Chầu là một tước vị chỉ vào những thần nữ được trực tiếp phục vụ cho các Mẫu. Những chầu có trách nhiệm cai quản gọi là Tứ vị chầu Bà. Có bốn bà Mẫu, thì phải có bốn vị Chầu trực tiếp phục vụ. Các bà cũng được xếp theo các dòng: Thiên phủ, Địa phủ, Nhạc phủ, Thủy phủ.
Tứ vị Chầu Bà
Chầu Bà gồm có bốn vị, mỗi vị phục vụ trực tiếp cho một Thánh Mẫu. Nhưng Mẫu Liễu Hạnh đã được ở cùng một ngôi với Mẫu Cửu Trùng, nên chỉ còn có ba, một vị Chầu bà nữa, được phân công trách nhiệm khác.
Chầu Đệ Nhất
Vị này, chầu cho Mẫu Thượng Thiên và Mẫu Địa, và cũng có khi là hóa thân của hai mẫu trên. Bà được ở ngôi đền chính (ở huyện Vụ Bản, Phủ Giày). Bà cũng được gọi là bà Cửu Thiên (do chữ Cửu Thiên Huyền Nữ dành cho Mẫu Cửu trùng).
Chầu Đệ Nhị
Vị này là hóa thân của Mẫu Thượng Ngàn, được xem là vị thống soái trong các hàng chầu (thuộc Nhạc phủ). Lĩnh vực của bà là các hang động, núi non:
Vốn dòng công chúa Thiên thai
Giáng về hạ giới, quản cai Thượng Ngàn
Quản cai các lũng cùng làng
Sơn Tinh, cầm thú hổ lang cúi đầu
Bà là con gái của gia đình dân tộc thiểu số ở Đông Cuông, tỉnh Yên Bái (có người nói là dân tộc Dao). Đền thờ bà cũng ở đây. Bà được mặc áo màu xanh. Trước đây, lễ bà phải có trâu trắng.
Chầu Đệ Tam
Chầu là hóa thân của bà Mẫu Thoải, phụ trách coi sóc việc Thủy cung. Đền của bà ở huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa, gọi là đền Hàn (Hàn Sơn).
Chầu Đệ Tứ
Người ta gọi bà là Đệ Tứ Khâm sai, quyền cai bốn phủ. Bà đứng đầu địa phủ, mặc áo vàng. Nhưng có khi bà hóa thân mặc áo đỏ, thành Đệ tứ Khâm sai Thượng thiên, kiểm tra thiên phủ, hoặc có khi mặc áo trắng, múa mái chèo lại thành chầu Thoải phủ). Đền cùa bà là đền Cây Thị (Thanh Hóa).
Một số nơi lại muốn gắn bà Đệ tứ Khâm sai này với các nhân vật lịch sử khác, như xem bà là hóa thân của Bà Chúa Kho, coi sóc kho lương dưới triều nhà Lý, song không phổ biến.
Các hàng chầu thuộc Nhạc phủ - Thủy phủ
Đó là các chầu ở dưới Tứ vị Chầu Bà, điện thờ ở nhiều nơi từ Thanh Hóa trở ra Bắc, đều được gọi chung là các Chầu, và được tôn kính như nhau.
Chầu Đệ Ngũ
Đền thờ bà ở Suối Lân, huyện Hữu Lũng (Lạng Sơn) trên bờ sông Hóa. Có truyền thuyết nói bà là một công chúa đời nhà Lý, đi tắm bị giải cuốn, rồi hóa thần. Bà được xem là nữ thần phụ trách việc nông trang, dưới bóng Mẫu Thoải, dòng Thủy phủ.
Chầu Đệ Lục
Bà thuộc dòng Nhạc phủ, dưới bóng Chầu đệ nhị. Bà thuộc dân tộc Nùng (có người nói là Nùng Phán Xì), thờ ở Hữu Lũng, Lạng Sơn. Nhưng lại có thuyết nói, bà vốn gốc người Việt, quê ở Thái Bình, có tên là Trần Thị Lương, là một nữ tướng dưới trướng của Hai Bà Trưng.
Chầu Đệ Thất
Bà được thờ ở Tiên La, Thái Bình, là một vị tướng dưới quyền của bà Bát Nàn trong khởi nghĩa Hai Bà Trưng (hoặc cũng chính là bà Bát Nàn, Vũ Thị Thục), bà cũng thuộc dòng Nhạc phủ.
Chầu Đệ Bát
Chầu này còn được gọi là Chầu Bát Nàn, dòng Nhạc phủ. Bà được thờ ở Đồng Mỏ, Lạng Sơn. Bát Nàn chính là Vũ Thị Thục, một vị tướng của Hai Bà Trưng. Nhưng cũng có thuyết cho rằng: Chầu này không phải là vị thần xa xôi như vậy, bà cũng là nữ tướng phù trợ cho quân ta đánh thắng Liễu Thăng ở Chi Lăng (Chi Lăng ở gần Đồng Mỏ). Chưa rõ thuyết nào chính xác.
Chầu Cửu Tỉnh
Tức là chầu thứ chín, được thờ ở thôn Cửu Tỉnh, thuộc Bỉm Sơn (Thanh Hóa). Bà lại thuộc dòng Thiên phủ, hầu bà Mẫu Thượng Thiên (Cửu thiên huyền nữ). Không thấy nói nhiều về sự tích.
Chầu Mười
Bà thuộc lớp người dân tộc thiểu số (dân tộc Thổ) ở thôn Mỏ Ba, thuộc thị trấn Đồng Mỏ (Lạng Sơn). Bà có công giúp Lê Lợi đánh tan giặc Liễu Thăng hồi đầu thế kỷ XV:
Gặp thời Thái tổ khởi binh
Theo vua diệt giặc Liễu Thăng hàng đầu
Vua sai trấn giữ các châu
Khắp hòa xứ Lạng địa cầu giang sơn
(Văn chầu Mười)
Chầu Mười có đền thờ chính ở Đồng Mỏ (Lạng Sơn) nhưng bà còn điện thờ vọng ở khắp nơi: Đồng Đăng, Kỳ Cùng, Thăng Long, Ngự Bình, Vũng Tàu, Sài Gòn, Đà Lạt, Buôn Mê Thuột…
Chầu bé
Còn gọi là chầu bé Bắc Lệ, chầu bé Thượng Ngàn. Bà là người dân tộc thiểu số. Bà được thờ tại đền Công Đồng Bắc Lệ Linh từ thuộc xã Tân Thành, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn:
Vốn anh linh đã có tiếng vang
Thung dung dạo gót lên ngàn
Nhác trông tựa thể tiên nàng Nguyệt Nga
Khi hội họp năm ba Thổ Mán
Hiện nên người giả bán hàng chơi
Sơn lâm rừng vắng các đồi
Dấu thiêng Bắc Lệ là nơi quê nhà
Vốn tiên nữ Hằng Nga giáng thế
Cõi trần phàm ai dễ biết đâu.
TIÊU HUYỀN TREE SƯU TẦM