NÊN HỌC KINH NHƯ THẾ NÀO ?
Khi học kinh ta nên kiểm lại xem mình học kinh với mục đích gì ? Nếu nghiên cứu kinh điển, tầm chương trích cú, suy luận diễn giải mà không biết áp dụng vào cuộc sống để tu tâm sửa tính thì đó chỉ là thu thập kiến thức, nhiều khi trở thành "Sở tri chướng".
Hiện nay người tu học thường quan tâm đến sự giải thích về con đường tu hơn là chính con đường, thích chú trọng vào những lý thuyết và hình thức khác nhau của Phật giáo thay vì liên hệ đến những kinh nghiệm tu tập của chính mình.
Có những người rất thông minh, biết đủ loại giáo lý, biết về lý Trung Quán, Tính Không, Bát Nhã, Hoa Nghiêm, Pháp Hoa, v.v... Nhưng lại không biết mình có những tính hư, tật xấu nào cần phải sửa. Do đó những cái lý cao siêu kia sẽ mãi mãi chỉ là lý như bao nhiêu triết lý khác, không giúp ích gì được cho việc tu hành chuyển hóa khổ đau.
Ngược lại với kiến thức là tín ngưỡng, thích thờ lạy, lễ bái, xem kinh như một thứ thần chú hay bùa hộ mạng, tụng kinh để cầu xin điều này điều nọ, không chịu học hỏi để hiểu và tu tập. Nghe ai nói tụng kinh này linh, kinh kia tốt thì làm theo, thành tâm tin tưởng, tụng hết bộ này đến bộ khác. Siêng năng tụng kinh như vậy cũng tốt, vì trong lúc tụng thì miệng không nói bậy, tuy không hiểu nghĩa nhưng lời Kinh không ít thì nhiều cũng rơi vào tâm thức chờ một thuận duyên nào đó sẽ nở ra hạt giống trí tuệ.
Học mà không tu (thực hành) là cái đãy đựng sách, là một thư viện biết đi. Tu mà không học là tu không hiểu. Đức Phật có nói: "Tin ta mà không hiểu ta là phỉ báng ta". Tại sao vậy ? Vì đạo Phật là đạo cứu khổ bằng tuệ giác chứ không phải bằng cầu xin, đức Phật là người giác ngộ chỉ cho ta con đường thoát khổ chứ Ngài không thể cứu ta bằng thần thông. Nếu chỉ muốn tin Phật mà không học hiểu thì đó là mê tín, xem Phật là Thần Thánh ban phúc giáng họa... Đó không phải phỉ báng Phật là gì ? Học kinh để hiểu Phật, tin Phật và làm theo lời Phật thì niềm tin này là hoa trái, kết quả của tuệ giác, là chính tín chứ không phải mê tín. Chính tín là một loại tín ngưỡng trong sạch giúp con người trở nên đạo đức. Là phật tử chúng ta có niềm tin nơi Tam bảo, khi khổ đau thì có chỗ trở về nương tựa, đó là một điều may mắn.
Mọi tiến trình tu tập cần trải qua ba giai đoạn : (Văn - Tư – Tu). Văn là nghe. Tư là suy nghĩ. Tu là sửa. Học hỏi kinh điển là văn, tụng kinh cũng là văn vì miệng tụng và tai lắng nghe lời dạy của Phật. Nhưng nếu học mà không sửa là kiến thức suông, có Văn - Tư mà thiếu Tu. Còn tụng mà không học hỏi nghĩa lý thì biết đâu mà sửa, có Văn mà không có Tư và Tu, dễ rơi vào mê tín.
Bởi thế cách học đạo thông minh là mỗi khi đọc hay học một Kinh nào đó, ta nên suy nghĩ và trả lời những câu hỏi như sau :
- Đại ý kinh này nói gì ?
- Làm sao áp dụng kinh này vào đời sống hằng ngày ?
- Nếu áp dụng thì được lợi ích gì ?
- Có giúp ta bớt khổ hay không ?
- Có giúp ta trở nên thánh thiện hơn không ?
Nếu một kinh nào áp dụng vào đời sống hằng ngày, giúp ta bớt khổ, chuyển hóa được nội kết và tính xấu thì ta nên đọc tụng thường xuyên để nó đi vào tâm khảm nhắc ta tu hành. Học kinh như vậy mới có lợi ích.
Nguồn : Thầy Thích Trí Siêu