Y KINH GIẢI NGHĨA - TAM THẾ PHẬT OAN
Trước hết chúng ta tìm hiểu xem Kinh là gì ? Kinh, nói cho đủ là Khế Kinh, có nghĩa là Kinh điển do Ðức Phật dạy tùy theo năng lực, trình độ và hoàn cảnh của đối tượng riêng biệt. Khế có nghĩa là phù hợp, mà thuật ngữ Phật học gọi là Khế Lý tức phù hợp với chân lý và Khế Cơ, tức phù hợp với khả năng, trình độ và hoàn cảnh của mỗi người.
Và mục tiêu của Kinh có thể ví như là tấm bản đồ dẫn dắt chúng sinh đi ra khỏi những phiền não khổ đau, hướng đến một đời sống hoà bình an lạc trong hiện tại và xa hơn nữa là thoát khỏi tam giới đến Niết Bàn vô thượng. Nhưng vì chúng sinh khác biệt về tâm tính, về trình độ nên cũng có nhiều Kinh (sự chỉ dẫn) khác nhau, tức nhiều pháp phương tiện khác nhau. Đức Phật là một vị đại lương y, trước khi Ngài diễn nói, Ngài quán sát thính chúng, biết căn cơ của người nghe pháp để đưa ra những giáo pháp thích hợp nhằm chữa cho họ hết tâm bệnh. Mỗi lời giáo huấn của Ngài đều nhắm vào một mục đích nào đó, dành cho một đối tượng thính chúng nào đó và ở một quốc độ hay thời gian nào đó, để tháo gỡ cái kẹt cho họ. Và vì tâm vọng tưởng của chúng sinh luôn luôn dính mắc vào các pháp “Có – Không” nơi thế giới hiện tượng tức thế giới tục đế, nên Ðức Phật thấy thật là khó nói về cái mà Ngài đã chứng ngộ, chẳng hạn như nói về Phật tính, chân tâm, vốn không hình tướng, không số lượng. Nếu nói chúng sinh có Phật tính là chấp trước, nói không có Phật tính là hư vọng, nói Phật tính cũng có cũng không là nói trái ngược nhau, nói Phật tính chẳng có chẳng không là hý luận. Nên Phật mới dùng các pháp thế gian phương tiện, “ Biết họ gánh trăm tạ chẳng nổi, tạm cho họ gánh một lon, một chén, biết họ khó tin giáo liễu nghĩa, tạm nói với họ giáo bất liễu nghĩa, tạm được pháp lành lưu hành còn hơn là pháp ác...” [Bá Trượng Ngữ Lục]
Chư Tổ nói "Y kinh giải nghĩa, Tam thế Phật oan" có nghĩa là chấp chặt nơi văn tự mà giải nghĩa, thì oan cho ba đời Đức Phật, mà rời bỏ kinh điển thì lại lạc vào những tà thuyết của ma vương. Vì lời nói của Chư Phật như trên đã trình bày chỉ là phương tiện tạm thời, nghĩa là tùy bệnh cho thuốc. Thuốc trị bệnh của Phật là thuốc phá chấp, nếu chiếu theo văn tự để giải nghĩa, hễ Phật nói Có thì mình chấp cái Có đó là thật, hễ Phật nói Không thì lại chấp cái Không đó là thật, ấy là oan cho Phật. Còn nếu "Ly kinh nhất tự, tức đồng ma thuyết": Kinh là phá chấp, nếu lìa kinh tức còn chấp, còn chấp là ma, không thể giải thoát được.
Ngoài ra, trong Kinh Viên Giác, Đức Phật dạy rằng, giáo pháp của Ngài như ngón tay chỉ mặt trăng, là phương tiện để đạt đến chân lý, cho nên đừng lầm ngón tay là mặt trăng, chân lý không nằm trong Kinh điển. Nếu y theo Kinh điển để giải nghĩa, để tìm chân lý trong những giòng chữ, thì đó chính là chỉ biết nhìn ngón tay mà chưa biết nhìn mặt trăng. Nhưng rời bỏ hẳn Kinh điển đi thì lại có thể rơi vào những điên đảo vọng tưởng. Cũng vì không muốn cho môn đệ chấp chặt rằng kinh điển là chân lý mà thật ra chỉ là phương tiện chỉ bày chân lý cho nên Đức Phật đã nói : "Trong bốn mươi chín năm thuyết pháp ta chưa từng thuyết một chữ" Và chấp lấy phương tiện làm cứu cánh tức là làm oan ức cho Chư Phật, mà bỏ mất phương tiện đi thì cũng không có cách gì đạt đến cứu cánh.
TRÍ MINH