Khái Quát Lịch Sử Mật Tông
Mật tông hay Chân ngôn tông. Vị trí nguồn gốc của Mật tông xuất hiện vẫn còn là một sự tranh cãi. Một vài học giả cho rằng Mật giáo có nguồn gốc ở Vaṅga và Samataṭa và thế rồi được truyền đến những nới khác của Ấn Độ.
Tuy nhiên, một quan điểm cho rằng Mật giáo không phải đến từ Bengal và Assam nhưng Mật giáo đến từ Hạ lưu Swat (Uḍḍiyāna) ở Bắc Ấn và Dhānyakaṭaka, Śrīparvata và Poṭalaka Parvata ở Nam Ấn. Bhattacharya và Tucci đều cho rằng Mật giáo xuất hiện vào khoảng TK thứ IV sau TL. Nhưng khảo sát sự khởi nguyên của lịch sử Mật giáo phải đi ngược trở lại ít nhất là vào khoảng TK I sau TL. Bằng chứng là một số kinh điển Đại Thừa thời sơ kỳ xuất hiện như Phổ Diệu kinh (Lalitavistara), Bát-nhã (Prajñāpāramitā sūtra), Tam muội vương kinh (Samādhirājasūtra), Pháp Hoa kinh (Saddharmapuṇḍarīka sūtra), Lăng già kinh (Laṅkāvatārasūtra) có Minh Chú và Đà-la-ni xuất hiện và Long Thọ đã biên soạn một số kinh trong đó có minh chú.
Đại Thừa Trang Nghiêm Bảo Vương Kinh (Kāraṇḍavyūhasūtra, 大乘莊嚴寶王經), T.20, No.1050, có khả năng xuất hiện trước TK thứ IV. Bản kinh này đề cập đến sự thờ cúng Quán Âm Bồ-tát (Avalokiteśvara) và có một sự ảnh hưởng rõ ràng của Mật giáo. Kinh đề cập đến Umā, Maheśvara, Mahākāla, và Mahāvidyā-maṇḍala; Nhưng kinh đưa ra rõ ràng sáu chữ của thần chú “Án ma ni bát di hồng – Om maṇipadme hūm”; câu thần chú này là cốt lõi nhất của Bồ-tát Quán Âm đã xuất hiện trong kinh Đại thừa Trang Nghiêm Bảo Vương.
Vua Hộ Pháp (Dharmapāla - Đạt-ma-ba-la, 766-829 sau TL) xây dựng chùa Tỳ-cưu-ma-thi-la (Vikramaśīla – chùa Siêu Giới hoặc Siêu Nham) ở vùng Tây Bắc Ấn Độ (bây giờ được đồng nhất khu vực Sultangañja ở Bhāgalpur tiểu ban Bihar), chùa có đến 108 ngôi, với sáu viện nghiên cứu. Quy mô và cực kỳ rộng lớn. Ngài Nghĩa Tịnh khi lưu học tại Ấn Độ đúng vào thời vua Cù-ba-la (Gopāla) đang trị vì, theo Nghĩa Tịnh cho biết, khi ngài lưu tại Na-lan-đà, ngài cũng nhiều lần được vào thăm chùa Siêu Giới và tận mắt thấy sự thịnh hành của Mật giáo. Từ sau TK thứ VIII TL, chùa Siêu Giới do vua Hộ Pháp sáng lập đã đào tạo được rất nhiều nhân tài, và họ đều là những bậc Đại đức Mật thừa. Toàn cảnh chùa là đạo tràng trung tâm của Mật giáo, cũng như Phật pháp được sự ủng hộ mạnh mẽ của vương triều Ba-la. Mật giáo mở đầu từ đây.
Sự hành trì của Mật giáo thời kỳ đầu:
Mật giáo được các học giả trên thế giới gọi một cách phổ biến là Phật giáo Đát-đặt-la (Tantra), hay còn gọi là Chân ngôn thừa (Mantra-yāna), Mật thừa (Esoteric-yāna), Kim Cang thừa (Vajra-yāna) v.v… Mật giáo trở nên hưng thịnh từ đầu TK thứ VI đến giữa TK thứ VIII và dần dần hình thành nên một truyền thống lớn mạnh, được truyền qua Tây Tạng (Tibet), Trung Quốc, Nhật Bản, Mông Cổ v.v… và nhanh chóng gây ảnh hưởng trong các truyền thống Tông phái Phật giáo vốn đã có từ trước.
Căn cứ theo Mật giáo được truyền tại Tây Tạng, thì Mật giáo được chia thành 4 bộ: Sự Bộ, Hành bộ, Du Già bộ, Vô Thượng Du Già bộ.
Mật tông của Trung Quốc và Tây Tạng cựu truyền (rồi sau truyền đến Nhật bản), được chia thành hai bộ: Kim Cang bộ (Vajradhātu), và Thai Tạng bộ (Garbhakośa hay Garbhakukṣi).
Về mặt lịch sử, các học giả cận đại chia Mật thừa ra làm ba kỳ: Sơ kỳ thuộc về Tạp Mật, Trung kỳ thuộc về Thuần Mật, và Hậu kỳ thuộc về Tả Đạo Mật.
Tạp Mật của thời sơ kỳ: gọi là Tạp Mật vì nó không có giáo lý để thuyết giảng, thành phần nguyên thỉ của Tạp Mật, đa số được mượn từ Vệ-đà. Tạp Mật còn được gọi là “Sự Bộ,” ấy là vì nó chuyên chú trọng cách thức trưng bày sự tướng, nên còn gọi là Mật giáo về “Sự Tướng.” Sự tướng gồm có: 1. Minh chú (Minh chú được bắt nguồn từ chú thuật của kinh Vệ Đà); 2. Du già (Du già vốn là cách tu thiền định Yoga của Tứ Không Định); 3. Hộ ma (Hộ ma vốn cũng là trình bày cách thiêu cúng của Vệ-đà). Mật giáo dùng 3 loại sự tướng này với 3 tác dụng mang tính thần bí, ấy là:
1. Tức tai tỵ họa (chấm dứt tai ương không còn tai họa).
2. Tăng ích chí phước (phước may kéo đến thêm phần ích lợi).
3. Điều phục quỷ thần (chế ngự ác quỷ tà thần).
Mật chú trong Thánh điển Nguyên thỉ:
Căn cứ theo Tứ phần luật, quyển 27 (T.22, tr.754), Thập tụng luật, quyển 46 (T.23, tr.337) chép: Có lần đức Phật trì thiện chú trị bệnh ăn không tiêu, bị độc xà cắn, bị đau nhứt răng, và trị đau bụng.
Kinh Trường A-hàm (Dirghāgama), quyển 12 (T.1, tr.80-81), Kinh Đại Hội, chép rằng: vì để hàng phục chư thiên đã phải sử dụng một số “chú”.
Kinh Tạp A-hàm (Saṃyuttāgama), quyển 9, kinh số 252; Đức Phật hướng về Xá-lợi-phất (Śāriputra) mà nói chú độc xà hộ thân.
Những lời cầu nguyện trong luật II (Vinaya II), Tiểu phẩm (Cullavagga) có ghi lại sự kiện những tỳ kheo sống trong rừng bị rắn độc cắn chết; đức Phật biết được và nói, nếu các Tỳ-kheo ấy đã rải tâm từ đến các loài rắn độc nhất định đã không bị chúng gia hại. Rồi Phật dạy bài kệ với nội dung là những lời ước nguyện, mong cho tâm từ của hành giả lan đến chúa tể các loài rắn độc, các sinh vật không chân, 2 chân, và 4 chân; ước nguyện các sinh loại đều được an lành, không làm hại Tỳ-kheo. Nội dung những lời ước nguyện hay cầu nguyện ấy được gọi là “hộ chú” (parittām-protection).
Kinh Tạp A-hàm cũng ghi lại trường hợp, có những bà mẹ có con trẻ thường hay khóc đêm, đem tới tu viện, đức Phật dạy các Tỳ-kheo tụng Pháp Cú (Dhammapada) cho trẻ nghe: “Nếu ai biết Pháp cú, tự mình hộ trì giới, xa lìa sự sát sanh, nói thật không nói dối, tự bỏ điều phi nghĩa, giải thoát đường quỷ thần.” Tụng xong, trẻ hết khóc, trở nên dễ nuôi, chóng lớn! Những bài Pháp cú như thế cũng được xem như là parittā hay thần chú.
Trung Bộ kinh (Majjhima-Nikāya), kinh số 86: Kinh Vô Não (Angulimāla sutta) ghi lại sự kiện Tôn giả Angulimāla (Vô Não) trên đường đi khất thực gặp một sản phụ khó sanh, đau đớn, nguy kịch, cầu cứu Tôn giả, Tôn giả không biết giải quyết ra sao bèn lập tức về tu viện trình bày với đức Phật. Phật dạy Angulimāla đến đọc cho sản phụ ấy nghe một parittā, như là câu thần chú cứu nguy, với nội dung: “Kể từ khi Angulimāla tái sanh trong Thánh đạo này chưa từng cố ý giết hại một sanh mạng nào, bằng sự thực ấy, ước nguyện sản phụ sinh sản an toàn.” Quả nhiên, sau khi tụng xong, người sản phụ nọ sanh được an toàn, mẹ tròn con vuông.
Kinh Ratnasutta ghi: “Dù trong đời này hay đời khác, hay trên thiên giới, không có tài bảo vi diệu nào sánh với đức Như Lai. Ở đây, Phật là tài bảo tối thắng vi diệu. Bằng sự thực này, ước nguyện tất cả đều được an lành.”
Như vậy, cho thấy việc sử dụng mật chú đã sớm xuất hiện trong Luật và các kinh điển Nikāya và Āgama đều thấy có xuất hiện parittām hay hộ chú như thế. Như vậy, việc sử dụng chú pháp được ghi trong thánh điển của thời kỳ đầu, chủ yếu là để trị bệnh; hàng phục chư thiên, sai khiến quỷ thần; đại khái thì sự xuất hiện của Mật chú so ra có phần muộn hơn.
Kinh điển Đại thừa (Mahāyāna) của thời kỳ đầu, cũng thấy minh chú xuất hiện. Chẳng hạn như “Tức thuyết chú viết” (Gate, gate pāragate, pārasaṃgate bodhiḥ svāha) của Bát-nhã tâm kinh. Đà-la-ni (Dhāraṇī) cũng xuất hiện trong Phổ Diệu kinh (Lalitavistara), Tam muội vương kinh (Samādhirājasūtra), Giải thâm mật kinh (Sandhanirmocanasūtra), Pháp Hoa kinh (Saddharmapuṇḍarīka sūtra), kinh Lăng già (Laṅkāvatārasūtra), kinh Nhân Vương, kinh Lý Thú. Mật chú đối với ngoại đạo, nó được coi trên cả luận lý triết học, và đến thời Trung kỳ của Đại thừa Mật giáo thì chú ngữ cũng được cho là quan điểm triết học cao thâm. Trong “Đại Tỳ Lô Giá Na Thành Phật Kinh Sớ” (tức Đại Nhật kinh sớ), quyển 7 nói: “Tướng chân ngôn này, thanh tự của nó là Thường,” vì là Thường nên không lưu chảy, không có biến dịch. Nó vốn là như vậy, nên không do tạo tác mà thành.” Một khi đã coi Mật chú chân ngôn là thực tướng thường trụ vốn tự nhiên nó là như vậy. Tiến thêm bước nữa khi cho rằng tướng của chân ngôn tức là tướng tịch diệt rốt ráo, và rồi tuỳ theo căn cơ chúng sanh mà biểu thị thành văn tự thế tục. Như có ai đó thường luôn quán tụng chân ngôn một cách thuần thục, thì đó là từ tục sự mà chứng ngộ chơn nghĩa, là dung hợp với thực tướng của các pháp, liền có thể đạt được rốt ráo - tức thành Phật.
Những chân ngôn hay mật chú ấy về sau được tập hợp thành giáo pháp của Chân ngôn tông hay Mật tông. Mật giáo lấy việc quán tụng chân ngôn làm pháp môn chủ yếu để tu trì; do đó, nên gọi là Chân Ngôn tông hay Mật tông trong Phật giáo.
Giải thích từ nguyên:
- Chân ngôn (Mantra) cũng gọi là Đà-la-ni (Dhāraṇī) hay thần chú.
- Chữ Mantra có nguồn gốc từ ngữ căn tiếng Phạn là: “Man” (mind) có nghĩa là tâm; và “tra”, nghĩa là hộ, hộ tâm (mind protection). Như vậy, Mantra có nghĩa là hộ tâm hay công cụ để giữ gìn tâm thức (device for thinking). Tụng niệm Mantra là cách làm cho tâm được tập trung, hướng về hoà nhập với tánh giác.
Những câu Mật chú có tác dụng kỳ diệu không phải vì tính chất thần bí của tự thân, mà vì sức cảm nghiệm của tâm thức. Mật chú tự nó không có thần lực; mà chỉ là công cụ để gom kết những nguồn thần lực sẵn có. Giống như một thấu kính hội tụ, mặc dù bản thân thấu kính không chứa đựng một chút sức nóng nào cả, thế mà nó có thể gom kết những tia nắng mặt trời và chuyển đổi những tia nắng dàn trải lan man đó trở thành một điểm nóng cháy bỏng (Govinda).
Tụng niệm mật chú không dựa trên cơ sở luận biện, vì những ý tưởng và khái niệm lý tính trong luận biện dẫn dắt người ta đi lạc khỏi nguồn mạch trực giác. Mật chú làm cho hành giả phát triển nội quán. Mật chú không hướng tâm thức hành giả đến một đối tượng hay một sở trú nào cả. Hành giả thường xuyên tụng niệm mật chú sẽ làm nội tâm được trong sạch và hướng về chánh giác. Hành giả làm cho đầy tâm thức của mình với âm thanh tụng niệm và nhờ vậy mà những loạn động không còn lối để xâm nhập vào tâm thức được.
Đà-la-ni (Dhāraṇī): có nguồn gốc từ căn động từ tiếng Phạn là dhṛ : Holding, keeping, protecting, preserving, có nghĩa là trì, duy trì, bảo vệ, giữ gìn, ngăn ngừa. Theo Đại Trí Độ luận (Mahāprajñāpāramitā śāstra): Đà-la-ni có nghĩa là duy trì và ngăn ngừa: Duy trì là khéo gìn giữ những thiện pháp không để cho thất lạc, như một cái bình nguyên vẹn có thể chứa nước không để rịn ra; ngăn ngừa là ngăn ngừa những ác pháp không cho phát sinh; nếu có khuynh hướng tạo tác tội ác thì ngăn ngừa không cho tạo tác. Đó là Đà-la-ni.”
Có bốn loại Đà-la-ni, tức là 4 loại tổng trì: Pháp, nghĩa, chú và nhẫn.
- Pháp Đà-la-ni là duy trì những điều học hỏi về Phật pháp, không cho tán thất.
- Nghĩa Đà-la-ni là duy trì yếu nghĩa của các giáo pháp không để cho quên mất.
- Chú Đà-la-ni là duy trì các thần chú không để quên mất.
- Nhẫn Đà-la-ni là an trú trong Thật tướng của vạn pháp không để tán loạn.
Với ý nghĩa này, Mật tông, mà đặc biệt là Mật giáo ở Tây Tạng, đã tiếp thu được cả hai bộ giáo pháp của Phật, Theravāda và Mahāyāna, gìn giữ truyền thống này một cách khá trọn vẹn.
Như vậy, chúng ta có thể nói rằng: Mật giáo được truyền tới Tây Tạng trong bối cảnh lịch sử và xã hội Ấn Độ khá phức tạp giữa TK thứ 6 và đầu TK thứ 7. Lúc đầu chắc chắn gồm đủ cả 3 loại: Tạp Mật, Thuần Mật, Tả Đạo Mật, và khi có được quần chúng tin theo thì Thuần Mật tức Mật Tông được khẳng định. Từ đó Mật giáo được chia thành 4 bộ: Sự Bộ, Hành bộ, Du Già bộ, Vô Thượng Du Già bộ.
1. Sự Bộ: Tức Tạp Mật, còn gọi là Tác Mật, phép tu của Tác Mật là vô tướng Du già, tức chỉ mong làm rõ lý “tánh không”; không mấy chú tâm đến sắc thái thường ngã. Lại gom cả Phật, Bồ-tát, thần, quỷ vào một “nhà” chưa tổ chức nghiêm mật về Thai tạng giới, tuy kết lập đạo tràng, trọng việc thiết cúng, tụng chú, kết ấn, chú trọng nhiều về hình tướng, và vẫn chưa tác pháp quán tưởng.
2. Hành Bộ: Còn gọi là Tu Mật. Mật Bộ này lấy kinh Đại Tỳ Lô Giá Na Thành Phật Thần Biến Gia Trì (tức Đại Nhật kinh) làm chủ, lấy “Trụ tâm phẩm” trong kinh Đại Nhật, ấy là: “tâm Bồ-đề làm nhân, bi (từ bi) làm căn bản, phương tiện làm cứu cánh”, đấy là ba câu làm căn bản. Lại giảng về 10 duyên sinh, gần giống thuyết “tánh không” của kinh Bát-nhã. Nhưng trung tâm của “Bồ-đề tâm” đã nghiên về 4 tướng thường, lạc, ngã, tịnh trong kinh Niết-bàn. Hành bộ lấy Đại bi làm gốc, rồi tuỳ căn cơ chúng sanh mà dùng phương tiện độ thoát. Về mặt thực tại nó biểu hiện nét đặc sắc của Đại thừa Phật giáo.
3. Du Già Bộ: Du Già Bộ phối hợp với phương tiện của Hành Bộ làm cứu cánh mà dung nhiếp thế tục, cho nên Bộ nầy lấy Như Lai là trung tâm của Đại Nhật làm tại gia tướng (thiên nhân tướng), lấy Kim Cang Thủ làm che chở, bảo hộ, tướng xuất gia của đức Thích Ca và các Thánh thuộc hàng nhị thừa, được đặt ở ngoại vi; điều này là do Mạn-đà-la (Mandala, Mật đàn - đạo tràng của phép tu Mật) của Thai Tạng giới và Kim Cang giới, như vậy là rõ ràng. Vấn đề này về mặt lý luận, nhân vì Đại Nhật Như Lai là báo thân Phật, Bổn tôn là hoá thân của Phật Thích Ca, Bổn tôn nên ở trung tâm; điều này trên thực tế bao gồm cả các thần của ngoại giáo, coi các thần của ngoại giáo đều do Bổn tôn phương tiện nhiếp hóa mà hiển hiện. Vì vậy, tất cả thiện thần, ác thần của Ấn Độ giáo đều được Mật giáo nhiếp hóa. Do từ ý niệm hàng phục chuyển thành ý niệm sùng bái, tất cả đều liên hệ và xuất phát từ “tức sự nhi chân” của “sự sự vô ngại”; vì vậy, Bổn tôn cũng gồm cả tướng Bồ-tát tại gia. Về tâm lý, điều này được bị coi là Đại thừa Mật giáo chuẩn bị dọn đường cho tả đạo hóa đại phương tiện
4. Vô Thượng Du Già Bộ: Vô Thượng Du Già là Mật pháp tối cao – tu thành tựu pháp này, thì đấy là tức thân thành tựu quả vị Phật. Do đó, hiện nay ở Tây Tạng, phái Hoàng giáo (Mũ vàng) coi Vô Thượng Du Già là Mật Pháp rất khó tu trì, ít nhất cũng phải qua 15 năm khổ công tu luyện; ngay vị A-xà-lê cũng không dạy nổi. Đây là quan niệm của Hoàng giáo sau khi đã tịnh hóa.
Sự thật thì Vô Thượng Du Già tức là Kim Cang Thừa Pháp, cũng là Mật giáo, tức là đại phương tiện của sự siêu quán hoá thế tục, mà không phải trên bình diện hành vi thực tế. nhưng hành giả nhiều người đã bị lạc lối với phương tiện này.
Vô Thượng Du Già đặt nền tảng trên tinh thần dung nhiếp của đại phương tiện. Trước giờ việc chính yếu là hàng phục ngoại đạo và ác quỷ một cách hiện thực, cũng như làm tịnh hóa cả nội, ngoại thân tâm. Để làm các việc này, điều cần yếu là phải quán tưởng nội tâm, còn việc hàng phục ngoại đạo và ác ma là nhằm giúp các hạng này quy nhiếp về Phật đạo, thực hành Phật pháp; sau cùng mới nhắm đạt đến “tức sự nhi chân”; ấy là quán các thần của ngoại đạo cũng tức là Bổn tôn, Bổn tôn được thế tục hóa thì hành giả Mật thừa cũng lấy sinh hoạt được thế tục hóa làm cứu cánh thanh tịnh. Đấy thuần là dùng tư cách của Bồ-tát thánh vị mà đưa ra lập trường tự xử, tạo thành thục phương tiện tâm quán.
Điều cần yếu là quán tưởng thanh tịnh vốn vẫn là thanh tịnh, từ đó mà quán tưởng Bổn tôn sao cho hiệp nhất được với Bổn tôn. Khi Bổn tôn hiện tướng xuất thế, thì hành giả Mật thừa cũng hành xử theo xuất thế tục sự; và ngược lại rất dễ bị lạc hướng. Một khi lạc hướng gọi là Tả đạo mật giáo, hay Tả đạo Mật giáo cũng nhân đấy mà xuất hiện.
Mật giáo được truyền đến Trung Quốc sớm nhất là trước thời Đông Tấn (317-419). Thời này có ngài Thi-lị-mật-đa-la (Śrīmitra – Cát Hữu), người nước Quy Tư dịch bộ Đại Quán Đảnh thần chú kinh sang Hán văn. Trong thời gian ước khoảng 15 năm, tức từ năm Thái Nguyên thứ sáu (318) đời Vua Hiếu Võ Đế của nhà Đông Tấn đến năm Thái Nguyên 20 (395), có ngài Đàm Lan người Tây vực dịch ra Hán văn các kinh: Thời khí bệnh kinh, Chú xĩ kinh, Chú mục kinh, Chú tiểu nhi kinh, Thỉnh vũ chú kinh, Chỉ vũ chú kinh, Chú thuỷ kinh v.v… và nhiều kinh điển Mật giáo khác. Vì thế mà chú thuật hình thành và rất thịnh nữa là khác. Điều này không lấy gì khó hiểu, bởi Mật giáo với chú thuật của Đạo giáo tương thông nhau và người dân Trung Quốc vốn có khả năng hiểu rõ chú thuật và như vậy, Mật giáo được gọi là Tạp Mật, vì nó không còn giữ tính thuần tuý Mật giáo. Đà-la-ni và Mật pháp được truyền vào xã hội Trung Quốc, thì Mật giáo trở thành tín ngưỡng mà dần dà ngấm sau vào tâm hồn người dân. Không chỉ có vậy, người Trung Quốc ngoài việc dung nạp Mật giáo, mà còn làm cho Mật giáo lớn mạnh và đạt đến thuần tuý, đồng thời đặt cơ sở cho sự phát triển.
Dưới đời Đường có các ngài như: Thiện Vô Uý (Subhakarasiṃha), Kim Cang Trí (Vajrabodhi) và Bất Không (Amoghavajra) đến trung Quốc. Nhân đó, đương thời gọi các ngài là “Khai nguyên tam đại học sĩ”. Các vị này giúp Mật giáo tại trung Quốc có giáo lý, có nghi quỹ và Mạn-đà-la v.v… các ngài hoàn thành việc tổ chức hóa và hệ thống hóa Mật giáo và lập nên Mật tông phát triển mạnh ở Trung Hoa.
Vị đầu tiên là Thiện Vô Uý (Subhakarasiṃha-637-735), xuất thân từ vương tộc của nước Ma-kiệt-đà tại Ấn Độ. Do nội loạn nên ngài xuất gia, và thờ ngài Đạt-ma-cúc-đa (Dharmagupta) của Chùa Na Lan Đà làm thầy và tu học Mật giáo. Sau khi được truyền thọ ấn khế, ngài du hành qua các địa xứ thuộc khu vực Trung Á Tế Á. Khai nguyên năm thứ tư, đời vua Đường Huyền Tông, ngài đến Trường An và được vua Đường hoan nghênh. Vua mời ngài ở lại nội cung để tu hành phép Chân ngôn của Mật giáo; tại đây, ngài dịch bộ Đại Nhật kinh gồm 7 quyển. Cùng lúc ngài cũng khẩu thuật để vị đệ tử người Hoa là Nhất Hành (673-727) biên tập thành bộ Đại Nhật kinh sớ gồm 20 quyển. Hai bộ mật điển này được giới tu Mật pháp của Trung Quốc trọng thị và coi đó như là thánh điển căn bản của Chân ngôn Mật giáo.
Vị thứ hai là Kim Cang Trí (Vajrabodhi – 663-723), người Nam Ấn Độ và cũng theo học Mật giáo tại Na Lan Đà cùng với Thiện Vô Uý. Lúc Thiện Vô Uý đến Trung Quốc vào năm Khai Nguyên thứ tư, thì năm thứ tám ngài theo đường biển Nam hải đến trung Quốc và hoằng dương mật giáo tại Lạc Dương vào năm 720 và Trường An, ngài cùng với Nhất Hành và Bất Không hiệp lực dịch bộ Kim Cang Đảnh Du Già trung lược xuất niệm tụng kinh cùng một số kinh điển Mật giáo khác. Cũng đã có nhiều người tuân theo các mật điển để tu tậpqua hiện thực ứng dụng và cũng biểu hiện những linh nghiệm trác tuyệt. Nhờ đó mà Mật giáo được các hàng vương công, đại thẩntên dưới đều kiền thành quy y. Đấy là do hai ngài Thiện Vô Uý và Kim Cang Trí dốc hết tâm sức hoằng truyền Mật giáo. Đến thời của Bất không Tam tạng - đệ tử của Kim Cang Trí thì Mật giáo tại Trung Quốc đạt đến đại thành.
Bất Không (Amoghavajra, 705-774), đệ tử xuất sắc của Kim Cang trí, người Bắc Ấn, thọ Sa-di năm 15 tuổi và đến Quảng Đông cùng với thầy, là người mà ngài theo hầu đến tận Lạc Dương, và thọ Đại giới năm 20 tuổi, trong 12 năm, ngài thâm hiểu cả giáo tướng và sự tướng của Mật giáo. Sau khi Kim Cang Trí viên tịch, vì muốn cầu Mật điển bằng Phạn ngữ, ngài xin vua đi Tây truc. Những người cùng đi có hàm Quang, Huệ Biện v.v… Họ xuất phát tại Quảng Châu, để đến được Ấn Độ, họ phải đi qua nhiều địa xứ. Khi đến Ấn Độ họ chú tâm nghiên cứu Mật giáo. Cuối cùng, vào năm Thiên Bảo thứ 5 (746), đời vua Đường Huyền Tông, họ về lại trường An mang theo 1200 quyển Mật điển Phạn văn.
Bất Không là Quốc sư ba triều Vua: Huyền Tông, Túc Tông và Đại Tông. Ngài dịch cả thảy 110 bộ kinh, gồm 143 quyển trong đó có bộ quan trọng nhất là Kim Cang Đỉnh Nhất Thiết Như Lai Chân Thật Nhiếp Đại Thừa Hiện Chứng Đại Giáo Vương Kinh (T.18, No.0865), ngài lấy kinh Kim Cang Đỉnh làm nền móng để khai triển Trí Pháp Giới của tín ngưỡng Văn Thù (Mañjuśrī), lấy Ngũ Đài Sơn làm đạo tràng căn bản cho Mật giáo, lấy việc kết hợp mối quan hệ quyền lực quốc gia làm cho Mật giáo mạnh lên. Vì vậy, năm Đại Lịch thứ 7 (772), vua Đường Đại Tông lệnh tất cả các chùa trong cả nước phải kiến lập viện Văn Thù Sư Lợi Bồ-tát và phải thờ thánh tượng Văn Thù. Vua đồng ý chọn Ngũ Đài Sơn làm trung tâm để thực hiện tư tưởng Kim Cang Giới Mạn-đà-la. Đương thời, người Trung uốc coi trọng Đạo giáo, đấy cũng là lý do giúp cho Mật giáo chóng đi đến toàn thịnh.
Trong những môn hạ của Bất Không có Hàm Quang là người tận lực vì sự nghiệp Mật giáo ở Ngũ Đài Sơn.
Nhất Hành (783-827) đệ tử của Thiện Vô Uý, tinh thông về Tam luận, Thiền, Thiên Thai và lịch số, từng giúp Thiện Vô Uý dịch kinh Đại Nhật. Nhờ nghe thầy giảng Nhất Hnàh trước tác một bản sớ về kinh này, gọi là Đại Tỳ-lô-giá-na thành Phật kinh sớ (T.39, No.1796). Nhất Hành theo học với cả hai pháp sư Ấn Độ, Thiện Vô Uý và Kim Cang Trí và được cả hai truyền cho các nghi quỹ về Kim Cang Giới (Vajradhātu) và Thai tạng Giới (Garbhakośa hay Garbhakukṣi).
Ngoài ra còn có một nhân tài kiệt xuất khác đó là Huệ Quả. Lúc Hoằng Pháp đại sư Không Hải đến Trung Quốc lưu học, ngài gặp sư tượng Huệ Quả. Không Hải theo hầu Huệ Quả và được truyền hai Bí Mật Đàn Nghi Ấn Khế là Kim Cang Giới và Thai Tạng Giới. Nhân đó mà sau này Mật giáo được truyền đến Nhật bản nhờ nơi bàn tay tài tình của Hoằng Pháp Đại Sư Không Hải. Cao Dã Sơn (Kōyasan), trung tâm học tập Mật giáo, được cho rằng có đến 990 ngôi chùa trong thời kỳ hưng thịnh nhất. Tại Nhật Bản, Mật giáo phát triển thành tông Chân Ngôn một cách kỳ diệu. Hoằng Pháp Đại Sư là Tổ sư của Chân Ngôn Tông Nhật Bản.
Giáo nghĩa Mật giáo:
Chân ngôn tông tự cho là duy nhất bí truyền trong lúc các tông khác được xem như là công truyền. Sự phân biệt giữa hai giáo lý Mật và Hiển là do nơi luận giải về Pháp thân của Đức Phật. Theo Hiển giáo, Pháp thân là thể tính nên không hình-danh-sắc tướng, không thuyết pháp; trong lúc theo giáo lý bí truyền của Mật tông thì đức Phật hóa thân thuyết pháp tự thân đã là Pháp thân và có đủ hình tướng sắc danh và có thuyết pháp. Những lời dạy của ngài được ghi trong Đại Nhật kinh và Kim Cang Đỉnh kinh. Thêm vào đó, Hiển giáo cho rằng nhân duyên của Phật có thể giải thích được từng phần những gì Mật giáo không thể giải thích bằng cách nào được. Trạng thái bất khả tư nghị của Phật quả lại được ghi lại trong các kinh điển bí truyền kể trên.
Còn về thời gian để tự chứng được Phật quả thì Hiển giáo cho rằng phải trải qua ba a-tăng-kỳ kiếp trong lúc Mật giáo quan niệm chỉ cần một niệm hay cùng lắm thì một đời là đủ, và quả quyết chính tự thân này của chúng ta sẽ thành Phật. Trong tông phái Hiển giáo, Tam tạng kinh điển là chỗ y cứ, trong lúc Mật giáo chú trọng hình thức nghi lễ hơn.
Mật chú (Mantra) là nguồn để đạt được năng lực gia trì của Phật. Nếu chúng ta nói về sự thuyết pháp của pháp thân và tính cách có thể giải thích của quả báo, thì chúng ta có thể nói thế, vì rằng tất cả giáo thuyết đều do chính đức Phật tuỳ ý giảng nói, hay đúng hơn, chúng ta phải nói rằng, đó là sự thuyết pháp vô ngôn để ngài tự hưởng thọ pháp lạc.
Theo Hiển giáo, những lời dạy của đức Phật thì hoàn toàn ứng theo sự hấp thụ của chúng sanh, còn chính Pháp thân thì bất khả tri và ngay cả Phật quả cũng hoàn toàn không thể biện giải. Do đó, không có sự thuyết pháp của Phật thân. Chân ngôn tông, ngược lại, quả quyết rằng đức Phật không có “nắm tay giữ bí quyết” mà ngài biểu lộ bằng chính tay ngài, và ngài thường trụ thuyết pháp nhưng vì thính chúng không có tai tuệ giác để nghe và không có trí để hiểu.
Tam mật về thân, khẩu, ý của đức Phật sẽ vĩnh viễn là bí mật nếu không có phương tiện dẫn độ như vậy phải bắt đầu từ gia trì lực (adhiṣṭhāna) chứ không do nổ lực hữu hạn của hành giả. Phương tiện đó cũng chỉ là biểu hiện của năng lực bí mật, có thể được bộc lộ qua ba nghiệp của chúng sinh: thân, khẩu, ý. Theo nghi quỹ, phương tiện dẫn độ có ba thứ: 1. Tay kiết ấn khế (mūdra), và những cử chỉ khác của thân; 2. Miệng tụng Chân ngôn đà-la-ni (dhāraṇī) và những lời cầu nguyện khác; 3. Tâm nhập bản tôn tam-ma-địa, tương ứng với 3 nghiệp của chúng ta. Do đó, qua nghi quỹ vừa kể, chúng ta có thể biết được cảm ứng toàn vẹn của đức Phật và chúng sinh từ đó đạt được kết quả “Phật trong ta, ta trong Phật” (nhập ngã, ngã nhập); từ đó, thực hành về giáo tướng của Phật quả khả đắc ngay nơi nhục thân này.
Đại Tì-lô-giá-na (Mahāvairocana), là danh hiệu đức Phật Đại Nhật theo Phạn văn, có lẽ khác biệt với đức Phật Thích-ca-mâu-ni nhưng nếu nghiệm theo mật nghĩa, thì Thích-ca cũng chính là Đại Nhật; còn Bồ-tát Phổ Hiền (Samantabhadra), thị giả tiền kiếp của đức Thích-ca-mâu-ni, thì trở thành Kim Cang Thủ (Vajrapāṇi) thị giả của đức Đại Nhật. Và ngay cả đức Phật huyền mật kia cũng có đến hai thân, thường được tượng trưng bằng hai vị Phật riêng biệt
Trong Phật giáo, một vị Phật, lâu đời đến bao nhiêu và có nhân duyên trọng đại đến mấy, vẫn là một cá thể, bởi vì trí tuệ viên mãn là sự viên mãn của nhân cách, và nhân cách đó là Phật. Sự viên mãn nhân cách được trang nghiêm bởi Ba-la-mật là Trí pháp thân. Phật tính về mặt tĩnh vốn có sẵn đầy đủ như nguồn sáng vĩ đại (Kim Cang Giới) và là Đại Nhật của Kim Cang Giới. Chúng ta vẫn chưa nhận thức rõ ràng là năng lực sinh động tỏa sáng khắp nơi, như hơi ấm hay tình thương, bao giờ cũng ấp ủ tất cả chúng sinh hiện hữu trong thế giới Thai tạng. Do đó, Lý pháp thân, được mô tả như là tính giới, tức là vũ trụ tự thân, phải được thắp sáng và đón nguồn sáng của trí tuệ viên mãn. Đức Phật đã thành tựu đến chỗ “lục đại vô ngại”: địa, thuỷ, hỏa, phong, không và thức; và là đức Phật Đại Nhật của Thai Tạng Giới. Những danh hiệu kỳ dị như Kim Cang Giới và Thai Tạng Giới chỉ có đặc tính bất diệt của trí tuệ cá thể, hoặc cũng gọi là cảnh giới của quả và căn nguyên bản hữu của mọi loài.
Hai hình thái này của Phật hoàn toàn khác nhau. Đó là tĩnh và động dành cho nhân cách của Phật dựa trên sự biểu hiện năng lực gia trì của Ngài. Nhìn từ nơi cương vị chứng ngộ trí tuệ viên mãn của ngài., thì đức Phật của cảnh giới bản hữu là tĩnh và do đó có “định ấn”, trong lúc đức Phật của cảnh giới trí tuệ là động, do thật chứng lý tưởng và có “trí ấn”. Thí dụ có một cá thể tự phát triển và chứng ngộ và tiến xa đến chỗ thể nhập vào lý tính vũ trụ, cá thể đó sẽ là Phật Đại Nhật của Kim cang giới.
Lại nữa, khi vũ trụ tự nó được rọi sáng và tiếp nhận nguồn sáng của trí tuệ, thì người đó sẽ là đức Đại Nhật của Như Lai tạng hay Thai tạng giới.
Như thế, ta có đến hai đức Phật cùng đồng danh hiệu; khác nhau qua biểu hiện nhưng giống nhau trong bản chất. “Hai mà không hai”. Khi lục đại giao tréo nhau (theo không gian), chúng tạo thành vũ trụ pháp thân của Thai tạng giới. Khi lục đại được sắp xếp theo chiều dọc (theo thời gian), chúng ta có năm uẩn tạo thành một cá thể, tức Phật thân của Kim cang giới. Nói theo Mật giáo, hai nhân cách viên mãn cứu cánh phải là một, cùng có chiều rộng và chiều cao như nhau.
Để diễn tả môi trường hoạt động của hai đức Phật đó, một đồ thị hình tròn (Mạn-đà-la) được tạo ra cho mỗi vị
Mạn-đà-la có hai bộ là Thai Tạng Giới và Kim Cang Giới. Kim Cang Trí và Bất Không chủ yếu chỉ truyền Kim Cang Giới. Dù cả hai đều là “bản lai bất nhị”. Gọi là Thai Tạng Giới và Kim Cang Giới cũng đều nhằm biểu hiện “pháp duy nhất” trong mối quan hệ từ bên trong. Thai Tạng Giới Mạn-đà-la mà trung ương là Đại Nhật Như Lai; ngoài bốn phương còn có bốn vị Phật. Bốn vị Phật này gọi là ngoại bộ, được phối trí với 414 Tôn. Kim Cang Giới Mạn-đà-la được chia ra chín bộ, để thành chín hội, mỗi hội được phối trí với chư Tôn. Có 1461 Tôn. Sở dĩ vậy nên gọi là Mật giáo. Có thể nói Mật giáo là một dạng Khoa học Siêu hình học (Metaphysical science). Trước giờ chư Phật của mật giáo và chư Tôn, cả chư Tôn và chư thiên của ngoại giáo đều đặt vào giữa; ngay cả pháp khí đạo cụ dùng trong phép tu cũng bao nhiếp vào trung ương. Sở dĩ phải như vậy, là do ngại rằng cảnh giới sau khi khai ngộ, tất cả sự vật được nhìn thấy trước mắt phải tuyệt đối hiển hiện đều bình đẳng và viên mãn; cũng có thể nói, ngoài Đại Nhật như Lai không còn có vị Phật nào khác.
*