CHÂN NGÔN TÔNG (mật tông)
Khai tổ: Đại sư Thiện Vô Úy và Kim Cang Trí (Vajrabodhi) truyền sang Trung Hoa, ngài Bất Không (Amoghavajra) chính thức sáng lập vào thế kỷ 8.
Hoằng Pháp Đại sư (Kobo Daishi) truyền sang Nhật Bản vào thế kỷ 9.
Giáo lý căn bản: Kinh Đại Nhật và kinh Kim cang đảnh.
Tông chỉ: Dựa vào sự trì tụng chân ngôn và những nghi thức hành trì để tạo ra oai lực nhiệm mầu, giúp hành giả đạt đến cảnh giới giải thoát thông qua sự tập trung hoàn toàn vào các câu chân ngôn và những nghi thức hành trì
LỊCH SỬ
Chân ngôn tông là tên gọi khác của Mật tông, được khởi nguyên từ Ấn Độ vào khoảng thế kỷ 4 với sự ra đời của một hình thức kinh điển hoàn toàn mới trong Phật giáo là Tan-tra. Nhưng phải sang thế kỷ 6 thì tông phái này mới được phát triển mạnh và bắt đầu truyền sang các nước khác.
Vào thế kỷ 8, có ba vị tăng Ấn Độ là Thiện Vô Úy (637-735) Kim Cang Trí (670-741) và Bất Không (705-774) đã đưa vào Trung Hoa hệ thống kinh Tan-tra của Chân ngôn tông và gây được ảnh hưởng rất lớn đối với triều đình các vua Đường, thông qua những sự linh ứng nhiệm mầu mà họ tạo ra được qua việc trì tụng các câu chân ngôn và thực hiện các nghi lễ.
Tuy nhiên, chính ngài Bất Không là người có công lớn nhất trong việc sáng lập Chân ngôn tông, làm cho tông phái này trở thành một tông phái độc lập. Tuy chỉ tồn tại trong khoảng một thế kỷ, nhưng Chân ngôn tông cũng để lại nhiều dấu ấn đặc biệt trong lịch sử Phật giáo Trung Hoa. Thời gian sau đó, Chân ngôn tông chịu ảnh hưởng nhiều của các vị Lạt-ma đến từ Tây Tạng, biến dạng thành một kiểu Mật tông mang đậm màu sắc thần bí, và chỉ tồn tại dưới những hình thức pha trộn trong một số tông phái khác, không còn phát triển độc lập như trước đó.
Ngài Bất Không là người Ấn Độ, tên Phạn ngữ là Amoghavajra, Hán dịch nghĩa là Bất Không. Ngài là người phiên dịch rất nhiều kinh điển Phật giáo và là một trong những cao tăng có nhiều ảnh hưởng trong lịch sử Phật giáo Trung Hoa. Ngài sinh năm 705 tai Samarkand, cha là người Ấn Độ và mẹ là người Khang Cư (Sogdian), đến Trung Hoa từ năm 10 tuổi sau khi cha ngài qua đời.
Năm 719, ngài xuất gia học đạo với ngài Kim Cang Trí (Vajrabodhi), cũng là một vị tăng Ấn Độ. Năm 741, khi tất cả các tăng sĩ ngoại quốc đều bị trục xuất khỏi Trung Hoa, ngài cùng với một số người tổ chức hành hương để thu thập kinh điển, đi qua khắp các vùng Tích Lan, Đông Nam Á và Ấn Độ. Trong chuyến đi này, ngài đã gặp ngài Long Trí (Nagabodhi), thầy của ngài Kim Cang Trí, tức là sư tổ của ngài, và được học một cách chi tiết hệ thống kinh Kim cang đảnh (Tattvasamgraha).
Ngài trở về Trung Hoa năm 746, mang theo khoảng 500 bộ kinh. Năm 754, ngài bắt đầu dịch phần đầu bộ Kim cang đảnh sang Hán văn. Đây là một bộ kinh điển cốt lõi của Mật tông Phật giáo, và công trình này là một trong những thành quả đáng kể nhất của ngài. Ngài xem giáo pháp này như là phương pháp tu tập hiệu quả nhất để đạt đến giác ngộ, và đã kết hợp những nền tảng của giáo lý này trong một số trước tác của mình.
Ngài bị bắt trong cuộc nổi loạn của An Lộc Sơn vào năm 755, nhưng sau đó được các lực lượng của triều đình giải cứu vào năm 757, rồi được vua Đường Túc Tông đối xử rất cung kính. Khi ngài viên tịch vào năm 774, triều đình ban lệnh cả nước phải để tang 3 ngày, và truy tặng rất nhiều danh hiệu.
Theo sự ghi nhận của chính bản thân ngài, thì đã có 77 bộ kinh được ngài phiên dịch, mặc dù con số được chính thức đưa vào Hán tạng với tên ngài vượt xa hơn nhiều, hiện trong Đại Tạng Kinh (bản Đại Chánh tân tu) còn giữ lại được đến 166 bộ ghi tên ngài.
Mật tông bắt đầu được truyền ở Trung Hoa bởi ngài Thiện Vô Úy và sau đó là ngài Kim Cang Trí, nhưng với những đóng góp nổi bật của ngài Bất Không, người ta đã xem ngài như vị tổ sư sáng lập tông này.
Chân ngôn tông vào thời ngài Bất Không phát triển mạnh, môn đồ rất đông, nhưng được truyền nối có tám vị, mà nay chỉ biết được ba vị là Hàm Quang, Huệ Lãng và Huệ Quả. Các vị Hàm Quang và Huệ Lãng không thấy ghi chép môn đồ nối dòng. Chỉ có ngài Huệ Quả được chân truyền làm Tổ sư tông này, truyền pháp lại cho các vị Nghĩa Minh, Nghĩa Viên, Huệ Nhật, Huệ Ứng, Nghĩa Tháo. Ngoài ra còn có một đệ tử người Nhật là ngài Hoằng Pháp, chính là người đã truyền Chân ngôn tông sang Nhật Bản vào thế kỷ 9.
Ngài Hoằng Pháp là người Nhật, tên là Kobo Daishi, hay Kkai, người Trung Hoa gọi là Không Hải, cũng tôn xưng là Hoằng Pháp Đại sư.
Ngài sinh năm 774, xuất gia tu học trở thành một vị cao tăng rất được Nhật hoàng kính trọng. Năm 804, ngài đi đường biển sang Trung Hoa cùng một chiếc thuyền với ngài Truyền Giáo Đại sư. Khi đến kinh đô Trường An, ngài tham học với vị tổ sư Chân ngôn tông
ở Trung Hoa lúc bấy giờ là Huệ Quả.Năm 806, ngài trở về Nhật Bản và thành lập Chân ngôn tông, dựa trên giáo lý chân truyền từ ngài Huệ Quả, và lấy hai bộ kinh Đại Nhật (Mahvairocana Stra) và kinh Kim cang đảnh (Vajrẳekharastra) làm nền tảng.
Hoằng Pháp Đại sư viên tịch vào năm 835. Tín đồ Chân ngôn tông tin chắc rằng ngài không mất đi mà chỉ ngồi tịnh trong tháp thờ, chờ đến lúc Phật Di-lặc đản sinh để cùng giáo hóa chúng sinh.
Chân ngôn tông ở Nhật Bản được Nhật hoàng ủng hộ và phát triển rất mạnh. Đến nay, ở Nhật có khoảng 6.000 ngôi chùa thuộc tông này, với khoảng 7.700 vị tăng sĩ.
HỌC THUYẾT
A. Hiển giáo và Mật giáo: Theo Chân ngôn tông, giáo pháp do đức Phật truyền dạy có thể chia làm hai nhóm. Nhóm thứ nhất có ý nghĩa dạy bảo rõ ràng, người ta có thể tụng đọc và tu tập hành trì theo đúng như lời dạy để đạt đến sự giải thoát. Nhóm này được gọi là Hiển giáo. Nhóm thứ hai là những câu chân ngôn, mật ngữ, thường không nhận ra được ý nghĩa rõ ràng nào trong đó, nhưng có thể tạo ra những oai lực nhiệm mầu, giúp người hành trì có thể đạt đến những cảnh giới giải thoát nhất định, tùy theo công phu tu tập của mình. Nhóm này được gọi là Mật giáo.
Những giáo pháp thuộc về Mật giáo thường chỉ được khẩu truyền trực tiếp giữa vị thầy và đệ tử, không được ghi chép thành kinh văn. Vì thế mà qua một thời gian rất dài sau khi đức Phật nhập diệt, người ta không thấy có bản kinh nào ghi chép đầy đủ các phần giáo pháp này. Mặc dù vậy, các vị tổ sư được chân truyền vẫn nối tiếp nhau gìn giữ, và chỉ truyền dạy cho những ai có căn cơ thích hợp mà thôi.
B. Giáo lý tam mật: Chân ngôn tông dạy người tu pháp “tam mật”, nghĩa là ba pháp bí mật, bao gồm thân mật, khẩu mật và ý mật. Nếu hành giả đạt đến mức thân tâm nhất như, tất cả đều tương thông ứng hợp với nhau, thì ngay trong thân này, trong đời hiện tại này, có thể đạt được sự giải thoát rốt ráo, nghĩa là thành Phật. Giáo lý này được tóm gọn trong tám chữ: “Tam mật tương ưng, tức thân thành Phật.”
Vì vậy, hành giả tu tập theo Chân ngôn tông không xem trọng một công phu riêng lẻ nào, mà phải đồng thời tu tiến. Tu tập thân mật tức là đi, đứng, nằm, ngồi đều nghiêm trang đúng pháp, và quan trọng nhất khi hành trì phải bắt ấn quyết đúng pháp. Tu tập khẩu mật tức là luôn giữ gìn khẩu nghiệp thanh tịnh, chỉ nói những lời đúng pháp, và khi hành trì thì phải trì tụng chân ngôn. Tu tập ý mật tức là tâm ý thanh tịnh, và khi hành trì thì quán tưởng lẽ vô sinh của các pháp.
Nếu hành giả trong khi hành trì đạt đến chỗ “tam mật tương ưng”, nghĩa là tay bắt ấn quyết, miệng niệm chân ngôn, tâm quán tưởng lẽ vô sinh của các pháp, tự nhiên sẽ phát sinh uy lực diệu dụng, tùy theo sự phát tâm hành trì mà có thể đạt được sự như ý.
Để tu thân mật, hành giả phải nghiêm trì giới luật. Đây chính là chỗ khác nhau giữa Chân ngôn tông với các tà phái chỉ chuyên dùng bùa chú, phép thuật. Người tu nhờ giữ theo giới luật nên tự nhiên tạo ra oai nghi tế hạnh, khiến cho thân tâm được nhu hòa, thuần phục, không còn sự nóng nảy hay vội vàng, hối hả.
Để tu khẩu mật, hành giả phải được chân truyền từ bậc chân sư, phải đem tâm thành kính để cầu được chân ngôn. Khi được thầy dạy cho thì phải lắng tai nghe rồi đem lòng ghi nhớ, đặt hết niềm tin vào chân ngôn, không chút hoài nghi hay xao lãng. Tùy theo mục đích phát tâm, pháp môn hành trì khác nhau, có thể có nhiều loại chân ngôn khác nhau. Nhưng khi hành trì thì hành giả chỉ biết đến chân ngôn đang tụng, không còn biết đến bất cứ điều gì khác, cũng chẳng nghĩ đến kết quả của sự hành trì đó.
Để tu ý mật, hành giả phải thường xuyên rèn luyện tâm ý, lắng yên mọi vọng niệm, thường an trụ trong sự nhất tâm quán tưởng. Khi hành trì thì để hết tâm ý quán tưởng lý vô sinh, thấu triệt rằng tất cả các pháp từ xưa đến nay vốn chưa từng sinh ra, cũng chưa từng diệt mất. Hết thảy đều chỉ là những biến hiện khác nhau của tâm thức mà thôi.
Giáo lý Chân ngôn tông vốn cực kỳ uyên áo, thâm mật, nhưng hoàn toàn không phải là chỉ nhắm đến tạo ra những phép mầu linh diệu như nhiều người thường lầm tưởng. Khi một vị hành giả có công phu hành trì miên mật, vị ấy tự nhiên sẽ đạt được những uy lực nhất định, có thể thực hiện một số việc mà người khác không thể làm được, nhưng điều đó hoàn toàn không phải là kết quả nhắm đến của sự tu tập.
Khi hiểu đúng về giáo lý Tam mật của Chân ngôn tông, chúng ta mới thấy được rằng đó chính là một sự kết hợp hài hòa, thúc đẩy người tu tập phải tinh tấn trong mọi mặt, và do đó có thể giúp hành giả nhanh chóng đạt đến cảnh giới giải thoát cũng là điều dễ hiểu.
Đây cũng chính là lý do giải thích cho sự tồn tại ngắn ngủi của Chân ngôn tông so với các tông phái khác. Khi không có được những người kế thừa nắm vững và thực hành theo đúng những giáo lý uyên áo này, Chân ngôn tông sẽ ngay lập tức bị biến dạng thành những hình thức mê tín dị đoan, không phù hợp với tinh thần chân chánh của đạo Phật, không đưa đến sự giải thoát rốt ráo cho thân tâm của người tu tập, và vì thế mà nó tất yếu sẽ bị khai trừ ra khỏi ngôi nhà Phật giáo.
Pháp môn tu học trong đạo Phật rất nhiều vô lượng. Sở dĩ có nhiều vô lượng như thế là vì căn tánh của chúng sanh bất đồng. Người ta liên tưởng đến hình ảnh về thân thể của con người mang nhiều chứng bệnh khác nhau, cho nên y sĩ dùng các loại thuốc khác nhau để chẩn trị mới hiệu nghiệm được. Đức Phật đã thấu rõ nguồn cội căn tánh của mỗi chúng sanh cho nên Ngài giảng dạy vô lượng pháp môn tu để có thể thích hợp từng căn tánh của mỗi một chúng sanh,ngõ hầu ai nấy đều thích ứng được, có thể tiến triển trên con đường tu hành của mình để Giác ngộ, Giải thoát.
Pháp môn tu học lưu hành rộng rãi phải nói đến pháp môn Thiền Tông, Tịnh Độ Tông và Mật Tông. Về Mật Tông tại Việt Nam cũng đã có một thời phát triển và lưu lại nhiều huyền thoại: tăng sĩ Khâu Đà La tu tại chùa Dâu đã độ cho nàng Man Nương, thiền sư Nguyễn Minh Không thuộc dòng thiền Vô Ngôn Không đã trị bệnh kỳ diệu cho vua Lý Thần Tông...
Trong sách sử hành đạo của các cao tăng thiền đức thường nói đến "Thiền, Tịnh song tu" tức là ngoại hiện thiền tướng, nội hành tịnh độ; hay là "Thiền, Mật kiêm trì" nghĩa là ngoại hiển mật hạnh, nội tâm hành thiền; hoặc "Thiền hiển, Mật tàng" tức là ngoại hiện thiền tướng, nội tâm tu Mật chú. Trong lúc Thiền Tông và Tịnh Độ Tông được lưu hành khắp các nước Trung Hoa, Nhật Bản, Đại Hàn, Việt Nam thì Mật Tông đã trở thành pháp môn tu hành truyền thống của các nước Tây Tạng, Mông Cổ và trong thời gian gần đây đã được phổ biến đến các nước Âu Mỹ qua các nhà sư Tây Tạng. Pháp môn tuy nhiều, tùy lúc mà nói, nhưng mục đích vẫn chỉ là làm thế nào để đi vào biển viên mãn, cho nên trở về chỉ là Nhất thừa. Hiển Tông và Mật Tông đều gồm thâu cả tánh và tướng.
Nghĩa lý Hiển Tông chia ra làm năm thời, tóm lại là Tô Đạt Lãm (tức là Kinh). Mật Tông gồm ba bộ tạng, riêng gọi là Đà Ra Ni (Thần chú). Người học Hiển Tông cho rằng: Không, Hữu, Thiền, Luật có những khác biệt, nhưng cứu cánh, viên lý cũng chỉ là một. Còn người học Mật Tông thì lấy: Đàn, Ấn, Chữ, Tiếng làm phép tắc, nhưng phương thức đều nhắm vào Thần Tông, bí áo.
Hiển Giáo (Sutra Path) thường được gọi là Tịnh Độ Tông là phương pháp tu hành gồm có: đọc kinh, tụng điển, lễ Phật, cúng dường.Tịnh Độ Tông chú trọng đến việc tụng kinh, niệm Phật, đễ cho nhất tâm bất loạn, để lúc lâm chung cầu cho trở về cõi Tây Phương Cực Lạc của đức Phật A Di Đà. Ngoài việc niệm Phật, Tịnh Độ Tông còn khuyên dạy chúng sanh quan tâm đến việc thanh lọc những hành động thuộc Thân, Khẩu, Ý, sống theo hạnh nguyện chân chính, thường xuyên phát triển đức Từ Bi, Hỷ Xã, thường hoạch cát tường, viễn ly khổ ách.Tịnh Độ Tông được phân chia làm hai thừa là Đại Thừa (Mahayana) và Tiểu Thừa (Hinayana).
Các nhà tu hành nhấn mạnh đến hai phép tu nầy chỉ là hai giai đoạn cần thiết trong việc tu hành, tự lợi, lợi tha, chứ không hề có chuyện mâu thuẫn nhau, nghịch lý nhau. Mật Thừa (Tantra Path) còn gọi là Mật Tông, cũng chỉ là một phương pháp tu hành mà đức Phật muốn dắt dẫn chúng sanh đến con đường Giác ngộ và Giải thoát.
Một khi đã được Giác Ngộ và Giải thoát thì có thể tiếp tục tu hành, để hoàn thành con đường Bồ Tát Đạo trở lại cõi Ta Bà để độ chúng sanh như hạnh nguyện của đức Quan Thế Âm Bồ Tát đã từng làm.Tuy có sự phân chia như thế, nhưng thật ra, tất cả chỉ là phương tiện, từng giai đoạn, để tiến hành trên con đường duy nhất: giải thoát. theo những kinh điển của Mật Tông, nếu đi theo con đường Hiển Tông thì phải trải qua vô lượng kiếp tu hành thì mới có thể đạt đến quả vị Phật, nhưng nếu theo con đường của Mật Tông thì có thể đạt đến quả vị Phật ngay trong một kiếp.
Cũng vì lý do nầy cho nên nhiều người cho rằng con đường tu hành theo Mật Tông là con đường ngắn nhất. Tuy vậy, những không phải bất cứ người nào cũng có thể tu hành theo Mật Tông vì phải trải qua muôn ngàn khó khăn, chỉ giành cho chư vị Bồ Tát, chư vị Tổ sư có công phu tu hành vô cùng tinh tấn thì mới tu tập để chứng quả được. Ở những nước phương Đông, do phong tục, văn hoá và tín ngưỡng, hầu hết mọi người đều xem cái chết chẳng qua chỉ là một sự chuyển tiếp trong muôn ngàn kiếp của con người.
Tùy theo nghiệp quả mà con người đã gieo trong kiếp nầy và trong vô vàng kiếp trước, mà sau khi chết con người sẽ đầu thai vào một kiếp tốt hơn hay xấu hơn. Có thể lên Niết Bàn, hoặc xuống ngục A Tỳ, chịu những trừng phạt của Diêm Vương. Bánh xe luân hồi không chỉ xoay vần trong vài ba kiếp, mà cứ mãi vần xoay miên viễn, cho đến khi linh hồn tu luyện đạt đến độ đạt đến mức giải thoát ngũ uẩn, lục căn, được xem là thoát khỏi vòng luân hồi, không còn trong vòng sinh tử, chuyển kiếp nữa.
Với nhận thức nầy, mọi người phải ra sức tu luyện, học hỏi giáo pháp, làm điều thiện, để được chứng quả. Theo hạnh nguyện của một số người, sau khi đắc quả, vẫn quay trở lại trần gian theo Bồ Tát Hạnh để dẫn độ chúng sanh. Có nhiều vị Phật vì xót thương chúng sanh ngụp lặn trong mê mờ, đã chấp nhận hoá thân. Mật Tông là con đường tu chứng hết sức linh thiêng và huyền diệu trong các pháp môn tu học Phật Giáo, với những năng lực huyền diệu mang tính bí hiểm.
Những vị Tổ sư của Mật Tông như Marpa và Milarepa đều nhấn mạnh đến ý nghĩa của công năng trì tụng Thần Chú, như là phương tiện cần thiết nhất để đi đến giác ngộ toàn chân. Từ trước đến nay, theo truyền thống Mật Tông Tây Tạng được kiến tạo trên nền tảng truyền thụ khẩu quyết giữa chân sư và đệ tử, cho nên sự truyền bá cũng hạn chế. Hầu hết những khẩu quyết nầy được giữ gìn bí mật, như một yếu quyết, không muốn phổ biến sâu rộng. Vì trước khi bước vào ngưỡng cửa nầy phải đi qua phần căn bản giáo lý Tiểu Thừa và Đại Thừa với ấn chứng vững chắc.
Khẩu quyết nầy tương tự như công án (Koan) của Thiền tông, là cánh cửa mở vào Mật Tông; hành giả phải trì tụng thuờng xuyên, quán chiếu nội tâm, để dần dà phá vỡ màn vô minh bao trùm các giới. Với những trở ngại như thế, cũng như trong Thiền Tông, hành giả cần có vị chân sư hướng dẫn, chỉ điểm và giải thích khó khăn trong việc hành trì.
Mật Tông không thể tiến hành tu tập sau khi hiểu qua một ít kinh sách, đọc vài câu Thần chú, biết vài ấn quyết là đủ. Sự kinh diệu là ở hành trì. Hơn thế nữa con đường tu hành khắc kỷ nầy đòi hỏi sức chịu đựng lâu dài, thân thể khoẻ mạnh, tập trung tư tưởng cao độ thì mới khai mở Phật nhãn được. Thiếu những yếu tố nầy, khó lòng đạt được mức ứng ngộ cao, đi thẳng vào thực tướng các pháp. Thành thử một khi đã bước vào tu hành Mật Tông, các vị chân sư thường khuyến khích hành giả nên tuân thủ pháp tắc thật nghiêm minh, tôn trọng giới luật, hiểu biết sâu rộng để hành trì. Mỗi khi thiện niệm được khai mở, quán chiếu vào mọi pháp, thì ngõ vào Mật Tông được khai thông.
Những lãnh vực của Mật Tông
Thực ra Mật Tông không vận dụng triệt để những tư tưởng Phật Giáo trong cách tu hành và liễu ngộ. Điều học được của Phật Giáo là quan tâm đến việc tìm đường giải thoát ra khỏi vòng sinh tử luân hồi; tuy nhiên, vốn ứng dụng những phương pháp cổ truyền, cho nên những danh tăng Mật Tông vẫn dùng phương tiện để đạt đến sự giải thoát trên căn bản huyền học, đầy chuyện bí mật.
Qua những công trình phát huy tôn giáo nầy của đức Milarepa, những tín đồ Mật Tông được phân chia là làm 2 loại: tu sĩ và Lạt Ma. Tu sĩ là những tín đồ chỉ hành trì theo một số giới luật nhất định. Họ có thể lập gia đình và tu hành trong khả năng hữu hạn. Còn Lạt Ma phải tuân thủ nhiều giới luật ràng buộc hơn, sống theo nếp đạo hạnh thuần nhất để đi đến giải thoát.
Về sau, do sự thay đổi lớn trong pháp môn tu tập. Mật Tông lại được phân chia ra làm nhiều Giáo phái khác, thậm chí có Giáo phái được liệt vào "ngoại đạo" nhưng lại ảnh hưởng rất lớn; nổi tiếng hơn hết là 3 Giáo phái: Giáo phái Số Luận (Samkyas), Giáo phái Thắng Luận (Vaisheshikas) và Giáo phái Huyền Học (Charvaka). Mật Tông có nhiều phương thuật tu luyện đặc biệt do những vị ẩn tu phát kiến; điều nầy đã khiến cho người Tây Phương xem là huyền thuật, khó tin, thậm chí là siêu phàm nữa. Chẳng hạn như khinh thân, tàng hình, dùng Thần Nhãn, khắc kỷ, cùng các phương thuật phát triển Thần Nhãn.
Theo Mật Tông, khi con người tu luyện đạt đến cảnh giới nào đó trong lối tu trì, họ sẽ có nhãn quan siêu phàm gọi là Thần Nhãn. Trong danh từ "Thần nhãn" thì từ "Thần" có nghĩa là phi thường, khác thường, liễu ngộ. Thông thường những tu sĩ nầy thường vận dụng Thần Nhãn của mình để soi sáng được cảnh giới vô hình. Nếu cả hai đều dùng Thần nhãn để liên hệ với nhau thì gọi là "Thần giao cách cảm".
Đạt được Thần Nhãn, có nhiều mức độ khác nhau và đạt được kết quả khác nhau. Chẳng hạn như có người dùng Thần Nhãn để xem tiền kiếp của mình hay của người khác. Lại có người dùng công năng Thần Nhãn trong việc trị bệnh. Với họ, bệnh tật là do vướng mắc của linh hồn. Cởi bỏ vướng mắc tức là lành bệnh.
Tuy nhiên với những đạo sĩ Mật Tông, việc khai mở Thần Nhãn phải được tiến hành thận trọng, nếu sai lầm hay với dụng tâm bất chánh nào đấy, thì hậu quả không biết đâu lường nổi, thậm chí bị tẩu hỏa nhập ma. Đa số đạo sĩ dùng Thần Nhãn để quán kiến nội tâm trong phép tu hành mà thôi. Với họ đây là phương tiện tốt nhất trong việc chiếu kiến của Thần Nhãn.
Những kinh điển chính của tôn giáo cổ cũng như Huyền Môn sau nầy ở Tây Tạng thường đề cập sâu rộng những vấn đề siêu hình, tâm linh, những bí cấp và pháp thuật Thần Thông, Thần Nhãn, soi hồn, những cõi vô hình một cách tự nhiên với nhiều huyền thoại mà người đời thật khó tin. Tuy nhiên, với họ vẫn là những phép mầu, linh thiêng, không thể coi thường được. Khi đề cập đến, họ thường tỏ vẻ trang nghiêm, tôn kính. Những vị chân tu Tây Tạng tin rằng: "Những sự kiện nầy xẩy ra trong mọi nơi, trong mọi cõi đều là những hiện tượng siêu nhiên, huyền bí, tuy nhiên không phải là chuyện khác thường".
Nhưng những nhà nghiên cứu Tây Phương thì lại giải thích bằng cung cách khác, dựa vào yếu tố Cảnh quan học và Thần linh học. Họ cho rằng: Vùng đất Tây Tạng nằm trên vị trí cao nhất thế giới, quanh năm tuyết phủ, cây cối khó mọc được là nơi thuận lợi nhất để kết tụ những hiện tượng siêu hình. Nhiều quốc gia khác không hội đủ điều kiện nầy cho nên các nhà nghiên cứu tại đó đã nhìn về Huyền Học Tây Tạng bằng nhãn quan khác lạ. Khoa học thực nghiệm thì lại càng xa xăm, ngờ vực hơn. Đây là vấn đề thuộc tâm linh, mà xứ sở Tây Tạng thì dễ tiếp cận hơn vùng đất nào khác trên thế giới.
Huyền Học Tây Tạng giải thích các vấn đề bằng con mắt siêu thần linh khác lạ. Chẳng hạn: họ giải thích rằng: Con người thực tại là một phức thể bao gồm nhiều thể chất khác nhau. Qua cảnh giới siêu hình thì mỗi thể loại tương ứng với một cõi khác. Xác và Vía là hai thể đối lập, cho nên thể xác thì tương ứng với cõi Trần Gian, thể Vía thì tương ứng với Thân Trung Ấm (Bardo). Điều nầy được trình bày khúc chiết trong Tử Thư.
Trong Mật Giáo có nhiều phương pháp hành trì và tu luyện khác nhau, tuy nhiên đa số đều sử dụng những loại Thần chú, ấn quyết, Mạn Đà La... để có thể nhiếp phục được thân tâm của mình trong những nghịch cảnh của đường tu tập. Họ cũng thường dùng đến sức mạnh của nội tâm và ý lực tự cường để trấn áp tà ma, quỷ mị, nghiệp chướng, cho đến khi nào có thể đắc Định Tuệ, khai Pháp Nhãn. Khi đó sẽ hoàn toàn làm chủ Thân và Tâm; đó là bước khởi đầu trên con đường tinh tấn tu hành của Mật Tông.
Một khi đã khai mở Định Tuệ của mình rồi, nhưng nếu người tu hành đã không phát triển những hạnh nguyện rộng lớn và cao cả hơn, thì cũng khó để có thể tiến xa hơn.Xác lập được hạnh nguyện rộng lớn của mình rất quan trọng, vì nhờ đó, có thể thoát khỏi vòng vô minh, mê muội, phá trừ được ngã chấp, khai thông Trí Tuệ. Bắt đầu bước vào con đường tu tập, đòi hỏi một khả năng tu hành, trì giới thật nghiêm nhặt. Sau đó, tìm một không gian tĩnh mịch để thiền định.
Trong những tu viện Tây Tạng ngày trước thường xây những mật thất bằng đá khép kín, để giới tử có thể thực hành việc thể nghiệm trong giai đoạn đầu nầy. Một khi vị Tu sĩ (Trappa) đã phát nguyện là sẽ nhập thất trong một thời gian nào đó, thì vị sư trưởng sẽ trắc nghiệm khả năng, đồng thời bố trí để giới tử có thể tiến hành việc tu tĩnh. Hàng ngày sẽ có vị Giám sự theo dõi và trình lại cho sư trưởng biết được những chuyển biến. Có người nhập thất trong ba tháng, sáu tháng, có khi đến ba bốn năm. Sau khi hết thời gian chứng nghiệm nầy, giới tử có thể rời mật thất. Nhưng nhiều vị khi hoàn tất tu thiền nầy, lại xin trở lại tiếp tục, vì họ thấy hoàn cảnh ở đó thuận lợi cho việc thoát ly những vướng bận của hoàn cảnh chung quanh. Tuy ở trong mật thất để Thiền định, nhưng các tăng sĩ nầy có thể phóng ra bên ngoài những tư tưởng tốt lành để hộ trì cho kẻ khác.
Cũng có vị sau khi hoàn tất thiền định trong mật thất, lại tiến xa hơn bằng cách tìm đến những hang cốc lạnh lẽo trong rừng núi, hay ngồi thiền trên tuyết lạnh, hết năm nầy sang năm khác. Ngoài ra cũng có nhiều vị sau khi kết thúc thời gian Thiền định lại trở về cuộc sống bình thường để nhập thế độ sanh.
Trong việc tu luyện nầy, vai trò của những vị sư trưởng rất quan trọng. Sư trưởng của Mật Giáo không phải là một chức vị được đề cử sau khi tốt nghiệp kỳ thi Lạt Ma. Chức vụ nầy đòi hỏi một công phu tu hành lâu ngày, kiên định vững chắc và qua một thời kỳ Điểm Đạo (Initiation). Điểm đạo ở đây theo đúng lễ nghi và pháp tắc, khác với những hình thức Điểm Đạo hàng chục ngàn Phật tử tham gia tùy tiện như thường thấy tổ chức đại trà tại Hoa Kỳ trong những năm gần lại đây.
Giới tử trong khi tu tập, ngày đêm kiên trì giữ vững tư tưởng của mình. Trong những sách vở bí truyền của Giáo phái Bon Pa Tây Tạng, con người có 3 nguồn năng lực là tư tưởng, dục vọng và hành động thì tư tưởng quan trọng hơn hết.
Tư tưởng chế ngự dục vọng và hướng dẫn hành động theo con đường chính đáng theo Phật dạy. Tu tập nghiêm trì chẳng những tạo được công hạnh trong kiếp nầy mà ảnh hưởng về những kiếp sau nữa. Sự tái sanh của các Lạt Ma thường được giải thích theo chiều hướng nầy.