Yếu tính của Phật pháp là sự vận hành diệu dụng của từ bi và trí tuệ. Cho nên, Phật pháp trước hết là ngôi nhà dưỡng lão, là viện cô nhi, là trại tế bần. Điều này được theo cả ý nghĩa tượng trưng, và cả sinh hoạt thực tiễn.
Chúng đệ tử của Phật, do xu hướng sinh hoạt đời thường khác nhau, nên phân thành hai, tại gia và xuất gia. Rồi lại do tính phái dị biệt nên chia thành bốn. Dù hai chúng, hay dù bốn chúng, các đệ tử đều có chung một Thánh đạo để đi, có chung một cứu cánh Niết-bàn để đạt đến.
Thủa xưa, khi thế giới này mới thành hình, khi mặt đất này chưa xuất hiện sinh vật, tổ tiên của loài người là những chúng sinh sống trong cõi Quang âm thiên, hay Cực quang thiên. Các chúng sinh ấy phi hành trong không gian theo tốc độ ánh sáng, tồn tại với thức ăn hỷ lạc do tầng số dao động của ánh sáng tạo nên. Cho đến khi chúng bị hút xuống mặt đất, mất khả năng di chuyển theo ánh sáng, phải nếm vị của đất làm thực phẩm, để rồi thân thể càng lúc phì đại. Thoạt kỳ thủy, chưa có sự phân biệt tính phái.
Sinh vật nguyên thủy ấy nếm vị đất làm thức ăn ; quá trình tiêu hoá, hấp thu, bài tiết, diễn thành những chu kỳ tiếp nối, dần dần tổng hợp thêm nhiều loại thức ăn mới. Giai đoạn tổng hợp cuối cùng, đó là lúa gạo. Và cũng sẽ còn nhiều tổng hợp tương lai nữa. Phù hợp với quá trình tổng hợp thức ăn, thân thể của chúng sinh cùng theo đó mà tiến hoá. Cho tới một lúc, sự phân biệt tính phái xuất hiện. Từ phân biệt tính phái dần dần tiến tới phân biệt chủng loại, chủng tộc, dân tộc, và đẳng cấp. Đó là hình thái tiến hóa tất nhiên của xã hội loài người.
Khi Phật thuyết kinh này, chỉ lại quá trình tiến hoá và phát triển của xã hội, Ngài muốn giải thích cho các đệ tử hiểu rõ rằng mọi phân biệt trong thế gian, những mâu thuẫn tranh chấp giữa các cộng đồng xã hội, và dân tộc, chỉ là hệ quả do tác động bởi các môi trường sống, môi trường thiên nhiên và môi trường xã hội. Nói cách khác, là do những tương tác giữa các biệt nghiệp và cộng nghiệp. Điều đó không chỉ khai thị ý nghĩa rằng tất cả mọi dân tộc, bất kể khác nhau trong quá trình tích lũy sở hữu vật chất như thế nào, thảy đều bình đẳng trong phẩm chất như là con người; thêm nữa, điều đó còn khai thị ý nghĩa rằng tất cả chúng sinh đều bình đẳng trong thể tánh.
Qua nội dung lược thuật từ một đoạn kinh như trên, ở đây tạm thời chúng ta có thể nói rằng, trên căn bản tư tưỏng và nhận thức như vậy, Phật tử hành đạo giữa đời thường mà không hề thấy tự mình cách ly và mâu thuẫn với người đời. Nhận xét này có lý do của nó.
Từ trước, trong xã hội Việt nam, tu Phật đồng nghĩa xa lánh mọi sinh hoạt thế gian. Nhiều người bà con lớn tuổi của tôi, rất tin Phật và rất thường xuyên đi chùa lễ Phật, nhưng lại nói, chưa dám quy y Phật, vì còn ham uống rượu, và còn ham nhiều thứ khác nữa.
Nói thế thì các chúng đệ tử của Phật đều là các vị Thánh hết, vì chẳng ai còn tham, sân, si; chẳng còn ham muốn vật chất gì nữa. Nhưng, kinh nói, Phật pháp như thuốc. Tùy bịnh mà cho thuốc. Hết bịnh, không còn cần đến thuốc.
Cho nên, không ai nói rằng chờ tôi lành bịnh rồi sẽ vào nằm bịnh viện. Trong ý nghĩa đó, chúng ta hẵn không ngạc nhiên khi phải nhận xét rằng, giáo lý của Phật cao siêu như thế mà sao các đệ tử Phật sống chẳng cao siêu chút nào. So sánh một cách tượng hình, nói thế thì cũng như nói rằng, bịnh viện kia hay thế, nhiều bác sỹ giỏi thế, mà sao con bịnh lại càng ngày càng đông, không ít đi chút nào.
Chúng ta có nguỵ biện quá chăng, khi so sánh như vậy? Về nghĩa lý thì không ngụy biện, nhưng trong thực tế thì có ngụy biện đấy. Thực tế có ngụy biện, vì qua thực tế có một bộ phận tại gia cũng như xuất gia tự nhận là đệ tử Phật nhưng sống bê tha, thác loạn, tiêu chuẩn đạo đức còn dưới những người không tin Phật; hoặc viện dẫn kinh điển để biện hộ cho sự suy thoái nhân cách của mình.
Trường hợp này có thể so sánh con bịnh đến bịnh viện mà không chịu tuân theo quy tắc điều trị của bác sỹ; tự mình ăn uống, ngủ nghỉ, làm theo ý thích của mình; nhưng lại chê trách bịnh viện chữa trị không hiệu quả; bịnh càng tăng chứ không hề thuyên giảm.
Tuy vậy, bịnh viện cũng vẫn thấy có phần trách nhiệm, vì đã không chăm sóc bịnh nhân đúng mức, và nhất là không có biện pháp nghiêm khắc khi cần thiết phải nghiêm khắc.
Điều cũng nên lưu ý ở đây là, các thí dụ nêu trên chỉ có ý nghĩa tùy theo chỗ áp dụng, hoặc cho chúng xuất gia, hoặc cho chúng tại gia. Trong sự hành trì giới luật, chúng xuất gia nếu phạm giới thì có thể bị trị phạt, hoặc có thể bị tẫn xuất. Điều khoản giới luật của người xuất gia khá nhiều; không có điều vi phạm nào mà không có những quy định trị phạt kèm theo.
Giới tại gia ít hơn; chỉ năm hoặc tám giới thôi. Thực tế so với người xuất gia thì tại gia vi phạm học giới của mình rất thường xuyên hơn, nhưng chỉ được khuyên bảo là nên sám hối để nghiệp chướng mỏng dần đi thôi, chứ không có hình thức trừng phạt nào cả.
Trong liên hệ này, chúng ta có thể nhắc lại thí dụ về bịnh viện. Một bịnh viện, hay bác sỹ có lương tâm, không từ chối bất cứ con bịnh nào. Ngay cả khi không còn hy vọng cứu chữa, bác sỹ vẫn cố tạo cho bịnh nhân hy vọng sẽ được cứu chữa. Đó là tình yêu trong chức nghiệp. Đức tính từ bi được thể hiện trong những lời dạy của Phật cũng vậy.
Tất nhiên ở đây chúng ta không nói quá lời để binh vực các Cư sĩ tại gia tin Phật nhưng thiếu nghị lực, giải đãi, sống phóng đãng mà không hề có chút phản tỉnh.
Dù sao, nhìn trên bề mặt, người tại gia hành đạo có khó hơn xuất gia, bởi vì phải sống ngay giữa dòng xoáy ô trược, thường xuyên bị vị ngọt của thế gian hấp dẫn. Sự khó khăn này là nói theo khoảng thời gian để thành tựu cứu cánh, sớm hay muộn khác nhau.Khó, vì thời gian thành tựu quá dài.
Trên đại thể, sống tại gia hay xuất gia, chỉ do căn tánh dị biệt, cơ duyên sai biệt, chớ không vì chỗ này khó tu hơn chỗ kia. Trong thời đức Phật, nhiều vị xuất gia, kể cả Ngài A-nan, tất nhiên có rất nhiều thuận duyên để tu tập, nhưng chỉ mới chứng được sơ quả, là quả Thánh mà các Cư só như Ông Cấp Cô Độc, Bà Tỳ-xá-khư và nhiều Cư sĩ khác nữa chứng đắc không mấy khó khăn. Còn những người tại gia khác như Thủ Trưởng giả ở Tỳ-da-ly, hay Úc-già ở Tượng thôn, tuy sống tại gia, lại đắc quả trong Thánh đạo còn cao hơn ngài A-nan.
Vậy thì, vấn đề không phải ở chỗ khó hay dễ, giới nhiều hay giới ít, mà chính là thành tựu mục đích cứu cánh. Trong ý nghĩa đó, tại gia hay xuất gia đều bình đẳng trong Thánh đạo. Xuất gia nếu để rơi mất tâm bồ đề, thì dù về hình thức có nói là đang hành Phật sự nhưng thực chất là đang tu theo ma nghiệp. Tại gia tuy sống và làm việc theo thế gian, nhưng làm với tâm bồ đề, thì tất cả thế gian pháp đều là Phật pháp. Kinh chữ Hán nói, “Vong thất bồ đề tâm, tu chư thiện pháp, tức thành ma nghiệp.”
Nhưng làm thế nào để phát khởi được tâm bồ đề, và rồi làm sao để an trụ tâm ấy? Đó là những câu hỏi mà ngài Tu-bồ-đề đã hỏi Phật trong kinh Kim cang. Điều khó khăn nhất để hiểu Phật pháp đối với học Phật và tu Phật, đoạn đường khó khăn nhất, dài nhất phải vượt qua, mà thường là dài đến một a-tăng-kỳ kiếp, đó là làm sao để thấy biết một cách như thực rằng, trong tự thể, trong tự tánh, ta là Phật tử, là con Chân thật của Như lai, sinh ra từ kim khẩu của Như lai, hóa sinh từ Chánh pháp của Như lai, là kẻ thừa tự gia tài Chánh pháp của Như lai.
Như người cùng tử trong kinh Pháp hoa, không phải dễ dàng một sớm một chiều để thấy ngay rằng thân phận của mình không phải là kẻ tôi tớ hèn hạ, chỉ xứng đáng với công việc quét dọn các hàm xí.
Vậy thì, tâm bồ đề, tức ước nguyện thành Phật, là nền tảng tâm địa cho Phật tử học đạo và hành đạo.
Tuy nhiên, khởi đầu, không phải tất cả mọi người tìm đến Phật pháp chỉ với ước nguyện duy nhất là thành Phật. Rất nhiều người tìm đến Phật pháp để tìm nguồn an ủi tinh thần, để làn vơi đi thống khổ đang phải chịu đựng. Đó là phương diện cứu thế của Phật pháp.
Yếu tính của Phật pháp là sự vận hành diệu dụng của từ bi và trí tuệ. Cho nên, Phật pháp trước hết là ngôi nhà dưỡng lão, là viện cô nhi, là trại tế bần. Điều này được theo cả ý nghĩa tượng trưng, và cả sinh hoạt thực tiễn. Như khi Trưởng lão Tu-bồ-đề hỏi Phật, Bồ tát làm thế nào để phát khởi tâm bồ đề, và làm thế nào để an trụ tâm ấy, thì Phật chỉ ngay phương pháp thực hiện, đó là tu tập bố thí. Chính sự bố thí khi được tu tập đến mức thành tựu tuyệt đối thì cùng dẫn đến thành tựu các ba-la-mật khác.
Trong các kinh điển nguyên thủy, hạnh bố thí của người tại gia được thuyết minh rất nhiều. Nhiều đệ tử Phật nổi tiếng về hoạt động từ thiện của mình như Trương giả Cấp Cô Độc ở thành Xá-vệ, hoăc trưởng giả Cù-sa ở Kiều-thưởng-di. Nhiều đại lễ tế đàn, hiến máu súc vật cho Thần linh, được Phật giải thích lại ý nghĩa chân thực của cầu nguyện và hiến tế, để rồi những đại tế đàn ấy chuyển hướng thành đại hội cứu tế xã hội.
Bố thí hay hoạt động từ thiện, theo lời dạy của Phật, bao gồm cả hai mặt tích cực và tiêu cực, nói theo nghĩa tốt. Về mặt tiêu cực, là chi xuất tài sản của mình để chẩn tế những người cô khổ. Chi xuất nhiều như ông Cấp Cô Độc, cho đến hồi tài sản khánh kiệt. Sau đó, do chỉ giáo của Phật, và khuyến cáo của Tăng, ông phục hồi lại sản nghiệp. Và lại tiếp tục sự nghiệp cứu tế nữa.
Rõ ràng, theo lời dạy đó, Phật tử tại gia làm giàu, tích lũy tài sản, không phải chỉ để hưởng thụ cho mình hay thân thuộc của mình, mà còn để chia xẻ cho nhiều người, những kẻ hoặc thiếu may mắn, hay thiếu năng lực để tự cấp dưỡng. Cho nên, trong rất nhiều kinh, Phật dạy một Phật tử tại gia phải biết tích lũy sản nghiệp thế nào cho đúng pháp, và rồi chi dụng sản nghiệp ấy một cách hữu ích, cho mình và cho nhiều người, cho đời này và cho nhiều đời sau nữa.
Đằng khác, về mặt tích cực, hành vi bố thí của Phật tử tại gia chính là nhân tố để duy trì sự an lạc hiện tại cho xã hội. Như khi một người bà-la-môn đến hỏi Phật về nghi thức tổ chức đại tế đàn hiến tế và cầu nguyện thần linh sao cho có hiệu quả. Phật đã chỉ cho những điều nên làm trước hết để cho tế tự có hiệu quả thiết thực.
Đó là, nếu cần đủ công quỹ cho tế đàn mà phải bắt dân đóng thêm thuế, và động viên sưu dịch, thì chỉ khiến cho dân đã nghèo khó lại nghèo khó thêm mà thôi. Điều nên làm bấy giờ là, vua hãy xuất thóc giống trong kho cho người làm ruộng gieo trồng, mở công xưởng cho những người muốn làm thợ, mở trường dạy nghề cho những người muốn học nghề, vân vân, nghĩa là làm sao cho dân chúng có an cư lạc nghiệp, sau đó mới nói đến chuyện tế tự.
Như vậy, nghĩa vụ tôn giáo chỉ có thể mang lại hiệu quả thiết thực, chỉ khi nào xã hội tương đối sung túc và an lạc. Nếu trong một nước có nhiều người theo đạo Phật, mà nhân dân nước ấy không an lạc, xã hội không trật tự an ninh, đại bộ phần dân chúng còn sống trong nghèo khó, thế thì ở đó không thể gọi là đạo Phật hưng thịnh.
Nói tóm lại, chỉ trên căn bản thực hành bố thí mà Phật tử tại gia tự nâng cao phẩm chất đạo đức của mình, thành tựu giới ba-la-mật. Rồi sau đó dần dần tiến tới thành tựu các ba-la-mật khác, như thiền định và trí tuệ. Đó là quá trình tu tập mà Phật đã chỉ dạy một cách rất rõ ràng, cụ thể. Còn hành trì như thế nào, tùy theo căn tánh dị biệt. Bởi vì, không phải tất cả mọi chứng bịnh đều có thể chữa trị hiệu quả bằng nhân sâm duy nhất.
(*) Trích thư của Thượng tọa Thích Tuệ Sĩ (Chùa Quảng Hương Già Lam, TP. Hồ Chí Minh) gửi Đại hội Cư sĩ Hải Ngoại