Năm nào cũng vậy, cứ vào dịp tháng Giêng, tháng Hai âm lịch hàng năm là thành phố Tuyên Quang lại tưng bừng diễn ra các hoạt động lễ hội mừng xuân mới. Các hoạt động lễ hội văn hóa truyền thống gắn liền với những danh lam thắng cảnh, đền chùa nổi tiếng đã trở thành tâm điểm thu hút khách thập phương và để lại ấn tượng đẹp trong lòng du khách.
Đền mẫu Ỷ La
Thờ Mẫu là một sinh hoạt văn hoá tâm linh có từ lâu trong lịch sử và gắn bó mật thiết với người dân Tuyên Quang ở các di tích Đền Hạ, Đền Thượng, Đền Mẫu Ỷ La (thị xã Tuyên Quang), Đền Ngọc Hội (Chiêm Hoá), Đền Bắc Mục, Đền Thác Cái (Hàm Yên).
Theo sách Đại Nam nhất thống chí, Thần tích Đền Ỷ La và truyền thuyết dân gian đều kể lại: Xưa có hai nàng công chúa con vua Hùng là Phương Dung và Ngọc Lân, một hôm theo xa giá đến bên bờ sông Lô (thuộc thôn Hiệp Thuận) đỗ thuyền. Nửa đêm trời mưa to, gió lớn, hai nàng đều hoá, nhân dân trong vùng lấy làm linh dị bèn lập đền thờ… Đến triều vua Cảnh Hưng, ngày 29 tháng 6 năm Mậu Ngọ (1738) đền được xây dựng qui mô hơn. Tiếp đến, ngày 28 tháng 10 năm Đinh Hợi (1767), nhân dân lại xây thêm một ngôi đền nữa về bờ tả sông Lô, phía thượng nguồn, thuộc chân núi Dùm đặt tên là Đền Thượng. Đền Hiệp Thuận ở hạ lưu được gọi là Đền Hạ, thờ công chúa Phương Dung (người chị), Đền Thượng thờ công chúa Ngọc Lân (người em). Truyền thuyết cho hay, hai ngôi đền có nhiều linh ứng, nên từ xa xưa hai nàng được tôn làm Thánh Mẫu.
Triều vua nhà Nguyễn, nghe tin có một đảng loạn sắp tràn vào tỉnh lỵ, dân chúng đã vác tượng Mẫu chạy vào thôn Gốc Đa xã Ỷ La. Họ vừa kịp giấu pho tượng vào rừng cây thì quân giặc tới, nhưng chúng không phát hiện ra. Sáng hôm sau, thay vào chỗ bức tượng là một đống mối đùn lớn, dân làng cho là điềm báo ứng. Giặc tan, họ cùng nhau xây một ngôi đền mới thờ Thánh Mẫu ngay trên mảnh đất đó. Trong văn bia trùng tu Đền Hiệp Thuận năm Khải Định thứ năm (1920) cũng ghi lại nguồn gốc sự kiện này, ngoài ra cũng có đoạn viết: “Than ôi! Thần Mẫu linh thiêng cùng với tạo hóa, non sông nơi đây... Duy Thần Mẫu có công to với quốc dân xã tắc, linh thiêng chở che trăm họ, khiến dân được thuần phác, khiến ai ai khi đến đứng trước đền thờ phải cung kính, sợ sệt, khuyến khích người thiện, trừng phạt kẻ ác, chính là nhờ Thần ban cho vậy…”.
Sự hình thành Đền Mẫu Ỷ La và Đền Thượng đều bắt nguồn từ Đền Hiệp Thuận, cùng thờ Thánh Mẫu. Trong quan niệm dân gian, Đền Mẫu Ỷ La là nơi “lánh nạn” cho Thần (tỵ Thần), là nơi có địa thế linh thiêng chở che Thánh Mẫu, là nơi có khả năng bảo toàn cái Thiện, cho nên lễ hội Đền Thượng và Đền Hạ không tách rời Đền Mẫu Ỷ La. Hai vị Thánh Mẫu đều được thờ phụng ở 3 ngôi đền. Nhưng Đền Mẫu Ỷ La được chọn là nơi khởi kiệu, Đền Hạ là nơi hợp tế đều có những nguyên do lịch sử và tín ngưỡng dân gian.
Hàng năm, xuân thu nhị kỳ vào trung tuần tháng 2 và tháng 7 (âm lịch), lễ rước Kiệu Mẫu bắt đầu từ Đền Mẫu Ỷ La ra Đền Hạ, rồi tiếp đến lễ rước Kiệu Mẫu từ Đền Thượng qua sông về Đền Hạ để cùng hợp tế. Nghi thức uy nghi, có đầy đủ già trẻ gái trai và khách thập phương tham dự. Người rước Kiệu Mẫu phải là những nam thanh, nữ tú xứ Tuyên. Kèm theo lễ rước là múa lân, kết hợp dàn nhạc với lời ca. Những năm Đền được vua ban cấp sắc phong, nhân dân tổ chức lễ đón nhận long trọng, đông vui. Rước Mẫu là một sinh hoạt lễ hội lớn nhất từ xa xưa kéo dài đến thời gian đầu kháng chiến chống thực dân Pháp mới chấm dứt.
60 năm sau, năm 2006 lễ rước Mẫu lại trở về với xứ Tuyên trong niềm hân hoan của nhân dân. Đền Mẫu Ỷ La, Đền Hạ, Đền Thượng vừa là nơi bái vọng, vừa là nơi nhân dân góp sức làm từ thiện. Lễ hội Đền Hạ, Đền Thượng, Đền Mẫu Ỷ La tạo nên một không gian văn hóa độc đáo của xứ sở lâm tuyền. Song nghi thức lễ hội Đền Mẫu Ỷ La cũng có những nét riêng, ngoài việc thờ cúng Thánh Mẫu còn thờ cúng Thổ công, thờ Thành Hoàng Làng, tế các danh nhân và nạn nhân lịch sử ở địa phương, lễ cầu tự, cầu mưa... Chẳng hạn như lễ Giỗ Trận vào ngày 16 tháng Chạp hàng năm của nhân dân xã Ỷ La tưởng nhớ 86 người thiệt mạng trong một vụ thảm sát của giặc Cờ Đen ở thôn Đồng Khán cuối thế kỷ XIX. Ngoài lễ thờ Thánh Mẫu, người xưa cũng dành phần hương hoả cho hai ông họ Nguyễn có công sáng lập đền, đó là Nguyễn Thứ và Nguyễn Huy Côn.
Đền Mẫu Ỷ La còn để lại nhiều di sản vô giá. Trong đền hiện còn giữ được 2 quả chuông cổ và 16 tượng cũ, các đồ tế khí bằng đồng, sành sứ, các hoành phi câu đối, đề từ, sắc phong và thần phả. Nhưng đáng chú ý nhất là những di sản văn hóa phi vật thể. Đền còn lưu giữ được 6 bản sắc phong của 4 ông vua Triều Nguyễn như Đồng Khánh, Thành Thái, Duy Tân, Khải Định phong cho Đền Mẫu Ỷ La. Nội dung các sắc phong đều đề cao công đức của Thần đã giúp nước, trợ dân sống an lành hạnh phúc và ban tặng cho các Thần những Mỹ tự cao quí. Chẳng hạnsắcphong của vua Đồng Khánh năm 1887 là “Dực Bảo Trung Hưng”; sắc phong của vua Thành Thái năm 1890 là “Tề Thục Trung Đẳng Thần”; sắc phong vua Duy Tân năm 1909 là Hiệp Thuận Trinh Ý Minh Khiết Tĩnh Quyên Nhàn Uyển Trai Thục Dực Bảo Trung Hưng Phương Anh Phu nhân trung đẳng Thần; sắc phong của vua Khải Định năm 1923 là: “Linh Thuý Trung Đẳng Thần”. Các ông vua đều đồng lòng với dân, thờ phụng các Thần và mong các Thần phù trợ cho nước thái, dân an. Ngoài sắc phong trong đền còn có các đề từ và câu đối đẹp:
Đề từ trong đền là những đại tự mang ý nghĩa sâu xa, thi pháp điêu luyện. Chẳng hạn hai bức đại tự sau:
Bức thứ nhất: Dực Bảo Trung Hưng. Nghĩa: Bảo toàn vận nước.
Bức thứ hai: Mẫu nghi thiên hạ. Nghĩa: Mẫu uy nghi khắp thế gian.
Câu đối trong đền có những cặp từ ngữ đẹp, kết hợp vịnh cảnh và triết lý, tiêu biểu như hai câu đối sau:
Câu đối thứ nhất:
Địa La quảng khoát đức thịnh phong thanh dẫn nhập viễn hồi nguyên
Sâm Sơn Lô thuỷ chi gian chúc truyền càn khôn chung vượng khí.
Dịch nghĩa:
Đất rộng, đức cao gió lành đưa từ xavề chốn cũ
Núi Dùm, sông Lô thắp sáng đất trời đúc lên khí đẹp.
Câu đối thứ hai:
Á vũ âu phong Nam Thiên cầu thịnh hội
La Sơn Lô thuỷ thắng địa ngật linh từ.
Dịch nghĩa:
Trời Nam mưa á gió âu cầu thịnh vượng
Núi Là, sông Lô đất đẹp miếu cao thiêng.
Lễ hội Đền Mẫu Ỷ La hiện nay là sự kế thừa lễ hội cổ truyền, mang đến những hình ảnh tươi đẹp về cuộc sống ấm no, hạnh phúc, một địa điểm sinh hoạt văn hóa tâm linh, giàu bản sắc dân tộc trên quê hương Tuyên Quang.
Đền Cấm
Nằm cách thị xã Tuyên Quang 4km, đền Cấm thuộc xóm 16, xã Tràng Đà (TXTQ), nổi tiếng là linh thiêng, cảnh đẹp sơn thuỷ hữu tình.
Đền Cấm được xây dựng trên lưng chừng núi Cấm Sơn, thờ phụng Thánh Mẫu thượng ngàn. Núi Cấm Sơn là một đỉnh núi trong dải non ngàn trùng điệp chạy mãi qua Tân Long, Ba Xứ, trên cao có Cổng trời là một thắng cảnh đẹp được nhiều du khách biết đến. Cạnh đền một dải nước len lỏi qua những triền đá dốc. Trong đền có một chiếc giếng nhỏ gọi là giếng Cô không bao giờ cạn. Truyền tụng, ai uống nước giếng Cô thì sẽ luôn khoẻ mạnh. Gian giữa đền Cấm đặt tượng Bà chúa Thượng ngàn gọi là Lâm Cung Thánh Mẫu, phía trước có hai trụ biểu. Phía trên án thờ treo bức Đại tự Linh Lâm miếu bằng gỗ. Tiếp đến là bức cuốn thư với ba chữ “Tối linh từ” (Đền rất linh thiêng). Bức cuốn thư là một tác phẩm điêu khắc gỗ với kỹ thuật chạm nổi, chạm thủng khá tinh xảo. Trước án đặt hai bức tượng ở thế đứng, kích thước như người thực, mặc võ phục, tay cầm kiếm. Đó là tượng Khuyến thiện và Trừ ác. Hai vị đứng đó như khuyên bảo khách thập phương hãy vứt bỏ tà tâm, giữ lòng thanh bạch trước khi bước vào cõi linh thiêng.
Ông Phạm Ngọc Thiệm, Tổ trưởng tổ quản lý đền Cấm cho biết: khách đến đền đông nhất là mùa lễ hội sau tết Nguyên đán cho đến hết 10-4 âm lịch. Từ đầu năm đến nay đã có hơn 14.000 lượt khách đến tham quan, tế lễ. Ông Lại Bá Thảo, người có 20 năm bán hàng phục vụ du khách tại đền Cấm cho biết, khách đến đây không chỉ chiêm ngưỡng, ngắm cảnh đền với dải núi non trùng điệp mà còn rất thích mua những sản vật của địa phương như: mật ong rừng, măng khô, nấm hương, phấn hoa, gà chọi, gà mèo, gà tre, lợn lửng, cua đá, cơm lam, gạo nương; các loại rượu thuốc ngâm rễ mật gấu, sâm cau, sâm cò khỉ, tầm gửi nghiến, bánh củ chuối rừng. Bánh củ chuối rừng được làm từ tinh bột củ chuối rừng chộn thêm bột gạo nếp. Nhân bánh có đỗ xanh, cùi dừa nạo, thêm một ít thịt mỡ luộc tẩm đường phơi khô. Ăn bánh có vị chua, ngọt, thơm của chuối rừng, ngậy bùi của nhân bánh. Vì thế được rất nhiều du khách ưa thích. Khu dịch vụ đền Cấm vào mùa lễ hội tạo việc làm cho hơn 100 lao động, thu nhập bình quân 3 triệu đồng/người/tháng. Năm 2007 di tích đền Cấm được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh. Anh Đoàn Minh Tuyển, Bí thư Đảng uỷ xã Tràng Đà cho biết, hiện UBND thị xã đã có quyết định trùng tu lại ngôi đền này, dự kiến cuối năm 2010 hoàn thành đưa vào phục vụ du khách._______________
Người hạnh phúc nhất không nhất thiết là người có được những điều tốt đẹp nhất, mà là người biết chấp nhận và sống một cách tốt đẹp nhất với những gì mà mình có được. .
Đền Thượng
Đền Thượng (xã Tràng Đà, thị xã Tuyên Quang), thờ Ngọc Lân Công chúa mà dân gian vẫn thường gọi với lòng thành kính là Mẫu Thoải. Đền tọa lạc trên thế “Gối sơn nghênh thuỷ”, trước đền là sông Lô hùng vĩ, sau đền là núi Dùm.
Đền Thượng được xây dựng vào thời hậu Lê. Trải qua thời gian mưa nắng, ngôi đền bị hư hỏng, được trùng tu lại nhiều lần. Hiện nay phần kiến trúc cơ bản, những bức trạm trổ, đường nét hoa văn, hiện vật... còn giữ lại được tại đền đều thuộc thời Nguyễn.
Đền Thượng còn lưu giữ được 5 đạo sắc của các triều vua phong tặng cho thần. Hiện vật cổ nhất còn giữ được là sắc phong của vua Cảnh Hưng năm thứ 4 (1743). Nội dung các sắc phong của vua ban vừa mang dấu ấn lịch sử vừa mang tính chất văn chương, ca ngợi phẩm chất cao quý và sức mạnh linh thiêng của các nương thần phù trợ cho nước, cho dân. Văn bia và sử sách còn ghi rõ: Trong cuộc đánh dẹp khởi nghĩa của Nùng Văn Vân, Tổng đốc Lê Văn Đức đã làm lễ cầu đảo ở đền Thượng và đền Hạ. Dẹp loạn xong, nhà vua ban cấp sắc phong cho hai ngôi đền và dùng những mỹ từ cao quý nhất phong tặng cho các nương thần.
Đền Thượng nổi tiếng linh thiêng, quanh năm không chỉ người dân vùng Tuyên Quang đến lễ bái, cầu xin phúc lộc, mà khách từ bốn phương cũng về đây đông như chảy hội, nhất là vào những kỳ lễ hội chính 12-2 và 12-7 âm lịch hằng năm. Bà Nguyễn Thị Hoà, tổ trưởng tổ quản lý đền Thượng cho biết: Đền Thượng là một trong ba ngôi đền nổi tiếng linh thiêng của thị xã Tuyên Quang. Hàng năm, đền thu hút rất đông khách đến tham quan, vãn cảnh. Năm 2007, đền Thượng đã đón 41.812 lượt khách. Các hiện vật do khách thập phương đến công đức từ đầu năm đến nay trị giá 74 triệu đồng, bao gồm: ngựa gỗ, hạc gỗ, giá vàng...
Tục rước Mẫu của người dân thị xã Tuyên Quang đã có từ lâu đời. Vàongày 12-2 và 12-7 âm lịch hằng năm, lễ rước bắt đầu từ đền Ỷ La ra đền Hạ rồi từ đền Thượng về đền Hạ. Đây là lễ hội lớn nhất trong năm của người dân thị xã Tuyên Quang. Đến thời gian kháng chiến chống thực dân Pháp, do loạn lạc, tục rước Mẫu đã bị lãng quên. 2 năm gần đây, đáp ứng nhu cầu tâm linh của người dân, đồng thời khai thác tiềm năng, thế mạnh phát triển kinh tế - xã hội địa phương, UBND thị xã Tuyên Quang đã khôi phục tổ chức lễ hội đền Hạ, rước Mẫu từ đền Thượng về đền Hạ vào ngày 12-2 âm lịch. Trong những ngày diễn ra lễ hội, người dân địa phương tổ chức nhiều hoạt động văn hoá, văn nghệ, trò chơi dân gian như: Chọi gà, kéo co, cờ tướng, hát chầu văn...
Đền Hạ
Một di tích kiến trúc tín ngưỡng nghệ thuật cổ ở Tuyên Quang, Đền Hạ (hay còn gọi là Đền Tam cờ) thuộc tổ 4, phường Tân Quang, thị xã Tuyên Quang được xây dựng vào năm 1738 và được trùng tu lần thứ nhất tháng 6 năm Mậu Ngọ (1878). Đền Hạ thuộc loại hình kiến trúc tín ngưỡng, nghệ thuật cổ. Đền được nhân dân lập nên để thờ mẫu thần. Theo truyền thuyết là thờ Ngọc Hoa công chúa. Phong thuỷ của Đền Hạ không phải ở đâu cũng có được, kế sát trước mặt là dòng sông Lô lịch sử, xa xa phía sau là núi Là làm thế tựa.
Đền Hạ (hay còn gọi là Đền Tam cờ) thuộc tổ 4, phường Tân Quang, thị xã Tuyên Quang được xây dựng vào năm 1738 và được trùng tu lần thứ nhất tháng 6 năm Mậu Ngọ (1878). Đền Hạ thuộc loại hình kiến trúc tín ngưỡng, nghệ thuật cổ. Đền được nhân dân lập nên để thờ mẫu thần. Theo truyền thuyết là thờ Ngọc Hoa công chúa. Phong thuỷ của Đền Hạ không phải ở đâu cũng có được, kế sát trước mặt là dòng sông Lô lịch sử, xa xa phía sau là núi Là làm thế tựa. Vị trí này được miêu tả trong câu đối ở đền:
“Lô Giang tại kỳ tiền
La Sơn tại kỳ hậu
Nguy nga thiên cổ miếu
Quốc tộ tại dân tâm"
Tạm dịch là: Sông Lô ở trước mặt, núi Là ở sau lưng, Đền ở vị trí đẹp đẽ tồn tại hàng nghìn năm, Vận nước ở lòng dân.
Trải qua các thời kỳ, Đền có nhiều tên gọi khác nhau. Đời Lý gọi là đền Tam Kỳ. Đời Trần có tên là đền Hiệp Thuận. Lúc đó đền thuộc thôn Hiệp Thuận, xã Ỷ La, huyện Hàm Yên. Đến Hậu Lê mới có tên là Đền Hạ như ngày nay.
Truyền thuyết kể rằng: đền hạ thờ hai công chúa là Ngọc Lan và Phương Dung. (Ngọc Lan còn có tên là Mai Hoa, Phương Dung còn có tên là Quỳnh Hoa). Theo truyền thuyế:, Hai công chúa theo xa giá nhà Vua đi kinh lý. Thuyền đỗ ở bờ sông Lô, đêm đến trời bỗng nổi cơn mưa to, gió lớn, hai công chúa bay về trời. Sau nhân dân lấy nơi thuyền đỗ để dựng đền thờ phụng.
Trong lần trùng tu xây dựng năm 1878, Đền có kiến trúc theo lối Nội công Ngoại quốc, hướng chính Đông nhìn thẳng ra sông Lô. Trước sân chầu là hệ thống cổng phụ có bốn trụ. Trên mỗi đỉnh trụ gắn một con phượng đắp nổi. Cạnh sân chầu là hai miếu còn gọi là Lầu cô. Tiếp đến là Lầu tế, thờ Đệ nhị thượng ngàn. Rồi đến Tam phủ thờ Đệ nhất thượng ngàn. Gian chính bố trí hình chữ tam (≡) gồm ba cung. (Trong cung, trên bệ thờ đặt một bộ đỉnh, cạnh bệ thờ treo chuông, khánh).
Nghệ thuật kiến trúc nổi bật của Đền Hạ là ở phần chạm khắc gỗ. Tất cả cột, kèo, thượng lương, cửa võng, cửa xiếp đều được chạm trổ tinh xảo. Đề tài chính là tứ linh {Long, Ly, Quy, Phượng}, tứ quý {Tùng, Cúc, Trúc, Mai}. Trên thân cột chạm hình Long Giáng thuỷ cung. Đặc biệt những hình cây, hoa đục rỗng trên cửa võng mềm mại như tranh vẽ.
Giá trị nghệ thuật của các tượng thờ cũng rất đáng chú ý. Gương mặt các pho Bà chúa thượng ngàn toát lên vẻ thanh tao. Các tư thế của tay, các nếp khăn áo, các hình trang trí trên đồ thờ như: chuông, khánh, đỉnh… đều được bàn tay khéo léo của người thợ thể hiện rất sinh động như một tác phẩm điêu khắc có giá trị. Đền Hạ đã được Nhà nước xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia.
Trong thời kỳ tiền khởi nghĩa (trước cách mạng tháng 8/1945) và trong kháng chiến chống thực dân pháp xâm lược (từ tháng 8/1945 đến tháng 5/1954). Đền Hạ đã diễn ra nhiều sự kiện cách mạng quan trọng. Chính nơi đây các chiến sỹ cách mạng đã hoạt động bí mật và tập kết lực lượng để tiến vào đánh Nhật tại thị xã Tuyên Quang, rồi tiếp nhận vũ khí chuyển về Châu Tự do, góp phần thực hiện công cuộc kháng Nhật cứu nước của dân tộc. Năm 1946, hưởng ứng lời kêu gọi Tuần lễ vàng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân các dân tộc thị xã Tuyên Quang lại hăng hái tham gia đóng góp tiền, vàng cho cách mạng. Đền Hạ lại là một trong những địa điểm ghi nhận sự đóng góp của nhân dân. Từ đây hàng trăm lượng vàng do nhân dân quyên góp, ủng hộ đã được chuyển ra cho chính quyền cách mạng, góp một phần giải quyết những khó khăn trong cuộc kháng chiến kiến quốc gian khổ của dân tộc.
“…Bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá Đền Hạ”
Trước đây, hàng năm vào tháng 2 và tháng 7 âm lịch, nhân dân thị xã Tuyên Quang long trọng tổ chức Lễ hội Đền Hạ để thành kính tưởng nhớ đến những người có công với nước. Trải qua những năm tháng chiến tranh và do những nguyên nhân chủ quan khác, Lễ hội Đền Hạ bị lãng quên, các hoạt động văn hoá đặc sắc của ngôi đền dần dần bị mai một, một số nét sinh hoạt văn hoá bị thất truyền. Ngày nay khi kinh tế - xã hội phát triển, đời sống và dân trí của nhân dân được nâng cao, sinh hoạt văn hoá trở thành nhu cầu không thể thiếu trong đời sống tinh thần của nhân dân các dân tộc ở Tuyên Quang. Từ nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân, lễ hội Đền Hạ đã được bảo tồn, khôi phục và phát huy.
Ngày 30 tháng 3 năm 2007 (tức ngày 12 tháng 2 âm lịch), Lễ hội Đền Hạ đã chính thức được khôi phục, với 2 phần: Phần lễ, bao gồm lễ rước kiệu Mẫu từ đền Mẫu Ỷ La về Đền Hạ; lễ rước kiệu Mẫu từ Đền Thượng về Đền Hạ và tổ chức Lễ tế tại Đền Hạ. Phần hội, tổ chức các trò chơi dân gian, các hoạt động văn hoá - văn nghệ sôi nổi, phong phú, lôi cuốn sự tham gia của đông đảo người dân thị xã Tuyên Quang và du khách thập phương.
Đền Cảnh Xanh - Ngôi đền độc đáo nhất xứ Tuyên
Đó là lời khen tặng của những du khách các tỉnh, thành phố dành cho ngôi đền Cảnh Xanh (hay còn gọi là đền Cây Xanh), phường Minh Xuân (thị xã Tuyên Quang).
Đền ngự trong khuôn viên khoảng 600 m2, lưng tựa vào núi, xa xa sơn thuỷ uốn khúc, long hổ ôm quanh, hồ lớn trước mặt. Kiến trúc độc đáo của ngôi đền được tạo nên bởi lớp lớp cây xanh, cành lá xum xuê, rễ buông như xà long uốn khúc. Kỳ lạ là những chiếc lá của hàng cây bốn mùa đều non tơ, xanh thẫm. Người dân trong vùng kể lại: "Ban ngày đố ai nhìn thấy chiếc lá vàng rơi rụng dưới thềm sân, hoạ chăng chỉ có về đêm...".
Theo truyền thuyết, thời Hùng Vương thứ 18, Tản Viên Sơn Thánh (con rể Hùng Vương) có một người con gái thông minh, xinh đẹp, văn võ toàn tài, huý là La Bình hay còn gọi là Cô Bé. Cô đi đến đâu, mưa tạnh, rét ngừng, muông thú ùa đến giao duyên làm bạn. Vua đã phong hiệu cho nàng là "Thượng ngàn công chúa cai quản các cõi rừng của Nam Giao". Từ đó, Cô Bé trở thành bà chúa của rừng xanh. Một hôm, Thượng Ngàn công chúa hạ giá se mây thăm thú đại ngàn. Từ trên trời cao, nàng nhìn xuống Lô giang, dòng sông khúc quanh khúc lượn, ghềnh đá chênh vênh, trăng gác đầu non hắt hiu ánh vàng trải xuống dòng sông mềm như dải lụa. Thấy phong cảnh hữu tình, nàng hạ giá nghỉ lại nơi đây. Đêm ấy, người dân trong làng đều mộng thấy có một thần nữ dung nhan ngời ngợi, đầu đội mũ xanh, thắt lưng xanh, khoác áo choàng xanh lộng lẫy giáng ngự bên hồ, muông thú khắp nơi kéo về mở hội xao động cả vùng sơn cước. Sáng ra, ai cũng kể lại giấc mộng đêm qua, rồi cùng nhau đến nơi xem xét. Lạ thay, nơi đây chỉ còn lại một cây xanh, thân rễ đan xen, cành lá rủ xuống giống như động tiên thiên hình vạn trạng. Thấy sự kỳ lạ, mọi người mang hương hoa đến vái lạy, rồi lập một am nhỏ tại gốc cây để tuần rằm nhang khói. Thời gian trôi đi, cây xanh đã phủ kín am thiêng, thấy không tiện cho việc thờ phụng lâu dài, người dân trong vùng đã dâng lễ xin Bà chúa Thượng ngàn cho lập đền thờ trong khu vực cây xanh như hiện nay...
Đền Cảnh Xanh được dựng theo hình chữ Đinh, gồm toà tiền đường và hậu cung, mái được đắp nổi rồng chầu mặt nguyệt với bốn đầu đao cong vút cánh điệu. Trong đền hiện còn lưu giữ một số hiện vật có giá trị, như quả chuông đồng cổ, 3 bức đại tự bằng chữ Hán và 5 đạo sắc thời Nguyễn. Lễ chính đền vào ngày 18 tháng Giêng âm lịch; ngày mùng 3 tháng Tư lễ vào hè; ngày 3 tháng Bảy lễ ra hè; ngày 20 tháng Tám giỗ Đức Thánh Trần; ngày 10 tháng Chạp lễ tất niên.
Ông Nguyễn Đình Khược, Trưởng đền Cảnh Xanh cho biết: Từ đêm giao thừa Mậu Tý đến nay, nhà đền đã đón hơn 7.000 lượt khách tham quan, đông gấp rưỡi năm trước. Ngoài bà con trong tỉnh, còn có rất đông du khách từ Hà Nội, Hải Phòng và cả những đoàn khách từ miền Nam ra ghé thăm. Hiện nay, nhà đền đang huy động công đức của du khách thập phương để xây dựng đền thờ Đức Thánh Trần, xây dựng cả khu nhà ăn, nghỉ của đền nhằm phục vụ nhu cầu tham quan du lịch tâm linh của đồng bào mọi miền Tổ quốc.
Đền Minh Lương
Đền Minh Lương thuộc địa phận xã Lang Quán (Yên Sơn), cách thị xã Tuyên Quang 11 km theo đường Tuyên Quang -Hà Giang. Ngôi đền toạ lạc trên một quả đồi, ba phía được bao bọc bởi 2 dòng suối có tên gọi là ngòi Lịch và ngòi Cơi. Hai dòng suối trong, mát này giao nhau trước cửa đền, chảy qua cầu Cơi ở km 10 rồi hoà vào sông Lô.
Truyền thuyết kể rằng, vào thời nhà Trần (thế kỷ XV), ở tổng Minh Lương, thuộc xã Lang Quán ngày nay có hai vợ chồng, ông chồng là người Dao, bà vợ là người Mường tuổi đã cao mà chưa có con. Ngày ngày ông bà ra ngòi Lịch xúc tôm tép sống lần hồi. Một hôm, ông ở nhà, bà đi xúc tép như mọi ngày, nhưng xúc mãi không được con gì mà chỉ được hai quả trứng lạ. Bực mình, bà xuống hạ nguồn rồi lên tận thượng nguồn ngòi Lịch xúc vẫn chỉ được hai quả trứng ấy. Bà đành mang về thả vào chum nước dưới cầu thang. Ít lâu sau, bà mang thai và sinh ra một cô bé bụ bẫm, đặt tên là Minh Lương. Cùng lúc đó, hai quả trứng thả trong chum nước dưới cầu thang nở ra hai con rắn. Hai con rắn và cô bé Minh Lương cùng lớn lên, quấn quýt làm bạn với nhau.
Một buổi chiều, ông bà đi làm về và nhìn thấy hai con rắn quấn chết cô bé. Sẵn con dao rựa đeo bên người, ông tức giận rút dao vừa chém, vừa nói “Mày hại tao à”. Hai con rắn sợ quá chạy trốn, nhưng một con chậm hơn đã bị chém đứt đuôi. Ông đuổi hai con rắn và nói: “Cụt đi hang Mang, Khoang đi hang Đồng”.
Ông bà xót thương cô bé, không nỡ chôn, nên đặt cô nằm ở trên sàn. Đến sáng đã thấy mối đùn lên đắp mộ cho cô bé. Dân làng thấy vậy đều cho là cô đã linh hoá nên lập miếu thờ. Thời kỳ giặc Cờ đen, cô bé Minh Lương đã hiển linh giúp quan quân triều đình thoát khỏi rừng rậm, sau đó dũng mãnh dẹp sạch giặc Cờ đen. Sau đó Cô còn hiển linh bốc thuốc, giúp dân chữa bệnh thoát cơn hiểm nghèo
Trải qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo, đền Minh Lương nay đã khang trang, bề thế, gồm các ban thờ Cô bé, thờ Phật, thờ Đức thánh Trần. Sân đền gồm hệ thống lầu cô, lầu cậu, quan sơn thần, chân nhang bản mệnh, mẫu cửu thiên; cạnh đền có hai gian nhà sắm lễ. Xung quanh đền được bao bọc bởi rất nhiều cây xanh. Ngay trước cửa đền có hai cây thiên tuế, một cây đực, một cây cái. Điều đặc biệt là cây cái mọc lên 8 nhánh và có nhánh phụ trông giống hệt bàn tay vái thiên. Một lần, các bô lão ở làng hoa Ngọc Hà (Hà Nội) lên thăm đền đã xác định tuổi thọ cây đã trên 500 năm và khẳng định, đây là cây thiên tuế độc nhất vô nhị. Dân làng xung quanh không ai dựng nhà cửa xung quanh gò đồi. Có thơ rằng “Đền Cô riêng một quả đồi/ Gió lùa hiu hắt mây trôi lững lờ”…
Lễ chính đền vào các ngày mùng 10 tháng Giêng; mùng 4 tháng Tư; 24 tháng Sáu; mùng 10 tháng Chạp âm lịch.
Hiện nay, ở gần cầu Bợ còn hai hang động là hang Mang và hang Đồng. Dân chài đến gần hai hang đều thắp hương cầu khấn hai ông sà phù hộ cho thuyền được thuận buồm xuôi gió.
Còn ở đền Minh Lương thì không lúc nào ngớt khách đến tham quan, cầu nguyện. Bà Lộc Thị Nguộc, 69 tuổi, thủ nhang đền gần chục năm nay cho biết: Đền thờ cô mỗi năm một đông khách đến lễ hơn. Từ tết Nguyên đán Mậu Tý đến nay, đền đã đón gần 10 nghìn khách tham quan, du lịch tâm linh. Hiện nay, đền Minh Lương nằm giữa một quần thể du lịch tâm linh của xã Thắng Quân, gồm đền Lương Quán và Đầm Mây (nơi có lễ hội Đầm Mây nổi tiếng của huyện Yên Sơn). Cách quần thể du lịch tâm linh không xa là những ngôi làng nhỏ của đồng bào dân tộc Dao, Tày luôn hết lòng với khách, tạo nên một tua du lịch văn hoá, tâm linh hấp dẫn.
Đền Đôi Cô
Đền Đôi Cô, thuộc phường Nông Tiến (thị xã Tuyên Quang) thờ phụng và ngưỡng vọng cô đôi Thượng Ngàn và cô bơ Thoải Cung (con của Mẫu Thượng Ngàn và Mẫu Thoải Cung).
Đền được dựng trên một gò đất cao bên dòng sông Lô. Bên phải đền là cầu Nông Tiến bắc qua sông Lô. Trước đây đền chỉ có một cung nhỏ rộng chừng 10m² và rất ít người biết đến. Năm 1990, bà Quân Thị Hoa, tổ 10, phường Nông Tiến đã xin phép tu sửa và mở rộng ngôi đền. Toàn bộ kinh phí xây dựng đền là tiền công đức của khách thập phương. Anh Nguyễn Nam Sơn, chủ khách sạn Nam Hải (Hà Nội) đã công đức 70 triệu đồng tu sửa đền Đôi Cô.
Đền hiện có 3 gian, ứng với 3 cung. Cung chính thờ Tam tòa Thánh Mẫu và Đôi Cô. Bộ tượng Tam tòa Thánh Mẫu được đặt trong khám thờ bằng gỗ sơn son thếp vàng. Khám thờ chính giữa đặt linh tượng Mẫu Thượng Thiên - là vị Mẫu cao nhất trong Tam tòa Thánh Mẫu, cũng là nơi cao nhất trong di tích. Khám thờ bên phải là Mẫu Thoải và khám thờ bên trái là Mẫu Thượng Ngàn. Bộ tượng Đôi Cô được đặt trong khám thờ bằng gỗ sơn son thếp vàng, ngay bên dưới khám thờ Tam tòa Thánh Mẫu. Cung bên trái thờ Bà Chúa Sơn trang. Theo truyền thuyết dân gian thì sắc đẹp và đức tài của Bà Chúa Sơn trang được Thượng đế phong cho là Nữ chúa rừng xanh. Trong kháng chiến chống giặc ngoại xâm, Bà Chúa Sơn trang đã giúp triều Lý, Trần đánh thắng giặc, bảo vệ bờ cõi. Từ đó, nhân dân khắp nơi đã lập nhiều miếu, đình, đền thờ phụng Bà. Cung bên phải thờ đức Thánh Trần - Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, người hai lần có công lớn trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên - Mông.
Ngoài ngôi đền chính ra, đền Đôi Cô còn có các đơn nguyên kiến trúc khác như am thờ Sơn thần (thần núi) và am thờ các cô. Quan Sơn thần là người trông coi vùng núi quanh khu vực đền, ngài được coi là thổ công của đền. Lầu thờ các cô là ba vị cô nương: Cô Chín, cô Bơ, cô Bảy. Ba cô là thị tỳ của Thánh Mẫu.
Trong năm, đền Đôi Cô có các ngày Lễ: Lễ Thượng nguyên (10-1 âm lịch) là ngày lễ giải hạn cho nhân dân, đồng thời cũng là ngày làm lễ xuống đồng, bắt đầu một mùa màng mới. Hội Phủ Giầy (2-3 âm lịch) là lễ rước Mẫu; Lễ vào hè (4-4 âm lịch); Lễ ra hè, nhập thu (24-6 âm lịch); Lễ tất niên (10-12 âm lịch); Lễ cầu mưa (từ 8-4 đến 10-4 âm lịch) là ngày lễ cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi. Lễ hội đền Đôi Cô đã trở thành nét đẹp văn hóa tâm linh của người dân phường Nông Tiến nói riêng và thị xã Tuyên Quang nói chung, thu hút sự tham gia của khách thập phương.
Đền Kiếp Bạc
Đền Kiếp Bạc, tổ 4, phường Tân Quang, nằm ở trung tâm thị xã Tuyên Quang, sát bờ sông Lô. Ở thế địa linh, đầu tựa sơn, chân đạp thuỷ, phong cảnh thiên nhiên hữu tình đã tạo cho ngôi đền có một vẻ đẹp thanh tao thoát tục.
Đền Kiếp Bạc từ lâu được du khách thập phương biết đến không chỉ với kiến trúc, khuôn viên đẹp, còn bởi những giá trị văn hoá, lịch sử ẩn chứa. Đền xây dựng vào cuối thế kỷ XIX, thờ phụng Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn, người anh hùng dân tộc chống giặc ngoại xâm Nguyên - Mông.
Đền Kiếp Bạc được xây dựng theo thuyết phong thuỷ “Tiền minh đường, hữu hậu chẩm”, lấy dòng sông Lô làm tiền minh đường là nơi tụ thuỷ, tụ phúc, để mong được làm ăn phát đạt có cuộc sống bình an, dân khang, vật thịnh. Lấy ngọn La Sơn làm hậu chẩm tạo thành một thế vững chắc để trường tồn qua thời gian. Trải qua hơn một thế kỷ tồn tại, với biết bao thăng trầm biến thiên của lịch sử, đến nay kiến trúc khởi nguyên của ngôi đền đã có nhiều thay đổi. Ban đầu, đền có cấu trúc hình chữ đinh gồm có toà Tiền Đường và toà Hậu Cung, xung quanh có tường chịu lực kiểu tường hồi bít đốc tay ngai, mái lợp ngói mũi vẩy hến. Kiến trúc của toà Tiền Đường có hệ thống tường chịu lực xung quanh, các vì kèo liên kết với nhau bằng hệ thống xà thượng và xà hạ được ăn mộng với các cột cái. Toà Hậu Cung là vị trí trung tâm của đền Kiếp Bạc, là nơi đặt điện thờ Đức Thánh Trần. Hiện nay, đền còn lưu giữ được một số di vật có giá trị như: 2 quả chuông đồng, 13 pho tượng thờ, 4 đạo sắc phong của các triều vua Minh Mệnh thứ 2, Thiệu Trị thứ 4, Tự Đức thứ 3, Khải Định thứ 9, cùng với 2 bức hoành phi, 2 đôi chân đèn, câu đối, bộ đồ bát bửu...
Năm 2007, cùng với việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và nhu cầu hưởng thụ về hoạt động văn hoá tâm linh của nhân dân địa phương, đền Kiếp Bạc được nhân dân thị xã Tuyên Quang cùng du khách thập phương công tâm, trùng tu, tôn tạo. Bức tranh tường thời Trần nằm trong khuôn viên đền, cao 1,5m, mô tả sống động hào khí của quân dân nước Đại Việt 3 lần chiến thắng quân Nguyên - Mông, dưới sự chỉ huy của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn. Với ý nghĩa về lịch sử, văn hoá và nghệ thuật kiến trúc, đền Kiếp Bạc được coi là một trong những công trình văn hoá tiêu biểu trên địa bàn thị xã Tuyên Quang. Đền Kiếp Bạc đã trở thành điểm thu hút du khách thập phương đến tham quan, cầu phúc, cầu tài và thành kính nhớ tới công lao của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn đã bảo vệ bờ cõi khỏi giặc ngoại xâm góp phần giáo dục truyền thống dân tộc cho thế hệ trẻ, đồng thời là điểm đến lý tưởng cho du khách gần xa đến vãn cảnh.
Đền Đồng Xuân
Liễu Hạnh, là vị đứng trong Tam toà thánh mẫu của đạo mẫu Việt Nam. Đền Đồng Xuân được xây dựng theo thuyết phong thuỷ “Tiền minh đường, hữu hậu chẩm”, là nơi tụ thuỷ tụ phúc, thể hiện mong muốn của người dân được làm ăn phát đạt, cuộc sống bình yên, dân khang, vật thịnh. Đền lấy núi Cố làm hậu chẩm. Đền ở thế đất cao, cây cối tươi tốt, là nơi đất lành, muôn vật tụ về, vùng đất thiêng nơi các đấng thần linh ngự trị. Đền được dựng trên thế đất địa linh, đầu tựa sơn, chân đạp thuỷ, phong cảnh thiên nhiên hữu tình, tạo cho ngôi đền có vẻ đẹp thanh tao. Đền Đồng Xuân là sự gắn kết giữa cảnh quan thiên nhiên với bàn tay khéo léo và tài trí của con người.
Đền có kiến trúc hình chữ “Đinh", gồm toà Tiền đường và toà Thượng điện, phía ngoài là cổng tam quan hay còn gọi là nghi môn. Theo quan niệm, đó là ba lối nhìn để đi vào thế giới của các đấng thần linh. Cổng nghi môn đền Đồng Xuân được xây dựng bằng vật liệu bền vững theo kiểu kiến trúc thời Nguyễn. Toà Tiền đường của đền là công trình kiến trúc ba gian, kiểu tường hồi bít đốc, mái lợp ngói mũi hài, trên bờ nóc đắp nổi hình đôi rồng chầu mặt trời. Kiến trúc của toà Tiền đường khá đơn giản, các cấu kiện được bào trơn, đóng bén. Toà Thượng điện là nơi đặt ban thờ thánh Mẫu Thượng Thiên cùng bộ Tam toà Thánh Mẫu của đạo thờ mẫu Việt Nam.
Qua nhiều giai đoạn lịch sử, đền Đồng Xuân vẫn tồn tại với thời gian trong niềm ngưỡng vọng của nhân dân thị xã Tuyên Quang. Người dân quan niệm rằng, vào đền cầu thánh là nét đẹp riêng đặc trưng của văn hoá Việt Nam, mang lại cho con người những giây phút thanh nhàn, hướng con người tới chân, thiện, mỹ. Ngôi đền gắn bó với lịch sử vùng đất Tuyên Quang, là nơi sinh hoạt văn hoá tinh thần của người dân thành Tuyên. Những giá trị vật chất và văn hoá tinh thần ẩn chứa trong ngôi đền, giúp cho những nhà nghiên cứu kiến trúc nghệ thuật và nhiều ngành nghiên cứu khác có thêm những cơ sở dữ liệu để tìm hiểu văn hoá, vùng đất, con người nơi đây.
Đáp ứng nhu cầu thờ cúng của người dân địa phương, trong các ngày rằm, mùng một, ngày lễ, tết, UBND phường Minh Xuân đã thành lập tổ quản lý di tích đền Đồng Xuân, xây dựng quy chế hoạt động, tổ chức trông coi, bảo quản, nhằm gìn giữ, bảo tồn các giá trị của di tích, đồng thời hướng dẫn nhân dân và du khách thập phương đến tham quan vãn cảnh đền.
Ngày 19-11-2007 UBND tỉnh Tuyên Quang đã ra Quyết định xếp hạng di tích đền Đồng Xuân là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh.
ĐÊN PAC TA
Hiện nay, ngay tại chân núi Pác Tạ vẫn còn dấu tích một ngôi đền. Cũng như bao ngôi đền khác ở làng xã Việt Nam tên đền thường lấy theo tên địa danh, và đền Pác Tạ cũng vậy. Ngôi đền được dựng lên để thờ phụng và ngưỡng vọng vị hôn thê của tướng quân Trần Nhật Duật. “Pác Tạ - nghĩa là cửa sông, cửa ngòi” bởi nơi đây chính là điểm hợp lưu giữa hai dòng sông: sông Gâm và sông Năng.
Truyền thuyết kể lại rằng: “Trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ 2 vào năm 1285, vị tướng giỏi Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật lúc đó đang trấn thủ vùng đất Tuyên Quang đã đem lòng ái mộ người con gái một viên tù trưởng địa phương. Cô thiếu nữ miền sơn cước tài mạo, xinh đẹp, tính tình hiền thục lại xuất thân trong một gia đình có truyền thống hiếu học. Sau khi đánh đuổi quân xâm lược Nguyên Mông, triều đình đứng ra tổ chức hôn lễ cho tướng quân với ái nữ xứ Tuyên. Trên đường đón vị hôn thê của tướng quân về kinh đô, gặp cơn lốc xoáy dữ khiến thuyền bị lật. Người vợ trẻ của tướng quân Trần Nhật Duật và cả đoàn tuỳ tùng bị chìm dưới lòng sông. Đã mấy ngày trôi qua mà thân xác bà vẫn chưa tìm thấy. Cảm thương trước tình cảnh đó, triều đình đã ra lệnh cho toàn dân đôi bờ sông tổ chức tìm vớt thi thể bà và trọng thưởng cho ai tìm thấy. Mấy ngày sau, có người trong dòng họ Ma đã vớt được thi thể bà. Để tưởng nhớ người vợ trẻ của Chiêu Văn Vương - Trần Nhật Duật, những người dân địa phương đã lập đền thờ ngay tại nơi bà quy thác. Và từ đó, dòng họ Ma được quyền chăm lo hương khói cửa đền”.
Đền Pác Tạ nằm ở địa thế cao, bằng phẳng dưới chân núi Tạ Sơn huyền sử, là điểm hợp lưu giữa sông Gâm và sông Năng tạo nên một cảnh sắc “Sơn thuỷ hữu tình”. Đền được người xưa dựng quay hướng Nam trông ra dòng Gâm giang theo thuyết phong thuỷ “Tiền minh đường hữu hậu chẩm- nghĩa là phía trước có dải đất cao làm bình phong, xung quanh có dòng nước bao bọc, phía sau có ngọn núi Tạ sơn làm hậu chẩm”. Ở thế đất địa linh “Sơn kỳ thuỷ tú” đó là sự kết hợp đồng điệu giữa cảnh sắc thiên nhiên với nhịp sống con người vùng sơn cước. Tất cả toát lên một vẻ đẹp thanh tao thoát tục.
Khởi nguyên, đền Pác Tạ nằm trên một doi đất bên hữu ngạn sông Năng phía đối diện với vị trí hiện nay. Đền được dựng với kết cấu 3 gian 2 chái bằng tranh, tre, nứa, lá - vật liệu được khai thác tại địa phương. Nhưng đến một hôm, trời nổi cơn giông lớn, mái đền bị gió cuốn bay qua sông sang dẻo đất cao đối diện, dưới chân núi Pác tạ. Nhân dân địa phương cho rằng đây là ý của “ Đức Thánh Mẫu” nên từ đó ngôi đền được dựng khang trang, bề thế dưới ngọn núi Tạ sơn huyền sử. Tới năm 1959, trong khi đốt nương, do vô ý người dân đã làm cháy toàn bộ ngôi đền, đến nay chỉ còn lại là dấu tích nền xưa.
Qua quá trình biến thiên của lịch sử cũng như sự thay đổi của thời gian, đến nay đền Pác Tạ đang trong giai đoạn xây dựng để nhân dân bày tỏ lòng thành kính, niềm khát vọng của mình mong sao nhờ sức mạnh của Đức Thánh Mẫu mà ban cho cuộc sống bình yên, dân khang vật thịnh, đáp ứng nhu cầu tâm linh của người dân trải qua bao thế hệ. Đây là một ngôi đền thiêng, mỗi khi du khách qua đây đều ghé lại thắp hương cầu nguyện.
HOÀNG TỬ JANG SƯU TẦM______________