Đạo Mẫu là một tín ngưỡng dân gian Việt Nam thờ các nữ thần (thường gọi là các Thánh Mẫu). Đạo Mẫu là một phần quan trọng trong hệ thống tín ngưỡng dân gian và bản sắc dân tộc của Việt Nam. Đạo Mẫu được thờ tại các đền, phủ. Ở miền Bắc Việt Nam, hầu hết các chùa cũng có bàn thờ Mẫu (Tiền Phật, hậu Mẫu).
Lịch sử và phát triển
Nguồn gốc lịch sử của đạo Mẫu không được ghi lại rõ ràng trong sách vở. Có người cho rằng nó có nguồn gốc từ thời tiền sử, khi người Việt thờ các thần linh thiên nhiên, các thần linh này được kết hợp lại trong khái niệm Thánh Mẫu hay Nữ thần Mẹ. Theo thời gian, khái niệm Thánh Mẫu được mở rộng để bao hàm cả các nữ anh hùng trong dân gian - những người phụ nữ có thật nổi lên trong lịch sử với vai trò người bảo hộ hoặc trị bệnh. Những nhân vật lịch sử này được kính trọng, tôn thờ, và cuối cùng được thần thánh hóa để thành một trong các hiện thân của Thánh Mẫu.
Ngô Đức Thịnh phân chia sự phát triển của đạo Mẫu thành các giai đoạn:
1. Thờ các nữ thần thiên nhiên riêng biệt. Các nữ thần này là các tinh thần thiên nhiên và không có đặc điểm của con người, đặc biệt là đặc điểm của người mẹ.
2. Thờ các Thánh Mẫu. Các nữ thần này đã có đặc điểm của người mẹ. Ví dụ Mẹ Âu Cơ, mẹ của dân tộc Việt.
3. Thờ Thánh Mẫu tam phủ-tứ phủ. 3 hay 4 "Phủ" ở đây không phải là số đơn vị xây dựng như "đền", "phủ", mà là 3 hay 4 thành tố của vũ trụ: Trời (Thiên phủ), Đất (Địa phủ), Nước (Thủy phủ/ Thoải phủ), Núi rừng (Nhạc phủ).
Nghi lễ thờ cúng
Các vị thần trong đạo Mẫu phản ánh các phẩm chất của một người Mẹ vừa thần thánh lại vừa con người. Đạo Mẫu không chú trọng vào cuộc sống sau khi chết, nó quan tâm đến cuộc sống hiện tại và câu hỏi làm thế nào để người ta có thể đạt được một cuộc sống hạnh phúc và đầy đủ trên trần gian.
Điều đó thể hiện trong các cầu nguyện và kinh lễ. Các bài kinh lễ là các bài hát về nhiều điều mà người ta mong muốn trong cuộc sống hàng ngày: thời tiết tốt cho mùa màng, sức khỏe cho mọi người, hạnh phúc, tiền tài, v.v.. Nội dung của các bài kinh lễ đơn giản và dễ hiểu, điều này rất khác so với nội dung kinh lễ các tôn giáo khác như Phật giáo hay Kitô giáo.
Đạo Mẫu có các nghi lễ tổ chức theo Âm lịch với các tín đồ và nhiều người đi lễ tham gia. Các nghi thức hành lễ không được đào tạo chính thức mà chủ yếu được truyền khẩu từ đời này qua đời khác. Nghi lễ phổ biến nhất là lên đồng (hay còn gọi là hầu bóng). Trong nghi lễ này, người ta tin rằng linh hồn của các vị thần sẽ nhập vào người lên đồng, linh hồn này được vời đến để nghe lời cầu nguyện của người đi lễ. Trong các nghi lễ, phụ nữ thường đóng vai trò chính, người lên đồng cũng thường là phụ nữ (bà cốt), đôi khi mới do nam giới đảm nhận (ông đồng).
Các giá đồng (các điệu múa linh thiêng) là một phần quan trọng của nghi lễ. Có 72 giá đồng, bao gồm giá các quan lớn, giá các cậu, giá chầu bà, giá các cô,... Trong buổi lễ, các giá đồng được biểu diễn cùng với hát văn (hay chầu văn). Hát văn là một thể loại hát nói (vừa hát vừa nói). Hát văn do người đồng biểu diễn cùng với dàn nhạc cung văn. Người ta nói rằng, chầu văn tạo nên một khung cảnh và âm nhạc tâm linh để giúp cho người đồng nhập vào vai mới và gắn kết với những con người và nơi chốn ở bên ngoài thế giới địa phương của họ.
Đạo Mẫu có hai dịp lễ hội quan trọng: "Tháng Tám giỗ Cha, tháng Ba giỗ Mẹ", Đức Vua Cha Bát Hải Động Đình ( tại Đền Đồng Bằng xã An Lễ, Quỳnh Phụ) và Liễu Hạnh Công chúa (Mẹ). Ngoài ra, người đi lễ có thể đến các phủ đền vào các ngày mùng Một hoặc ngày Rằm (âm lịch) hàng tháng, dâng đồ cúng lễ để tạ ơn và cầu khấn.
Thánh Mẫu Liễu Hạnh (Liễu Hạnh Công chúa): Thánh Mẫu Liễu Hạnh được cho là công chúa của Ngọc Hoàng Thượng đế, do lỡ tay làm vỡ chén ngọc mà bị đày xuống trần làm con gái nhà họ Lê (ở Phủ Giầy thuộc tỉnh Nam Định) vào năm 1557. Dưới trần thế, bà có cuộc sống ngắn ngủi, lấy chồng và sinh con năm 18 tuổi và chết năm 21 tuổi. Do bà yêu cuộc sống trần tục nên Ngọc Hoàng cho bà tái sinh lần nữa. Trong kiếp mới, bà du ngoạn khắp đất nước, thưởng ngoạn phong cảnh thiên nhiên, gặp gỡ nhiều người. Bà thực hiện nhiều phép mầu, giúp dân chống quân xâm lược. Bà trở thành một lãnh tụ của nhân dân và thậm chí bà còn tranh đấu với vua chúa. Do đức hạnh của bà, nhân dân đã lập đền thờ bà ở nhiều nơi như: Phủ Giầy, phủ Tây Hồ, Đền Sòng... Bà đã được thánh hóa và trở thành một vị Thánh Mẫu quan trọng nhất và một hình ảnh mẫu mực cho phụ nữ Việt Nam. Cho dù cuộc đời của bà được giải nghĩa theo cách nào, Liễu Hạnh đã trở thành biểu tượng cho sức mạnh của phụ nữ. Bà tách mình ra khỏi Khổng giáo với quan niệm trọng nam khinh nữ. Bà nhấn mạnh vào hạnh phúc, quyền tự do đi lại và độc lập tư tưởng. Vừa được kính sợ vừa được yêu mến, các nguyên tắc của bà về trừng phạt kẻ xấu và ban thưởng người tốt cũng đã gửi một thông điệp về sự bảo vệ và hy vọng vào công bằng xã hội cho nhân dân trong thời loạn lạc của các thế kỷ 17-19. Vừa là thần tiên vừa là người (con gái, vợ, mẹ), Liễu Hạnh chia sẻ vui buồn với những người trần tục. Bà được coi là vị thần cảm thông và độ lượng nhất. Bà trở thành một trong các vị thần của Đạo Mẫu và nhanh chóng được nâng lên vị trí quan trọng nhất, cai trị các vị thần ở dưới và thế giới con người.
HOÀNG TỬ JANG SƯU TẦM