Thời xưa, tăng sĩ được cấp độ điệp - một loại chứng minh thư cho phép đi đến chùa nào, nơi nào cũng được tiếp đón. Chùa được phân làm ba loại: đại, trung, tiểu và đều được gọi là danh lam (chữ danh lam ta dùng ngày nay là chỉ vào nghĩa ấy). Nhà nước cấp ruộng đất cho chùa. Nhân dân cũng cúng thêm, gọi là cúng dường. Các nhà tu hành phải tự lao động với số ruộng đất ấy: trồng cây, làm vườn, làm ruộng. Nếu sức làm không đủ, thì chùa được sử dụng thêm những tịnh nhân, là những người đến làm việc cho nhà chùa không lấy công sá, chỉ cần ăn cơm chùa thôi. Ngày nay, vẫn có những người như thế, đến làm công quả, cũng một dạng như các tịnh nhân ngày trước.
Người đến chùa tu, gọi là những người xuất gia. Người xuất gia phải được cha mẹ đồng ý, không bị tàn tật, không nói ngọng, không phạm tội, trốn nợ, và tất nhiên phải được nhà chùa đồng ý. Nam vào tu thì gọi là tăng, nữ gọi là ni.
Xuất gia vào chùa tu phải sau một thời gian ba năm thì được cạo đầu, gọi là xuống tóc. Đây là giai đoạn đầu tiên, được gọi là sa di (tiếng Phạn sramanera) tiếng thông thường gọi là chú tiểu, rồi tiến lên bậc sư bác. Sau một số năm là sư bác - mỗi năm là một lần kết hạ - thì được thụ giới tỳ kheo (cũng đọc là tỳ khưu, tiếng phạn bikhu), được gọi là đại đức hay sư ông. Các vị tỳ kheo đại đức có nhiều tuổi hạ được tôn là thượng tọa, và cao hơn là hòa thượng. Nếu là nữ, ở bậc thượng tọa gọi là ni sư, ở bậc hòa thượng gọi là sư trưởng.
Ở Việt Nam, muốn thành thượng tọa phải có 45 tuổi đời, 25 tuổi hạ. Hòa thượng phải có 60 tuổi đời và 40 tuổi hạ. Hạ là mùa kết hạ mỗi năm một lần. Vào khoảng thời gian từ rằm tháng tư đến rằm tháng bảy, các tăng sĩ quy tụ đông đảo (không được ra ngoài) để thực hành những việc như học tập, tu dưỡng, ở hẳn trong chùa gọi là an cư. Thời gian tập hợp này gọi là an cư kết hạ. Mùa kết hạ được tính để định vị cho từng vị sư đã ở chùa, gọi là một tuổi hạ. Phải có 5 tuổi hạ mới được là sư bác, 10 tuổi hạ mới là sư ông (đại đức). Lên bậc thượng tọa hay hòa thượng, tuổi hạ phải đủ thời gian như đã nói ở trên. Tất nhiên, không phải cứ tính đủ tuổi là được, mà phải được nhà chùa xem xét, có nhất trí công nhận hay không. Lễ công nhận gọi là lễ thụ giới.
Một ngày của tăng ni trong chùa cũng có quy định rõ về cách thức sinh hoạt. Thông thường thì chỉ tụng niệm vào buổi sáng và buổi tối, gọi là hai buổi công phu. Những buổi ấy là phải tụng các thần chủ, đọc các kinh (như kinh A Di Đà, kinh Bát nhã). Giờ giấc làm việc được nhắc bảo bằng những hồi chuông.
Các nhà sư không phải chỉ có việc tụng niệm, mà còn phải lao động: làm vườn, làm ruộng, vì vậy không nên tưởng rằng các sư sãi không biết làm gì. Phải làm mới có ăn, các vị sư đầu tiên ở Việt Nam (sư Bách Trượng, sư Vô Ngôn Thông) nói rõ: bất tác, bất thự (không làm thì không ăn). Vì vậy các chùa Việt Nam có truyền thống "chấp lao phục dịch".
Tài sản của nhà chùa ngày xưa khá lớn. Dưới thời Lý - Trần có những ngôi chùa có đến hàng ngàn mẫu ruộng, hoặc do Nhà nước cấp, hoặc do các bà chúa, các vị quan cung tiến. Sư tiểu không làm xuể thì chính quyền chỉ định hàng ngàn canh phu đến làm ruộng cho nhà chùa. Có những tài liệu cho biết đã có chế độ tam bảo nô, nghĩa là có đông người đến làm nô (cày cấy) cho nhà chùa, nhưng nô đây không có nghĩa là nô tỳ hay nô lệ. Người là tam bảo nô không phải là tá điền, cày ruộng rẽ, nhà chùa không có quyền xử phạt, mà đều do chính quyền địa phương quản lý. Nhà chùa là chủ sở hữu, nhưng không phải là địa chủ, không được phép chia ruộng cho các nhà sư hay nhà ni. Các của cải khác trong chùa cũng có nhiều, đều là tài sản quý: chuông, khánh, tượng, tranh, sách vở v.v… đều là của chùa, thiêng liêng và phải được bảo vệ.
Việc ăn uống của những nhà tu hành rất thanh đạm. Món ăn chính là các loại thực vật. Có dùng đồ mặn, nhưng chỉ được phép dùng muối, vừng, chứ không dùng mắm. Tuy nhiên, nghệ thuật ẩm thực ở các nhà chùa cũng đã có trình độ rất cao. Người ta có thể làm cỗ chay, không kém gì cỗ mặn. Có thể lấy một ví dụ: Nhà chùa kiêng sát sinh, thế mà dọn cỗ lại có món cá. Nguyên liệu mà nhà chùa sử dụng là những quả cà dài, màu tím, dưa chuột, cà chua, hành, bột và các thứ đường, dấm, gừng tươi, rau mùi, hạt tiêu, ớt, thì là, v.v… Chọn quả cà to, cắt khúc, bổ đôi thả vào chậu nước, ngâm cho ra nhựa, lại vớt ra, rửa nước lã, để ráo rồi ướp cà với gia vị. Dưa chuột, cà chua rửa sạch, bỏ hạt thái mỏng, ớt tươi thái chỉ. Đun dầu trong chảo cho nóng già, đập một nhánh gừng vào rồi vớt ra, thả những miếng cà vào rán vàng (rán bằng dầu chứ không rán mỡ). Cà nhúng bột được rán chín, chính là những khúc cá, trông như cá thật. Gắp những miếng cá ấy vào đĩa, cho cà chua và dứa vào chảo xào trước, thêm dưa chuột, hành vào đảo lên. Rưới bát bột đao vào chảo và đảo liên tục, cho thì là vào. Tất cả đổ lên đĩa cá, trên mặt đĩa, rắc rau mùi, ớt thái chỉ, hạt tiêu. Vậy là ta có đĩa cá quả sốt cà chua rất đậm đà. Còn nhiều cách chế biến nữa: cơm chay có thể có cá bống tẩm bột, nộm gà xé phay, v.v… Còn nếu không muốn cầu kỳ như vậy chỉ cần giữ cái hương vị thanh tịnh của người quy y, thì làm bát canh rau muống tương gừng, bát canh dưa nấu lạc để có thể "trường trai" mà không phải ăn chay giả mặn.
Về y phục, những nhà tu hành đều mặc áo cà sa (tiếng Phạn kasaya), thường là màu nâu hoặc vàng, may bằng nhiều mảnh vải ghép lại: có áo ghép đến 25 mảnh. Sư ở nước ngoài không dùng màu áo như ở Việt Nam. Có thể có những áo ghép bằng nhiều mảnh chữ nhật, có màu ngũ sắc, người ta gọi là áo bách nạp.
Một ngày của người tu hành trong nhà chùa phải theo đúng giờ giấc quy định, lấy tiếng chuông (lớn hay bé) mà nhắc nhủ. Khoảng năm giờ sáng đã có chuông cho tất cả mọi người bước vào giờ tọa thiền. Một lần tọa thiền gọi là một công phu. Có công phu buổi sáng và công phu buổi chiều. Tiến hành công phu tức là phải tụng kinh. Trước và sau khi ăn sáng đều tụng kinh. Ăn sáng rồi, mỗi người đi làm việc theo phận sự của mình (dọn dẹp Phật đường, gánh nước, bổ củi, hoặc làm vườn, làm ruộng). Buổi trưa ăn cơm đúng giờ Ngọ, ăn xong vào chính điện, đi ba vòng quanh tượng Phật, vừa đi vừa niệm. Thế là xong buổi sáng. Nghỉ trưa rồi lại đi làm phận sự như buổi sáng. Đến tối, lại tiếp tục việc tọa thiền.
Tọa thiền cũng có cả hình thức gọi là tham thiền. Các sư tiểu, sư bác,… được gặp gỡ những bậc thượng tọa để hỏi han về giáo lý, về phép tu dưỡng. Gặp gỡ đông gọi là đại tham, gặp gỡ riêng gọi là tiểu tham. Người đến hỏi được tiếp chuyện riêng, chỉ có một mình. Nhiều trường hợp đây là dịp thuận lợi cho kẻ hỏi han được ngộ đạo.
Các vị thượng tọa hay hòa thượng cũng có khi không ở mãi trong chùa mà được đi ra ngoài. Người ta gọi đấy là những cuộc vân du. Vân du là đi hái thuốc trên núi, đi giảng pháp ở các nơi, đi làm lễ cho các tín đồ hoặc dân chúng ở các địa phương hoặc gặp gỡ những người có đạo hạnh khác, mở trường ở các nhà chùa, hoặc lập riêng các ngôi chùa nhỏ. Họ đã phát huy ảnh hưởng Phật, ảnh hưởng nhà chùa bằng hình thức này.
Những người sùng mộ việc tu, có người xuất gia, có người chỉ ở nhà mình, không đến chùa, gọi là tu tại gia. Ở nhà như vậy, vẫn có nhiều vị xuất sắc, vừa có đạo đức, vừa có trình độ Phật học cao, người ta gọi đó là các cư sĩ. Tu tại gia thường là phải có những ngày trong tháng tuân theo các quy định sinh hoạt giống như người ở chùa (hoặc họ có thể xin vào chùa chỉ ở một ngày một đêm, hôm sau lại trở về đời thường trong gia đình mình). Người tu tại ia vẫn phải tâm niệm các điều giới Phật (*) và ăn chay.
Chú giải:
* Ví dụ, tu tại gia theo Bát quan trai giới thì có 8 điều:
- Không sát sinh
- Không trộm cướp
- Không tà dâm
- Không nói dối
- Không uống rượu
- Không dùng phấn sáp, dầu thơm
- Không nằm giường cao
- Không ăn uống ngoài giờ quy định.