Gần đây có rất nhiều bạn trẻ tìm hiểu về các phương pháp tu Phật, đặc biệt là Mật Tông. Tuy nhiên trong đó hầu hết sự cầu tu học để giác ngộ thì ít mà móng tâm, vọng tâm thì nhiều.
Một người bình thường, khi bắt đầu tu tập chính là để điều chỉnh lại cách suy nghĩ của mình. Sẽ dẫn đến sự xung đột về tâm tư trong quá trình này, do người tu ban đầu còn bỡ ngỡ, nên có cảm giác không thích ứng. Sự đau khổ trong thế gian chính là chất liệu để tu học. Người thu hoạch càng lớn thì càng phải trải qua nhiều thử thách. Do đó không nên sợ đau khổ. Những gì có được mà không phải vất vả sẽ chẳng thể tồn tại trên thế gian này.
Chúng ta từ nhỏ đến lớn đều được giáo dục, được tiếp nhận qua 5 thức là mắt, tai, mũi, lưỡi và thân. Ý thức là thức thứ sáu, là thứ mà chúng ta khó dùng nhất và cũng khó hiểu nhất.
Người tu Phật, sự đột phá lớn nhất chính là từ ngũ thức mắt, tai mũi lưỡi và thân mang tính thói quen được huân tập từ lúc nhỏ bước đến thức thứ 6 - đó là xem trọng ý thức sáng tạo và sự khởi đầu của giác ngộ.
Có rất rất nhiều người mới tu học vẫn đang dùng 5 thức để giải thích về thức thứ 6 hoặc lĩnh hội về thức. Đây là một điều rất sai lầm. Học phật cái cần tu chính là "Tâm" cũng chính là ý thức giới. Các bạn phải hiểu, chỉ có sự kiên định chắc chắn của ý thức giới thì người tu mới có thể phát huy được sức mạnh nội tâm. Để đạt được những năng lực siêu nhiên là sự khởi động từ ý thức giới. Một ý thức mạnh mẽ kết hợp với phương pháp quán tưởng khi tu tập, sức mạnh nội tâm sẽ ngưng tụ lại và cuối cùng đạt được mục đích. Quá trình này không phải là huy động ngũ quan mà phải dùng ý thức. Để gặt hái thành công, nguyên lý tu tập là như thế. Dùng các pháp quán tưởng để mình và Bồ Tát hòa hợp với nhau, chính là để ý thức của mình kết hợp với tự nhiên , bạn mới có thể thâm nhập được vào nguồn đạo.
Nếu bạn mê "tướng" chỉ có thể lấy "tướng" để kết nối, điều đó không phải là của hành giả tu Mật tông.
Có rất nhiều bạn mới tu tập quán tưởng vì quá móng cầu, tập trung mà thấy linh ảnh của các chư Phật, Bồ-Tát, chư Thiên, Thánh, Thần...đó có thể không phải là Phật Thánh mà chỉ là sự giả trang của các linh giới. Bạn có thể tiếp nhận được "Thần Phật" hay không phụ thuộc vào tiềm thức của bạn. Nếu những gì bạn thể hiện ra là "tướng" thì đó là "tướng" chứ không phải Thần Phật. Chân thần là một dạng cảm ứng của tâm linh, là sự cộng hưởng ở trong ý thức. Về mặt thị giác, Chư Bồ Tát chư Thánh Thần không tồn tại ở thế gian này, nhưng về mặt cảm giác thì lại rất gần gũi với bạn. Do đó bạn phải điều chỉnh tâm thức của mình, đó là phải thay đổi chính mình.
Khởi đầu bạn tin vào thị giác thì bây giờ bạn phải xem trọng linh giác. Rất nhiều bạn bị linh giới nhập vào thân mình, dù đã giải trừ ra được nhưng năng lượng âm ở trong cơ thể vẫn còn khiến bước đầu tu tập gặp nhiều cản trở. Bạn cần phải kiên trì và luôn hiểu rằng mình đang bị chướng duyên. Người học Phật từng có linh giới sẽ gặp khó khăn nhiều hơn người bình thường, vì cứ lúc ngồi tu là "nhìn" thấy cảnh này cảnh kia. Giống như một nhân vật xã hội đen muốn trở thành cảnh sát sẽ gặp nhiều khó khăn hơn người bình thường, phải trải qua sự tôi luyện và khốn khó nhiều hơn. Hoặc những người có tham cầu vượt quá sức mình, luôn muốn có trong tay nhiều pháp tu, không chuyên nhất, cũng là những người sẽ gặp muôn trùng khó khăn trên con đường tu học.
Có một cách để giúp các hành giả từ mê vọng tướng đến ngộ được " bồ đề" tức là bạn phải tự chuyển, từ tin vào mắt trần cho đến tin vào cảm ứng. Bằng cách gì? Chính là phương pháp mà tôi đã từng nói, công phu, công quả, công trình. Bạn hãy công phu hàng ngày, tập trung toàn bộ tâm thức của mình vào câu chú và quán tưởng. Trì chú, ngồi thiền... sẽ dần dần khai phá công năng của cảm ứng tự nhiên. Bạn sẽ không nhìn bằng mắt mà sẽ nhìn bằng tâm. Sức mạnh của Phật, Bồ Tát, chư Thiên, Thánh, Thần chính là sức mạnh của vũ trụ. Con người là một tiểu vũ trụ, muốn hợp thành với vũ trụ lớn, thì phải cùng một cảnh giới, cùng một tâm thức của sức mạnh tinh thần.
Hãy dùng tâm để cảm nhận.
Mật Liên Đăng
23.5.2020
_________________
Nếu Bạn Gieo Niềm Tin Bạn sẽ gặt Phép Màu