Duyên lành được sự chấp thuận của Tổ Thầy, chúng tôi xin chia sẻ về dòng tu Chân ngôn Pháp Hệ Bhrum tự. Trước khi đi vào vấn đề chính, mời quý bạn đạo xem qua sơ lược sự hình thành của mật tông Nhật Bản và Việt Nam.
MẬT TÔNG TẠI NHẬT BẢN:
Mật tông dòng Chân Ngôn thừa du nhập vào Nhật Bản vào khoảng cuối thế kỷ 8 đầu thế kỷ 9 bởi hai vị:
Truyền giáo Đại Sư hay Tối Trừng (Dengyodaishi 767-823) là sơ tổ của Thai Mật.
Hoằng Pháp: Đại Sư Không Hải (. 空海,), sư đã đi sang Trung Quốc tầm sư học đạo và làm môn đệ của Đại sư Huệ Quả, một môn đệ của Bất Không. Sau khi về nước và lập ra trường phái Chân ngôn tông rất hưng thịnh và là một trong những tông phái quan trọng của nền Phật giáo Nhật Bản.
Chân ngôn tông (: 真言宗,), là dạng Mật tông tại Nhật Bản, do Đại sư Không Hải (774-835) sáng lập. Sư tu học Mật tông tại Trung Quốc và chuyên học về Chân ngôn (chân ngôn, chân âm, thần chú). Đặc biệt tông này rất quan tâm đến "ba bí mật" (Thân, khẩu, ý), đó là ba phương tiện để mỗi người đạt được Phật quả.
Bí mật của Thân được bày tỏ qua các thủ ấn, trong các tư thế thiền định và trong cách sử dụng các pháp khí như Kim cương chử hay hoa sen. Các điều đó được xem có liên hệ cụ thể với một vị Phật hay Bồ Tát.
Bí mật của Khẩu được diễn tả trong Chân ngôn và Đà-la-ni.
Bí mật của Ý dựa trên "năm trí" và thông qua năm trí đó hành giả tiếp cận với Chân như.
Chân ngôn tông tôn xưng Phật Đại Nhật ( vairocana), chính là Pháp thân vô tận, là vị Phật nguyên thủy tuyệt đối, và chỉ người được quán đỉnh mới được tu tập theo tông này, việc hành trì nắm giữ Chủng tử, Chân ngôn và các Man đa la đóng một vai trò quan trọng trong tông này.
Hai Mạn đa la quan trọng nhất của Chân ngôn tông là Thai tạng giới Mạn đa la ( garbhadhātu-maṇḍala) và Kim cương giới Mạn đa la ( vajradhātu-maṇḍala), trình bày Phật Đại Nhật và các vị Phật khác.
MẬT TÔNG TẠI VIỆT NAM
Mật tông vốn truyền vào Việt Nam từ khá sớm. Theo Thiền uyển tập anh, vào thế kỷ thứ VI, Tỳ Ni Đa Lưu Chi, người Ấn Độ, đã đến Việt Nam và dịch kinh Đại thừa phương quảng tổng trì tại chùa Pháp Vân. Đây là một bộ kinh của Mật giáo, và liên hệ rất nhiều đến Thiền. Vào thời Đinh và Tiền Lê, Mật tông đã khá thịnh hành tại Việt Nam. Những trụ đá được phát hiện tại Hoa Lư, Ninh Bình vào các năm 1963, 1964, 1978 - dựng vào năm 973, thời Đinh; có trụ dựng năm 995, thời Lê Đại Hành - đều khắc bản kinh Phật đỉnh Tôn thắng Đà La Ni (Usnisavijaya dharani), một bản kinh rất phổ biến của Mật giáo, đã chứng minh cho điều đó.
Dĩ nhiên Mật tông thịnh hành không chỉ do mỗi ngài Tỳ Ni Đa Lưu Chi, mà còn từ Phật giáo Chiêm Thành, từ Trung Quốc , từ những Tăng sĩ ngoại quốc và những vị sư Việt Nam thọ học từ Ấn Độ đưa vào Việt nam theo nhiều ngả.
Cũng như các tu sỹ lấy kinh Hoa nghiêm làm nền móng căn bản nghiên cứu tu trì hình thành nên tông Hoa nghiêm , tông Pháp hoa lấy kinh Pháp hoa làm nền móng căn bản nghiên cứu tu trì hình thành nên tông Pháp Hoa trong lòng Đại thừa,thì trong dòng tu Chân ngôn thừa thuộc Đông mật , những hành giả lấy pháp tu Bhrum tự làm pháp tu căn bản hình thành nên pháp hệ Bhrum Tự.
PHÁP HỆ BHRUM- DÒNG PHÁP ĐẠI NHẬT- ĐÔNG MẬT
Pháp hệ Bhrum tự- thuộc Đông Mật hay còn gọi Cổ Mật thuộc Chân Ngôn Thừa ,tu học trên tinh thần của Đại thừa giáo lấy Bồ-tát hạnh làm tiêu chí.
Đức Phật dạy rằng, tất cả các pháp môn Ngài dạy đều là phương tiện để đưa đến Nhất thừa (Phật quả)và chính đó mới là mục đích cứu cánh, là tinh thần, là hoài bão của Phật vậy.
Đức Phật Thích Ca đản sinh tại vườn Lâm-tỳ-ni, thành Đạo nơi cội Bồ đề và trải qua 45 năm giáo hóa rồi thị tịch tại rừng Sa-la song thọ. Đức Phật đó là đức Phật ứng hóa thân theo quan điểm Đại thừa và Mật thừa, vì muốn đem giáo pháp huyền vi dạy cho chúng sanh cho nên Phật mới thị hiện ra đời. Hóa thân thị hiện đó là phương tiện. Chỉ có Pháp thân và pháp Nhất thừa mới là chân thật.
Sau đây là một số giáo lý cơ bản của pháp hệ Bhrum Tự, có một số điểm chung và khác biệt so với nét chung của mật thừa.
Những hành giả tu theo pháp Bhrum tự, trong ba bộ Phật bộ , Liên Hoa bộ, Kim cang bộ thì họ thuộc về bộ Liên Hoa,nên trong pháp danh đều có chữ Liên Hoa đứng đầu( Liên Hoa trong Bodhisattva- Liên Hoa bộ:Trong tâm của chúng sinh có lý bản hữu tịnh, Bồ đề thanh tịnh, ở sáu nẻo sinh tử nhiễm ô của chúng sinh mà vẫn không nhiễm, không bẩn, do đó được ví như hoa sen sinh ra từ bùn lầy mà không nhiễm nhơ bẩn. ( Liên chủng ô đàm khí dũ hương -Sen nở trong bùn vẫn ngát hương) nên gọi là Liên hoa bộ ) pháp tu Bhrum tự là pháp xương sống chủ đạo, mà Bhrum lại là chủng tử của đức Đại Nhật , nên pháp hệ này cũng được gọi là PHÁP HỆ ĐẠI NHẬT- DÒNG PHÁP NHẤT TỰ KIM LUÂN- BHRŪṂ TỰ
Cũng như các tông phái khác trong Phật giáo, sự tu hành của dòng mật Bhrum tự gồm có hai phương diện: Sự và Lý. Nói theo danh từ của Mật tông là Giáo lý và Sự tướng, Hiển Mật viên thông .
“Sự tướng” là tất cả những thực hành như tụng chú, kết ấn, cúng dường, lập đàn v.v…Tất cả những thực hành ấy phải theo đúng khuôn phép nhất định, chứ không thể dùng ý riêng mà làm một mình kiểu riêng được.
“Giáo lý” là tất cả những nghĩa lý sâu xa mầu nhiệm mà chư Phật và Bồ tát đã rút ra trong sự tướng để chỉ dạy chúng ta.
Người tu hành phải học tập và thực hành cả hai phương diện ấy, không được thiên bỏ bên nào. Không học Giáo lý thời không lãnh hội được ý nghĩa của sự tướng để làm cho đúng.
Không học Sự tướng thì hết thảy đều là nói suông. Sự tướng thì phải được Quán đảnh sư của dòng pháp truyền cho mới biết được phương pháp tu hành.
HỌC MẬT TÔNG PHÁP HỆ BHRUM TỰ PHẢI CÓ SỰ TRUYỀN THỪA.
Tại sao tu lại phải cần đến sự truyền thừa quán đảnh? Các dòng Mật tông đều được truyền thừa từ Ngài Đại Nhật, trong dòng Bhrum tự, đức Ngài Vajra Pani hiện thân Kim cang -sứ giả của Ngài Đại Nhật trong thân Vô vi để truyền pháp Bhrum tự cho A xà lê, vị giáo thọ sư hữu hình và vị này nối tiếp truyền thừa pháp tu thông qua hình thức quán đảnh và hướng dẫn hành trì.Ngày nay Vị A xà lê trong pháp hệ Bhrum thực hiện quán đảnh cho người thọ Pháp thông qua ba hiện tượng:
Một là truyền Pháp Thân Phật, đại biểu là Bhrum dòng Đại Nhật Như Lai
Hai là Ngữ Âm Phật, đại biểu là âm thanh chân ngôn
Ba là truyền Ứng hóa thân Phật, đại biểu bởi Ấn khế.
Mật giáo (hay chân ngôn tông) gọi sự quán đảnh trên là Tam mật truyền thừa, hay là Tâm truyền tâm, Ấn truyền ấn. Khi thọ pháp, hạt giống Phật Bhrum được cấy vào tạng thức của đệ tử. Hạt giống Bồ Đề Bhrum được truyền cho đệ tử là chủng vô lậu, không chỉ tồn tại riêng trong kiếp này, mà hạt giống ấy theo hành giả qua vô lượng kiếp.
Chúng ta tu học trong dòng pháp Mật nào cũng cần có sự gia trì của Hải Hội Phật Bồ tát và chư Long thần hộ pháp của pháp hệ được đại diện bằng hệ thống Mandala của dòng pháp đó. Khi vị thầy Vô hình thông qua thầy Hữu hình truyền mạng mạch gọi là truyền Chủng và truyền tâm lực, mật lực, nguồn lực của hệ thống dòng pháp qua Mandala xuống cho đệ tử để tiếp dòng lực đó tu học trong sự gia hộ của Mandala Bhrum tự là Hải Hội Chư Phật đồng thể tánh, đồng thể pháp, đồng thể bi, đồng thể Báo thân .
Mạndala là hệ thống thành lập có thứ lớp ban bệ rất hoàn chỉnh hội tụ tất cả các pháp lành, tất cả mười phương chư Phật gọi là Liên hoa thai tạng giới và Kim cang giới.
Tất cả Chư Phật đều có báo thân là thân kim sắc, Bhrum là đại biểu cho cả thảy Chư Phật, cả thảy báo thân Như Lai, đại biểu qua ba thân Pháp thân, Báo thân và Ứng Hóa thân đối với mật giáo là Om Ắh Hùm
OM AH HUM- TAM THÂN PHẬT
OM là biểu tượng của pháp thân Như lai, là thân kim cang, thân chân thường (không sanh, không diệt), trùm khắp Pháp giới hiện tượng.
ẮH là biểu tượng của trí huệ (Bát nhã), có trí huệ hay huệ nhãn mới thấy pháp thân Phật.
HÙM tượng trưng cho giải thoát hay bất nhiễm, là Như lai thần lực.
Mỗi một pháp trong ba pháp ấy nếu đứng riêng ra thì không gọi là Niết Bàn, Như Lai an trụ ba pháp ấy mới vì chúng sanh mà phương tiện gọi là nhập Niết bàn, Kinh Mạt Pháp trung Nhất Tự Tâm Chú có đề cập đến đức Thích ca khi nhập Niết bàn thì đức Ngài chuyển hóa thân kim sắc thành thần chú Bhrum- Đại Phật Đỉnh Nhất Tự Kim Luân, hỗ trợ những chúng sinh nào hướng về con đường tu Mật pháp
Chư tôn trong Mandala Kim cang giới chia ra làm năm bộ: Phật bộ, Liên Hoa bộ, Kim Cương bộ, Bảo bộ (Bảo bộ thuộc Chư Thiên bộ) và Karame bộ.
Chư tôn trong mandala Thai tạng giới chia ra làm ba bộ Phật bộ, Liên hoa bộ và Kim cang bộ và Kim cương ngoại bộ viện, pháp hệ Bhrum tự tuy tu đủ pháp của cả ba bộ nhưng trọng tâm nằm trong Liên Hoa bộ đi theo con đường Bồ tát đạo. Trong Bồ tát đạo có dùng cả Bảo bộ và Karame bộ ( các bộ này thuộc Ngoại Kim cương bộ viện trong Thai tạng giới )
Chân Ngôn tông là Tâm của Mười Phương Chư Phật, Chư đại Bồ Tát, người tu tiếp nhận Chân ngôn vì tin Phật nói : “Tâm Phật chúng sinh tam vô sai biệt”, tức là Tâm của chúng sinh cũng có phẩm tính giác ngộ nên hành giả hội đủ năng lực trụ tâm trong chân ngôn để tu tập thành tựu gọi là dung thông đồng nhất thể.Trong năng lực của chân ngôn có năng lực giải thoát nên được hiểu là Như Lai Thần Lực, năng lực dứt trừ lậu hoặc, có năng lực kim cang bất nhiễm cho nên thành tựu về cả mặt tâm và mặt tướng. Người mật tông đặc biệt lưu ý túc số hành trì, khổ công tu luyện thì mới có thành tựu, chính vì vậy người tu mật tông có sở đắc là có cái lý của nó ở chỗ đấy, là thành tựu cả về tâm lẫn tướng cho nên mật tông là Tu Chứng Liễu Nghĩa.
Con đường hành trì Mật tông Bhrum tự chia làm bốn cấp độ niệm lực : Lôi Âm, Hải Triều Âm, Diệu Âm hoặc gọi là Pháp Âm, Thắng Giải Thế Gian Âm, thông qua các cấp độ niệm lực này , tâm hành giả tương ưng dung thông với Mật lực của chư Phật Bồ tát gia trì thì mới thấy biết được như thật. Mật lực đó gọi là trí hạnh lực – thấy biết và dung thông- thì nó đồng với pháp giới. Bốn cấp độ Mật chú tu trong pháp hệ Bhrum được truyền qua ba ngữ âm là: Kim cang ngữ, Như lai ngữ và một hệ thống ngữ âm nữa gọi là hệ thống chư thiên Sắc giới- tức là Phạm âm, ba hệ thống âm thanh. Chính vì vậy khi đi sâu vào hành trì pháp Bhrum tự , thì thầy Vô vi sẽ thông qua thầy hữu hình dạy cho những hàng đệ tử thượng căn đã có nhiều đời kiếp có đại tâm hướng về Vô thượng Bồ đề mới đủ năng lực tiếp nhận chứ rất khó truyền thụ cho người căn cơ thấp và phàm phu.
Tu Bhrum tự là pháp môn tu trở về Chân tâm. Trong pháp tu này có âm thanh (Chân ngôn) và sắc tướng( Quán ). Âm thanh này người tu Mật giáo gọi là tiếng nói chân thật hay còn gọi là Như Lai ngữ và Kim cang ngữ hoặc gọi chung là Chân ngôn hoặc gọi là Pháp âm .
Đại Nhật Như Lai được biểu thị bằng âm thanh Bhrum và chủng tử Bhrum – là sự thanh tịnh- là Chân Tâm Diệu Hữu. Bhrum là tâm của tất cả chư Phật là tự tại vô ngại là trí huệ phương tiện thiện xảo là vô đẳng đẳng chú của Bát Nhã Tâm Kinh- đấy là Nhất Đại Kim Luân- là đại minh thần chú- vua của tất cả các chú.Trong Tâm có đầy đủ muôn Pháp- là đầy đủ các chủng các chú thì gọi là Pháp Tạng. Pháp tạng là ngữ âm đà la ni gọi là Như Lai ngữ, chú cũng gọi là Như Lai ngữ, gọi là chân ngôn, là pháp âm, pháp tạng đều được.
Vạn pháp quy về Tâm,thể của Tâm là thanh tịnh bất nhị nhưng dụng của Tâm lại năng sanh muôn Pháp. Như vậy thì Bhrum tự là thể thanh tịnh, tức là vô tướng vô tác nhưng khi năng sanh thì là có tướng có tác nên gọi Chân Tâm mà Diệu Hữu. Chư Phật có ba thân, chúng sanh cũng có ba thân vậy thì chúng sanh cũng có Pháp tạng là phương tiện để giúp mình trở về với Phật tánh. Cho nên muốn trở về tâm thì phải nương vào Nhất Tự Kim Luân - Bhrum có nghĩa là con đường nhất thừa đi đến giác ngộ, giải thoát.
Tâm có dụng của tâm, tâm có dụng thì gọi là chân tâm diệu dụng, diệu dụng là Pháp. Trong tâm có pháp tạng, có ba thân như vậy trong Bhrum có Pháp tánh có Phật tánh. Dụng Phật tánh gọi là diệu dụng phương tiện thiện xảo Bồ tát đạo- là trí huệ - là dụng của tâm được ký hiệu là Om Mani Padme Hum Bhrum. Sự diệu dụng ứng hiện tùy duyên theo ngũ phần pháp thân A Văm Ram Hăm Khăm như vậy trí là tâm, dụng là tướng, trí là vô vi là thể, tướng dụng là hữu vi, trí dụng vô vi và hữu vi ứng hiện, gọi là Ứng hóa thân. Ứng hóa thân ở trên trí dụng kết hợp ngũ phần pháp thân,hay chú Chuẩn Đề,Chú Mã Đầu,Chú Dược sư,Công Đức thiên, Bảo tạng..vv... ứng dụng nhập thế là diệu dụng phương tiện thiện xảo giải thoát tri kiến Phật là con đường của pháp hệ Bhrum tự- dòng pháp Đại Nhật.
Muốn hành Bồ tát đạo thì không thể nói suông mà phải có đạo đức và phải có năng lực chuyển hóa nghiệp thành nguyện có sự thực chứng, phải có nguyện lực đi vào mọi cảnh giới uế độ nương thừa Phật lực hóa độ tiếp dẫn chúng sinh.
Mật giáo là con đường phát triển cuối cùng của Đại thừa Phật giáo , tuy vậy nó ôm trọn cả tam thừa Phật giáo ,nên giáo lý dòng Bhrum tự cũng đều dựa vào các giáo lý căn bản như Tứ Diệu Đế, Bát Chánh Đạo, Thập Nhị Nhân Duyên, Ba Bảy Phẩm Trợ Đạo, các kinh điển Đại thừa thuộc hệ Bát Nhã, Duy thức , kinh Đại Nhật, kinh Kim Cang, kinh Pháp Hoa, kinh Thủ Lăng Nghiêm…cộng thêm sử dụng các phương tiện thiện xảo hành Bồ tát đạo, không thể dục tốc bất đạt./.
Mật Liên Đăng.
Om mani padme humm