HÀNH TRÌ THIỀN- MẬT- TỊNH
Trì là gìn giữ. Chú là Tâm. Trì Chú là gìn giữ cái tâm của mình cho thanh tịnh trong sạch, không vọng tưởng, không chạy theo trần cảnh.
Niệm là nhớ. Phật là Tâm. Niệm Phật cũng lại là nhớ gìn giữ cái tâm của mình cho thanh tịnh trong sạch, không vọng tưởng, không phan duyên chạy theo trần cảnh.
Thiền Chỉ là ngưng cái tâm vọng động, Thiền Quán là quán xét cái tâm. Không để nó chạy lung tung theo trần cảnh, mà thường chÍnh niệm tỉnh giác mọi lúc mọi nơi.
Các pháp thực hành tuy có khác biệt, nhưng kỳ thật cũng là tu Tâm, đưa đến giác ngộ và giải thoát.
Trì Chú hay Niệm Phật, Tụng Kinh, phải cho rành rẽ phân minh, tiếng duyên theo tâm, tâm duyên theo tiếng, tiếng và tâm hợp nhất. Không mong cầu điều gì, không nghĩ ngợi điều gì, không phan duyên theo trần cảnh, cứ miên mật tiếng duyên tâm, tâm duyên tiếng, mỗi chữ mỗi câu đều chính niệm phân minh rành rẽ. Đó mới gọi là Trì Chú Niệm Phật.
Nếu miệng niệm mà tâm không niệm, tâm chỉ lo những việc khác, phan duyên theo trần cảnh thì có ích gì.
Trì Chú, Niệm Phật, Tụng Kinh,Tham Thiền, cốt là để Trì Tâm, Niệm Tâm, Quán Tâm, nhiếp tâm, chứ đâu phải là để phan duyên theo trần cảnh như thế tục hằng ngày.
Nói Linh Ứng là không do ai mang tặng cho ta cái gì, mà chính do nhờ cái Tâm Lực Dụng Công của mình mà khiến cho ta trở về được với Tâm Tính Bản Lai của mình.
Miên Mật Trì Chú, Niệm Phật, Tụng Kinh, Tham Thiền thì cảm được cái Tâm Tính Bản Lai hiện rõ ràng. Khi trở về Chân Tâm Tự Tánh thì diệu dụng của Chân Tâm sẽ tự hiện bài. Chân Tâm là Thể, Trí Tuệ chiếu soi là dụng.
Tự Lực là do mình miên mật dụng công trì chú, niệm phật, tham thiền lâu ngày thành khối, nhất tâm, kiến tính, trở về bản tính.
Tha Lực là do Tâm Tính Chân Như của mình, một khi đã trở về chân tính thì các diệu dụng của chân tính sẽ tự hiển bài. Tính Phật của mình thường nhiếp thọ mình. Chư Phật đồng một thể Tính, do vậy chư Phật đồng hộ niệm mình, tức là Tính Giác của mình thường hộ niệm nhiếp thọ mình mà mình không hay biết, một khi tu tập trở về Tính Giác ấy mới hay Tính Giác ấy không lúc nào xa mình.
Do vậy mà Kinh Lăng Nghiêm nói: "Phật luôn nghĩ nhớ chúng sinh như mẹ nhớ con, nếu con trốn tránh nào có ích gì. Nếu con nhớ mẹ như mẹ nhớ con, thì đời đời mẹ con không xa cách". Nghĩa là Tính Phật mình luôn ở bên mình như mẹ nhớ con, nhưng chúng ta đâu có bao giờ nhớ biết Tính Phật của mình, chỉ phan duyên theo trần cảnh. Khi nào chúng ta tu tập Trì Chú Niệm Phật Tụng Kinh, Tham Thiền để trở về với Tính Phật của mình thì Tính Phật và mình đâu có bao giờ xa cách vì là một.