Kinh Đại Nhật (Mahavairocana Sutra)
Đại Nhật là bộ kinh quan trọng nhất của Mật Tông. Đại Nhật được dịch từ chữ "Đại Tỳ Lô Giá Na" (Mahavairocana), nguyên nghĩa là "đại giải thoát" hay "đại giác ngộ". Đại Nhật cũng được gọi là "ánh sáng mặt trời". Đây là sự sáng chói do công năng tu hành đạt được. Màn vô minh sẽ bị đẩy lùi, sức sáng trí tuệ lan toả. Toàn bộ kinh hướng về trọng tâm nầy.Kinh điển Nhật Bản gọi là "đạo bồ đề"; Kinh điển Trung Hoa dịch là "đại chứng quả". Những ý niệm nầy có điểm tương đồng về mục đích cuối cùng của tu chứng.
Bộ kinh nầy dày đến 14 cuốn, được phân chia làm 123 chương, đại cương trình bày 2 vấn đề chính: vấn đề lý thuyết (50 chương đầu) và vấn đề thực hành (73 chương). Tuy nhiên hai phần bổ sung cho nhau và vấn đề nghiên cứu phải đi từ đầu.
Những vấn đề căn bản của kinh Đại Nhật:
Nghiên cứu những vấn đề chính trong kinh Đại Nhật, phải đi từng phẩm một. Những phẩm nầy có những liên hệ với nhau. Hành giả phải tiến theo từng bước. Có theo trình tự, mới quán triệt ý nghĩa. Không thể tách từng phần để hiểu ngang và điều nầy là chướng ngại trong học đạo và tu trì.
Những phẩm chính là:- Pháp Tam mật- Chứng ba kiếp- Sáu Vô úy- Đàn pháp Mạn Đà La.
Mỗi phẩm lại còn chia thành nhiều vấn đề nhỏ. Đại Phật Kinh kiến giải bằng mật ngôn, nên gây trở ngại không ít về dịch thuật. Thành thử nhiều tác giả đã hiểu sai lầm hay sơ sót, thiếu nghĩa. Ngài Long Thọ, vị Bồ Tát đã được truyền thụ đầu tiên và nhiếp định kinh nầy đã nhận thức rằng: " Hành giả! Đại Nhật Kinh vốn là vua trong Đại Thừa; trong giáo lý Mật Tông, đây là những lời Tối Mật". Thành thử trong những bản văn nghiên cứu Kinh Đại Nhật ở Trung Hoa và Nhật Bản, vì hiểu được tánh chất của Mật ngôn, thường khởi đầu bằng câu "Có thể hiểu như vầy", để tỏ rõ sự hiểu biết giới hạn về từng câu kinh của Đại Nhật.
Pháp Tam mật:
Tam mật gồm có Thân mật, Ngữ mật và Tâm mật. Phàm người tu hành theo kinh điển nầy phải dùng đến 3 phương tiện tối mật nầy để tạo thanh tịnh cho 3 Nghiệp là Thân Nghiệp, Khẩu Nghiệp và Ý Nghiệp. Nhờ đến cố gắng để bảo vệ 3 Nghiệp, sẽ nhận được sự gia trì do Tam mật của đức Như Lai. Thành tựu được pháp môn nầy sẽ được đắc quả Giải thoát, Giác Ngộ, không phải trải qua nhiều kiếp sống để tu tập cho đủ các hạnh khác.
Chứng ba kiếp:
Bên cạnh pháp môn Tam mật, Giáo lý về ba kiếp,là phần quan trọng trong bộ Kinh nầy. Trong Kim Cang Thừa, tu Thiền Định có thể vượt qua những vọng chấp, thoát khỏi 160 Tâm và các loại phiền não, tức là vượt qua được A Tăng Kỳ Kiếp thứ nhất. Sau đó hành giả vượt qua vọng chấp vi tế của 160 Tâm: đó là ATăng Kỳ Kiếp thứ 2. Sau cùng, nhờ công năng tu hành, vượt qua được những vọng chấp còn lại, vứt bỏ được 160 Tâm, gạt được phiền não, để đạt được Sở Tâm của Trí Tuệ Phật. Nhờ Thiền định, hành giả có thể đẩy xa các phiền não đen tối, các u ám vây quanh, đạt đến sự sáng suốt của Tâm Bồ Đề.
6 Vô Úy:
gồm có Thiện Vô Úy, Thần Vô Úy, Vô Ngã Vô Úy, Pháp Vô Úy, Pháp Ngã Vô Úy và Nhất Thiết Pháp Tự Tánh Bình Đẳng Vô Úy. Trong Thiện Vô Úy, phải giữ vững Ngũ giới, làm 10 điều lành (Thập Thiện), sẽ tránh được những khổ não trong ba cõi ác (Địa ngục, Ngạ quỷ, Súc sanh). Khi thực hành Thân Vô Úy, thì suy tưởng đến sự dơ bẩn của thân, vứt bỏ hết cái Ngã thường tình, trần tục, không còn chấp trước đến cái ngã của mình nữa.
Thực hành Vô Ngã Vô Úy tức là quán tưởng thân xác của mình là chẳng qua là sự kết hợp của Ngũ Uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành, thức). Thực tập Thiền định để quán tưởng về tự tánh của Tâm, thoát tham, sân, si, tâm không phiền não, thân không kiêu căng, con người vốn chỉ do tứ đại hợp thành. Pháp Vô Úy tức là quán đến ngũ uẩn đều là không, các pháp uẩn đều trống rỗng, các hình tướng đều không có thực. Pháp Vô Ngã Vô Úy là quán về ba cõi do Tâm tạo nên. Ngoài Tâm ta ra, thì không có pháp; khi đó chính Tâm ta cũng rỗng không. Nhờ quán tưởng đến lý vô thường nầy, hành giả sẽ đắc quả Bồ Tát.
Nhờ Thiền định, có thể thấy rõ bản chất của Tâm, đạt được "cái dụng tự tại" của Tâm. Nhất Thiết Pháp Tự Tánh Bình Đẳng Vô Úy giúp ta hiểu rằng: các pháp đều do nhân quả tuần hoàn lưu chuyển mà sanh ra, không hề có tự tánh. Các tánh đều có chung một tự tánh: đó là Không tánh. Phàm những người tu theo hạnh Chơn Ngôn (trì tụng Thần Chú), sẽ đạt được trạng thái thật của Bồ Đề Tâm, vạn vật đều là như huyễn.
Đàn pháp Mạn Đà la trong kinh Đại Nhật
Kinh Đại Nhật còn chỉ rõ những nhận định cần thiết trong việc lập Đàn pháp Mạn Đà La.
Mạn Đà La được thực hiện trong Lễ Quán Đảnh, là hình tượng cao nhất để biểu hiện sự Giác Ngộ, Giải Thoát của chư Phật. Khi thực hiện Mạn Đà La, chỉ có những vị Kim Cang Sư mới đủ khả năng và đạo hạnh để thực hiện. Không thể tùy tiện sáng chế ra Mạn Đà La.Trong lễ Quán Đảnh, dựng Mạn Đà La lên, phải chọn đất và làm lễ Trị Địa (Earth Healing). Lễ Trị Địa nhằm mục đích "thanh tịnh hóa" vùng đất đó trước khi tổ chức Lễ Quán Đảnh. Nhờ vậy, tăng thêm phần uy nghi của cuộc lễ. Sau việc chọn đất là chọn ngày lành. Việc nầy phải lễ kính đến các Địa Thần phù trì.
Như thế việc chọn lấy thời gian và không gian để tổ chức lễ Quán Đảnh, thực hiện đàn pháp Mạn Đà La rất quan trọng. Những vị Đạo sư chủ lễ Quán Đảnh tập trung Thiền định và quán tưởng đến 5 vị Thiền Na Phật (Djinas). Đó là chư vị: Đức Đại Nhật Tỳ Lô Giá Na (Vairocana) ngự ở trung tâm, đức A Súc Bất Động Như Lai (Aksobhya), ngự ở phương Đông, đức Bảo Sanh Nhật Lai (Ratsa Sambhava) ngự ở phương Nam, đức Vô Lượng Quang A Di Đà Như Lai (Amitabha) ngự ở phương Tây và đức Bất Không Thành Tựu (Amoghasidhi) ngự ở phương Bắc.
Trong đàn pháp nầy thường có rất nhiều loại Mạn Đà La khác nhau, như: Đại Mạn Đà La, Tam Muội Gia Mạn Đà La, Pháp Đại Mạn Đà La,Yết Ma Mạn Đà La. Những Mạn Đà La có thể vẽ bằng những hạt cát có nhuộm màu; có loại được vẽ bằng sơn màu. Những giới tử trong buổi lễ thường được vị Kim Cang Sư chủ lễ trao cho sợi chỉ Kim Cang màu đỏ hay màu vàng. Có người được đón nhận lấy cây xỉ mộc hay đóa hoa khô.. Sợi chỉ màu tượng trưng cho 5 vị Thiền Na Phật. Cây xỉ mộc và đoá hoa khô được gieo vào nơi hành lễ của giới tử. Khi cây xỉ mộc hay đoá hoa khô rơi vào 1 trong 5 phương hướng nào, tương ứng với 5 vị Thiền Na Phật kể trên, thì giới tử đó sẽ nhận vị Thiền na Phật đó làm Bổn Tôn. Sau nầy sẽ thờ cúng và trì tụng vị Thiền Na Phật đó.
Buổi lễ Quán Đảnh được kết thúc bằng lễ Hộ Ma. Hộ Ma có nghĩa là giải trừ các chướng ngại, khai mở Trí Tuệ Thậm Thâm.