Trong những bài trước, chắc các trò đã biết và hiểu những chiêu trò lừa đảo của loài quỷ. Có lẽ vậy mà ở dân gian người ta đưa từ “quỷ” vào thành ngữ “ quỷ kế đa đoan”, “lanh như quỷ”; “ma đưa lối, quỷ dẫn đường”; hoặc khi nguyền rủa họ hét lên: “Quỷ tha ma bắt mầy đi!”; và cụm từ thường dùng nhất là: “Đồ quỷ”, “Đồ quỷ sứ”…
Tuy nhiên, loài quỷ có khi may mắn được nghe lời dạy của Phật, tỉnh ngộ rồi từ đó liền thay tâm đổi tính. Thời Đức Phật còn tại thế, Ngài từng giáo hóa được Quỷ cái chuyên ăn thịt trẻ con. Còn tôn giả Mục Kiền Liên thỉnh thoảng đến xứ sở loài quỷ hóa độ họ. Đại sĩ Liên Hoa Sanh khi đến Tây Tạng, Ngài chiết phục những loại quỷ ác ở bản địa, giáo hóa chúng trở thành những hộ pháp đạo Phật.
Đại sĩ chiết phục những loại quỷ ác ở bản địa, giáo hóa chúng trở thành những hộ pháp đạo Phật.
Viết đến đây, Thầy nhớ lại một khúc mắc của ai đó khi viết comment trong bài “Đạo Phật từ bi sao lại thờ kẻ sát nhân” (ý chỉ là Quan Công của Đáo Bỉ Ngạn viết) : “Khi Đại sĩ Liên Hoa Sanh đến Tây Tạng chiết phục các loại quỷ trở thành hộ pháp, có gì khác nhau?”. Câu hỏi được nêu cho thấy họ chưa đọc kỹ bài viết của Đáo Bỉ Ngạn, có nghĩa là câu hỏi ngoài phạm trù đề cập trong bài tác giả, nên không trả lời. Tựa như ai đó đang giảng bài về “Kiểu dáng xe đang ngày càng quyết định nâng cao sức mua”, thì lại hỏi về “động cơ mã lực của xe tốt hay chưa tốt, tốt như thế nào?”. Tuy vậy, sẵn đây, Thầy sẽ giải tỏa khúc mắc ấy luôn vậy.
Quỷ thần ở Tây Tạng được Đại sĩ Liên Hoa Sanh giáo hóa thành hộ pháp là những sinh thể siêu hình, họ chỉ là kẻ hỗ trợ, hộ vệ cho người tu hành, nên không thờ tự, không lạy bái, cung kính; tựa như vai trò vệ sĩ đối với thân chủ. Họ phải lo tròn trách nhiệm của họ vì “ông chủ” của họ đã cam kết với Đại sĩ Liên Hoa Sanh. Về sự kiện tương tự như trên, được ghi trong kinh “Địa tạng Bổn nguyện” (phẩm thứ 8) :
“…Ác độc Quỷ vương chắp tay cung kích bạch cùng Đức Phật”: “Bạch đức Thế tôn, khi đi qua sân nhà người ta, hoặc thành thị, xóm làng, vườn cây, buồng nhà, trong đó như có người nam kẻ nữ nào tu được thiện sự bằng mảy lông, sợi tóc, cho đến treo một tràng phan, một bảo cái, và dâng chút hương linh, chút hoa cúng dường tượng Phật, cùng linh ảnh Bồ tát, hoặc chuyển đọc tôn kinh, đốt hương cúng dường cho một bài kệ, một câu kinh, thì hàng Quỷ vương chúng con sẽ kính lễ người đó như kính lễ các đức Phật thuở quá khứ, hiện tại, vị lai. Chúng con ra lệnh cho các tiểu quỷ có oai lực và thần thổ địa đều phải bảo vệ, che chở, chẳng để cho các việc dữ, các tai nạn bất kỳ, hoặc bệnh nan y, bệnh hiểm nghèo bất kỳ, cho đến những việc không vừa ý đến gần chỗ các nhà đó, huống là để cho vào cửa!”…
“Bạch đức Thế tôn, khi đi qua sân nhà người ta…
Như vậy, đoạn kinh trên đã giải thích rõ là người tu đạo Phật, không cần thờ kính các quỷ thần, dù là Quỷ vương, bởi vai vế của ta được họ trọng như là Đức Phật. Ở Tây Tạng có thờ tự quỷ thần hay không, điều đó không quan trọng, bởi lời kinh dạy thì dù là dân tộc nào, quốc độ nào, đều kính cẩn tuân hành. Liên Hoa Sanh Đại sĩ cũng chưa bao giờ bảo ta thờ tự, cung kính, lễ bái quỷ thần, dầu họ là hộ pháp. Sau đây là lời dạy của Ngài: “Khi gặp bất hạnh, nếu không đặt lòng tin vào Tam bảo mà lại cầu viện đến các nghi thức bùa chú, và nương nhờ vào hồn linh thế tục (ý chỉ quỷ thần), đó là dấu hiệu rằng con đã khởi sanh tà kiến về giáo lý Đại thừa. Chớ hoài nghi trước lời dạy của Đức Phật”..( trích “Khai thị của Liên Hoa Sanh, trang 149, NXB Thiện Tri Thức).
Trở lại Quan Công, y là loài người, một nhân vật lịch sử có thật, nhưng tính cách và nghĩa khí của y, chúng ta chỉ được biết qua tiểu thuyết “Tam Quốc chí” của La Quán Trung. Y giết nhiều người, vì quyền lợi tranh bá đồ vương, chứ không phải vì bảo vệ đất nước trước ngoại xâm, như Trần Bình Trọng, nên sau khi y chết, e rằng khó thoát được cửa ải địa ngục, đừng nói gì đến việc được làm Quỷ thần. Nếu là Quỷ thần ta cũng không thờ kính vì “Quy y Phật không thờ Thiên, Thần, Quỷ, Vật”, điều cơ bản nằm lòng đầu tiên của người Phật tử. Còn nếu bảo Y đắc thánh, nên được tôn xưng là Thánh đế Quan Công, thì thiếu cơ sở khoa học biện chứng tâm linh của Phật. Bởi lẽ, Đức Phật dạy “thân người quý hiếm” (kinh Tứ thập nhị chương, và kinh Bảo tích) vì con người có khả năng tu thành Phật, còn các loài khác không có. Vậy thì sao quỷ thần Quan Công lại đắc thánh nhỉ? (Nếu muốn hiểu thêm hãy tham khảo pháp liệu “Phật học Quần nghi” do hòa thượng Thích Thánh Nghiêm luận giải)
Điều này có nghĩa là trong hiện tại họ là gì mới là vấn đề
Từ đây có thể kết luận, “quỷ thần hộ pháp” Quan Công hoàn toàn khác quỷ thần hộ pháp do Liên Hoa Sanh tổ sư khắc chế, rồi giáo hóa. Một bên là sự kiện thực (Liên Hoa Sanh bằng thiên nhãn thấy rõ, dùng thần thông chiết phục); bên kia là giả tưởng, giả thuyết , hư cấu. Người Tàu thường ưa “thần thánh hóa” kiểu đó, họ lại có thói quen ưa đưa”tên tuổi” những vị anh hùng liệt nữ nào đó của nước họ vào “danh sách” các vị thần, thánh, tiên, Phật. Nhiều vị “thánh mẫu” mơ hồ lý lịch cá nhân cũng được đưa vào cụ thể như “Lê Sơn Thánh Mẫu”, “Bà Mẹ sanh mẹ độ”, “Bà chúa Ngũ Hành”, “Thiên Hậu”…
Ngoài ra có luận điểm cho rằng các quỷ thần ấy là hàng Quỷ vương, là hóa thân của đức Bồ tát này, Đức Phật kia, nên ta phải kính bái. Nếu nói vậy, thì Quan Âm Bồ tát là vị Phật cổ, Văn Thù Bồ tát kiếp quá khứ là Thầy của 6 vị Phật, thì tại sao trong kinh điển cho thấy các ngài vẫn bái lễ, tôn kính hết mực trước đức Thế Tôn? Ngược lại, tiền thân Đức Phật cũng có khi là súc sanh, quỷ thần, thì theo đó, chúng ta đừng đảnh lễ? Điều này có nghĩa là trong hiện tại họ là gì mới là vấn đề. Từ điểm tham chiếu thực tại, mà chúng ta bày tỏ thái độ nào.
Có luận điểm cho biết, Tứ đại thiên vương vốn là hóa thân của vị Phật cổ. Thế thì tại sao các ngài vẫn phải chấp pháp thiên sự, mà không được các vị trời khác bái lễ như là bái lễ vị Phật? Hiện tại họ là gì mới là vấn đề. Từ điểm tham chiếu thực tại, chúng ta bày tỏ thái độ nào.
Viết đến đây tôi nhớ lại câu chuyện cách đây 3 năm. Một hôm có người quen đến chơi ở nhà đạo hữu Mật.X, họ thấy không còn thờ thần tài, thổ địa, liền hỏi ra và được biết vì tu theo Phật thì không thờ “thiên, thần, quỷ, vật”. Người này hét toáng lên: “Sao lạ thế, tôi hỏi ông nếu có chuyện gì xảy ra, chẳng hạn như ẩu đả, xô xát, cải vã, thì ai tới giải quyết? Công an khu vực, Tổ dân phố hay Chủ tịch tỉnh, Chủ tịch nước? Cũng vậy, “Đất có Thổ công, sông có Hà bá”?”…
Mới nghe cảm thấy có lý, nhưng xét lại trên bình diện giáo điển Phật môn là trật lất. Vì sao thì Phẩm thứ 8, kinh Địa Tạng vừa nêu trên thì đã giải thích rõ rồi. Đương nhiên, đối với người không tu Phật thì không nên đề cập đến vấn đề này. Riêng người Phật tử, được gọi là con Phật, tức là Hoàng tử, thì đương nhiên các tiểu thần, tiểu quỷ cho đến hàng Quỷ vương phải kính nễ mà hộ đệ. Cũng vậy, ai đó là con Chủ tịch nước đương nhiên phải được vệ sĩ kề cận bảo vệ; nếu là con Chủ tịch tỉnh thì e rằng người khác sẽ không dám đụng đến, mà CSKV chắc phải thường lưu tâm đến an nguy của họ.
Còn câu ngạn ngữ “Đất có Thổ công, sông có Hà bá” là thân phận của những người không tu đạo Phật, nên Quỷ thần dễ dàng lấn át, gây hại.
Mặt khác, trên bình diện oai đức, thì loài người có nhiều oai đức hơn cho nên mới sinh được làm người. Người có oai đức nhiều hơn, có cần phải nễ trọng kẻ thấp hơn mình? Đó là chưa nói gì đến việc kính lễ, thờ cúng! Cho nên, chúng ta là Phật tử, giữ được 5 giới hoặc có thọ được 5 giới, nhân thân chúng ta cao quý tột cùng, là Hoàng tử, Thái tử của đấng Pháp vương Hoàn vũ (tức là Đức Phật). Nếu ta đem thân hoàng tử, thái tử mà lễ lạy, cúng kiếng những hàng Quỷ vương, thì họ nhận lễ nỗi không? Chắc chắn họ không dám nhận vì họ biết mỗi lần như thế họ bị tổn phước nặng nề.
Cầu nguyện cho tất cả những ai theo Phật đừng nên phỉ báng Ngài vì vô tình phạm vào tà kiến!
Song, người tu mù không hiểu lý đạo, cứ vì lòng tham và lễ bái thần tài, cứ vì sợ hãi mà cầu cạnh, thờ cúng quỷ thần..; khiến cho hai bên đều không được lợi ích gì. Đương nhiên, đối với người không tu theo đạo Phật, không thọ giới thì không thành vấn đề, vì họ là người thường đành phải “qua sông lụy đò”.
Riêng người tu Phật, vì hiểu đạo nên từ bi không nên vô tình gây tổn phước cho quỷ thần, mà cứ ngỡ là mình quý trọng họ. Thế gian có danh ngôn: “Nhiệt tình mà không hiểu biết thành ra phá hoại”; thánh ngôn đã dạy: “Tin ta mà không hiểu Ta là phỉ báng ta vậy!”
Cầu nguyện cho tất cả những ai theo Phật đừng nên phỉ báng Ngài vì vô tình phạm vào tà kiến! OM MANI PADME HUM.