chia các lộ làm ấp thang mộc, ủy nhiệm cho một mình chỉ huy sứ Trần Thủ Độ quản lĩnh các quân Điện tiền, Hộ vệ, Cấm đình" (Sđd)...
Vậy thái ấp của vợ chồng Phụng Kiền Vương ở đâu, hay nói cách khác là thái ấp của công chúa Thuận Thiên ở đâu? Sử sách xưa và các tư liệu điền dã cùng thần phả, thần tích ở các đền, miếu thờ Trần Liễu cho biết: "Thái ấp mà vợ chồng Trần Liễu được vua Lý Huệ Tông ban cho là ở hương A Cảo (A Sào nằm ở hương A Cảo), sau đổi là A Côi (nay bao gồm các xã An Cầu, An Thái, An Khê, An Đồng... huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình).
Khi trở về thái ấp của mình, Trần Liễu đã mộ dân lập ấp, mở rộng điền trang. Dân làng Lộng Khê xã An Khê, An Thái đã thờ ông là vị "Khai ấp, Tiến công".
Sách "Đại Việt sử ký toàn thư" bản kỷ (quyển 5) cho biết: "Mậu Tý (Kiến Trung năm thứ 4 (1228), mùa thu, tháng tám, Trần Thái Tông phong anh là Trần Liễu làm Thái úy". Sử gia Ngô Sĩ Liên đã từng viết: "Chế độ nhà Trần thì các vương hầu đều có phủ đệ ở hương của mình, khi vào chầu mới đến kinh sư, sau việc lại về". Nhiều người cho rằng đây là sách lược của Trần Thủ Độ, vì phân tán các vương hầu ở ấp của mình sẽ đạt được nhiều mục đích:
- Ngăn chặn sự tranh cướp ngôi vua giữa các thế lực còn sót lại của triều Lý và đồng thời đề phòng việc tranh giành của các ngành trưởng và thứ.
- Nếu triều đình có biến thì các vương hầu sẽ đem quân từ các lộ phủ về ứng cứu, như vậy sẽ tạo ra thế chân vạc để bảo vệ triều đình. Việc này trong thực tế đã diễn ra ở Vương triều Trần khi Dương Nhật Lễ tiếm ngôi vua vào năm Kỷ Dậu - 1369.
Về ngày sinh của Hưng Đạo Vương hiện nay vẫn chưa được thống nhất. Có sách, có người cho rằng Trần Quốc Tuấn sinh ngày 10 tháng 12 năm Mậu Tý (1228), hoặc sinh năm 1230,1232, ở đây chúng tôi tạm tin theo tư liệu ông sinh năm 1232.
Như vậy, ta có thể đặt một giả thuyết tin cậy là Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn không phải sinh ở Bảo Lộc, Tức Mặc mà ông sinh ở hương A Cảo, (nay là huyện Quỳnh Phụ Thái Bình) vì đây là đất thái ấp của bố mẹ ông được vua Lý Huệ Tông phong cấp cho- cũng là nơi vợ chồng Trần Liễu sinh cơ lập nghiệp cùng các con. Trước khi xảy ra cảnh nội chiến giữa Trần Liễu và Trần Thủ Độ - 1237, hay nói cách khác là trước khi Thượng hoàng Trần Thừa băng hà (1234), Trần Liễu được vào cung làm Phụ chính và được sắc phong là Hiển Hoàng Vương (1234).
"Đại Việt sử ký toàn thư" cho biết: "Tháng 4, năm Trùng Hưng thứ năm (1289), định công dẹp giặc Nguyên, tiến phong Hưng Đạo Vương làm Đại Vương. Điều đó phù hợp với tư liệu mà ông Hoàng Giáp (Viện Nghiên cứu Hán Nôm) dẫn theo sách "A Sào linh miếu": "...Sau khi dẹp xong giặc Nguyên, Đế (Trần Nhân Tông) lên ngôi ngày 8/11/1278, mất ngày 15/4/1293, về phủ Long Hưng (nay là huyện Hưng Hà) tiến phong vương (Trần Quốc Tuấn) làm Đại nguyên soái Hưng Đạo Đại Vương. Lệnh cho nhân dân A Sào trùng tu cung điện, cho Bạch Đằng (Kiếp Bạc) làm đệ nhất sinh từ, A Sào làm đệ nhị sinh từ, Bảo Lộc làm thái ấp..."
Việc lập sinh từ ở Vạn Kiếp (đệ nhất sinh từ) và đệ nhị sinh từ ở A Sào là hoàn toàn có lý và phù hợp với vấn đề mà "Đại Việt sử ký toàn thư" thường đặt dấu hỏi: Thời Trần, có hai người được dựng sinh từ là Trần Thủ Độ và Trần Quốc Tuấn, nhưng không ghi rõ ở đâu.
"Đến ngày 20/8/1300, Hưng Đạo Đại Vương mất, nhân dân đến kinh đô xin linh vị lập miếu thờ, vua Trần Anh Tông phong làm Thượng đẳng Phúc thần, xuân thu tế vị, sắc cho các nơi phải chăm lo hương khói..."
Các đền thờ chính đức Thiên Vũ đế Trần Hưng Đạo thứ tự như sau:
- Thứ nhất là sinh từ ở Kiếp Bạc.
- Thứ hai là ở A Sào.
- Thứ ba là ở Bảo Lộc.
Các đền khác như Ngọc Sơn, Hà Lạc... đều là vọng từ.
Như vậy, vấn đề đặt ra là ở Kiếp Bạc là nơi Trần Hưng Đạo sống và yên hưởng tuổi già thì khi ông mất được vua cho lập đền thờ là điều đương nhiên. Nhưng A Sào tại sao lại được nhà vua lập sinh từ thứ hai chứ không phải Bảo Lộc?
Rất có thể đây là nơi ông sinh ra và lớn lên trong thái ấp của bố mẹ mình, cũng là nơi ông từng đặt kho lương "Mễ thương thắng tích" và luyện tập quân sĩ để chống giặc. Có thể nói đó là quê hương nơi chôn nhau cắt rốn của ông.
Hiện nay, ở cánh đồng thôn Bắc Dũng, xã An Đồng, giáp với thôn Nguyên Xá, xã An Hiệp, huyện Quỳnh Phụ (nằm gần sông Luộc) còn một phần cung trong của một ngôi chùa cổ tên là Am Qua Tự. Gần đấy còn dấu tích của một ngôi đền cổ, tại đây đã phát hiện được ba tấm bia đá. Trong đó có một tấm bia có nét chữ đục còn tương đối rõ. Tấm bia này dựng vào năm thứ 3 triều vua Khải Định (1928). Nội dung tấm bia nói: Khi Hưng Đạo Đại Vương chiến thắng quân Nguyên trở về thăm A Sào, để tưởng nhớ tới thái ấp cũ của cha mẹ mình và cũng là nơi ông từng đóng quân, lập kho gạo ở A Sào và thường xuyên qua lại nên đã cho dân làng 500 quan tiền và nhiều hốt vàng để xây dựng miếu thờ ông cha và mua một số ruộng, ao ở xứ "Am Qua Tự" để dùng vào việc công.
Với khả năng hạn hẹp của người yêu sử, chúng tôi xin góp thêm lời bàn để làm sáng tỏ thêm về nơi sinh của Đức Thánh Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn. Theo thiển ý của tác giả thì rất có thể ông được sinh ra trên thái ấp của bố mẹ mình (vợ chồng Trần Liễu do vua Lý Huệ Tông phong tặng cho: hương A Cảo, Quỳnh Phụ, Thái Bình ngày nay). Rất mong được những ý kiến chỉ giáo của quý vị độc giả và các nhà nghiên cứu.
(Theo Đặng Hùng - Sách "Long Hưng, đất phát nghiệp Vương triều Trần)
TIÊU HUYỀN TREE
_________________
Đêm qua sân trước một nhành mai