Ngay sát dưới Tứ vị Thánh Mẫu là các quan. Theo cách hiểu chung của trật tự phong kiến, các quan này phải là những quan lớn, châu tuần dưới các Thánh Mẫu để phụ trách các công việc trần gian, đại khái như các vị thượng thư xung quanh một ông vua. Có điều là qua các sự tích, các vị quan này không chịu một sự sai phái nào của các Mẫu, nhưng họ phải là thành viên ngự tiền của Mẫu, và họ có đến mười hoặc mười hai vị. Người ta cũng gọi họ là các vương quan, hoặc các hoàng tử (vì thế có những ông phụ trách đền, coi sóc các việc cúng lễ dễ bị nhầm lẫn, giải thích một cách lầm lạc, khiến cho nhiều người cũng hiểu một cách lẫn lộn, lung tung. Có vị quan thứ hai (đệ nhị Vương quan) lại lầm với con trai thứ ba của Trần Hưng Đạo, lại dễ lầm với Quan lớn Đệ Tam.
Ngũ vị quan lớn ở đây có vị là thiên thần, có vị là thần linh thần quen thuộc với người dân hơn. Ta tạm điểm qua như sau:
Quan lớn đệ nhất:
Vị quan này là một vị thiên thần. Ông trời sai xuống quản những việc linh thiêng, diệt trừ bọn quỉ quái.
Ngọc hoàng ngự chỉ phán ra
Tôn quan hình chỉ xuống qua phàm trần
Trước là mở phủ khai đàn
Sau là thu tróc tà quan phen này.
Người theo tín ngưỡng Tứ phủ đã xem ông là một vị quan lớn, được giao ghi chép các việc ở phủ Thiên Hương (phủ chính thờ Đức Mẫu Liễu. Ông cũng giữ cả việc sinh tử của con người dưới trần gian).
Quan lớn Đệ Nhị
Ông cũng là một vị thiên thần có rất nhiều thành tích, dẹp phong ba chống lũ lụt, nhưng không được ở lại trần gian lâu. Dù còn nhỏ tuổi, trời cũng bắt ông phải về trời.
Nhưng ông đã giữ vai trò rất lớn: tiền khâm sai, hậu giám sát. Ông được trấn giữ vùng rừng núi ở Sông Hóa, thuộc đất Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn. Phép thuật của ông rất cao.
Thượng ngàn giám sát quản cai
Thông chi thiên địa khâm sai đại thần
Phép màu giá vũ đằng vân
Trừ tà, sát quỉ cứu dân phen này.
Thông thường người ta cũng gọi quan lớn này là Quan Giám Sát. Đặc biệt là ông đi rất nhiều, khắp miền Nam Bắc Việt Nam, các sông núi, cửa khẩu ông đều đã đến. Ông dẹp được nhiều thủy quái, sơn quái khiến cho:
Ba nghìn thế giới lung lay
Niệm trì khắp hết trên rừng dưới sông
Quan lớn Đệ Tam (Quan Tam phủ)
Quan Đệ Tam vốn là con của vua cha Bát Hải. Chuyện của ông cũng tương tự như ông Hoàng Ba (Hoàng Bơ), nhưng cũng có một vài chi tiết khác. Truyền thuyết cho ông là ở Động Đình Hồ (Trung Quốc), vua cho về Việt Nam. Đầu tiên ông hóa thân thành một võ tướng của vua Hùng, sau là thần phù trợ cho nước ta đánh đuổi nhiều giặc ngoại xâm. Có chuyện nói ông đã gặp năm ông Rắn ở Long Giang. Đền của ông được gọi là đền Lãnh (cũng đọc là Lảnh) hay đền Lảnh Giang. Ông có công lao rất lớn với nhân dân:
Một tay hoàng tử vương quan
Cứu sinh cũng lắm, độ oan cũng nhiều
Do đó mà người dân hay khấn vái ông. Hai vị quan Đệ Tam, Đệ Ngũ được dân thỉnh cầu nhiều và cũng thường giáng đồng nhiều hơn.
Quan lớn Đệ Tứ
Quan Đệ Tứ không thấy truyền lại tên tuổi rõ ràng, nhưng người ta tin rằng ông là vị được coi sóc việc kinh tế, việc cày cấy cho bốn phương thiên hạ. Ông cũng có nhiệm vụ đi theo dõi ở nhiều vùng, như vị đại thần có trọng trách kiểm tra nhân sự. Vì vậy, còn gọi ông là quan Đệ Tứ Khâm Sai:
Tiệc bàn loan thỉnh quan Đệ tứ
Vốn con vua coi ở Thiên cung
Sắc rồng chói lọi vua phong
Quan cai tiết chế uy hùng dậy vang
Quan lớn Đệ Ngũ (Quan lớn Tuần Tranh)
Trong tất cả các vị quan lớn ở dưới các Mẫu, thì vị quan lớn này có sự tích độc đáo hơn cả. Có nhiều truyền thuyết về nguồn gốc của ông.
Theo huyền thoại, ông nguyên là một con rắn thần ở sông Đò Tranh (Hải Dương) bị trừng phạt, rắn hóa thân thành một võ tướng được ở dưới trướng các Mẫu, và trở thành một vị quan lớn.
Theo dã sử, ông được gắn vào với tướng Cao Lỗ, người chế được cung nỏ, là thủ túc của Thục An Dương Vương. Khi mất ông trở thành vị quan lớn trong tín ngưỡng Tứ phủ.
Nhưng truyền thuyết mà người ta biết đến nhiều hơn cả, là ông là một vị quan tuần kiểm trên Sông Tranh. Ông từng bị nghi oan rằng đã quyến rũ một người con gái đẹp, vợ một viên quan địa phương. Mặc dầu chứng cớ không có nhưng ông cũng bị khép án, bắt trở thành lính, đày trên sông Kỳ Cùng, tỉnh Lạng Sơn. Vì thế mới có câu: "Áo bào đổi lấy chàm xanh".
Tiếp đó, câu chuyện huyền thoại và câu chuyện nhân sinh này nhập vào với nhau, thành truyền thuyết tương đối ổn định.
Vị quan ở Đò Tranh, bị nghi ngờ về tội quyến rũ người đẹp, bị triều đình giam giữ. Ông uất hận tìm đến cái chết bằng cách thắt cổ tự tử. Khi ông lìa đời thì trời đất nổi bão táp, cái dây trói ông đứt tung, biến thành hai con rắn. Một cặp vợ chồng già đưa rắn về nuôi, thường kiếm gà về cho rắn ăn. Không ngờ hai cụ lại bị người xung quanh lên án là nuôi rắn để hại gà của làng xóm. Các cụ phải thả rắn xuống sông. Đúng vào dịp Triệu Đà tấn công nước Âu Lạc, rắn đã giúp vua Thục An Dương Vương thắng được quân xâm lược. Vua liền phong cho Rắn là Giảo long hầu. Giảo long hầu sau trở thành quan lớn Tuần Tranh trong tín ngưỡng tứ phủ. Vị quan này cũng được đặc trách về công việc trừ tà sát quỉ.
Có bài thơ nói về chuyện tình của ông khá cảm động:
Sông Tranh ơi! Sông Tranh
Trăng nước còn in một mảnh tình
Lẫm liệt tung hoành oai tráng sĩ
Ngàn năm ghi để dấu anh linh.
(Theo GS Vũ Ngọc Khánh - Sách "Đạo Mẫu ở Việt Nam")
TIÊU HUYỀN TREE SƯU TẦM
_________________
Đêm qua sân trước một nhành mai