Mùa mưa ta ở đây,
Đông, Hạ cũng ở đây,
Người ngu tâm tưởng vậy,
Không tự giác hiểm nguy”.
(Pháp Cú, 286)
Ðó là lời của Ðức Phật dạy cho ông Ðại Phú (Mahadhana), một vị thương gia, khi Ngài ngụ tại tinh xá Kỳ Viên.
Một ngày nọ, vị thương gia này dùng 500 xe bò, chất đầy vải vóc với nhiều màu nhuộm tươi đẹp, lên đường từ thành Ba La Nại đến các vùng xa để buôn bán. Khi đến thành Xá Vệ, ông ta gặp một sông lớn. Ông suy nghĩ: “Ngay mai ta sẽ qua sông”, rồi dừng xe lại, cởi ách cho các con bò, và nghỉ qua đêm tại bờ sông. Trong đêm đó, một trận bão kéo đến với cơn mưa tầm tã cả đêm. Qua bảy ngày kế tiếp, nước sông dâng cao, tạo lụt lớn, và người dân trong vùng đều phải đình chỉ mọi sự buôn bán, đi lại. Kết quả là vị thương gia đó không thể bán các kiện hàng vải của ông. Vì thế, ông ta nghĩ rằng: “Ta đã trải qua một quãng đường dài, nếu ta quay về thì lại bị trễ nải. Chi bằng ta cứ ở đây qua mùa mưa, qua mùa Xuân và mùa Hạ, tiếp tục các công việc giao dịch và cố gắng bán cho hết các loại hàng này…”.
Khi Ðức Phật đi trì bình khất thực trong thành phố, Ngài biết được ý định của vị thương gia đó và Ngài mỉm cười. Thấy thế, Ðại đức A Nan hỏi Phật vì sao Ngài cười. Ðức Thế Tôn đáp: “Này A Nan, thầy có biết ông Ðại Phú đó không?”.
“Dạ có, bạch Thế Tôn”.
“Không biết rằng mạng sống của mình đã gần hết, ông ta vừa quyết định sẽ ở lại đây cả năm để bán hết các kiện hàng của ông ấy”.
“Thật vậy sao, bạch Thế Tôn?”
“Ðúng thế, này A Nan. Ông ta chỉ sống thêm được bảy ngày nữa, và nếu không khéo, ông ta sẽ bị các loài cá ăn thịt”. Nói xong, Thế Tôn thốt lên bài kệ:
“Hãy tinh tấn thi hành
việc cần làm hôm nay.
Có ai biết chắc chắn
cái chết đến lúc nào?
Có ai chống lại được
mệnh lệnh của thần chết?
An lạc thay cho người
ngày và đêm tinh tấn
Sống tỉnh giác từng ngày!”.
“Bạch Thế Tôn, con sẽ đến nói cho ông ấy biết”, ngài A Nan thưa với Phật.
“A Nan, thầy cứ việc đi”, Ðức Phật đáp.
Ðại đức A Nan đi khất thực đến nơi ông Ðại Phú trú ngụ với đoàn xe buôn của ông. Ông ta kính cẩn dâng vật thực đến ngài. Sau đó, Ðại đức nói với vị thương gia: “Ông định ngụ lại đây trong bao lâu?”
“Bạch Ðại đức, con đã trải qua một quãng đường dài, nếu con quay về thì lại bị trễ nải. Cho nên con sẽ ở đây trọn năm, cho đến khi nào bán hết vải thì con mới ra đi”.
“Này quý cư sĩ, mặc dù mạng sống đã gần hết mà ít ai lại biết được! Ông nên tinh tấn!”.
“Bạch Ðại đức, tại sao thế? Có phải đời sống của con đã gần mãn?”.
“Ðúng vậy, quý cư sĩ. Mạng sống của ông chỉ kéo dài bảy ngày nữa thôi”.
Ông Ðại Phú rất bàng hoàng và xúc động. Sau khi bình tâm trở lại, ông thỉnh mời Ðức Phật và Tăng đoàn đến nơi ông ngụ để thọ trai. Trong bảy ngày kế tiếp, ông cúng dường vật thực đến chư Tăng, và trong ngày thứ bảy, ông xin phép được rửa bát của Đức Phật và xin Ngài chúc phúc. Trong khi chúc phúc, Ðức Thế Tôn giảng thêm:
“Này quý vị tu sĩ và cư sĩ, một người hiền trí không bao giờ nên nghĩ rằng: ‘Tôi sẽ ở lại đây trong suốt mùa mưa. Tôi sẽ làm việc này, việc kia’. Trái lại, người ấy lúc nào cũng nên sống tỉnh giác từng giây khắc và luôn luôn quán chiếu về cái chết của mình như thể mình chỉ sống thêm được một đêm nữa thôi”. Sau đó, Ngài thốt lên các câu kệ dưới đây, về sau được ghi lại trong kinh Pháp Cú (kệ 286-289):
Mùa mưa ta ở đây,
đông, hạ cũng ở đây,
người ngu tâm tưởng vậy,
không tự giác hiểm nguy.
Người tâm ý đắm say
con cái và súc vât,
tử thần bắt người ấy,
như lụt trôi hàng ngũ.
Một khi tử thần đến,
không có con che chở,
không cha, không bà con,
không thân thích che chở.
Biết rõ ý nghĩa này,
bậc trí lo trì giới,
mau lẹ làm thanh tịnh,
con đường đến Niết ban.
(Pháp Cú, 286-289)
Sau khi nghe xong bài giảng, vị thương gia tỉnh ngộ, thành tâm xin quy y Tam bảo và đắc quả Dự lưu, các tu sĩ trong đoàn cũng đạt được thắng trí.
Sau đó, ông Ðại Phú đưa tiễn Ðức Phật về tinh xá. Khi quay trở lại nơi trú ngụ của mình, ông nói: “Tôi cảm thấy nhức đầu, thân thể mệt mỏi!”, và nằm xuống giường để nghỉ. Vừa nằm xuống thì ông chết, và được tái sinh vào cõi trời Ðâu Suất.