BỐ THÍ với CÚNG DƯỜNG TAM BẢO
PHƯỚC BÁO NÀO LỚN HƠN ?
Kinh Ưu-bà-tắc Giới, Đức Phật nói:
Nếu bố thí cho súc vật, được phúc báo trăm lần.
Bố thí cho người phá giới, được phúc báo nghìn lần.
Bố thí cho người trì giới, được phúc báo trăm nghìn lần.
Bố thí cho ngoại đạo ly dục, được phúc báo trăm vạn lần.
Bố thí cho người hướng tâm về Phật đạo, được phúc báo nghìn ức lần. Cúng dường cho vị tu-đà-hoàn, được phúc báo vô lượng.
Cúng dường cho vị tư-đà-hàm cũng được phúc báo vô lượng, cho đến cúng dường vị đã thành Phật, cũng được phúc báo vô lượng.
Nay Ta phân biệt các loại phúc điền cho các ông rõ.
Nếu người hết lòng thương xót bố thí cho súc vật, thì phúc báo này ngang bằng với phúc báo của người chí thành cung kính cúng dường chư Phật.
Nói ‘được phúc báo trăm lần’ nghĩa là người bố thí cho súc vật, đời sau được sống lâu, sắc đẹp, mạnh khỏe, an lạc, biện tài gấp trăm lần. Tùy theo từng đối tượng bố thí mà được phúc báo tăng tiến lên đến vô lượng.
Như Ta đã nói trong khế kinh: ‘Ta bố thí cho Xá-lợi-phất, Xá-lợi-phất cũng cúng dường cho Ta, nhưng Ta được phúc báo nhiều, chứ không phải Xá-lợi-phất được phúc báo nhiều’.
Có người nói: ‘Người nhận vật bố thí mà làm ác, thì tội cũng ảnh hưởng đến thí chủ’. Nghĩa này không đúng. Vì sao? Khi thí chủ bố thí là vì dứt trừ cái khổ cho người kia, chứ chẳng phải làm cho họ tạo tội. Do đó, thí chủ sẽ được quả báo tốt đẹp, còn người nhận tạo ác thì tự chuốc lấy tội báo, không liên quan gì đến thí chủ.
Có người hỏi: Nếu cúng dường cho bậc thánh, được phúc rất nhiều. Vì sao kinh nói: “Người trí thực hành bố thí không chọn lựa phúc điền?”
Đáp: Nay giải thích ý nghĩa này có nhiều cách, để nói người bố thí có phân biệt người trí và kẻ ngu; đối tượng được bố thí có phân biệt bi điền và kính điền.
Bi là bố thí cho người nghèo khổ. Kính là cúng dường tam bảo. Bi thì ruộng phúc kém mà tâm lớn. Kính là ruộng phúc lớn mà tâm nhỏ. Nếu dùng tâm lớn mà cúng dường Phật, thì phúc báo không bằng bố thí cho người nghèo khổ”.
Cho nên, Kinh Tượng Pháp Quyết Nghi ghi: “Có các chúng sinh thấy người khác gom góp tiền của để tạo phúc, chỉ vì cầu danh, nên họ cũng dốc hết của cải trong nhà để đem bố thí, nhưng khi thấy người nghèo cùng, cô độc đến xin, thì lại mắng chửi, xua đuổi, không cho một đồng. Người như vậy gọi là làm thiện một cách điên đảo. Tạo phúc ngu si, điên đảo như thế gọi là tạo phúc không chân chính. Những hạng người này thật đáng thương xót! Họ bố thí của cải rất nhiều, nhưng được phúc rất ít.
Này thiện nam tử! Có lần, Ta bảo đại chúng:
Nếu người cúng dường mười phương chư Phật, các vị bồ-tát và chúng thanh văn trong a-tăng-kì kiếp cũng không bằng người thí cho súc vật một vốc cơm, ngụm nước. Phúc báo này hơn phúc báo cúng dường kia gấp trăm trăm nghìn vạn ức, vô lượng vô biên. Ngay cả thí cho các loài chó đói, trùng kiến v.v... cũng được phúc báo như vậy. Cho nên, bi điền là tối thắng”.
Luận Đại Trí Độ ghi: “Như Xá-lợi-phất dâng cúng Phật một bát cơm, Phật liền quay sang cho chó ăn, rồi hỏi Xá-lợi-phất:
Ai được phúc nhiều hơn? Xá-lợi-phất thưa:
Theo như con hiểu về ý nghĩa Phật pháp, thì Phật cho chó ăn được phúc nhiều hơn”.
Nếu căn cứ vào ý nghĩa kính pháp trọng người và giai vị tu hành, thì kính điền là thù thắng. Cho nên, kinh Ưu -bà-tắc Giới ghi: “Nếu bố thí cho súc vật được phúc báo trăm lần, cho đến cúng dường vị tu-đà-hoàn được phúc báo vô lượng. Cúng dường vị a-la-hán, bích-chi vẫn không bằng cúng dường Phật, huống gì là các loài khác”.
Nếu căn cứ vào tâm bình đẳng mà thực hành bố thí, thì không luận là bi hay kính, hễ bố thí với tâm bình đẳng thì được phúc rất lớn. Cho nên, kinh Duy-ma ghi: “Phân làm hai phần, một phần dâng cúng Đức Phật Nan Thắng Như Lai, một phần đem cho người ăn xin thấp hèn nhất trong thành. Hai phúc điền này bằng nhau”.
Kinh Hiền Ngu ghi: “Sau khi Đức Thế Tôn xuất gia, di mẫu của Ngài là Ma-ha Ba-xà-ba-đề đã tự tay dệt lụa, may thành một tấm y màu vàng. Lòng bà luôn trông ngóng, chỉ chờ Phật về để dâng cúng. Thế nên, vừa gặp Phật, di mẫu vô cùng vui mừng, liền đem tấm y dâng cúng.
Bấy giờ, Đức Phật bảo Kiều-đàm-di:
Di mẫu nên đem tấm y này đến cúng dường chúng tăng! Ba-đề lại bạch Phật: Từ khi Đức Thế Tôn xuất gia, di mẫu thương nhớ ngày đêm, nên tự tay dệt lụa mà lòng mong mỏi đợi chờ. Cúi mong Đức Thế Tôn thương xót mà nhận tấm y này!
Phật bảo di mẫu:
Biết di mẫu một lòng muốn dâng cúng Như Lai, nhưng cúng dường với tâm thương yêu thì phúc báo không lớn, nếu đem cúng dường chúng tăng thì được phúc nhiều hơn. Như Lai biết rõ điều này, nên khuyên di mẫu như thế”.
Kinh Cư Sĩ thỉnh Tăng Phúc Điền ghi: “Thỉnh riêng năm trăm vị a-la-hán không bằng theo thứ tự thỉnh cúng một phàm phu tăng. Trong giáo pháp của Ta, không có phép nhận thỉnh riêng. Nếu người nào thỉnh tăng riêng thì chẳng phải đệ tử của Ta, vì đó là pháp của lục sư ngoại đạo, là điều bảy Đức Phật quá khứ đều không chấp nhận”
DƯƠNG HOÀNG HẢI