Đền thờ Nguyên Phi Ỷ Lan xã Dương Xá - Gia Lâm - Hà nội (Đền Bà Tấm)
Bà Ỷ Lan tên thật là Lê Thị Yến, chính quê ở làng Thổ Lỗi, sau đổi là Siêu Loai, huyện Thuận Thành tỉnh Bắc Ninh (nay thuộc xã Dương Xá huyện Gia Lâm). Vì mẹ mất lúc 12 tuổi, cha lấy vợ kế nên Ỷ Lan sống khổ như cô Tấm trong truyện cổ tích. Có lẽ vì vậy mà dân gian thường gọi đền thờ bà ở xã Dương Xá là đền Bà Tấm. Ngay cả ngôi chùa ở kề bên do bà cho xây dựng năm 1115, tên chữ Chùa Linh Nhân Tư Phúc cũng được gọi là chùa Bà Tấm.
Bà Tấm là người phụ nữ nổi danh trong lịch sử. Chuyện kể rằng, vua Lý Thánh Tông (1054 - 1072) trong một lần về chùa Dâu cầu tự, tình cờ gặp cô gái hái dâu ở làng Thổ Lỗi. Thấy cô xinh đẹp lại có tài đối đáp, vua bèn đưa về cung và phong là Nguyên phi. Vua lại cho xây một cung riêng cho bà và đặt tên là cung Ỷ Lan để ghi nhớ hình ảnh cô gái dựa gốc lan trong buổi đầu gặp gỡ. Cung Ỷ Lan nay là đình Yên Thái, phường Hàng Gai, quận Hoàn Kiếm.
Ở nơi cung cấm, Ỷ Lan chịu khó đèn sách nên chỉ một thời gian ngắn đã hiểu biết sâu sắc về mọi mặt. Năm 1069, vua Lý Thánh Tông cùng đại quân chinh Nam, trao quyền nhiếp chính cho bà. Nhờ định kế sách đúng đắn, quyết đoán và táo bạo nên loạn lạc được dẹp yên, dân đói được cứu sống. Năm 1072, vua Lý Thánh tông qua đời, Ỷ Lan trở thành Hoàng thái hậu giữ quyền nhiếp chính, từ đó đất nước Đại Việt bước vào giai đoạn cường thịnh. Năm 1077, nhà Tống đem quân sang xâm lược nước ta, Ỷ Lan (có sự trợ giúp của Thái úy Lý Thường Kiệt) đã huy động sức dân đánh bại kẻ thù. Bà Ỷ Lan đem lại nhiều ơn đức cho dân, được nhân dân tôn là Quan Âm nữ. Ngay cả khi bà còn sống, nhiều nơi đã lập ban thờ bà.
Đền thờ bà ở quê hương xây dựng vào cuối thế kỷ XI, kiến trúc theo lối cung đình có 72 cửa. Trong đền còn nhiều di vật quý. Nổi bật là hai sư tử tạo bằng đá liền khối cao 1,2m rộng 1,36m trong tư thế phủ phục, đường nét đặc biệt mềm mại. Sư tử ở đền Ỷ Lan đang vờn hòn ngọc, trên trán có trổ chữ Vương khẳng định vị trí chúa tể muôn loài, đồng thời cũng thể hiện uy quyền của vương triều. Trong đền còn có một thành bậc bằng đá chạm nổi rồng và lân đang chạy xuống. Thành đá dài 1,3m cao 0,8m.
Hậu cung đền có tượng Ỷ Lan được tạo tác rất đẹp, tạc khi bà là Nguyên phi cùng 6 vị cung nữ trong triều. Gian ngoài có đặt ngai thờ và một số đồ tế khí. Trên ngai có bài vị ghi: Lý triều đệ tam Hoàng thái hậu.
Hằng năm vào ngày 19, 20, 21 tháng 2 âm lịch nhân dân 9 xã của tổng Dương Quang (từ Phú Thị đến huyện Văn Lâm - Hưng Yên) và những làng cấy ruộng hậu của đền đều lo tổ chức hội. Chính hội là ngày 19 tháng 2, tương truyền là ngày sinh của bà.
TRÍ MINH SƯU TẦM