Luân xa Sahasrara tương ứng với huyệt Bách hội. Huyệt này còn gọi là: Nê hoàn cung, thiên môn, thiên sơn, quỷ môn … Làm sao để tìm được huyệt hay luân xa này trên đỉnh đầu? Chúng ta cho hai ngón tay cái vào lỗ tai, sau đó đưa ngón giữa đụng trên đỉnh đầu, đó là huyệt Bách hội. Luân xa này được xem là nhạc trưởng của các luân xa; cụ thể là 6 luân xa còn lại. Khi kích thích luân xa này, thì ảnh hưởng đến tuyến yên (Pituitary gland) và ảnh hưởng tới hệ thần kinh trung ương vùng hạ đồi (hypothalamus). Vùng não này được cho là có một vai trò quan trọng trong cơ sở vật lý của nhận thức.
Luân xa Sahasrara được biểu tượng bằng bông sen ngàn cánh, màu tím hoặc trắng bạc. Theo tài liệu của Patanjali, thuộc trường phái Raja Yoga, nếu thực hiện "Samyama" có nghĩa là: chú tâm, theo dõi, nhập định vào đối tượng là luân xa Sahasrara, thì người ta có thể giao tiếp với những thực thể khác với con người, cụ thể là thần linh (theo đúng ngôn từ của tài liệu Raja Yoga).
Trên quan điểm võ thuật, huyệt Bách hội được coi như là tử huyệt. Với bộ môn châm cứu thì người ta cho là, nếu kích thích bằng cách xoa nhẹ trên luân xa này hoặc huyệt này, thì làm cho đầu óc tỉnh táo.
Vị trí huyệt ấn đường hay luân xa Ajna (còn gọi là luân xa của con mắt thứ 3) nằm ở giữa hai chân mày và trên cao một chút. Quý độc giả có thể hoàn toàn tự kiểm tra bằng cách sau đây
Khi ngồi hoặc nằm công phu tu thiền định, mắt nhắm lại, tập trung tư tưởng để chú tâm vào vật duy nhất. Chúng ta tưởng tượng rằng chúng ta nhìn thấy hình ảnh, vật mà mình muốn quán tưởng từ vị trí của huyệt Ấn đường hoặc luân xa Ajna mà ra. Nói rõ hơn, chúng ta tưởng tượng là mình nhìn ra hình ảnh của đối tượng muốn quán tưởng xuất phát từ luân xa Ajna.
Bất cứ ai nếu chịu khó tập luyện, đều có cảm giác nặng, tê tê, châm châm tại luân xa này. Những cảm giác này cho chúng ta biết vị trí chính xác ở đâu, không cần phải hỏi ai cả. Càng thực hành nhiều, thì chúng ta càng rõ vị trí.
Chính vì lý do đó mà tài liệu của trường phái Phật giáo, cũng như tài liệu Patanjali, bảo chúng ta chú tâm tới vật ở đằng trước mặt, thông qua luân xa này. Nói cho dễ hiểu, luân xa này được coi như một cái cửa sổ. Sử dụng luân xa này để Định Tâm, để hình dung Đối Tượng Quán Tưởng (công án) là một điều cần thiết, nếu không muốn nói là bắt buộc. Nếu không sử dụng luân xa này, thì có thể sanh ra hậu quả là bị ma nhập ở luân xa phía sau. Điều này khá bất ngờ với một số người. Trên thực tế, luân xa ở phía sau ót là cửa ngõ cho các vong linh nhập vào chúng ta nếu chúng ta phân vân, không có thái độ dứt khoát. Thiếu hiểu biết, thiếu kiến thức về vấn đề luân xa, thì hệ quả rất dễ bị ma nhập.
Luân xa Ajna được coi là có ảnh hưởng tới tuyến tùng (Pineal gland). Luân xa này là biểu tượng của nhận thức và ánh sáng. Tuyến tùng rất nhạy cảm với ánh sáng và là nơi sản sinh ra nội tiết tố melatonin. Ngoài ra tuyến này còn sản xuất ra một lượng nhỏ hóa chất tạo cảm giác lâng lâng.
Một điều mà ít ai có thể ngờ rằng đây chính là cửa ngõ làm cho người tu thiền định mở con mắt thứ 3 sau này.
Nói tóm lại, việc sử dụng luân xa Ajna hoặc huyệt Ấn đường, là việc không thể thiếu được của người tu thiền định. Người ta không định tâm được, là vì không biết cách tập trung tư tưởng vào luân xa này. Nói một cách khác, đây là luân xa này quan trọng nhất đối với người tu thiền định.