I.- CÕI TRẦN
Khoa học chỉ biết có cõi nầy và biết một phần thôi. Trong bảy cảnh của cõi nầy, khoa học chỉ biết có ba cảnh thấp, và bốn cảnh trên – các cảnh dĩ thái – thì chưa biết được. Nếu chúng ta lên đến cảnh hạ nguyên tử, chúng ta sẽ biết được cái đơn vị căn bản của tất cả sự vật : nguyên tử căn bản hồng trần.
Bốn loài tạo vật [1] của cõi nầy đánh dấu cái giai đoạn tiến hóa quan trọng, trong đó các sắc tướng trở nên một ngày một mềm dẻo, dễ uốn nắn hầu sự sống có thể biểu lộ nhiều hơn và dễ hơn.
II.- THỂ XÁC
Thể xác gồm hai phần :
1/ thể xác nặng nề, thô kệch gồm các chất của ba cảnh thấp.
2/ thể phách gồm các chất của ba cảnh cao.
A/ THỂ XÁC THÔ NẶNG.
Thể xác hoạt động và thâu nhận các kích động bên ngoài hầu chuyển cho con người bên trong để lọc ra sự hiểu biết. Thần kinh hệ là cơ quan liên lạc giữa tâm thức và thể xác. Thần kinh hệ gồm hai phần, một phần thuộc quan năng ý thức, một phần thuộc quan năng vô ý thức.
Hệ thần kinh giao cảm.
Nó điều khiển cả quan năng liên hệ đến sự sống hằng ngày (ví dụ tim đập). Trước kia, chính ý chí chủ trị nó, nhưng ngày nay nó trở nên tự động. Người ta có thể đặt nó trở lại dưới sự chủ trị của ý chí nhưng điều nầy không tốt.
Nó chiếm ưu thế ở thân thể phụ nữ và liên quan nhiều hơn với cõi Trung giới nơi phát xuất nó. Chính do sự liên quan nầy mà người đàn bà đa cảm hơn đàn ông.
Hệ thần kinh não tủy.
Hệ thần kinh nầy do ý chí chủ trị. Nó là cơ quan của giác thức (conscience de veille) mà trung tâm là khối óc. Khối óc không tạo tư tưởng. Nó là cơ quan, là dụng cụ vật chất của thể trí để thể nầy biểu hiện ở cõi trần (và biểu hiện một phần nhỏ mà thôi). Người ta có thể so sánh nó như cây dương cầm và thể trí như người đánh đàn.
Nó chiếm ưu thế ở thân thể người đàn ông và liên quan nhiều hơn với cõi Thượng giới nơi phát xuất nó.
Tinh luyện.
Thể xác thay đổi luôn. Mỗi phần tử là một sự sống thu hút bởi sự hòa hợp và sa thải bởi sự bất hòa. Muốn được thanh khiết, thể xác cần được dinh dưỡng bằng những thức ăn tinh khiết.
Trước tiên, cần tránh những thức ăn nặng trược có những rung động thô kịch như thịt, rượu, thuốc lá. Những phần tử ô trược của một thân thể được dinh dưỡng một cách thanh khiết sẽ tự đào thải trong một thời gian bảy năm khiến thân thể được đổi mới. Sự dùng các thực phẩm thanh khiết sẽ gia tăng số vi sinh vật (microorganisme), nhờ đó thân thể diệt trừ được mọi yếu tố ô trược chực xâm nhập thể xác. Sau cùng, ý chí của con người còn phát ra từ điện để xua đuổi các ảnh hưởng ô trược của hoàn cảnh.
Sự tự động của thân thể còn giúp vào sự tinh luyện nầy. Muốn đạt kết quả một cách nhanh chóng, các ham muốn cần phải được diệt trừ trước hết.
Nếu chúng ta muốn kiểm chứng giáo lý Thông Thiên Học, chúng ta cần có một thể xác vừa tinh khiết, vừa thăng bằng, vừa mẫn cảm để nhận thêm những rung động bổ túc mà không gây xáo trộn cho thần kinh. Người có huệ nhãn chẳng qua là một người nhận được các rung động hoặc một phần rung động mà phần đông nhân loại chưa nhận được.
Những phương pháp Yoga ở Đông Phương , dưới sự dìu dắt của một thánh sư, có thể đem lại những kết quả mong muốn mà không gây tai hại cho người học tập. Không có một ông thầy đủ khả năng, người tập có thể bị loạn trí.
B/ THỂ PHÁCH.
Nó được tạo thành bởi các vật liệu thuộc bốn cảnh dĩ thái. Nó thâm nhập xác thân và có một hình dáng in hệt xác thân (nhị xác thân). Nó thanh khiết hay thô kịch là tùy xác thân. Người có huệ nhãn thấy nó màu xanh tím hay xanh dợt.
Prâna.
Thể phách biến đổi sinh lực của vũ trụ (jiva) phát sanh từ mặt trời để cho xác thân sử dụng. Sinh lực được biến đổi, đó là prâna nuôi sống vạn vật. Prâna chạy dài theo các dây thần kinh và liên kết thể xác với các thể trên và với tâm thức. Thể phách giữ một vai trò liên lạc, một chiếc cầu giữa tâm thức và thể xác. Nó là môi trường của sinh lực chứ không phải của tâm thức trong trạng thái bình thường.
Hào quang của sức khỏe.
Ấy là phần của thể phách vượt khỏi xác thân lối vài phân. Nó gồm những tia sáng phóng ngay ra khi sức khỏe dồi dào (vì thể phách thu hút nhiều sinh lực nên phần thặng dư thoát ra) hay buông thỏng xuống khi sinh lực, nghĩa là sức khỏe, bị giảm sút.
C/ CÁC HIỆN TƯỢNG LIÊN HỆ ĐẾN THỂ XÁC.
Theo lệ thường, thể xác thô kịch và thể phách không bao giờ lìa xa nhau trừ trường hợp chết. Tuy nhiên, sự tách rời phần nào có thể xảy ra khi sức khỏe kém, thần kinh bị kích thích hay bởi thuốc mê.
Đồng cốt.
Sự tách rời nầy thường xảy ra ở đồng cốt. Thể phách dường như bị xé ra làm đôi khiến đồng tử bị mệt nhọc hay bị hỗn loạn tâm thần có thể đưa đến sự chết (thể phách tách hẳn ra).
Chúng tôi nghĩ không một người thông minh nào mà chịu làm đồng cốt.
Giác thức.
Đó là tâm thức của con người trong lúc thức. Dụng cụ của nó là khối óc. Thể xác (cùng khối óc) là môi trường giúp tâm thức biểu hiện. Tuy nhiên, con người không phải là thể xác mà là Chủ của thể xác, mặc dù vì vô minh y tưởng mình là thể xác và trở thành tôi đòi của nó thay vì làm chủ nó.
Chúng ta cũng nên lưu ý rằng nếu thể xác là phương tiện biểu hiện của tâm thức, nó cũng là một giới hạn nghĩa là một sự bảo vệ (rất quí báu đối với con người trong mức tiến hiện tại) đối với ảnh hưởng và rung động mà con người chưa cảm xúc được.
Giấc ngủ và giấc mộng.
Tuy trong lúc ngủ, “Chủ nhân của thể xác” rời bỏ nó trên giường để cho nó thu hồi sức lực và sang qua cõi Trung giới, nơi đây y thức tỉnh ít hay nhiều.
Trong lúc đó, các luồng tư tưởng chung quanh xâm nhập khối óc vật chất và dĩ thái, đồng thời các rung động nhận được lúc thức cũng tự động tái diễn xen lẫn với một ít cảm xúc của cõi Trung giới : tất cả các điều nầy tạo nên giấc mộng rời rạc, hỗn độn mà chúng ta đều biết.
Sự chết.
Trong hiện tượng chết, “Chủ nhân của thể xác” lìa bỏ thể xác và dẫn theo thể phách. Sợi dây nối liền thể xác và thể phách bị đứt và tạo ra sự chết.
Sau đó, “Chủ nhân” cũng thoát ra khỏi thể phách và bỏ nó ở mồ người chết. Nó lần lần tan rã theo thể xác. Cảnh tượng không tốt đẹp gì đối với một người có nhãn thông.
Tái sanh.
Đến lúc tái sanh, thể phách được tạo ra trước. Thân thể của đứa bé phát triển dần dần theo thể phách và trở thành những giới hạn mới cho linh hồn trong một kiếp sống mới.
HUYHOANG TITC