'' Sống trên đời này, người giàu sang cũng như người nghèo khó,
Trời đã ban cho, ta cám ơn Trời cuộc sống hôm nay,
Mai kia chết rồi, trở về cát bụi thì cũng như nhau”…
Lời bài hát: “Trở về cát bụi” sáng tác của Minh Kỳ như nhắc nhở ai còn quá đam mê vật chất hãy sống sao cho xứng đáng của một kiếp làm người, sống vì mọi người và hãy làm những điều có ích cho đời.“Ai ơi ăn ở cho lành, tu thân tích đức để dành về sau"! Chúng ta hãy thưởng thức và suy ngẫm từng lời trong bài hát ấy, chúng ta sẽ thấy rằng cuộc sống tạm bợ này là cơ hội cho chúng ta học hỏi tiến hoá. Những thứ như “nhà lớn lầu vàng son” hay “lợi danh chức quyền cao sang” chỉ là “nước trôi qua cầu”. Chúng nó rất mong manh, rất phù du, có rồi lại mất.Vì thế, “cuộc sống mong manh xin nhắc ai đừng đổi trắng thay đen”, “Này người giàu sang đừng vì tham tiền phụ nghĩa anh em”, “Xin người nhớ cho ta là cát bụi, trở về cát bụi”……Khi trở về với cát bụi thì thể xác ai cũng như ai, ai cũng phải bỏ lại thể xác hư hoại, bỏ lại tất cả tiền tài, danh vọng và sự nghiệp.
Đa số nhân loại vẫn còn chìm trong bóng tối của Tham, Sân, Si và chúng ta phải mang lấy nhiều đau khổ một cách đáng thương tâm. Vì sao ? Vì con người chúng ta luôn cố chấp nên không nhận ra được bản ngã của mình để rồi phải mãi đắm chìm trong bể khổ trầm luân. Chúng ta luôn vấp phải những khuyết điểm do Tham ,Sân, Si mà chúng ta không hề hay biết hoặc chúng ta không chịu chấp nhận là chúng ta cũng đang có những biểu hiện của Tham, Sân, Si. Chúng ta mãi lo về vật chất, mãi lo tranh giành quyền lợi để rồi cát bụi cũng sẽ phải trở về với cát bụi mà thôi. Và vô tình chúng ta sẽ phải nhận lãnh bao nhiêu nghiệp quả do chính chúng ta tạo ra từ Tham, Sân, Si. Chúng ta cần phải suy ngẫm để hiểu rõ ràng hơn bản chất của Tham, Sân, Si để tiêu diệt tận gốc cỏ “Tham, Sân, Si” giúp tâm hồn chúng ta được trong sáng hơn.
Tham là gì? Tham là sự thèm khát, sự ham muốn của con người về vật chất chủ yếu như:Tham tiền, Tham sắc, Tham danh, Tham ăn và Tham ngủ… “Tham cái của mình thì rất khó bỏ được. Còn tham của người ở ngoài thì dễ bỏ”. Thí dụ, chúng ta cứ khư khư giữ lấy của cải của ta làm ra, mất đi một đồng là ta đau đớn, xót xa. Như vậy, chúng ta rất khó bỏ tánh tham ấy vì chúng ta luôn bảo thủ rằng của cải đó do ta làm ra thì dại gì đem cho người khác? Còn tham của người như nhà lầu cao lớn hay địa vị cao sang thì chúng ta dễ bỏ đi ý tưởng đạt được những thứ ấy hơn. Tất cả những sự Tham ấy làm cho chúng ta phải mất nhiều thời gian, tiền của, ảnh hưởng không ít đến đời sống tinh thần của chính chúng ta. Con người càng tham lam, bỏn xẻn thì sẽ càng nghèo khổ, lầm than vì chính Tham là gốc của nghèo khổ.
Đầu tiên, chúng ta tham là Tiền. Chúng ta nghĩ rằng có tiền thì sẽ có tất cả vì tiền sẽ giúp chúng ta trong việc mua sắm, ăn uống và những gì chúng ta mong muốn trong thế giới vật chất. Có những người quên ăn, quên ngủ để kiếm cho thật nhiều tiền của, để trang hoàng cho cuộc sống xa hoa của mình. Hơn thế nữa, có những người chỉ vì tiền mà đánh mất lương tri của mình, làm điều sai trái, phụ nghĩa vong tình, tham sang phụ khó, hiếp đáp kẻ dưới và cũng có thể là kẻ sát nhân tàn bạo như hiện nay. Vì vậy, chúng ta hãy nghĩ đến lợi ích của người khác trước khi nghĩ đến lợi ích của mình bởi vì trong lợi ích của tập thể luôn luôn tồn tại lợi ích của cá nhân. Mỗi người vì mọi người thì cuộc sống này sẽ rất có ý nghĩa và đẹp đẽ biết bao nhiêu. Nếu chỉ vì lợi ích cá nhân thì một ngày nào đó lợi ích ấy cũng bị mai một, bị lãng quên và chúng ta lại phải sống trong cảnh cô đơn, hiu quạnh trên đống tiền vô nghĩa.
Thứ hai, chúng ta tham là Sắc. Cái sắc chỉ là bề ngoài, rất dễ tàn phai theo năm tháng nhưng chúng ta vẫn bám theo chúng và lệ thuộc một cách mù quáng vào cái tạm bợ ấy. Cũng vì sắc mà các chàng trai, cô gái sẵn sàng dùng mọi thủ đoạn để gây thù oán nhau, tranh giành lẫn nhau đến mất hết lương tâm. Khi ra đường nếu thấy người đẹp thì chúng ta cứ chiêm ngưỡng sắc đẹp đó chứ đừng quá ham mê và tìm mọi cách để sở hữu riêng thì không đúng, thấy nhiều người có nhà cao cửa rộng trang hoàng lộng lẫy thì chúng ta lại ganh tị, so đo và ngày đêm đau khổ để rồi cũng chẳng có kết quả gì nếu chúng ta không bình tâm và cố gắng làm việc. vì sắc mà hao mòn tâm trí, hãy sống bình thản, ung dung, tự tại thì chúng ta sẽ cảm thấy dễ chịu hơn, tinh thần thoải mái hơn để làm những việc cần phải làm trong hiện tại.
Thứ ba, chúng ta tham là Danh. Có chức có quyền sẽ cho chúng ta nhiều cơ hội thăng tiến trong cuộc sống. Nhưng nếu chúng ta quá đam mê chức quyền mà không trau dồi phẩm hạnh, trau dồi kiến thức đáp ứng nhu cầu xã hội thì chức quyền kia sẽ bị mai một và chúng ta sẽ dễ dàng lợi dụng nó để làm những điều sai trái hại nước, hại dân. Có những người vì ham mê chức quyền mà đánh mất nhân phẩm của mình, bỏ tiền ra mua chức nhưng không có năng lực, không có đạo đức nên chức quyền kia vô cùng nguy hiểm gây ra bao nhiêu mất mát và thiệt hại lớn cho nhân loại và bản thân người ấy cũng không kém thiệt hại về sau. Danh lợi kia có rồi lại mất thì tại sao chúng ta lại phải đau khổ vì nó? Hãy sống đúng đắn, làm việc tận tụy và cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao để phục vụ đất nước và nhân dân.
Thứ tư, chúng ta tham là Ăn. Ăn là nhu cầu cung cấp dưỡng chất cho cơ thể nhưng đừng vì tham ăn mà đánh mất nhân cách của mình, làm cho người khác nhìn vào có những ý nghĩ không đẹp về mình. Thí dụ, trong một dĩa trái cây có 5 trái táo, nếu ai cũng chọn những trái ngon, đẹp thì những trái bị nứt, bị sâu sẽ dành lại cho ai đây? Do vậy, người không tham ăn sẽ chọn những trái xấu ăn trước và nhường lại cho người khác những quả táo ngon hơn. Đừng vì miếng ăn mà chúng ta nổi nóng, quạu quọ ảnh hưởng đến những người xung quanh. Có thì ăn không có thì ta vẫn dửng dưng, như vậy chúng ta mới giảm bớt bao buồn phiền không đáng có. Cũng không ít người khi ăn uống thì ăn lấy ăn để mà không hề để ý đến người khác, họ ăn thật nhiều, lựa hết những phần ngon trong mâm mặc kệ người khác có ăn hay không miễn mình no là đủ rồi. Đôi khi họ không kìm chế được mà ăn quá mức so với nhu cầu của cơ thể để rồi một ngày nào đó họ bị mang nhiều thứ bệnh do ăn uống gây ra như: béo phì, lục phủ ngũ tạng bị suy yếu dần do làm việc quá tải để điều tiết những thức ăn dư thừa hằng ngày và tinh thần luôn mệt mỏi do cơ thể phải chống chọi với bao bệnh tật.Tham ăn chẳng ích lợi gì cho cơ thể mà đôi khi còn có hại. Vì vậy chúng ta chỉ nên ăn vừa đủ để bảo đảm sức khoẻ làm việc tốt, giúp ích cho đời.
Thứ năm, chúng ta tham là Ngủ. Ngủ là để cơ thể chúng ta phục hồi trở lại sau những giờ làm việc mệt nhọc nhưng ngủ quá nhiều sẽ không tốt. Ngủ nhiều làm giảm trí nhớ, ngủ nhiều thì chúng ta không có đủ thời gian để làm những công việc cần thiết và làm chúng ta có cảm giác lúc nào cũng lười lao động vì ngủ sướng hơn. Nhưng sống mà không làm việc thì có xứng đáng kiếp làm người không? Để rồi sau đó thì mọi thứ như dừng lại, công việc như bế tắc và chúng ta sẽ dậm chân tại chỗ, không có cơ hội để phát triển. Có người mỗi ngày đã ngủ đủ 6-8 tiếng đồng hồ rồi nhưng vẫn thích nằm ngủ đến hàng giờ, buông lơi mọi công việc mà đáng lẽ hôm đó phải hoàn tất. Từ đó sinh ra lười biếng, ngại lao động và đây cũng là một trong những nguyên nhân gây ra bệnh béo phì do cơ thể thiếu vận động. Do đó, chúng ta hãy ngủ với thời gian hợp lý, đừng vì tham ngủ mà quên đi nhiệm vụ, bổn phận của mình trong kiếp sống hiện tại.
Ngoài 5 điều Tham cơ bản trên, con người chúng ta còn vấp phải chữ Sân. Sân là thế nào? Sân là tự mình nổi giận cho mình, rất dễ hờn mát, dễ ganh tị, tự cao, tự đại và luôn oán trách người khác nếu họ không làm theo ý mình vân vân và vân vân. Khi con người chúng ta có sẵn lòng Tham thì dễ dàng nổi nóng, sân hận. Chuyện gì làm họ mất đi quyền lợi thì họ giận hờn, ganh tị hay thù ghét người khác. Thấy chuyện phật lòng thì cau có, khó chịu. Họ hay so đo, tính toán và không nhìn thấy được cái sai trái của mình, lúc nào cũng nghĩ rằng mình là đúng, còn người khác thì sai. Họ hay lên mặt dạy đời, xem ta đây tài giỏi hơn người. Khi có người đóng góp ý kiến bảo họ là không đúng thì họ tỏ ra hờn giận, không vừa ý. Nhưng khi khen họ, tâng bốc họ thì họ khoái chí một cách mù quáng không biết đâu là thật và đâu là giả. Thế rồi họ sống trong ảo tưởng của khung trời tạm bợ mà họ là người duy nhất tài giỏi, không có người nào giỏi hơn. Như thế họ sẽ không có cơ hội học hỏi từ nhiều người khác và cuối cùng họ chẳng được gì ngoài những nghiệp lực chất chồng bởi khi nổi Sân thì người ta rất dễ gây ra nghiệp từ Thân, Khẩu và Ý. Điều này là rất xấu làm cho chúng ta dễ dàng bị bế tắc trên con đường tiến hoá.
Vì vậy, chúng ta phải biết giữ gìn Thân, Khẩu và Ý. Giữ Thân là đừng để thân thể mình bị ô trược bởi những cám dỗ vật chất, phải biết quý trọng thân thể người khác như chính thân thể của mình, không nên đánh đập, hành hạ thân thể người khác cũng như của muôn loài, vạn vật. Khi Sân nổi lên thì chúng ta rất dễ vi phạm, không giữ được Thân và thẳng tay đánh đập người khác hay giết chết những loài vật một cách vô tội vạ và như thế sẽ gây nên vô số nghiệp.Thí dụ, nghe chuyện của người mà không rõ đầu đuôi mà nổi nóng đánh người một cách vô lý thì sẽ tạo ra nghiệp từ Thân. Sau này sẽ bị nghiệp tương tự như lúc mình gây cho người khác.
Giữ Khẩu là phải giữ lời nói sao cho trong sáng, dịu dàng, không làm ảnh hưởng đến tâm tư, tình cảm của người khác. Lời nói phải chân thật, không nói đâm thọc, không nói sau lưng người khác để cho người xa nhau, thù ghét nhau và xa rời nhân nghĩa. Trong cuộc sống, đa số người ta khi bị Sân nổi lên thì sẽ không kiềm chế được và sẽ rất dễ nói những lời thô tục, mất văn hoá và như vậy cũng sẽ tạo ra vô số nghiệp mà ta không hề hay biết. Nhìn thấy chuyện của người thì hãy lấy đó làm bài học kinh nghiệm cho bản thân mình và khuyên răn con cháu . Đừng bao giờ mang chuyện xấu của người để làm những câu chuyện mua vui hoặc nói tới, nói lui gây tam sao thất bản làm cho người hiểu lầm rồi oán trách nhau. Hãy học hỏi từ những điều tốt của họ và tránh đi những điều chưa tốt của họ. Chúng ta hãy đặt mình trong hoàn cảnh của người khác thì chúng ta sẽ dễ dàng thông cảm, sẻ chia những nỗi buồn, nỗi đau khổ của người khác cũng như của muôn loài vạn vật. Như vậy chúng ta sẽ tránh được bao nghiệp do khẩu chúng ta gây ra.Thế cho nên chúng ta hãy luôn luôn nhớ câu: “Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Khi chúng ta nghĩ xấu về một người nào đó và chúng ta để dòng tư tưởng suy ra những điều không đẹp về người ấy thì sẽ tạo ra nghiệp từ Ý bởi vì thực chất người ta không phải như mình nghĩ chỉ vì do ý tưởng của mình suy ra mà thôi.
Giữ Ý là giữ cho tư tưởng luôn trong sáng, đừng nghĩ xấu người khác mà hãy luôn nghĩ về những cái tốt của họ, dùng ý chí nghị lực để xua đi những tư tưởng xấu. Nếu ta không tiêu diệt những tư tưởng xấu đó thì một ngày nào đó chúng sẽ ăn sâu vào tư tưởng chúng ta và như vậy vô tình ta đi theo ma vương mà ta cũng không hề hay biết. Khi nghiệp từ Thân, Khẩu, Ý xuất hiện tức là chúng ta phải trả nghiệp trong đau khổ của thể xác và tinh thần thì làm sao chúng ta có đủ thời gian để tu học. Mỗi hành động, lời nói, việc làm và ý nghĩ của chúng ta đều tạo nên nghiệp bất cứ lúc nào nếu chúng ta không quan tâm, kiểm soát chúng. Vì vậy, chúng ta hãy nói những điều tốt, hãy làm những việc có ích cho người khác và hãy suy nghĩ cho chín chắn trước khi xuất ngôn cũng như ngăn chận kịp thời những tư tưởng xấu khi chúng xuất hiện.
Tham, Sân xuất phát từ Si. Vậy Si là gì? Si là si mê, là mù quáng, là không phân biệt chân giả của vấn đề, không kìm chế được bản thân. Khi bị si mê thì họ dễ dàng sa vào cạm bẫy của thế giới đầy vật chất, sống chỉ vì Danh, Lợi, Tình mà quên đi con đường tu học để sớm thoát khỏi kiếp sống đau khổ triền miên. “Si mê từ bản thân mình thì rất khó bỏ, còn si mê người đàn ông hay đàn bà bên ngoài thì bỏ rất dễ”. Chính vì Si mà con người dễ dàng nổi Sân và làm cho người ta trở nên tham lam, độc ác.“Tham, Sân, Si cũng giống như cỏ dại trong tâm chúng ta, nếu chúng ta nhổ được cỏ tham, sân, si trong tâm thì chúng ta dễ thành công trên đường tu học”.Khi chúng ta rơi vào cửa ngỏ của Si thì chúng ta như có xác mà không hồn. Chúng ta mất tự chủ, không kìm chế được bản thân nên dễ dàng bị sa vào những cạm bẫy của vật chất, của Danh, Lợi, Tình. Chẳng hạn, có người rất mê tiền. Hằng ngày, cứ đếm đi, đếm lại những đồng tiền mình dành dụm được như là một thú vui của mình. Nhưng đến khi phát hiện mất một đồng thì họ vô cùng đau xót, mất ăn, mất ngủ chỉ vì tiếc nuối đồng tiền bị mất. Thậm chí, có người trở nên điên dại vì bị mất đi số tiền quá lớn. Những chuyện vô nghĩa ấy đã cướp đi bao nhiêu thời gian quý báu của họ và còn khiến họ trở nên tàn phế suốt đời chỉ vì si mê Tiền. Đối với người này, nếu có ai cho họ tiền thì họ rất vui mừng và sẵn sàng làm những chuyện sai trái miễn sao kiếm được nhiều tiền. Họ không để ý đến việc họ làm như vậy có đúng hay không, có hại cho người khác hay không? Một sự si mê cuồng dại rất là nguy hiểm. Hoặc là chàng trai si mê cô gái thì suốt ngày chỉ biết có cô gái ấy chẳng biết những người xung quanh nghĩ gì. Anh ta làm tất cả những gì cô gái ấy yêu cầu dù yêu cầu đó vô cùng vô lý. Cô gái ấy sẽ dẫn anh ta đi xuống địa ngục mà anh ta cũng không hề hay biết chỉ vì anh ta quá mê cô gái ấy, một sự si mê mù quáng để đánh mất cả cuộc đời mình. Kết quả anh ta sẽ được gì khi thời gian năm tháng nhan sắc ấy cũng tàn phai, cô gái ấy cũng phải trở về cát bụi như chính anh ta. Có chăng là anh ta sẽ nhận lãnh bao nghiệp chất chồng vì những hành động, việc làm không đúng của mình dù là do người khác điều khiển. Như vậy, có xứng đáng của kiếp sống làm người không?
Chúng ta hãy cố gắng tiêu diệt tận gốc Tham, Sân, Si và rèn luyện phẩm chất đạo đức hằng ngày để sống theo lời dạy của Đức Phật:
“Sống không giận,
Không hờn, không oán trách
Sống mỉm cười
Với thử thách chông gai.
Sống vươn lên,
Theo kịp ánh ban mai
Sống chan hoà,
Với những người chung sống.
Sống là động,
Nhưng lòng luôn bất động
Sống là thương,
Nhưng lòng chẳng vấn vương.
Sống yên vui,
Danh lợi mãi coi thường.
Tâm bất biến,
Giữa dòng đời vạn biến”
PHƯƠNG DUNG Sưu tầm