Những câu hỏi của vua Milinđa
Milindapañha
Tác giả: PHẠM HỮU DUNG (soạn dịch và chú giải)
Nhập đề
Những câu hỏi của vua Milinđa (1) – Milindapañha – là cuốn tập ghi chép những đối thoại vấn đáp về giáo lý Phật giáo giữa vua Milinđa và đại đức Na-tiên (2).
Milinđa (Ménandre) là một vị tướng Hy Lạp, theo lệnh vua Démétrios, sang xâm chiếm miền bắc xứ Ấn Độ vào hậu bán thế kỷ thứ hai trước Công Nguyên. Sau lên ngôi vua và đóng đô ở Sāgalā (3), ngài trị vì miền bắc xứ Ấn trong mười ba năm (163-150 tr. CN). Theo truyền thuyết, Milinđa có thân phụ là người Hy Lạp và thân mẫu là người Ấn. Ngài sinh tại làng Kalasi (Kāpisī) (Q3, 34) thuộc vùng Alexandre-sous-Caucase, cách Sāgalā khoảng hai trăm do-tuần (yojana) (4). Nhưng tài liệu Hán lại nói quê quán của vua Milinđa là làng Alisan (Alasanda) ở bờ biển phía đông Hy Lạp, cách Sāgalā hai nghìn do-tuần và thuộc Alexandrie, Ai Cập.
Vua Milinđa rất có cảm tình với Phật giáo. Ngài thường hay thỉnh các tăng sĩ tới đàm thoại về giáo lý. Là một vị vua thông minh lỗi lạc nên những câu hỏi của ngài lắm lúc rất khúc mắc và sâu sắc, làm cho nhiều tăng sĩ không giải thích nổi. Đến khi gặp được đại đức Na-tiên là một cao tăng học rộng uyên bác mới trả lời và giải thích được tất cả những thắc mắc cho vua.
Những câu hỏi của vua Milinđa và các giải đáp của đại đức Na-tiên được ghi chép lại thành sách trong thế kỷ đầu của Công Nguyên. Theo tài liệu để lại, thoạt tiên sách được viết bằng một thổ ngữ miền tây bắc Ấn (prākrit) với tư tưởng của giáo lý Nhất-thiết-hữu-bộ (Sarvāstivāda). Sau được viết lại bằng Pali ngữ và có nhiều sửa đổi, nhất là bộ sách viết bởi các nhà sư Tích-lan (Sri Lanka). Bộ này gồm có bảy quyển nhưng chỉ ba quyển đầu có thể coi là sát bản chính, còn bốn quyển sau đã được thêm vào trong những thế kỷ sau thế kỷ V và soạn theo giáo lý Thượng-tọa-bộ (Sthaviravāda) của họ, tức là Phật giáo Nguyên thủy (Theravāda) ngày nay (5).
Sách Milindapañha được dịch ra Hán ngữ ba lần trong những thế kỷ III, IV và V, có thể là từ nguyên bản thổ ngữ tây-bắc Ấn vì dịch trước khi bị sửa đổi bởi các tăng sĩ Tích-lan và chỉ có ba quyển. Bản dịch thứ hai coi sách này như một kinh nên đổi tên là Na-tiên tỳ kheo kinh.
Tác giả viết sách và dịch sách đều không để tên lại.
Cuộc đối thoại này không thấy nói trong lịch sử Hy Lạp, người ta chỉ biết vua Milinđa rất có cảm tình với Phật giáo. Còn về đại đức Na-tiên ngoài cuốn vấn đáp này (cũng không phải ngài viết vì sách được viết ba thế kỷ sau) ngài không để lại một di tích nào về đạo luận hay văn thơ cả. Một nhà Phật học đã tự hỏi Na-tiên có thật là một nhân vật lịch sử không?
Milindapañha nguyên bản Pali Tích-lan được in lại bởi V. Trenckner năm 1880 (6) và được T.W. Rhys Davids* dịch toàn bộ bảy quyển ra Anh ngữ trong những năm 1890-1894. Louis Finot** dịch ba quyển đầu từ Pali ngữ ra Pháp ngữ năm 1923.
Dựa lên các tài liệu Anh và Pháp trên, chúng tôi dịch ra Việt ngữ ba quyển đầu mà đa số các chuyên gia công nhận là sát bản chính, mặc dù ngay trong mấy quyển này cũng đã có những câu hỏi và trả lời ở một trình độ thấp kém, có thể nói là ngô nghê, đối với trình độ trí thức của hai nhân vật trong chuyện, như các đoạn nói về Lửa địa ngục (Q3, 4), Trọi chữ (Q3, 22), Xương dài một trăm do-tuần (Q3, 39), v.v... Những đoạn này có thể là đã được thêm vào sau.
Sách được viết và dịch từ lâu năm, lời văn nhiều chỗ không còn hợp với thời đại thành ra khó hiểu cho nên ở đôi ba chỗ chúng tôi phải hoặc sửa đổi cấu trúc câu văn hoặc đơn giản những đoạn phức tạp, lủng củng để độc giả đọc được lưu loát, dễ thấy ý nghĩa căn bản.
Quyển Một nói về tiền sử và tiền kiếp cúa hai nhân vật trong chuyện. Hai vị đã tu học từ vô lượng kiếp, đã thành những "người trời", sau giáng sinh xuống trần để giảng giải giáo lý vi diệu của đức Thế Tôn bằng cách đặt những câu hỏi và trả lời.
Quyển Hai giảng giải về giáo lý, về bản chất con người, về luân hồi, nghiệp báo, nhân quả, tái sinh, niết bàn, La-hán, đức Phật, v.v... Điểm thắc mắc chính của vua Milinđa là vấn đề tái sinh và nghiệp báo của con người, ngài hỏi đi hỏi lại nhiều lần. Vua còn muốn biết về sự tu hành của cư sĩ cũng như của tăng sĩ, "tại sao lại phải xuất gia mới đạt được đạo?". Ngài hỏi câu này với thượng tọa Āyupāla nhưng không thỏa mãn về câu trả lời, ngài lập lại câu hỏi với đại đức Na-tiên và được biết xuất gia là một phương tiện chắc chắn và nhanh nhất để đạt tới giải thoát.
Quyển Ba giải đáp những thắc mắc cho vua, nhiều câu không liên quan tới đạo pháp.
Quyển Bảy bộ Pali Tích-lan nói sau khi đàm thoại với đại đức Na-tiên, vua Milinđa xin quy y Phật, rồi ngài truyền ngôi cho con và xuất gia, chứng được quả A-la-hán (7). Như vậy có phần mâu thuẫn với đoạn Chung kết trong quyển Ba (Q3, 46), vua Milinđa nói với đại đức Na-tiên là ngài không thể xuất gia được vì ngài còn có nhiều thù địch. Lịch sử Hy Lạp cũng không nói tới sự xuất gia của vua Milinđa.
Dầu sao, "Những câu hỏi của vua Milinđa" là một tác phẩm rất giá trị, nó cho ta những giải thích rõ ràng về giáo lý căn bản của đạo Phật với những thí dụ giản dị, cụ thể, dễ hiểu. Các ngài Phật Âm (Buddhaghosa) và Thế Thân (Vasubandhu) thường dẫn sách này trong tác phẩm của các ngài. Nhiều môn phái tiểu thừa đã coi sách này như một kinh và sắp vào kinh tạng của họ.
Chú giải:
(1) Milinda là Pali ngữ, dịch âm từ Hy Lạp ngữ Menandros. Hán dịch là Di-lan-đà. Chúng tôi nhận thấy Việt ngữ có đủ âm để đọc từ Milinda chỉ cần đổi d ra đ và viết là Milinđa.
Na-tiên là hán ngữ dịch từ Pali ngữ Nāgasena, vì dễ đọc nên chúng tôi giữ Na-tiên.
Các tên khác trong chuyện, chúng tôi để nguyên Pali ngữ, không dịch.
(2) Xem chú giải (1)
(3) Sāgalā (phạn: Śakala), đô thị miền bắc Ấn Độ. Nay là Siālkot.
(4) Do-tuần hay Du-thiện-na, Pali ngữ Yojana, đơn vị đo lường xưa của Ấn Độ. Có nhiều định nghĩa khác nhau, có tài liệu cho do-tuần dài bằng một ngày đi bộ (15-20 km), có tài liệu cho khoảng 7 km, tài liệu khác so sánh như một "dặm" (lieue) 5,5 km.
(5) Thượng tọa bộ (Sthaviravāda) được thành lập sau khi tách rời với Đại chúng bộ (Mahāsaṅghika) vào thế kỷ III trước Công Nguyên. Ma-hi-đà (Mahinda), con vua A-dục (Asoka) mang truyền sang Tích-lan, rồi sau lan tới Thái-lan, Miến-điện, Cam-bốt, Lào. Nay là Phật giáo Nguyên thủy (Theravāda).
(6) The Milindapañha, being Dialogues between King Milinda and the Buddhist Sage Nāgasena. The Pali text edited by V. Trenckner. London 1880 – in-8e
(7) Rhys-Davids T.W. The Questions of King Milinda. Quyển VII, 7, 21 (420) tr. 373-375.
* T.W. Rhys Davids (1843-1922), giáo sư tại University College (London), tại Royal Asiatic Society và là sáng lập viên hội Pali Text Society trứ danh.
** Louis Finot, giám đốc Viện Viễn Đông Bác Cổ và giáo sư tại Collège de France.
Tiền sử (Pubbayoga)
1. Kinh thành Sāgalā
Ở Diêm-phù-đề (Jambudīpa) (8) thuộc dân tộc Yonaka có một thành phố tên là Sāgalā (9) huy hoàng tráng lệ. Trên có núi dưới có sông, Sāgalā được kiến trúc rất mỹ thuật. Các dinh thự, lâu đài, công viên, phố phường, hồ nước đẹp đến nỗi những kẻ thù địch đến xâm chiếm cũng không nỡ đập phá. Các tòa nhà, các đại sảnh dành cho khất sĩ được xây cất một cách lộng lẫy trông như những chỏm núi trên Hy-mã-lạp-sơn. Thành phố có tường trắng xây quanh với những cổng thành kiên cố, có chòi gác, có hào lũy bao vây. Kinh thành được canh gác thường trực bởi bốn binh đoàn: tượng binh, mã binh, xa binh và bộ binh. Dân cư đông đúc, lúc nào cũng như hội, có đủ các hạng người, tài tử giai nhân dập dìu. Khất sĩ, đạo sĩ, bà-la-môn (10) sống chung với nhau một cách hài hòa, ổn thỏa. Ngoài phố người buôn kẻ bán nhộn nhịp suốt ngày. Hàng hóa không thiếu thứ gì, đủ các loại vải lụa, nào lụa kāsi, nào vải kotumbara, lại được ướp nước thơm, được thêu kim tuyến làm nhấp nhánh, sáng trưng các quầy hàng. Các tiệm vàng, tiệm kim cương, đá quý đều phô trương ra phố. Các quán ăn phạn điếm bán đủ các thức ăn đồ uống, cao lương mỹ vị. Ngõ ngách nào cũng có cửa hàng. Đồ đồng đồ bạc đều trưng bày ra cửa ra đường, chứng tỏ sự giàu sang của thành phố. Thật là phong phú như xứ Câu-lư (Uttarakuru) (11), sang trọng như kinh thành Alakamandā (12) trên trời.
2. Tiền kiếp
Thuở xa xưa, cách nay vô lượng kiếp, từ thời đức Phật Ca-diếp, có một ngôi chùa lớn ở bên bờ sông Hằng. Tăng sĩ ở đó tu học rất chuyên cần. Sáng sáng các vị chăm chỉ lấy chổi ra quét sân chùa, vừa quét vừa niệm Phật. Lá quét chất lên thành đống.
Rồi một hôm, một thầy tăng gọi chú tiểu: "Này tiểu, đến hót đống lá này đi". Chú tiểu lặng lờ, vờ như không nghe thấy. Gọi hai lần, ba lần chú cứ lặng thinh không trả lời. Vị tăng nổi cáu nói: "Chà, chú tiểu này hư quá", rồi đánh cho một cán chổi. Tiểu hoảng sợ, vừa hót đống lá vừa khóc, miệng lẩm bẩm nguyện rằng: "Với sự tu học của ta trong những kiếp sau cho tới lúc chứng Niết bàn, ta sẽ hùng mạnh và sáng chói như mặt trời ban trưa này".
Làm xong việc, chú tiểu đi xuống tắm ở sông Hằng, thấy làn nước lóng lánh dưới ánh sáng mặt trời như muôn ngàn vì sao, lại nguyện rằng: "Với sự tu học của ta trong những kiếp sau cho tới khi chứng Niết bàn, tâm trí ta sẽ lanh lẹ và sáng tỏ như những làn sóng này".
Cùng lúc đó, thầy tăng sau khi cất chổi, cũng xuống tắm ở sông Hằng, nghe thấy lời nguyện của chú tiểu, nghĩ rằng "Chú này chỉ nên nguyện là về sau biết nghe lời ta, thế mới là nguyện đúng". Rồi thầy cũng phát nguyện là: "Trong các kiếp sau ta sẽ trải qua cho tới khi chứng Niết bàn, ta nguyện tâm trí ta sẽ luôn luôn sáng chói như các làn sóng này để có thể giảng giải, gỡ rối tất cả những câu hỏi mà chú tiểu này sẽ đặt ra cho ta".
Rồi sau, trong khoảng thời gian giữa đức Phật Ca-diếp và đức Phật hiện tại, trải qua a-tăng-kỳ kiếp, hai nhân vật trên luân hồi truyền kiếp giữa loài người và loài trời.
Cũng như đã nói về tổ Mục-kiện-liên-tử Đế-tu (Moggaliputta Tissa) (13), đức Thế Tôn nói tới hai nhân vật của chúng ta như sau: "Năm trăm năm sau khi ta niết bàn, hai người này sẽ sinh ra và có nhiệm vụ là giảng giải, gỡ mối cho giáo lý vi diệu và đạo pháp của ta bằng cách đặt những câu hỏi và trả lời".
3. Vua Milinđa
Ở Diêm-phù-đề, tại thành Sāgalā, có một vị vua tên là Milinđa, nhân từ, minh mẫn, lại có lòng tín ngưỡng. Ngài đã thực hành tất cả các giới luật từ nhiều kiếp tới nay. Vua Milinđa rất thông minh sáng suốt, ngài nghiên cứu học hỏi tinh thông tất cả các môn từ triết lý, đạo giáo Vệ-đà (14), du già, tới toán học, thiên văn, y dược. Ngài biết cả các phép thuật, phép ấn, biết đủ cả mười chín môn học (15). Ngài viết văn làm thơ, giỏi cả về quân binh chiến lược. Thật là một nhà bác học, ngài lại có tài hùng biện. Cả xứ Diêm-phù-đề, không ai có thể so sánh với vua về mọi phương diện, sức lực, lanh lẹn, hoạt bát. Vua Milinđa thật là giàu sang, ngài có cả một đạo binh hùng mạnh. (16)
Một hôm vua Milinđa đi ra ngoài thành để duyệt bốn binh đoàn. Duyệt xong ngài, vì tính tình thích nói chuyện, nhìn lên trời và nói với quần thần theo hầu: "Trẫm không biết về cung làm gì bây giờ ! Có ai biết một hiền triết, một đạo sĩ hay khất sĩ nào, ngay cả một đệ tử của đức Thế Tôn, có thể luận bàn với trẫm và giải thích những thắc mắc cho trẫm không ? Nói cho trẫm biết".
Năm trăm quần thần theo hầu nói: "Kính thưa Đại Vương, ở đây có sáu pháp sư tài giỏi có tiếng là Purāṇa Kassapa, Makkhali Gosāla, Nigaṇṭha Nātaputta, Sañjaya Belaṭṭhaputta, Ajita Kesakambalī và Pakudha Kaccāyana. Họ đều là cao tăng, thánh tăng, pháp sư của các môn phái, rất được dân chúng sùng bái. Nếu Đại Vương tới hỏi, họ sẽ giải thích các thắc mắc cho Đại Vương".
Vua liền lên xe cùng năm trăm hầu cận đến gặp Purāṇa Kassapa. Sau khi chào hỏi theo lễ nghi thường lệ, vua tới ngồi cạnh nói:
- Kính Đạo sư, cái gì giữ con người lại ?
- Thưa Đại Vương, trái đất giữ con người lại.
- Nếu trái đất giữ người lại thì tại sao những người có tội lỗi lại bị rơi xuống tận địa ngục A-tỳ qua luôn cả đất ?
Câu hỏi này làm cho vị đạo sư Purāṇa Kassapa bối rối không trả lời được, đứng lặng thinh.
Sau đó, vua đi gặp ông Makkhali Gosāla và hỏi :
- Kính Thầy Gosāla, ở trên đời có những nghiệp lành nghiệp dữ không ? Có những hậu quả về các hành động tốt xấu này không ?".
- Kính thưa Đại Vương, không có. Những người ở trên đời này nếu họ là quý phái, bà-la-môn, trưởng giả, thường dân, chiên-đà-la thì họ sẽ vẫn là quý phái, bà-la-môn, trưởng giả, thường dân, chiên-đà-la ở kiếp sau. Vậy không có hậu quả tốt xấu chi cả.
- Thưa nếu như thế, kính Thầy, thì những người ở đời này bị què quặt, mất chân cụt tay, sang kiếp sau họ vẫn là người tàn tật sao ?
Câu nói làm cho thầy Gosāla ngồi lặng thinh không biết làm sao trả lời.
Vua Milinđa nghĩ thầm : "Xứ Diêm-phù-đề này thật là trông rỗng, chỉ như cái bao vỏ chấu ! Không có một ai, cả bà-la-môn (17) lẫn khất sĩ có thể thảo luận với ta và giải thích các thắc mắc cho ta". Rồi ngài nói với các quan cận thần :" Đêm nay trời thật trong sáng và thanh mát. Ai có thể kiếm cho trẫm một khất sĩ hay bà-la-môn nào để trẫm có thể đặt những câu hỏi, có thể đàm thoại và giải thích những thắc mắc cho trẫm không ?".
Mọi người nhìn vua, không nói gì.
Chú giải:
(8) Diêm-phù-đề (pali: Jambudīpa, phạn: Jambuvīpa) một châu ở phía nam núi Tu-di (Sumeru). Thường được coi là xứ Ấn độ.
(9) Xem chú giải (3)
(10) Người bà-la-môn, thuộc giai cấp bà-la-môn là giai cấp của những người có học thức như các đạo sư, pháp sư, hiền triết, v.v. . .
(11) Câu-lư (Uttarakuru) một châu ở phía bắc núi Tu-di.
(12) Alakamandā hay Alakā : cung điện của vua Kevura trên trời, tượng trưng cho Phú quý.
(13) Mục-kiện-liên-tử Đế-tu (Moggaliputta Tissa), cao tăng, chủ tịch kỳ Tập kết thứ ba tại Hoa Thị (Pataliputta) dưới triều vua A-dục (Asoka). Đức Phật tiên đoán là hai trăm mười tám năm sau khi ngài niết bàn, vị tăng này sẽ tụng kinh Thuyết-Sự-Luận (Kathāvatthu) trước hội nghị.
(14) Vệ-đà (Veda), còn gọi là Phệ-đà, bộ kinh cổ của đạo Bà-la-môn.
(15) Mười chín môn học là :
1. Sūtti : biết về các giọng nói, tiếng hát.
2. Sammati : biết về thiên nhiên, cây cỏ
3. Saṅkhiyā : biết về toán học
4. Yogā : biết về các chuyên môn
5. Nitti : biết về văn võ
6. Visesikā : biết về hạnh phức con người
7. Yaṇikā : biết về thiên văn
8. Gandhabā : biết về âm nhạc
9. Tikicchā : biết về y khoa
10. Dhanubhedhā : biết về bắn cung
11. Purānā : biết về khảo cổ
12. Itihāsā : biết xem phương hướng
13. Jotisā : biết tiên tri, số mệnh
14. Māyā : biết được thật giả, ngay dối
15. Hetu : biết về nhân quả
16. Vantuṭṭhā : biết về chăn nuôi trồng trọt
17. Yuddhasā : biết về quân sự
18. Pasaṇṭhā : biết về truyện dân gian và thi văn
19. Biết các Phật ngôn.
(16) Đoạn này tả sự học rộng biết nhiều của vua Milinđa rất tỉ mỉ, phức tạp, chúng tôi đơn giản bớt, biết là nhà vua rất thông thái.
(17) Xem chú giải (10)4. Mahāsena chịu đầu thai làm người
Trong suốt mười hai năm, ở kinh thành Sāgalā không có một người nào có đủ tài năng để luận nghị, đối đáp lại với vua Milinđa lỗi lạc này. Khi có một người cho là có khả năng, vua liền kiếm đến để đàm thoại nhưng tất cả đều bị vua vặn hỏi không biết làm sao trả lời.
Cùng thời gian đó ở Rakkhitatala trên Hy-mã-lạp-sơn, hòa thượng Assagutta dùng thiên nhĩ thông nghe được các lời nói của vua Milinđa, liền triệu tập một buổi họp trên núi Du-càn-đà-la (Yugandhara) (18), có hàng triệu la hán tới dự, và nói rằng: "Thưa các đạo hữu, giữa chúng ta ai có thể luận nghị được với vua Milinđa và giải thích các thắc mắc cho nhà vua không?" . Không ai trả lời. Hỏi hai ba lần vẫn không ai nói gì. Hòa thượng lại nói: "Ở trên cõi trời, về phía đông của điện Vejayanta (19) có một dinh thự gọi là Ketumatī, vị thánh thiên trụ trì là ngài Mahāsena. Vị này có thể đối đáp lại với vua Milinđa và giải thích các thắc mắc cho vua được. Chúng ta phải đến xin ngài cứu giúp cho đạo pháp trong lúc khó khăn này".
Tất cả các la hán liền rời Du-càn-đà-la và hiện lên cõi trời.
Vua cõi trời là Sakka, thấy mọi người tới liền ra chào đón rồi đến gần Assagutta hỏi: "Kính thưa Hòa thượng, chư quý tăng tới đây đông đảo thế này tất có chuyện gì. Trẫm đây cũng là tu sĩ, xin cho biết". Assagutta trả lời: "Kính thưa Đại Vương, ở dưới Diêm-phù-đề, tại tỉnh Sāgalā, có một ông vua tên là Milinđa rất thông thái, một luận gia đại tài, ngài thường kiếm vời chúng tăng tới chất vấn với những câu hỏi vô cùng khúc mắc".
Vua Sakka nói: "Vua Milinđa trước kia cũng ở cõi trời này, nay giáng sinh xuống làm người đó. Ở bên cung điện Ketumatī có ngài thánh tăng Mahāsena có thể thảo luận và giải thích các thắc mắc cho vua Milinđa được. Chúng ta hãy sang thỉnh ngài giáng sinh xuống làm người".
Nói xong, vua Sakka cùng chư tăng đi tới điện Ketumatī, chào hỏi rồi nói với Mahāsena:
- Thưa quý đạo hữu, tất cả chúng tăng cùng trẫm đây tới xin quý đạo hữu giáng sinh xuống trần làm người.
- Kính thưa Đại Vương, tôi xuống làm gì dưới đó. Cái thế giới của loài người là nơi đầy nghiệp chướng và phiền não. Ở đây thiên địa, tôi muốn sống an tịnh để tu học cho tới khi chứng Niết bàn.
Assagutta liền nói với Mahāsena rằng:
- Kính thưa đạo hữu, chúng tôi đã tìm kiếm khắp cõi người và cõi trời không thấy có một người, ngoại trừ quý đạo hữu, có thể đả phá được các biện luận của vua Milinđa và giữ tiếng cho đạo pháp. Cho nên toàn thể tăng chúng chúng tôi đến khẩn cầu đạo hữu trở lại thế gian hầu bảo trợ cho đạo pháp của đức Thế Tôn.
Mahāsena trả lời:
- Nhất định là tôi có thể phá đổ được các biện luận của vua Milinđa giúp cho đạo.
Nói xong, Mahāsena hoan hỷ nhận lời và hứa sẽ trở lại trần gian.
5. Rohaṇa bị trừng phạt
Làm xong phận sự các la hán trở về Rakkhitatala ở Hy-mã-lạp-sơn. Hòa thượng Assagutta hỏi mọi người:
- Trong các thầy, có thầy nào không đi dự hội nghị không?
Một thầy đáp có thầy Rohaṇa không đi được vì thầy xuất thần nhập định (nirodhasamāpatti) từ bảy ngày nay chưa ra.
Cùng lúc đó, thầy Rohaṇa thiền định xong, giật mình tự nói "Tăng chúng đang đợi ta". Rồi vội vàng đi thẳng tới Rakkhitatala. Các la hán vẫn còn đông đủ tại đó.
Assagutta hỏi:
- Trong lúc đạo pháp của đức Thế Tôn gặp hoạn nạn, tại sao thầy không tới dự hội nghị ?
- Kính thưa Hòa Thượng, đây thật là điều vô ý của con.
- Nếu vậy thầy phải chịu lỗi phạt.
- Kính thưa con phải làm gì?
- Bên sườn núi Hy-mã có một làng bà-la-môn tên là Kajaṅgala, ở đó, tại nhà ông Soṇuttara sẽ có một đứa bé sinh ra, được đặt tên là Na-tiên (Nāgasena) (20). Trong bảy năm mười tháng, ngày nào thầy cũng phải tới nhà đó mà khất thực, làm quen với nó và đưa nó vào đạo. Như vậy thầy sẽ được xá tội.
Thầy Rohaṇa lĩnh ý rồi ra đi.
6. Sinh trưởng và giáo dục của Na-tiên
Ngài thánh thiên Mahāsena, y theo lời hứa, giáng sinh vào gia đình bà-la-môn Soṇuttara. Khi bà Soṇuttara thụ thai có ba điềm lạ phát hiện, một là các dụng cụ binh đao trong nhà đều bị cháy hết, hai là hạt giống còn non mà đã nảy mầm, ba là có một trận mưa rất lớn.
Trong bảy năm mười tháng, thầy Rohaṇa cứ ngày ngày đến nhà ông Soṇuttara khất thực, nhưng không lần nào được một chén cơm muỗng cháo, ngay một câu chào hỏi cũng không, ngoài những lời nhiếc móc. Cũng không có một ai nói thầy hãy đi nơi khác mà khất thực.
Mãi - bảy năm mười tháng sau - một hôm có người trong nhà bảo thầy hãy đi nơi khác mà xin.
Trên đường về thầy gặp ông chủ nhà, ông này hỏi:
- Thế nào hôm nay thầy đã qua nhà tôi chưa ?
- Đã, tôi qua rồi.
- Thế thầy có nhận được gì không?
- Có, tôi có được.
Ông chủ nhà vừa ngạc nhiên vừa tức giận, đi thẳng về nhà hỏi: "Ban nãy ai đã cho gì thầy tăng?" . Người nhà trả lời không ai cho gì cả.
Sáng hôm sau ông bà-la-môn ra ngồi ngay trước cửa nhà đợi thầy tăng tới để trách tội là đã nói dối. Khi thầy tăng tới trước cửa, ông liền nói:
- Hôm qua ở đây không ai cho thầy gì cả mà sao thầy lại nói với tôi là thầy có được đồ bố thí ? Như vậy là thầy đã nói dối. Đạo của thầy cho phép nói dối à?
Thầy tăng trả lời:
- Hỡi ông bà-la-môn, trong suốt bảy năm mười tháng qua ngày nào tôi cũng tới đây, tôi không nhận được gì của gia đình ông cả, ngay một lời nói cũng không. Tới hôm qua tôi mới nhận được một câu bảo tôi hãy đi khất thực nơi khác. Đó là một lời nói lễ độ mà tôi nhận được nên tôi trả lời ông là tôi đã nhận được gì rồi.
Ông bà-la-môn nghĩ: "Chỉ nhận được có một câu nói lễ phép mà thầy tăng đã coi như một của bố thí, nếu nhận được thức ăn thì thầy sẽ nghĩ sao". Nghĩ xong ông liền đi vào bếp lầy đồ ăn ra cúng thầy và nói từ nay ngày nào thầy cũng sẽ có đồ cúng dường.
Từ hôm đó ông bà-la-môn dần dần thấy thầy tăng đàng hoàng, hiền hậu, sinh ra có cảm tình với thầy, thỉnh thoảng lại mời thầy dùng cơm cùng với gia đình. Thầy tăng nhận lời bằng sự im lặng và sau mỗi bữa ăn thầy đọc cho nghe một vài câu kệ của đức Phật.
Bà chủ nhà, sau mười tháng, sinh được một quý tử đặt tên là Na-tiên (Nāgasena). Chú bé khôi ngô tuấn tú.
Khi Na-tiên được bảy tuổi, ông bố gọi tới nói :
- Na-tiên con, nay con đã lớn và theo truyền thống của gia đình bà-la-môn ta, con cần phải đi học các khoa học.
- Thưa cha, các khoa học là gì?
- Là ba bộ kinh Vệ-đà (21) người ta gọi là "khoa học" (sciences). Các môn học khác thì gọi là "thuật" (arts).
- Thưa cha, vâng, con sẵn sàng theo học.
Ông Soṇuttara đi tìm một thầy giáo bà-la-môn, rồi sai sửa soạn nơi ăn ở cho hai thầy trò trên lầu cao. Ông nói với thầy giáo dạy cho con mình biết những châm ngôn mật chú (mantas) của Vệ-đà.
Bản tính thông minh Na-tiên chỉ học qua một lần là thuộc. Không bao lâu chàng học xong cả ba bộ kinh Vệ-đà, hiểu thấu tất cả các chú giải, phân biệt được rõ ràng các âm tiết của văn từ, biết rõ các truyền thuyết, các thánh thiên. Chàng sớm thành một nhà luận giải, một văn phạm gia, giải thích được các vấn đề siêu hình.
Một hôm chàng hỏi cha: "Thưa cha, có còn khoa học nào cần học thêm không hay là hết cả rồi?". Người cha trả lời là con đã học hết cả rồi.
Chàng thiếu niên, sau khi học xong bài học cuối cùng, từ giã thầy rồi xuống lầu, lòng rung động vì đã hoàn tất một công trình trọng đại.
Rồi sau chàng đi vào một nơi thanh vắng để suy tưởng, duyệt lại những điều đã học từ đầu tới cuối. Chàng nhận thấy khoa học Vệ-đà không có gì là thực thể cả và nghĩ rằng: "Các Vệ-đà này thật là trống rỗng, chỉ như bao vỏ chấu, không có cốt tủy, thực chất gì cả".
Nghĩ rồi, chàng buồn phiền lo ngại.
Chú giải:
(18) Du-càn-đà-la (Yugandhara), một trong bảy dãy núi ở quanh núi Tu-di.
(19) Vejayanta (phạn: Vaijayanta), cung điện của ngài Đế Thích (Indra), vị chủ cõi trời Đao-lị.
(20) Xem chú giải (1)
(21) Xem chú giải (14)
7. Na-tiên quy y Phật
Cùng lúc đó thầy tăng Rohaṇa đang ngồi trong am Vattaniya thấy được sự bối rối của Na-tiên liền cầm y bát đi xuống làng Kajaṅgala. Na-tiên đang đứng trước cổng nhà thấy thầy tăng từ xa đi tới, chàng vui mừng hẳn lên nghĩ rằng:" Chắc vị ẩn sĩ này có thể mang tới cho ta cái gì là thực thể chăng?". Chàng tới gần thầy tăng hỏi:
- Kính thầy, thầy là ai mà lại cắt hết tóc và mặc áo vàng như vậy?
- Mọi người gọi ta là "thầy tăng".
- Tại sao người ta lại gọi thầy như vậy?
- Vì ta lánh đời để tẩy rửa các ô uế của tội lỗi.
- Tại sao thầy lại cắt hết tóc?
- Người tu hành cắt tóc, cạo râu là sau khi nhận thức được mười sáu chướng ngại. Đó là các đồ trang sức, đồ mỹ trang, kem thoa mặt, đồ tắm rửa, vòng đeo cổ, nhẫn đeo tay, nước hoa, nước xông, phấn trái cây khô, thuốc nhuộm, khăn cuốn, lược chải đầu, dao cạo râu, đồ gỡ tóc, lại còn có chấy rận, có tóc rụng. Các chướng ngại này làm cho con người thành bực dọc, nóng tính, đôi khi mất cả lý trí nữa. Bị ràng buộc bởi mười sáu chướng ngại này con người không còn biết được cái tinh tế của tri thức nữa.
- Tại sao thầy không ăn mặc như mọi người?
- Quần áo đẹp quyến rũ con người, nó là căn nguyên của ái dục, gây ra phiền não, người tu hành mặc áo vàng tránh được các phiền muộn này. Vì vậy mà ta không ăn mặc như mọi người.
- Thầy có biết các thuật không?
- Có, nhất định là ta biết, ta còn biết nhiều thuật cao siêu nữa.
- Thầy có thể dạy cho con được không?
- Được con ạ, được!
- Thầy dạy đi.
- Bây giờ chưa phải lúc con ạ. Thôi để ta đi vào nhà khất thực.
Na-tiên liền vội nắm lấy bát của thầy Rohaṇa, chạy vào trong nhà lấy các đồ ăn tươi ngon đem ra cúng thầy. Thầy Rohaṇa ăn xong đang rửa bát, Na-tiên lại năn nỉ:
- Bây giờ thầy giảng cho con các thuật cao siêu đi.
- Chưa được con ạ. Khi nào con dứt bỏ được các trở ngại và được cha mẹ cho phép con mặc áo như ta thì lúc đó ta sẽ truyền cho.
Na-tiên lập tức chạy đi tìm cha mẹ nói: "Thưa cha, thưa mẹ, vị đạo sĩ này nói có biết các phép thuật nhiệm mầu nhất thế gian nhưng ông ấy không chịu truyền cho người không xuất gia. Vậy con xin phép cha mẹ cho con con xuất gia để có thể học được các thuật nhiệm mầu cao siêu".
Ông bà Soṇuttara nghĩ "Cứ cho con mình xuất gia học đạo. Khi học xong nó sẽ lại trở về, có mất gì đâu". Nghĩ như vậy ông bà chịu cho con xuất gia.
Thầy Rohaṇa dẫn Na-tiên tới chùa Vattaniya ở Vijambhavatthu, ngủ lại một đêm. Hôm sau đi lên Rakkhitatala, ở đó thầy làm lễ xuất gia (pabbajjā) cho Na-tiên dưới sự chứng minh của các la hán.
Ngay sau khi làm lễ xong, Na-tiên lại xin Rohaṇa: "Thưa thầy nay, con đã xuất gia có áo cà sa vàng rồi, xin thầy chỉ dẫn cho con đạo pháp".
Rohaṇa tự hỏi:" Ta bắt đầu dạy bằng phần nào của đạo pháp? Kinh tạng (suttanta) hay Luận tạng (abhidhamma)? Na-tiên rất thông minh, chắc nó sẽ học kinh Luận một cách dẽ dàng". Nghĩ như vậy rồi thầy dạy cho Na-tiên về kinh Luận.
Kinh Dhammasaṅgaṇi (Pháp tụ) bắt đầu bằng Kusalā-dhammā, Akusalā-dhammā, Abyākatā-dhammā. Kinh Vibhaṅgappakaraṇa (Phân biệt) gồm có mười tám phân biệt, phải bắt đầu bằng Khandhavibhaṅga. Kinh Dhatukathāpakaraṇa (Giới thuyết) với mười bốn phẩm, bắt đầu bằng phẩm Saṅgaho-asaṅgaho. Kinh Puggalapaññatti (Nhân thi thiết) có sáu chương Khandha-paññatti, Ayatanapaññatti, v.v... Kinh Kathāvatthuppakaraṇa (Thuyết sự) với một nghìn bài, 500 bài tự thuyết, 500 bài tha thuyết. Kinh Yamaka (Song đối) chia ra làm mười phần Mūlayamaka, Khandhayamaka, v.v Kinh Patthānappa- karaṇa (Phát thú) có hai mươi bốn phần Hetupaccayo, Arammanappaccayo, v.v... Tóm lại toàn bộ Luận tạng (Abhidhamma-piṭaka) Na-tiên chỉ nghe một lần là thuộc, rồi chàng đọc lại cho thầy nghe không thiếu một câu.
Học hết, Na-tiên lên núi gặp các la hán nói:
- Kính thưa chư tôn túc la hán, con nay có thể trình bày từng chi tiết của toàn bộ kinh Luận theo ba điểm chính là Kusalā-dhammā, Akusalā-dhammā, Abhyākatā-dhammā.
- Tốt lắm, Na-tiên con hãy trình bày nghe coi!
Na-tiên trình bày trong bảy tháng cả bảy quyển kinh Pakaraṇa. Trời lúc đó rung chuyển, các thánh thiên ca ngợi, các phạm thiên tán thưởng. Một trận mưa phấn hương trầm cùng các thiên hoa rơi cùng khắp.
Na-tiên lúc đó vừa đúng hai mươi tuổi. Các la hán cho thụ giới tỳ-kheo.
8. Na-tiên đi gặp Assagutta
Sáng hôm sau, Na-tiên sửa soạn, cầm y bát theo thầy xuống làng khất thực. Trên dọc đường, một ý nghĩ nảy ra trong trí óc Na-tiên "Thầy mình thật lẩm cẩm chỉ dạy cho mình kinh Luận thôi, không dạy cho biết các Phật ngôn". Rohaṇa thông hiểu được ý nghĩ của Na-tiên, nói: "Na-tiên, ý nghĩ này không xứng đáng với con! Không, nó không xứng đáng với con!" . Na-tiên giật mình nghĩ rằng: "Thầy thật là tuyệt diệu, đoán được ý nghĩ của mình, thầy là một thánh nhân. Phải đến xin lỗi thầy mới được". Na-tiên liền đến trước mặt thầy cúi đầu nói
- Thưa thầy, con xin lỗi thầy, từ nay con không dám có ý nghĩ như vậy nữa.
Rohaṇa trả lời:
- Ta không tha lỗi dễ dàng thế đâu! Ở dưới chân núi có một thành phố tên là Sāgalā thuộc quyền vua Milinđa. Ông vua này thường hay chất vấn chúng tăng bằng những câu hỏi rất khúc mắc. Nếu con cải hóa được vị vua này, ta sẽ tha lỗi cho.
- Thầy chỉ nói có vua Milinđa, nếu tất cả các vua ở xứ Diêm-phù-đề này đến chất vấn con, con cũng sẽ bẻ lại được hết. Xin thầy tha lỗi cho con.
Na-tiên vẫn không được tha lỗi. Hai thầy trò tiếp tục đi xuống làng. Một lúc sau Na-tiên hỏi:
- Thưa thầy, xin thầy chỉ cho con trong mùa an cư tới con sẽ đi đâu?
- Có vị hòa thượng tên là Assagutta ở chùa Vattaniya. Con hãy đến đó nói là ta gửi tới. Khi gặp hòa thượng con phải chào hỏi lễ phép và nói là:" Kính thưa Hòa thượng, thầy con gửi lời kính thăm và vấn an Hòa thượng. Con tới xin Hòa thượng cho phép con ở lại đây hầu Hòa thượng kỳ hạ năm nay". Nếu hòa thượng hỏi tên ta thì trả lời thầy con là đại đức Rohaṇa và nếu hòa thượng hỏi tại sao con biết tên ngài thì nói "Kính thưa Hòa thượng, thầy con biết tên Hòa thượng".
Na-tiên lĩnh ý rồi từ giã thầy ra đi.
Tới Vattaniya Na-tiên xin yết kiến hòa thượng và nói như thầy dặn.
Assagutta nói:
- Tốt lắm, Na-tiên con hãy đi nghỉ đi.
Ngày hôm sau, sau khi quét dọn nhà cửa xong, Na-tiên mang đồ rửa mặt, đồ súc miệng lên cho hòa thượng. Vị hòa thượng lại quét lại những nơi đã quét, đổ nước đi rồi lại đi lấy nước, không nói một tiếng nào với Na-tiên cả. Bảy ngày liền như vậy, Na-tiên không nhận được một lời nói nào. Chỉ biết là được phép nhập hạ ở đây.
9. Lên đường đi Hoa Thị (Pāṭaliputta)
Có một bà vãi rất mộ đạo, bà thường hay sang chùa hầu hạ chăm nom hòa thượng Assagutta đã từ hơn ba mươi năm. Sau ba tháng an cư, bà tới thăm hòa thượng và hỏi có tu sĩ nào tới ở cùng với hòa thượng không. Hòa thượng trả lời có một tăng tên là Na-tiên đến an cư với ngài. Bà nói: "Nếu vậy, con xin Hòa thượng cho phép con mời Hòa thượng và thầy tăng ngày mai tới dùng cơm tại nhà". Hòa thượng chấp nhận bằng sự im lặng.
Hôm sau hai thầy trò đến nhà bà vãi. Bà mời khách vào nhà và đãi một bữa cơm rất thịnh soạn. Sau bữa cơm, rửa bát rửa tay, sắp ra về, hòa thượng nói với Na-tiên: "Con hãy nói vài lời cám ơn đi" (anumodanam).
Bà chủ nhà nói với Na-tiên: "Tôi nay đã già rồi, xin thầy giảng cho nghe một thời kinh nào thật sâu sắc". Na-tiên giảng cho bà nghe bài kinh rất thâm thúy lấy trong Luận tạng đi vào lý Không của sự vật.
Trong khi nghe giảng, bà vãi cảm thấy trong người trở thành thanh tịnh, vô cấu, rồi như có một luồng nhãn pháp làm cho bà thấy rõ hiện tượng sinh diệt của sự vật. Về phần Na-tiên cũng vậy, trong khi nói, suy nghĩ về bài giảng thầy cảm thấy có một trực giác (vipassana) đi thẳng vào sự vật và liền chứng được thánh quả Tu-đà-hoàn (22).
Hòa thượng Assagutta ngồi gần đấy thấy hai người đều đạt được nhãn pháp, khen rằng: "Giỏi, giỏi, Na-tiên con dùng một mũi tên mà bắn trúng hai đích". Hàng triệu thánh thiên trên trời đồng thanh tán thưởng.
Rồi hòa thượng nói:
- Nay con hãy đi đến Hoa Thị (Pāṭaliputta), ở đó có hòa thượng Dhammarakkhita trụ trì tại chùa A-dục (Asokārāma) mà học các Phật Ngôn.
- Thưa Hòa thượng, từ đây đến đó bao xa?
- Vài ba trăm dặm.
- Đường thì dài mà khó khất thực. Làm sao con đi được đến nơi?
- Con cứ đi đi. Dọc đường sẽ có cơm gạo, thức ăn đầy đủ.
Na-tiên lĩnh ý, từ giã thầy rồi lên đường đi Hoa-thị.
10. Lên đường đi Sāgalā
Một thương gia dẫn một đoàn năm trăm xe hàng trên đường đi Hoa-thị, ông thấy Na-tiên từ xa đi tới, liền dừng xe chào hỏi:
- Kính thầy, thầy đi về đâu?
- Thưa, tôi đi Hoa Thị.
- Tôi cũng đi về đó. Thật là hân hạnh, xin thầy cho phép tôi đi cùng.
Ông thương gia bị cảm hóa bởi phong cách của Na-tiên, ông mời thầy lên xe rồi sai làm một mâm cơm thịnh soạn đãi Na-tiên. Xong ông tới ngồi cạnh thầy tăng trò chuyện
- Thưa thầy, thầy tên chi?
- Thưa, tên tôi là Na-tiên
- Thầy có biết các kinh của đức Phật không?
- Thưa, tôi được biết về kinh Luận.
- May mắn quá, thưa thầy, tôi cũng biết được chút ít kinh Luận. Xin thầy giảng cho nghe.
Suốt dọc đường Na-tiên giảng kinh Luận cho ông thương gia nghe. Dần dần ông thương gia tẩy bỏ được các phiền não lậu hoặc, thực hiện được nhãn pháp, thấu hiểu được mọi sự vật đều có sinh có tử.
Sắp tới Hoa Thị, đến một chỗ rẽ, ông thương gia dừng xe lại chỉ cho Na-tiên đường tới chùa A-dục, xong ông lấy một tấm lụa dài mười sáu khuỷu tay (23), rộng tám khuỷu ra cúng thầy tăng. Na-tiên vị nể chấp nhận. Ông thương gia vui vẻ chào thầy rồi đi.
Na-tiên đi về hướng chùa A-dục. Tới nơi thầy đi thẳng đến xin gặp hòa thượng Dhammarakkhita và trình bày nguyện vọng của mình. Trong ba tháng thầy tăng chỉ cần đọc một lần là thuộc hết những lời Phật dạy trong Tam tạng kinh và ba tháng sau đã thành một pháp sư. Lúc đó hòa thượng Dhammarakkhita nói với Na-tiên:
- Này Na-tiên con, cũng như có người thì chăn bò, người thì uống sữa. Con tuy tường tận cả ba tạng kinh, hiểu thấu các Phật ngôn nhưng con chưa đạt tới trạng thái của người sa-môn*.
Na-tiên liền nói:
- Thưa Sư phụ, con hiểu rồi, Sư phụ khỏi nói thêm nữa.
Ngay đêm hôm đó, Na-tiên chứng quả la hán và thấu được đủ bốn "tuệ phân tích" (patisambhidā) (24). Khi Na-tiên chứng được chân như thực tính, trời đất rung chuyển, tất cả các thánh thiên chào mừng, các phạm thiên tán thán và một trận mưa phấn hương trầm cùng các thiên hoa rơi khắp mọi nơi.
Lúc đó các la hán đang tụ họp ở Rakkhitatala trên Hy-mã-lạp-sơn cho người xuống vời Na-tiên lên họp. Na-tiên vội vã lên đường tới gặp các la hán. Các vị nói:
- Ở dưới thành, vua Milinđa thường hay chất vấn tăng chúng bằng những câu hỏi rất khúc mắc. Na-tiên con hãy xuống gặp nhà vua và giảng giải cho ngài nghe ra lẽ phải.
- Thưa, không chỉ vua Milinđa mà tất cả các vua khác ở Diêm-phù-đề tới chất vấn, con sẽ trả lời và tháo gỡ hết các cạm bẫy của câu hỏi. Kính chư tôn túc la hán đừng có ngại, xin cứ yên tâm trở về Sāgalā.
Các la hán trở về Sāgalā.
Kinh thành lại rực rỡ những chiếc áo cà sa vàng tung bay trước gió thoảng dịu từ trên trời xuống.
Chú giải:
* Chưa đạt được thánh quả A la hán
(22) Tu-đà-hoàn (Sotāpanna): quả thứ nhất trong bốn thánh quả: Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hoàn (Nhất lai), A-na-hàm (Bất lai) và A-la-hán. Còn gọi là Sơ quả hay Dự lưu.
(23) Chiều dài từ khuỷu tay đến đầu ngón tay giữa, lối 55 phân.
(24) Bốn Tuệ phân tích (patisambhidā) là:
1. Tuệ về nhân (pháp), Dhammapatisambhidā
2. Tuệ về quả, Atthapatisambhidā
3. Tuệ về văn từ, ngôn ngữ, Niruttipatisambhidā
4. Tuệ về biện luận, Patibhanapatisambhidā
11. Vua Milinđa tìm gặp Na-tiên
Trong thời gian đó, một buổi chiều thanh mát tại kinh thành Sāgalā, vua Milinđa nói với quần thần:
- Đêm nay trời thật trong sáng, giữa các khanh, ai có thể đề tiến cho trẫm một khất sĩ hay một bà-la-môn nào để đàm thoại và giải thích những thắc mắc cho trẫm không?
- Kính thưa Đại Vương – năm trăm cận thần trả lời – có một vị thượng tọa tên là Āyupala, rất thông thái, học rộng, thông thuộc cả ba tạng kinh điển. Ông hiện đang ở chùa Saṅkheyya. Đại Vương hãy đến hỏi ông ta.
Vua liền lên xe cùng năm trăm cận thần đến chùa Saṅkheyya. Sau khi làm lễ chào hỏi, vua tới ngồi cạnh ngài Āyupala hỏi:
- Kính Thượng tọa, Thượng tọa xuất gia với mục đích gì? Và rồi sẽ đi tới đâu?
- Thưa Đại Vương, để cho có một đời sống thanh tịnh và đạo đức. Đó là mục đích xuất gia của chúng tôi.
- Thế các cư sĩ có thể có một đời sống thanh tịnh và đạo đức không?
- Thưa có, khi xưa ở thành Ba-la-nại (Bārāṇasī), tại vườn Lộc-uyển, đức Thế Tôn chuyển pháp luân có tới mười tám chục triệu người quy theo giáo pháp, họ đều là cư sĩ cả. Lại nữa, khi đức Thế Tôn thuyết giảng các kinh như Mahāsamaya (Đại Hội), Mahāmaṅgala (Chân Hạnh Phúc) Samacitta-pariyāya, Rāhulovāda v.v... (25), các thánh thiên nghe giảng đều là cư sĩ, không ai là tăng cả.
- Nếu như vậy, kính Thượng tọa, sự xuất gia của Thượng tọa là vô ích. Xuất gia chỉ là cái nghiệp tiền kiếp mà các tỳ-kheo phải lánh đời, phải tu khổ hạnh đó thôi.
"Những người chỉ ăn mỗi ngày một bữa cơm chắc hẳn là trước kia họ cướp giật miếng ăn của người khác. Hành vi này đưa tới hậu quả là nay họ chỉ được ăn mỗi ngày một bữa thôi. Chả phải là đạo đức, khổ hạnh, cao quý gì cả.
"Những người sống không nhà không cửa, phải chăng trước kia họ là những quân giặc đi tàn phá, đốt nhà đốt cửa của người khác. Hành động này cho hậu quả là ngày nay họ không có nhà cửa mà ở. Chả phải là đạo đức, khổ hạnh, cao quý gì cả.
"Những người chỉ có ngồi không được nằm là vì trước kia họ là quân cướp đường bắt các người bộ hành qua lại, trói cột họ rồi bỏ ngồi bên lề đường. Chả phải là đạo đức, khổ hạnh, cao quý gì cả.
Với những lời này, vị thượng tọa im lặng không biết làm sao trả lời. Năm trăm cận thần nói: "Vị thượng tọa này học thức uyên thâm lắm, chắc là vì e dè không dám nói đó thôi".
Vua Milinđa vừa nhìn vị thượng tọa im lặng vừa nắm hai tay vào nhau nói: "Xứ Diêm-phù-đề này thật trống rỗng, rỗng như bao vỏ trấu! Không có một người, ngay cả các tăng các tu sĩ bà-la-môn, có thể thảo luận với ta và giải thích các thắc mắc cho ta". Sau vua thấy các cận thần không có vẻ bối rối sợ sệt nghĩ rằng: "Chắc họ biết ở đây có một vị tu sĩ uyên bác nào có thể đối thoại được với ta nên mới không có vẻ bối rối", bèn hỏi: "Ở đây có tu sĩ nào có thể đối thoại và giải thích các thắc mắc cho trẫm, các khanh cứ nói cho trẫm biết?".
Trong khi đó, đại đức Na-tiên được coi như một tăng trưởng, một pháp sư lỗi lạc, uyên bác, thông thuộc tất cả Tam tạng kinh điển, tất cả Tam Vệ-đà, cả Chín chi (26), người đã chứng thánh quả la hán, đã đạt được Bốn Tuệ phân tích (patisambhidā) (27). Đại đức lại còn là một nhà hùng biện đại tài, hoạt bát, lý luận siêu việt, trầm tĩnh như biển cả, bền chặt như Thái sơn, ít người tranh luận nổi. Lại với giọng nói ngọt ngào, ngài cảm hóa dễ dàng mọi người, khuất phục cả kẻ ngoại đạo. Ngài giảng giải minh bạch, giải tỏa các mù ám, làm rạng tỏ sự hiểu biết cho người nghe. Tất cả các tăng sĩ, các ông hoàng cho tới thường dân đều kính nể sùng bái ngài. Ngài thật là người xứng đáng phất cao lá cờ đạo, làm thức tỉnh chúng sinh, làm rạng rỡ đạo pháp nhiệm mầu của đức Thế Tôn (28).
Đại đức Na-tiên và đoàn tăng sĩ đi qua các làng mạc, các thành thị và sau cùng tới Sāgalā, đến ngụ tại chùa Saṅkheyya cùng với tám vạn tăng chúng.
Nghe lời vua hỏi, quan cận thần Devamantiya tiến tới trước mặt vua thưa rằng:
- Kính thưa Đại Vương, có một vị đại đức tên là Na-tiên rất thông thái, học rộng biết nhiều, lại có tài thuyết pháp, ngài chứng cả bốn quả thánh, đạt cả bốn tri thức. Ngài hiện đang trụ trì ở chùa Saṅkheyya. Đại Vương đến hỏi, đại đức sẽ trả lời và giải thích các thắc mắc cho Đại Vương.
Nghe thấy tên "Na-tiên", vua đã có một cảm giác kính nể, xúc cảm đến e ngại. Ngài hỏi Devamantiya:
- Vị đó có thể bàn luận với trẫm thật không?
- Thưa, vị đó đã nghị luận với cả các thiên vương như Indra, Yama, Varuṇa, Kuvera, Pajāpati, Suyāma, Santusita và ngay cả với các tổ phụ của chính ngài Phạm Thiên, nữa là với người.
Vua Milinđa bảo Devamantiya cho người đến nói với đại đức Na-tiên là vua muốn gặp. Devamantiya liền cử người tới báo cho đại đức là vua Milinđa muốn hội kiến cùng đại đức. Na-tiên trả lời: "Xin Đại Vương cứ tới".
Vua Milinđa liền lên xe cùng năm trăm hầu cận đi đến Saṅkheyya. Khi đó Na-tiên đang ngồi trên chánh điện cùng với tám vạn tăng sĩ. Nhìn từ xa thấy đám đông người, vua hỏi Devamantiya:
- Đám đông người kia là ai?
- Thưa Đại Vương, đó là các đệ tử của đại đức Na-tiên.
Nghe vậy nhà vua hơi sửng sốt và cảm thấy nao núng. Như một con voi bị vây bởi các tê giác, con rồng bởi các thần điểu (garuḍa), con chó rừng bởi những con trăn, con gấu bởi các trâu rừng, hay như con nhái bị rắn đuổi, con nai bị cọp rình, con rắn gặp người bắt rắn, con chuột gặp mèo, ma quỷ gặp thầy pháp trừ tà, như mặt trăng trong mõm la hầu (rāhu), như rắn trong rọ, như chim trong lồng, như cá mắc lưới, như người lạc trong rừng đầy mãnh thú, như quỷ dạ xoa có lỗi với vua Vassavaṇa (vua dạ xoa), như một vị thần mệt mỏi, kinh hãi, lo lắng, xao động, mất thần. Nhưng vua Milinđa cứng rắn tự nhủ: "Thầy tăng này không thắng nổi ta đâu", rồi mạnh dạn đi vào và nói với Devamantiya: "Ngươi không cần phải chỉ cho trẫm biết ai là đại đức Na-tiên, trẫm sẽ nhận ra". Lúc đó Na-tiên xếp bốn vạn tăng cao tuổi hơn mình ngồi đằng trước và bốn vạn vị thấp tuổi hơn ngồi đằng sau. Vua Milinđa đảo mắt nhìn khắp cả hội trường, đằng trước đằng sau bên phải bên trái như một con sư tử, tự tin, không nao núng, không e dè, sợ hãi. Ngài nhận ra Na-tiên đang ngồi giữa chúng tăng và nói với Devamantiya: "Vị này là đại đức Na-tiên". "Thưa Đại Vương, chính đại đức Na-tiên đó". Ông vua phần hân hoan là đã nhận ngay ra Na-tiên, phần thấy dáng mạo của vị tăng oai nghiêm, cốt cách nên hồi hộp, nao núng, nghĩ thầm rằng: "Ta đã gặp nhiều luận gia danh tiếng, đàm thoại với họ chưa bao giờ ta nao núng hồi hộp như bây giờ. Phải chăng đây là điềm thất bại của ta và là thắng lợi của Na-tiên?" .
Chú giải:
(25) Mahāsamaya-suttanta = Dīgha-nikāya
Mahāmaṅgala-suttanta = Suttanipāta, Cullavagga 4 và Khuddha-pātha
Samacittapariyāya = Anguttara-nikāya 1, 61
Rāhulovāda-suttanta = Majjhima-nikāya
(26) Kinh bản được xếp làm chín chi: Suttam, Geyyam, Veyyākaranam, Gāthā, Udāman, Itivuttakam, Jātakam, Abbhutadhammam, Vedallam nhưng các định nghĩa không được rõ rệt lắm.
(27) Xem chú giải (24)
(28) Đoạn này tả về tài cao, học rộng của đại đức Na-tiên, chúng tôi đơn giản cho dễ đọc, biết là đại đức rất thông thái, lỗi lạc.Các đặc tính (Lakkhana)
1. Con người không thực có
Vua Milinđa đến gần Na-tiên chào hỏi theo lễ nghi thường lệ rồi ngồi xuống bên cạnh. Na-tiên cũng lấy lễ đáp lại, tạo ra một khung cảnh thuận lợi cho cuộc gặp gỡ. Vua bắt đầu hỏi:
- Kính Đại đức, người ta gọi Đại đức là gì? Đại đức tên chi?
- Thưa Đại Vương, người ta gọi bần tăng là Na-tiên, các đạo hữu cũng gọi bần tăng như vậy. Nhưng thưa Đại Vương, dù cha mẹ đặt tên cho con là Na-tiên hay Sūrasena hay Vīrasena hay Sīhasena, đó chỉ là một cách gọi, một lời nói, một cái tên mà thôi. Không có gì chỉ con người cả.
Vua Milinđa nhân cơ hội nói lớn:
- Tất cả mọi người hãy nghe đây, tất cả năm trăm cận thần của ta và cả tám vạn tăng sĩ hãy nghe đại đức Na-tiên nói là không có gì chỉ con người cả. Như vật có chấp nhận được không? Thưa Đại đức, nếu con người không có thì ai cúng dường Đại đức cơm ăn áo mặc, nơi ăn chốn ở, ai cung phụng thuốc men khi đau ốm. Các pháp khí ai là người dùng? Ai là người theo giới hạnh? Ai là người ngồi thiền? Ai tạo ra nghiệp? Ai chịu quả báo? Ai chứng Niết bàn? Ai là kẻ sát sinh? Ai là quân trộm cướp? Ai là kẻ tà dâm? Ai là người nói dối? Ai là kẻ rượu chè? Ai là người phạm ngũ nghịch? (29) Vậy sẽ không có hành động thiện hay ác, không có nhân và cũng không có quả. Thưa Đại đức, kẻ giết Đại đức cũng không có, vậy không có kẻ giết người! Ngay chính Đại đức cũng không có, không có cả pháp sư, quy y cũng không có. Đại đức nói "các đạo hữu gọi tôi là Na-tiên", vậy Na-tiên là gì? Có phải mấy sợi tóc là Na-tiên không?
- Thưa Đại Vương, không phải!
- Hay Na-tiên là mấy sợi râu, cái móng tay, cái răng, hay là da thịt, gân cốt, xương tủy, hay là các cơ quan tim, gan, phổi, ruột, hay là máu mủ, mồ hôi, nước mắt?
- Thưa, không phải!
- Hay Na-tiên là sắc, thụ, tưởng, hành, thức?
- Thưa, không phải!
- Hay Na-tiên là sự phối hợp của năm uẩn này?
- Thưa, cũng phải!
- Hay là mỗi uẩn riêng ra?
- Thưa, cũng không phải?
- Trẫm hỏi Đại đức đã nhiều mà vẫn không biết Na-tiên là gì! Một cái tên! Không là gì cả! Na-tiên không là gì cả! Lời nói của Đại đức như vậy là không đúng, là vọng ngữ!
Đợi sau khi vua Milinđa nói hết, Na-tiên bắt lời:
- Thưa Đại Vương, hôm nay trời nắng gắt, mặt đường hấp nóng mà đường thì dài, nếu đi bộ thì cực nhọc lắm. Đại Vương tới đây bằng bộ hay bằng xe?
- Trẫm tới bằng xe.
- Nếu Đại Vương tới đây bằng loan giá, xin Đại Vương nói cho bần tăng được biết xe loan là gì? Có phải là cái cán xe không?
- Thưa Đại đức, không phải.
- Vậy có phải là cái trục xe, cái bánh xe, cái thùng xe hay là cái dây cương ngựa không?
- Cũng không phải.
- Có phải xe là sự kết hợp của các vật này không?
- Không phải, Đại đức.
- Hay là mỗi vật riêng ra?
- Cũng không phải vậy.
- Thưa Đại Vương, bần tăng hỏi đã nhiều lần rồi mà vẫn chưa biết xe loan là gì? Một cái tên! Ngoài ra không là gì cả! Lời nói của Đại Vương là không đúng, là vọng ngữ. Thưa Đại Vương, Đại Vương là vị vua bậc nhất xứ Diêm-phù-đề này, Đại Vương sợ gì mà phải nói sai như vậy. (Rồi nói lớn) Hỡi mọi người hãy nghe đây, tất cả năm trăm cận thần của nhà vua và cả tám vạn tăng sĩ, hãy nghe đây, Đại Vương Milinđa nói tới đây bằng xe loan, vậy mà Ngài không chứng minh được sự hiện hữu của xe. Có thể chấp nhận được không?
Na-tiên nói xong, năm trăm cận thần nhà vua vỗ tay và thỉnh vua trả lời. Vua nói:
- Thưa Đại đức, trẫm không nói sai đâu, chính do cái trục xe, cái bánh xe, v.v... tạo ra một cái tên gọi, một khái niệm chung, một phát biểu thông thường là cái "xe".
- Đúng vậy, thưa Đại Vương, chính do cái chân răng, cái kẽ tóc, v.v. . tạo ra một cái tên gọi, một khái niệm chung, một phát biểu thông thường là "Na-tiên", nhưng thật ra cá nhân không thực có. Khi xưa, tỳ-kheo-ni Vajirā (30) nói trước đức Phật như sau: "Cũng giống như sự kết hợp của các thành phần tạo ra một cái tên là Xe, sự hiện hữu của các uẩn tạo ra một ước định là Con người."
- Giỏi lắm, giỏi lắm! Đáng phục thay! Đại đức đã khéo giải tỏa các khúc mắc trong câu hỏi của trẫm. Nếu đức Phật có tại đây, ngài cũng ban khen Đại đức. Hay lắm! Hay lắm!
2. Con số
- Thưa Đại đức, Đại đức theo đạo được bao nhiêu năm rồi?
- Thưa Đại Vương, bảy năm.
- Bảy là gì? Đại đức là bảy hay con số là bảy?
Nhân lúc đó đang ngồi dưới nắng, Na-tiên thấy bóng vua với mũ đai rọi xuống đất và lên một hũ nước bèn chỉ vào cái bóng nói:
- Thưa Đại Vương, đây là bóng của Đại Vương ở trên mặt đất và trên hũ nước. Vậy Đại Vương là vua hay cái bóng của Đại Vương là vua?
- Trẫm là vua, không phải cái bóng của trẫm. Cái bóng này là do trẫm mà ra.
- Thưa Đại Vương, cũng vậy, con số các năm là bảy, không phải là bần tăng, nhưng do bần tăng mà "bảy" sinh ra, cũng như cái bóng của Đại Vương vậy.
Vua Milinđa khen:
- Đại đức giỏi lắm, đáng phục!
3. Cách thảo luận
- Thưa Đại đức, Đại đức muốn thảo luận với trẫm theo cách nào?
- Thưa, nếu Đại Vương thảo luận theo cách của các hiền nhân, bần tăng xin theo. Nhưng theo cách của vua chúa thì không thể thảo luận được.
- Theo cách của hiền nhân là thế nào?
- Thưa, trong cuộc thảo luận, mọi người phát biểu ý kiến rồi tự do bàn luận, chỉ trích người nọ tới người kia. Không ai nổi nóng nổi giận. Đó là thảo luận theo cách của hiền nhân.
- Thế còn cách của vua chúa?
- Thưa, nhà vua đưa ra một ý kiến, nếu ai phê bình sẽ bị trừng phạt. Đó là thảo luận theo cách vua chúa.
Vua liền nói:
- Trẫm sẽ thảo luận với Đại đức theo cách thức của hiền nhân. Đại đức hoàn toàn tự do phát biểu ý kiến với trẫm như với các tu sĩ, cư sĩ khác. Đừng có ngại ngùng gì!
- Thưa Đại Vương, bần tăng xin lĩnh ý.
4. Nhanh trí
- Thưa Đại đức, trẫm muốn hỏi Đại đức...
- Xin Đại Vương cứ hỏi.
- Trẫm đã hỏi rồi.
- Thưa, bần tăng đã trả lời rồi.
- Đại đức đã trả lời gì cho trẫm?
- Thưa, Đại Vương đã hỏi gì bần tăng?
5. Chuẩn bị hội kiến
Nói chuyện tới đây vua Milinđa nghĩ: "Vị tăng này kiến thức rất rộng có thể luận bàn với ta được. Điều ta muốn hỏi còn nhiều, nói đến tối cũng không hết. Tốt hơn là hoãn lại để ngày mai tiếp tục". Nghĩ như vậy rồi nói với Devamantiya: "Khanh hãy vào báo cho Đại đức biết là cuộc hội kiến sẽ tiếp tục ngày mai tại cung". Nói xong vua Milinđa đứng dậy, cáo từ rồi lên xe đi về cung, miệng lẩm bẩm "Na-tiên! Na-tiên!" như nhẩm một bài thuộc lòng. Devamantiya đến nói với Na-tiên là vua muốn cuộc hội đàm sẽ tiếp tục hôm sau tại hoàng cung. Thầy tăng trả lời: "Như vậy cũng được".
Sáng hôm sau, Devamantiya, Anantakāya, Maṅkura và Sabbadinna tới gặp vua hỏi: "Thưa Đại Vương, đã có thể cho đi mời Đại đức được chưa?". Vua nói được. Họ lại hỏi cho bao nhiêu tăng sĩ đi cùng. Vua trả lởi là tùy ý đại đức, bao nhiêu cũng được. Sabbadinna nói "Độ mươi người là được". Vua nhắc lại: "Đại đức mang bao nhiêu tăng sĩ theo cũng được". Lần thứ hai, Sabbadinna lại đề nghị mười người thôi, vua lại trả lời là bao nhiêu cũng được. Sau thấy Sabbadinna cứ cố hỏi, vua bèn nói: "Tất cả đã sắp đặt xong rồi, trẫm nhắc lại là đại đức mang bao nhiêu tăng sĩ theo cũng được! Đó là ý của trẫm, nhưng Sabbadinna lại có ý khác. Có phải là vì ta không nuôi nổi các tăng sĩ này không?". Sabbadinna đứng im không dám hỏi nữa.
Devamantiya, Anantakāya và Maṅkura cùng đi tới gặp Na-tiên nói: "Đại Vương sai chúng tôi tới thỉnh Đại đức cùng chư tăng tới hoàng cung". Na-tiên liền mặc áo cầm bát cùng với tám vạn tăng sĩ lên đường đi Sāgalā.
Trên đường đi, Anantakāya xán lại gần Na-tiên hỏi:
- Kính thưa Đại đức, hôm qua con được nghe Đại đức nói tên là Na-tiên, sau lại thấy Đại đức nói không có gì là Na-tiên cả, vậy Na-tiên là gì?
- Theo ông, Na-tiên là gì?
- Theo con nghĩ Na-tiên cũng như cái hơi thở, khi vào khi ra, nó duy trì cái sinh mạng (jīva) của con người. Na-tiên là vậy.
- Thế thì nếu hơi thở ra không trở vào hay vào rồi không ra nữa, con người có sống được không?
- Thưa không.
- Những người thổi tù và hay thổi sáo, họ thổi hơi vào tù và, vào ống sáo, hơi đó có trở lại không?
- Thưa không.
- Vậy sao họ không chết?
Anantakāya lúng túng không trả lời được, nói:
- Con không có đủ khả năng để luận bàn với Đại đức. Xin Đại đức giảng cho con nghe.
- Không phải là sinh mạng gì cả, đó chỉ là cái đặc tính của cơ thể gọi là thở ra vào mà thôi.
Rồi thầy tăng giảng cho Anantakāya nghe một thời kinh. Sau đó ông này liền xin quy y.
Chú giải:
(29) Năm tội lớn bị quả báo liền là giết cha, giết mẹ, giết một a-la-hán, phá sự đoàn kết của chúng tăng, làm Phật chảy máu.
(30) Tương Ưng Bộ Kinh I, 135
6. Mục đích của người tu hành
Tới cung điện, Na-tiên đi vào ngồi chỗ đã định trước. Vua Milinđa đích thân ra mời Na-tiên và chư tăng thụ trai. Bữa chay cúng dường rất thịnh soạn. Sau bữa cơm, vua sai mang đồ ra cúng cho mỗi vị tăng hai bộ áo, Na-tiên ba bộ. Rồi nói với Na-tiên: "Xin Đại đức ngồi lại đây cùng với mươi tỳ kheo. Còn các vị khác có thể rút ra bên ngoài".
Sau khi Na-tiên rửa bát lau tay rồi, vua đến ngồi bên cạnh nói:
- Thưa Đại đức, chúng ta luận bàn về vấn đề gì bây giờ?
- Thưa Đại Vương, chúng ta đang kiếm một chủ đích. Vậy ta luận về chủ đích.
- Thế thì Đại đức nói cho trẫm nghe Đại đức xuất gia với mục đích gì? Và mục đích cuối cùng là gì?
- Thưa, cái khổ đương thời diệt trừ được hết và không khổ nào sinh ra nữa, đó là mục đích của xuất gia. Niết bàn là mục đích cuối cùng của người xuất gia.
- Có phải tất cả những người xuất gia đều có cùng mục đích này không?
- Thưa không, có người xuất gia với mục đích này, có người xuất gia vì sợ vua hay sợ trộm cướp, có người vì nợ nần, có người để cho có một phương tiện sống. Nhưng mục đích đúng đắn và chính xác nhất là như bần tăng đã nói.
- Còn Đại đức, có phải vì mục đích đó mà xuất gia không?
- Bần tăng xuất gia khi còn nhỏ tuổi, không biết rõ mục đích thực sự, nhưng nghĩ rằng các thầy tăng phật tử là những người học rộng biết nhiều sẽ chỉ cho biết. Bây giờ, sau khi được các thầy dạy dỗ, bần tăng biết và thấy rõ mục đích của xuất gia.
Vua khen:
- Đại đức nói khéo lắm.
7. Tái sinh
- Thưa Đại đức, có thể có những người chết mà không tái sinh không?
- Thưa, có người tái sinh, có người không. Người mà còn mắc vướng phiền não, si mê thì sẽ tái sinh, người mà diệt được hết phiền não si mê không tái sinh nữa.
- Thế Đại đức có tái sinh không?
- Thưa, nếu bấn tăng còn mắc vướng thì sẽ tái sinh, nếu tẩy bỏ được hết thì không tái sinh nữa.
8. Phương tiện giải thoát
- Thưa Đại đức, với cách tập trung tư tưởng người ta có thể thoát được tái sinh không?
- Thưa, phải có cả tập trung, cả trí tuệ và các thiện pháp khác nữa.
- Vậy tập trung không phải là trí tuệ sao?
- Thưa không phải, hai thứ khác nhau. Tập trung có thể thấy được ở các loài vật như dê cừu, trâu bò, lừa ngựa, nhưng không bao giờ thấy trí tuệ ở chúng.
9. Tập trung tư tưởng và Trí tuệ
- Thế nào là đặc tính của Tập trung tư tưởng và đặc tính của Trí tuệ?
- Thưa, một thứ là nhận thức, một thứ là cắt bỏ.
- Nghĩa là thế nào? Đại đức hãy lấy một thí dụ cho trẫm hiểu.
- Thưa, Đại Vương có biết người gặt lúa không?
- Có, trẫm biết.
- Đại Vương có biết họ gặt thế nào không?
- Một tay họ nắm lấy bó lúa, tay kia với cái liềm họ cắt lúa.
- Thưa Đại Vương, cũng vậy, tăng sĩ dùng tập trung tư tưởng để nhận thức và dùng trí tuệ để cắt bỏ các si mê phiền não. Cho nên đặc tính của một thứ là nhận thức và thứ kia là cắt bỏ.
- Hay lắm! Hay lắm! Vua khen (31)
10. Đức hạnh
- Thưa Đại đức, còn các thiện pháp khác là gì?
- Thưa Đại Vương, đó là: đức hạnh, đức tin, tinh tiến, niệm và định.
- Đức hạnh có đặc tính gì?
- Đức hạnh là nền móng của tất cả các thiện pháp. Đó là các căn (indriya), các lực (bala), các giác chi (bojjhaṅga) những đạo hành (magga), những niệm xứ (satipatthāna), những tinh tiến (sammappadhāna), những thần túc (iddhipāda) những đẳng chí (samāpatti), thiền định (jhāna), giải thoát (vimokkha). Thiện pháp xây dựng trên đức hạnh sẽ không bao giờ suy sụp.
- Đại đức lấy một thí dụ cho trẫm rõ.
- Thưa Đại Vương, cũng như cây cỏ mọc lên được, phát triển được là nhờ dựa vào đất, lấy đất làm nền tảng, các tăng sĩ dựa lên đức hạnh để phát triển ngũ căn tức là tín căn, tinh tiến căn, niệm căn, định căn và tuệ căn (32).
- Dẫn cho trẫm một thí dụ nữa.
- Thưa, cũng như các người làm việc bằng sức lực cần dựa lên mặt đất, lấy đất làm cơ sở, tăng sĩ dựa lên đức hạnh để phát triển ngũ căn.
- Dẫn cho trẫm một thí dụ nữa.
- Thưa, cũng như một ông kiến trúc sư muốn xây cất một tỉnh thành, trước hết ông phải cho dọn dẹp nơi xây cất, cắt cỏ dại, phá bụi cây, san đất cho bằng, rồi sau đó ông mới vẽ các đường phố, các ngã tư, các công viên v.v. . . tăng sĩ cũng vậy dựa lên đức hạnh, căn cứ lên đó để phát triển ngũ căn.
- Dẫn thêm cho trẫm một thí dụ nữa.
- Thưa, cũng như một người làm xiếc muốn biểu diễn nghệ thuật, trước hết họ phải sửa soạn nơi diễn trò, san bằng mặt đất, nhặt lượm những cục sỏi rồi mới diễn được, tăng sĩ cũng vậy trau dồi đức hạnh để phát triển ngũ căn. Thưa Đại Vương, khi xưa đức Thế Tôn (33) có nói: "Các đại nhân dựa lên đức hạnh để tu sửa tâm tư, trí tuệ, các tăng sĩ chuyên cần cũng dựa lên đức hạnh để nhổ sạch các cỏ dại (của đời).
" Đó là nền móng như đất đối với sinh vật.
" Đó là căn bản của thiện căn.
" Đó là khởi điểm của tất cả giáo lý của Như Lai.
" Đó là cơ sở của phép tắc Giới bản (34)".
Chú giải:
(30) Tương Ưng Bộ Kinh I, 135
(31) Câu này luôn có ở cuối mỗi đoạn. Đôi khi chúng tôi xóa bỏ cho đỡ nhàm.
(32) Ngũ căn có hai loại mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và tín, tinh tiến, niệm, định, tuệ.
(33) Tương Ưng Bộ Kinh I, 13, 165
(34) Giới bản (pali:Pātimokkhā, phạn: Prātimokṣa), giới luật căn bản của tỳ kheo.
11. Đức tin
- Thưa Đại đức, đặc tính của Đức tin là gì?
- Thưa Đại Vương, là loại trừ và nhiệt tình.
- Đặc tính loại trừ là thế nào?
- Đức tin loại trừ các chướng ngại. Một khi tâm trí loại trừ được các chướng ngại thành ra trong sáng và thanh khiết. Đó là đặc tính loại trừ của đức tin.
- Dẫn cho trẫm một thí dụ.
- Đại Vương hãy tưởng tượng một vị vua cùng đoàn quân của ngài đi qua một dòng nước nhỏ. Voi, ngựa, xe, quân lính qua lại khuấy bùn làm nước đục ngầu. Sang bên kia bờ, vua khát sai lấy nước uống. Các hầu cận băn khoăn không biết lấy nước sạnh ở đâu cho vua uống. Thử nghĩ nếu có một hòn ngọc nhiệm mầu có thể làm trong lại dòng nước, làm các bùn lầy lắng đọng xuống, các cỏ rác bị gạt ra, nước lại trở thành trong sạch thanh khiết, cận thần có thể lấy nước dâng vua.
Thưa Đại Vương, cũng vậy, nước là tâm trí, cận thần là tăng sĩ, cỏ rác bùn lầy là si mê phiền não và hòn ngọc tẩy nước chính là đức tin. Nhờ đức tin loại trừ phiền não, lậu hoặc, tâm trí trở thành trong sáng, thanh tịnh. Đó là đặc tính loại trừ của đức tin.
- Còn đặc tính nhiệt tình là thế nào?
- Thưa, nhiệt tình khiến tăng sĩ cố gắng tu học, phát triển và tiến tới trên con đường đạo. Chứng được quả Dự-lưu, rồi cố gắng tới quả Tư-đà-hàm, rồi tới quả A-na-hàm, cho tới thánh quả A-la-hán. Nhiệt tình là cố gắng đạt được những gì chưa đạt được, chứng được những gì chưa chứng được, thực hiện những gì chưa thực hiện được. Do vậy đức tin có đặc tính là nhiệt tình.
- Dẫn cho trẫm một thí dụ.
- Thí dụ, có một trận mưa lớn ở trên núi, nước mưa chảy theo sườn núi rồi đổ vào một con sông làm tràn ngập lên tận bờ. Một đám người đi tới, không biết sông nông sâu thế nào, dừng lại bên bờ do dự. Bỗng một người, tin tưởng ở sức mình, bước xuống sông và lội sang bên kia bờ. Đám người thấy vậy không e ngại nữa cũng mạnh dạn bước xuống sông và lội sang bờ bên kia. Tăng sĩ cũng vậy, thấy có người đã đạt được giải thoát cũng nhiệt tâm tu học cho đến khi chứng quả thánh. Đó là đặc tính nhiệt tình của đức tin.
Đức Thế Tôn nói, trong Tương Ưng Bộ Kinh ( I, 214):
" Với đức tin, ta qua sông
" Với đức tin, ta qua biển
" Với năng lực, ta thắng đau khổ
" Với trí tuệ, ta rửa sạch phiền não.
12. Tinh tiến
- Thưa Đại đức, còn đặc tính của Tinh tiến là gì?
- Thưa Đại Vương, là phù trợ. Được tinh tiến phù trợ, thiện pháp không lúc nào suy giảm.
- Dẫn cho trẫm một thí dụ.
- Như một căn nhà sắp đổ, nếu không có một cột gỗ nào chống đỡ, nó sẽ sụp. Cũng vậy, tinh tiến có đặc tính là phù trợ. Được phù trợ bởi tinh tiến, thiện pháp sẽ không bị suy giảm.
- Dẫn cho trẫm một thí dụ nữa.
- Như một đạo binh nhỏ bắt buộc phải lùi trước một đạo binh lớn hơn. Nếu đạo binh nhỏ này được vua gửi thêm quân tới trợ giúp, nó thành ra mạnh và làm cho đạo binh lớn phải lùi. Như vậy tinh tiến có đặc tính phù trợ.
Đức Thế Tôn nói: "Này các tỳ-kheo, giới luật sẵn có tinh tiến là sức mạnh có thể tẩy trừ những gì độc hại, khai triển những gì giải thoát, tẩy trừ những gì lậu hoặc, khai triển những gì thanh tịnh."
- Hay lắm! Hay lắm! Vua khen.
13. Niệm
- Thưa Đại đức, đặc tính của Niệm là gì?
- Thưa là nhắc nhở và thâu nạp.
- Đặc tính nhắc nhở là thế nào?
- Niệm nhắc nhở những pháp nào là giải thoát, pháp nào là quyến luyến, pháp nào là thiện hay ác, là phúc đức hay tội lỗi, là đen hay trắng, bằng cách thực hiện: tứ thiền, tứ thần túc, ngũ căn, ngũ lực, thất giác chi, bát chính đạo, như vậy sẽ đưa đến an lạc (samatha), kiến thức (vipassanā), trí tuệ (vijjā) và giải thoát (vimutti). Kết quả của sự tu học này là tăng sĩ kiếm những pháp đáng kiếm, tránh những gì đáng tránh, thực hành những gì đáng thực hành, loại bỏ những gì đáng loại bỏ. Niệm có đặc tính nhắc nhở để nhớ pháp là như vậy.
- Dẫn cho trẫm một thí dụ.
- Cũng như một quan quản kho của vua, sớm chiều ông ta cứ nhắc đi lập lại ngân khố của vua và nói: "Tâu Bệ hạ, Bệ hạ có bây nhiêu voi, bây nhiêu ngựa, bây nhiêu xe, bây nhiêu lính, bây nhiêu vàng, xin Bệ hạ ghi nhớ". Niệm cũng kiểm điểm tâm trạng như vậy. Đó là đặc tính nhắc nhở của niệm.
- Còn thâu nạp là thế nào?
- Thưa, niệm nghiên cứu các loại pháp, suy xét pháp nào tốt, pháp nào xấu, pháp nào hữu ích, pháp nào vô ích. Kết quả là tăng sĩ loại bỏ những cái xấu và thâu nạp những cái tốt. Đó là đặc tính thâu nạp của niệm.
- Dẫn cho trẫm một thí dụ
- Thưa, như một quan đại thần biết xem xét người, ông biết ai là tốt, ai là xấu, ai là trung, ai là phản. Ông loại bỏ những người xấu và giữ những người tốt, người trung lại: đó là niệm.
Đức Thế Tôn nói: "Niệm áp dụng được trong mọi trường hợp".
- Hay lắm! Hay lắm! Vua khen
14. Định
- Thưa Đại đức, còn đặc tính của Định là gì?
- Thưa, là quyền tối thượng. Các thiện pháp đều lấy Định làm chủ. Tất cả đều dưới quyền nó.
- Dẫn cho trẫm một thí dụ
- Thưa, một cái nhà có nóc nhọn, các rui nhà chụm lại làm thành chóp. Vậy chóp nhà là thượng đỉnh, là tột cùng, các rui đều ở dưới.
- Dẫn cho trẫm một thí dụ nữa
- Khi một ông vua đi đánh giặc, ngài cầm đầu một đoàn quân có đủ cả voi, ngựa, xe, lính. Binh đoàn này có vua là chủ tướng, mọi người đều tuân theo lệnh vua. Định cũng như vậy.
Đức Thế Tôn nói (Tương Ưng Bộ kinh, III, 13):
" Hỡi các tỳ-kheo, người đạt được Định thấy được chân như".
15. Trí tuệ
- Thưa Đại đức, đặc tính của Trí tuệ là gì?
- Thưa Đại Vương, là cắt bỏ - bần tăng đã nói rồi – và giác ngộ.
- Đặc tính giác ngộ là thế nào?
- Trí tuệ làm tiêu tan các mờ ám của vô minh, làm sáng tỏ tri thức, làm biểu lộ thánh đế. Với trí tuệ, tăng sĩ thấy rõ được sự thật chân như của Vô thường, của Khổ, của Vô ngã. Đó là đặc tính giác ngộ của trí tuệ.
- Dẫn cho trẫm một thí dụ.
- Thưa, nếu ta cầm một bó đuốc vào trong một căn nhà tối tăm, nó làm tăm tối mất đi, làm căn nhà sáng tỏ, làm thấy rõ các đồ vật. Trí tuệ cũng như vậy.
16. Thiện pháp khác nhau cho cùng một kết quả
- Thưa Đại đức, các thiện pháp khác nhau có đưa đến cùng một kết quả không?
- Thưa có. Chúng đều đưa đến kết quả là tiêu diệt phiền não si mê.
- Như vậy là thế nào? Dẫn cho trẫm một thí dụ.
- Thưa cũng như một đạo binh có đủ các binh đoàn - tượng binh, mã binh, xa binh, bộ binh – đi đánh trận đều mong đưa đến một kết quả là chiến thắng quân địch. Các pháp cũng vậy, tuy khác nhau nhưng đều đưa đến một kết quả là tiêu diệt phiền não si mê.
17. Tái sinh biến diễn liên tục
- Thưa Đại đức, khi một người tái sinh, họ vẫn là họ hay thành một người khác?
- Thưa, không phải là họ mà cũng không phải là người khác .
- Dẫn cho trẫm một thí dụ.
- Thưa Đại Vương , Đại Vương bây giờ có phải là như khi còn bé không?
- Không, trẫm trước kia và nay khác nhau.
- Nếu Đại Vương bây giờ không phải là Đại Vương khi trước thì Đại Vương ngày nay do đâu mà ra, không phải cùng một hoàng phụ hoàng mẫu sinh ra, cũng không phải do đức hạnh hay trí tuệ nào tạo thành. Và nếu mỗi lần sinh ra phải có một người mẹ cho đứa bé, một người mẹ cho khi nó lớn, một người mẹ cho khi nó đi học, một mẹ khác cho khi nó học xong. Một người mẹ cho kẻ sát nhân, một mẹ khác khi nó bị trị tội sao!
- Nhất định là không phải vậy. Theo Đại đức là thế nào?
- Bần tăng khi xưa còn bé, nay thành người lớn, bần tăng vẫn là bần tăng. Con người ở trong đời trải qua nhiều giai đoạn khác nhau nhưng vẫn giữ tính chất của nó.
- Dẫn một thí dụ cho trẫm rõ.
- Thưa, khi ta đốt một ngọn đuốc để cho cháy suốt đêm. Ngọn lửa ở canh một có phải ngọn lửa ở canh hai không và ngọn lửa ở canh hai có phải là ngọn lửa ở canh ba không?
- Không phải.
- Thưa, như vậy mỗi canh có một ngọn đuốc khác sao?
- Không phải, vẫn chỉ là ngọn đuốc ban đầu đốt suốt đêm.
- Cũng vậy, thưa Đại Vương, các pháp biến hiện liên tục, pháp này mất đi cùng lúc với pháp khác sinh ra, làm như không có trước không có sau. Nói khác đi, nó không phải là nó mà cũng không phải là khác.
- Dẫn cho trẫm một thí dụ nữa.
- Khi ta vắt sữa, sữa tươi để lâu đóng thành cục, có bơ tươi nổi lên rồi bơ tươi để lâu thành bơ chua. Ta có nói sữa tươi là sữa đóng cục, là bơ tươi, là bơ chua được không?
- Không, nhưng tất cả đều từ sữa biến diễn ra.
- Thưa Đại Vương, các pháp cũng biến diễn liên tục như vậy.
- Hay lắm! Hay lắm! Vua khen.
18. Biết trước là không tái sinh nữa
- Thưa Đại đức, khi một người không tái sinh nữa, họ có biết là sẽ không tái sinh nữa không?
- Thưa Đại Vương, họ biết.
- Làm sao họ biết?
- Thưa, bằng biết các nguyên nhân các điều kiện làm cho tái sinh đã tiêu diệt.
- Dẫn cho trẫm một thí dụ.
- Thí dụ có một ông nông dân sau khi cày cấy, gieo mạ, gặt lúa rồi đem về trữ ở kho trong nhà. Sau đó ông bỏ không làm ruộng nữa và cứ lấy thóc trong kho ăn dần. Đến khi kho hết thóc, ông nông dân này có biết tại sao kho thóc của ông hết không?
- Có, chắc chắn là ông ta biết.
- Tại sao ông ta biết?
- Bằng biết các nguyên nhân cung cấp thóc không có nữa
- Thưa cũng vậy, người không tái sinh nữa biết sẽ không tái sinh là vì họ biết các nguyên nhân tái sinh đã tiêu diệt hết.
- Thật dễ hiểu. Hay lắm! Vua khen.
19. Trí tuệ và Lầm lạc
- Thưa Đại đức, một người sáng suốt họ có tuệ không?
- Thưa Đại Vương, có.
- Vậy sáng suốt và tuệ như nhau sao?
- Thưa phải.
- Một người sáng suốt và có tuệ, họ có lầm lạc không?
- Họ lầm trên những điểm nào?
- Thưa, trên những khoa mà họ chưa học tới, ở một nơi mà họ chưa bao giờ đến, ý nghĩa của một từ ngữ mà họ chưa bao giờ nghe thấy.
- Trên những điểm nào họ không lầm?
- Thưa, trên những sự thật mà trí tuệ làm cho họ rõ, đó là Vô thường, Khổ, Vô ngã.
- Làm sao tránh được lầm lạc?
- Thưa, khi tuệ sáng tỏ, lầm lạc sẽ mất đi.
- Dẫn cho trẫm một thí dụ
- Khi ta mang một ngọn đuốc vào trong một căn nhà tối tăm, ánh sáng lan tràn cùng khắp, mờ ám không còn nữa. Cũng vậy, khi tuệ sáng tỏ, lầm lạc sẽ mất đi.
- Sau đó tuệ sẽ đi đâu?
- Thưa, ngay sau khi cho biết sự thật, tuệ không còn nữa, nhưng kiến thức về sự thật, nhờ tuệ mà có, thì còn lại không mất, tức là Vô thường, Khổ, Vô ngã.
- Dẫn cho trẫm một thí dụ.
- Thưa, thí dụ trong đêm tối, một người muốn viết một bức thư, ông thắp đèn lên rồi viết. Viết xong ông tắt đèn, ánh sáng biến mất nhưng lá thư vẫn còn. Cũng vậy, tuệ biến đi, kiến thức do tuệ tạo ra thì còn lại.
- Dẫn cho trẫm thêm một thí dụ nữa.
- Thưa, ở một nơi về phía đông, dân chúng có thói quen là để năm vại nước bên cạnh nhà phòng khi nhà cháy. Một hôm một nhà bị cháy, dân chúng chạy tới lấy nước trong vại dập tắt hết lửa. Sau đó họ có nghĩ là vẫn tiếp tục đổ nước nữa không?
- Không, đổ thêm làm gì nữa.
- Thưa cũng vậy, năm vại nước kia là ngũ căn, dân chúng là tăng sĩ, lửa là si mê phiền não. Cũng như lửa bị dập tắt bởi nước của các vại, si mê phiền não bị dập tắt bởi ngũ căn. Một khi tẩy trừ được phiền não rồi, tuệ căn không còn nữa, nhưng kiến thức thì còn lại.
- Cho trẫm thêm một thí dụ nữa.
- Một ông lang lấy năm loại rễ cây bào chế thành thuốc rồi cho bệnh nhân uống. Khi bệnh khỏi, ông có cần cho uống thuốc nữa không?
- Không, cho uống làm gì nữa.
- Thưa, cũng vậy năm rễ cây thuốc là ngũ căn, ông lang là tăng sĩ, bệnh tình là phiền não si mê. Cũng như bệnh tình bị tẩy trừ bởi thuốc năm rễ cây, phiền não bị tẩy trừ bởi ngũ căn. Thuốc sau khi chữa khỏi bệnh thì tiêu tan đi, để lại bệnh nhân lành mạnh. Tuệ căn cũng vậy sau khi làm tròn nhiệm vụ nó biến đi và để kiến thức lại.
- Dẫn thêm một thí dụ nữa cho trẫm hiểu rõ.
- Một người lính dùng năm mũi tên bắn vào quân địch làm cho địch bị thương phải rút lui. Người lính có cần bắn thêm nữa không?
- Không, không cần bắn thêm nữa.
- Thưa, cũng vậy năm mũi tên là ngũ căn, người lính là tăng sĩ, quân địch là phiền não si mê. Cũng như quân địch thua bởi năm mũi tên, phiền não thua bởi ngũ căn, và một khi thắng phiền não rồi tuệ căn không còn nữa nhưng kiến thức tạo ra bởi tuệ căn vẫn còn.
- Hay lắm! Hay lắm! Vua khen
20. Cảm giác đau khổ
- Thưa Đại đức, một người sẽ không tái sinh nữa có còn cảm giác đau khổ không?
- Thưa, có cái họ cảm thấy, có cái không.
- Như vậy là thế nào?
- Thưa, họ có thể có cảm giác đau khổ về thể xác, còn đau khổ về tinh thần thì không.
- Tại sao?
- Bởi vì nguyên nhân của đau khổ thể xác không diệt trừ được, đau khổ tinh thần có thể diệt trừ được. Đức Thế Tôn nói: "Chỉ có khổ về thể xác là cảm thấy, khổ về tinh thần thì không cảm thấy."
- Nếu họ đau khổ, tại sao họ không đoạn diệt nó bằng cái chết?
- Thưa Đại Vương, những người ở bậc thánh không còn xao động, không còn oán hận nữa. Họ không ngắt một trái cây khi còn xanh mà đợi khi chín rồi mới hái.
Ngài Xá-lị-phất (35) khi xưa nói: "Ta không mong muốn cái chết, cũng không ao ước sự sống. Ta đợi thời tới như người làm công đợi ngày lĩnh lương".
Chú giải:
(35) Theragāthā 606, 1002
21. Các cảm giác khác nhau
- Thưa Đại đức, cảm giác dễ chịu là thiện hay bất thiện, hay không tốt không xấu?
- Thưa, nó có thể là thiện, có thể là bất thiện.
- Nếu cảm giác là thiện thì nó không làm cho đau khổ và nếu cảm giác đau khổ thì không phải là thiện. Như vậy thiện và đau khổ không thể hòa hợp với nhau được.
- Thưa Đại Vương, ngài hãy nhìn người hầu cận này. Nếu ta để một cục sắt nóng lên một bàn tay ông ta và một cục đá lạnh lên bàn tay kia. Hai cục nóng lạnh này có làm đau tay ông ta không?
- Có.
- Hai cục này có đều nóng hay đều lạnh không?
- Không, một cục nóng, một cục lạnh.
- Thưa, nếu sức nóng làm đau tay thì hai cục này không cùng làm đau được vì chỉ có một cục nóng thôi. Nếu sức lạnh làm đau tay thì, vẫn theo lý luận trên, cũng không được vì chỉ có một cục lạnh thôi.
- Trẫm không đối lại được với Đại đức. Vậy là thế nào nói cho trẫm biết.
Lúc đó thầy tăng giảng cho vua nghe một đoạn lấy trong kinh Luận ra: "Có sáu cảm giác dễ chịu cho đời sống gia đình, sáu cho đời sống tu hành, sáu cảm giác khó chịu cho đời sống gia đình, sáu cho đời sống tu hành, sáu cảm giác dửng dưng* cho đời sống gia đình, sáu cho đời sống tu hành, vậy là ba mươi sáu cảm giác. Các cảm giác này có thể là ở quá khứ, ở hiện tại và ở vị lai. Tóm tắt lại tất cả là một trăm lẻ tám cảm giác khác nhau.
- Hay lắm! Hay lắm! Vua khen
* Không dễ chịu không khó chịu
22. Tái sinh của Danh-Sắc
- Thưa Đại đức, cái gì tái sinh?
- Thưa, danh và sắc.
- Có phải danh-sắc hiện tại tái sinh không?
- Thưa, không phải. Danh-sắc hiện tại tạo ra nghiệp lành hay ác, rồi tùy theo quả của các nghiệp này một danh-sắc khác sẽ tái sinh.
- Nếu tái sinh không phải là cùng danh-sắc thì làm sao nó trả được các tội lỗi đã làm?
- Thưa, nếu không có tái sinh thì có thể như thế. Nhưng tái sinh có, sự việc không biến diễn như vậy.
- Dẫn cho trẫm một thí dụ.
- Một người ngắt trộm một quả xoài ở trên cây của người khác. Chủ cây bắt người ăn trộm xoài mang đến xin vua xử. Nếu người bị bắt cãi: "Tôi có lấy xoài của ông này đâu. Quả xoài tôi lấy không phải là quả xoài ông ta trồng thành cây". Thưa Đại Vương, người này có đáng tội không?
- Có, người này đáng tội.
- Thưa tại sao?
- Bởi vì, ông đó nói gì thì nói, hai quả xoài này có liên hệ với nhau.
- Thưa Đại Vương, cũng vậy khi danh-sắc tạo ra nghiệp. Nghiệp này định đoạt sự tái sinh cho danh-sắc sau. Do vậy danh-sắc sau mang nghiệp của các hành động ở kiếp trước.
- Dẫn cho trẫm một thí dụ khác.
- Một người ở ngoài đồng giữa mùa đông giá lạnh, ông nhóm một ngọn lửa lên để sưởi. Sưởi ấm xong ông bỏ đi, quên không tắt lửa. Lửa cháy lan sang ruộng bên cạnh của người khác. Người chủ ruộng bắt người đốt lửa dẫn đến vua xin xử tội là đã đốt cháy ruộng của ông. Nếu người đốt lửa cãi lại: "Không phải tôi đốt ruộng của ông. Lửa tôi để lại không phải là lửa đốt cháy ruộng ông." Thưa Đại Vương, người đốt lửa này có lỗi không?
- Có, người này có lỗi.
- Thưa tại sao?
- Tại vì, dầu sao ngọn lửa sau cũng có liên quan mật thiết với ngọn lửa trước.
- Thưa, đối với danh-sắc cũng như vậy.
- Dẫn cho trẫm thêm một thí dụ nữa
- Một người mang một bó đuốc lên lầu ăn cơm. Lửa đuốc làm cháy mái nhà bằng rơm rồi lan sang các nhà khác, sau cháy ra cả làng. Dân làng bắt ông này hỏi: "Tại sao ông lại đốt cháy làng?". Ông này trả lời: "Tôi có đốt cháy làng đâu. Ngọn lửa mà tôi thắp lên để ăn cơm không phải là ngọn lửa làm cháy làng". Nếu dân làng mang việc này tới xin vua xử. Đại Vương cho bên nào là phải?
- Dân làng.
- Thưa tại sao?
- Tại vì, dù hai bên nói sao thì nói, ngọn lửa đốt cháy làng là do ngọn lửa kia mà ra.
- Thưa, danh-sắc tái sinh cũng vậy. Cái danh-sắc tái sinh không phải là cái đã chết đi, mà là cái nó tạo ra. Vậy nó có thể trả báo cho các tội lỗi trước.
- Dẫn cho trẫm một thí dụ nữa.
- Một ông nọ xin cưới một cô gái còn nhỏ tuổi (36), ông làm lễ cưới, trả hồi môn xong rồi bỏ đi. Mấy năm sau cô gái lớn lên thành một thiếu nữ, một ông khác tới xin cưới cô này, làm lễ trả đủ lệ phí hồi môn rồi mang về. Ông chồng trước thấy vậy trách ông sau là cướp vợ mình. Ông chồng sau nói: "Tôi có cướp vợ ông đâu. Vợ ông cưới là một cô gái nhỏ tuổi mà vợ tôi là một thiếu nữ đã trưởng thành". Nếu hai người mang việc này tới Đại Vương xin xử, Đại Vương cho ai là phải?
- Người chồng trước.
- Tại sao?
- Tại vì, dù sao chăng nữa, người thiếu nữ trưởng thành là cô gái bé kia lớn lên.
- Thưa, danh-sắc tái sinh cũng vậy.
- Cho trẫm thêm một thí dụ nữa.
- Một người mua một liễn sữa của anh chăn bò. Trả tiền xong ông để liễn sữa lại nói hôm sau sẽ đến lấy. Hôm sau trở lại lấy, ông thấy sữa đóng thành cục, ông phản đối: "Tôi mua sữa tươi chứ có mua sữa đóng cục đâu". Người bán sữa trả lời: "Chính là sữa ông mua hôm qua để lại , nó đóng thành cục đó". Thưa Đại Vương cho ai là phải?
- Người bán sữa
- Tại sao?
- Tại vì, dù sao chăng nữa, sữa đóng cục là sữa của ông mua sữa để lại mà ra.
- Thưa Đại Vương, danh-sắc tái sinh cũng vậy.
23. Lời trách
- Thưa Đại đức, Đại đức có tái sinh không?
- Thưa Đại Vương, tại sao Đại Vương lại hỏi lại câu hỏi này? Bần tăng đã trả lời rồi là nếu còn mắc vướng phiền não bần tăng sẽ tái sinh, nếu tẩy trừ được hết bần tăng sẽ không tái sinh nữa.
- Dẫn cho trẫm một thí dụ.
- Thí dụ một người làm việc cho vua rất tốt, vua hài lòng ban phong cho quyền cao chức trọng. Ông này an hưởng phú quý. Thế mà ông vẫn phàn nàn vua là không biết ơn. Thưa Đại Vương hành động của người này có đúng không?
- Không đúng.
- Vậy mà, thưa Đại Vương, Đại Vương vẫn cứ hỏi bần tăng những câu mà bần tăng đã trả lời rồi!
24. Danh và Sắc
- Thưa Đại đức, Đại đức nói về danh-sắc. Vậy danh là gì, sắc là gì?
- Thưa, những gì thuộc về vật chất là sắc, những gì thuộc về tinh thần về cảm xúc là danh.
- Tại sao danh không thể tái sinh riêng, sắc tái sinh riêng?
- Thưa, tại vì chúng tương trợ nhau, nên tái sinh cùng một lượt.
- Dẫn cho trẫm một thí dụ.
- Trong bụng con gà chẳng hạn, nếu không có noãn thì không sinh ra trứng, noãn và trứng liên hệ chặt chẽ với nhau, chúng sinh ra cùng một lượt. Danh và sắc cũng vậy, nếu không có danh, sắc cũng không có. Danh và sắc liên hệ chặt chẽ với nhau, chúng sinh ra cùng một lượt và tiếp tục như vậy trong khoảng thời gian vô tận.
- Hay lắm! Hay lắm! Vua khen.
25. Khoảng thời gian là gì?
- Thưa Đại đức, Đại đức nói khoảng thời gian vô tận. Vậy khoảng thời gian là gì?
- Thưa, thời gian là quá khứ, hiện tại và vị lai.
- Nhưng thời gian có thực có không?
- Thưa, cần phải phân biệt thời gian "có thực" và thời gian "không thực". Những tạo tác đã qua, mất đi, tiêu tan, biến hóa thuộc thời gian không thực. Những gì sinh sản, hay làm cho sinh sản ,hay trợ giúp cho sinh sản thuộc thời gian có thực. Những người sau khi chết tái sinh thuộc thời gian có thực, những người sau khi chết không tái sinh nữa thuộc thời gian không thực. Những người nhập Niết bàn thuộc thời gian không thực vì họ đã tịch diệt.
26. Nguồn gốc của thời gian
- Thưa Đại đức, nguồn gốc của thời gian quá khứ, hiện tại và vị lai là thế nào?
- Thưa, nguồn gốc của thời gian không thể biết được? Đó là Vô minh, rồi từ vô minh lần lượt đưa tới Hành, Thức, Danh-Sắc, Lục, Nhập, Xúc, Thụ, Ái-dục, Thủ, Hữu, Sinh, Lão, Tử, Buồn rầu, Đau khổ, Bất mãn, Thất vọng. Trong suốt thời gian này nguồn gốc không thể biết được.
- Đại đức nói nguồn gốc của thời gian không thể biết được. Dẫn cho trẫm một thí dụ.
- Thưa một hạt giống ở trong đất, nó nảy mầm, thành cây, cho quả, hạt của quả rơi xuống đất lại nảy mầm thành cây cho quả và cứ tiếp tục mãi như thế. Sự tiếp tục này có tận không?
- Không.
- Thưa cũng vậy, nguồn gốc của thời gian không biết được.
- Cho trẫm một thí dụ nữa.
- Con gà đẻ trứng, trứng nở ra gà và tiếp tục như vậy.
- Dẫn thêm một thí dụ nữa.
Thầy tăng vẽ một vòng tròn lên mặt đất và hỏi vua:
- Thưa Đại Vương, cái vòng này có đầu có đuôi không?
- Không.
- Thưa, cũng vậy như những cái vòng mà đức Thế Tôn đã nói: "Mắt và sắc cho tưởng, cả ba hợp lại cho xúc, xúc sinh thụ, thụ sinh ái, ái sinh nghiệp, nghiệp lại cho mắt, như vậy kéo dài vô cùng tận". Cho nên nguồn gốc của thời gian không thể biết được.
27. Khởi điểm
- Thưa Đại đức, Đại đức vừa nói về nguồn gốc. Đó là nguồn gốc của cái gì?
- Thưa, nguồn gốc của thời gian.
- Đại đức nói nguồn gốc không thể biết được. Có phải tất cả các nguồn gốc đều như vậy không?
- Thưa không, có nguồn gốc biết được, có nguồn gốc không.
- Như vậy là thế nào?
- Thưa, khi mà người ta có thể nói là trước đó vô minh không có, lúc đó nguồn gốc không biết được. Nhưng nếu một sinh vật không có mà sinh ra, hay sinh ra rồi mất đi, khi đó khởi điểm của nó có thể biết được.
- Đại đức nói cái gì không có mà sinh ra và sau khi sinh ra lại mất đi. Như vậy bị cắt ở hai đầu, nó chỉ có thể tiêu diệt đi.
- Cái mà bị cắt cả hai đầu không thể phát triển được sao?
- Có thể được, nhưng đây không phải ý trẫm muốn hỏi. Trẫm muốn hỏi là nó có thể phát triển được ở hai đầu không?
- Thưa được, có thể được.
Thầy tăng giảng cho vua nghe bằng cách so sánh với cây và với câu châm ngôn: Uẩn là mầm mống của tất cả các khổ (37).
28. Các cấu tạo phát sinh
- Thưa Đại đức, các cấu tạo có phát sinh không?
- Thưa có.
- Như thế nào?
- Thưa, khi mà Nhãn và Sắc có, sự phối hợp của chúng tạo ra Tưởng, từ Tưởng phát sinh ra Xúc, Xúc sinh ra Thụ, rồi sinh tới Ái, Thủ, Hữu, Sinh, Lão, Tử, Khổ: đó nguyên nhân của Khổ. Nếu không có nhãn có sắc, tưởng không sinh ra và các nhân duyên khác cũng không phát hiện: đó là cách diệt Khổ.
29. Cấu tạo không sinh ra từ hư vô
- Thưa Đại đức, có cấu tạo nào phát xuất từ hư vô không?
- Thưa không, tất cả các cấu tạo sinh ra đều do từ những cái đã có trước.
- Dẫn cho trẫm một thí dụ.
- Thưa, cung điện Đại Vương đang ngồi đây có phải phát xuất từ hư vô không?
- Không, gỗ lấy ở rừng, gạch lấy ở đất, cung điện được xây dựng là bởi sức lực của con người, họ biến chế các vật liệu trên.
- Thưa, cũng như vậy, không có cấu tạo nào phát xuất từ hư vô cả.
- Cho trẫm một thí dụ nữa.
- Khi ta gieo hạt giống vào đất, hạt nảy mầm, phát triển, lớn lên thành cây, cây sinh hoa, tạo quả. Cây này không phải từ hư vô mà ra, nó đã có từ trước (dưới dạng hạt giống). Các cấu tạo khác cũng như vậy.
- Dẫn cho trẫm một thí dụ nữa.
- Một người thợ gốm lấy đất sét ở trong lòng đất ra để sản xuất chén bát, bình hũ, chum vại. Những đồ gốm này không phải từ hư vô ra, nó đã có từ trước (dưới dạng đất sét). Các cấu tạo khác cũng như vậy.
- Cho trẫm thêm một thí dụ nữa.
- Nếu cây đàn vīṇā (38) không có dây, không có mặt da, không có hộp trống, không có cán, không có vĩ, không có nhạc sĩ, tiếng đàn có phát xuất được không?
– Không.
- Nếu không có gỗ araṇi (39), không có dây đai, không có bùi nhùi, không có người nhóm, lửa có bừng lên được không?
- Không.
- Nếu không có gương, không có ánh sáng, không có mặt người, hình ảnh có hiện ra không?
- Không.
- Cũng vậy, không có cấu tạo nào sinh ra từ hư vô cả, nó đã có từ trước.
30. Không có linh hồn
- Thưa Đại đức, linh hồn (vedagū) (40) có thực có không?
- Thưa Đại Vương, Đại Vương nói linh hồn là thế nào?
- Linh hồn ẩn trong con người, nó nhìn thấy hình dáng bằng mắt, nghe tiếng bằng tai, ngửi mùi bằng mũi, nếm vị bằng lưỡi, sờ thấy các vật bằng tay (thân), biết được các hiện tượng bằng ý. Cũng như chúng ta có thể ngồi trong cung điện này nhìn phong cảnh bên ngoài qua cửa sổ ở phía đông, phía tây, nam hay bắc tùy ý, nó cũng vậy nhìn qua cái "cửa" nó muốn.
- Thưa Đại Vương, bần tăng xin nói về các "cửa" (ngũ căn): Theo Đại Vương nói, linh hồn trong con người nhìn được các sắc bằng mắt như chúng ta ngồi trong cung điện có thể nhìn thấy các phong cảnh qua một trong bốn cửa sổ tùy ý ta muốn. Như vậy nghĩa là linh hồn này có thể nhìn sắc bằng tai, mũi, lưỡi, thân, ý hay nghe tiếng qua mắt, mũi, v.v... có phải vậy không?
- Không phải .
- Thưa, nếu không phải vậy thì các điều Đại Vương nói không phù hợp nhau. Lại nữa, nếu các cửa sổ ở cung điện này bị phá bỏ đi, chúng ta lúc đó nhìn ra ngoài rộng rãi hơn và thấy tất cả các phong cảnh. Nếu ta hủy bỏ mắt đi linh hồn có thể nhìn rộng rãi các phong cảnh như vậy không? Nếu tai, mũi, lưỡi, thân bị hủy đi, linh hồn có thể dễ dàng nghe tiếng, ngửi mùi, nếm vị, sờ mó các vật một cách rộng rãi được không?
- Không.
- Thưa, vậy thời các điều Đại Vương nói không phù hợp nhau. Lại nữa, nếu ông Dinna đây đi ra khỏi điện rồi xuống đứng dưới cổng. Đại Vương có biết ông ta đang ở dưới cổng không?
- Có, trẫm biết.
- Và nếu ông này lại trở lên điện, tới đứng trước Đại Vương. Đại Vương có biết không?
- Biết, trẫm biết.
- Cũng vậy, nếu ta để lên lưỡi một thức ăn có vị, linh hồn có biết được vị chua, cay, mặn, ngọt của nó không?
- Biết được.
- Thưa, nếu thức ăn này trôi xuống dạ dày xuống ruột, linh hồn có còn biết vị của nó không?
- Không.
- Thưa, nếu thế thì các điều Đại Vương nói không phù hợp nhau. Lại nữa, giả dụ người ta mang một trăm hũ rượu đổ vào một cái vại lớn rồi bắt một người bịt mồm lại bỏ vào vại. Người này có biết được rượu ngon hay không ngon không?
- Không, không biết được.
- Thưa, tại sao?
- Tại vì rượu không vào mồm được.
- Vậy thời các điều Đại Vương nói không phù hợp nhau.
- Trẫm không nói nổi với một biện luận gia như Đại đức. Hãy giảng cho trẫm nghe là thế nào.
Thầy tăng lúc đó giảng cho vua nghe một bài lấy trong Luận Tạng. Đó là Nhãn và Sắc sinh ra Tưởng rồi các trạng thái của Thức - xúc, thụ, hành, ý, định, quán - phát sinh ra. Không có gì là linh hồn (vedagū) trong này cả.
Chú giải:
(36) Phong tục Ấn Độ, cha mẹ thường hay gả bán con gái khi còn bé, ngay cả lúc còn sơ sinh (để lấy hồi môn?)
(37) Đoạn này nguyên bản Pali viết mập mờ, không được rõ.
(38) Đàn Ấn Độ.
(39) Một loại gỗ người ta sát nóng để nhóm lửa
(40) Vedagū, Hán dịch là minh-trí, là một thứ "thần thức" trong con người. Ở đây dịch là linh hồn hợp ý hơn.
Nhãn thức và Ý thức (Cakkhuviññāna, Manoviññāna)
- Thưa Đại đức, khi nhãn thức sinh ra, ý thức có sinh ra không?
- Thưa, có.
- Cái nào sinh trước?
- Thưa, nhãn thức sinh trước.
- Có phải cái sinh trước bảo cái sau sinh ra hay cái sinh sau nói với cái sinh trước "khi anh sinh ra tôi cũng sinh ra" không?
- Thưa Đại Vương, chúng không nói chuyện với nhau.
- Thế làm thế nào cái nọ biết để sinh ngay sau cái kia?
- Thưa, bởi cái dốc, bởi cái cửa, bởi cái đi trước, bởi thực hành.
- Bởi cái "dốc" là thế nào? Dẫn cho trẫm một thí dụ.
- Thưa, khi trời mưa, nước ở đâu chảy?
- Ở nơi đất dốc.
- Nếu trời mưa lần nữa, nước ở đâu chảy?
- Ở chỗ nước trước đã chảy.
- Nước chảy trước có nói với nước chảy sau là "chỗ nào tôi chảy anh cũng chảy theo" không? Hay nước chảy sau nói với nước chảy trước "chỗ nào anh chảy tôi cũng chảy theo" không?
- Không, nước không nói với nhau, nước chảy là vì đất dốc.
- Thưa, nhãn thức và ý thức nối tiếp nhau sinh ra cũng như vậy.
- Hai thức này cũng sinh nối tiếp nhau bởi cái cửa là thế nào? Dẫn cho trẫm một thí dụ.
- Thí dụ một tỉnh ở biên cương, xung quanh có hào lũy bao bọc chắc chắn, chỉ có một cổng thành để ra vào thôi. Bây giờ có một người muốn ra, ông ta ra bởi chỗ nào?
- Bởi cái cổng thành.
- Và nếu một người nữa muốn ra ông ra bởi chỗ nào?
- Cũng bởi cái cổng thành này.
- Hai người có nói với nhau trước không?
- Không.
- Nhãn thức và ý thức phát sinh cũng giống như vậy.
- Thế nào là hai thức phát sinh nối tiếp nhau bởi "cái đi trước"? Cho trẫm một thí dụ.
- Có một đoàn xe bò đi trên đường, một xe đi trước, xe kế sau đi thế nào?
- Cùng đường với xe đi trước.
- Nó có bảo nhau không?
- Không, xe sau đi theo đường xe trước đã đi.
- Hai thức sinh ra cũng vậy.
- Chúng nối tiếp sinh ra bởi "thực hành" là thế nào?
- Trong các khoa học như cách bắt ấn, cách tính toán, cách ước tính, cách viết, lúc đầu ta làm vụng về rồi dần dần bởi chăm chú, bởi thực hành ta thành khéo léo. Cũng vậy, do thực hành mà ngay sau khi nhãn thức phát sinh, ý thức cũng tức khắc phát sinh.
Cùng lý luận này đối với nhĩ thức, tị thức, thiệt thức, xúc thức, mỗi thứ đều theo sau bởi một ý thức.
32. Đặc tính của Xúc (Phassalakkhaṇa)
- Thưa Đại đức, khi nhãn thức sinh ra, thụ cũng sinh ra phải không?
- Thưa phải, khi nhãn thức phát sinh, xúc, thụ, tưởng, tâm ý, thức, tư duy và các trạng thái khác của thức cũng phát sinh mà đứng đầu là xúc.
- Đặc tính của xúc là gì?
- Thưa, là đụng chạm.
- Dẫn cho trẫm một thí dụ.
- Như hai con dê húc nhau, hai bàn tay đập vào nhau hay hai chũm chọe chập vào nhau: một trong hai con dê, một trong hai bàn tay, một hai chũm chọe là nhãn, cái kia là sắc, khi chúng đụng vào nhau sinh ra xúc.
33. Đặc tính của Thụ (Vedanalakkhaṇa)
- Thưa Đại đức, đặc tính của Thụ là gì?
- Thưa là cảm giác và hưởng thụ.
- Dẫn cho trẫm một thí dụ.
- Thưa, như một người phục vụ tốt với vua, vua hài lòng giao cho một trọng trách lớn, nhờ đó ông sống sung sướng. Ông có cảm giác là nhờ đã phục vụ tốt với vua, được vua ban thưởng, do sự phục vụ này mà được hưởng thụ như vậy. Lại nữa, một người làm một việc thiện, sau khi chết được lên cõi trời sống sung sướng. Ông có cảm giác là nhờ trước kia làm một việc thiện nên nay được hưởng thụ như thế này.
34. Đặc tính của Tưởng (Saññālakkhaṇa)
- Thưa Đại đức, đặc tính của Tưởng là gì?
- Thưa, là nhận biết. Người ta nhận biết được gì. Được các mầu: đen, vàng, đỏ, trắng, hồng.
- Cho trẫm một thí dụ.
- Như người quản kho của nhà vua, đi vào kho ông nhận ra các bảo vật theo mầu sắc của chúng: đen, vang, đỏ, trắng, hồng. Cũng vậy, Tưởng có đặc tính là nhận biết.
35. Đặc tính của Tâm ý (Cetanalakkhaṇa)
- Thưa Đại đức, đặc tính của Tâm ý là gì?
- Thưa là suy tư và thực hiện.
- Cho trẫm một thí dụ.
- Cũng như một người sau khi sửa soạn một độc dược rồi ông uống và cho người khác uống, ông gây khổ đau cho ông và cho người khác. Đó là một hành động xấu, khi chết ông phải xuống địa ngục và kéo theo những người bắt chước làm như ông. Lại nữa, một người sửa soạn một món đồ uống bằng cách trộn bơ với dầu, mật ong, mật mía rồi uống và cho người khác uống, ông cảm thấy vui và người khác cũng vậy. Đó là một hành động tốt, sau khi chết được lên cõi trời và dẫn theo những người cũng làm như ông. Như vậy, tâm ý có đặc tính là suy tư và thực hiện.
36. Đặc tính của Thức (Viññānalakkhaṇa)
- Thưa Đại đức, đặc tính của Thức là gì?
- Thưa là tổng giác
- Cho trẫm một thí dụ.
- Như một người lính gác thành phố ra ngồi ở giữa một ngã tư đường. Như vậy ông có thể thấy tất cả những gì từ tứ phía tới: đông, tây, nam, bắc, nghĩa là ông thấy được sắc bằng mắt, nghe tiếng động bằng tai, ngửi mùi bằng mũi, nếm vị bằng lưỡi, sờ thấy vật bằng tay (thân), thấy trạng thái tâm linh bằng ý. Như vậy Thức có đặc tính là tổng giác.
37. Đặc tính của Tư duy (Vitakkalakkhaṇa)
- Thưa Đại đức, đặc tính của Tư duy là thế nào?
- Thưa, là thích ứng.
- Dẫn cho trẫm một thí dụ.
- Như một người thợ mộc thích ứng một miếng gỗ vào một cái mộng. Đặc tính của Tư duy cũng như vậy.
38. Đặc tính của Suy xét (Trạch) (Vicāralakkhaṇa)
- Thưa Đại đức, thế nào là đặc tính của Suy xét?
- Thưa, là tiếng ngân (anumajjana)
- Cho trẫm một thí dụ.
- Như khi ta đánh một tiếng cồng. Đánh cồng là tư duy (vitakka) và tiếng ngân rền là suy xét (vicāra) (41).
39. Các Thức không thể phân tách được.
- Thưa Đại đức, các thức thường kết hợp với nhau. Ta có thể tách rời chúng ra theo bản chất của chúng được không? Như đây là xúc, đây là thụ, đây là tưởng, đây là tâm ý, đây là thức, đây là tuệ, đây là suy xét.
- Thưa không, không thể được.
- Dẫn cho trẫm một thí dụ.
- Thí dụ ngưởi đầu bếp của vua pha nước sốt, ông bỏ vào nào sữa chua, nào muối, nào gừng, nào tiêu, cùng các gia vị khác rồi dâng lên vua. Vua nói: "Bay hãy phân tích nước sốt này ra rồi mang cho trẫm cái vị của sữa chua, của muối v.v. ". Thưa Đại Vương, người đâu bếp có thể phân tách các gia vị đã pha trộn vào nhau rồi lấy ra các vị chua, ngọt, cay, chát, mặn, nhạt của mỗi thứ ra được không?
- Hẳn là không được, mặc dù tất cả các vị đều có trong đó.
- Thưa, các Thức cũng vậy.
40. Muối
Thầy tăng nói:
- Muối, thưa Đại Vương, muối có thể nhận thấy được bằng mắt không?
- Được.
- Đại Vương nghĩ kỹ chưa?
- Trẫm nhầm, muối nhận thấy được bằng lưỡi.
- Thưa, đúng vậy.
- Có phải tất cả mọi muối đều nhận thấy được bằng lưỡi phải không?
- Thưa phải.
- Nếu thế, làm sao người ta biết được muối trở trên xe bò? (42)
- Thưa, muối trên xe bò còn có nhiều cấu tạo khác tụ họp lại thành muối như mầu trắng của muối, trọng lượng của muối. Thưa Đại Vương, muối có thể cân được không?
- Được.
- Thưa không phải, người ta chỉ cân được trọng lượng của muối thôi.
Chú giải:
(41) Suy xét và tư duy thường đi đôi với nhau.
(42) Nếu chỉ biết muối bằng vị của nó thì làm sao biết được muối chuyên chở trên xe (không nếm)
Giải thích những thắc mắc (Vimaticchedaka)
1. Mỗi căn một nghiệp riêng
- Thưa Đại đức, trong ngũ căn, mỗi căn tạo một nghiệp riêng hay có một nghiệp chung cho tất cả?
- Thưa, mỗi căn một nghiệp riêng.
- Dẫn cho trẫm một thí dụ.
- Thưa, nếu trong một thửa ruộng ta gieo năm hạt giống khác nhau, năm hạt này có cho năm quả khác nhau không?
- Có.
- Thưa, cũng vậy, ngũ căn tạo năm nghiệp khác nhau.
2. Nguyên nhân của bất bình đẳng
- Thưa Đại đức, tại sao mọi người không bình đẳng như nhau? Tại sao có người sống lâu, kẻ chết sớm; người khỏe mạnh, kẻ ốm yếu; người xinh đẹp, kẻ xấu xí; người quyền thế, kẻ đê hèn; người giầu có, kẻ nghèo nàn; người quý phái, kẻ hạ tiện; người thông minh, kẻ ngu đần?
- Thưa Đại Vương, tại sao các cây cỏ không giống nhau? Chua, chát, cay, đắng, ngọt khác nhau?
- Theo trẫm, tại hạt giống khác nhau.
- Thưa cũng vậy, con người khác nhau là tại nghiệp của họ khác nhau. Đức Thế Tôn (43) nói: "Nghiệp là gia tài của con người mà họ là thừa kế. Chính các nghiệp phân chia con người thành cao thấp khác nhau.".
- Hay lắm! Hay lắm! Vua khen
3. Việc làm kiếp này quả ở kiếp sau
- Thưa Đại đức, Đại đức nói mục đích xuất gia của Đại đức là để diệt các khổ hiện tại và ngăn chặn không cho khổ khác sinh ra. Kết quả này là do các việc làm trước kia hay hiện tại?
- Thưa Đại Vương, việc làm hiện tại không có hiệu lực (ở đời này), việc làm trước kia mới có hiệu lực.
- Dẫn cho trẫm một thí dụ.
- Thưa, có phải chỉ khi nào Đại Vương khát nước mới cho đào giếng lấy nước uống không? Có phải chỉ khi nào Đại Vương đói mới sai đi cày cấy, gieo mạ, trồng lúa lấy thóc ăn không? Có phải chỉ khi nào Đại Vương bị quân địch tấn công, lúc đó mới cho đào hào, đắp lũy, xây thành, lập chòi gác không? Có phải chỉ lúc đó Đại Vương mới bắt đầu cho quân lính tập dượt binh đao, huấn luyện voi ngựa không?
- Không phải.
- Thưa, cũng vậy, việc làm hiện tại không có hiệu lực ngay, chỉ việc làm trong quá khứ mới là hiệu lực. Đức Thế Tôn (44) nói:
"Hãy làm ngay những việc lành.
"Hãy sáng suốt đi trên con đường chính đáng, không như người lái xe ngu dốt đi vào con đường xấu làm gẫy xe rồi hối hận. Cũng vậy, người ngu dốt bỏ chính theo tà, rồi sau hối hận buồn tiếc như người lái xe đứng trước cái xe gẫy!"
4. Lửa địa ngục
- Thưa Đại đức, các phật tử nói lửa địa ngục còn cháy dữ dội hơn lửa thường. Một hòn cuội bỏ vào lửa thường để bao nhiêu lâu cũng không bị thiêu, trong khi đó một tảng đá lớn bằng cái nhà bỏ vào lửa địa ngục sẽ tiêu tan trong khoảnh khắc. Trẫm không thể tin được. Họ lại nói những người bị đọa xuống âm phủ thiêu đốt cả ngàn năm mà vẫn không cháy. Điều này trẫm cũng không tin được.
- Thưa Đại Vương, Đại Vương nghĩ sao những con khỉ cái, con cá sấu cái, con công cái, con bồ câu cái, chúng ăn những hòn sạn đá có phải không?
- Phải.
- Những hòn sạn này tiêu ở trong bụng chúng có phải không?
- Phải.
- Thưa thế cái bào thai ở trong bụng chúng có bị tiêu không?
- Không.
- Thưa tại sao?
- Theo trẫm là do cái nghiệp của chúng
- Thưa Đại Vương, cũng vậy, vì nghiệp nặng mà người bị đày xuống âm phủ thiêu hàng ngàn năm vẫn không hết. Đức Thế Tôn (45) nói "Con người không thể mất đi trước khi trả xong hết các nghiệp".
- Dẫn cho trẫm một thí dụ nữa.
- Thưa, con sư tử cái, con hổ cái, con chó cái, chúng ăn những xương thịt cứng rắn vào bụng mà đều tiêu hết, có phải không?
- Phải.
- Vậy mà bào thai ở trong bụng chúng không bị tiêu đi. Tại sao?
- Hẳn là tại cái nghiệp của chúng.
- Thưa, đối với người bị đày xuống âm phủ cũng vậy.
- Cho trẫm một thí dụ nữa.
- Thưa, những người đàn bà Yonaka, Khattiya, Bàlamôn hay các bà trưởng giả quý phái thường hay ăn thịt, cá, sơn hào hải vị, tất cả đều tiêu trong bụng họ. Vậy mà bào thai ở trong đó không bị tiêu. Tại sao? Là bởi cái nghiệp. Đối với kẻ bị đày xuống âm phủ cũng vậy.
5. Nước được chống đỡ bởi không khí
- Thưa Đại đức, người ta nói đất được chống đỡ bởi nước, nước bởi không khí, không khí bởi không gian (46) . Trẫm không tin lắm.
Thầy tăng lấy nước đổ vào bình lọc nước (dhammakaraka) rồi nói: "Đại Vương thấy không, nước được chống đỡ bởi không khí."
6. Niết bàn là tịch diệt
- Thưa Đại đức, có phải Niết bàn là tịch diệt không?
- Thưa Đại Vương, phải.
- Như vậy là thế nào?
- Thưa, những kẻ mê muội buông theo khoái lạc, bám vào tình cảm, không tìm cách thoát ra khỏi sinh già chết khổ. Người tỉnh ngộ không buông theo khoái lạc, không bám vào tình cảm, nên dần dấn trừ diệt được ái dục, quyến luyến, hiện tồn, sinh, chết và khổ. Vì vậy Niết bàn là tịch diệt.
- Hay lắm! Hay lắm! Vua khen.
7. Ai chứng được Niết bàn
- Thưa Đại đức, có phải ai cũng chứng được Niết bàn không?
- Thưa không, nhưng những người chấp nhận những gì đáng chấp nhận, nhìn nhận những gì đáng nhìn nhận, tránh những gì phải tránh, rèn luyện những gì phải rèn luyện, thực hiện những gì phải thực hiện, người đó sẽ chứng Niết bàn.
- Hay lắm! Hay lắm! Vua khen.
8. Làm sao biết được Niết bàn là an vui
- Thưa Đại đức, người chưa chứng được Niết bàn có biết được Niết bàn là an vui không?
- Thưa, biết được.
- Làm sao họ biết?
- Thưa, những người không bị chặt chân chặt tay có biết được là rất đau nếu họ bị chặt chân tay không?
- Có, họ biết được.
- Thưa, làm sao họ biết?
- Vì họ nghe thấy tiếng rên rỉ kêu la của những người bị chặt chân tay.
- Thưa cũng vậy, vì nghe thấy lời của những người đã chứng, họ biết Niết bàn là an vui.
- Hay lắm! Hay lắm! Vua khen
9. Đức Phật có thực không?
- Thưa Đại đức, Đại đức đã thấy Phật chưa?
- Thưa, chưa.
- Thế các thầy của Đại đức?
- Thưa, cũng chưa.
- Vậy đức Phật không có thật sao?
- Thưa Đại Vương, Đại Vương đã thấy sông Uhā ở trên Hy-mã-lạp-sơn chưa?
- Chưa!
- Thế phụ vương đã thấy chưa?
- Cũng chưa.
- Thưa, vậy sông Uhā không có thật sao?
- Có sông đó có thực, chỉ vì phụ vương và trẫm chưa thấy đó thôi.
- Thưa, đức Phật cũng vậy.
10. Đức Phật là vô thượng
- Thưa Đại đức, có phải đức Phật là hơn hết mọi người không?
- Thưa, phải.
- Làm sao Đại đức biết? Đại đức chưa bao giờ thấy Phật.
- Thưa, người có thể biết được, mặc dù chưa bao giờ thấy, biển là rộng mênh mông, là sâu không thể dò được, có năm con sông lớn là sông Hằng, sông Yamuna, sông Acīiravatī, sông Sarabhū, sông Mahī ngày đêm đổ nước vào mà không bao giờ tràn đầy cả không?
- Có.
- Thưa cũng vậy, biết các đệ tử đã chứng Niết bàn đều tán tụng không ai hơn đức Phật, bần tăng hiểu được đức Phật là vô thượng.
Chú giải:
(43) Trung Bộ Kinh III, 206
(44) Tương Ưng Bộ Kinh I, 57
(45) Tăng Chi Bộ Kinh I, 141
(46) Nói về Tứ đại: Địa, Thủy, Hỏa, Phong
11. Chứng minh sự vô thượng này
- Thưa Đại đức, có thể chứng minh được đức Phật là vô thượng không?
- Thưa được.
- Làm thế nào?
- Xưa kia có một pháp sư tên là Đế-tu (Tissa) (47). Ngài tịch diệt đã bao nhiêu năm mà ngày nay tại sao người ta hãy còn nhớ đến Ngài.
- Bởi những lời dạy của ngài còn truyền lại.
- Thưa cũng vậy, đức Phật đã dạy Pháp thậm thâm vi diệu, người nào thấy Pháp biết Phật là vô thượng.
12. Pháp (Dhamma)
- Thưa Đại đức, Đại đức đã thấy Pháp chưa?
- Thưa Đại Vương, Pháp là đường lối do đức Phật dạy, là giới luật do đức Phật đặt ra mà các đệ tử đều phải áp dụng trọn đời.
13. Tái sinh không di truyền
- Thưa Đại đức, tái sinh có di truyền không?
- Thưa không.
- Như vậy là thế nào? Cho trẫm một thí dụ.
- Thưa, khi ta dùng một ngọn đuốc để thắp một đuốc khác, ta có thể nói được là đuốc trước đã truyền sang đuốc sau không? Không! Cũng vậy, người ta có thể tái sinh và không truyền đi.
- Cho trẫm một thí dụ nữa.
- Thưa Đại Vương, Đại Vương có còn nhớ đã học một câu thơ nào của thầy dạy khi còn trẻ không?
- Còn nhớ.
- Câu thơ có phải đã truyền từ ông thầy sang Đại Vương không?
- Hẳn là không.
- Thưa cũng vậy, người ta có thể tái sinh và không di truyền đi.
14. Linh hồn có thực không?
- Thưa Đại đức, linh hồn (vedagū) (48) có thực không (49)?
- Thưa Đại Vương, ở tuyệt đối, không có.
15. Tội lỗi không xóa bỏ được khi tái sinh
- Thưa Đại đức, một người tái sinh có thể mang lại cái thân kiếp trước được không (50)?
- Thưa không được.
- Nếu thế thì người kiếp sau không phải trả các tội lỗi của kiếp trước sao?
- Thưa nếu không có tái sinh thì có thể như vậy, nhưng tái sinh có thực nên họ không xóa bỏ được tội lỗi đã làm.
- Dẫn cho trẫm một thí dụ.
- Nếu một người ăn trộm xoài của người khác, người này có tội không?
- Nhất định là có.
- Tuy nhiên người này không ăn trộm những quả xoài đã dùng để trồng thành cây.
- Không, nhưng quả xoài này là kết quả của quả xoài trước.
- Thưa cũng vậy, bởi "danh sắc" người ta tạo nghiệp lành nghiệp dữ. Với các nghiệp này một "danh sắc" khác sinh ra. Do vậy danh sắc sau không xóa bỏ được những tội lỗi đã làm trước.
- Hay lắm! Hay lắm! Vua khen
16. Nghiệp nằm ở đâu?
- Thưa Đại đức, khi một nghiệp tốt, xấu, được tạo ra bởi danh sắc thì nghiệp đó nằm ở đâu?
- Thưa, nó đi theo người tạo ra nó như bóng với hình (51).
- Ta có thể biết nghiệp ở chỗ này hay chỗ kia không?
- Thưa không.
- Tại sao? Dẫn cho trẫm một thí dụ.
- Thưa, trên một cây chưa có quả ta có thể biết trước quả sẽ mọc ở chỗ này hay chỗ kia không?
- Không.
- Thưa cũng vậy, trong sự truyền nối liên tiếp, ta không thể chỉ định nghiệp ở chỗ này, chỗ kia được.
- Hay lắm! Hay lắm! Vua khen
17. Có thể biết là sẽ tái sinh không?
- Thưa Đại đức, một người sẽ tái sinh có thể biết là họ sẽ tái sinh không?
- Thưa có.
- Dẫn cho trẫm một thí dụ.
- Thưa, một nông dân gieo mạ, cấy lúa, nếu thấy nắng mưa thuận hòa, ông ta có biết là sẽ được mùa không?
- Ông ta biết.
- Thưa người sẽ tái sinh cũng vậy.
18. Đức Phật ở đâu?
- Thưa Đại đức, Đại đức có biết đức Phật ở đâu không?
- Thưa Đại Vương, có.
- Ta có thể chỉ đức Phật ở nơi này hay nơi kia không?
- Thưa, đức Thế Tôn đã hoàn toàn tịch diệt, đã chứng Niết bàn tối thượng, ta không thể nói Ngài ở chỗ này chỗ kia được.
- Dẫn cho trẫm một thí dụ.
- Như một ngọn lửa sau khi cháy lớn rồi tắt hẳn, ta có thể chỉ ngọn lửa ở chỗ này, ngọn lửa ở chỗ kia không?
- Không, ngọn lửa đã tắt, đã mất hẳn rồi.
- Thưa cũng vậy, người ta không thể chỉ đức Thế Tôn ở chỗ này chỗ kia được. Nhưng ta có thể thấy đức Phật qua các pháp Ngài giảng dạy vì nó tượng trưng Ngài.
- Hay lắm! Hay lắm! Vua khen.
19. Tại sao các tăng thường hay chăm sóc thân thể?
- Thưa Đại đức, các tăng có làm dáng cho thân mình không?
- Thưa không.
- Vậy sao họ lại chăm sóc kỹ càng thân thể họ?
- Thưa, Đại Vương có đôi khi bị thương ở ngoài trận tiền không?
- Có.
- Thưa, vết thương này có được rửa sạch, bôi thuốc và băng bó lại không?
- Có.
- Có phải Đại Vương đã chăm sóc vết thương cho tốt cho đẹp không?
- Không phải, đó chỉ là làm cho nó chóng lành thôi.
- Thưa cũng vậy, các tăng chăm sóc thân hình như một phận sự của đời sống tu hành nhưng không gắn bó vào nó.
Đức Thế Tôn ví thân hình như một vết thương, người tu hành phải chăm sóc nó để tẩy bỏ hết các nhơ nhớp bất tịnh.
20. Giới luật áp dụng khác nhau
- Thưa Đại đức, có phải đức Phật là toàn giác, ngài biết hết, thấy hết không?
- Thưa phải.
- Vậy tại sao ngài không chế định ngay toàn thể giới luật cho đệ tử theo mà lại chỉ tùy lúc tùy hoàn cảnh, khi đệ tử phạm lỗi mới đặt ra nghiêm giới?
- Thưa Đại Vương, có một ông thầy thuốc nào biết được tất cả các vị thuốc trên thế gian này không?
- Có thể có.
- Thưa, khi chữa bệnh, ông thầy thuốc này có cho bệnh nhân uống tất cả các thuốc hay tùy theo bệnh tình biến diễn mà cho thuốc?
- Tùy theo bệnh tình biến diễn.
- Thưa cũng vậy, tùy lúc tùy hoàn cảnh đức Phật đặt giới luật cho đệ tử áp dụng.
- Hay lắm! Hay lắm! Vua khen.
21. Tại sao đức Phật không giống phụ mẫu?
- Thưa Đại đức, có phải đức Phật có đủ ba mươi hai tướng tốt của một đại nhân, với tám mươi tướng phụ? Có phải Ngài có da vàng như màu vàng kim khí và có một vầng hào quang trên đầu lớn bằng một sải tay không?
- Thưa phải.
- Thân phụ thân mẫu Ngài có các tướng như vậy không?
- Thưa không.
- Tuy nhiên các con thường hay giống cha mẹ, ông bà nội ngoại.
- Thưa Đại Vương có biết cây hoa sen có trăm cánh không?
- Có biết.
- Thưa, nó mọc ở đâu?
- Nó mọc trong đất bùn và phát triển trong nước.
- Hương vị, mầu sắc của cây sen có giống hương vị mầu sắc của bùn hay nước không?
- Không.
- Thưa đức Phật cũng vậy.
- Hay lắm! Hay lắm! Vua khen.
22. Trọi chữ
- Thưa Đại đức, đức Phật có phải là một "brahmacāri" (52) không?
- Thưa, phải.
- Như vậy đức Phật là đệ tử của ngài Phạm Thiên sao?
- Thưa Đại Vương có biết voi "đại tượng" (53) không?
- Có, trẫm biết.
- Đại Vương có biết thỉnh thoảng nó kêu như tiếng vạc không?
- Có.
- Thưa, như vậy nó là đệ tử của con vạc sao?
- Không.
- Thưa, ngài Phạm Thiên có phải là một "saṃbuddhiko" (54) không?
- Phải.
- Thưa, như vậy ngài Phạm Thiên là đệ tử của đức Phật sao?
- Hay lắm! Hay lắm! Vua khen.
23. Đức Phật có thụ giới không?
- Thưa Đại đức, cụ túc giới (55) có tốt không?
- Thưa, nhất định là tốt.
- Đức Phật có thụ giới này không?
- Thưa, đức Phật tự ngài chứng quả giác ngộ tối thượng. Ngài không thụ giới với ai và chính Ngài đặt ra giới luật cho đệ tử theo.
24. Hai loại nước mắt
- Thưa Đại đức, có hai người khóc, một người khóc vì mẹ mất, người kia vì thương Đạo. Người nào làm giảm được xúc cảm bằng nước mắt?
- Thưa, nước mắt của người khóc mẹ là ưu sầu, quyến luyến, của người kia là hoan hỷ, thanh tịnh. Một bên là nóng bỏng, một bên là dịu mát. Cái dịu mát làm giảm được xúc cảm, không phải cái nóng.
- Hay lắm! Hay lắm! Vua khen.
25. Người mê người ngộ
- Thưa Đại đức, người mê và người ngộ khác nhau thế nào?
- Thưa, mộr người bị mắc vướng, một người không.
- Như vậy là thế nào?
- Thưa một người tham muốn, một người không.
- Theo trẫm hiểu thì người mê người ngộ cả hai đều muốn cái tốt – thí dụ như muốn ăn ngon – và không thích cái xấu.
- Thưa Đại Vương, khi họ ăn, người mê thưởng thức cái vị rồi say mê cái vị đó; người ngộ thưởng thức cái vị nhưng không say mê nó.
- Hay lắm! Hay lắm! Vua khen.
26. Tuệ nương tựa ở đâu?
- Thưa Đại đức, Tuệ có nơi nương tựa không?
- Thưa, không nơi nào hết.
- Vậy không có tuệ sao?
- Thưa Đại Vương, gió có nơi nương tựa không?
- Không có nơi nào.
- Thưa, vậy không có gió sao?
27. Luân hồi
- Thưa Đại đức, Đại đức nói tới luân hồi. Vậy luân hồi là gì?
- Thưa, một sinh vật sinh ra trên mặt đất này và chết tại đây, nó tái sinh ở một nơi khác và rồi chết ở đó, v.v. . . Đó là luân hồi.
- Dẫn cho trẫm một thí dụ.
- Thưa, một người ăn một quả xoài, rồi lấy hột trồng xuống đất, hột này mọc lên thành cây, cây cho quả; người ăn quả này lại trồng hột xuống đất, hột thành cây, cây cho quả và cứ tiếp tục như vậy. Khởi điểm của liên tục này không thể biết được. Luân hồi cũng như thế.
28. Trí nhớ
- Thưa Đại đức, bởi cái gì mà ta nhớ được những việc đã qua, ngay cả đã lâu rồi.
- Thưa bởi trí nhớ.
- Không phải bởi tâm sao?
- Thưa, có khi nào Đại Vương quên một cái gì không?
- Có.
- Thưa, lúc đó Đại Vương có bị mất tâm không?
- Không, lúc đó trẫm mất trí nhớ.
- Thưa, tại sao Đại Vương lại nói là tâm làm nhớ lại những gì đã qua, không phải là trí nhớ?
29. Trí nhớ tự phát và trí nhớ gây ra
- Thưa Đại đức, trí nhớ bao giờ cũng tự nhiên phát ra như một hành động của nhận thức hay còn có một trí nhớ được gây ra?
- Thưa cả hai đều có.
- Nếu ta nhớ lại được tất cả các kỷ niệm thì cần gì trí nhớ gây ra nữa?
- Thưa, nếu không có trí nhớ gây ra thì những người thợ làm sao học được nghề, học được kỹ thuật. Họ làm được là nhờ có thí nhớ gây ra.
30. Mười bảy cách nhớ
- Thưa Đại đức, trí nhớ phát sinh theo những cách nào?
- Thưa, theo mười bảy cách:
1. Bởi nhận thức tự nhiên. Như trường hợp của Ananđà, Khujjuttara và các thánh tăng. Các vị nhớ lại được tiền kiếp của các vị.
2. Bởi bên ngoài gợi ý. Đó là trường hợp của người mất trí. Chỉ khi thấy người khác làm họ mới nhớ lại.
3. Bởi ấn tượng một hoàn cảnh trọng đại nào. Chẳng hạn ông vua nhớ lúc lên ngôi, các biến đổi.
4. Bởi ấn tượng của một việc lành. Như nhớ lại một trường hợp vui vẻ nào.
5. Bởi ấn tượng của một việc buồn. Như nhớ lại một trường hợp không vui nào.
6. Bởi hình dáng tương tự. Như nhớ tới một người có cùng hình dáng như vậy. Cũng như thấy một con lừa, con ngựa làm cho nhớ tới con đồng loại.
7. Bởi hình dáng khác nhau. Làm nhắc nhở tới một vật gì, một cái gì, một màu nào, một tiếng nào, một mùi nào, một tiếp xúc nào.
8. Bởi nhận ra tiếng nói. Trường hợp người hay quên, cứ phải nhắc cho nhớ.
9. Bởi một dấu hiệu. Như ta nhận ra được con bò vì nó có mang một dấu hiệu nào đó.
10. Bởi sự nhắc nhở cho nhớ. Như trường hợp người lảng trí, cứ luôn luôn phải nhắc "ráng nhớ lại, ráng nhớ lại".
11. Bởi dấu tay bắt ấn (muddā). Người đã học ấn biết mỗi dấu ấn là một chữ gì.
12. Bởi cách tính. Người đã học tính có thể đếm được một số rất lớn các vật.
13. Bởi cách học thuộc lòng. Học thuộc lòng có thể đọc lại được những bài rất dài.
14. Bởi thiền định. Tăng sĩ ngồi thiền có thể nhớ lại những kiếp trước với những hoàn cảnh đặc biết.
15. Bởi ghi chép lại. Các vua chúa cho ghi chép tài sản để nhớ.
16. Bởi kho chứa. Thấy các vật chứa trong kho người ta nhớ lại.
17. Bởi liên tưởng. Người ta nhớ lại một hình dáng bởi vì đã thấy nó, một âm thanh vì đã được nghe, một mùi vì đã ngửi thấy, một vị vì đã nếm trước, một vật vì đã sờ mó rồi, một ý nghĩ vì đã biết (56).
Chú giải:
(47) Đế-tu tức ngài Mục-kiện-liên-tử Đế-tu (Moggaliputta Tissa). Xem chú giải (13)
(48) Xem chú giải (40)
(49) Câu này đã hỏi rồi (Quyển 2, 30)
(50) Câu này hỏi lại (Quyển 2, 22)
(51) Kinh Pháp Cú, 2
(52) Brahmacāri có hai nghĩa là sùng đạo và là đệ tử của Phạm Thiên.
(53) Một loài voi lớn ở Ấn độ.
(54) Sambuddhico vừa có nghĩa là giác giả vừa là Phật.
(55) Cụ-túc-giới (Upasamapadā) là những giới luật cho các tỳ kheo. Tỳ kheo nam có 250 giới, tỳ kheo ni có 348 giới.
(56) Cách nhớ thứ 17 này không có trong bản hán.
31. Nhân nhỏ quả lớn
- Thưa Đại đức, các phật tử nói một người suốt đời làm việc xấu, chỉ trước khi chết tâm trí hướng về Phật người này có thể sẽ tái sinh lên cõi trời. Trẫm không tin được. Họ lại nói một người chỉ vì giết một sinh vật có thể bị đày xuống âm phủ. Điều này trẫm cũng không tin.
- Thưa Đại Vương, một hòn đá con, không có thuyền trợ đỡ, bỏ xuống nước nó sẽ nổi hay chìm?
- Nó chìm.
- Thưa, một trăm hòn đá để trên một chiếc thuyền, chúng có nổi không?
- Nổi.
- Thưa cái thuyền là thiện pháp. (57)
32. Mục đích của đời sống tu hành
- Thưa Đại đức, sự cố gắng của quý thầy có mục đích gì? Diệt trừ khổ quá khứ, hiện tại hay tương lai? (58)
- Thưa, không phải vậy.
- Vậy mục đích của quý thầy là gì?
- Thưa, diệt tắt khổ hiện tại, không để khổ nào khác sinh ra.
- Thế, khổ tương lai có chưa?
- Thưa chưa.
- Quý thầy thật kỳ lạ, tu học để diệt trừ cái chưa có!
- Thưa, khi Đại Vương bị tấn công bởi các vua thù địch, có phải lúc đó Đại Vương mới cho đào hào, đắp lũy, xây thành, lập chòi gác, chứa chất lương thực không?
- Không, tất cả đều phải sửa soạn từ trước.
- Thưa, có phải lúc đó Đại Vương mới cho luyện tập voi ngựa, quân lính không?
- Không, trẫm cho tập luyện từ trước cả.
- Thưa làm như vậy với mục đích gì?
- Để phòng ngừa những nguy hiểm trong tương lai.
- Thưa những nguy hiểm tương lai này có chưa?
- Chưa có.
- Thưa, Đại Vương thật kỳ lạ, Đại Vương sửa soạn như vậy để ngừa những nguy hiểm chưa có!
- Dẫn cho trẫm một thí dụ nữa.
- Thưa, khi Đại Vương khát nước, có phải lúc đó Đại Vương mới cho đào giếng lấy nước uống không? Khi Đại Vương đói, có phải lúc đó Đại Vương mới cho cày cấy gieo mạ lấy thóc ăn không?
- Không, tất cả đều làm từ trước rồi.
- Thưa tại sao?
- Để tránh đói khát tương lai.
- Thưa đói khát tương lai này có chưa?
- Chưa có!
- Đại Vương thật kỳ lạ, sửa soạn để tránh cái đói cái khát chưa có!
33. Khoảng cách giữa trái đất và Phạm giới
- Thưa Đại đức, từ đây đến thế giới Phạm Thiên dài bao xa?
- Thưa, là khoảng cách của một hòn đá to bằng cái nhà rơi từ Phạm giới với tốc độ mỗi ngày là 48.000 do-tuần (59) và phải mất bốn tháng mới tới trái đất.
- Vậy mà Đại đức nói một vị tăng có phép thần thông có thể biến đi ở Diêm-phù-đề và hiện lên Phạm giới nhanh như người ta co tay vào hay duỗi tay ra. Trẫm không tin vị tăng này có thể đi nhanh được như vậy với khoảng cách dài bấy nhiêu do-tuần.
- Thưa Đại Vương quê ở đâu?
- Ở một hòn đảo gọi là Alasanda (60) .
- Thưa Alasanda cách đây bao xa?
- Hai trăm do-tuần.
- Thưa Đại Vương có còn nhớ chút kỷ niệm nào ở đó không?
- Trẫm còn nhớ.
- Thưa Đại Vương, Đại Vương vừa thoắt đi hai trăm do-tuần.
34. Tái sinh biến diễn đồng thời tới mọi nơi
- Thưa Đại đức, hai người chết tại đây, một người tái sinh lên cõi trời Phạm Thiên, người kia tái sinh ở xứ Kasmir. Người nào tới nhanh hơn?
- Thưa, cả hai cùng một lúc.
- Dẫn cho trẫm một thí dụ.
- Thưa Đại Vương, Đại Vương sinh ở đâu?
- Tại làng Kalasi.
- Thưa Kalasi cách đây bao xa?
- Hai trăm do-tuần.
- Và Kasmir tới đây?
- Mười hai do-tuần.
- Đại Vương hãy nghĩ tới Kalasi.
- Xong rồi
- Bây giờ Đại Vương nghĩ đến Kasmir.
- Xong rồi.
- Nơi nào Đại Vương nghĩ nhanh hơn?
- Trẫm nghĩ tới hai nơi cùng nhanh như nhau.
- Như vậy, tái sinh lên Phạm giới và lên Kasmir cùng nhanh như nhau.
35. Giác chi (Bojjhaṅgā)
- Thưa Đại đức, giác ngộ có bao nhiêu giác chi?
- Thưa bảy (61)
- Phải cần bao nhiêu giác chi thì có thể giác ngộ?
- Thưa một, đó là trạch pháp (dhammavicaya).
- Vậy tại sao lại nói tới bảy giác chi?
- Thưa Đại Vương, một lưỡi kiếm để trong bao không bỏ ra có thể chém được không?
- Không.
- Thưa cũng vậy, không có trạch pháp, người ta không thể giác ngộ với sáu giác chi kia.
36. Việc lành ưu thế hơn việc dữ
- Thưa Đại đức, việc lành và việc dữ, cái nào ưu thế hơn?
- Thưa việc lành hơn.
- Tại sao?
- Thưa người làm việc dữ thường hối hận ăn năn vì vậy không tiến được. Còn người làm việc lành, không có hối hận, không hối hận người đó hài lòng, hài lòng thành vui vẻ, vui vẻ thì thân tâm an lạc, thân tâm an lạc đưa tới khinh an, với khinh an tâm trí tập trung dễ dàng, tâm trí tập trung dễ dàng thì dễ thấy rõ sự thật. Do vậy việc thiện làm cho tinh tiến. Thí dụ, một người bị chặt cả chân tay (vì có làm việc xấu), nếu ông ta chỉ dâng cúng Phật một bó hoa sen (hướng về thiện) ông sẽ thoát khỏi nơi trừng phạt trong chín mươi kiếp. Vì vậy việc thiện có ưu thế hơn việc ác.
37. Hữu ý và vô ý
- Thưa Đại đức, hai người cùng làm một việc xấu, một người hữu ý, một người vô ý, người nào bị vạ nhiều hơn?
- Thưa người vô ý.
- Nếu vậy khi một ông hoàng hay một ông quan vô ý làm lỗi, trẫm phải trừng phạt họ gấp đôi sao?
- Thưa, thí dụ có một cục sắt nóng bỏng, cả hai người sờ vào, một người không biết sắt nóng, người kia biết sắt nóng (nên thận trọng), người nào bị bỏng nhiều hơn?
- Người không biết sắt nóng.
- Thưa cũng vậy, người làm lỗi một cách vô ý (62) bị vạ nhiều hơn?
- Hay lắm! Hay lắm! Vua khen.
38. Bay ra khỏi thế gian
- Thưa Đại đức, người ta có thể mang thân mình đi hoặc sang xứ Câu Lưu hoặc lên Phạm giới hoặc tới một xứ nào khác được không?
- Thưa được.
- Làm thế nào?
- Thưa Đại Vương có nhớ khi xưa có lần nào nhảy xa được một số bước chân không?
- Có, hồi đó trẫm nhảy xa được tám bước.
- Thưa làm sao Đại Vương nhảy được tám bước?
- Khi nhảy trẫm tự đặt cho một mức, rồi tập trung ý nghĩ là phải đạt được mức đó. Với ý nghĩ này trẫm cảm thấy người nhẹ nhàng hơn, nhảy tới được dễ dàng.
- Thưa cũng vậy, nhà tu hành đạt được phép thần thông để thân vào tâm trí rồi với sức mạnh của tâm trí bay được lên không trung.
40. Ngừng hơi thở
- Thưa Đại đức, các phật tử nói người ta có thể làm ngừng hơi thở ra vào? Làm sao có thể làm như vậy được?
- Thưa Đại Vương, Đại Vương có nghe thấy người ngáy trong khi ngủ không?
- Có.
- Và không ngáy nữa khi họ trở mình, có phải không?
- Phải.
- Thưa nếu một người không có tu luyện thân thể, tư tưởng, trí tuệ mà có thể làm ngừng tiếng ngáy bằng cách xoay mình thì một người có tu luyện thân thể, có trau dồi tư tưởng, trí tuệ, chứng đạt cả tứ thiền không làm ngừng được hơi thở sao?
41. Tại sao biển lại gọi là samudda?
- Thưa Đại đức, tại sao biển lại gọi là samudda (63)?
- Thưa là vì trong biển vừa có nước vừa có muối, hai thứ nhiều bằng nhau.
42. Tại sao nước biển lại mặn?
- Thưa Đại đức, tại sao biển chỉ có một vị là vị mặn?
- Thưa bởi vì nước ở lâu trong muối. (64)
43. Chỉ có tuệ giải thích được các pháp
- Thưa Đại đức, một người đạt đủ trí tuệ có thể giải thích được các pháp vi diệu thậm thâm nhất không?
- Thưa được.
- Pháp nào vi diệu nhất?
- Thưa, pháp vi diệu nhất là pháp (giáo lý) của đức Thế Tôn, không phải là pháp thế gian (hiện tượng) (65). Và chỉ có Tuệ mới giải thích được, ngoài ra không có gì làm nổi.
44. Thức, Tuệ, Linh hồn
- Thưa Đại đức, những pháp mà ta gọi là Thức, là Tuệ, là Linh hồn, thật ra chúng có khác nhau không hay đó chỉ là một cách phân biệt thôi?
- Thưa, Thức có đặc tính là "hiểu biết", Tuệ là "xét xử", còn Linh hồn thì không có.
- Nếu linh hồn không có thì làm sao nhìn được hình sắc bằng mắt, nghe được tiếng bằng tai, v.v. . .?
- Thưa, nếu linh hồn nhìn được hình sắc bằng mắt, nghe tiếng động bằng tai v.v. . , và nếu ta hủy cái "cửa" mắt đi, linh hồn có thể nhìn ra ngoài thấy hình sắc một cách rộng rãi hơn không? – Không được! Vậy linh hồn không có. (66)
45. Đức Phật phân biệt được các pháp.
Thầy tăng nói:
- Đức Thế Tôn đã làm một việc vô cùng khó khăn.
- Việc gì?
- Thưa việc khó khăn mà đức Thế Tôn đã làm là phân biệt được các pháp vô vi trong các căn: xúc, thụ, tưởng, ý và tâm.
- Dẫn cho trẫm một thí dụ.
- Thưa, nếu có một người từ trên thuyền nhảy xuống biển, vúc nước vào trong lòng bàn tay rồi nếm, ông ta có thể phân biệt được đó là nước của sông Hằng, sông Yamuna, sông Acīravatī, sông Sarabhū hay sông Mahī đổ ra không?
- Việc này thật rất khó. Không thể làm được.
- Thưa thế mà đức Thế Tôn đã làm được việc khó khăn là phân biệt các pháp.
- Thật đáng phục! Nhà vua công nhận
46. Chung kết
Thầy tăng nói:
- Thưa Đại Vương, Đại Vương có biết bây giờ là mấy giờ rồi không .
- Bây giờ canh một đã qua, ta đang ở trong canh hai. Đuốc đã thắp, bốn phướn đã treo và các tặng phẩm ở trong kho cũng sắp tới.
Các cận thần nói:
- Đại Vương thật là lanh lợi và thầy tăng thật là tài giỏi.
- Đúng vậy, Đại đức thật là uyên bác. Ở đâu có một pháp sư như Đại đức và một đệ tử như ta, chắc sẽ không mất nhiều thời giờ để học đạo.
**********
Hài lòng về những giải thích của Na-tiên, vua thưởng cho đại đức một tấm vải len đáng giá trăm nghìn tiền (kāhāpaṇa) và nói:
- Thưa Đại đức Na-tiên, bắt đầu từ hôm nay, trẫm xin cấp cho Đại đức mỗi ngày tám trăm bữa cơm và Đại đức có thể chọn lựa trong hoàng cung tất cả những gì mà Đại đức muốn.
- Xin đa tạ Đại Vương, bần tăng đã có đủ để sống rồi.
- Trẫm biết vậy, nhưng vì Đại đức, vì trẫm và để tránh miệng thế gian. Tránh người đời nói là đại đức Na-tiên đã làm hài lòng vua Milinđa mà chả nhận được quà tặng gì hay vua Milinđa được hài lòng mà không rộng rãi.
- Thưa Đại Vương, nếu như vậy, bần tăng xin lĩnh ý.
- Thưa Đại đức, trẫm như là con sư tử bị giam hãm trong cái cũi bằng vàng, chỉ muốn vươn cổ ra ngoài trời khoảng khoát. Tuy là sống trên đời mà trẫm vẫn cảm thấy cô đơn. Nhưng nếu muốn lánh đời đi tu thì chắc trẫm sẽ không sống được bao lâu vì trẫm còn có nhiều thù địch.
**********
Đại đức Na-tiên, sau khi trả lời xong những câu hỏi cho vua Milinđa, đứng dậy cáo từ xin trở về chùa. Sau khi thầy tăng ra về, vua Milinđa tự hỏi: "Ta đã hỏi thầy tăng những gì và thầy tăng đã trả lời những gì?". Rồi vua nghĩ là "Ta đã hỏi tất cả và thầy tăng đã trả lời tất cả". Về phần Na-tiên, khi tới chùa cũng tự hỏi "Vua Milinđa đã hỏi ta những gì và ta đã trả lời những gì?". Rồi tự nói "Vua Milinđa đã hỏi ta tất cả và ta đã trả lời tất cả".
Sáng hôm sau, Na-tiên mặc áo cầm bát trở lại hoàng cung, vào ngồi chỗ đã dành trước. Vua Milinđa tới chào hỏi rồi ngồi xuống bên cạnh và nói "Đại đức đừng nghĩ là đêm qua trẫm không ngủ được vì hài lòng là đã chất vấn được đại đức Na-tiên. Không! Đêm hôm qua trẫm nghĩ " Ta đã hỏi những gì và đại đức đã trả lời những gì? Ta đã hỏi tất cả và đại đức đã trả lời tất cả". Thầy tăng cũng nói với vua:" Thưa Hoàng Thượng đừng nghĩ là đêm hôm qua bần tăng không ngủ vì hài lòng là đã trả lời các câu hỏi của vua Milinđa. Không! Đêm hôm qua bần tăng tự nói "Vua Milinđa đã hỏi ta tất cả và ta đã trả lời tất cả".
Như vậy hai đại nhân tán tụng nhau với những lời lẽ văn hoa.
Chú giải:(57) Hướng về Phật là khởi điểm của thiện căn.
(58) Câu này hỏi lại (Quyển 2, 6)
(59) Xem chú giải (4)
(60) Alasanda, hán dịch A-li-san. Theo Paul Pelliot (Journ. As., 1914, II, 413) thì Alexandre cách Sāgalā hai nghìn do-tuần, khoảng tám vạn lí, không phải hai trăm do-tuần như sách nói.
(61) "Thất giác chi" hay "Thất giác phần" hay "Thất bồ-đề phần" (satta-sambojjhaṅga) là Định(samādhi), Trạch pháp (Dhammavicaya), Tinh tiến (Viriya), Hỷ (Piti), Khinh an (Passadhi), Niệm (Sati), Hành xả (Upekkhā).
(62) Vô ý ở đây có nghĩa là vô minh, ngu dốt.
(63) Samudda: sam = bằng nhau, udda = udaka = nước.
(64) Bản hán, dẫn bởi P. Demiéville, giải thích nước biển có vị mặn là bởi nước chứa chất trong biển từ rất lâu, lại thêm vào đó có các loài cá, loài rùa, sò hến làm cho nước biển thành mặn.
(65) Pháp (dhamma) vừa có nghĩa là giáo lý của đức Phật (doctrine, loi), vừa có nghĩa là các hiện tượng của sự vật (phénomènes des choses)
(66) Câu hỏi lập lại (Quyển 2, 30)
THE END