NHÂN QUẢ VÀ NGHIỆP BÁO
Nói đến nhân quả là nói đến thời gian và không gian. Thời gian cho nhân đi đến kết quả, và không gian để nhân hội đủ các điều kiện cần để tựu thành kết quả. Không một sự vật, sự kiện nào, một hiện tượng nào, hay một kết quả nào xảy ra mà không có nguyên nhân của nó. Có quả tất phải có nguyên nhân đi trước nó và ngược lại có nhân thời sẽ đưa đến một kết quả nào đó về sau.
Tuy nhiên ở đời đôi khi với cái nhìn thiển cận, cắt xén và giới hạn thời gian, chúng ta thường rất mơ hồ về nhân quả và vì thế đã có sự dẫn đến mất niềm tin đối với cuộc sống và với chính mình. Nhận thức về nhân quả nghiệp báo chính là xác định một niềm tin đúng đối với cuộc đời, và xây dựng một ý thức trách nhiệm về chính những hành động do mình tạo ra đối với bản thân, và đối với cộng đồng.
Nhân quả, đơn giản, là nguyên nhân và kết quả. Từ con người cho đến các loài sinh động, vạn vật đều được tạo ra là có nguyên nhân gần xa của nó và đều là tự tạo, bằng cách này hay cách khác, chủ động hay thụ động.
Không bao giờ có một vật nào là tự nhiên sinh mà không có nguyên nhân của nó. Trong môi trường cộng sinh, là vũ trụ, thế giới này, cũng không bao giờ có một sự vật nào chỉ xuất hiện với một nguyên nhân độc nhất mà mọi vật phải được tạo thành ít nhất là hai nhân trở lên.
Ta lấy ví dụ như, cây đậu đang ra bông kết trái hôm nay là kết quả của những điều kiện đi trước nó, như hạt đậu, ánh sáng mặt trời, nước mưa, đất, khoáng chất, thán khí…
Riêng một nguyên nhân nào đó, chẳng hạn chỉ riêng có hạt đậu, thì không thể có cây đậu. Nếu thiếu yếu tố đất hay yếu tố nước thì cây đậu sẽ không tồn tại. Và đương nhiên, cây đậu với quả hạt của nó hôm nay là nguyên nhân cho những hạt và cây đậu khác trong tương lai cùng với những điều kiện nhân duyên khác hỗ tương tùy thuộc vào nhau để sinh trưởng và tồn tại.
Tất cả mọi hiện hữu đều sinh khởi và tồn tại trong nguyên lý nhân quả nhiều tầng nhiều lớp như thế. Cho nên không bao giờ có một bàn cãi về nguyên nhân đầu tiên của vạn hữu trong đạo Phật. Chính đức Phật đã từ chối trả lời và đàm luận bằng cách giữ một thái độ im lặng, trước sau như một, đối với những câu hỏi có tính chất triết học thuần tuý này. Đức Phật chỉ chú trọng đến vấn đề nhận thức khổ đau và nhấn mạnh đến vấn đề diệt khổ mà thôi.
Để hiểu rõ về nhân quả, chúng ta hãy điểm qua những đặc tính căn bản của nhân quả để từ đó có một quan sát cụ thể về một nguyên nhân hay hậu quả nào đó. Chúng ta có bốn đặc tính có tính cách liên hệ của nhân và quả.
1. Nhân nào quả nấy
Nhân như thế nào thì quả sẽ như thế ấy. Hạt lúa rồi sẽ cho cây lúa và thóc gạo, hạt cỏ dại sẽ dẫn đến những mầm cỏ dại với đầy đủ những điều kiện hỗ trợ của nó. Hành động thiện sẽ đưa tới một kết quả tốt đẹp và trái lại hành động xấu sẽ đưa đến một kết quả không như ý.
Tuy nhiên, vấn đề thiện ác, thực ra, vẫn không có một tiêu chuẩn nhất định chung cho mọi trường hợp. Cùng một hành động nhưng khi này biểu hiện nó được coi là thiện nhưng khi khác nó là một điều bất thiện. Ở chỗ này nói thế này là tốt nhưng ở chỗ kia cùng một cách nói như thế lại là không đúng.
Suy ngẫm về vấn đề thiện ác này có người đã từng than: "Chân lý ở đâu khi bên này núi là đúng mà bên kia là sai lầm!" Nhưng trong đạo Phật không chấp nhận thái độ than trách như thế mà người Phật tử được khuyên là nên quán sát động cơ xuất phát của những hạnh nghiệp là tâm ý, và hành động xuất phát từ ý nghiệp đó có ảnh hưởng như thế nào đối với chính mình và người khác trong hiện tại hay tương lai.
Nếu hành động (của ba nghiệp - thân, khẩu, ý) có ảnh hưởng tốt, đem lại an vui cho mình cho người, trong hiện tại và tương lai, thì hành động đó được gọi là thiện, trái lại, nếu hành động nào mang đến sự bất an, khổ đau cho mình cho người trong hiện tại và tương lai, thì hành trạng đó là bất thiện.
Thiện nghiệp sẽ đưa đến thiện báo và bất thiện nghiệp sẽ có ác báo. Đương nhiên, về tương đối thì, vấn đề thiện ác vẫn có phạm vi nhất định và phải được xét trên sự ảnh hưởng của nó lên số đông và nhất là xét về mặt động cơ xuất phát của hành động.
Với một xác định về thiện ác như thế, chúng ta sẽ dễ dàng thấy rằng những hành động của thân và lời nói bị điều động bởi những tâm lý bất thiện như tham, sân, si, mạn, tật đố, chia rẽ… sẽ đưa đến những kết quả tương ứng. Đó chính là những quả báo sầu não, khổ luỵ.
Và trái lại, những hành động được thực hành với động cơ không chứa đựng những yếu tố tham, sân, si, trái lại mang những chất liệu của tình thương, của trí tuệ, bố thí giúp đỡ kẻ khác… sẽ chắc chắn đưa đến kết quả tốt lành.
2. Một nhân không thể sinh ra quả
Nhưng quả thiện hay ác không đơn thuần là một nhân mà được chi phối bởi nhiều nhân và các điều kiện khác nhau. Một nghiệp quả tốt đẹp hẳn phải được xuất phát từ trái tim từ bi, một hành động đầy nghĩa cử, một lời nói có tính cách xây dựng và hòa giải, một biểu hiện của một tấm lòng độ lượng, một sự hiểu biết, một sự cảm thông…
Chỉ có một tâm từ bi, dù tốt đấy, vẫn chưa làm sao có thể thành tựu được một hành nghiệp tốt nếu không có các trợ duyên như thông qua những hành động, hay lời nói, v.v. để thể hiện nó. Cũng giống như chỉ có hạt đậu thì không thể sinh khởi thành cây đậu. Nó cần có các điều kiện làm nhân khác (mà chúng ta còn gọi là duyên) như nước, anh nắng, đất…
Một kết quả tốt lành không thể có mặt nếu chỉ xuất hiện với một nhân, dù là tốt, duy nhất.
3. Trong nhân có quả, trong quả có nhân
Hạt đậu là nhân cho cây đậu trong tương lai, nó đồng thời cũng là quả của cây đậu trong quá khứ. Nó là nhân của sự tiêu thụ thán khí (CO2) trong không gian từ động vật thải ra, đồng thời cũng là nhân cho sự chuyển thành dưỡng khí (O2) vào không gian cho động vật hấp thụ trở lại.
Sự an vui là kết quả của việc làm thiện nhưng sự an vui, thanh thản của chính mình lại cũng là nguyên tố cho sự tạo phước tiếp tục nữa. Sự an vui như thế cũng đồng thời là nhân vì chính mình có an vui trong lòng nên không gây gổ với người khác, trái lại làm cho người khác cũng được vui lây.
Đó là vì trong nhân đã bao hàm quả và quả cũng chứa đựng đầy đủ các yếu tố để làm nhân. Biết điều này chúng ta sẽ biết hướng đời sống tu tập của mình để là một nguyên tố an vui cho những người xung quanh, cho gia đình mình và cho xã hội.
Với những tính chất trên chúng ta cũng có thể thấy được một cách khá rõ ràng đường đi của nhân quả. Gieo nhân lành sẽ đạt được một quả lành, nhân bất thiện sẽ có quả tương ứng cùng với những điều kiện hỗ trợ của nó.
Thế nhưng trong đời đôi khi chúng ta lại có thể có những nghi vấn. Vì những hiện tượng báo ứng đối với nhân được gieo dường như không khớp với với quả mà người ta phải gặt lấy trong một khoảng thời gian nhất định.
Có người một đời làm việc thiện nhưng gia cảnh và bản thân lại gặp nhiều tai ương hạn ách, trong khi đó, có người không biết làm việc thiện, thậm chí làm những điều chuyên gây phiền nhiễu cho người khác mà lại gặp nhiều điều kiện thuận lợi.
Từ những hiện thực như trên chúng ta bắt đầu nghi ngờ về nhân quả, niềm tin về luật nhân quả bắt đầu lung lay. Để giải quyết nghi vấn này chúng ta xem tiếp về tính chất thứ tư của những đặc tính của nhân quả.
4. Sự phát triển nhanh hay chậm của nhân quả
Sự thực thì, định luật nhân quả chi phối chúng ta không sai sót một tơ hào nào. Nó chi phối một cách âm thầm và tuyệt đối chính xác đến nỗi nó chỉ có thể được biết một cách trọn vẹn dưới con mắt của Phật mà thôi.
Nhưng nhờ có người làm con mắt cho thế gian thấy được như thế nên chúng ta mới có những phân định khá rõ ràng về nhân quả. Đó là từ nhân đến quả phải có một khoảng thời gian nhất định của nó.
Có nhân đưa tới quả nhanh, như tay đánh vào mặt trống tức thời có âm thanh vang ra. Nhưng có nhân đưa tới quả chậm, như gieo lúa tháng chạp nhưng phải đợi đến tháng ba năm sau mới gặt hái. Từ đó nhân quả được phân biệt theo thời gian như sau:
Nhân quả đồng thời: thời gian từ nhân dẫn đến quả rất nhanh, dường như cùng lúc. Ví dụ như "ăn thì no, nằm co ro thì ấm", những hiện tượng xảy ra tức thời, uống nước thì hết khát, giận hờn ai thì cảm thấy muộn phiền, lo trả thù thì bức não tâm trí… Đây cũng chỉ là một phân định nằm trong đặc tính thứ ba của nhân quả là trong nhân đã hàm chứa sẵn quả, nó là quả, và ngược lại.
Nhân quả khác thời: là loại nhân quả mà từ nhân dẫn đến quả cần có một khoảng thời gian. Khoảng thời gian này được coi như ba giai đoạn thọ báo của nghiệp quả, đó là:
Hiện báo: Nghiệp nhân trong đời này sẽ đưa đến quả báo ngay trong đời này. Ví dụ tuổi nhỏ học hành về sau trở thành người hữu dụng cho gia đình xã hội.
Sinh báo: Tạo nhân trong đời này nhưng đến đời sau mới thọ quả báo. Ví dụ bố thí thì được phước báo giàu sang ở đời sau, tán dương Phật đời sau thì được giọng nói trong trẻo dễ mến, tướng mạo đoan trang. Người giữ gìn năm giới cấm cho tinh chuyên đời sau sẽ được làm người đầy đủ phước báo, thực hiện thập thiện giới sẽ được sinh thiên…
Hậu báo: Tạo nhân đời này, nhưng mãi đến những đời sau đó mới thọ quả báo. Hay những đời sống trước đó đã tạo những nghiệp nhân bây giờ kết quả đã chín muồi nên phải lãnh thọ. Như những chuyện tiền thân của đức Phật hay chuyện của ngài Ngộ Đạt Quốc sư trong kinh Thủy Sám, đến những mười đời ngài mới thọ quả báo là cái mụt ghẻ nơi chân…
Ba thời nhân quả này dường như đã được định sẵn là có một khoảng thời gian nhất định nào đó cho nên cũng được coi như là định nghiệp (không lầm với định mệnh).
Tuy nhiên nó cũng bị chi phối bởi các nhân duyên khác vì thế vẫn có thể làm thay đổi thời gian đưa đến sự thọ quả. Như chuyện ngài Ngộ Đạt, nghiệp lành của ngài đã dời thời gian thọ báo của ngài lui lại tới những gần mười kiếp, sau đó thay vì phải chết đúng theo nghiệp định nhưng chỉ đền tội với cái mụt ghẻ nhức nhối mà thôi.
Tới đây chúng ta cũng có thể giải thích vì sao có những trường hợp dường như là mâu thuẫn với nhân quả như trên. Người làm lành mà đời sống luôn luôn túng quẩn là do những nghiệp quả bất thiện thuộc những đời trước, sinh báo và hậu báo, đã thành thục và buộc phải nhận lấy quả báo.
Còn người làm ác mà vẫn được phước lợi là những thiện nghiệp bằng cách nào đó mà người ta đã tạo được trong quá khứ, bây giờ thành thục và được hưởng.
Thế nhưng nghiệp đã tạo thì không bao giờ bị mất đi, nó sẽ tuần tự theo sự chi phối của định luật nhân quả mà rồi sẽ thành thục trong nay mai. Đừng cho rằng những người làm ác đời này tuy giàu sang mà không khổ, cũng đừng bảo những người làm lành tuy khốn đốn mà chẳng vui. Về khía cạnh này chúng ta còn xem xét tâm lý của nghiệp chủ khi sự đối diện với nghiệp quả.
Một nhà sư vô sự, vô tội mà bị giam tù, ông ta có thể không thấy một chút sợ sệt nào, tâm hồn không bị cắn rứt, luôn được an định, giải thoát. Một người làm lành tuy nghèo khốn nhưng tâm tư thong thả, không cắn rứt và còn cảm thấy vui vì làm một người hữu ích cho xã hội.
Đó có thể nói là nghiệp quả thô ác chỉ biểu hiện bên ngoài mà không mấy ảnh hưởng bên trong. Quả báo thuộc về thân tướng, đó là nhân quả biểu hiện ở thân.
Còn nhân quả biểu hiện đối với tâm đó là nhân quả thuộc về tâm. Như có người tướng mạo xấu xí nhưng tâm hồn thì trong trắng, tốt lành và ngược lại. Nhưng cũng có trường hợp cả hai mặt đều biểu hiện đồng thời. Như chúng ta vẫn thường nói, đẹp người đẹp nết, hay mỉa mai hơn ta vẫn thường nghe, xấu mà còn đóng vai ác, ... trong ngoài đều hung dữ.
Một hiểu biết như vậy chúng ta không còn nghi ngờ về nhân quả nữa mà trở nên sáng suốt hơn trong việc lý giải những hiện tượng nhân quả báo ứng trong đời, từ đó niềm tin của chúng ta được xác quyết hơn, vững vàng hơn.
Tin nhân quả cũng có nghĩa là tin vào chính bản thân mình. Không ai có thể ban phúc giáng họa cho ai mà chính mình là chủ nhân ông của những hành động thiện ác và quả báo cho mình. Khi mới sinh không đem đến bất cứ một cái gì và khi chết đi cũng chỉ ra đi với hai bàn tay trắng.
Cho dù chết đi sống lại bao nhiêu lần thì cũng chỉ như vậy ngoại trừ những hành nghiệp mà mình đã gây tạo là cái duy nhất có thể đi theo với chúng ta mà thôi. Đức Phật dạy: Con người là chủ nhân ông của nghiệp, là kẻ thừa tự của nghiệp. Là chủ nhân cho nên chúng ta có thể nắm lấy vận mệnh của mình, chuyển hóa và tạo dựng những hành nghiệp tốt lành cho chính mình.
Nghiệp báo xấu đến chúng ta có đầy đủ nghị lực và đức tin để tiếp nhận, không tránh né. Nó được coi như là trách nhiệm mà mình phải gánh chịu. Không sợ hãi, nhìn thẳng vào nghiệp quả của mình để rồi vượt qua chúng bằng những hành động tích cực.
Quả báo tốt đến ta đón nhận một cách tự nhiên không tự phụ, kiêu căng và sử dụng nó như những phương tiện có sẵn, như đồng vốn có thể sinh lời, để tiếp tục tạo phước cho mình về tương lai, nuôi dưỡng lòng từ bi cho ngày một thêm lớn. Từ đó đưa hành nghiệp của mình đi lên mãi theo tiến trình tu tập giải thoát, hoàn thiện nhân cách của mình cho đến viên mãn.