TÁM KHOA GIÁO (bát giáo)
Tất cả giáo pháp do đức Phật giảng dạy trong suốt cuộc đời hoằng hóa của Ngài, được đại sư Trí Giả của tông Thiên thai (Trung-hoa) phân chia thành tám loại khoa giáo, căn cứ trên hai mặt:
A. Về mặt nội dung, có bốn loại:
1. Tạng giáo: những giáo pháp có nội dung nông cạn, dễ hiểu, chủ yếu là dành cho những người căn cơ thấp kém.
2. Thông giáo: những giáo pháp có nội dung cao hơn, phù hợp cho cả những người có căn cơ thấp lẫn căn cơ cao, trong đó, những giáo nghĩa về "không” và "vô sinh” được đặc biệt nhấn mạnh.
3. Biệt giáo: những giáo pháp có nội dung sâu xa, đặc biệt để giáo hóa chúng Bồ-tát đại thừa.
4. Viên giáo: giáo pháp thâm diệu, cao tột mà chỉ có các vị Đại Bồ-tát với trí tuệ siêu việt mới lĩnh hội và chứng ngộ được.
B. Về mặt hình thức, có bốn loại:
1. Đốn giáo: Đối với thính chúng có căn trí sáng suốt, linh lợi, đức Phật dùng các pháp môn thật sâu xa, mầu nhiệm để đưa họ đến quả vị giác ngộ một cách mau chóng. Các loại kinh điển đại thừa có nội dung cao siêu như Hoa Nghiêm, Pháp Hoa, Niết Bàn v.v... thuộc về loại này.
2. Tiệm giáo: Đối với thính chúng có căn tính thấp kém hơn, đức Phật dùng các pháp môn tiệm tiến, từ dễ đến khó, từ thấp đến cao để hướng dẫn họ từng bước một, cho đến khi đạt được quả vị giác ngộ. Các kinh A Hàm và một số kinh điển đại thừa khác thuộc về loại này.
3. Bí mật giáo: Đối với hạng người có căn trí tinh thuần đặc biệt, đức Phật chỉ dùng sức "không thể nghĩ bàn” (bất khả tư nghị) ở thân khẩu ý của mình mà giáo hóa một cách bí mật, chỉ có Ngài và các đương sự liên hệ mới hiểu được nhau mà thôi. Các thần chú ở rải rác trong các kinh điển đại thừa là một ví dụ.
4. Bất định giáo: Cũng có những giáo pháp mà khi đức Phật nói ra, một số người thì lĩnh hội được và rất lấy làm lợi lạc, nhưng đồng thời, một số người khác thì lại không thể lĩnh hội được và chẳng thấy có ích lợi gì cả.