Một tay bán dầu tên Bùi Độ (đời vua Hán Cảnh Đế) nghèo khổ lang thang, được thầy tướng số cho biết sẽ chết đói vì có hai đường chỉ chạy xéo từ cằm lên mép miệng. Ngày kia Bùi Độ gặp một thiếu nữ ngồi khóc bên giếng sâu. Hỏi ra sự tình mới biết thiếu nữ mang vàng đi để chuộc tội oan của cha, chẳng may bị đánh rơi xuống giếng. Ai cũng nói dưới giếng có con trăn to. Thiếu nữ đang tuyệt vọng muốn quyên sinh. Bùi Độ thương tình, nghĩ mình trước sau cũng chết đói nên liều mạng leo xuống tìm được vàng cho thiếu nữ. Nhờ đó gia đình thiếu nữ được phục hồi danh dự và quyền thế. Một lần gặp lại, nhà tướng số kinh ngạc nói rằng tướng chết đói của Bùi Độ đã biến mất mà thay vào đó là tướng công khanh phú quý rực rỡ. Đúng vậy, sau này thiếu nữ tên Ngọc Hà đền ơn, đem Bùi Độ về dạy học và giao ước vợ chồng rồi mới thưa với phụ thân. Cha nàng gửi gắm Bùi Độ sang một người bạn khác để nhờ tiến cử. Thời gian xa cách Ngọc Hà, Bùi Độ đã lạc lòng với những hình bóng giai nhân khác. Trên bước đường tiến quan, Bùi Độ ghé vào thăm nhà tướng số cũ để tạ ơn, nhưng ông bảo Bùi Độ đã hiện lại tướng chết đói. Bùi Độ tức giận bỏ đi. Sau khi được làm quan, Bùi Độ đánh mất nhân cách, chỉ lục lạo, cưỡng bức các cô gái đẹp, bị triều đình hạ lệnh bắt về kinh trị tội. Bùi Độ sợ hãi trốn vào rừng rồi chết đói cạnh một mỏm đá. Ngọc Hà đau khổ tìm chồng, trông thấy bộ xương và cũng gục chết bên cạnh. Cái phước của Bùi Độ xuất hiện do tâm niệm liều mạng tìm vàng cứu cô gái. Phước đó quá lớn đến nỗi chuyển hẳn tướng mạo và số mệnh để cho Bùi Độ trở thành quan chức vinh hiển. Nhưng rồi, tư cách tầm thường tham dục đã phá vỡ phước cũ để cho nghiệp chết đói đủ cơ duyên xuất hiện trở lại. Như vậy, tướng mạo tùy thuộc vào nghiệp chứ không cố định. Nếu chúng ta thường xuyên biết cứu giúp mọi người, ắt hẳn tướng mạo và số kiếp chúng ta sẽ thay đổi một cách tốt đẹp lắm!!!
VẬN MỆNH CÓ THỂ THAY ĐỔI
Viên LiễuTrang là một nhà tướng số danh tiếng. Nhìn chỉ tay hay cái mũi của một người nam hoặc nữ, ông có thể đoán biết trước vận mạng tương lai của họ. Một hôm có một vị đại thần dắt con đến nhờ ông xem tướng. Viên Trang coi tướng xong biết đứa bé này vài năm sau sẽ chết. Ông liền bảo cho vị quan kia hay.
Nghe nói vậy, vị quan ấy rất đau khổ. Trên đường về nhà ông đến gặp một vị sư. Vị tăng hỏi: “Có việc gì xảy ra mà trông ngài sầu não như thế?” Vị quan đáp rằng ông vừa mới nghe nhà tướng số báo cho biết một tin chẳng lành.
Hòa Thượng liền xem tướng đứa nhỏ để tìm hiểu vận mạng của nó. Ngài nói với cha em bé: “Chỉ có phước đức mới cứu được mạng sống của cháu. Nhưng cơ duyên làm phước không phải dễ. Nếu ngài muốn có phước đức thì cách tốt nhất là nên phóng sinh. Tạo phước đức bằng hành động thiện không giết hại sinh vật mới có thể bảo vệ mạng sống cho con ông.Nghe lời Hòa Thượng, vị quan kia liền phát nguyện không bao giờ sát sanh mà lại còn phóng sanh. Ông tinh tấn làm lành như vậy được ít năm; sau đó gặp lại cha con ông, Hòa Thượng bảo: “Chưa đủ! Ông cố gắng tạo thêm nhiều thiện nghiệp nữa mới có thể cứu được mạng sống của con ông”.
Viên quan lại nỗ lực cứu thoát nhiều sinh vật nữa. Khi gặp dịp làm phước giúp đỡ ai, người cũng như thú vật; ông luôn luôn sẵn sàng đóng góp thời giờ lẫn tiền bạc. Nhờ vậy, viên quan đã cứu độ vô số sinh linh, và người con đến năm bị chết yểu nó vẫn sống và biến đổi trở thành một thanh niên khỏe mạnh.
Nhà tướng số Viên Liễu Trang biết sự việc này. Từ đó về sau, mỗi khi coi thấy người nào có vận mạng xấu, ông liền khuyên bảo họ nên cố gắng làm việc phước đức và đừng bao giờ sát sanh. Nhờ tu nhân tích đức mà nhiều người đáng lý sẽ phải chết sớm khổ đau, họ lại sống trường thọ; nhiều kẻ nghèo khó trở nên giàu sang.
CHUYỂN TƯỚNG XẤU THÀNH TỐT
Tào Bân là vị đại tướng nổi tiếng triều Tống, giúp Tống Thái Tổ bình định thiên hạ, có công lao chinh chiến rất lớn. Có một lần, Tào Bân gặp Trần Hi Di là một người có học vấn rất uyên bác, giỏi xem tướng thuật. Ông này xem qua tướng mạo của Tào Bân rồi nói:
– Hai bên thành xương của ông lồi lên, ấn đường rộng, mắt dài phóng ánh sáng, chắc chắn sớm trở nên giàu có, song có tướng xấu là quai hàm cao, miệng trệ, xem ra ông không được hưởng phước khi tuổi già. Cứ theo đây mà nói, mỗi khi xuất binh chinh chiến ông nên đối xử khoan hồng, gieo trồng phước đức cho lúc tuổi già.
Tào Bân nghe Trần Hi Di nói liền cúi đầu cảm tạ, ghi nhớ lời ấy.
Một lần, khi Tào Bân xuất trận, phó tướng Toại Ninh và rất nhiều tướng sĩ thuộc hạ đều chủ trương giết sạch dân trong thành để thị uy. Tào Bân biết được liền ra lệnh nghiêm cấm giết hại dân lành, cấm xâm hại phụ nữ hoặc cướp bóc tài sản của dân. Sau khi chiến sự kết thúc, ông còn cấp lương thực cho những người xa quê muốn trở về, dân chúng không ai không cảm tạ tấm lòng nhân đức của ông.
Sau đó, Tào Bân nhận lệnh dẫn binh đánh Giang Nam. Bởi không nỡ nhìn thấy cảnh dân tình khốn khổ lầm than vì chiến cuộc nên ông cáo bệnh không đi. Các võ tướng dưới quyền ông lúc đó đều kéo đến thăm hỏi bệnh tình của ông trước khi xuất chinh. Tào Bân nói với tất cả những người đến thăm bệnh:
– Bệnh của tôi không thuốc gì chữa khỏi, nhưng chỉ cần tất cả anh em thành tâm thành ý cùng thề rằng ngày tiến công Giang Nam tuyệt đối không được tùy tiện giết hại dân lành, như thế thì bệnh của tôi sẽ tự nhiên thuyên giảm thôi.
Các tướng sĩ vốn hết sức kính trọng Tào Bân, nên họ liền cùng nhau phát lời thệ nguyện đúng như vậy. Đến ngày đánh Giang Nam, nhờ đó mà có vô số dân thường được thoát khỏi sự lạm sát. Tấm lòng từ bi của vị tướng quân họ Tào được truyền rộng khắp Giang Nam, dân chúng ai nấy đều cảm kích. Vì thế, mọi người cùng rủ nhau mang lương thực đi đón quân triều đình. Sức chống cự của phản quân vì thế rất yếu ớt. Nhờ vậy mà trận chiến này không phải tốn hao nhiều nhân mạng, hơn nữa còn bảo vệ được tài sản của nhân dân không bị tàn phá.
Sau đó ít lâu, Tào Bân có dịp tình cờ gặp lại Trần Hi Di. Ông ta nhìn tiên sinh một lúc rồi nói:
– Lạ thật! Năm trước tôi xem tướng của ông thấy quai hàm cao miệng trệ, lúc đó tôi khẳng định ông không có phước về già, nhưng hiện tại đã biến đổi, miệng mép đầy đặn xinh đẹp, ánh kim quang thù diệu nhìn thấy khắp mặt và râu tóc, nhất định sẽ được sống lâu nhiều phước lộc.
Tào Bân hỏi lại:
– Sao gọi là kim quang?
– Đó là ánh sáng hiển hiện của phước đức, nếu người có âm đức thì mặt hiện ánh sáng màu vàng y, mắt sáng, cả khuôn mặt đều tỏa ra khí sắc tốt lành. Người như vậy không chỉ tăng tuổi thọ, con cháu nhiều đời về sau cũng đều hưởng nhờ phước đức.
Quả nhiên, về già Tào Bân sống trong cảnh an nhàn thư thái, lúc ra đi cũng hết sức nhẹ nhàng, thọ 69 tuổi, sau khi chết được truy phong tước hiệu Tể Dương quận vương. Tiên sinh có cả thảy 9 người con trai, con trưởng là Vĩ, con thứ là Tông, con thứ ba là Xán, đều là những tướng lãnh nổi tiếng; nhiều đời con cháu về sau đều vinh hiển không ai sánh.
TRÍ MINH