Phật Độ Ông Gánh Phân
Khi Phật còn tại thế, ở thành Vương Xá có ông Ni Đề thuộc giai cấp hà tiện chuyên làm nghề gánh phân. Mỗi buổi sáng, ông gánh phân trong các nhà trong phố rồi đem ra ngoại ô mà đổ. Thân ông ốm gầy, quần áo rách nát.
Phật biết thời kỳ ông Ni Đề được độ. Hôm ấy, đức Phật cùng ngài A Nan đi du hành về phía ông Ni Đề. Ni Đề thấy Phật liền cố tránh né. Phật đi chận đầu và giáp mặt ông. Ông hổ thẹn, quay mặt vào tường và bạch Phật, “Bạch đức Thế Tôn, thân con nhơ uế, xin đức Thế Tôn đừng lại gần, mất sự thanh tịnh.”
Đức Phật đến gần bên nói, “Này con, Ni Đề, con có muốn xuất gia học đạo không?”
Ni Đề thưa, “Con muốn lắm, nhưng thân con ô uế, nếu xuất gia tu, sẽ làm mất thanh tịnh cho giáo đoàn.”
Phật dạy, “Giáo pháp của ta như nước, có thể rửa tất cả vật sạch, vật dơ, không có phân biệt. Giáo pháp của ta như lửa, có thể đốt tất cả vật thơm, vật hôi, không phân biệt. Con muốn xuất gia, ta sẽ độ cho.”
Rồi Phật sai A Nan dắt ông ra sông tắm sạch. Phật gọi “Thiện lai tỳ kheo,” râu tóc ông liền rụng, áo pháp mặc tại mình, đủ tướng tỳ kheo. Nghe Phật thuyết pháp, ông tinh tấn tu hành, chứng quả A La Hán.
Việc Phật độ tỳ kheo Ni Đề thuộc giai cấp hạ tiện, các nhà giàu có bàn tán với nhau rằng tại sao Phật độ ông Ni Đề làm trở ngại sự cúng dường, lễ bái của họ. Nếu khi họ trai tăng mà có tỳ kheo Ni Đề đến, họ sẽ mời ra. Nếu Ni Đề ngồi chỗ nào, họ sẽ lau quét chỗ đó.
Vua Ba Tư Nặc hay tin ấy, đến hỏi Phật. Khi vua đến trước cổng tịnh xá, thấy một vị tỳ kheo tướng hảo quang minh, oai nghi đĩnh đạc, đang ngồi vá y trên tảng đá, có đông chư thiên đứng hầu hai bên. Vua thưa với thầy tỳ kheo, “Nhờ thầy vào bạch Phật, có vua Ba Tư Nặc đến ra mắt đức Thế Tôn.”
Thầy tỳ kheo đi xuyên qua tảng đá, vào bạch Phật rồi trở ra lại đi qua tảng đá như đi qua khoảng không.
Vua Ba Tư Nặc vào đảnh lễ Phật và bạch Phật, “Vị tỳ kheo ngồi trên tảng đá vá y là ai mà có thần thông tự tại, có đông chư thiên theo hầu?”
Đức Phật mỉm cười nói, “Chính là người mà bệ hạ muốn đến hỏi ta, đó là tỳ kheo Ni Đề, đã chứng quả A La Hán.”
Phật dạy, “Ví như trong hồ có hoa sen tươi đẹp thơm ngát, bệ hạ có vì bùn nhơ mà bỏ hoa sen tươi đẹp đó không?”
Vua Ba Tư Nặc thưa, “Con sẽ nhận lấy hoa sen và xem bùn nhơ như chất liệu để sanh hoa Sen thơm ngát.” Vua sám hối quan niệm phân chia giai cấp và xin tứ sự cúng dường tỳ kheo Ni Đề.
Đây là câu chuyện nói lên đạo Phật là đạo bình đẳng không phân biệt giai cấp. Phật thường dạy: Không có giai cấp khi mọi người có nước mắt cùng mặn và máu cùng đỏ.
PHÚC ĐỊNH SƯU TẦM