KHÔNG NÊN TÙY TIỆN HIỆN THẦN THÔNG
Tôn giả Ma Ha Mục Kiền Liên là vị có thần thông đệ nhất. Nhưng đức Thế Tôn đã nhiều lần cảnh cáo ông không được tùy tiện hiển hiện thần thông. Tại sao? Bởi vì không phải ai ai cũng có thần thông. Nếu quý vị hiện thần thông một cách bừa bãi, sẽ làm người thế tục kinh sợ, rồi khiến họ mê thích thần thông, sùng bái thần thông. Thế thì người có thần thông sẽ được cúng dường lớn, còn người không có thần thông chắc là chẳng ai muốn cúng dường. Bởi vậy đức Phật mới không cho đệ tử tùy tiện hiện thần thông, với dụng ý là bảo hộ người tu hành đời sau nầy.
Người tu hành không nên tự khoe khoang về đức hạnh, như nói là mình đã khai ngộ, mình là Tổ Sư hay là Bồ Tát. Đó là đại vọng ngữ, tương lai chết đi sẽ đọa địa ngục bạt thiệt cắt lưỡi. Đây tuyệt hẳn không phải là những lời hý luận giỡn chơi. Chỉ những hạng người vô tri, vô thức mới có thứ hành vi tự mãn như thế. Ví như người nào đó thật sự giàu có, họ tuyệt đối sẽ không nói với người khác rằng: “Các anh có biết không? Tôi có bấy nhiêu hột xoàn, bấy nhiêu ngọc quý nè. Tất cả tài sản bảo vật của toàn thế giới, nếu so ra cũng không nhiều bằng của tôi đâu.” Nếu quý vị tuyên truyền như thế, tức làm mục tiêu cho bọn trộm cướp, chúng nhất định sẽ chú ý đến quý vị và tìm cách cướp đoạt châu báu đó.
Tu đạo cũng tương tự như thế, không nên nói với người khác rằng: “Tôi có thần thông. Tôi có thể nghe Phật và Bồ Tát nói chuyện. Tôi có thể thấy Phật, Bồ Tát hiện ra trước mặt.” Hoặc giả có như thế, tức là tạo cơ hội cho Ma Vương thừa dịp nhập vào hợp tác với quý vị, chỉ huy quý vị để làm quyến thuộc của nó. Bất luận gặp cảnh giới nào, người tu hành cũng nên nhận rõ cảnh giới, chớ để cảnh giới xoay chuyển và nên dùng định lực để chuyển cảnh giới. Không nên hồ đồ, nói năng bừa bãi là mình chứng được thần thông gì, thấy được cảnh giới chi. Quý vị nên hiểu đó là do ma tác quái, nó khiến quý vị mất đạo tâm mà phát cuồng. Đó chính là hiện tượng bị “tẩu hỏa nhập ma,” chứ không phải là cảnh giới thật. Trong kinh Lăng Nghiêm có nói rất rõ về năm mươi loại ấm ma.
Tôi hy vọng mọi người nên triệt để nghiên cứu thấu đáo để khỏi bị nhầm lẫn. Nếu không thì sau nầy có hối hận cũng không kịp. Người tham thiền không nên chấp vào cảnh giới, gọi là: “Phật đến thì chém Phật, ma đến thì chém ma.” Bất luận ai đến, mình cũng chém hết. Đó là không chấp tất cả các pháp hữu vi, không chấp tất cả các hình tướng. Người tu hành nên chuyên cần nhất tâm dụng công, nếu được vậy thì còn thời gian đâu để lo những chuyện tào lao. Hơn nữa cũng không nên cống cao ngã mạn, mà cũng đừng tham danh, tham lợi. Nếu như quý vị có thứ tư tưởng và hành vi như thế, tức quý vị bị rơi vào cảnh giới của ma rồi. Người tu hành dù ở trong hoàn cảnh nào cũng không nên tự mãn, không được kiêu ngạo, hoặc nghĩ mình là nổi bậc, phi thường. Hãy cẩn thận, không nên sai lầm về nhân quả. Nếu không, chúng ta không tưởng tượng nổi hậu quả sẽ như thế nào.
Người tu hành chủ yếu là tu giới thanh tịnh, tức là ba nghiệp thân, khẩu, ý đều nên thanh tịnh. Người có thần thông, tuyệt đối không được nói là mình có thần thông; hà huống mình vốn không có thần thông mà nói bừa nói láo, há đó không phải là tạo nhân để đọa địa ngục sao? Điều đó quả thật là đáng sợ! Ai mà khẩu nghiệp không thanh tịnh thì chịu tội cắt lưỡi ở địa ngục. Vậy chúng ta chớ nên liều lĩnh. Thời khắc nào cũng phải tự quản chế mình, không nên buông thả hay nói năng bừa bãi. Nếu chúng ta trồng nhân không thanh tịnh, tương lai chúng ta nhất định sẽ gặt quả không thanh tịnh.
LỜI PHẬT DẠY
“Ta quyết không bao giờ chỉ dạy tỳ kheo tu tập niệm ra thần túc thông. Ta chỉ dạy cho các đệ tử nên ở chỗ thanh vắng, yên lặng tư duy về đạo lý. Nếu có công đức nào thì tự che dấu, nhưng có lỗi lầm nào thì phải tự mình bày tỏ sám hối”.
Chú giải:
Lời dạy trên đây của Đức Phật đã xác định đạo Phật là một tôn giáo dạy đạo đức, chứ không phải là một tôn giáo dạy thần thông, mang đầy tính chất huyền bí ảo giác, trừu tượng, mê tín, thần thông, pháp thuật như một số hệ phái mà từ lâu người ta đã nghĩ. Do nghĩ sai về Phật giáo quá nhiều nên người ta xây dựng Phật giáo thành một tôn giáo kỳ quái. Theo một số kinh sách, mỗi khi đức Phật đăng đàn thuyết pháp thì nhập vào tam muội phóng hào quang rực rỡ đủ màu sắc, rồi hiện Phật hóa thân từ trên trời bay xuống.
Những lời dạy giàu tưởng tượng như vậy không đúng là lời Phật dạy. Vì bài kinh trên đây đã xác định điều đó. Phải không các bạn?
Chúng tôi xin lập lại lời dạy trên đây của Phật, để xác định cho các bạn thấy rằng: Phật giáo thiết thực, cụ thể, không có dạy những điều mê tín, mơ hồ, trừu tượng… mà lời nói của Ngài rất quả quyết và nhất định không có dạy Thần Thông. Cho nên, các bạn đến với Đạo Phật là đến với nền đạo đức nhân bản – nhân quả: “Ta quyết không bao giờ chỉ dạy tỳ kheo tu tập niệm ra thần túc thông”.
Ta chỉ dạy cho các đệ tử nên ở chỗ thanh vắng, yên lặng tư duy về đạo lý. Nếu có công đức nào thì tự che dấu, nhưng có lỗi lầm nào thì phải tự mình bày tỏ sám hối”.
Thưa các bạn! các bạn có nghe chăng lời khuyên dạy này: “Nên ở chỗ thanh vắng tư duy về đạo lý” Nên ở chỗ thanh vắng tư duy về đạo lý là ý đức Phật muốn chỉ dạy chúng ta tu tập pháp môn nào”?
Câu trên đây đức Phật dạy chún ta tu tập ĐỊNH VÔ LẬU . ĐỊNH VÔ LẬU tức là sự tư duy về đạo lý. Do người nào biết tu tập ĐVL thì cuộc sống ở thế gian chính là Thiên đàng, Cực lạc…
Câu kế đức Phật dạy:” Nếu có công đức nào thì tự che dấu, nhưng có lỗi lầm nào thì phải tự mình bày tỏ sám hối.” Lời dạy này quá tuyệt vời. Khi tu tập có kết quả thì không được nói ra, vì nói ra là do tâm ngã mạn. Tâm ngã mạn, khiến cho sự tu hành càng thêm dục. Thay vì ly dục, ly ác pháp, diệt ngã, xả tâm thì lại nuôi lớn bản ngã và dục. Tu hành khi có công đức nào thì chỉ có trình cho vị thầy hướng dẫn mình để Người xác định những công đức đó đúng hay sai, ngõ hầu tránh sự tu sai cho mình.
Còn thấy mình tu tập có lỗi lầm nào, thì phải tự mình bày tỏ sám hối với vị thầy để Người khuyến cáo và sách tấn giúp mình có nghị lực khắc phục những ác pháp ấy cho bằng được. Nhờ đó con đường tu tập mỗi ngày tiến về phía trước hơn.