PHẬT GIÁO VỚI QUAN NIỆM CẦU AN, CẦU SIÊU
Rõ ràng, mình chính là vị cứu rỗi cho chính mình, chứ không hề có một năng lực nào khác nữa. Vậy thì, tại sao trong sinh hoạt của đạo Phật lại có mặt lễ cầu an và cầu siêu? Có phải điều đó đi trái lại với tinh thần đức Phật đã chỉ dạy? Có phải ta đang giao phó toàn bộ cuộc đời cho một đấng khuất mặt nào đó?
Đức Phật đã đặt toàn bộ con đường vào đôi chân của chúng ta, và chính chúng ta phải tự đi trên những hướng đường để đến đích. Thế Tôn không phải là một vị thần linh ban ân sủng hay trừng trị bất kỳ ai. Ngài chỉ là vị thầy thuốc trị liệu thân tâm tài giỏi, đã bào chế ra rất nhiều bài thuốc hay. Ngài cũng chỉ là một vị dẫn đường tốt, luôn chỉ dẫn con đường đúng đắn và an toàn nhất cho mọi người về nơi an toàn. Uống thuốc hay đi theo con đường đó không, là tùy vào sự nhận thức và trách nhiệm của mỗi người (Kinh Di Giáo).
Toàn bộ giáo lý ngài truyền trao lại chính là những bài thuốc và con đường dẫn đến hạnh phúc ấy. Việc còn lại là chính tự thân mỗi chúng ta tự quyết định lấy.
Chúng ta hãy lắng lòng để cảm nhận thêm một điều mà bậc thầy của trời người đã từng khẳng quyết:“Những ai sau khi Như Lai diệt độ, tự mình là ngọn đèn cho chính mình, tự mình nương tựa chính mình, không nương tựa một pháp gì khác; dùng Chính pháp làm ngọn đèn, dùng Chính pháp làm chỗ nương tựa, không nương tựa vào một pháp gì khác, những vị ấy là những vị tối thượng” (Trường bộ, Kinh Đại Bát Niết Bàn, thứ 16). Chúng ta, những đệ tử Phật, hiểu gì qua những lời dạy ngắn ngủi đó?
Rõ ràng, mình chính là vị cứu rỗi cho chính mình, chứ không hề có một năng lực nào khác nữa. Vậy thì, tại sao trong sinh hoạt của đạo Phật lại có mặt lễ cầu an và cầu siêu? Có phải điều đó đi trái lại với tinh thần đức Phật đã chỉ dạy? Có phải ta đang giao phó toàn bộ cuộc đời cho một đấng khuất mặt nào đó?
Mỗi một chúng ta đều chứa đầy đủ hạt giống của từ bi và trí tuệ, nhưng bên cạnh đó cũng xen lẫn rất nhiều hạt giống xấu ác. Chính hạt giống xấu ác này, nếu được chăm sóc kỹ lưỡng và thường trực thì sẽ nẩy mầm lớn mạnh, sẽ khỏa lấp tất cả những tâm thức tốt đẹp.
Cần có một sức mạnh để chuyển hóa. Người chuyển hóa giống như một người nông dân cầy ruộng và gieo hạt, biết cầy thế nào là đúng cách, khi nào là đúng thời và gieo những hạt giống nào trong thời tiết nào để nó phát triển tốt và cho năng suất cao.
Sự chuyển hóa ấy đôi lúc cũng cần đến những tác động bên ngoài, cũng giống như người bệnh cần thuốc để điều trị, người lạc lối cần nghe theo người dẫn đường thông minh.
Chúng ta cũng cần một lời kinh thức tỉnh, một người thầy khai sáng để tâm trí được đánh thức sau những tháng ngày dong ruổi ngủ mê quên đường về an trú trong hạnh phúc chân thật. Cầu an hay cầu siêu là một trong những pháp thực tập để ta nhận ra những nhiệm mầu và nhận ra sự trở về chân thật đó.
Tổ chức một buổi lễ cầu an hay cầu siêu tại nhà hoặc tại chùa, đó là việc làm rất ý nghĩa, rất có giá trị, nếu chúng ta thực hiện với suy nghĩ chân chính (Chính tư duy) và cái nhìn đúng đắn (Chính kiến).
Trước tiên, chúng ta nói về mục đích Cầu An.
Cầu An là hai từ ngắn ngủi nhưng bao hàm nhiều nghĩa. Từ “An” thì ai cũng hiểu rồi. An tức là sự an ổn, an lạc, thanh thản, bình yên, chung quy là tất cả những gì đem tới sự thảnh thơi trong cuộc sống chén cơm, manh áo, bát gạo, đồng tiền, trên phương diện vật chất lẫn tinh thần. Còn chữ “Cầu” theo quan niệm Phật giáo thì thật rộng rãi và sâu sắc. Cầu ở đây không phải là cầu xin, là van xin, là quỵ lụy trước một đấng thần siêu hình có khả năng hô mưa gọi gió, ban ơn giáng nạn.
Cầu có nghĩa là mơ ước, là mong muốn, là nguyện vọng, là hướng nhìn về một vấn đề gì. Mình mơ ước học giỏi thì không thể chỉ ngồi đó mà ảo vọng từ năm này qua năm khác, phải cần nỗ lực học tập thì ước mơ đó mới có thể thành sự thật. Mình mong muốn có một cuộc sống đầy đủ thì không thể ngày nào cũng lười biếng nhác nhớm chẳng chịu làm việc, hay la cà quán rượu quán cà phê mà thèm khát một tương lai tươi sáng được. Phải hết lòng làm việc dựa trên khả năng, sức lực và nhân đức của mình thì mong muốn ấy mới không còn là giấc mơ, nó sẽ thành sự thật. Cũng vậy, khi nguyện vọng, ao ước về một cuộc đời bình an cả vật chất lẫn tinh thần thì mình phải biết cách sống trọn vẹn với tâm nguyện đó.
Thường thường chúng ta suy nghĩ rằng, khi nào gia đình thật sung túc về tiền bạc thì khi đó gia đình mới yên ổn ấm no được. Hẳn nhiên, tiền bạc của cải là một trong những nhân tố không thể thiếu để quyết định vào đời sống của chúng ta. Nhưng bạn thử đi tới một ông giám đốc, một vị bộ trưởng để hỏi thẳng: Ông có cảm thấy hạnh phúc và an lạc thật sự hay không? Người đó có thể sẽ trả lời bạn bằng một cái lắc đầu, họ không trả lời bằng miệng. Cái lắc đầu đó cho bạn biết họ rất thiếu thốn về một cuộc sống bình dị yên ổn. Cái vỏ bọc bên ngoài vẫn thường đánh lừa chúng ta rất tài tình. Nhà càng lớn họ càng thấy cô đơn trống vắng. Địa vị càng cao họ càng thấy lo lắng sợ hãi.
Trong lúc đó, có những người nông dân, những thợ thuyền tầm thường lại được sống rất nhẹ nhàng thoải mái bên cạnh gia đình mình. Có thể vật chất họ không đầy đủ, nhưng hạnh phúc họ là vô bờ bến. Và chính hạnh phúc trong tâm hồn đã nuôi dưỡng, đã vỗ về, đã chỉ dạy cho cả gia đình họ nhận ra được giá trị chính thực của cuộc đời, thấy được bạc tiền không phải là thước đo của hạnh phúc, mà một nội tâm vui vẻ, người thân hòa đồng quý trọng nhau mới là hạnh phúc rất thật. Họ là những người biết “thiểu dục tri túc”, ít tham muốn và luôn luôn biết vừa đủ. Những nhà nghiên cứu tâm lý đạo đức cũng từng xác định về vấn đề này:
“Trong lĩnh vực khoái cảm vật chất, khoái cảm càng mạnh thì càng ngắn ngủi. Cường độ của khoái cảm tỷ lệ nghịch với độ dài thời gian tồn tại. Trong lĩnh vực những khoái cảm về tinh thần, nhân tố thời gian có một vai trò hoàn toàn khác: thời gian tác động có lợi cho con người. Ở đây không có qui luật tỷ lệ nghịch, ngược lại, cường độ khoái cảm càng cao trong lĩnh vực này thì nó càng kéo dài” (Banzeladze, Ðạo đức học, Nxb. Hà Nội, 1985).
Đó mới là cái An mà đệ tử Phật cần Cầu.
Cha mẹ luôn thương yêu nhau. Con cái luôn quý mến cha mẹ. Mọi người trong gia đình luôn biết ngồi lại chia sẻ, lắng nghe nhau trong sự cảm thông sâu sắc, trong sự tin tưởng tuyệt đối, trong sự không phán xét tất cả niềm vui nỗi buồn. Thực tập như vậy chúng ta sẽ đi dần đến và sống chung với hạnh phúc bền vững. Sự an lạc đâu cần phải tìm kiếm từ bên ngoài. Chính mỗi một thành viên trong xã hội này đều có thể tự tạo dựng cho mình đời sống an ổn và hạnh phúc đúng nghĩa. Sẽ chẳng bao giờ có hạnh phúc đúng nghĩa, nếu lòng chúng ta chưa an. An ổn và hạnh phúc đó được bồi đắp trên tình thương, sự tôn trọng, sự bảo vệ mạng sống và sức khỏe của nhau, nghĩa là chúng ta phải thực tập năm giới căn bản của đệ tử Phật: Không giết hại, không trộm cắp, không tà hạnh trong các dục, không nói dối, không uống rượu bia và sử dụng các chất gây rối loạn tâm trí.
Buổi lễ cầu an để nhắc nhở chúng ta một lần nữa ý thức rõ rệt về vấn đề thực tế này.
Bây giờ, chúng ta nói về mục đích Cầu Siêu.
Cầu Siêu là một việc làm tâm linh, vì vậy, chúng ta cần đem toàn bộ tâm linh ra để thực hiện. Tâm linh tất là tấm lòng sáng suốt, thấy được bản chất của cuộc đời khi mình biết vận dụng tâm trí một cách đầy hiểu biết và đúng phương pháp. Cầu siêu, đó cũng là cơ hội để chúng ta nhìn lại vào tự thân, nhìn lại ý nghĩa mình có mặt trên cuộc đời.
Khi nói đến cầu siêu, chúng ta sẽ nghĩ ngay đến một nghi thức hành lễ chỉ để dành riêng cho người thân quá cố, với ước mong thông qua buổi lễ, người thân yêu đã mất của mình nhờ vào uy thần Tam Bảo tiếp dẫn mà được sinh về một cõi tốt đẹp nào đó, như thế giới Cực lạc của đức Phật A Di Đà, thế giới thanh tịnh trang nghiêm của đức Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai.
Ước nguyện đó vô cùng chính đáng và cần được thực tập trong cuộc sống. Nhưng giá trị một buổi lễ cầu siêu không chỉ có như vậy mà thôi. Sự cầu nguyện bằng một thời kinh cùng sự thành tâm của chư Tăng, của gia đình sẽ tạo ra những năng lượng truyền thông tốt. Năng lượng truyền thông ấy có thể ví như một làn gió mát thổi qua sa mạc nóng bức, như chén nước thơm trong cho kẻ đi đường cơ khát, như ngọn lửa sưởi ấm lòng những mùa đông. Sự cầu nguyện sẽ tác động mạnh mẽ lên tâm thức của người quá cố cũng như của người sống còn, khiến họ biết hướng tâm về điều thiện, hướng tâm về nẻo sáng để có được những chuỗi ngày tiếp theo được sống trong hạnh phúc và bình yên siêu thoát.
Người nhà trong lúc phát tâm hành lễ cầu siêu, sẽ có cơ hội tiếp xúc với những người thân yêu đã qua đời trong bao nhiêu thế hệ. Mình sẽ thấy mình là sự tiếp nối rõ rệt nhất trong dòng chảy huyết thống của gia đình. Giống như một đóa hoa sau khi tỏa hương dâng hiến cho đời, sẽ héo tàn và rụng xuống miền đất lạnh. Thông thường chúng ta nghĩ rằng đóa hoa đó đã tàn, đã chết, đã mất hẳn trên cuộc đời. Nhưng mà sự thật thì không phải vậy. Nếu quan sát kỹ, nếu có cái nhìn đúng, chúng ta phải thấy rằng, đóa hóa đó rụng xuống, hòa tan vào đất, hóa thành phân bón và trở lại nuôi dưỡng cây, để cái cây tiếp tục phát triển và nở những đóa hoa hiến dâng cho cuộc đời tiếp theo. Một đóa hoa như thế thì làm sao mà chết, mà mất hẳn được. Đóa hoa trước đã hóa thân rất nhiệm mầu, đã có mặt rất nhiệm mầu trong những đóa hoa tiếp theo. Cuộc tương duyên tồn sinh cứ nối dài mãi mãi. Tổ tiên ông bà cha mẹ chúng ta cũng vậy, khi có cái nhìn đúng về bản chất cuộc đời, chúng ta phải biết rằng họ không bao giờ mất. Tổ tiên ông bà cha mẹ đã hóa thân nhiệm mầu, đã có mặt nhiệm mầu trong mỗi một hơi thở, trong từng tế bào, từng suy nghĩ của con cháu họ. Và chúng ta từ đó không bao giờ cảm thấy mất đi những người thân yêu, chúng ta mãi hoài không bao giờ mồ côi, mãi hoài vẫn cài lên ngực bông hồng tươi thắm.
Cầu siêu là một tiếng chuông nhắc nhở cho tất cả biết rằng, người thân của chúng ta đang có mặt, và ta đang được gặp gỡ, nói chuyện rất thật với họ thông qua thân thể và tâm thức ta. Cho nên, thể hiện là một người con có hiếu có tình thì khi người thân của mình qua đời, không có cách gì ý nghĩa hơn bằng việc chúng ta phải chăm sóc cơ thể và tâm thức ta đúng cách, có nghĩa là càng ngày phải nỗ lực khiến nhân cách hoàn thiện, sống biết kính trên nhường dưới, biết quý trọng những thành viên trong gia đình cũng như ngoài xã hội. Làm được vậy tức là chúng ta đang tiếp nối đời sống tổ tiên ông bà cha mẹ một cách xứng đáng và tròn hiếu đạo. Đừng để khi những người xung quanh mất đi thân mạng rồi mới khóc lóc, hối hận thì thật muộn màng và đáng thương.
Đạo Phật không phải chỉ nói suông. Đức Phật luôn đưa ra những phương pháp thực tập rất cụ thể để mỗi người sống theo. Việc giữ gìn thân thể và tâm thức có nhân cách, điều căn bản chính là việc chúng ta giữ gìn năm giới mầu nhiệm của đệ tử Phật: không được giết hại mạng sống kẻ khác, không được gian tham trộm cắp làm hư hao tài sản kẻ khác, không được tà hạnh trong các dục gây ra đổ vỡ hạnh phúc gia đình, không được nói dối dẫn đến sự chia rẽ ân tình, không được uống rượu bia và sử dụng các sản phẩm độc hại rối loạn tâm trí dẫn đến sự đánh mất tự chủ về lời nói, hành động và suy nghĩ của mình. Giữ gìn năm giới căn bản đó, tức là ta tự đảm bảo được hạnh phúc cho ta, cho gia đình và xây dựng sự hòa hợp thân ái với những người xung quanh, cũng ngay lúc ấy, như đã nói, chính là khi chúng ta thật sự đền đáp được thâm ân nuôi dưỡng dạy dỗ của cha mẹ và tiếp nối dòng dõi tổ tiên ông bà một cách xứng đáng.
Kinh Pháp Hoa kể lại câu chuyện về một vị thầy thuốc nổi tiếng tài giỏi có rất nhiều người con. Trong lúc ông đi xa chữa bệnh, những đứa con ở nhà, do không có hiểu biết chính xác, đã uống nhầm phải các loại thuốc độc. Khi ông trở về nhà thì những đứa con đang rên la thống khổ thân tâm vì bị chất độc xâm hại với rất nhiều biểu hiện tướng trạng bệnh tật khác nhau, khóc la tha thiết xin cha chữa lành bệnh cho.
Vị thầy thuốc mới tìm hiểu bệnh tình, chế biến những loại thuốc quý và hiệu quả lập tức để cứu con mình. Những đứa con tâm trí sáng suốt thì tin vào tài năng cha mình, nhanh chóng uống thuốc và liền khỏi bệnh. Những đứa con mà tâm trí quá rối loạn thì vẫn tin cha mình mà không chịu uống thuốc, cứ bảo rằng đã có cha bên cạnh, mình cần gì phải uống thuốc, thế nào cha cũng có cách khiến mình khỏi bệnh. Vì nhận thức sai lầm đó nên bệnh càng kéo dài và càng thêm hệ lụy.
Người cha biết những đứa con đang ỷ lại nơi mình và sẽ không bao giờ lành bệnh nếu không uống thuốc, nên tìm cách trốn đi và dùng phương tiện nhờ người về báo với những đứa con rằng cha họ đã chết. Những đứa con buồn rầu, biết cha đã chết, không còn cha bên cạnh để cứu mình nữa, mới nhớ đến thuốc cha bào chế, liền uống vào và khỏi bệnh. Nghe tin đó, người cha mới trở về và cho con mình gặp mặt.
Đức Phật và những bậc giác ngộ ví như ông thầy thuốc. Chúng ta, nếu chưa giải thoát, còn mê lầm trong điên đảo tâm, điên đảo tưởng, điên đảo tình, điên đảo kiến thì ví như những đứa con đang trúng độc. Thuốc chính là những giáo lý đưa đến sự đoạn trừ khổ đau do hành động và nhận thức sai lầm về cuộc đời. Hình ảnh uống thuốc ví cho sự thực hành những phương pháp đó.
Phương pháp Phật chỉ bày là để thực tập, để hành trì chứ không phải chỉ để tin, để ỷ lại, để cầu nguyện suông, để hiểu suông, hay chỉ đặt trên bệ thờ mà chiêm ngưỡng. Cầu an, cầu siêu, và tất cả những phương pháp khác, đều là những pháp sống. Đạo Phật là đạo của sự sống, của sự tiến bộ chứ không phải là những nội dung chết khô trên mảng lý thuyết hay nguyện cầu. Chúng ta phải luôn luôn khắc nhớ như vậy.
Đó chính là ý nghĩa cao cả và nhiệm mầu mà mỗi lần phát tâm tổ chức lễ cầu siêu hay cầu an, chúng ta nên nắm vững và thực tập, để buổi lễ thật sự đem lại lợi ích một cách sâu sắc cho người thân yêu đã qua đời cũng như cho người còn sống.
(Phật Tử Việt Nam)